TIÊU ĐIỂM |
Lục Ngạn - Bắc Giang: Thông “điểm nghẽn” tiêu thụ nông sản
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang hướng mục tiêu đến năm 2018 thành lập được 18 mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để tạo ra các pháp nhân kinh tế có đủ năng lực và tin cậy tham gia các hoạt động kinh tế có liên quan đến sản xuất và tiêu thụ theo xu thế phát triển và hội nhập.
Những tín hiệu tích cực
Được thiên nhiên ưu đãi nên thổ nhưỡng ở Lục Ngạn thích hợp để phát triển nhiều loài cây ăn quả hàng hóa chất lượng cao như: Vải, nhãn, cam, bưởi, táo… Tuy nhiên, bao nhiêu năm, cây trái đơm hoa, sai quả cũng là bấy nhiêu năm Lục Ngạn gặp vào khốn cảnh “được mùa thì mất giá”, khiến đời sống người dân Lục Ngạn không ít truân chuyên.
Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, huyện Lục Ngạn đã đẩy mạnh sản xuất cây trái theo quy chuẩn GlobalGAP, trong đó đặc biệt chú trọng tới cây vải (cây chủ lực của Lục Ngạn); chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản xuất nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình sang doanh nghiệp, HTX… nên từ năm 2014 đến nay, cây trái Lục Ngạn đã không chỉ thoát ra khỏi mặc định “được mùa, mất giá” mà còn mang lại giá trị kinh tế cao.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Lục Ngạn có trên 20.000 héc-ta cây ăn quả các loại, trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Mỗi năm, cây ăn quả đã đem lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây khoảng 2.600 tỷ đồng, góp phần xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.
Đóng góp vào kết quả trên phải kể đến HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang), thời gian qua HTX đã thực sự trở thành chỗ dựa của các thành viên trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân chia sẻ, kể từ khi liên kết trong HTX, sức mạnh của những nông hộ nhỏ lẻ được nâng lên khá nhiều. Đơn cử như hoạt động tiêu thụ vải thiều, nếu như những hộ khác bán trên thị trường tự do, phải chịu cảnh “lên xuống” của giá cả thì các thành viên HTX yên tâm hơn vì đã có hợp đồng cung cấp cho các đơn vị với giá ổn định.
Tiếp tục đẩy mạnh chuỗi liên kết
Để tăng cường liên kết theo chuỗi đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, ông Cao Văn Hoàn khẳng định, thời gian tới địa phương sẽ chuyển đổi mô hình từ sản xuất nhỏ lẻ, quy mô gia đình sang mô hình HTX, khuyến khích hỗ trợ người dân thành lập doanh nghiệp, HTX trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ chăm sóc cây trồng, dịch vụ bảo quản đóng gói, vận chuyển. Đến năm 2018, phấn đấu thành lập 18 mô hình doanh nghiệp, HTX tại các xã trọng điểm tham gia vào sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Riêng với quả vải, trong vụ vải thiều năm 2017 sẽ tập trung xây dựng 3 mô hình chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các xã: Hồng Giang, Giáp Sơn và Phượng Sơn, có sự tham gia của doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhằm thực hiện được mục tiêu này, từ năm 2015, UBND huyện Lục Ngạn đã đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các xã tham gia tổ HTX; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển HTX, tỉnh Bắc Giang cần ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ vải thiều theo Quyết định 2261/QĐ-TTg và Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào: Tuyên truyền, đào tạo nâng cao trình độ không chỉ cho cán bộ HTX, tổ HTX mà còn cho tất cả người sản xuất trong vùng về các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản xuất vải thiều; tạo điều kiện liên kết đầu ra ổn định; hỗ trợ HTX đầu tư các kho sơ chế, bảo quản, tăng cường đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm từ vải thiều; khuyến khích người sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các giống vải sớm, trái vụ nhằm tăng năng suất, hạn chế sự tác động của thời tiết cũng như giãn vụ thu hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, các mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phải nâng cao vai trò là cầu nối giữa nông dân với DN chế biến, tiêu thụ nông sản, kiến tạo mối liên kết để thống nhất thực hiện có hiệu quả hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
MUA GÌ |
Tiền Giang: Sầu riêng bán tại vườn tăng cao
Tiền Giang có khoảng 9.000 héc-ta sầu riêng, tập trung tại 2 địa phương vùng ngập lũ thượng nguồn sông Tiền (Tiền Giang) là huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Giá sầu riêng ở vùng chuyên canh sầu riêng tỉnh Tiền Giang đang lên từng ngày và lập đỉnh giá mới. Thương lái thu mua tại vườn từ 85.000 đồng đến gần 90.000 đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với tháng trước và tăng hơn 15.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 11/2016. Nông dân rất phấn khởi vì thu nhập cao, cuộc sống ổn định. Một nông dân trồng chuyên canh sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp cho biết, gia đình ông vừa bán được trên 4 tấn sầu riêng với giá 88.000 đồng/kg, thu trên 350 triệu đồng.
