TIÊU ĐIỂM |
Lạng Sơn: Sẽ mở chính thức cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với phía Trung Quốc chuẩn bị mở chính thức cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm.
Dự kiến, hai bên sẽ phối hợp tổ chức lễ công bố mở chính thức cặp cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) vào cuối năm 2017. Hiện nay, cửa khẩu Ái Điểm phía Trung Quốc đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng với quy mô khang trang. Phía Trung Quốc cũng đã bố trí đầy đủ các lực lượng: biên phòng, hải quan và kiểm nghiệm, kiểm dịch đáp ứng các yêu cầu kiểm tra, kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu.
Về phía Việt Nam, sau khi Quyết định 343/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng cấp cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn từ cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư kết cấu hạ tầng, đưa vào sử dụng các công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Hiện UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã bố trí các lực lượng làm việc tại cửa khẩu gồm: hải quan, biên phòng, kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật), kho bạc Nhà nước.
Thời gian qua, hai bên Lạng Sơn (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc) đã phối hợp chặt chẽ, thông báo cho nhau về tình hình, tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trong khu vực cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm nhằm cùng nhau thúc đẩy tiến độ, sớm công bố chính thức cặp cửa khẩu song phương này. Đây cũng là một hoạt động quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, buôn bán, trao đổi hàng hóa… của cư dân biên giới giữa hai nước.
Thống kê từ các lực lượng hải quan, biên phòng Chi Ma cho thấy, những năm gần đây, lưu lượng người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma tương đối lớn và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể, năm 2016 có 101.627 lượt người, 69.968 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 407 triệu đô-la Mỹ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng hải quan, biên phòng Chi Ma đã làm thủ tục cho 79.684 lượt người, 30.652 lượt phương tiện xuất nhập cảnh và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 77 triệu đô-la Mỹ.
Mô hình “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh
Công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị. Đột phá trong công tác cải cách thủ tục hải quan tại đây là đã triển khai thành công bước 4 mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) - Dansavanh (Savanakhet, Lào). Đây là cặp cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam cũng như của 6 nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông được chọn thực hiện thí điểm mô hình theo Hiệp định GMS/CBTA về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Mô hình này đã giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu về quản lý, chống buôn lậu, chống thất thu ngân sách; hạn chế và chống các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu của nhân viên thực thi công vụ tại cửa khẩu hai nước.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Gia Lai: Bí đỏ tiêu thụ tốt, giá tăng
Hiện nay, bà con huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đang giữa mùa thu hoạch bí đỏ, giá được thu mua ổn định ở mức từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với mức giá của năm ngoái.
Ông Đinh Công Vịnh, một người đã trồng bí đỏ nhiều năm ở thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh cho biết, bí đỏ trồng ở đây chất lượng rất ngon, dẻo, béo, được nhiều người biết đến. Do thời tiết không được thuận lợi, mưa nhiều nên vụ bí đỏ năm nay mất mùa, năng suất thấp, chỉ khoảng 6 - 7 tấn/héc-ta nhưng bù lại giá bí lại cao, dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Với giá hiện tại so với năm ngoái tăng gấp hai lần nhưng sau khi hạch toán chi phí, người trồng bí đỏ lãi không nhiều do ảnh hưởng của thời tiết.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho biết, vụ trồng bí năm nay, toàn xã trồng 460 héc-ta bí đỏ, tập trung chủ yếu ở thôn Hòa Sơn, Chư Bố II, Plei Briêng vì đất đai rất phù hợp với cây bí. Các giống bí bà con trồng là giống bí Hồ Lô, bí Thái và bí Én vàng. Đến nay, bà con nông dân trên địa bàn xã đang bước vào mùa thu hoạch được trên 50% diện tích. Dự kiến, vụ bí sẽ kết thúc vào khoảng đầu tháng 9. Nhìn chung, vụ bí đỏ năm nay vui hơn năm ngoái vì bí được thu mua với mức giá khá cao và rất ổn định.Nếu như vụ thu hoạch năm ngoái giá bí chỉ ở mức 3.000 đồng/kg thậm chí có lúc chỉ bán được 1.000 - 1.500 đồng/kg, thì năm nay giá bí đỏ tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/kg và duy trì ổn định trong suốt cả vụ thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Long Khánh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, tổng diện tích bí đỏ trên địa bàn huyện là 80 héc-ta, giá bí năm nay tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất, sản lượng bí giảm. Để nông dân ổn định sản xuất, trong thời gian tới, cùng với việc hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí đỏ, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến cáo người dân chỉ trồng bí trong phạm vi diện tích quy hoạch chứ không nên trồng ồ ạt. Trước khi quyết định trồng phải chọn đất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng để có thể giảm thiểu rủi ro.
