Thông tin giá cả thị trường số 4/2018

08:54 AM 24/01/2018 |   Lượt xem: 4931 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Sơn La:

Tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực

Là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc, Sơn La có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông sản xuất khẩu. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, Sơn La đã đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, xây dựng kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh năm 2018, định hướng đến năm 2020.

Phát triển thị trường xuất khẩu

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La năm 2018, ông Nguyễn Duy Nhượng – Giám đốc Sở Công Thương Sơn La – chia sẻ: Năm 2017, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo các ngành, cơ sở triển khai thực hiện tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm; tích cực thực hiện công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã vùng, nhãn mác, xúc tiến thương mại…

Ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa, tỉnh đã chú trọng tổ chức triển khai phát triển thị trường xuất khẩu như: Tổ chức Hội nghị quảng bá sản phẩm nông sản, kết nối doanh nghiệp Sơn La với các doanh nghiệp của Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang và các doanh nghiệp của tỉnh Vân Nam, Quảng Tây - Trung Quốc… phối hợp với Công ty TNHH Agricare triển khai đưa 5 tấn xoài, 2,6 tấn nhãn đi chiếu xạ và gửi chào hàng tại thị trường Úc; phối hợp với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T đưa 0,5 tấn nhãn chiếu xạ và gửi đi chào hàng tại thị trường Hoa Kỳ; thông qua Công ty AIC, Cục Xúc tiến thương mại… gửi các mẫu sản phẩm chè, cà phê và mật ong nhằm quảng bá, giới thiệu tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi… Thu hút các nhà đầu tư lớn vào đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến ngoài tỉnh thu mua xuất khẩu cà phê nhân sang thị trường nhiều nước trên thế giới khoảng 8.000 tấn, tinh bột sắn khoảng 12.000 tấn, chanh leo khoảng 300 tấn…

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng

Với mục tiêu phấn đấu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm 2018, dự kiến đến năm 2020 tăng từ 7 - 10%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh không ngừng tăng theo từng năm và đạt từ 6 - 8%/năm. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh có sản phẩm nông sản dự kiến xuất khẩu chủ động tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho hay, để đạt được mục tiêu đề ra, Sơn La đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó lựa chọn 12 mặt hàng nông sản chủ lực và đưa ra kế hoạch cụ thể đối với từng sản phẩm này. Theo đó: Xoài 320 tấn, nhãn 320 tấn, chanh leo 300 tấn, chuối 1.200 tấn, mận hậu 300 tấn, rau các loại 100 tấn, cà phê nhân 5.000 tấn, chè 500 tấn, quả bơ 50 tấn, mật ong 5 tấn, bột sắn 15.000 tấn, đường 500 tấn. Đối với từng sản phẩm đều chỉ rõ địa bàn hay vùng nguyên liệu sản xuất, đơn vị sản xuất, đơn vị xuất khẩu, thời gian và thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa ra những giải pháp cụ thể. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, mã vùng trồng… để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm Sơn La. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức kết nối giao thương… để sản phẩm sản xuất ra có thị trường tiêu thụ.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bình Thuận:

Nhu cầu thanh long của thị trường Trung Quốc tăng

Thanh long là loại trái cây được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu bày mâm ngũ quả. Đặc biệt, nhu cầu của thị trường Trung Quốc vào thời điểm này cũng tăng cao.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có gần 27.000 héc-ta thanh long, sản lượng hằng năm trên 500.000 tấn. Hiện tại, phần lớn sản lượng loại trái cây này được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Vài tháng nay, giá thanh long trong kỳ chong đèn tăng giảm liên tục, có thời điểm giảm sâu, dao động ở mức từ 6.000 - 8.000 đồng/kg khiến người trồng lỗ nặng. Song không vì thế mà nông dân bỏ qua lứa thanh long chong đèn bán vào dịp tết sắp tới. Bởi lẽ dịp này thị trường rất chuộng trái thanh long để bày mâm ngũ quả. Mặc dù chi phí sản xuất thời điểm này rất cao vì người dân phải chong đèn suốt đêm trong thời gian dài để kích thích cây ra hoa. Do đó, giá bán phải đạt khoảng 14.000  - 15.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. Nhiều hộ chong đèn theo pha để thu hoạch lai rai, chứ không dồn vào một lần bán tết. Bởi theo kinh nghiệm của họ, đã từng có nhiều hộ căng sức dồn cho vụ tết nhưng do chong đèn bị “gãy” lứa nên thua lỗ nặng.

