Thông tin giá cả thị trường số 32/2018

02:47 PM 08/08/2018 |   Lượt xem: 4308 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Miền Bắc: Được mùa nhãn

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, niên vụ nhãn 2018 của các tỉnh miền Bắc sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9/2018. Do thời tiết thuận lợi cho cây nhãn, tỷ lệ đậu quả đạt 95%, dự báo sản lượng cao, nhãn sẽ được mùa.

Sơn La: Đẩy mạnh tiêu thụ nhãn

Cụ thể, hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc là Sơn La với 7.826 héc-ta cho thu hoạch trên tổng số 12.257 héc-ta diện tích trồng nhãn và Hưng Yên với 4.200 héc-ta cho thu hoạch trên tổng số 4.340 héc-ta diện tích trồng nhãn. Ngay từ đầu niên vụ nhãn 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tổ chức làm việc với các địa phương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Những năm gần đây, việc sản xuất nhãn đã được hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên chú trọng nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh áp dụng thâm canh cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, ứng dụng công nghệ nano bạc, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGAP.

Sơn La hiện có 60 hợp tác xã trồng nhãn với diện tích hơn 950 héc-ta; trong đó, có 12 hợp tác xã được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 238 héc-ta, sản lượng ước tính đạt 1,594 tấn; được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Asean với diện tích khoảng 61,3 héc-ta, sản lượng khoảng 500 tấn.

Hiện Sơn La đang duy trì được 27 chuỗi quả an toàn; trong đó, có 13 chuỗi sản xuất nhãn an toàn với 457 héc-ta, sản lượng 4.012 tấn. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “nhãn Sông Mã”.

Hưng Yên: Phát triển nhãn VietGAP

Tỉnh Hưng Yên cũng có 3 vùng nhãn với diện tích 62 héc-ta đạt tiêu chuẩn VietGAP; được cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Mỹ với diện tích 70 héc-ta. Do thời tiết vụ đông 2017 - 2018 có rét sớm, rét nhiều, nên năm nay hầu hết diện tích nhãn của Hưng Yên đều ra hoa đậu quả rất sai. Sản lượng quả cho thu hoạch ước đạt sẽ trên 40.000 tấn (tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước). Hiện nay, trà nhãn sớm đã cho thu hoạch, giá bán tại vườn dao động ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhiều hộ đã được thương lái đến đặt mua nhãn sớm ổn định với giá 35.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước).

Để tiêu thụ hết sản lượng nhãn của địa phương, tỉnh Hưng Yên đã có kế hoạch tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm nhãn quả tại thành phố Hưng Yên và khu đô thị Ecopark. Tuy nhiên, để tránh lặp lại hiện tượng được mùa rớt giá, bên cạnh việc kích cầu tiêu thụ nhãn quả ăn tươi, tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh công tác chế biến sau thu hoạch, nhằm tạo ra các sản phẩm nhãn cùi tươi đóng lọ và nhãn nguyên cùi sấy khô (long nhãn). Hiện tại, ở thành phố Hưng Yên và phụ cận, có khá nhiều làng nghề truyền thống chế biến long nhãn, nhưng các chủ nghề ở đây đang gặp khó khăn về huy động nhân công cho bóc xoáy cùi nhãn. Vì mọi khâu trong chế biến long nhãn vẫn phải làm thủ công đơn giản, cần rất nhiều lao động. Vì vậy, tỉnh cần hợp tác với các viện nghiên cứu, để sớm có được dây chuyền cơ giới chế biến long nhãn.

