TIÊU ĐIỂM |
Sơn La:
Dự kiến xuất khẩu 8.100 tấn nhãn
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 15.000 héc-ta nhãn, sản lượng nhãn năm nay ước khoảng 73.000 tấn quả, tăng gần 14% so với năm 2018.
Vụ nhãn năm nay, tỉnh Sơn La dự kiến sẽ xuất khẩu 8.100 tấn nhãn vào các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, nhãn sẽ được tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại như: Siêu thị BigC, Hapromart, hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng tiện ích Vinmart+ và hệ thống các siêu thị khác với số lượng khoảng 3.400 - 3.800 tấn. Số còn lại phục vụ tiêu thụ, chế biến nội tỉnh và các thương lái mua gom để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Từ trước đến nay, Sơn La là một trong những địa phương quan tâm đến việc xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của bà con. Tại chuỗi phân phối của Hà Nội, nhãn Sơn La đã trở thành một trong những đặc sản địa phương được ưa chuộng. Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, những năm gần đây, Sơn La rất quan tâm đến việc sản xuất các sản phẩm an toàn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm của địa phương trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Hà Nội - với sức mua hơn 10 triệu dân và hệ thống thương mại, bán lẻ hiện đại - rất mong muốn được đón nhận các sản phẩm an toàn của tỉnh Sơn La để đưa vào phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Đến nay, Sơn La đã xây dựng được 16 chuỗi cung ứng nhãn an toàn với hơn 510 héc-ta, trong đó, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I đã cấp 16 mã số vùng trồng nhãn cho 75 héc-ta phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, năm nay, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn và những mặt hàng nông sản an toàn, hàng loạt sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn La được địa phương tổ chức trong tháng 7 - 8. Cụ thể, tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và xuất khẩu tại Lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp); tổ chức Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 tại siêu thị Big C Thăng Long, Hapromart và Lotte Mart; tổ chức Ngày hội Nhãn sông Mã và Lễ công bố xuất khẩu nhãn năm 2019 tại huyện Sông Mã... Trong đó, Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 được tổ chức tại Siêu thị Big C Thăng Long dự kiến có 25 - 30 gian hàng của 20 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tuần lễ được tổ chức nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm nông sản an toàn, tạo thói quen mua sắm, tiếp cận với các sản phẩm nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quảng bá, xây dựng và phát triển sản phẩm nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La, từ đó nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng đối với việc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất. Tiếp nối ngay sau đó, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nhãn. Cụ thể: Sự kiện “Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019” tại siêu thị Lotte Mart (229 Tây Sơn, Hà Nội); tại Siêu thị Hapro Mart (136 Quang Trung, Hà Nội). Khai trương quầy hàng giới thiệu nông sản an toàn, xuất khẩu, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La tại Nhà khách Thanh Xuân (378 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Tham gia giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La tại sự kiện Tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh. Tại tỉnh Sơn La, UBND huyện sông Mã sẽ tổ chức Ngày hội Nhãn Sông Mã từ ngày 3/8 - 5/8; Lễ công bố xuất khẩu nhãn năm 2019 ngày 3/8. Tại thành phố Sơn La, sẽ khai trương quầy hàng giới thiệu nông sản an toàn, xuất khẩu, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La từ ngày 21 - 25/8; Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La từ ngày 8 - 12/9…
Thông qua hàng loạt sự kiện trên, tỉnh Sơn La hướng tới đảm bảo tiêu thụ cơ bản sản lượng nhãn niên vụ 2019 khoảng 73.000 tấn với diện tích trồng nhãn đạt hơn 15.000 héc-ta, diện tích nhãn được cấp chứng nhận VietGap là 232 héc-ta.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Cà Mau:
Giá chuối tăng nhờ có nhà máy chế biến
Thời gian gần đây, bà con trồng chuối ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau rất phấn khởi khi giá chuối tăng cao và đầu ra ổn định.
