TIÊU ĐIỂM |
TP. Hồ Chí Minh - Đồng Tháp: Liên kết tiêu thụ nông sản
Nhằm xây dựng và hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn một cách bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo Xây dựng và Phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc.
Tại hội thảo, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định, vấn đề an toàn thực phẩm chỉ có thể được giải quyết một cách đồng bộ theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị. Vì vậy, nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương, trước mắt là Đồng Tháp sẽ xây dựng và hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn một cách căn cơ. Theo đó, hệ thống phân phối của TP. Hồ Chí Minh sẽ phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ; ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và hỗ trợ quảng bá. Từ đó giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.
Trên thực tế, từ năm 2013, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực và đang bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, hướng tới thị trường nội địa. Tuy nhiên, trước nhu cầu thị trường, nhà sản xuất trong nước muốn cạnh tranh được buộc phải xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ 4.0. Theo đó, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc hướng vào thị trường nội địa, trọng tâm là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Mục tiêu đến năm 2020 các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh sẽ có vùng nguyên liệu ban đầu gắn với truy xuất nguồn gốc, làm tiền đề để mở rộng sản xuất lớn của cả tỉnh đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm. Đồng Tháp sẽ hợp tác, đáp ứng mọi yêu cầu của TP. Hồ Chí Minh để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nâng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, Đồng Tháp đang thực hiện các giải pháp về xây dựng chuỗi giá trị nông sản như tổ chức sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… nhưng chưa tích hợp được vào chuỗi giá trị, chưa truy xuất được nguồn gốc. Trên cơ sở “đặt hàng” của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp sẽ sắp xếp chuỗi giá trị gắn với thị trường và lấy tín hiệu thị trường là thông tin quan trọng để tổ chức sản xuất. Chính quyền tỉnh cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nâng quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm gắn với trách nhiệm xã hội để phục vụ thị trường tốt nhất. Tuy nhiên, đối với việc truy xuất nguồn gốc hiện vẫn còn nhiều rào cản. Việc vận động người sản xuất thực hiện quy trình truy xuất còn nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thu mua chưa đặt yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ; chưa có phần mềm ứng dụng, chưa có tổ chức sản xuất, hệ thống thu thập số liệu, bộ dữ liệu thu thập còn giới hạn. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân cũng còn nhiều hạn chế, chưa làm chủ công nghệ thông tin, thiếu trang thiết bị quản lý, triển khai… Bên cạnh đó, năng lực kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường của một số cơ sở sản xuất, hợp tác xã còn hạn chế. Việc lưu thông hàng hóa không có nhãn mác, buôn bán tự do tại các chợ truyền thống cũng là lực cản cho việc truy xuất trong thời gian qua.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng 5 mặt hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, vịt và cá tra. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, sản xuất nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, tỷ lệ sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và quy chuẩn quốc gia có thể truy xuất nguồn gốc trên địa bàn vẫn còn thấp, chỉ khoảng 2/5 mặt hàng nông sản chủ lực là cá tra và trứng vịt thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Đắk Lắk: Trồng sả thoát nghèo
Ea Súp là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk, với khoảng 48% số hộ thuộc diện nghèo. Ở một số xã, tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 70%. Thời gian gần đây, nhờ trồng sả lấy tinh dầu, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo.
Để thoát khỏi tình trạng này, huyện Ea Súp đã được sự hỗ trợ tích cực của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, thành lập nhiều nhóm cải thiện sinh kế (LEG). Trong số các LEG được thành lập ở huyện, nhóm LEG trồng sả lấy tinh dầu ở xã Ya Tờ Mốt đạt hiệu quả khả quan nhất. Mô hình này được đánh giá là một mô hình nông nghiệp mới, phù hợp với vùng đất bạc màu, đá sỏi ở địa phương.