Để nâng cao chất lượng vùng chuyên canh, tỉnh Tiền Giang coi trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ cập các giải pháp thâm canh tiên tiến đặc biệt là kỹ thuật xử lý cho sầu riêng trái vụ nhằm giành những vụ mùa bội thu, trúng giá.
Đồng Nai: Gà ta bán được giá
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2017, nhưng giờ này, về ấp 7 (xã Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai) – nơi lâu nay được xem là “thủ phủ gà ta” vùng Đông Nam bộ, đã thấy nông dân háo hức thả gà giống... Theo tính toán của các hộ nuôi gà ta, từ giữa năm 2015 đến nay, giá con giống, thuốc thú y, vật tư… đều tăng. Hiện gà nuôi 4 tháng khi xuất chuồng giá thành khoảng 105.000 – 110.000 đồng/con. Đây là mức giá khá tốt khiến nhiều nông dân nuôi gà phấn khởi. Hiện ấp 7 có gần 300 hộ thì có đến 90% nuôi gà ta với số lượng từ vài trăm con đến chục nghìn con/hộ. Mỗi tháng, tại đây cung cấp ra thị trường các tỉnh, thành phía Nam và miền Trung khoảng 500.000 con gà ta.
Giá lợn hơi tăng trở lại
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, thời gian gần đây, xuất khẩu lợn hơi đi Trung Quốc đã tăng trở lại, kéo giá lợn hơi ở Đông Nam bộ tăng lên mức 39.000 - 41.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ hòa vốn, còn các trang trại nuôi nhiều, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới có lãi chút ít.
Trong khi đó, giá lợn hơi tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu đang ổn định ở mức 38.000 - 43.000 đồng/kg.
Đồng bằng Sông Cửu Long: Bưởi tết khan hàng, giá cao
Theo nhiều nhà vườn chuyên trồng bưởi da xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vụ bưởi năm nay có năng suất giảm đáng kể so với mọi năm do bị ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn kỷ lục vừa qua. Khan hàng nên giá bưởi sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là vào dịp tết.
Theo nhiều nông dân tại các vùng trồng bưởi da xanh lớn ở ĐBSCL như: Chợ Lách (Bến Tre); Kế Sách (Sóc Trăng), do ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn đầu năm, lượng bông đậu trái để bán đúng dịp tết khá ít. Bên cạnh đó, khoảng tháng 6 năm nay có những đợt mưa dầm khá lớn, làm cho trái non bị vi khuẩn tấn công, khiến năng suất bị giảm.
Theo tính toán của nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh ở ĐBSCL, hiện nay giá bưởi thu mua tại vườn đã khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, hứa hẹn đến tết giá bưởi sẽ tiếp tục tăng, nếu đạt từ 60.000 đồng/kg, năng suất bình quân mỗi héc-ta đạt khoảng 10 - 15 tấn thì nông dân có thể thu về khoảng 600 triệu đồng (thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng/héc-ta).
Năm nay, các thương lái tìm đến tận vườn để xem bưởi sớm hơn mọi năm, khoảng nửa tháng nữa sẽ bắt đầu có thương lái đến đặt hàng. Từ khoảng ngày 20/12 (âm lịch), các nhà vườn sẽ bắt đầu cắt trái để bán.