Tiền Giang: Giá lợn bấp bênh, người nuôi lo lắng
Hiện nay, tại Tiền Giang, giá lợn hơi tăng, giảm thất thường khiến người nuôi lo lắng. Đặc biệt, tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, giá lợn còn giảm thấp xuống dưới 2,8 - 2,9 triệu đồng/tạ khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Tại huyện Cai Lậy - một huyện vùng sâu của tỉnh Tiền Giang, giá lợn hơi được thương lái thu mua từ 2,8 - 2,9 triệu đồng/tạ, giảm khoảng 700.000 đồng/tạ so với tuần trước. Với giá này, người nuôi lợn lỗ tối thiểu 2 triệu đồng/tạ. Trong khi đó, cùng thời điểm này tháng trước, có lúc lợn hơi tăng giá lên trên 3,5 triệu đồng/tạ nhưng chỉ trong một thời gian ngắn lại hạ. Trước tình trạng tăng giảm thất thường này, một số chủ trang trại đã quyết định giảm đàn.
Theo khảo sát sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá thành một tạ lợn hơi trên địa bàn ở mức khoảng 3,8 triệu đồng bao gồm các chi phí cần thiết gồm: con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, công chăm sóc… Với giá thu mua lợn hơi như trên, người nuôi lỗ vốn. Do vậy, về lâu dài hộ chăn nuôi phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng an toàn nhằm giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh để phát triển chăn nuôi bền vững và mang lại hiệu quả cho nông hộ.
Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, trong đó, chăn nuôi giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, giá lợn hơi bấp bênh, người chăn nuôi thua lỗ nên tổng đàn lợn tại Tiền Giang có xu hướng giảm. Toàn tỉnh hiện còn tổng đàn trên 500.000 con, giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm trước.
MUA GÌ?- BÁN GÌ? |
Đồng Nai: Ca cao được mùa, được giá
Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây ca cao phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng tăng cao. Tại các huyện: Trảng Bom, Long Khánh, Xuân Lộc, nhà vườn phấn khởi vì vụ ca cao năm nay cho năng suất khá cao, khoảng 20 - 30 tấn/héc-ta, tăng từ 35 - 40% so với năm trước. Bên cạnh đó, giá thu mua ca cao năm nay tăng so với mọi năm và giữ ở mức tương đối ổn định. Giá ca cao được mua bao tiêu trái tươi ngay tại vườn với giá 6.300 - 7.000 đồng/kg, tăng hơn năm ngoái 500 - 1.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nhà vườn trồng ca cao thu lợi nhuận cao từ 140 - 200 triệu đồng/héc-ta/năm.
Nhu cầu sử dụng sản phẩm chế từ ca cao ở Việt Nam trong những năm gần đây đang được chú ý mạnh, tạo cho nhu cầu từ thị trường nguyên liệu tăng cao, khiến giá ca cao nhích lên và khá ổn định.
Hỗ trợ gần 27 tỷ đồng phát triển cà phê bền vững
Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp (VnSat) (phát triển cà phê bền vững) trung ương sẽ hỗ trợ 5 tổ chức nông dân sản xuất cà phê bền vững tại tỉnh Lâm Đồng với tổng vốn đầu tư hơn 26,9 tỷ đồng.
