TIÊU ĐIỂM |
Cung vượt cầu - Giá hồ tiêu tiếp tục giảm
Tháng 8 và những ngày đầu tháng 9, giá thu mua hồ tiêu tiếp tục giảm sâu xuống mức 50.000 đồng/kg. Giá thu mua gần như bằng với giá thành sản xuất đang khiến nhiều người trồng tiêu lao đao.
Năm 2013, tôi có chuyến công tác tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Chạy xe đưa tôi đi trên con đường đất đỏ, men theo những vườn tiêu chạy dài… ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: Giá tiêu hiện khá cao, có thời điểm lên tới 160.000 đồng/kg. Nhiều người trồng tiêu sau vài năm tiêu được giá, nay đã trở thành tỷ phú.
Mừng là vậy, nhưng ông Bính không giấu được sự lo ngại: “Bà con nhiều xã đang đổ xô mở rộng diện tích trồng tiêu. Tôi e cứ đà này, cung chả mấy sẽ vượt cầu, chưa kể tiêu là dạng cây thân mềm, trồng nhiều mà không chăm sóc kỹ lưỡng, tiêu có thể đổ bệnh mà chết hàng loạt”.
Ông Bính là người đầu tiên mang cây hồ tiêu về trồng ở Chư Sê cũng là người rất có kinh nghiệm đối với việc chăm sóc tiêu, nên những điều ông nói đã sớm trở thành hiện thực. Năm 2016, trở lại Chư Sê, tôi đã được tận mắt chứng kiến những vườn tiêu cằn cỗi, nhiều vườn tiêu chết mòn vì nhiễm bệnh. Kết thúc năm 2017, con số thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khiến nhiều người không khỏi giật mình: Diện tích hồ tiêu năm 2017 đạt 152.000 héc-ta, trong khi theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của cả nước, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích hồ tiêu nước ta chỉ ở mức 50.000 héc-ta. Như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp hơn 3 lần quy hoạch ban đầu.
Và hậu quả của việc trồng tiêu ồ ạt đã hiện hữu: Giữa năm 2017, giá thu mua hồ tiêu bắt đầu sụt giảm, chỉ còn 77.000 đồng/kg - bằng một nửa so với đầu năm 2017. Đến tháng 8/2018, người trồng tiêu bắt đầu lo ngại khi giá thu mua hồ tiêu chỉ còn xấp xỉ 50.000 đồng/kg - bằng với giá thành sản xuất. Thực tế, câu chuyện giá hồ tiêu “tuột dốc không phanh” đã được đề cập khá nhiều trong suốt hơn một năm qua. Để giải quyết vấn đề đáng lo ngại này, theo ông Hoàng Phước Bính, cần tổ chức lại sản xuất và tăng cường kết nối trong chuỗi giá trị thay vì sản xuất đơn lẻ “hộ nào biết hộ nấy”. Như vậy, người trồng tiêu sẽ dễ dàng chia sẻ thông tin, phương pháp canh tác, cách đối phó dịch bệnh...
“Các hộ nên thành lập tổ canh tác hoặc hợp tác xã để khi có vấn đề gì xảy ra các cơ quan chức năng dễ giải quyết hơn. Đặc biệt, khi có hợp tác xã hoặc tổ canh tác, việc kết nối đầu ra cho tiêu cũng như nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ có giá tốt hơn” - ông Bính nhấn mạnh.