Tại Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn và Tuần lễ nhãn. Tại Hưng Yên sẽ triển khai nhiều hoạt động như Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hưng Yên; Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và các sản phẩm nông sản Hưng Yên; Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên 2018... Tại Sơn La cũng có sự kiện Ngày hội nhãn Sông Mã; Hội nghị xúc tiến xuất khẩu và Hội chợ Nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế: Đổi đời nhờ dưa lê

Vinh Xuân là xã bãi ngang của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà con trong xã chủ yếu sống dựa vào cây lúa nhưng diện tích đất trồng ít nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Gần đây, nhờ tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật mà tập quán canh tác lạc hậu được đẩy lùi. Đặc biệt, việc đưa mô hình trồng dưa lê vào ứng dụng đã giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập. Một số hộ còn tận dụng các vùng đất bỏ hoang để trồng dưa lê.

Bà con trồng dưa lê cho biết, giống dưa lê được trồng từ tháng 2 đến tháng 8. Tuy phải chăm sóc tỉ mỉ nhưng bù lại thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 40 - 50 ngày) và việc tiêu thụ khá dễ dàng. Cứ 1 sào Trung bộ (500 m2) được mùa thì thu hơn 4 tạ quả. Trung bình mỗi sào thu được gần 3 - 4 triệu đồng lúc đầu mùa.

Đặc biệt, tiêu thụ dưa lê thuận lợi khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Cứ đến mùa dưa lê, thương lái đến thu mua rồi phân phối sang các vùng lân cận. Hiện dưa thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Dưa đầu mùa đang có giá khá cao, dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, có hôm lên đến 15.000 đồng/kg. Thương lái thường tìm đến tận chân ruộng để thu mua.

Hương vị dưa lê Vinh Xuân được người tiêu dùng đánh giá là rất thơm ngon, có vị ngọt thanh không đượm như dưa hấu, mùi thơm dịu, thịt quả trắng ngà. Theo những thương lái, dưa ngon quả phải căng đều, đầy đặn. Vỏ bóng, màu trắng sáng, đó là những quả giòn tan, vị ngon nhất. Ngoài việc tận dụng những vùng đất hoang bạc màu, xã Vinh Xuân còn khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, khoai, sắn cho hiệu quả thấp sang trồng dưa lê.

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu mía

Đến thời điểm này, nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) ký kết hợp đồng bao tiêu.

Với diện tích hơn 3.900 héc-ta, công ty đã thu mua với giá sàn là 800 đồng/kg, mía 10 chữ đường cân tại cầu cảng nhà máy và xí nghiệp của công ty. Để phần nào giúp nông dân an tâm trước vụ thu hoạch sắp cận kề, địa phương đang hối thúc Casuco đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng với nông dân, đồng thời đề nghị Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát sớm thực hiện việc ký hợp đồng tại vùng mía nguyên liệu mình phụ trách.

Vụ mía 2018 - 2019, nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp trồng được 7.505 héc-ta mía. Ðây là địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh. Trong đó, diện tích trồng giống mía chín sớm (ROC 16) là 3.813 héc-ta, chiếm gần 51%, còn lại là giống chín trung bình và muộn. Đến thời điểm này, giống mía ROC 16 đã gần chín nên cần thu hoạch sớm vì năm nay dự báo sẽ có lũ sớm. Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp huyện, trong tháng 9 tới, nông dân tại các vùng trũng, trồng giống mía ROC 16 sẽ thu hoạch 1.000 héc-ta và hiện nông dân ở khu vực này đã bán được hơn 160 héc-ta mía chục. Tuy nhiên, nhiều bà con lo ngại các nhà máy đường sẽ vào vụ trễ hơn so với những năm trước.

Trước đó, căn cứ vào thời điểm xuống giống và cơ cấu giống của từng vùng, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã đưa ra thời gian dự kiến thu hoạch mía cho từng khu vực vào từng thời điểm cụ thể nhằm mang lại hiệu quả cao nhất sau khi bán mía. Theo đó, thị xã Ngã Bảy là địa phương vào vụ sớm nhất trong tháng 8 và có khoảng 207 héc-ta mía được thu hoạch. Tháng 9, nông dân trồng mía huyện Phụng Hiệp sẽ bắt đầu vào vụ với diện tích thu hoạch khoảng 1.806 héc-ta. Riêng tháng 10, 11 và 12 sẽ là thời gian cao điểm thu hoạch. Tháng 12, tất cả các địa phương có mía trên địa bàn tỉnh sẽ vào vụ thu hoạch với tổng diện tích gần 2.600 héc-ta.       

