TIÊU ĐIỂM |
An Giang: Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp
Trong bối cảnh nhu cầu con giống cá tra chất lượng tiếp tục tăng, Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do tỉnh An Giang chủ trì được kỳ vọng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu con giống, ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững.
Đây là đề án đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt tại Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018. Đến nay, An Giang đã xây dựng được 2 chuỗi liên kết trong khuôn khổ đề án. Trong đó, chuỗi thứ 1 gồm: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Viện II, đơn vị cung cấp cá bố mẹ), Trung tâm Giống thủy sản An Giang (sản xuất cá tra bột), Chi hội sản xuất giống cá tra AFA (đơn vị ương giống) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish, đơn vị bao tiêu cá giống). Ở chuỗi thứ 2, đơn vị cung cấp cá bố mẹ vẫn là Viện II, đơn vị sản xuất cá tra bột vẫn là Trung tâm Giống thủy sản An Giang nhưng đơn vị ương giống là Chi hội Sản xuất giống cá tra Châu Phú, còn đơn vị bao tiêu cá giống là Công ty Cổ phần đa quốc gia (IDI). Qua quá trình triển khai, 2 chuỗi liên kết đã sản xuất được hơn 1 tỷ con cá tra bột, trên 200 triệu con cá tra giống, góp phần đáp ứng nhu cầu con giống của các hộ nuôi và doanh nghiệp.
Muốn đạt mục tiêu đó, bên cạnh đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống cá tra chất lượng cao, cần hỗ trợ tỉnh An Giang đầu tư phòng thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung… Qua đó, giúp chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra có điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu con giống của vùng ĐBSCL.
Nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, An Giang đang đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ triển khai thực hiện 2 dự án ưu tiên là đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung tại An Giang. Đối với Trung tâm Giống cá tra chất lượng cao, dự kiến xây dựng tại huyện Thoại Sơn, với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, Trung tâm Giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang sẽ đạt tiêu chí để tham gia các đơn vị cấp 1, đảm bảo cung cấp đàn cá tra bố mẹ sinh sản ít nhất 10.000 con và hậu bị 15.000 con/năm, sản xuất giống cá bột chất lượng cao đạt 10 tỷ cá bột/năm. Đối với Phòng Thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra tại An Giang, sẽ được đầu tư đạt tiêu chuẩn vùng, với tổng diện tích 45 héc-ta, gồm 10 héc-ta trại giống (cơ sở 2) hiện hữu và 35 héc-ta mở rộng. Phòng Thí nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng con giống cá tra và giống thủy sản thông qua ứng dụng kết hợp các phương pháp di truyền chọn giống với di truyền phân tử, đồng thời xây dựng định hướng và bảo tồn nguồn gen của thủy sản Việt Nam.
Đối với Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung tại An Giang, tỉnh sẽ thực hiện 3 vùng ương giống tập trung với quy mô 350 héc-ta (Châu Phú 150 héc-ta, TP. Long Xuyên 100 héc-ta, TX. Tân Châu 100 héc-ta). Đối với vùng 100 héc-ta ở TX. Tân Châu, tỉnh đang mời gọi Tập đoàn Việt Úc đầu tư. Hiện nay, An Giang đang tập trung triển khai thực hiện các mô hình nuôi cá tra theo công nghệ cao tại huyện Châu Phú, đã có 2 doanh nghiệp đầu tư với quy mô 300 - 400 héc-ta/vùng. Mục tiêu đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung 150 héc-ta huyện Châu Phú nhằm gắn kết mô hình nuôi của các doanh nghiệp vào vùng ương giống tập trung, tạo thành chuỗi giá trị cá tra liên kết khép kín từ khâu sản xuất giống đến khâu nuôi thương phẩm và chế biến xuất khẩu…
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Ninh Thuận: Giống nho mới cho thu nhập cao
Cây nho giống mới NH 01-152 đã nhanh chóng thích nghi trên vùng đất cát ven biển Thái An, tỉnh Ninh Thuận. Năm nay, cây nho trúng mùa, được giá tạo tâm lý phấn khởi cho bà con nông dân.