Rõ ràng, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp - sự được - mất của hồ tiêu phụ thuộc rất lớn vào người sản xuất. Chính vì vậy, trước mắt, người trồng hồ tiêu nên xem giai đoạn giảm giá mạnh này giống như một cơ hội để cơ cấu, thanh lọc lại vườn tiêu. Thay vì bỏ bê, không chăm sóc, bà con nên chặt bỏ những vườn tiêu sâu bệnh, năng suất thấp; đầu tư chăm bón, đổi mới quy trình chăm sóc cho những vườn tiêu năng suất cao. Đặc biệt, chú trọng đến việc liên kết sản xuất để có được những sản phẩm tiêu sạch đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Được biết, thế giới đang có xu hướng tăng nhu cầu thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản phẩm hồ tiêu cũng cần hướng tới các tiêu chuẩn này. Thực tế, một số mô hình sản xuất tiêu hữu cơ đã bán được với mức giá tăng gấp 4,5 lần so với giá tiêu thông thường. Với mức giá này, người trồng tiêu vẫn có được thu nhập tốt mà không phải lo ngại chuyện may - rủi khi ồ ạt tăng diện tích.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Bắc Kạn: Bí xanh chưa có thị trường tiêu thụ ổn định
Vụ bí xanh năm 2018, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn trồng 60 héc-ta, gấp đôi năm 2017. Do diện tích tăng, sản lượng tăng cao nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm này năm ngoái, bí xanh Ba Bể đã được tiêu thụ hết nhưng năm nay, toàn huyện còn tồn đọng hàng trăm tấn quả. Câu chuyện được mùa, mất giá tiếp tục là nỗi lo của rất nhiều hộ dân trồng bí xanh thơm ở địa phương này. Một gia đình ở thôn Nà Lình, xã Địa Linh cho biết, nếu như mọi năm, giá bán buôn lên đến 10.000 đồng/kg và được bán hết từ trước rằm tháng 7 thì hiện nay dù hạ giá xuống 5.000 đồng/kg bí xanh thơm phấn trắng và 3.000 đồng/kg bí vỏ xanh vẫn không có người đến mua. Ở Địa Linh, hầu như nhà nào cũng còn tồn đọng bí xanh trong nhà. Nguyên nhân chính khiến giá bí xanh thấp là do diện tích trồng tăng cao so với năm trước. Bà con chỉ trông vào tư thương đến mua mà chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cụ thể. Bên cạnh đó, các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang... cũng đã trồng được bí, dẫn tới bí xanh Ba Bể khó tiêu thụ.
Chưa có thống kê đầy đủ hiện toàn huyện Ba Bể còn tồn đọng bao nhiêu tấn bí xanh thơm, nhưng chỉ tính riêng xã Địa Linh vẫn còn hơn 300 tấn bí chưa tiêu thụ được. Thực tế cho thấy, nếu bí xanh chỉ cần bán được với giá 4.000 đồng/kg, người dân đã có thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Thế nhưng, do những hạn chế trong khâu tiêu thụ cùng việc thiếu kiểm soát về diện tích trồng nên tiêu thụ hết bí xanh còn tồn đọng là việc không dễ. Có thể nói, bí xanh là cây trồng thoát nghèo ở Ba Bể, nhưng để phát triển ổn định, chính quyền các cấp cần có sự định hướng kịp thời, sâu sát trong phát triển diện tích, chủ động xây dựng mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đối với nông sản đặc sản này.
Đắk Lắk: Sầu riêng được mùa, được giá
Năm nay, sầu riêng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk được mùa, giá cao kỷ lục. Với mức giá 68.000 - 70.000 đồng/kg, tăng 23.000 - 25.000 đồng/kg so với vụ trước, bà con trồng sầu riêng vụ này có lãi khá. Đặc biệt, năm nay do chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên năng suất sầu riêng đạt cao gần gấp rưỡi.
Việc thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng không chỉ diễn ra tấp nập tại các vườn cây, tại nhiều vựa thu mua nằm ven quốc lộ 26 đoạn qua thị trấn Phước An và UBND các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knếch, Ea K’ly và Hòa Đông cũng diễn ra nhộp nhịp. Trên các tuyến đường, những chuyến xe tải, xe máy kéo, chất đầy ắp quả sầu riêng đưa về các điểm thu mua. Còn tại các nhà xưởng, hàng trăm nhân công lựa chọn, vệ sinh, dán mác nhãn hiệu vào quả sầu riêng. Sau đó, sầu riêng được vận chuyển xuống cảng để thương lái thu mua lại rồi xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Thái Lan, Lào…
Krông Pắk là vùng trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có khoảng 1.500 héc-ta sầu riêng, trong đó hơn 1.000 héc-ta đang trong thời kỳ kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các xã: Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knếch, Ea K’ly, Hòa Đông và thị trấn Phước An. Năm nay, thời tiết thuận lợi, sầu riêng được mùa, sản lượng ước đạt 350.000 tấn. Những năm gần đây, từ việc trồng và kinh doanh sầu riêng, nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có.
Để trái sầu riêng của Krông Pắk được nhiều người biết đến trên diện rộng, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành xây dựng thương hiệu cho cây sầu riêng. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra. Tiếp đến, sẽ xây dựng trang web để người dân địa phương và cả nước, thậm chí quốc tế sẽ biết về sản phẩm sầu riêng của Krông Pắk.