BÁN GÌ |
Ðồng bằng sông Cửu Long: Thị trường lúa giống khá ổn định
Hiện nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rút cũng là thời điểm các tỉnh bắt đầu xuống giống lúa đông xuân 2016 - 2017. Năm nay, giá giống có phần tăng nhẹ và ổn định trên thị trường...
Do nhu cầu đòi hỏi sản xuất lúa chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu nên nông dân ĐBSCL đã có ý thức tuyển chọn các loại giống dễ tiêu thụ, được giá cao như: OM 6976, OM 4218, OM 5451, OM 4900, Jasmine 85, IR50404 và nếp các loại. Vì vậy, tùy theo nơi cung cấp giống mà giá lúa giống các loại có thể tăng nhẹ từ 2 - 5% so với năm trước. Cụ thể, Jasmine 85 cấp xác nhận từ 12.000 - Nguyên nhân khác làm giá lúa giống tăng do tập quán của nông dân thích sạ dày, mật độ từ 180 - 200 kg/héc-ta. Trong khi ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân xuống giống mật độ vừa phải, từ 8 - 10 kg/công (1 công = 1.000 m2) nhằm giảm chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Việc sạ dày làm tăng lượng giống cho vụ đông xuân và dẫn đến việc thiếu hụt tạm thời và giá tăng. Nhìn chung năm nay lượng giống khá ổn định, các doanh nghiệp sản xuất giống trong tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu trên 50% giống xác nhận đạt chất lượng xuất khẩu. D.L
Sóc Trăng: Trồng cây tràm Úc cho thu nhập cao
Theo người dân trồng tràm ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, vùng đất Mỹ Tú nhiều khu vực là vùng trũng, thấp thường bị ngập nước và nhiễm phèn nặng. Do vậy, sau nhiều năm trồng tràm rừng truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, khoảng 10 năm nay, người dân chuyển sang trồng cây tràm Úc thay thế với khoảng 700 héc-ta. So với cây tràm rừng truyền thống thì tràm Úc cho hiệu quả kinh tế gấp đôi, thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Trung bình chỉ mất 2,5 - 3 năm. Hiện thương lái thu mua tràm Úc trên diện tích 1 héc-ta (thời gian sinh trưởng từ 2,5 - 3 năm) vào khoảng từ 100 triệu đến gần 200 triệu đồng. Do loại cây trồng này không tốn nhiều công lại dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nên lợi nhuận thu về rất cao. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng làm tràm cừ phục vụ xây dựng công trình ngày càng tăng nên thương lái đã đặt hàng gần hết. M.L
Kon Tum: Cà phê xứ lạnh được giá
Sau mấy năm trồng cà phê katimor xứ lạnh, đến năm nay người Xê Đăng ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum mới trúng mùa cà phê, cải thiện đời sống. Hiện nay, giá cà phê katimor được thương lái thu mua ở mức 6.000 - 8.000 đồng/kg tươi, tăng gần gấp đối so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, bà con Xê Đăng ai cũng mừng vì đã được đổi đời.
Huyện Kon Plông hiện có gần 150 héc-ta cà phê katimor xứ lạnh, chủ yếu trồng từ năm 2014. Do mới vài năm trồng giống cây này nên chưa tính được năng suất hiện tại, chỉ ước chừng mỗi cây cho 3 - 4 kg quả tươi. Trên lý thuyết, giống cà phê này trồng 5.000 cây/héc-ta và thu hoạch chính thức từ năm thứ 3. Theo đó, nếu chăm sóc tốt mỗi gốc sẽ cho 5 - 7 kg cà phê tươi. Với giá như hiện tại (trên 6.000 đồng/kg) thì mỗi héc-ta cà phê cho trên 120 triệu đồng. Những ngày qua, các cán bộ kỹ thuật của huyện đã xuống tận các làng để hướng dẫn, giúp bà con thu hoạch cà phê, vận động bà con hái chín để cà phê đạt chất lượng tốt.