Nguyên nhân là do Nhà máy chế biến chuối sấy tại xã Khánh Bình Tây Bắc đã hoạt động ổn định, tăng cường thu mua nguyên liệu, phục vụ chế biến cung ứng sản phẩm ra thị trường. Đây là nhà máy của Công ty Đại Đô với công suất khoảng 3.000 tấn chuối sấy/năm. Lúc đầu, nhà máy còn trong quá trình vận hành nên việc thu mua nguyên liệu thường bị gián đoạn. Tuy nhiên, hiện nay khi đã hoạt động ổn định, nhà máy bắt đầu tăng cường thu mua. Thời điểm này, giá chuối nguyên liệu được công ty thu mua từ thương lái trung gian khoảng từ 3.000 - 3.200 đồng/kg, còn thương lái thu mua tại vườn của người dân khoảng từ 2.500 - 2.800 đồng/kg. Hiện tại, Công ty Đại Đô chủ yếu sấy chuối gia công cung cấp cho đối tác ngoài tỉnh. Công ty cho biết đang hướng tới việc tự sản xuất, đóng gói, dán nhãn thành phẩm, xây dựng thương hiệu chuối sấy Cà Mau cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, điều mà công ty băn khoăn là nguồn nguyên liệu tại địa phương cung ứng để nhà máy hoạt động thường xuyên sẽ như thế nào bởi việc ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu giữa doanh nghiệp với người dân còn gặp trở ngại.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 6.000 héc-ta chuối, tập trung chủ yếu tại các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình với sản lượng hơn 100.000 tấn/năm. Việc có nhà máy chế biến nguyên liệu tại chỗ sẽ mở ra hướng phát triển cho cây chuối tại địa phương thời gian tới. Tuy nhiên, để nhà máy hoạt động ổn định và thu hút thêm các nhà máy sản xuất sản phẩm từ chuối đặt tại địa phương rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cũng như xây dựng cầu nối gắn kết, giải quyết hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện liên kết chuỗi.
Gia Lai:
Bí đỏ mất mùa
Thời tiết bất lợi khiến hàng trăm héc-ta bí đỏ của bà con xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai giảm năng suất. Vì thế, mặc dù giá bán tăng cao nhưng người trồng bí vẫn thua lỗ.
Những triền đất bazan màu mỡ của Chư Đăng Ya là nơi lý tưởng để canh tác nhiều loại nông sản đặc sản: Khoai lang mật, dong giềng, bí đỏ… Với đặc thù không có hệ thống thủy lợi cung cấp nguồn nước tưới nên bà con hầu như chỉ canh tác được một vài loại cây trồng ngắn ngày trong giai đoạn mùa mưa, khi cây trồng có thể tận dụng nguồn nước trời. Trong đó, bí đỏ là một trong những loại cây được trồng khá phổ biến. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết bất lợi, bí gặp sương muối nên năng suất rất kém. Hiện bà con chỉ thu được khoảng 1 - 2 tấn/héc-ta, trong khi mọi năm có thể đạt khoảng 5 - 6 tấn/héc-ta. Do bí đỏ mất mùa, khan hiếm nguồn hàng nên giá thu mua bí tại ruộng được các thương lái trả khá cao. Từ đầu vụ đến nay, giá bí tại ruộng bình quân dao động 9.000 – 13.000 đồng/kg. Đây là mức giá bí cao “kỷ lục” ở Chư Đăng Ya vì trước nay, giá bí đạt “đỉnh” cũng chỉ ở ngưỡng 7.000 – 8.000 đồng/kg và thấp nhất là 3.000 – 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng bí thu lãi rất ít, thậm chí lỗ vốn nếu chi phí đầu tư cao.
Nhờ đất đai màu mỡ nên cây bí ở Chư Đăng Ya phát triển tốt, ít phải đầu tư, chăm sóc, chất lượng bí thơm ngon. Các năm trước, bí đỏ đem lại nguồn thu khá ổn định cho người trồng, đồng thời tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động người Jrai ở các làng lân cận. Theo ước tính, năng suất bí đỏ giảm trung bình trên 50% so với mọi năm. Với mức giá và năng suất như vụ năm nay, các hộ tự lo được khoản công, đất mới đảm bảo có lời. Những hộ phải thuê mướn nhân công, máy móc… thì huề hoặc có thể bị lỗ vốn.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Huyện Krông Pắc (Đắk Lắk):
Xây dựng 400 héc-ta sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP
Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng sầu riêng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản, huyện đang thực hiện dự án sản xuất sản phẩm sầu riêng theo hướng bền vững chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự án có quy mô 400 héc-ta sầu riêng tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp xanh Bơ, Sầu riêng xã Ea Yông và các hộ gia đình tại xã Ea Yông, Ea Kênh. Tham gia Dự án, nông dân được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện gắn vòng truy xuất nguồn gốc từ vườn cây, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau khi thu hái; cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm…
Bình Thuận:
Thanh long chính vụ được giá
Từ tháng 6 đến nay là thời điểm thanh long chính vụ đến ngày thu hoạch. Nếu các năm trước, giá thanh long giảm mạnh thì vụ này giá có xu hướng tăng nhanh. Hiện giá thu mua thanh long ở Bình Thuận ở mức 16.000 - 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với tuần trước đó và tăng 40% so với năm ngoái. Trong khi đó, theo tiết lộ của một người trồng thanh long lâu năm, thanh long chính vụ thường chỉ 8.000 đồng/kg là đã có lãi. Tuy nhiên, năm nay giá tăng nên người trồng lãi cao. Nguyên nhân khiến giá luôn ở mức cao hơn so với mọi năm là do Trung Quốc tăng thu mua. Mặt khác, nông dân Bình Thuận đang hướng đến trồng thanh long sạch để có thể xuất khẩu đến nhiều thị trường thế giới.