MUA GÌ - BÁN GÌ |
Cây giống sầu riêng tăng giá
Hiện giá cây giống sầu riêng tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng gấp đôi so cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, giá cây giống sầu riêng hạt lép Ri 6 và Mỏn Thon (loại cây ghép được khoảng 1 cơi lá) đang được nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang bán lẻ cho nông dân ở mức 120.000 - 125.000 đồng/cây; còn bán sỉ có giá khoảng 90.000 - 100.000 đồng/cây. Giá cây giống sầu riêng tăng cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do người dân có nhu cầu tìm mua cây giống sầu riêng về trồng vì thời gian qua đầu ra trái sầu riêng khá tốt. Hiện tại, giá hột sầu riêng giống loại 1 đã giảm trở lại còn ở mức 70.000 đồng/kg, hột loại 2 và loại 3 có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg nên khả năng tới đây giá cây sầu riêng giống có xu hướng bình ổn và giảm trở lại.
Hà Tĩnh: Thương lái đặt cọc mua bưởi Phúc Trạch
Dù mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ trồng bưởi trên địa bàn xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã bán được trên 200 triệu đồng. Một số vườn bưởi đã được thương lái trả tiền trước, chờ chính vụ mới thu hoạch, chuyển bán ra thị trường ngoài tỉnh. Theo đánh giá chung, bưởi Phúc Trạch năm nay quả đẹp, đều và được giá nên 1 héc-ta bưởi vào tuổi thu hoạch có thể cho lãi ròng tới 800 triệu đồng, thậm chí có vườn nếu được chăm sóc tốt sẽ cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/héc-ta. Đặc biệt, nhờ tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt cao nên năm nay, giá trị kinh tế từ cây bưởi Phúc Trạch trên địa bàn xã ước đạt 22 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, toàn xã trồng mới 25 héc-ta bưởi Phúc Trạch, nâng diện tích cây ăn quả của xã lên 388,4 héc-ta.
Với tiềm năng và lợi thế của địa phương, hiện kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn xã Hương Trạch đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, mang lại thu nhập khá cho người dân.
Nghệ An: Giá hành hoa tăng cao
Thời gian qua, giá hành hoa trên vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tăng cao, đạt mức 15.000 - 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bà con không mấy phấn khởi vì năng suất hành hoa đạt thấp do ảnh hưởng của mưa lũ. Do ảnh hưởng của các cơn bão vừa qua, mưa liên tục khiến hành hoa bị hư hỏng, thối lá, cây nhỏ, năng suất chỉ đạt 5 tạ/sào/lứa (trong khi năng suất bình thường đạt 1,5 tấn/sào/lứa). Giá bán hiện nay tuy cao nhưng thu nhập của các hộ trồng hành cũng chỉ đạt xấp xỉ các vụ hành trước.
Diện tích hành hoa ở các xã vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng 150 héc-ta. Nguyên nhân giá hành hoa tăng mạnh trong những ngày qua là bởi thời tiết mưa liên tục khiến nhiều diện tích bị thối lá, hư hỏng, lượng hành cung cấp cho thị trường giảm sút. Hiện nhiều hộ dân trồng hành vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu thu hoạch đến đâu làm đất trồng mới đến đó, thương lái cũng tăng cường thu mua.
Bình Định: Giá rơm giảm mạnh
Vụ thu năm nay, rơm tiêu thụ chậm nên một số hợp tác ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định chỉ duy trì thu mua với số lượng ổn định. Mặc dù đến nay, địa phương đã thu hoạch được 2/3 diện tích lúa vụ thu, song giá rơm giảm mạnh, đầu vụ giá 100.000 đồng/sào, sau xuống 90.000 đồng/sào và hiện giờ là 80.000 đồng/sào. Thậm chí, có những hôm ế ẩm, nông dân phải chấp nhận bán rơm với giá 40.000 - 50.000 đồng/sào đối với những đám ruộng gần đường giao thông còn ở xa đường chỉ còn 20.000 đồng/sào.
Rơm được sử dụng làm thức ăn cho bò, nguyên liệu trồng nấm, làm lớp chống xói cho các luống rau màu, làm lớp đệm lót trong vận chuyển đồ dễ vỡ… Theo bà con nông dân, giá rơm giảm là do giá bò giảm, nhiều người chăn nuôi không có lãi nên đã bán bò chuyển sang làm công việc khác; việc thương lái mua rơm xuất bán ra ngoài tỉnh cũng hạn chế hơn trước.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản: Đồng Nai xây dựng 47 chuỗi liên kết
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 47 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Đây cũng là địa phương được đánh giá cao về nỗ lực trong việc xây dựng các chuỗi an toàn thực phẩm.