Tây Nguyên: Sắn mất mùa, mất giá
Thời điểm này bà con nông dân Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch sắn năm 2016. Khô hạn, thiếu nước tưới làm cho năng suất cây sắn ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông… giảm từ 35 - 40% so với niên vụ trước. Nếu đầu vụ, giá sắn tươi từ 1.200 - 1.500 đồng/kg thì nay chỉ còn 600 - 700 đồng/kg. Theo các hộ dân, mỗi kg sắn sau khi trừ tiền xe và tiền công nhổ chỉ còn khoảng 300 - 350 đồng.
Giá sắn thấp quá, người bán nhiều hơn người mua nên sắn tươi ế ẩm. Hầu hết bà con phải thái lát sắn, phơi khô.
Đầu ra của hầu hết các đơn vị sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn đang rất chậm, kéo theo công suất hoạt động của các nhà máy chế biến sắn giảm. Bởi sản phẩm làm ra phụ thuộc lớn vào thị trường, nếu lượng sản phẩm tồn dư nhiều thì nhà máy phải ngừng hoạt động để giải quyết đầu ra.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, hiện nay diện tích nuôi tôm nước lợ hàng năm của nước ta khoảng 6.000 héc-ta, nhu cầu con giống cần khoảng 130 tỷ con, trong đó 100 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ con giống tôm sú. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống vẫn là vấn đề then chốt quyết định đến thành công hay thất bại của doanh nghiệp và người nuôi.
Các cơ sở trong nước cung cấp khoảng 50% số lượng tôm giống
Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung bộ: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Hàng năm, các cơ sở nuôi tại khu vực này cung cấp khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu nuôi của cả nước. Số còn lại được sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) và các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh). Với nhu cầu tôm giống hàng năm khoảng 130 tỷ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống vào khoảng 230.000 con. Hiện nay, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống ở nước ta chủ yếu từ đánh bắt tự nhiên, từ nhập khẩu và sản xuất trong nước. Riêng đối với tôm thẻ chân trắng bố mẹ, chúng ta đang phụ thuộc chủ yếu từ nguồn nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Singapore, Thái Lan, Mexico.
Tuy nhiên, tôm bố mẹ và tôm giống trong nội địa được khai thác từ tự nhiên, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu và chất lượng, dẫn đến thiếu tính chủ động và phải phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu. Chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nguồn tôm giống cung cấp cho người nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành nuôi tôm trong nước bị thiệt hại nặng nề trong thời gian qua.
Nhằm khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giống đều cho rằng, việc xây dựng các trang trại sản xuất giống tại các địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… sẽ giảm được chi phí vận chuyển, hạn chế được dịch bệnh trong quá trình vận chuyển. Từ đó sẽ giảm được giá thành và hạn chế dịch bệnh cho người nuôi. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho người nuôi tôm, các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý chất lượng con giống. Đặc biệt là các chợ tôm giống tại các tỉnh: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Thời gian qua, hoạt động mua bán tôm giống tại các điểm này diễn ra khá sôi nổi nhưng thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý về kiểm dịch và kiểm tra chất lượng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng phát tán tôm giống kém chất lượng, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất.
Chấn chỉnh hoạt động của các chợ tôm giống
Để ngăn chặn kịp thời việc phát tán tôm giống kém chất lượng, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh trên chỉ đạo các đơn vị cơ sở khẩn trương thực hiện các biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các chợ tôm giống và tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống tại các chợ tôm. Theo đó, xử lý nghiêm các vi phạm để hạn chế dịch bệnh. Bản thân các địa phương cần thực hiện kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng tôm bố mẹ sử dụng cho sinh sản. Đồng thời, các cơ sở vận chuyển ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm giống phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc để ngăn chặn tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Các địa phương cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành dọc tuyến đường tại các khu vực có chợ tôm tự phát. Yêu cầu các cơ sở bán tôm giống tại chợ ký cam kết với chính quyền địa phương không vi phạm các quy định về chất lượng tôm giống. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi mua tôm giống có hợp đồng mua bán chặt chẽ, lựa chọn những cơ sở sản xuất giống có uy tín, tôm giống được kiểm tra chất lượng và kiểm dịch theo quy định…
Box: Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4088/QĐ-BNN-TY ngày 7/10/2016 về Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Thông qua đó, UBND các tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí và chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để tạo ra các vùng có nguy cơ thấp về dịch bệnh tôm, các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Gia Lai: Thiếu nhân công thu hoạch cà phê
Khoảng vài năm trở lại đây, cứ bước vào mùa thu hoạch cà phê, tình trạng thiếu nhân công lại diễn ra. Dù mới vào đầu mùa thu hoạch nhưng người trồng cà phê ở Gia Lai đã có kế hoạch tìm nhân công.