MUA GÌ - BÁN GÌ

Gia Lai: Trồng khổ qua cho thu nhập cao

Thời gian qua, một số gia đình ở làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã đầu tư trồng khổ qua và đạt lợi nhuận khá cao. Mô hình này đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nông dân trong vùng. Với giá bán dao động trong khoảng 10.000 - 17.000 đồng/kg, trừ chi phí, một số hộ gia đình đã lãi trên 100 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, hiện nay, việc trồng cây khổ qua vẫn mang tính tự phát nên chưa thực sự bền vững. Hơn nữa, tiêu thụ sản phẩm của người dân chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, giá cả còn bấp bênh. Bà con lưu ý, để khổ qua phát triển tốt, ít sâu bệnh, nông dân nên sử dụng phân chuồng hoai mục bón vào thời điểm cây bắt đầu bám giàn và thường xuyên tưới đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa.

Hậu Giang: Giá mía chục giảm mạnh

Hiện nay, nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, TX Ngã Bảy (vùng mía nguyên liệu chính của tỉnh Hậu Giang) đã bắt đầu thu hoạch mía chục để ép nước mía giải khát. Tuy nhiên, giá mía chục năm nay được thương lái thu mua thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đầu vụ thương lái thu mua chỉ 1.300 - 1.500 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức 1.800 - 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân do năm nay nhiều nông dân bán mía chục nên nguồn cung nhiều, cộng với thời tiết mưa nhiều nên nhu cầu nước mía giải khát không cao.

Trên thực tế, bán mía chục nông dân có lợi là thu hoạch sớm hơn so với bán mía nguyên liệu cho nhà máy từ 2 - 3 tháng, rút ngắn thời gian canh tác nên 2 năm làm được 3 vụ (mía lưu gốc vùng có đê bao). Ngoài ra, bán mía chục thương lái tự đốn nên nông dân không tốn công thu hoạch.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến nay nông dân đã thu hoạch bán mía chục được khoảng 500/10.800 héc-ta mía nguyên liệu, năng suất từ 100 - 110 tấn/héc-ta, trung bình mỗi tuần thu hoạch khoảng gần 50 héc-ta.

Đồng bằng sông Cửu Long: Trứng vịt tăng giá

Khoảng 1 tháng nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá trứng vịt nuôi chạy đồng đang có chiều hướng tăng mạnh. Thời điểm sau tết, giá trứng chỉ ở mức 18.000 - 20.000 đồng/chục (10 trứng), nay đã tăng lên 30.000 - 31.000 đồng/chục. Đây được xem là mức giá cao nhất trong nhiều năm gần đây. Với mức giá này người nuôi vịt phấn khởi vì có lãi cao.

Nguyên nhân khiến giá trứng tăng cao như hiện nay là do số hộ nuôi vịt đẻ giảm do nhiều hộ nuôi không tái đàn. Mặc khác, hiện nay đang mùa làm bánh trung thu, thị trường tiêu thụ mạnh, nên trứng vịt hút hàng, giá tăng cao. Dự báo, giá trứng có thể tăng thêm trong thời gian tới. Do đó, địa phương khuyến cáo người dân chú ý chăm sóc tốt hơn cho đàn vịt để hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Huyện Cần Đước, tỉnh Long An: Rau màu rớt giá, nông dân gặp khó

Thời gian gần đây, giá rau màu xuống thấp khiến nông dân trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các loại rau màu như mồng tơi, cải, hành lá có chi phí thu hoạch cao hơn giá bán, thương lái không thu mua nên nhiều diện tích bị bỏ hoang.