Đến thời điểm này, giá bán thanh long đã tăng nhẹ so với trước đây 2 tuần. Cụ thể, giá thanh long xuất khẩu loại 1 từ 13.000 – 14.000 đồng/kg, loại 2 dưới 10.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí điện, phân bón… nông dân thu hoạch chỉ lấy công làm lãi. Bởi thực tế cho thấy, giá bán trên 15.000 đồng/kg, người trồng thanh long mới có lãi.

Mặc dù thị trường tiêu thụ thanh long chưa có gì biến động lớn nhưng để chuẩn bị hàng cho dịp tết sắp tới, các vựa đã bắt đầu thăm dò và chuẩn bị gom hàng xuất sang Trung Quốc.

Cà Mau:

Tăng diện tích trồng dưa hấu VietGAP

Năm nay, vùng chuyên canh dưa hấu xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau xuống giống 73 héc-ta vụ dưa phục vụ Tết Nguyên đán, tăng 13 héc-ta so với năm trước.

Vùng xuống giống tập trung chủ yếu ở các ấp: Thạnh Điền, Bào Sơn, Bà Điều và ấp Chánh. Nhiều giống dưa được người dân đưa vào canh tác như: Hương nông, Trung nông, An Tiêm, dưa vỏ vàng, dưa Mỹ, dưa hạt lép, không hạt. Đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao.

Để giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau phối hợp Phòng Kinh tế TP. Cà Mau triển khai thí điểm Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau”. Đây là mô hình thí điểm trồng dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại tỉnh Cà Mau.

Dự án được triển khai thực hiện năm 2016 với diện tích ban đầu là 4 héc-ta, đến nay đã nhân rộng thêm 17 héc-ta. Các hộ dân tham gia dự án phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào. Ngay từ khâu chọn giống, chăm sóc phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Sản phẩm sau thu hoạch đảm bảo an toàn so với dưa hấu trồng theo cách truyền thống, được đưa vào siêu thị với giá 10.000 đồng/kg.

Với diện tích dưa hấu VietGAP được mở rộng, dự báo sản lượng dưa năm nay sẽ cao gấp 3 - 4 lần so với năm trước. Đặc biệt, lượng dưa này sẽ được thu hoạch vào thời điểm cận tết nên sẽ tăng thêm thu nhập cho bà con.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau tích cực hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc ruộng dưa, chủ động đủ nguồn nước tưới tiêu và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Gia Lai:

Giá bò lai giảm

Gia Lai là một trong những địa phương có đàn bò lớn của cả nước với khoảng 390.000 con vào cuối năm 2017. Trong đó, các huyện Đắk Pơ, Kông Chro, Kbang và thị xã An Khê được xem là “thủ phủ” chăn nuôi bò lai của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, giá bò có xu hướng giảm khiến người nuôi lo lắng nhưng vẫn tiếp tục duy trì chăm sóc đàn bò phát triển ổn định để đợi giá lên. Hiện giá bò thịt chỉ còn khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg hơi, còn bò giống sinh sản khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg; bò đực giống mức giá thấp hơn, chỉ 40.000 đồng/kg. Mức giá này kéo dài từ đầu năm 2017 đến nay khiến người chăn nuôi bò lai lao đao, nhưng thương lái lại có lợi nhất. Nếu năm 2016, bò lai giống có giá 18 - 20 triệu đồng/con thì nay giảm xuống chỉ còn 8 - 10 triệu đồng/con.

Đồng Tháp:

Dự báo giá khô cá tết ổn định

Thời điểm này, làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp đang hối hả sản xuất để cung cấp cho thị trường tết. Do giá nguyên liệu năm nay không tăng nên dự kiến, giá bán các sản phẩm khô cá sẽ ổn định.

Năm nay, giá cá lóc nguyên liệu dao động mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, không tăng so cùng kỳ năm trước nên nguồn nguyên liệu dồi dào. Với 4 kg cá lóc tươi sẽ làm ra 1 kg cá lóc khô và phải phơi từ 3 - 4 nắng mới xuất bán. Hiện các cơ sở bán 1 kg khô cá lóc dao động từ 120.000 - 150.000 đồng.

Xã Phú Thọ hiện có 15 cơ sở chế biến và trên 30 điểm bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra hằng ngày trên 250 kg khô cá lóc, cá sặc rằn thành phẩm. Hầu hết sản phẩm đều được làm thủ công nên được người tiêu dùng chọn mua nhiều.

Tiền Giang:

Nông dân tất bật chăm sóc bưởi da xanh

Bà con nông dân tỉnh Tiền Giang đang tích cực chăm sóc bưởi da xanh để kịp thời có những quả bưởi xanh tươi, đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2018. Do năm nay là năm nhuận nên phần lớn bưởi da xanh chín sớm trước tết.

Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng mùng 10/12 âm lịch, thương lái khắp nơi đổ về các vườn bưởi da xanh để đặt cọc thu mua bưởi. Năm nay, khan hiếm hàng nên bà con hy vọng bưởi sẽ bán được giá cao.

Theo tính toán của người trồng, hiện nay, bưởi da xanh được thương lái thu mua với giá từ 30.000 - 34.000 đồng/kg. So với các loại hoa quả khác thì bưởi da xanh có mức tiêu thụ mạnh. Nếu giá bưởi đạt từ 40.000 đồng/kg, năng suất bình quân mỗi héc-ta đạt khoảng 10 - 15 tấn, bà con nông dân thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng/héc-ta.

Hậu Giang:

Cam sành giảm giá

Các nhà vườn ở Hậu Giang mất ăn mất ngủ vì gần đây cam sành không chỉ liên tục giảm giá mà còn đối mặt với dịch bệnh tấn công như: vàng lá, thối rễ, ghẻ, vàng lá gân xanh, loét cây… khiến mất mùa, thậm chí gần như mất trắng.

Tại huyện Phụng Hiệp, giá cam sành bất ngờ giảm từ mức 17.000 đồng/kg xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân cam sành liên tục giảm giá do mùa nước lũ lên (15/9 - 15/10 âm lịch) là mùa thuận đối với cam. Các nhà vườn đều tập trung thu hoạch nên sản lượng tăng. Vì vậy,  dù giá cam chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg nhà vườn vẫn chấp nhận bán vì nếu không bán thì cam sẽ chín rụng, bỏ không. Ngoài ra, lượng cung cam sành ở các tỉnh khác cũng tăng trong bối cảnh năm nay mưa bão nhiều ở phía Bắc nên cam không xuất bán được, dẫn đến giá giảm mạnh so với mọi năm.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Đồng Tháp:

Quýt hồng Lai Vung chín sớm

Những ngày này, đến huyện Lai Vung đã thấy nhiều điểm bán quýt ven hai bên đường, đây đều là quýt hồng chín sớm của nhà vườn.

Quýt hồng là loại trái cây đặc sản của huyện Lai Vung, rất thích hợp để bày trong các dịp lễ, tết, thờ cúng ông bà. Vì vậy, tiêu thụ quýt hồng thường tập trung số lượng lớn vào dịp tết cổ truyền. Năm nay, đa số các vườn quýt hồng trong huyện Lai Vung đều chín đỏ trước thời điểm bán tết hơn 1 tháng dù các nhà vườn đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian giữ trái trên cây lâu hơn. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, đầu vụ mưa sớm, nhiều nhà vườn chưa kịp siết nước để cho ra hoa, trái chín đúng dịp tết đã bị mưa sớm, quýt hồng ra hoa sớm hơn dự kiến cả tháng. Ngoài ra, năm nay là năm nhuận, do đó quýt hồng chín sớm hơn dự kiến hơn 2 tháng. Do nhà vườn thu hoạch ồ ạt nên giá quýt hồng đang giảm mạnh. Hiện nay, quýt đẹp nhất chỉ bán được 20.000 đồng/kg, còn lại từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Mặc dù giá rất thấp nhưng nhà vườn vẫn phải bán vì trái đã quá chín.

Hiện nay, diện tích trồng quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung dần bị thu hẹp chỉ còn trên dưới 800 héc-ta tập trung ở 3 xã: Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu. Đối với diện tích đã trồng lâu năm, nhà vườn đã chuyển sang trồng quýt đường, nhãn và những loại cây trồng khác. Mặt khác, bệnh vàng lá, thối rễ, chết cây đã gây thiệt hại nặng cho các nhà vườn. Do đó, dự báo sản lượng quýt hồng phục vụ thị trường tết năm nay không ổn định.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Lộc Bình (Lạng Sơn):

Đẩy mạnh chống buôn lậu khu vực biên giới

Với tuyến biên giới dài, địa bàn có Cửa khẩu Chi Ma và nhiều lối mở, do đó ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) luôn quan tâm chống buôn lậu, đặc biệt là dịp cuối năm, giáp tết…

Là một trong những lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian qua, Công an huyện Lộc Bình đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng khác, đặc biệt là quản lý thị trường đấu tranh hiệu quả với nạn buôn lậu. Theo Trung tá Nguyễn Văn Hùng – Phó trưởng Công an huyện Lộc Bình, dù tình trạng buôn lậu trên địa bàn diễn ra nhỏ lẻ, nhưng tình trạng buôn lậu một số mặt hàng như pháo nổ, gia cầm, nguyên liệu thuốc bắc và một số mặt hàng khác có những thời điểm diễn biến phức tạp, đặc biệt là trước tết…