Giống nho NH 01-152 là giống mới chất lượng thơm ngon phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng trong nước, có khả năng cho thu nhập cao. Đặc biệt, các thương lái đến tận vườn thu mua nho NH 01-152 với giá 120.000 - 140.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với nho NH 01-48 và gấp 3 lần so với nho Read Cadinal. Các siêu thị uy tín trên địa bàn tỉnh cũng tìm đến liên hệ đặt hàng đưa nho tươi NH 01-152 phân phối trong hệ thống. Đầu tư thâm canh ứng dụng công nghệ cao vào canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nho giống mới NH 01-152 cho thu hoạch năng suất 1,2 - 1,5 tấn/sào/vụ. Mỗi năm canh tác vụ chính đông - xuân và vụ phụ hè - thu, với giá bán trung bình 100.000 - 120.000 đồng/kg, người trồng nho NH 01-152 có lãi ròng 700 - 800 triệu đồng/héc-ta.
Trước lợi nhuận mà giống nho mới mang lại, huyện ven biển Thái An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân mở rộng diện tích trồng nho giống mới NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP thay thế dần các giống cũ đã thoái hóa. Xã Vĩnh Hải chuẩn bị những vườn nho cho trái chín, sẵn sàng tiếp đón du khách đến Ninh Thuận tham quan trong dịp Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10/2018 sắp tới.
Bắc Kạn: Vào vụ thu hoạch hoa hồi
Những ngày này, người trồng cây hồi tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đang bắt đầu vào vụ thu hái hoa hồi. Mặc dù vụ hồi này không được mùa, nhưng bù lại giá thu mua khá cao.
Bình quân 1kg hoa hồi tươi đầu vụ có giá từ 15.000 - 18.000 đồng, cao hơn nhiều so với năm 2017. Đặc biệt, điều mà người dân Bình Văn phấn khởi chính là việc thu mua đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tư thương vào tận nhà thu mua, các gia đình trồng hồi không phải mang đi bán như trước đây.
Từ nhiều năm qua, cây hồi đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân Bình Văn. Nhiều gia đình đã trồng hồi với diện tích lớn trên dưới 5 - 6 héc-ta. Theo người dân, cây hồi ít bị mất mùa, hiệu quả kinh tế cao, không tốn công chăm sóc. Trước đây, cây hồi mọc tự phát hoặc do cha ông trồng để bảo vệ đất, giữ rừng, khai thác lấy gỗ. Dần dần thấy nhu cầu thị trường với sản phẩm này ngày một tăng, người dân chủ động trồng mới. Đến nay, xã Bình Văn có hơn 230 héc-ta hồi, trong đó có khoảng 220 héc-ta đang cho thu hoạch. Lợi ích của cây hồi mang lại tương đối đa dạng, không chỉ khai thác thành gỗ mà còn có thể khai thác sản phẩm hoa hồi liên tục trong nhiều năm.
Theo đánh giá, thu nhập từ cây hồi chiếm gần 50% trong tổng thu nhập kinh tế của toàn xã Bình Văn. Nhờ có cây hồi mà hiện nay đời sống của người dân khấm khá lên nhiều. Hiện nay, nhiều gia đình trên địa bàn xã có điều kiện kinh tế đã tự tìm đầu mối và đứng ra thu mua hoa hồi cho bà con. Vì vậy, khi người dân hái hoa hồi đến đâu thì có người đến tận nơi thu mua ngay, không như trước đây khi bà con hái về chưa có ai mua, để lâu hoa hồi bị hỏng. Để duy trì và mở rộng diện tích trồng cây hồi, nhất là dần thay thế những cây hồi già cỗi không còn hiệu quả kinh tế, hàng năm chính quyền xã đều tuyên truyền, vận động bà con đăng ký trồng cây hồi. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động thu mua hoa hồi của các tư thương, đảm bảo giữ giá ổn định, tránh tình trạng tư thương ép giá.