Hiện nay, tại các vùng cà phê trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Ia Grai, Chư Prông, Đắk Đoa… đều thiếu người thu hoạch cà phê. Trước đây, khi nạn trộm cắp cà phê chưa phức tạp, các vườn có thể đổi công cho nhau. Những năm gần đây, tình trạng trộm cắp diễn ra thường xuyên nên ai cũng tranh thủ thu hoạch để tránh mất cắp. Vì vậy, tình trạng thiếu nhân công càng trở nên trầm trọng.
Theo thống kê mới nhất, Gia Lai có gần 92.000 héc-ta cà phê, trong đó có khoảng 81.000 héc-ta đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong khi đó, mỗi héc-ta cà phê cần hàng chục nhân công thu hái, đó là chưa kể thu hoạch theo kiểu chọn quả chín. Nếu tuân thủ theo khuyến cáo thì số lượng nhân công sẽ tăng lên gấp đôi. Có những hộ do cà phê chín rộ, không có nhân công thu hoạch nên đã phải đến các “chợ lao động” để tìm người. Thậm chí, ngay cả lao động tại chỗ là đồng bào dân tộc khi bước vào chính vụ thu hoạch cũng không có người.
So với những năm trước, giá cà phê năm nay tăng khá cao, khoảng 45.000 đồng/kg nhân. Giá cà phê tăng nên giá thuê nhân công thu hoạch cũng cao hơn mọi năm. Nếu như năm ngoái, giá thuê nhân công trong khoảng 140.000 - 150.000 đồng/ngày/người (bao ăn, ở) thì năm nay khoảng 180.000 đồng/ngày/người. Thậm chí có chủ hộ thuê 200.000 đồng/ngày nhưng vẫn không có lao động.
Liên Mai
Bình Ðịnh: Vào vụ trồng cúc tết
Hiện đang là thời điểm cây cúc tạo búp, người trồng cúc tết tất bật vào vụ. Tuy nhiên, thời tiết mưa nắng thất thường khiến người trồng hoa cúc lo lắng.
Theo những người trồng cúc, do năm nay thời tiết ít mưa, đến tận tháng 9 âm lịch rồi mà chẳng thấy mưa. Thế nhưng, đùng một cái, mưa lũ kéo dài bất thường đầu tháng 10 âm lịch (cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch) làm cây cúc bị rũ lá, màu vàng trở lại khiến không ít nhà vườn thấp thỏm lo lắng. Đợt mưa lũ kèm theo gió lớn vừa qua đã đánh dập những cành cúc còn non yếu, cúc đang màu xanh mơn mởn chuyển sang vàng úa, một số chậu bị chết. Sau đó, thời tiết nắng mưa thất thường còn khiến cây cúc phải đối mặt với nhiều bệnh khác, không biết có trụ nổi để bán tết không?..