Theo đó, danh mục đầu tư bao gồm các công trình hạ tầng, nâng cấp đường giao thông nông thôn vào khu sản xuất cà phê bền vững. Hàng hóa, thiết bị được hỗ trợ đầu tư gồm: nhà kho, sân phơi, máy sơ chế, máy sấy, máy cày, thiết bị phục vụ sản xuất quy mô nhỏ tại các vùng thuộc dự án VnSat ở các huyện Lâm Hà, Di Linh và TP. Bảo Lộc.
Trước đó, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã trình bày 2 nhóm giải pháp về quy hoạch và khoa học công nghệ nhằm phát triển cà phê bền vững. Trong đó, tập trung tái canh, cải tạo giống cà phê robusta cao sản chọn lọc vô tính gắn với áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Chú trọng phát triển giống cà phê chè cao cấp, cà phê chè hữu cơ với diện tích bằng 20 - 25% trên tổng diện tích cà phê trên địa bàn.
Gia Lai: Mô hình bao tiêu cà tím Nhật Bản
Năm 2017, Hợp tác xã Công nghệ cao Quang Minh 2, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai triển khai trồng 10 héc-ta cà tím Nhật Bản. Với mô hình này, Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt và sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ, sinh học và phân hóa học trong danh mục cho phép. Để tìm đầu ra cho cà tím Nhật Bản, hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu - Chi nhánh Nha Trang bao tiêu sản phẩm. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, đến nay hợp tác xã đã thu hoạch được trên 500 tấn với giá bán bình quân 5.500 đồng/kg.
Mô hình trồng cà tím Nhật Bản là mô hình mới, lần đầu tiên Hợp tác xã Công nghệ cao Quang Minh 2 triển khai trồng trên đất Chư Pưh. Mặc dù khi triển khai có nhiều khó khăn nhưng đây là mô hình có sự liên kết giữa nhà sản xuất với công ty trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định ở mức tương đối cao và có xu hướng tăng giá ở một số nơi. Vì vậy, người nuôi dần ổn định sản xuất, diện tích nuôi hiện có đạt 4.746 héc-ta, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bước vào vụ thu hoạch chính, sản lượng cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 815.500 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, mưa lớn bất thường, sự biến động lớn của các yếu tố môi trường đã làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi. Vì vậy, tình hình dịch bệnh trên thủy sản có chiều hướng tăng so với các tháng đầu năm.
Về giá, hiện nay tại Vĩnh Long, giá cá tra thịt trắng đang ở mức 24.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước; tại Đồng Tháp cá tra đang có giá từ 22.500 - 23.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước; còn tại An Giang giá cá tra hiện ở mức 23.000 - 23.500 đồng/kg. Đáng chú ý, giá cá tra giống có xu hướng tăng do nhu cầu thả nuôi cao.
CHUYỂN ĐỘNG - THỊ TRƯỜNG |
Ninh Thuận: Quy hoạch vùng trồng nho công nghệ cao
Nho được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Ninh Thuận. Mục tiêu của tỉnh Ninh Thuận là đến năm 2020, nho sẽ trở thành trái cây thương phẩm có giá trị kinh tế cao.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ninh Thuận, tổng diện tích đất có lợi thế phát triển cây nho trong tỉnh khoảng 7.100 héc-ta. Hiện tỉnh đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho ăn tươi an toàn, áp dụng công nghệ cao để canh tác, với diện tích trên 2.500 héc-ta tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn và TP. Phan Rang - Tháp Chàm và ít nhất 250 héc-ta nho để làm rượu tại 2 xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn.
Tuy nhiên, giống nho truyền thống là Red Cardinal đang bị suy giảm năng suất, khả năng kháng bệnh yếu. Trước thực trạng này, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã lai tạo thành công một số giống nho như NH-0148, NH01-152, Black Queen trồng phổ biến tại một số vùng chuyên canh của Ninh Thuận, từng bước thay thế giống nho cũ. Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cũng quy hoạch 3 vùng trồng nho tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 100 héc-ta kết hợp sơ chế, bán buôn theo hướng thương phẩm chất lượng cao tại phường Văn Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm), xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn), thị trấn Khánh Hải, (huyện Ninh Hải).
