Thông tin giá cả thị trường số 42/2018

04:23 PM 17/10/2018 |   Lượt xem: 4470 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hà Giang: Phát triển cây mận máu thành sản phẩm hàng hóa

Những năm gần đây, cây mận máu là nguồn thu nhập không nhỏ của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì,
tỉnh Hà Giang.

Diện tích trồng tăng

Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 11km, xã Chiến Phố có 10 thôn, bản gồm 2 dân tộc Nùng và Mông cùng sinh sống. Điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,5%.

Thời gian qua, nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định những cây, con thế mạnh để phát triển. Trong đó, cây mận máu được xã tập trung mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu mận máu của địa phương. Nhận thấy giá trị kinh tế từ loại cây ăn quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo bà con mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm.

Hiện toàn xã Chiến Phố có 36,5 héc-ta mận máu, trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 8 héc-ta. Những năm trước đây, người dân vẫn chủ yếu trồng theo tập quán truyền thống nên tỷ lệ sống của cây không cao, trồng không đúng mật độ, đốn tỉa, tạo tán không đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp. Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian qua, xã Chiến Phố đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các thôn, bản vận động bà con mở rộng diện tích. Ðồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cho cây theo đúng quy trình kỹ thuật… Các giải pháp này đều nhằm mục đích hướng đến phát triển cây mận máu thành sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Sản phẩm được bao tiêu đầu ra

Với giá bán dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, nhất là vào thời điểm đầu hoặc cuối vụ, giá bán có thể tăng lên mức trên 40.000 đồng/kg, cây mận máu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ trồng. Đặc biệt, do đã có thương hiệu nên bà con không phải mang mận ra chợ bán như ở nhiều nơi khác mà có thương lái vào tận vườn thu mua. Thậm chí vào đầu vụ, dù mận chưa chín nhưng đã có nhiều thương lái đến tận vườn đặt cọc trước với giá cao nhất lên đến 50.000 đồng/kg.

Niên vụ mận máu vừa qua, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Nông - lâm sản Chiến Phố nằm tại trung tâm xã Chiến Phố đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm mận máu cho bà con nông dân trên địa bàn. Đồng thời ra mắt sản phẩm mận máu Hoàng Su Phì với quy cách đóng gói bao bì, bảo quản theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mức giá thu mua ngay tại địa bàn từ 20.000 -25.000 đồng/kg, hợp tác xã đã giúp người dân vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển lại yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, các hộ đã trồng mới được trên 3 héc-ta cây mận máu.

Vừa qua, UBND huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Phương án Phát triển cây lê và mận máu theo hướng hàng hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, xã Chiến Phố nằm trong vùng quy hoạch trọng điểm phát triển cây mận máu của huyện. Với cơ chế hỗ trợ 100% cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình, chính quyền địa phương tin tưởng đây sẽ là cơ hội tốt để xã mở rộng diện tích, ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây và hướng đến phát triển bền vững cây mận máu địa phương theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Đây cũng là hướng đi mà huyện Hoàng Su Phì lựa chọn để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Ninh Thuận: Nông dân thoát nghèo nhờ nha đam

Hơn 15 năm chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, bà con nông dân tỉnh Ninh Thuận đã và đang vươn lên làm giàu từ cây nha đam (lô hội).

Hiện toàn tỉnh Ninh Thuận trồng 330 héc-ta nha đam với sản lượng hơn 100.000 tấn/năm. Với giá bán ổn định 800 đồng-1.500 đồng/kg, nông dân có lãi từ 200-350 triệu đồng/héc-ta/năm. Trong khi đó, chi phí đầu tư ban đầu cho 1 héc-ta nha đam khoảng 10 triệu đồng. Nhưng mỗi năm thu hoạch đến 12 lần, sau khi trừ hết chi phí chăm sóc, một hộ gia đình lãi ít nhất là 200 triệu đồng/héc-ta/năm.

