TIÊU ĐIỂM |
Mô hình liên kết phát triển gà thả đồi
Phát huy lợi thế địa hình của thôn, xã miền núi, thời gian qua, một số địa phương đã phát triển mô hình nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học. Mô hình này đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Từ nhóm chăn nuôi gà sạch…
Tân Lập là thôn 135 đặc biệt khó khăn thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2015, thôn Tân Lập được Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam lựa chọn thành lập nhóm để chăn nuôi gà sạch thả đồi. Sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, mô hình này đã và đang trở thành mô hình xoá đói, giảm nghèo cho người dân trong thôn. Thương hiệu gà sạch, trứng sạch Tân Lập cũng dần có chỗ đứng trên thị trường.
Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và tìm được đầu ra cho các sản phẩm. Hàng năm, GNI đều mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2018 xã đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi gà đồi Tân Lập với 18 thành viên tham gia. Hiện GNI đang hỗ trợ các hộ tham gia mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm thịt gà, trứng gà và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gà đồi Tân Lập.
Nhờ thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi do GNI hỗ trợ, đến nay mô hình đã phát triển rộng ra 3 nhóm chăn nuôi gà khác tại xã Vĩnh Long. Được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, các hộ dân đã nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo từ khâu đầu vào là thức ăn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại cho đến sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, các hộ luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện vệ sinh chuồng trại, giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh, phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ nhằm đạt hiệu quả cao nhất và cho ra sản phẩm gà đồi an toàn.
… đến việc thành lập hợp tác xã
Tận dụng lợi thế tự nhiên, một số hộ đồng bào xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) đã liên kết nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học, trong đó phần lớn là giống gà đen bản địa, thịt chắc, thơm và dinh dưỡng cao. Cụ thể, 12 gia đình đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng từ cuối năm 2017 với định hướng đầu tiên và chủ yếu là nuôi gà thả đồi. Hầu hết thành viên trong hợp tác xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, dù đã chăn nuôi lâu năm nhưng kiến thức về lĩnh vực này vẫn rất hạn chế. Vì thế, trước đây đàn vật nuôi của nhiều hộ thường xuyên bị dịch bệnh và chậm lớn do nuôi thả không có sự chăm sóc. Ðể đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đúng tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học, hợp tác xã cử 1 thành viên có chuyên môn về thú y đảm nhiệm hỗ trợ các gia đình về cách thức chăn nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng, chống dịch bệnh, trị bệnh… Ðồng thời, thường xuyên mở các buổi họp trao đổi, hướng dẫn các hộ thành viên những nội dung này và tổ chức kiểm tra chéo giữa các hộ để đảm bảo việc thực hiện. Tuy nhiên, hiện hợp tác xã vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Bởi trên thực tế, việc tiêu thụ đến nay chưa bền vững, mỗi hộ đều phải tự liên hệ tìm đầu ra hoặc mang gà đến chợ bán. Vì vậy, thời gian tới, hợp tác xã sẽ quản lý chặt chẽ các hộ tiếp tục nuôi gà theo hướng an toàn sinh học để đăng ký công nhận sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh. Ðồng thời, đẩy mạnh kết nối với các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối tìm nguồn tiêu thụ ổn định cho các hộ thành viên.
Việc thành lập hợp tác xã và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của các tổ nhóm chăn nuôi gà giúp khẳng định thương hiệu, chất lượng gà đồi. Từ đó giúp bà con có thu nhập ổn định và bền vững từ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gà.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Giá thảo quả giảm mạnh
Thảo quả là cây trồng góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân tộc các huyện vùng cao tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, hiện nay, giá thảo quả đang ở mức thấp “kỷ lục” khiến người dân lo lắng.