MUA GÌ - BÁN GÌ |
Khánh Hòa: Táo đầu mùa được giá
Xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đang bước vào mùa thu hoạch táo. Năm nay, giá táo chính vụ cao hơn những năm trước, các thương lái mua với giá bình quân 7.000 đồng/kg (tăng hơn năm trước 2.000 đồng/kg). Giá táo cao là do diện tích thu hẹp, chỉ đạt 80% so với mọi năm. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều làm trái nứt, cộng với nạn ruồi vàng làm rụng trái nên sản lượng giảm, hao hụt khoảng 10% nên năng suất chỉ còn 4 - 4,5 tấn/sào 1.000m2.
Cam Thành Nam là vùng sản xuất táo tập trung lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với diện tích từ 80 đến 90 héc-ta. Hiện nay, diện tích giảm còn 70 héc-ta. Giá táo năm nay cao hơn năm trước là do cơn bão số 12 năm 2017 làm hư hại nhiều vườn táo chưa khôi phục kịp.
Châu Thành (Đồng Tháp): Thanh long ruột đỏ tăng giá
Hiện thanh long ruột đỏ được thu mua với giá 30.000 đồng/kg loại 1; loại 2 giá 20.000 đồng/kg; loại 3 là 10.000 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn thời điểm tháng trước khoảng 7.000 đồng/kg. Giá thanh long tăng do thời điểm hiện tại sức cạnh tranh mặt hàng thanh long trên thị trường đang có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, vì là mùa thuận nên nông dân cũng bớt được chi phí chong đèn kích thích ra hoa cho trái. Với giá như hiện nay, người trồng thanh long ruột đỏ có thể đạt mức lãi khá.
Những năm gần đây, thanh long là cây trồng mang lại lợi thế cạnh tranh cao cho nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành. Toàn huyện hiện có hơn 50 héc-ta diện tích trồng thanh long, tập trung ở các xã: Phú Hựu, Tân Phú Trung.
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá dừa khô xuống mức thấp
Hiện giá dừa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long đang xuống rất thấp với khoảng 20.000 đồng/chục (12 trái) thấp nhất trong 5 năm qua. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, dừa khô được các thương lái thu mua tại vườn chỉ còn từ 18.000 - 22.000 đồng/chục tùy loại. Mức giá này gần bằng với mức giá dừa khô xuống thấp nhất trong 5 năm qua. So với chi phí đầu tư cho phân bón, công chăm sóc thì nông dân không có lời. Nguyên nhân chính khiến giá xuống thấp hiện nay là do thương lái Trung Quốc ngưng thu mua, trong khi dừa đang vào vụ thu hoạch rộ.
Đồng bằng sông Cửu Long có gần 130.000 héc-ta dừa đang cho trái, chiếm gần 79% diện tích dừa cả nước. Tập trung nhiều ở 4 tỉnh gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, sản lượng trái đạt hơn 1 triệu tấn/năm.
Châu Thành (Hậu Giang): Giống cây mít Thái tăng
Nhiều chủ bán cây giống tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, trong những ngày gần đây, lượng người tìm mua cây giống mít Thái tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Phần đông là khách từ các địa phương khác đến như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Bình quân mỗi điểm bán cây giống có thể bán được vài trăm cây mít Thái/ngày. Giá cây giống hiện tại dao động từ 15.000 - 40.000 đồng/cây, tùy theo chất lượng và chiều cao cây ươm, tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/cây so với vài tháng trước đây. Dù giá bán tăng nhưng số lượng người tìm mua vẫn không giảm.
