Thông tin giá cả thị trường số 34/2017

06:32 PM 01/09/2017 |   Lượt xem: 13173 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hà Giang: Mùa thu hoạch thảo quả

Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá thu mua thảo quả năm nay tăng cao so với mọi năm. Cây thảo quả đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân huyện Hoàng Su Phì nói riêng và người trồng thảo quả trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung.

Được mùa, được giá

Hoàng Su Phì là một trong những huyện trọng điểm trong phát triển cây thảo quả của tỉnh Hà Giang. Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích trồng thảo quả khoảng 2.150 héc-ta, trong đó có khoảng 1.300 héc-ta đang cho thu hoạch.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì, trong niên vụ 2017 - 2018, sản lượng thảo quả khô của toàn huyện đạt khoảng 650 – 700 tấn. Với giá bán bình quân hiện nay từ 400.000 – 450.000 đồng/kg quả khô thì vụ thảo quả năm nay, toàn huyện sẽ có nguồn thu khoảng trên 42 tỷ đồng.

Những năm qua, cây thảo quả đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân với giá bán ra thị trường luôn ổn định. Mỗi vụ, thảo quả mang về thu nhập tương đối lớn cho nhiều gia đình. Vì vậy, ngay đầu vụ, các hộ gia đình đồng bào dân tộc đã nô nức vào rừng thu hái thảo quả. Các cơ sở thu mua thảo quả cũng đang hoạt động hết công suất. Trung bình mỗi ngày, mỗi cơ sở thu mua từ 5 - 6 tạ thảo quả tươi với giá từ 60.000 – 65.000 đồng/kg. Thảo quả sau thu mua sẽ được sấy khô từ 2 - 3 ngày, sau đó bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh với giá  400.000 – 450.000 đồng/kg thảo quả khô. Trong khi vào thời điểm này năm ngoái, giá thảo quả khô bình quân trên địa bàn Hoàng Su Phì chỉ đạt từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Như vậy, giá bán thảo quả niên vụ này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Các đại lý thu mua cũng đang đẩy mạnh công tác thu mua do nhu cầu tiêu thụ tại tỉnh Lào Cai và Trung Quốc đang tăng cao.

Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì, mặc dù giá thu mua thảo quả tăng cao nhưng năm nay, nhiều diện tích thảo quả chỉ tốt cây chứ không có nhiều quả. Đặc biệt, quả cứ to bằng đầu đũa là rụng, năng suất giảm hơn so với các năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc trồng, chăm sóc cây thảo quả chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân; quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và điều kiện khí hậu; việc đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác còn hạn chế. Ngoài ra, đa phần các diện tích thảo quả thường được trồng sâu trong những cánh rừng, có địa hình phức tạp nên cây không được chăm sóc thường xuyên... Điều này dẫn đến năng suất, sản lượng không ổn định, có năm cho sai quả, có năm mất mùa. Chính vì vậy, hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách tỉa đối với khóm cây thảo quả với những diện tích cho năng suất, sản lượng thấp. Đối với cây già hoặc những cây non nhỏ, khả năng không cho quả trong năm sau thì hướng dẫn bà con tỉa sát gốc để giảm bớt sâu bệnh hại cũng như là nấm cho cây thảo quả. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con nông dân nên dùng thêm phân bón để cây tích lũy đủ dinh dưỡng và cho năng suất cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho người trồng.

Với mức giá và sức tiêu thụ tương đối ổn định như hiện nay, có thể khẳng định, thảo quả là cây trồng thế mạnh mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần tích cực vào quá  trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang.

Thảo quả là loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và được trồng dưới tán rừng có độ cao từ 1.200 - 1.600 mét so với mực nước biển. Thống kê trong những năm gần đây cho thấy, tỉnh Hà Giang có khoảng 50% số hộ trồng thảo quả có thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/năm; 10% số hộ trồng thảo quả có thu nhập trên 60 triệu đồng/năm, số còn lại có thu nhập bình quân từ 30 – 40 triệu đồng/năm.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Mô hình trồng dưa trong nhà lưới VietGAP

Mới đây, huyện Con Cuông - huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An đã trồng thành công dưa Mỹ trong nhà lưới theo hướng VietGAP. Thành công của mô hình đã mở ra triển vọng mới cho việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Con Cuông.