Bà Rịa - Vũng Tàu:
Giá măng cụt giảm mạnh so với đầu mùa
Theo thông tin từ các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong những ngày qua, giá măng cụt liên tục giảm, chỉ bằng 1/2 so với đầu mùa. Cụ thể, thương lái thu mua mang cụt tại vườn chỉ 15.000 – 17.000 đồng/kg, giảm hơn phân nửa so với đầu vụ. Tại các chợ truyền thống, giá bán măng cụt giảm còn 30.000 – 35.000 đồng/kg (đầu vụ từ 50.000 – 65.000 đồng/kg), tại các siêu thị bán lẻ như Vinmart +, Co.op Mart, Lotte Mart giá dao động từ 50.000 – 75.000 đồng/kg, giảm khoảng 15% so với đầu vụ. Nguyên nhân giá giảm là do đang trong thời gian nở vụ, nguồn cung dồi dào.
Đồng bằng sông Cửu Long:
Vịt thương phẩm tăng giá
Hiện vịt thương phẩm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thương lái thu mua với giá 46.000 đồng/kg, cao hơn tuần trước 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhu cầu thịt vịt đang tăng cao do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Vịt siêu thịt CP được các thương lái thu mua tại chuồng giá 6.000 đồng/kg, vịt chạy đồng 42.000 - 43.000 đồng/kg. Với giá này người chăn nuôi lãi khá.
Thời gian qua, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển nghề nuôi gia cầm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, nuôi vịt cạn được người chăn nuôi chú ý quan tâm. Mô hình nuôi vịt trên cạn có ưu điểm là nhanh xuất bán, bán được giá cao. Đặc biệt không tốn nhiều diện tích và sử dụng ít nước.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Vĩnh Linh - Quảng Trị:
Thu nhập bền vững từ khoai môn
Hiện nay, bà con nông dân các xã vùng Đông huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đang hối hả thu hoạch môn lấy củ kịp thời cung cấp cho thị trường. Môn là một loại cây trồng ngắn ngày cho thu nhập cao, ổn định.
Đầu vụ, giá khoai môn dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, đến nay giữa vụ giá môn lên đến 10.000 đồng/kg. Trung bình mỗi héc-ta củ môn cho năng suất 18 đến 20 tấn củ, nhân với giá bình quân 9.000 - 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí công lao động và tiền mua phân hữu cơ, mua giống, bà con thu lãi khá. Theo tính toán sơ bộ, trung bình mỗi héc-ta môn cho thu nhập từ 150 - 170 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các cây trồng khác…
Cây môn được người dân Vĩnh Linh bắt đầu trồng vào thời điểm tháng 7, tháng 8 năm trước với những giống chủ yếu như môn sáp, môn nịch, môn tây và thu hoạch vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 âm lịch năm sau. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch khoai môn, bà con không cần mang đi bán xa, các tư thương thu mua sản phẩm tại ruộng rồi sau đó phân phối cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Môn trồng tại đất đỏ Vĩnh Linh ngon nổi tiếng, củ bở, ăn thơm ngon nên nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Đây là một lợi thế lớn để khoai môn Vĩnh Linh xuất khẩu sang các nước khác, tăng giá trị trên cùng diện tích đất so với các cây trồng ngắn ngày khác.
Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có hơn 500 héc-ta cây môn được huyện quy hoạch phát triển trên diện tích tại các xã vùng trung du và gò đồi, ven biển. Từ đó cây môn được trồng tập trung hơn và nhanh chóng trở thành cây trồng ngắn ngày, lợi thế nhất ở vùng này.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Phạt vi phạm sử dụng điện để khai thác thuỷ sản
Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản, mức phạt về hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt đến 50 triệu đồng.