Không chỉ vì giá thấp, sản xuất không có lãi mà rau màu hiện không có nơi tiêu thụ nên nông dân rất lúng túng, không biết trồng loại rau gì, thời điểm nào phù hợp. Từ trước đến nay, đa số nông dân trồng theo kinh nghiệm, khi thấy giá tăng thì trồng ồ ạt nên tình trạng được mùa, mất giá thường xảy ra.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Cà Mau: Người nuôi cá bổi gặp khó

Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi cá bổi hằng năm khá lớn, gần 220 héc-ta. Sinh sống chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và sản xuất nông nghiệp nên đời sống bà con ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Nhờ duy trì và phát triển mô hình nuôi cá bổi mà một số hộ có mức thu nhập khá cao, hàng trăm triệu đồng/vụ nuôi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cá bổi giảm mạnh nên nhiều hộ thua lỗ và đã bỏ nghề. Theo thống kê sơ bộ, năm nay, diện tích nuôi cá bổi giảm khoảng 70%.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, năm 2018, diện tích nuôi cá bổi của huyện chỉ còn 74 héc-ta, giảm hơn 140 héc-ta so với năm trước. Nhằm giúp người dân duy trì mô hình nuôi cá bổi, năm 2018, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện thực hiện Dự án cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi cá bổi thâm canh. Dự án có tổng nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng, có 15 hộ dân ở các xã: Trần Hợi, Khánh Bình và Khánh Lộc tham gia. Những hộ tham gia dự án được hỗ trợ 30% tiền con giống, thức ăn và 20% tiền thuốc, hoá chất xử lý ao đầm. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện tổ chức các cuộc hội thảo về quy trình cải tạo ao đầm, chăm sóc con giống và nuôi cá bổi thương phẩm; trao đổi kinh nghiệm về quá trình nuôi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc cá đảm bảo cho việc sản xuất cá khô bổi đạt chất lượng cao.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các ngành liên quan xúc tiến việc thành lập các hợp tác xã nuôi cá bổi nhằm tăng chuỗi giá trị sản xuất, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là đến mùa thu hoạch, cá bổi từ các tỉnh vùng trên đổ về với số lượng lớn, giá cả lại rẻ hơn làm cho sản phẩm của bà con không đủ sức cạnh tranh.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Buôn lậu diễn biến phức tạp trên tuyến biên giới

Mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm và triển khai giải pháp những tháng cuối năm...

Qua tổng hợp báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp.

Trên tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ, các đối tượng lợi dụng địa hình nhiều đường mòn lối mở, sông biên giới để thuê người dân mang vác hàng qua biên giới tập kết... Từ đây hàng hóa được hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng của hộ kinh doanh, doanh nghiệp cư dân biên giới để vận chuyển vào nội địa. Tại cửa khẩu, các mặt hàng thuộc tiêu chuẩn cư dân biên giới bị lợi dụng để thu gom, hợp thức hóa hàng hóa buôn lậu. Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng manh động hơn.

Các đối tượng buôn lậu thường xuyên bố trí người đi trước cảnh giới, theo dõi sát lực lượng chức năng và sẵn sàng chống trả các lực lượng thi hành công vụ... Để phòng, chống có hiệu quả hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc trực tiếp với các bộ, ngành địa phương để tăng cường công tác phối hợp.

Về giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2018, Văn phòng 389 tiếp tục đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Ban Chỉ đạo 389 đề nghị Ban 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ cương kỷ luật. Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện bắt giữ và xử lý 88.229 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách 7.427 tỷ đồng.

HÀNG VIỆT 

An Giang: Tìm đầu ra cho đường thốt nốt Bảy Núi

Ban Quản lý và Điều hành dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã tổ chức Hội nghị sơ kết năm thứ 2 thực hiện dự án.

Trong thời gian thực hiện, dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” đã thu được những kết quả khả quan. Nhiều hoạt động hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm truyền thống vùng Bảy Núi đã được thực hiện với mục tiêu hướng đến lợi ích lâu dài cho các hộ tham gia.