LƯU Ý- CẢNH BÁO |
Bình Phước: Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu điều
Vụ thu hoạch điều tại tỉnh Bình Phước năm 2018 vừa kết thúc nhưng sản lượng thu hoạch thấp, không đạt được như kỳ vọng. Tính đến tháng 5/2018, toàn tỉnh thu được 87.132 tấn, bằng 90% cùng kỳ niên vụ 2016 - 2017.
Bình Phước là tỉnh có diện tích điều lớn nhất nước ta với trên 134.000 héc-ta, với khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch điều mấy năm vừa qua chỉ đáp ứng được từ 15 - 20% công suất chế biến. Do đó, tỉnh Bình Phước phải nhập thêm điều thô từ châu Phi về chế biến nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Năm nay, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn khi đến thời điểm này, có tới 80% cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phải đóng cửa vì không đủ nguyên liệu điều thô để chế biến.
Hiện nay, quy mô, năng lực chế biến của các doanh nghiệp điều Bình Phước còn bộc lộ những hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có 31 doanh nghiệp đủ năng lực thực sự để nhập khẩu điều thô để chế biến. Các cơ sở còn lại sau vụ thu hoạch không có nguyên liệu để gia công, chế biến nên buộc phải nhập nguyên liệu. Do chi phí cao nên việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau khi sơ chế sẽ không kiếm được lời buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất.
Theo Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước, đến nay, tỉnh đã có nhiều nhà máy được đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến của các nước hàng đầu công nghệ như Đức, Hà Lan... Trong đó, nổi bật là công nghệ xông trùng trong chế biến đã giúp cho việc ký kết với các đối tác xuất khẩu đa dạng hơn. Hiện tỉnh Bình Phước đã ký kết được với hơn 100 đối tác ở khắp các thị trường Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á và châu Phi trong việc cung cấp điều thô. Vấn đề còn lại là phải phát triển ngành điều theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Bởi trên thực tế, cây điều thường bị sâu bệnh tấn công và các loại khí thải công nghiệp khi gặp axít là nguyên nhân trực tiếp gây hư trái. Cần phải có nguồn vốn ưu đãi, đầu tư kỹ thuật và nhân sự, chế phẩm sinh học để xử lý giúp cây điều phát triển và phục hồi tốt. Đặc biệt, Nhà nước phải có chính sách thuê đất dài hạn để doanh nghiệp và người nông dân yên tâm đầu tư.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI |
Bình Phước: Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu điều
Vụ thu hoạch điều tại tỉnh Bình Phước năm 2018 vừa kết thúc nhưng sản lượng thu hoạch thấp, không đạt được như kỳ vọng. Tính đến tháng 5/2018, toàn tỉnh thu được 87.132 tấn, bằng 90% cùng kỳ niên vụ 2016 - 2017.
Bình Phước là tỉnh có diện tích điều lớn nhất nước ta với trên 134.000 héc-ta, với khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch điều mấy năm vừa qua chỉ đáp ứng được từ 15 - 20% công suất chế biến. Do đó, tỉnh Bình Phước phải nhập thêm điều thô từ châu Phi về chế biến nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Năm nay, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn khi đến thời điểm này, có tới 80% cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phải đóng cửa vì không đủ nguyên liệu điều thô để chế biến.
Hiện nay, quy mô, năng lực chế biến của các doanh nghiệp điều Bình Phước còn bộc lộ những hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có 31 doanh nghiệp đủ năng lực thực sự để nhập khẩu điều thô để chế biến. Các cơ sở còn lại sau vụ thu hoạch không có nguyên liệu để gia công, chế biến nên buộc phải nhập nguyên liệu. Do chi phí cao nên việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau khi sơ chế sẽ không kiếm được lời buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất.