Trồng dưa Mỹ trong nhà lưới là mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ đầu tiên tại huyện miền núi Con Cuông trong thực hiện đề án trồng rau hàng hóa theo hướng VietGAP của huyện giai đoạn 2016 - 2020.

HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê là đơn vị được huyện Con Cuông chọn thực hiện mô hình trồng dưa trong nhà lưới theo hướng VietGAP. Mô hình này được huyện hỗ trợ 85% kinh phí để xây dựng hệ thống nhà lưới, ánh sáng, nhiệt độ, hệ thống phun nước tự động nhỏ giọt với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; HTX đầu tư 50 triệu đồng để đầu tư mua giống dưa Mỹ và đem vào trồng thử nghiệm theo hai kỹ thuật: trồng trong bầu bã dừa trộn phân và kỹ thuật trồng trên đất.

Sau 3 tháng trồng thử nghiệm, diện tích dưa phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%. Theo ước tính, trên diện tích 2.000 m2 với 4.800 gốc dưa cho sản lượng trên 7 tấn.

Hiện nay, dưa đã chín và được HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê bọc lưới, dán tem để xuất bán ra thị trường tại Hà Nội. Hiện nay giống dưa Mỹ có giá bán tại vườn là 60.000 đồng/kg.

Thành công của mô hình trồng dưa trong nhà lưới của HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê mở ra triển vọng mới cho việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Con Cuông; góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Thời gian tới, huyện cũng đã tìm ra định hướng phát triển tổng thể mô hình rau sạch trên địa bàn 3 xã thí điểm.

Hà Tĩnh: Bảo tồn, phát triển bưởi Phúc Trạch

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt kinh phí hơn 60 tỷ đồng để bảo tồn, phát triển giống cây đặc sản bưởi Phúc Trạch tại địa phương.

Dự án bảo tồn, nhân giống và phát triển giống cây đặc sản bưởi Phúc trạch giai đoạn 2016 - 2020 có tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Nguồn vốn từ chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách huyện Hương Khê và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các hạng mục hạ tầng cần đầu tư xây dựng gồm 3 héc-ta mặt bằng ở xã Phúc Trạch, nhà lưới, nhà kho, nhà quản lý điều hành, đường giao thông, kênh dẫn nước tưới.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn gen bưởi Phúc Trạch, nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng năng suất, cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức nhân giống để đảm bảo chất lượng, số lượng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao...

Hiện nay, bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung chủ yếu ở 4 xã: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên (huyện Hương Khê). Có 10 xã phụ cận cũng trồng loại bưởi này, song nơi trồng bưởi ngon nhất vẫn là một làng tại xã Phúc Trạch. Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ có màu xanh vàng, không trơn không ráp, múi màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong. Bưởi có mùi thơm nhẹ tự nhiên đặc trưng, múi vị ngọt, hơi thanh chua.

Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Hậu Giang: Gương sen đầu vụ được mùa, được giá

Năm nay, nhiều nông hộ trồng sen lấy gương ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang phấn khởi vì điều kiện sản xuất thuận lợi, sen cho năng suất cao, giá bán ổn định. Hiện nay, gương sen được các thương lái thu mua 13.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn cùng kỳ năm trước 5.000 đồng/kg. Một số hộ gia đình đã chuyển diện tích đất sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng sen lấy gương. Năm nay, mưa, nắng đan xen nhau nên cây sen phát triển rất tốt.

Do cây sen mang lại hiệu quả nên những khu vực thuộc vùng trũng ở huyện Phụng Hiệp, hiện nhiều nông hộ đã chủ động chuyển vụ lúa thu đông sang trồng sen kết hợp với nuôi cá. Theo thống kê, diện tích trồng sen ở huyện Phụng Hiệp thời điểm này khoảng 50 héc-ta, tăng 30 héc-ta so với năm trước.