Từ khi thử nghiệm năm 2015, đến nay cây sả đã trở thành cây thoát nghèo, là chủ lực kinh tế của các tổ nhóm cải thiện sinh kế ở xã Ya Tờ Mốt. Trồng sả cho năng suất trung bình 250kg tinh dầu/héc-ta/năm, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với trồng lúa. Các nhóm cải thiện sinh kế ở xã đã có sự khởi đầu vững chắc khi đưa cây sả lấy tinh dầu vào trồng và tính toán mức giá 250.000 đồng/lít đã có lãi. Nay giá tinh dầu lên tới 400.000 đồng/lít, các hộ đã có thể làm giàu. Đầu ra cho sản phẩm cũng đang rộng mở, không lo việc tăng nhanh diện tích khiến sản phẩm khó tiêu thụ. Tuy nhiên, đến nay, lãnh đạo địa phương vẫn còn nhiều lo ngại bởi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của bà con. Mặc dù có nhiều khách hàng lớn đến để hợp tác, bao tiêu sản phẩm nhưng bà con chưa dám ký hợp đồng bởi với hệ thống lò chưng cất tinh dầu thô sơ, mỗi ngày bà con chỉ xuất được khoảng 80kg sản phẩm, rất khó để đáp ứng việc chế biến khi diện tích sả nguyên liệu lên đến trăm héc-ta. Mặt khác, việc thu hoạch sả của nông dân vẫn hoàn toàn thủ công, tốn khá nhiều công lao động.
Có thể nói, kết quả ban đầu của các nhóm LEG đã giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo và hướng đến thành công. Nếu xây dựng thêm nhiều nhóm nông dân như thế, Ea Súp sẽ nhanh chóng giảm được tỷ lệ hộ nghèo.
Vĩnh Long: Hợp tác sản xuất và tiêu thụ trứng vịt
Ngày 30/7/2018, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long) tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng”.
Dự án này đã được triển khai với mục tiêu hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng thành công 2 mô hình sản xuất con giống vịt trứng cấp bố mẹ để cung ứng con giống đảm bảo chất lượng cho các hộ nuôi thương phẩm và 28 mô hình nuôi thương phẩm với tỷ lệ đẻ đạt trên 90%. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi vịt tại 4 huyện: Mang Thít, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn hình thành các nhóm liên kết sản xuất nhằm hỗ trợ nhau tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trung tâm Khuyến nông làm trung gian kết nối các doanh nghiệp cung cấp thức ăn và tiêu thụ trứng tham gia chuỗi liên kết. Tại buổi ký kết đã thông qua quy chế hoạt động của 4 nhóm liên kết sản xuất vịt giống và tiêu thụ sản phẩm trứng vịt. Qua đó, các nhóm ký kết hợp đồng với cơ sở thu mua trứng với giá theo thời điểm nhưng cao hơn thị trường 50 đồng/trứng, cũng như ký kết với đơn vị cung ứng thức ăn theo giá gốc, thấp hơn 200 đồng/kg so giá bán trên thị trường.
MUA GÌ - BÁN GÌ |
Cá linh non đầu mùa giá cao
Tuần qua, tại chợ Mỹ Bình và Bình Khánh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã bắt đầu có cá linh non. Nguồn cá linh non được thu mua từ dân đặt đáy, đặt đú khu vực biên giới giáp nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, sản lượng rất ít do mực nước đầu nguồn lên chưa cao. Cá linh non sau khi được làm sạch ruột, có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Mặc dù giá cá cao hơn nhiều loại thực phẩm khác, nhưng vẫn bán rất chạy do phù hợp với thị hiếu của nhiều người tiêu dùng. Cá linh non có nhiều trong mùa nước nổi. Thịt cá ngọt, xương mềm, chỉ cần móc hầu đem rửa, rồi chế biến thành nhiều món ngon.