Theo Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước, đến nay, tỉnh đã có nhiều nhà máy được đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến của các nước hàng đầu công nghệ như Đức, Hà Lan... Trong đó, nổi bật là công nghệ xông trùng trong chế biến đã giúp cho việc ký kết với các đối tác xuất khẩu đa dạng hơn. Hiện tỉnh Bình Phước đã ký kết được với hơn 100 đối tác ở khắp các thị trường Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á và châu Phi trong việc cung cấp điều thô. Vấn đề còn lại là phải phát triển ngành điều theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Bởi trên thực tế, cây điều thường bị sâu bệnh tấn công và các loại khí thải công nghiệp khi gặp axít là nguyên nhân trực tiếp gây hư trái. Cần phải có nguồn vốn ưu đãi, đầu tư kỹ thuật và nhân sự, chế phẩm sinh học để xử lý giúp cây điều phát triển và phục hồi tốt. Đặc biệt, Nhà nước phải có chính sách thuê đất dài hạn để doanh nghiệp và người nông dân yên tâm đầu tư.
HÀNG VIỆT |
Sơn La: Phấn đấu xuất khẩu 10 tấn nhãn Sông Mã
Với diện tích hơn 6.000 héc-ta, huyện Sông Mã là vùng nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La. Nhãn Sông Mã đang từng bước đảm bảo chất lượng nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Theo kế hoạch, năm 2018, huyện Sông Mã phấn đấu xuất khẩu 10 tấn nhãn sang thị trường Úc, Mỹ và 250 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc. Việc xúc tiến xuất khẩu nhãn ra thị trường nước ngoài là cơ sở quan trọng để huyện Sông Mã quản lý tốt hơn về chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Mở đầu cho kế hoạch này là chuyến hàng xuất khẩu 40 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc. Đây là lô nhãn xuất khẩu đầu tiên của huyện Sông Mã thông qua Công ty TNHH Cánh đồng vàng của tỉnh Lạng Sơn; Công ty TNHH Một thành viên Thanh Tùng - Sơn La.
Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Sông Mã đã xây dựng được gần 190 héc-ta nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, tập trung tại 12 hợp tác xã trên địa bàn huyện. Trong đó, có 22,3 héc-ta nhãn được cấp mã số vùng trồng, sản lượng hàng năm ước đạt 220 tấn; 166 héc-ta nhãn được chứng nhận theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP), sản lượng hàng năm ước đạt 930 tấn.
Để nhãn Sông Mã có uy tín, đứng vững trên thị trường, những năm lại đây, huyện tập trung hướng dẫn cho bà con từ quy trình trồng, lựa chọn giống, chăm sóc, thu hái, sơ chế, bảo quản cũng như quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt. Một số hợp tác xã đã thực hiện quy trình sản xuất hoa quả sạch theo quy trình VietGap để sản phẩm không những tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra các thị trường quốc tế. Do vậy, việc sản xuất được triển khai rất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích, mở rộng thị trường và thu mua sản phẩm cho bà con trong khu vực. Đồng thời, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người dân dừng phun thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn thực phẩm khi bán ra thị trường.
Thời gian qua, huyện Sông Mã đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên việc tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã cây ăn quả để xuất khẩu nhãn. Hiện nay, đã có 14 đơn vị, hợp tác xã sản xuất nhãn trên địa bàn được các doanh nghiệp lựa chọn thu gom nhãn xuất khẩu. Ngoài thị trường Trung Quốc, huyện Sông Mã còn có kế hoạch xuất khẩu nhãn sang thị trường Úc, Mỹ và một số nước khác.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, huyện Sông Mã sẽ mở rộng diện tích vào khoảng trên 7.500 héc-ta. Trong đó, sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là cải tạo các vườn tạp, các giống nhãn năng suất, chất lượng thấp, đưa các giống nhãn có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Đặc biệt, thời gian tới huyện sẽ tập trung xuất khẩu nhãn ra thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, Cục Bảo vệ thực vật mở rộng thêm các mã vùng trồng, cấp các mã vùng trồng xuất khẩu và thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các mã vùng trồng này, để đảm bảo tiêu chuẩn nhãn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Đây chính là tấm giấy thông hành để nhãn Sông Mã vươn xa.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)