Theo kinh nghiệm của người trồng cúc ở Bình Định, thời điểm cúc đơm nụ là thời điểm quyết định thắng lợi của vụ cúc tết. Cho nên, các nhà vườn tất bật 24/24 giờ ăn ngủ trên những cánh đồng. Đặc biệt, để cúc nở rực rỡ đúng dịp tết, hiện nay, người trồng cúc ở Bình Định đã can thiệp bằng cách thắp đèn điện để hãm không cho cúc ra hoa sớm. Thắp đèn để cây cúc không ngủ sẽ giúp cây nhanh phát triển lấy chiều cao, thân thẳng. Đến thời kỳ cúc chuẩn bị đơm nụ thì ngắt điện để cúc ngủ lấy sức nuôi bông. Thế nhưng, không phải ai cũng căn chính xác thời gian để cúc nở đúng dịp tết. Tuy nhiên, nếu trong quãng thời gian gần tết gặp đợt lạnh bất thường thì coi như thất bại, bởi cúc sẽ bị “điếc”, không ra hoa. Thoạt nhìn thì thấy nghề trồng cúc tết rất bình thường nhưng khi vào làm rồi mới biết vất vả và công phu. Từ ngày xuống giống đến lúc có một chậu hoa cúc bán phải mất cả 5 tháng trời ròng rã, mất ăn mất ngủ. Gần như 24/24 giờ cặm cụi ngoài vườn, dựng lán trại ngủ luôn ngoài đồng để canh chừng. Thậm chí, mỗi vụ nhà vườn phải đầu tư cả trăm triệu đồng nhưng có những vụ nắng mưa thất thường, nhất là lũ lụt thì coi như trắng tay.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Quảng Bình: Vùng lũ cần hỗ trợ hạt giống
Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, đợt mưa lũ giữa tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua làm 5.600 héc-ta hoa màu và cây hàng năm bị thiệt hại, hàng trăm tấn hạt giống chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân tới bị ngập ướt.
Để sớm ổn định đời sống cho bà con nông dân, tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương khôi phục sản xuất, nhất là các cây trồng ngắn ngày như rau các loại, ngô. Theo đó nhu cầu hạt giống ước tính khoảng 5 - 6 tấn hạt giống rau các loại, 20 tấn hạt giống ngô nếp. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, trước mắt tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hạt giống cho vụ đông muộn và đông xuân sớm, gồm 40 tấn giống ngô, 5 tấn hạt giống rau các loại. Riêng với vụ đông xuân, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 650 tấn giống cây trồng các loại.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng lũ lụt nên hiệu quả trồng sắn không cao, bà con đã chuyển sang trồng cây ngô đông muộn làm cây thức ăn gia súc. Hiện bà con đã chuẩn bị nhân lực, máy móc để triển khai khâu làm đất nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là hạt giống. Theo tính toán của ngành nông nghiệp địa phương, bà con cần khoảng 4 tấn giống ngô ngắn ngày. Vùng các xã ven đường QL 1A như Võ Ninh, Gia Ninh (huyện Quảng Ninh); Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy (huyện Lệ Thủy)… đang tập trung trồng rau màu như: các loại cải, rau thơm, xà lách... Nhưng sau lũ, các loại hạt giống cũng mất, nên bây giờ bà con đang cần gấp giống để tranh thủ đất rải là xuống giống ngay.
Hiện Quảng Bình cũng ráo riết chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ đông xuân. Đặc biệt, hướng dẫn bà con gieo cấy đúng lịch thời vụ với cơ cấu giống theo xu hướng giảm dần giống dài ngày, bị thoái hoá và tăng dần diện tích gieo cấy giống trung ngày, ngắn ngày, có năng suất chất lượng cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu : Mất mùa mãng cầu
Thời tiết không thuận lợi, mưa khiến nhiều diện tích mãng cầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đậu trái. Tình hình này khiến nhiều vườn không có mãng cầu để cung ứng trong dịp tết năm nay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, tỉnh có khoảng 1.800 héc-ta mãng cầu trồng tập trung ở các xã Long Tân, Phước Hội, Láng Dài, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ), xã Tóc Tiên, Châu Pha (huyện Tân Thành), xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)… Với lợi thế đã xây dựng được thương hiệu “Mãng cầu ta Bà Rịa - Vũng Tàu”, cộng với danh tiếng mãng cầu có sẵn thì đây là loại trái cây đặc sản thứ 2 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau nhãn xuồng cơm vàng) được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, năm nay do thời điểm tháng 8 âm lịch - mãng cầu bắt đầu ra hoa lại đúng vào những ngày mưa nhiều khiến hoa bị rụng gần hết. Tình hình này khiến bà con phải chờ đến cận tết sẽ cắt cành, tỉa lá để chuẩn bị cho mãng cầu ra hoa bán vào dịp tháng 4 âm lịch nhằm vớt vát phần nào thiệt hại kinh tế do thất thu mãng cầu vụ tết.