Bình Thuận: Giá bí đỏ hồ lô tăng cao

Tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, giá bí đỏ hồ lô mùa này đang tăng cao, lên 8.500 đồng/kg, gấp 7 lần cùng kỳ vụ trước. Mặc dù thời tiết mưa nhiều khiến năng suất đầu vụ giảm nhưng do giá tăng cao nên người trồng ở 3 xã ven biển: Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ của huyện có lãi lớn. Một nông dân có kinh nghiệm trồng bí hồ lô lâu năm ở xã Tân Thắng cho biết, bình quân 1 héc-ta bí hồ lô thu hoạch 6 tấn với giá hiện tại, trừ chi phí phân bón, thu lãi 25 triệu đồng, trong thời gian trồng khoảng 3 tháng của vụ hè thu. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay, diện tích bí hồ lô ở 3 xã ven biển đã giảm mạnh, chỉ còn hơn 50 héc-ta (so với 100 héc-ta bí cùng kỳ năm ngoái) do năm trước giá bí hồ lô rớt mạnh, nhiều nông dân ở đây không đầu tư trồng cây bí trong mùa vụ này.

Bình Định: Mở rộng diện tích đậu phụng

Thực hiện chuyển đổi cây trồng trên chân đất lúa, mì và một số cây trồng kém hiệu quả, qua 3 vụ trong năm 2017, nông dân huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã sản xuất 4.428 héc-ta đậu phụng. Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân nắm bắt, ứng dụng trong quá trình canh tác, đưa các giống đậu phụng có năng suất cao, thích nghi với điều kiện đất đai, thời tiết, mùa vụ, cộng với kinh nghiệm thực tiễn trồng đậu phụng của người nông dân sau nhiều vụ sản xuất nên cây đậu phát triển tốt.

Qua thu hoạch, năng suất đạt bình quân 37,5 tạ/héc-ta. Với giá tiêu thụ khá ổn định từ đầu năm đến nay trên dưới 25.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập hơn 90 triệu đồng/héc-ta, cao hơn hẳn so với sản xuất lúa hoặc cây mì trên cùng chân đất.

Đồng Tháp:  Cam xoàn được giá

Tại huyện Lai Vung, nhiều thương lái đang lùng sục ở các vùng chuyên canh cam xoàn để thu mua cam loại I với giá 35.000 đồng/kg, loại II giá 28.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Do thời điểm này là gần cuối vụ nên sản lượng cam xoàn không nhiều. Theo ước tính, trong tổng số diện tích cam xoàn khoảng 600 héc-ta ở giai đoạn cho trái thì chỉ có khoảng 40% nhà vườn còn cam thu hoạch bán. Năm nay, cam xoàn cho năng suất ổn định từ 5 - 6 tấn/công. Với giá bán hiện nay, người trồng cam xoàn mùa nghịch sau khi trừ hết chi phí thu về khoảng 85 triệu đồng/công.

Thông thường, cam xoàn là loại trái được tiêu thụ mạnh không chỉ trong mùa nắng mà cả mùa mua. Vì trái ngon, ngọt và bổ dưỡng nên mặc dù giá cao nhưng cam vẫn được nhiều người tiêu dùng chọn mua.

LƯU Ý -  CẢNH BÁO

Đắk Lắk: Người dân tự phát trồng điều

Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có hơn 80 héc-ta điều được trồng mới, chủ yếu tập trung ở xã Cư Prao.

Điều đáng nói là cây điều không nằm trong quy hoạch của huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cũng không có kế hoạch trồng mới. Nguyên nhân khiến người dân mở rộng diện tích trồng điều là do niên vụ vừa qua giá điều tăng cao, trong khi giá một số nông sản khác như sắn, khoai lang… lại xuống thấp nên nông dân đã chuyển đổi sang trồng điều. Trước tình trạng này, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát lại diện tích cây điều trồng mới. Nếu không phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở địa phương sẽ khuyến cáo người dân chuyển sang loại cây trồng khác.