Tham gia các chuỗi liên kết có 21 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác và 80 trang trại, cơ sở chăn nuôi. Trong đó có 24 chuỗi trồng trọt với 721 hộ nông dân tham gia. Về chăn nuôi, có 9 chuỗi thịt heo được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng an toàn; 2 chuỗi sản phẩm chế biến từ thịt heo; 10 chuỗi thịt gà cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... Ngoài ra, toàn tỉnh có 19 dự án cánh đồng lớn liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã được phê duyệt với tổng diện tích trên 7,1 ngàn héc-ta. Thực tế cho thấy, việc liên kết xây dựng dự án cánh đồng lớn, tập hợp nông dân vào hợp tác xã để sản xuất theo tiêu chuẩn sạch mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực tế cho thấy, trong xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác xã có lợi thế lớn về đất đai, cũng như vai trò quan trọng trong tập hợp nông dân, hướng xã viên sản xuất theo một quy trình chung, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hợp tác xã, Đồng Nai sẽ đề ra các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người quản lý hợp tác xã tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, Đồng Nai đang kêu gọi nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết, đơn giản các thủ tục, tạo thuận lợi cho người làm nông nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi về vốn, đất đai… Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài để thực hiện dự báo thị trường, nhất là đối với các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI |
Phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả
Sâm Ngọc Linh là vị thuốc đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, chính vì vậy nhu cầu mua sâm của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc sâm Ngọc Linh được làm giả ngày càng nhiều.
Thông thường, có 3 loại sâm Ngọc Linh giả: Loại giả thứ nhất (cũng là giả cao cấp nhất) là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Loại sâm Ngọc Linh giả thứ 2 được làm từ tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh. Loại thứ 3 là sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy. Để không mua phải sâm Ngọc Linh giả, người tiêu dùng cần lưu ý:
Trước hết, sâm Ngọc Linh tự nhiên thật có nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Sâm thật có mùi thơm nồng đặc trưng của sâm, chỉ cần đưa lát sâm lên mũi ngửi là có thể nhận biết được mùi này. Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám.
Các loại sâm giả thì vỏ dày, sần sùi, bì bì, màu giống màu da tê giác. Trong đó, tam thất được làm giả sâm Ngọc Linh có thân loằng ngoằng và dài hơn sâm Ngọc Linh. Trên thân tam thất hoang có chứa nhiều mắt. Tam thất không có củ chính, nếu có thì cũng nhỏ và hiếm rễ con bám quanh củ. Tam thất có vị đắng, cứng và nhiều xơ hơn so với sâm Ngọc Linh thật.
Sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên tại các vùng chuyên canh có kích thước và hình dáng khá đồng đều; quanh thân có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây nên tạo thành những cục, loại sâm trồng này có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn về củ.
HÀNG VIỆT |
Mua hàng siêu thị: Thói quen mới trên cao nguyên Mộc Châu
Nằm ở Trung tâm thị trấn Mộc Châu (Sơn La) nên sau khi đi vào hoạt động không lâu, siêu thị Mường Thanh Mộc Châu đã trở thành địa điểm mua sắm quy mô và mới mẻ cho người dân ở Cao nguyên Mộc Châu.
Thêm một kênh tiêu thụ hàng việt hiệu quả
Với diện tích 2.700 mét vuông, tầng 2 của siêu thị Mường Thanh Mộc Châu, được chia làm 4 khu vực: Đồ gia dụng, điện dân dụng, hóa mỹ phẩm thời trang và khu vui chơi cho thiếu nhi. Tầng 1 của siêu thị là nơi bày bán các mặt hàng như: Thực phẩm khô - tươi, trái cây, sữa, nước ngọt, bánh kẹo…
Nếu như những ngày mới khai trương, siêu thị Mường Thanh Mộc Châu khá vất vả để thu hút khách, bởi người dân ở Mộc Châu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường - những người chưa có thói quen mua sắm trong siêu thị. Thì giờ đây, vào ngày nghỉ, ngày lễ, từ khi mở cửa (6 giờ sáng), đến khi đóng cửa (22h đêm), siêu thị luôn nhộn nhịp khách ra, vào.