Theo các hộ trồng mãng cầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mãng cầu được xử lý ra hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán là vụ nghịch mùa. Do nghịch mùa lại bán vào thời điểm tết hàng năm nên giá rất cao. Nhờ vậy, thu nhập của các hộ nông dân trồng mãng cầu được nâng lên. Vụ nghịch mùa này cũng đã được bà con áp dụng từ nhiều năm nay và được đánh giá cao về mặt chất lượng.
M.Liên
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Cách nhận biết đồ điện hàng Việt Nam chất lượng cao
Thời gian qua, một số sản phẩm đồ điện gia dụng do các công ty trong nước sản xuất đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá hợp lý. Vì vậy, trên thị trường một số tỉnh miền núi, vùng cao đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái các mặt hàng này. Bắt đầu từ số này, chuyên mục “Chống buôn lậu - Mua bán gian lận” sẽ hướng dẫn bà con cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả các mặt hàng này theo tư vấn của các công ty.
Bóng đèn Ðiện Quang
Hiện nay, các sản phẩm giả, nhái thương hiệu bóng đèn huỳnh quang Double Wing của Công ty CP bóng đèn Điện Quang xuất hiện rất nhiều trên thị trường. Đây là sản phẩm đã được công ty đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ - Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 15/5/2012. Tuy nhiên, giữa hàng chính hãng Điện Quang và hàng nhái vẫn có những đặc điểm khác nhau và dễ dàng phân biệt.
Về bao bì sản phẩm
- Trên bao bì sản phẩm bóng đèn huỳnh quang Double Wing của Công ty CP bóng đèn Điện Quang có ghi rõ: “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” cùng với biểu tượng tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương, thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, trên bao bì của sản phẩm hàng nhái chỉ ghi đơn thuần logo màu xanh có chữ Green.
- Bao bì của Điện Quang có in hình bóng đèn huỳnh quang sắc nét, rõ ràng trên nền màu xanh. Trong khi đó, hình bóng đèn trên bao bì nhái mờ hơn và được in trên nền chủ đạo là màu đỏ và nằm trên biểu tượng một quả địa cầu.
- Các thông tin về công ty, địa chỉ liên hệ cũng như xuất xứ của sản phẩm được ghi rất cụ thể trên vỏ hộp bóng đèn Điện Quang. Trong khi đó, bao bì bóng đèn nhái hoàn toàn không có các thông tin này.
- Mục hướng dẫn sử dụng sản phẩm của Điện Quang chính hãng và hàng nhái đều ghi cụ thể 5 bước. Tuy nhiên, trên bao bì của Điện Quang, 5 bước này được ghi lần lượt từ 1 đến 5 lần lượt. Trong khi đó, trên bao bì hàng nhái, các bước lại được chia theo các ô.
Các chi tiết trên bóng đèn
- Trên bóng đèn huỳnh quang của Điện Quang ghi rõ tên sản phẩm Double Wing kèm thông số kỹ thuật (36W x 2), tên và logo công ty. Còn trên sản phẩm bóng đèn nhái thì chỉ ghi đơn giản tên sản phẩm, hoàn toàn không có các thông số kèm theo.
Trên hai nhánh đèn của Điện Quang đều in rõ chữ “điện quang”, trong khi đó, nhánh đèn của sản phẩm hàng nhái thì không có bất kỳ ký tự nào.
Số điện thoại, tem bảo hành sản phẩm và tem chống hàng giả đều được hiển thị đầy đủ, rõ ràng trên thân bóng của Điện Quang. Còn trên thân bóng hàng nhái không có 3 yếu tố trên.
Hình dáng nhánh đèn
- Trong khi 2 nhánh đèn của Điện Quang được thiết kế theo hình uốn vòng thì nhánh của hàng nhái lại là 2 đường thẳng song song.
- Chân nhánh của bóng huỳnh quang Điện Quang được thiết kế bằng 4 trụ bằng đồng, có màu vàng. Trong khi đó, chân nhánh của bóng hàng nhái được làm bằng loại vật liệu xỉn màu hơn
Ánh sáng của đèn Điện Quang là vàng trắng và sắc nét. Trong khi đó, ánh sáng của bóng đèn nhái mờ hơn và có màu xanh.