Những năm qua, nhằm liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu ổn định sản phẩm cho nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận đã tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ký kết thu mua sản phẩm với nông dân với diện tích 50 héc-ta. Hiện cây nha đam không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn cung ứng số lượng lớn tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Đà Lạt…

Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận đã đưa cây nha đam vào danh mục là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp địa phương đẩy mạnh rà soát toàn bộ diện tích đất trên diện rộng để bổ sung cho vùng quy hoạch. Dự kiến đến năm 2020, nâng diện tích trồng nha đam toàn tỉnh lên 550 héc-ta. Sở đang phối hợp các địa phương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ được thực hiện những năm qua, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Cây nha đam cũng được đánh giá là một trong những cây trồng đặc thù, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân Ninh Thuận, mở ra triển vọng làm giàu bền vững trên những vùng đất cát khô cằn.

Long An: Sản lượng thanh long tăng, giá giảm

Giá thanh long tại tỉnh Long An đang giảm mạnh khiến một số thương lái bỏ cọc không thu mua. Tại các địa phương khác như: Bình Thuận, Tiền Giáng… giá thanh long cũng giảm mạnh.

Khoảng một tuần nay, giá thanh long đang ở mức khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg (ruột đỏ) thì bất ngờ giảm xuống còn khoảng 7.000-10.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại hai và loại ba giảm chỉ còn 2.000 - 3.500 đồng/kg. Thanh long ruột trắng cũng giảm từ mức 15.000 đồng/kg xuống còn dưới 3.000 đồng/kg.

Hiện nay, diện tích trồng thanh long tại Châu Thành khoảng 8.300 héc-ta, trong đó, có khoảng 6.500 héc-ta thanh long ruột đỏ. Thời điểm này, hầu hết diện tích trên đang cho thu hoạch. Bà con nông dân đang phấn khởi vì thanh long được mùa  thì giá lại giảm mạnh. Đặc biệt, năm nay, thanh long thu hoạch tập trung vào thời điểm cuối vụ với số lượng lớn. Do dự đoán thị trường cuối vụ giá cao như mọi khi nên nhiều nhà vườn cố giữ trái chờ giá tăng nên trái không đẹp.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Châu Thành có hơn 200 cơ sở và doanh nghiệp đang tập trung thu mua thanh long xuất khẩu. Tuy nhiên, do sản lượng thu hoạch quá tập trung nên hệ thống kho dự trữ, việc điều phối xe lạnh vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Chính vì cung vượt cầu khiến giá thanh long giảm mạnh, có những thương lái đặt cọc trước đó với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg thì nay phải chọn phương án bỏ cọc.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Quảng Ngãi: Giá cá hố giảm sâu

Tuần qua, ngư dân làm nghề câu cá hố ở tỉnh Quảng Ngãi lo lắng vì giá cá xuống quá thấp, chỉ còn 1/3 so với trước đây. Trước đây, giá cá hố thương lái thu mua 190.000 - 200.000 đồng/kg, nay còn hơn 100.000 đồng/kg. Giá giảm mạnh nên nhiều tàu ra khơi chỉ đủ trang trải tiền dầu và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khi ra khơi. Cá hố là loại cá biển được người tiêu dùng ưa chuộng vì giàu đạm, nhiều chất bổ dưỡng.

Nghề câu cá hố phải đối diện với nhiều hiểm nguy vì thời tiết trong mùa biển động rất thất thường. Vì thế, khi giá cá giảm mạnh, thu nhập bấp bênh thì hàng trăm tàu làm nghề này ở Quảng Ngãi cũng đối diện với nguy cơ nằm bờ.

Vĩnh Long: Khoai lang tím Nhật giảm giá

Hiện nay, nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang thu hoạch khoai “chạy nước” trong bối cảnh giá liên tục giảm xuống còn 150.000 - 200.000 đồng/tạ. Nguyên nhân khiến giá khoai lang tím Nhật giảm là do tiêu thụ khoai đang bị vướng ở cửa khẩu. Các thương lái Trung Quốc tạm ngừng nhập hàng  do có thông báo khoai lang là mặt hàng chưa ký kết danh mục các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, đến cuối tháng 9/2018, huyện còn khoảng 4.000 héc-ta khoai lang trên đồng. Với phí xuống giống, chăm bón và thu hoạch khoảng 15 triệu đồng/công thì với giá thấp như hiện nay nông dân lỗ nặng.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa gạo có xu hướng tăng

Lũ về sớm và lên cao khiến năng suất lúa giảm do ngập lụt là nguyên nhân khiến giá lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng trong những ngày gần đây. Hiện Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu và chuẩn bị bước sang vụ thu đông. Tuy nhiên, lũ lớn trên các sông đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích gieo trồng lúa vụ này, khiến năng suất, chất lượng lúa giảm đáng kể.