Chị Vi Thị Lan (bản Nà Sài, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu) là một trong số khách hàng đến mua sắm ngay từ ngày siêu thị mới mở cửa. Vừa lựa chọn bánh trung thu cho gia đình, chị Lan vừa chia sẻ: “Mỗi lần xuống thị trấn, tôi đều vào siêu thị để mua đồ cho gia đình. Hàng hóa tại đây bày rất gọn gàng và dễ lựa chọn. Đặc biệt, điều kiện bảo quản trong siêu thị tốt hơn hẳn ngoài chợ, nên tôi thường mua thực phẩm và các loại gia vị tại đây để về dùng dần. Đi mua vài lần thấy hay, tôi rủ chị em trong bản cùng đi, giờ thì chị em nào cũng thích. Có gia đình, bán được lợn, gà có tiền là cả nhà rủ nhau đi siêu thị…”.
Là huyện có kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh Sơn La, nhưng đến nay, siêu thị Mường Thanh Mộc Châu vẫn là siêu thị đầu tiên và duy nhất ở địa phương này. Vừa phải cạnh tranh với chợ truyền thống, vừa phải nghĩ cách để thay đổi tư duy mua sắm của đồng bào dân tộc ở đây, nên ngay từ đầu, Ban giám đốc siêu thị Mường Thanh Mộc Châu xác định: Để hoạt động hiệu quả, phải có một cách làm riêng. Từ việc lựa chọn hàng hóa chất lượng nhưng có giá bán phù hợp với điều kiện của đồng bào, đến việc phục vụ như thế nào để bà con tin tưởng, gắn bó.
Theo đó, những ngày đầu, nhân viên siêu thị phải rất kiên nhẫn để giới thiệu bà con khu vực nào bày bán gì, đồng thời hướng dẫn bà con lựa chọn hàng hóa cẩn thận, vì đã mua rồi là không đổi lại được (trừ khi sản phẩm bị hỏng, bị lỗi hay hết hạn). Với các sản phẩm điện dân dụng, ngoài việc hướng dẫn bà con cách sử dụng, siêu thị còn duy trì chế độ hậu mãi, bảo hành rất chu đáo.
Chinh phục người tiêu dùng là bà con dân tộc
Chia sẻ về hành trình chinh phục người tiêu dùng là đồng bào dân tộc, ông Bùi Tiến Hà – Giám đốc siêu thị Mường Thanh Mộc Châu, cho biết: Nhân viên chúng tôi tuyển vào phục vụ trong siêu thị có đến 70% là đồng bào DTTS. Vừa để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; vừa để có thể phục vụ bà con một cách tốt nhất. Dù khách hàng là người Mông, Dao, Thái hay Mường, nếu không biết tiếng phổ thông thì đều có nhân viên biết tiếng dân tộc để hướng dẫn, giải thích. Đặc biệt, ngày lễ tết, chúng tôi yêu cầu nhân viên là người dân tộc nào thì mặc trang phục dân tộc đó. Vừa là tạo nét đẹp riêng cho siêu thị Mường Thanh trên cao nguyên Mộc Châu, vừa để bà con đến mua sắm có cảm giác thân thiện, gần gũi.
Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh siêu thị, Giám đốc Bùi Tiến Hà chỉ vào những kệ hàng nối dài và tự hào cho hay: 90% hàng hóa của siêu thị là hàng của các thương hiệu Việt có uy tín. Trong đó, siêu thị còn có riêng 1 quầy hàng để bày bán các sản phẩm đặc trưng của Mộc Châu như: Bánh sữa, bánh khảo, sữa tươi, sữa chua làm từ nguyên liệu là sữa bò Mộc Châu.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước khu sản xuất bánh mỳ, bánh ngọt sạch sẽ, quy mô với những chiếc bánh vừa ra lò vàng ruộm, thơm nức… ông Bùi Tiến Hà tự hào: Đây là các sản phẩm bánh mỳ nổi tiếng của Mường Thanh - một trong những sản phẩm ăn sẵn thơm ngon, đảm bảo vệ sinh và được bà con rất ưa chuộng. Những gì ông Hà nói đã được minh chứng khi chúng tôi quan sát thấy, khách hàng đến siêu thị ai cũng chọn mua bánh mỳ mang về…
Bắt tay vào kinh doanh với mô hình tương đối mới với một huyện vùng cao, vậy nhưng bằng cách làm riêng cùng tinh thần phục vụ tận tình, siêu thị Mường Thanh Mộc Châu đã và đang trở thành một địa chỉ mua sắm được người dân tin cậy. Đáng ghi nhận là, cùng với quá trình phát triển của siêu thị, hàng Việt có thêm một kênh hiệu quả để đến với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)