Lai Vung (Đồng Tháp): Giá nấm rơm giảm mạnh
Trồng nấm rơm là một mô hình phổ biến rộng rãi ở các tỉnh miền Tây, nơi phát triển mạnh nhất là huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Tại đây đã hình thành chợ rơm Bông Súng, Tân Hòa. Nhiều địa phương như xã Định Hòa, Tân Hòa, Tân Thành, Vĩnh Thới… là những nơi có diện tích trồng nhiều nhất. Tuy nhiên, giá nấm rơm đang giảm khiến bà con khó khăn.
Hiện tại, nấm rơm loại 1 được thu mua tại ruộng giá 45.000 đồng/kg, loại 2 giá 32.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Với mức giá này, trừ chi phí, người trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp thu lợi nhuận không nhiều. Nguyên nhân khiến giá nấm rơm giảm do thời tiết đang vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho năng suất nấm rơm tăng đáng kể, khiến cung vượt cầu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có hơn 187 héc-ta trồng nấm rơm, tập trung tại các xã: Định Hòa, Tân Hòa, Tân Thành...
Đắk Nông: Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đậu nành với giá cao
Trong vụ hè thu năm 2018, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy (Vinasoy) liên kết sản xuất với nông dân trên diện tích 150 héc-ta, chủ yếu là trên địa bàn xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Hiện nay, toàn bộ diện tích liên kết này người dân đang tiến hành thu hoạch, năng suất trung bình trên 3 tấn/héc-ta, cao hơn so với trước đây không tiến hành liên kết từ 0,5 - 1 tấn/héc-ta. Công ty Vinasoy thu mua cho nông dân với giá 14.000 đồng/kg, cao hơn so giá trên thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Trong quá trình liên kết, Công ty Vinasoy đã hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Trước những lợi ích kinh tế từ liên kết sản xuất đưa lại, Công ty Vinasoy sắp tới sẽ vận động người dân trên địa bàn xã Nam Dong và các xã lân cận ký kết hợp đồng mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đà Nẵng: Dưa hấu hư hỏng do ngập úng
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to kéo dài đã khiến 30 héc-ta dưa hấu của bà con huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) bị hỏng, mất trắng hoàn toàn. Thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có 97 hộ dân trồng dưa hấu với hơn 30 héc-ta, ước sản lượng khoảng 600 tấn dưa hấu. Mấy năm trước, mỗi vụ trồng dưa hấu sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dân thu về từ 40 - 50 triệu đồng/héc-ta. Bây giờ, bà con đều rơi vào cảnh trắng tay do dưa hấu bị thối. Thậm chí, một số hộ đã tập trung đầu tư lớn hiện không có nguồn vốn tái sản xuất lại.
Hiện Hội Nông dân thành phố đã đề nghị địa phương thống kê những hộ nông dân bị thiệt hại, đề xuất các cấp chính quyền hỗ trợ cho bà con. Đồng thời, khuyến cáo bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây khác phù hợp với điều kiện thời tiết.
LƯU Ý- CẢNH BÁO |
Bình Phước: Trồng cây cao su giống lỗ nặng
Huyện Chơn Thành được xem là thủ phủ sản xuất cao su giống của tỉnh Bình Phước. Nhiều năm gần đây, giá mủ cao su giảm mạnh, thủ phủ cao su giống ảm đạm.
Đặc biệt, vụ cao su năm nay do nhu cầu thị trường thấp, người trồng giống cao su lại tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù hiện đang giữa mùa mưa, là thời vụ trồng cây cao su nhưng sức tiêu thụ rất chậm, giá cao su giống thời điểm này khá thấp, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện 1 cây giống cao su có giá từ 1.500 - 2000 đồng, còn cây giống cao su đặt trong bầu có giá từ 4.000 - 4.500 đồng, chỉ bằng một nửa so với năm trước. Năm nay, người trồng vất vả hơn vì cây bán chậm, giá lại giảm 50% so với năm trước. Với giá bán như hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trồng cao su giống chỉ lấy công làm lãi, hộ nào không bán được thì coi như thua lỗ nặng.