Với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo 138 của huyện, Công an huyện Lộc Bình đã tích cực chỉ đạo, tổ chức nắm tình hình trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới, cửa khẩu, triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các đường dây, đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, pháo nổ… qua biên giới. Trong năm 2017, lực lượng Công an Lộc Bình đã trực tiếp bắt giữ 35 vụ, 30 đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu, thu giữ trên 20.000 con gia cầm giống, 256 kg chim bồ câu, trên 870.000 gói dầu gội đầu, số lượng lớn bia nhập lậu và trên 250kg pháo nổ các loại… Cùng với đấu tranh, công tác tuyên truyền cũng được quan tâm đẩy mạnh. Công an huyện Lộc Bình đã tham mưu cho các ngành, đoàn thể, chính quyền  tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không tham gia tiếp tay cho các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu. Trong dịp trước Tết Nguyên đán 2018, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là đẩy mạnh kiểm soát mặt hàng thực phẩm, ngăn chặn các hành vi đốt pháo.

HÀNG VIỆT 

Đắk Nông:

Đưa hàng Việt đến với bà con vùng khó

Trong chuyến đi thực tế các Điểm bán hàng Việt Nam tại vùng Tây Nguyên, đại diện Bộ Công Thương đánh giá Điểm bán hàng Việt tại Chi nhánh Công ty CP Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh - Foodcomart Đắk Nông (thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) là một trong những điểm bán hàng tiêu biểu. Dù lần đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhưng điểm bán này được đánh giá rất cao vì giúp đưa hàng Việt Nam đến gần với bà con vùng khó khăn.

Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết, sau 8 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những chương trình được Sở Công Thương triển khai nhiều năm qua. Riêng trong năm 2017 đã có 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức thành công tại các huyện: Ðắk Mil, Tuy Ðức, Ðắk Song và Chư Jút. Mỗi phiên chợ thu hút hơn 70 gian hàng của hơn 50 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tham gia. Với mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, hàng Việt đã được người dân các địa phương ưa chuộng.

Nối dài những hiệu quả mà các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi đạt được, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã lên kế hoạch xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 11 vừa qua, điểm bán hàng đầu tiên đã được khai trương tại Chi nhánh Công ty CP Lương thực TP. Hồ Chí Minh – Foodcomart Đắk Nông (thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).

Ông Nguyễn Huấn – Giám đốc Chi nhánh cho biết, sau nhiều năm tham gia các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi Đắk Nông, chúng tôi hiểu bà con các khu vực này có nhu cầu rất lớn về hàng hóa chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, mỗi năm, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn triển khai không nhiều. Còn nếu DN tự mang hàng về đó bán thì lời lãi không cao vì chi phí vận chuyển lớn. Chính vì vậy, khi Sở Công Thương kêu gọi DN tham gia xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam, Foodcomart Đắk Nông đã nhanh chóng nhận lời tham gia.

Cùng với khoản hỗ trợ 80 triệu đồng từ Sở Công Thương Đắk Nông để đầu tư bảng hiệu, kệ hàng, công tác truyền thông, Foodcomart Đắk Nông còn nhận được sự tư vấn nhiệt tình của các DN sản xuất về việc bày bán, trang trí hàng hóa sao cho bắt mắt. Chưa kể, DN sản xuất Việt Nam sẵn sàng phối hợp với cửa hàng để tổ chức các chương trình bán hàng khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Đến nay, cửa hàng hiện có 96% sản phẩm hàng hóa đều là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo về giá cả và chất lượng cho người tiêu dùng… Sau hai tháng đi vào hoạt động, tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đến Đắk Nông vào tháng 11/2017, ông Nguyễn Huấn cho biết, doanh số của cửa hàng đã tăng gấp gần 2 lần so với thời điểm chưa mở điểm bán. Bà con khu vực này rất tin tưởng mua sắm hàng hóa tại đây vì chất lượng tốt, giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp, trình bày bắt mắt.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên tại Đắk Nông được đánh giá cao vì đáp ứng được nhu cầu về hàng hóa Việt của người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc huyện Đắk R’lấp, giúp bà con dễ dàng mua sắm hàng hóa mà không cần chờ đến các phiên chợ hàng Việt. Bên cạnh đó, thông qua điểm bán hàng Việt này sẽ giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa trong nước phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nội địa; đồng thời, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn.      

Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Toàn tỉnh phấn đấu xây dựng được một điểm bán hàng Việt Nam tại mỗi huyện.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)