Trung Lèng Hồ là một trong những xã có diện tích thảo quả lớn nhất huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cây thảo quả đã gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Nếu được mùa, mỗi vụ thu hoạch, các hộ đồng bào sẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ thảo quả khô. Năm nay, mặc dù cây thảo quả chưa khôi phục hoàn toàn sau khi chịu ảnh hưởng bởi thời tiết những năm trước nhưng sản lượng thảo quả dự báo tương đối cao. Tuy nhiên, giá thảo quả lại giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg khiến bà con chán nản. Trong khi đó, những năm trước, giá bán thảo quả khô dao động ở mức 200.000 – 300.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 450.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá thảo quả giảm là do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc. Phần lớn thảo quả khô được thương lái mua của người dân rồi xuất bán sang Trung Quốc. Khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chắc chắn giá thảo quả sẽ giảm theo. Một nguyên nhân nữa khiến giá thảo quả khô giảm là do chất lượng. Theo đúng thời vụ thì khoảng tháng 11 - 12 mới vào mùa thu hoạch thảo quả nhưng đến thời diểm này, một số xã đã thu hoạch gần xong. Như vậy, người dân đã thu hoạch thảo quả non, dẫn đến năng suất, chất lượng thảo quả giảm. Khi chất lượng thảo quả thấp thì giá bán chắc chắn bị thương lái ép xuống. Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân nên thu hoạch thảo quả đúng thời vụ để đảm bảo năng suất, chất lượng nhưng người dân sợ mất trộm nên thu hoạch non.
Đặc sản dông Bình Thuận:
Cung không đủ cầu
Dông từ lâu đã được coi là món ăn đặc sản của Phan Thiết nên ngoài việc đánh bắt tự nhiên, ở Phan Thiết đã hình thành nhiều trang trại nuôi dông. Đầu ra ổn định, giá thu mua tăng gần gấp đôi giúp người nuôi dông thu lãi lớn.
Thời gian gần đây, thị trường đầu ra con dông thịt tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khá ổn định nhờ nhu cầu từ các nhà hàng, khách sạn tăng cao. Vì vậy, các trang trại nuôi dông phát triển. Thương lái thường đến tận trang trại để mua, giá lại khá cao, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi. Thời gian qua, giá dông khá ổn định, thậm chí luôn duy trì ở mức cao do cầu tăng mạnh. Cụ thể, dông có trọng lượng khoảng 2 con/kg, được thu mua ở mức từ 600.000 – 700.000 đồng/kg. Riêng dông có trọng lượng từ 8 - 10 con/kg thì được bán với giá từ 400.000 – 600.000 đồng/kg.
Đáng mừng là hiện tại nguồn cung không đủ nhu cầu. Cả xã Thiện Nghiệp hiện chỉ còn khoảng 20 hộ nuôi dông thương phẩm, với diện tích hơn 10 héc-ta. Một số ít hộ nuôi nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong gia đình. Dự báo, nhu cầu thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, địa phương khuyến khích bà con phát triển đàn dông nhưng phải có kế hoạch, không ồ ạt mở rộng chuồng nuôi để tránh việc cung vượt quá cầu như những năm trước.
Dông là loài bò sát sống chủ yếu ở các sa mạc, đồi cát. Dông có khả năng nhịn uống nước lâu ngày, sinh trưởng tốt trong môi trường nắng nóng và khô nên còn được gọi là vua của đồi cát. Khi đưa dông về trang trại, người ta vẫn tạo cho chúng môi trường sống riêng và chăm chút bảo vệ chúng.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Hậu Giang:
Nuôi ếch mùa nước nổi cho thu nhập cao
Nuôi ếch mùa nước nổi có nhiều ưu điểm hơn so với những mùa khác trong năm, vì mùa này ếch ít bệnh, tận dụng được lượng nước triều cường lên xuống nên ếch ăn mạnh, mau lớn. Nếu ếch nuôi trong ao mương hay các mùa khác thì 3,5 tháng mới cho thu hoạch, còn mùa nước nổi chỉ khoảng 3 tháng là thu hoạch, đạt trọng lượng 4 con/kg. Hiện nay, giá ếch tăng cao, thương lái đến tận nơi thu mua khiến các hộ nuôi rất phấn khởi. Thương lái thu mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, trừ hết chi phí sản xuất người nuôi còn lãi khoảng 15.000 đồng/kg. Trung bình 1 vèo ếch 1.000 con, sau 3 tháng nuôi, cho thu nhập gần 30 triệu đồng. Thậm chí, một số hộ tự chở ếch đến vựa lớn ở các địa phương khác để bán với giá cao hơn.