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng quy hoạch sản xuất nho an toàn, tỉnh đã chỉ đạo ngành NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị nho và các sản phẩm sau nho. Đặc biệt, phát triển và mở rộng các mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ tiên tiến kết hợp du lịch vườn để tăng thêm giá trị và thu nhập cho các hộ dân.
Vĩnh Long: Phát triển phong trào nuôi dê bằng dây khoai lang
Những năm gần đây, phong trào nuôi dê phát triển mạnh ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Bà con nơi đây đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là dây khoai lang có sẵn để nuôi dê, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thành Đông là xã có số lượng đàn dê phát triển lớn nhất tỉnh. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2017, toàn xã có gần 100 hộ nuôi dê với số lượng đàn khoảng 1.500 con lớn nhỏ. Nhờ nuôi dê, nhiều bà con có thu nhập khá và kinh tế gia đình ổn định hơn. Đặc biệt, bà con đã tận dụng dây khoai lang sau thu hoạch làm thức ăn cho dê, vừa tiết kiệm được chi phí, đàn dê vừa phát triển tốt.
Hiện tại, xã Thành Đông có khoảng 612 héc-ta khoai lang trồng liên tục trong năm. Với diện tích khoai lang như trên, nguồn thức ăn cho dê rất dồi dào và bà con có thể tận dụng để nuôi dê với số lượng có thể lên đến 4.000 con. Đây là điều kiện rất tốt để tăng thu nhập cho nông hộ. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi, trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ 15 hộ nông dân nghèo của xã Thành Đông được vay 300 triệu đồng để nuôi dê. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ đã thoát nghèo và hoàn vốn cho hội để tiếp tục cho những hộ khác vay. Điển hình là gia đình ông Trần Thanh Hoàng ở ấp Thành Hậu là một trong những hộ có thu nhập khá sau hơn 2 năm nuôi dê. Hiện tại, đàn dê nhà ông Hoàng có khoảng 70 con với đủ các loại dê như: dê sinh sản, dê nuôi lấy thịt, dê con... Dê lấy thịt chiếm 50% tổng đàn, mỗi năm ông cho xuất chuồng 2 lứa, với giá dê hơi từ 98.000 - 110.000 đồng/kg, cho thu lãi 100 - 120 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán từ 10 - 15 dê giống sinh sản, mỗi con 4 - 5 triệu đồng, thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Nhờ có đàn dê mà kinh tế gia đình ông khấm khá hơn.
HÀNG VIỆT |
Bà con Nam Đông với niềm tin hàng Việt
Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,5% số dân của huyện, chủ yếu là người Cơ Tu. Những năm qua, bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, chương trình kết nối nhà sản xuất, đưa hàng Việt về nông thôn, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… được triển khai thường xuyên hơn tại huyện miền núi này.