Tốt nhất, bà con nên mua sản phẩm tại các cửa hàng, đại lý phân phối của Điện Quang. Hoặc nếu mua hàng ở các cửa hàng, nên kiểm tra đầy đủ các thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và liên hệ với các đặc điểm đã được nhận dạng ở trên.
HÀNG VIỆT |
Ðiện Biên: Tích cực đưa hàng Việt lên miền núi
Liên tục trong tháng 10 và 11 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Ðiện Biên đã tổ chức hàng loạt các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giúp bà con khu vực này được sử dụng hàng Việt với chất lượng tốt, giá cả phải chăng.
Hiệu quả cao từ các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn
Cuối tháng 10/2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại – Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN) và các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Tuần Giáo tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi xã Quài Nưa năm 2016. Phiên chợ được tổ chức từ ngày 27 – 29/10/2016. Tham gia phiên chợ có 13 DN trong và ngoài tỉnh với 24 gian hàng giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có xuất xứ tại Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân như hàng công nghệ thực phẩm, hàng bách hóa tổng hợp, đồ gia dụng, các sản phẩm và dịch vụ viễn thông…
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên chia sẻ, phiên chợ là chương trình xúc tiến thương mại quan trọng nhằm đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt, giúp DN và nhà sản xuất trong nước mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm về miền núi và vùng nông thôn. Đồng thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn. Đây cũng là cơ hội để người dân xã Quài Nưa có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm các sản phẩm hàng Việt có chất lượng tốt với giá cả hợp lý.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, phiên chợ đã thu được những hiệu quả tích cực khi mặc dù diễn ra ở một xã miền núi nhưng do được tổ chức kèm với nhiều hoạt động văn nghệ, tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi, phiên chợ đã thu hút một lượng người xem tương đối lớn. Phiên chợ cũng đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 ngày tổ chức.
Sau phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi xã Quài Nưa, trong tháng 11/2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên đã tiếp tục triển khai 3 phiên chợ hàng Việt tại các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Các phiên chợ được đánh giá là tương đối thành công khi thu hút khá đông người tiêu dùng đến phiên chợ.
Hỗ trợ hàng hóa Việt bằng các giải pháp mạnh mẽ hơn
Theo Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) do Bộ Chính trị phát động đã được các cấp, các ngành và người dân tích cực hưởng ứng. Ngành Công Thương tỉnh Điện Biên đã cụ thể hóa CVĐ thành những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó, với đặc trưng là một tỉnh miền núi, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động trọng tâm được ngành Công Thương chú trọng triển khai. Thông qua phiên chợ, các DN có nhiều cơ hội phát triển kênh phân phối hàng hóa tại địa phương, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – đại lý bán lẻ; đồng thời, kích cầu tiêu dùng nội địa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.
Tuy nhiên, do là tỉnh miền núi, giao thông không thuận tiện nên việc vận động DN lớn, uy tín, thương hiệu mạnh tham gia phiên chợ tại vùng sâu, vùng xa hoàn toàn không dễ dàng. Cơ sở hạ tầng dịch vụ, điện nước ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt ở vùng biên giới phục vụ hội chợ khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phiên chợ. Chính vì vậy, Sở Công Thương Điện Biên cho rằng, để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Điện Biên đạt hiệu quả cao hơn nữa, chính sách hỗ trợ cho DN trực tiếp tham gia cần được cải thiện hơn và có tính đặc thù. Cụ thể, các bộ, ngành cần đứng ra giới thiệu DN sản xuất hàng tiêu dùng có chất lượng đến với tỉnh. Sở Công Thương tỉnh sẽ tận dụng những hỗ trợ của Bộ Công Thương để xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để DN có được nơi phân phối hàng hóa ổn định, người dân được mua hàng hóa chất lượng với giá phải chăng. Trong các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại Điện Biên cũng sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, trung tâm sẽ nỗ lực làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như chè, cà phê, gạo…
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)