Hiện chủng loại gạo trắng thông dụng có xu hướng tăng giá nhiều nhất do diện tích gieo trồng lúa IR50404 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay không nhiều. Loại lúa này lại không thích hợp với điều kiện thời tiết sản xuất trong vụ hè thu nên năng suất, sản lượng thấp. Gạo nếp cũng đang khan hiếm hàng vì diện tích trồng có xu hướng giảm. Giá lúa nếp tươi tại ruộng hiện là 5.500 đồng/kg, tăng 500 - 700 đồng/kg so với trước đó. Thời gian qua, giá gạo nếp lên xuống thất thường do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Khánh Hòa: Tỏi giảm giá mạnh

Cây tỏi được các nông dân từ huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đưa vào trồng tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa gần 10 năm nay. Đến nay, diện tích trồng tỏi đã lên hàng trăm héc-ta tại các vùng đất ven biển. Tuy nhiên, hiện nay, giá tỏi đang giảm sâu, chất lượng ngày càng suy giảm, không có người mua. Nếu tiếp tục không tiêu thụ được thì nguy cơ đổ bỏ hàng trăm tấn tỏi hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi đó, đầu mùa, giá tỏi tươi được thu mua với mức 25.000 đồng/kg nhưng rất ít người bán bởi bà con cho rằng giá đầu vụ thấp và hy vọng khi hết mùa thu hoạch giá tỏi có thể tăng cao. Nhưng sau 5 tháng kết thúc mùa vụ thu hoạch mà thương lái vẫn không thu mua hoặc có mua thì cũng nợ tiền của nông dân nên các hộ dân trồng tỏi không bán. Đến nay, tỏi đã xuống mã mà giá cũng không tăng như mong đợi của các hộ dân.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đắk Lắk: Nhiều vườn sầu riêng chết dần

Những năm qua, khi giá mía và cà phê sụt giảm, nhiều nông dân ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển hướng sang trồng sầu riêng. Bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá.

Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn xã bị bệnh chết mòn, chết dần khiến bà con nông dân lo lắng. Mặc dù được chăm sóc rất cẩn thận nhưng sầu riêng vẫn bị bệnh khô ngọn, khô cành chết dần. Số lượng cây giảm mạnh, sản lượng quả thu hoạch cũng chỉ đạt 30% so với trước đây. Nhiều vườn sầu riêng sau khi trừ chi phí chăm sóc, thuốc men… bà con chỉ hòa vốn. Theo ghi nhận, tình trạng chung ở các vườn sầu riêng là cháy khô lá, chết từ cành xuống gốc, nứt thân, thối cành, xì mủ và có hiện tượng lây lan nhanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do tình hình thời tiết thất thường trong những năm gần đây, ngoài ra một số nông hộ do chưa tìm hiểu kỹ về thành phần đất trồng, bởi trồng cây trên những diện tích đất ở vùng trũng thấp không thoát được nước vào mùa mưa dẫn đến cây dễ bị úng thủy thối rễ...

Theo kinh nghiệm của một số nông hộ trồng sầu riêng, phần lớn diện tích đất vườn có cây sầu riêng chết là do bà con trồng cây trên diện tích đất xám bạc màu. Sau một thời gian cây phát triển, rễ cây sẽ ăn hết phần đất dinh dưỡng và bắt đầu gặp đất phèn, cây không được cung cấp chất dinh dưỡng nên chết từ rễ. Một nguyên nhân khác là do nhiều nông hộ chưa qua tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng nên lúng túng trong phát hiện dấu hiệu cây bị bệnh, không chữa trị kịp thời cho cây.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã đề xuất với các phòng, ban chuyên môn của huyện Krông Bông mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cũng như cách phòng, trừ bệnh cho cây sầu riêng cho bà con. Đồng thời, khuyến cáo bà con nên trồng các giống cây sầu riêng cao sản, trồng trên diện tích đất cao, những vùng triền đồi, núi, không nên trồng ở vùng trũng thấp.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Lào Cai: Tuyên truyền cư dân biên giới không tiếp tay buôn lậu