Đặc biệt, vừa qua, Sở Công thương Thừa Thiên Huế đã tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi năm 2017 tại huyện Nam Đông. Tại đây, 100% các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kèm theo. Bên cạnh hàng hóa tham gia chương trình như: sản phẩm điện tử, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh, cây – con - giống vật nuôi… thì những mặt hàng là sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: cam, mật ong, ngũ cốc, dầu tràm, nấm linh chi… được các công ty và cơ sở tại địa phương bày bán, giới thiệu đến khách thăm quan và bà con. Tại gian hàng sản phẩm mật ong rừng Pensee Honey, tinh dầu tràm Huế Hi Fresh của Công ty TNHH MTV Nhà hàng Thảo Nguyên Xanh, chị Lê Thị Cẩm Nhung - Giám đốc công ty chia sẻ: Công ty thường xuyên tham gia những chương trình do Sở Công Thương tổ chức như: Tháng khuyến mại, Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn… Qua những lần tham gia, doanh nghiệp không những quảng bá sản phẩm mà được giao thương, học hỏi kinh nghiệm rất nhiều. Công ty có trụ sở và nhà máy tại địa phương nên đợt tham gia tháng khuyến mại sẽ giảm giá thành, tặng thêm sản phẩm cho bà con. Doanh nghiệp mong muốn các ban, ngành, tổ chức nhiều phiên chợ để bà con và các đơn vị sản xuất hàng Việt gần nhau hơn. Qua đó, doanh nghiệp cũng nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng từng vùng, miền để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Chị Đặng Thị Duyên ở thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông có mặt tại phiên chợ cho biết: Do ít có điều kiện ra trung tâm thành phố mua sắm nên nhiều người dân trong huyện mong chờ địa phương tổ chức các hội chợ, phiên chợ để được mua sắm hàng hóa do các công ty trong nước sản xuất. Những hàng hóa này vừa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý. Nhưng năm nào cũng vậy, các hội chợ, phiên chợ chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, bà con chưa mua sắm được nhiều.
Theo ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên Huế, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được tổ chức ở các huyện, thị xã trên địa bàn Thừa Thiên Huế và Nam Đông nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các đơn vị kinh doanh trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo niềm tin của đồng bào địa phương đối với việc sử dụng hàng Việt. Đáng lưu ý là các phiên chợ đã tạo điều kiện cho bà con ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cơ hội mua hàng hóa được cung cấp bởi những nhà sản xuất, phân phối có uy tín. Thúc đẩy nền kinh tế sở tại phát triển để từng bước theo kịp miền xuôi và đô thị. Mục đích chính của các phiên chợ đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về vùng nông thôn, miền núi không chỉ là số lượng hàng được bán tại chỗ, mà là tạo cơ hội để người tiêu dùng thấy được hàng Việt Nam có chất lượng tốt như thế nào để từ đó tin dùng.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm: Khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù
Hiện tượng vi phạm về quy định an toàn thực phẩm (ATTP) xảy ra ở tất cả các khâu từ sản xuất, nuôi trồng, bảo quản, chế biến đến lưu thông trước khi đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, tình hình ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu đang xảy ra ngày càng nhiều, gây lo ngại cho người sử dụng.
Báo động về vi phạm pháp luật về ATTP
Thời gian gần đây, tại một số địa phương, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; nhất là thị trường các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều nhất là các mặt hàng như: Gà, cá đông lạnh; cá, tôm khô có chứa chất bảo quản; nước ngọt, nước mắm có các thành phần hóa học vượt quá quy định cho phép.
Bên cạnh đó, điều kiện giết mổ của nhiều cơ sở còn chưa đảm bảo vệ sinh; việc bày bán, bảo quản còn sơ sài. Tại các chợ huyện, chợ xã, có những phản thịt bày bán từ sáng đến tối ở ngoài trời, không được che đậy, bất chấp bụi bẩn và ruồi muỗi.
Ngoài thực phẩm, rượu cũng là một loại đồ uống đang gây nhiều lo ngại vì những vi phạm ATTP đã thấy rõ. Câu chuyện hàng chục người chết do uống phải rượu giả được pha chế từ cồn công nghiệp và nước lã thời gian qua là minh chứng cho thấy những hậu quả khôn lường từ thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Bà con nên tìm hiểu về các thông tin này để tránh những vi phạm có thể mắc phải trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, bảo quản, chế biến và mua bán thực phẩm.
Cụ thể, theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm gây ngộ độc thực phẩm có thể bị xử phạt như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm
Xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm ATTP dẫn đến ngộ độc thực phẩm đối với cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín….
Đồng thời, đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 1 đến 3 tháng trong trường hợp tái phạm. Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Theo Điều 21 của Nghị định 178, căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; nhà hàng… phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm ATTP dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.
Đối với cơ sở sản xuất thực phẩm
Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép.
Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.
Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng.
Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.
Đồng thời, ngoài xử phạt hành chính, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị truy cứu hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP được quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)