Cả huyện Chơn Thành có hơn 500 hộ gia đình chuyên làm cây cao su giống. Năm 2017, do đầu ra dễ, giá cao su giống lại cao, người trồng cao su giống có thu nhập tốt nên năm nay nhiều hộ lại đầu tư sản xuất cao su giống. Khi “gió đổi chiều” như năm nay, nhiều chủ vựa cao su giống lại loay hoay tìm đầu ra để gỡ lại vốn. Trong thời gian tới, khi giá cả và nhu cầu thị trường cao su giống chưa thể kiểm soát được, người sản xuất cần tính toán kỹ về diện tích làm giống để không rơi vào tình trạng cung vượt cầu dẫn đến thua lỗ như năm nay.
Trước tình hình này, Hội Nông dân tỉnh khuyến cáo bà con cần để ý hơn tới nhu cầu của thị trường, không nên sản xuất ồ ạt để cung vượt quá cầu, như vậy sẽ thiệt hại lớn. Đồng thời, kiến nghị Hội nông dân tỉnh, ngân hàng chính sách hỗ trợ vốn cho bà con để bà con giảm bớt khó khăn và có vốn tái sản xuất.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI |
Nhật lậu đường cát tăng
Đường cát là một trong những mặt hàng nhập lậu nhiều nhất tại các tuyến biên giới Tây Nam bộ và vùng biển phía Nam.
Trên thực tế, tình trạng buôn lậu mặt hàng đường cát không phải mới đây mà đã bùng phát từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, mức độ vi phạm của các đối tượng buôn lậu đường ngày càng tinh vi hơn đã khiến công tác chống buôn lậu càng khó khăn, tình trạng đường lậu tuồn vào thị trường nội địa ngày càng lớn.
Theo lực lượng chống buôn lậu, giá đường trong nước cao hơn đường Thái Lan nhập lậu 1.000 - 2.000 đồng/kg chính là nguyên nhân khiến đường trong nước cạnh tranh kém, tiêu thụ chậm. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan. Qua từng thời điểm, phương thức và địa bàn hoạt động của các đối tượng buôn lậu cũng thay đổi để dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.
Trước đây, ở phía Nam đường nhập lậu chủ yếu qua biên giới các tỉnh An Giang, thì nay mở rộng ra Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước. Phương thức, thủ đoạn nhập lậu cũng được các đối tượng thay đổi thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn. Như ở An Giang, có sông biên giới nên đường lậu “tập kết” bên kia biên giới thuộc Campuchia, sau đó vận chuyển vào Việt Nam bằng ghe và sau đó chuyển ngay lên xe tải nhỏ 6 - 7 tấn. Ngoài vận chuyển bằng xe tải nhỏ, các đối tượng còn “ngụy trang” đường cát nhập lậu trên những chuyến xe khách, xe ô tô gia đình hay xe máy để đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn quay vòng của một số nhà máy đường trong nước để hợp thức hóa đường lậu và công khai bán ngoài thị trường.
Trước tình hình này, thời gian tới, tại các tỉnh như: Tây Ninh, An Giang, Long An, Kiên Giang, Tổ công tác 334 của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ cùng với lực lượng quản lý thị trường địa phương tổ chức kiểm tra và xử lý tình trạng kinh doanh đường cát bất hợp pháp, nhất là sản phẩm đường nhập lậu để lập lại trật tự thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đường cát trong nước.