Là địa bàn có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở nên thời gian qua BCĐ 389 tỉnh Lào Cai đã tập trung tuyên truyền, vận động cư dân biên giới không tiếp tay, bao che cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa…

Các sở, ngành, lực lượng chức năng và cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp chủ động cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; kiên quyết đấu tranh không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý địa bàn và tạo việc làm ổn định cho người dân sinh sống gần khu vực biên giới. Tăng cường sự phối hợp, hợp tác quốc tế trong việc quản lý biên giới, cửa khẩu. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra tuyến biên giới, các đường mòn, lối mở, điểm thông quan nhằm ngăn chặn, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Đặc biệt chú ý tới các loại hàng hóa như: Ma túy, pháo các loại, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, thực phẩm tươi sống, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, hàng giả là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…

BCĐ 389 tỉnh Lào Cai xác định, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện thông tin hiện đại. Nhất là lợi dụng địa hình sông, suối, các đường mòn qua lại biên giới để tập kết hàng hóa ở khu vực giáp biên giới, hai bên cánh gà sau đó chia nhỏ, lẻ thuê cư dân mang, vác. Hiện nay, đời sống cư dân biên giới còn nhiều khó khăn, chưa có công ăn, việc làm ổn định nên dễ bị các đối tượng buôn lậu lôi kéo tham gia, tiếp tay cho buôn lậu. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động cư dân biên giới đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cần quan tâm đến việc mở lớp đào tạo nghề, thành lập các hợp tác xã, tạo công ăn việc làm cho cư dân biên giới.

HÀNG VIỆT 

Bắc Sơn - Lạng Sơn: Mở rộng diện tích quýt VietGAP

Quýt Bắc Sơn từ lâu đã được người tiêu dùng biết đến với hương vị thơm ngon đặc trưng. Đây cũng là nguồn thu lớn đối với huyện nghèo vùng cao của tỉnh Lạng Sơn. Để nâng cao chất lượng cũng như tăng giá trị, huyện Bắc Sơn đang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ thương hiệu quýt Bắc Sơn

Huyện Bắc Sơn hiện có trên 526 héc-ta quýt, trong đó có 355 héc-ta đang cho quả, năng suất trung bình đạt 49,78 tạ/héc-ta. Nhằm giữ vững và nâng cao thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ ổn định hơn. Hiện toàn huyện có gần 200 hộ gia đình trồng và chăm sóc quýt theo VietGAP.

Sau hơn 1 năm triển khai, thấy được hiệu quả mang lại từ mô hình này, người dân trên địa bàn đã chủ động đăng ký triển khai thực hiện. Trong năm 2018, huyện Bắc Sơn phát triển thêm 84 héc-ta quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng tổng diện tích quýt VietGAP toàn huyện lên 131 héc-ta.

Để nông dân hiểu và áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hội thảo, hội nghị… Cùng với đó, xây dựng các mô hình thí điểm. Đặc biệt, cán bộ khuyến nông, kỹ sư nông nghiệp được cử trực tiếp xuống tận vườn hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc cây quýt. Tất cả các khâu chăm sóc như: Tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… đều được ghi chép và theo dõi tỷ mỷ. Phân hữu cơ, chế phẩm sinh học được khuyến khích sử dụng trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Cùng với đó, các hộ tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP cũng được hỗ trợ phân bón.

… đến thành lập các hợp tác xã chuyên canh

Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ năng suất, chất lượng quả tăng mà giá trị quả quýt mang lại cho nông dân cũng tăng đáng kể. Giá quýt sản xuất theo quy trình thông thường trung bình khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg thì quýt VietGAP được bán với giá 30.000 - 60.000 đồng/kg tùy thời điểm. Chính vì vậy, các hợp tác xã trên địa bàn đã vận động các hộ dân trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP. Để khuyến khích các hộ dân, một số hợp tác xã đã ký hợp đồng với các công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm quýt sản xuất theo quy trình VietGAP để cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội.

Để tăng diện tích trồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm quýt vàng, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, huyện Bắc Sơn định hướng phát triển từ 20 – 30 héc-ta quýt. Các ngành chuyên môn cũng đang hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hái quả đảm bảo quy trình kỹ thuật nhằm thu hút lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Đặc biệt, với giá trị kinh tế cao, cây quýt đã trở thành cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Bắc Sơn.      

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)