Cây điều từng là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc nông dân đồng loạt chặt bỏ chuyển sang trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ngắn ngày… bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và chuyên gia nông nghiệp. Hiện nay, thị trường cà phê đang trong giai đoạn bão hòa, cao su tuột dốc, hồ tiêu liên tục biến động, cây điều lại có dấu hiệu bắt đầu “lên ngôi”. Để ngăn chặn điệp khúc “trồng - chặt, chặt – trồng”, người nông dân cần thận trọng khi đưa ra quyết định trồng cây gì cho hiệu quả để tránh rủi ro về sau. Chủ trương của tỉnh Đắk Lắk là không mở rộng diện tích trồng mới mà cần tập trung thâm canh, chăm sóc cây điều hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng.

Hậu Giang: Diện tích gừng giảm mạnh

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, diện tích gừng củ năm nay giảm hơn 70% so với năm trước.  Nguyên nhân do giá cả đầu ra củ gừng không ổn định, nông dân hạn chế trồng.

Đặc biệt, vụ gừng năm nay do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều nên mực nước nội đồng ở những vùng trũng, thấp như huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ đang lên. Tuy chưa làm thiệt hại đến vật nuôi, cây trồng của bà con nông dân, nhưng năng suất nhiều loại rau màu có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, một số hộ trồng gừng củ ngoài khu vực đê bao của hai địa phương này đã bắt đầu thu hoạch gừng non để tránh lũ. Giá gừng non hiện được thương lái mua tại ruộng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Theo tính toán của nhiều hộ dân trồng gừng, nếu thu hoạch gừng non trong thời điểm này năng suất chỉ đạt từ 300 - 400kg/công, sau khi trừ đi các khoản chi phí, người trồng gừng chỉ còn lời chưa quá 500.000 đồng/công.

Tại Hậu Giang, trồng gừng là một trong những mô hình sản xuất cho thu nhập khá cao. Vì thế, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng chuyên trồng gừng như: Phụng Hiệp, Long Mỹ... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá gừng luôn ở trong tình trạng bấp bênh, đầu ra không ổn định. Nhiều hộ dân trồng gừng đã lâm vào tình trạng thua lỗ, đặc biệt là những hộ phải mướn đất trồng gừng.

Hiện địa phương không khuyến khích bà con phát triển diện tích gừng bởi đây là loại cây không nằm trong quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên trồng gừng đại trà với quy mô lớn và tự phát để tránh rủi ro. Quan trọng là áp dụng đúng kỹ thuật canh tác để giữ vững sản lượng. Ngoài ra, người dân có thể trồng xen canh trên liếp vườn, lấy ngắn nuôi dài để tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

HÀNG VIỆT

Độc đáo chiếu trúc sào Cao Bằng

Chiếu trúc trên thị trường hiện có vô số, nhưng người Cao Bằng rất tự hào với sản phẩm chiếu trúc của quê hương. Bởi sản phẩm được làm từ chính bàn tay của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây, đặc biệt là từ nguồn nguyên liệu trúc sào riêng có của tỉnh Cao Bằng.

Cây trúc sào duy nhất chỉ có ở Cao Bằng và tập trung ở 3 huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông. Nhiều nhất là ở huyện Nguyên Bình, khoảng 2.000 héc-ta. Trúc sào Cao Bằng có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được các cơ sở sản xuất ưa chuộng. Thân trúc sào được sử dụng vào rất nhiều việc như: làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm cần câu, làm giấy, sào nhảy cao, đan mành, làm chiếu, đóng bàn ghế rất có giá trị…

Hiện nay, tại Cao Bằng có 2 xưởng chế biến trúc sào của Công ty TNHH một thành viên 688 và Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng. Từ nguồn nguyên liệu trúc thu mua được của bà con, nhiều sản phẩm bàn, ghế, giường, chiếu và một số đồ gia dụng khác đã được hoàn thiện và tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí còn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Khác với trúc mao của Trung Quốc, trúc sào Cao Bằng không có lông nên khi chế biến chủ yếu vệ sinh phần vỏ, khéo léo, tỉ mỉ vót đi phần mấu là có những nan trúc hoàn hảo. Do giữ được phần cật tự nhiên nên chiếu nằm rất mát, càng dùng càng bóng.