HÀNG VIỆT |
Các sản phẩm hàng hóa từ dừa: Chinh phục thị trường trong và ngoài nước
Nếu như ở miền Bắc, người tiêu dùng chủ yếu sử dụng nước dừa, dừa khô, mứt dừa, nước cốt dừa… thì vào tới miền Tây mới hay, từ cây dừa, người dân làm ra vô số những sản phẩm khác nhau, trong đó có tới 40 mặt hàng đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang… Thay vì trồng dừa để lấy nước và lấy cùi đơn thuần như trước kia, giờ đây, người dân miền Tây đã khéo léo chế biến để tận dụng hầu hết các bộ phận của cây dừa, từ thân dừa, quả dừa đến lá dừa…
Đến các điểm du lịch ở miền Tây, dễ dàng nhận thấy, hàng hóa bày bán làm quà đa phần được làm từ dừa. Đàn ông thì có rượu dừa, ấm ủ trà, bộ ấm chén pha trà; người già, trẻ em thì có kẹo dừa, bánh dừa khô, bánh hoa dừa, nước dừa; phụ nữ thì có kem dưỡng da, kem chống nắng, mặt nạ… được làm từ dầu dừa. Bên cạnh đó là rất nhiều các sản phẩm lưu niệm được làm từ trái dừa, thân dừa và xơ dừa như: Lọ đựng tăm, túi xách tay, con thú trang trí, đèn bàn, đồng hồ, đũa…
Tại điểm bán Đặc sản miền Tây (phường An Bình, thành phố Cần Thơ), du khách tên Hảo (đến từ Hải Phòng) cho biết: Vào đây chị mới hay, từ cây dừa người ta đã làm ra rất nhiều sản phẩm. Sản phẩm nào trông cũng đẹp mắt, chất lượng khá thơm ngon. Cũng là bánh dừa nhưng có nhiều loại khác nhau (bánh dừa nướng, bánh hoa dừa). Kẹo dừa thì ngoài kẹo dừa nguyên chất, còn có kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa ca cao, kẹo dừa lá dứa, kẹo dừa đậu phộng… Mỗi loại có các gói trọng lượng to – nhỏ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của mọi du khách. Chị Hảo cũng chọn mua cho mình sản phẩm mặt nạ dừa - linh chi và giấy thấm hút dầu cho da vì “Nghe chị em dùng rồi khoe là sản phẩm tốt và lành tính, hầu như không có phản ứng phụ” - chị Hảo chia sẻ.
Không chỉ đa dạng mẫu mã, chất lượng thơm ngon, giá của các sản phẩm làm từ dừa khá hợp lý, chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Đây là lý do khiến khách hàng nào có dịp tiếp cận với các mặt hàng làm từ dừa, đều chọn mua cho mình và người thân một vài sản phẩm.
Đặc biệt, nước dừa trước kia chỉ được xếp vào loại phụ phẩm nên giá cả tương đối thấp, thì đến nay sản phẩm nước dừa Cocoxim của Công ty Betrimex (Bến Tre) đã có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bình quân 13.000 đồng/hộp 330ml, tính ra giá trị của nước dừa sau khi chế biến đã tăng hàng trăm lần.
Bên cạnh việc sản xuất, chế biến ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước, mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhờ đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa. Tiêu biểu như ở tỉnh Bến Tre - địa phương có diện tích lớn nhất cả nước. Tính đến năm 2018, riêng Bến Tre đã có trên 40 mặt hàng xuất khẩu từ dừa. Thị trường xuất khẩu đã lên đến 85 quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới. Giá trị sản xuất các sản phẩm dừa năm 2017 ước đạt 3.000 tỷ đồng. Trong đó, có 3 sản phẩm mới đã được thương mại hóa là nước dừa đóng lon/hộp, mặt nạ dừa, dầu dừa tinh khiết dùng làm mỹ phẩm. Ở Bến Tre cũng đã xuất hiện những nhà máy quy mô lớn, có thể tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu dừa cho cả tỉnh Bến Tre và khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp sản xuất, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền… rất nhiều người dân, trong đó có không ít đồng bào Hoa, Khmer, Tày đã trở thành công nhân tại các cơ sở chế biến dừa; nhiều vườn dừa của bà con cũng thu được giá trị cao hơn.
Với những sản phẩm từ dừa đang ngày một chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, có thể khẳng định, ngành dừa đang có những bước phát triển bền vững, đáp ứng xu thế hội nhập; mở ra tương lai sáng và bền vững cho người trồng dừa ở các tỉnh miền Tây.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)