Trước tiên là thay đổi nhận thức của đồng bào Khmer về quy trình sản xuất đường thốt nốt theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ vốn để bà con trang bị dụng cụ nấu đường và tiếp cận với đầu ra ổn định. Ngoài ra, học viên còn được thông tin về mục tiêu, hoạt động của dự án và sự cần thiết phải thành lập tổ hợp tác giúp nhau trong sản xuất.

Trong năm đầu tiên thực hiện dự án, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nguồn vốn 3,5 triệu đồng/hộ để cải tiến, trang bị lò nấu đường đạt chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án trong những năm tiếp theo. Từ hỗ trợ của dự án, các hộ đã có sự thay đổi rõ rệt trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bản thân mỗi hộ đều đảm bảo sản xuất theo quy trình mà dự án đề ra, có bảng quy trình sản xuất treo tại nơi sản xuất. Thu nhập từng hộ tăng lên từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so ban đầu, có hộ tăng thêm 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Sản phẩm làm ra được cơ sở ký kết với dự án tiêu thụ theo giá thị trường nên bà con rất phấn khởi.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm thứ nhất thực hiện dự án, sang năm thứ hai, Ban Điều hành & Quản lý dự án tiếp tục duy trì, hỗ trợ 4 xã của năm thứ nhất và chọn thêm 4 xã mới tham gia dự án theo lộ trình của nhà tài trợ (3 năm 10 xã) để tập huấn và hỗ trợ đầu tư. Trong năm thứ 2 thực hiện dự án, Hội Nông dân phối hợp các địa phương tiếp tục triển khai các bước hỗ trợ những hộ tham gia. Ban Điều hành & Quản lý dự án đã thành lập tổ hợp tác sản xuất đường thốt nốt thông qua việc chọn lựa mỗi xã 1 hộ có điều kiện, nhiệt tình làm tổ trưởng để tập trung máy móc, phương tiện sản xuất, tổ chức liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Về lâu dài, đây là bước đi cần thiết để có điều kiện tập trung đầu mối thu mua, chế biến các sản phẩm từ nước thốt nốt, đồng thời đại diện Hội Nông dân giới thiệu, quảng bá, ký kết hợp đồng tiêu thụ đường thốt nốt. Hội Nông dân tỉnh còn tạo điều kiện cho các hộ đi học hỏi kinh nghiệm, công nghệ sản xuất ở các tỉnh có điều kiện gần giống với An Giang.

Trong năm thứ 2, dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn về quy trình sản xuất và chế biến đường thốt nốt cho 80 học viên tham dự. Qua lớp tập huấn, các học viên được trang bị thêm một số kiến thức mới về sản xuất, chế biến đường thốt nốt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ thuật để cây thốt nốt cho ra số lượng nước tối đa. Dự án cùng với Hội Nông dân các xã hướng dẫn và hỗ trợ thành lập 4 Tổ hợp tác sản xuất theo Nghị định 151 của Chính Phủ với 80 thành viên. Bên cạnh đó, Ban Quản lý và Điều hành dự án đã tìm hiểu và liên hệ đặt cơ sở thiết kế 82 máy đánh đường cho 82 hộ được chọn của 8 xã và đã trang bị thêm cho một hộ trong năm thứ 2 của dự án. Đặc biệt, Ban Quản lý và Điều hành dự án đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu “đường thốt nốt Bảy Núi” cho sản phẩm của bà con tham gia dự án. Hiện nay, sản phẩm đã có bao bì, nhãn mác và được giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Đây là hướng đi vững chắc để phát triển sản phẩm đặc sản của đồng Khmer vùng Bảy Núi; là tiền đề để quảng bá sản phẩm, kết nối đầu ra song song với việc cập nhật những kiến thức cần thiết để mang đến những sản phẩm đường thốt nốt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)