Để có được sản phẩm chiếu trúc hoàn thiện, anh Nguyễn Quang Quyền – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 688 cho biết, phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Cưa trúc theo yêu cầu sản phẩm, rửa trúc cho sạch, luộc qua nước sôi để loại bỏ đường, sấy, chọn nan xước, nan sâu bỏ đi, tuốt cho nan trúc trơn tru, dệt rồi dùng keo ép… “Vải màn và chỉ dệt là phải mua ngoài thị trường, còn keo dán chúng tôi tự làm từ nguyên liệu bột mì, bột sắn chứ không dùng keo hóa học, để đảm bảo an toàn với người sử dụng và thân thiện với môi trường” - Giám đốc Nguyễn Quang Quyền chia sẻ.

Không chỉ mang lại cho thị trường sản phẩm chiếu trúc bền đẹp, nghề làm chiếu trúc đang tạo việc làm cho nhiều lao động là đồng bào DTTS ở Cao Bằng. Hiệu quả kinh tế thu được từ việc trồng trúc sào ước tính khoảng 60 - 70 triệu đồng/héc-ta.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lạng Sơn: Phát hiện nhiều hàng giả, hàng lậu tuyến biên giới

Ngày 23/8/2017, Đội 389 tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 1, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã kiểm tra, phát hiện nhiều hàng giả, hàng lậu trên xe ô tô khách khi đang lưu thông theo hướng cửa khẩu Tân Thanh về thành phố Lạng Sơn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển gần 100 bao tải hàng hóa, được chủ xe lèn chặt dưới gầm xe. Kiểm đếm có 7 mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ gồm: trên 3.450 đôi giầy thể thao hiệu Adidas, Nike và Converse, 5.000 đôi tất Adidas, gần 200 ba lô, túi xách nhãn hiệu Chanel, Adidas và Nike. Ngoài ra, trên xe còn chở một số loại mỹ phẩm nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Hiện nay, các lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt chủ hàng với tổng số tiền hơn 230 triệu đồng, lập biên bản tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Cùng ngày, tại đường mòn biên giới thuộc thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, Đội Cảnh sát kinh tế phát hiện một số đối tượng đang vận chuyển nhiều thùng hàng từ phía Trung Quốc về Việt Nam. Phát hiện lực lượng chức năng theo dõi, các đối tượng đã vứt hàng lại, bỏ chạy về phía bên kia biên giới. Tổ công tác đã thu giữ 10 kiện hàng vô chủ là hóa mỹ phẩm gồm 320 chai dầu gội đầu các loại, trị giá 20 triệu đồng.

Trước đó, ngày 21/8/2017, tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng Tân Thanh phối hợp với lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi vận chuyển hơn 11 kg đồ trang sức làm bằng ngà voi. Vụ việc đang được Đồn Biên phòng Tân Thanh tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định.

Vĩnh Long: Tập huấn kỹ năng phân biệt hàng thật - giả

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long (Sở Công Thương Vĩnh Long) đã phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo 389 và kiểm soát viên thuộc chi cục.

Tại lớp tập huấn, đại diện các nhãn hàng đã trình bày, giới thiệu khái quát các đặc điểm, kiểu dáng, mẫu mã để nhận biết các sản phẩm thật, hướng dẫn cách nhận diện các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với một số sản phẩm tiêu dùng thông thường như: bột giặt, quần áo, bột nêm, nước mắm… Thực tế thời gian qua cho thấy, các thông tin, đặc điểm để nhận biết giữa hàng thật và hàng giả vẫn chưa đầy đủ trong khi các phương thức làm giả ngày càng tinh vi. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, kiến thức về hàng hóa, sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế. Các công cụ hỗ trợ, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa… chưa được trang bị đầy đủ. Vì vậy, qua buổi tập huấn, các cán bộ, kiểm soát viên sẽ được trang bị những kỹ năng nhận biết thông qua các sản phẩm hàng thật đối chứng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Đồng thời, góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang ngày càng lan rộng.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)