Các mức phạt cụ thể như sau: Dùng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Dùng kích điện hoặc dùng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản phạt từ 15 - 20 triệu đồng nếu tàu cá dưới 12 mét; từ 20 - 30 triệu đồng nếu tàu cá từ 12 - 15 mét và từ 30 - 40 triệu đồng nếu tàu cá từ 15 mét trở lên. Dùng điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, người có hành vi dùng điện để khai thác thủy sản còn có thể bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3 - 6 tháng… Bên cạnh đó, bà con ngư dân nên lưu ý đến quy định về ngư cụ khai thác thủy sản. Theo đó, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên. Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không đánh dấu ngư cụ hoặc đánh dấu ngư cụ không đúng quy định. Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp. Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản. Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
HÀNG VIỆT |
Giấy thông hành để măng cụt Dầu Tiếng vươn xa
Từ một vùng đất khô cằn, gánh trên mình nhiều bom mìn trong thời kỳ kháng chiến, đến nay, Dầu Tiếng đã vươn lên mạnh mẽ. Theo thời gian, cây măng cụt cũng đã thích nghi và phát triển trên vùng đất này, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ đồng bào.
Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) vừa phối hợp với Phòng Kinh tế huyện và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ công bố nhãn hiệu tập thể “Măng cụt huyện Dầu Tiếng”. Kể từ đây, măng cụt Dầu Tiếng đã có giấy thông hành để vươn ra thị trường xa hơn, bền vững hơn.
Sau hơn 2 năm thực hiện, cuối tháng 6/2019, nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng đã chính thức được trao tận tay những người nông dân trồng măng cụt của tỉnh Bình Dương. Đây là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với nông dân trên địa bàn huyện Dầu Tiếng bởi sản phẩm họ bỏ công trồng trọt, chăm sóc đã được dán tem đúng quy chuẩn và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép lưu hành. Điều này khẳng định, măng cụt Dầu Tiếng không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp thuần túy mà còn được bảo vệ thương hiệu khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể còn là một tấm giấy thông hành để các sản phẩm măng cụt Dầu Tiếng vươn ra thị trường thế giới. Có thể nói, việc phát triển tài sản trí tuệ đối với măng cụt Dầu Tiếng không chỉ hứa hẹn nâng tầm trái măng cụt mà còn tạo bước đệm cho nhiều sản phẩm khác của tỉnh khẳng định thương hiệu của mình. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của người dân và doanh nghiệp, khuyến khích từng địa phương, doanh nghiệp và hộ nông dân nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau gìn giữ và phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng.
Nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng được huyện Dầu Tiếng tổ chức thực hiện từ năm 2016 tại các vườn măng cụt chất lượng cao ở 2 xã Thanh Tuyền và Thanh An với mô hình “Nhà quản lý - Nhà vườn - Nhà khai thác” theo các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường, an toàn thực phẩm theo quy trình, tiêu chuẩn thực hiện nông nghiệp tốt (GAP). Đặc biệt, tại xã Thanh Tuyền, những năm gần đây, măng cụt trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân trong xã. Hiện toàn xã có khoảng 200 hộ trồng măng cụt. Trong đó, trên địa bàn xã có 6,6 héc-ta măng cụt của 9 hộ dân được cấp chứng nhận VietGAP. Năm nay, các chủ vườn cây măng cụt ở Thanh Tuyền rất phấn khởi vì măng cụt cho sản lượng cao, lại bán được giá. Hiện giá bán tại vườn là 50.000 - 55.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận hàng chục triệu đồng, thậm chí hơn trăm triệu đồng cho mỗi gia đình.
Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã phối hợp triển khai nhiều chương trình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phân bón cho người nông dân. Chính những chính sách hỗ trợ thiết thực này đã góp phần hình thành và phát huy vai trò của mô hình trồng cây măng cụt tại Dầu Tiếng.
Toàn huyện Dầu Tiếng hiện có 650 héc-ta cây ăn quả, trong đó được tỉnh Bình Dương quan tâm đầu tư Dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản (măng cụt) tại xã Thanh Tuyền. Đến nay, cơ quan chức năng đã cấp chứng nhận VietGAP cho 6,6 héc-ta măng cụt tại xã Thanh Tuyền đạt yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt. Dự án này hướng dẫn người dân chăm sóc cây măng cụt áp dụng kỹ thuật theo quy trình sản xuất sạch.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)