Nghệ An:
Mùa hái sim rừng
Trong khi ở nhiều địa phương khác mất mùa sim do thời tiết nắng hạn thì ở các khu đồi trên địa bàn vùng ven biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại đang cho quả rất nhiều. Hàng trăm nông dân bám rừng hái sim thu về cả trăm nghìn đồng/người/ngày.
Thời điểm này, đang rộ mùa sim chín, cứ khoảng 5 giờ sáng mỗi ngày, người dân làng biển Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) lại tập trung thành từng nhóm mang làn, xách giỏ lên rừng để hái sim. Theo bà con, khoảng 1 tháng trước, sim rừng được thu mua 30.000 đồng/kg; thời điểm này giá thu mua 20.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi người dân thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/buổi. Sau khi sim được mang về, bà con mang đến địa điểm tập trung để chờ thương lái đến thu mua.
Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng tăng mạnh, vì được nhiều người dùng để ngâm rượu uống. Theo dân gian, quả sim rừng chứa vị ngọt, chát, có nhiều tác dụng trong bổ dưỡng sức khỏe, nhất là dùng chữa trị các chứng huyết hư, thổ huyết, chảy máu cam, ù tai, di tinh.
Đồng bằng sông Cửu Long:
Giá nhiều loại cam giảm thấp
Hiện giá cam sành, cam mật và cam xoàn tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng. Tại nhiều quận, huyện ở TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long... cam mật được nhiều nông dân bán xô cho thương lái với giá chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg; cam sành bán xô với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg; cam xoàn giá khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cam xoàn bán lẻ tại nhiều nơi đang ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg; cam sành 12.000 - 17.000 đồng/kg, còn cam mật khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg. Giá cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì bước vào rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu, nhất là cam Navel nhập khẩu từ Úc và Mỹ.
Miền Nam:
Heo hơi tăng giá mạnh
Không chỉ các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, mấy ngày qua, giá heo hơi khu vực Đông Nam bộ cũng tăng lên rất mạnh và hiện được thương lái thu mua với giá trên 59.000 đồng/kg tùy chất lượng. Cụ thể: Giá heo tại thủ phủ Đồng Nai đã lên 59.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg), Bà Rịa - Vũng Tàu 62.000 đồng/kg, Lâm Đồng tăng 3.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg.
Phía Tây Nam bộ, không ít địa phương đã bán heo được giá 60.000 đồng/kg như: Long An, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh. Với mức giá này, người nông dân đã vơi bớt phần nào khó khăn. Tuy nhiên, lượng heo trong dân không còn nhiều do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá thịt heo có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu tăng, nhất là khi thị trường Trung Quốc tăng mua.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Đồng Tháp:
Nhà vườn chủ động ứng phó với lũ
Hiện nay, đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa đến một số diện tích trồng cây ăn trái các huyện phía Nam của tỉnh Đồng Tháp. Nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, sẵn sàng phương án bảo vệ vườn cây ăn trái.
Tại huyện Lai Vung, các nhà vườn đang tích cực gia cố lại các bờ bao, đập dã chiến để sẵn sàng ứng phó với đợt nước lũ sắp tới. Thậm chí, khi thấy con nước chuẩn bị mấp mé bờ, nhà vườn đã chủ động mua nylon để gia cố lại bờ bao quanh vườn và sử dụng máy bơm để tiêu thoát nước cho vườn cây.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung, đến nay tất cả diện tích vườn cây ăn trái của huyện đều nằm trong các khu đê bao khép kín. Bên cạnh đó, nhằm chủ động đảm bảo cho nông dân yên tâm sản xuất, huyện chủ động gia cố và nạo vét 7 công trình thủy lợi và duy tu sửa chữa 6 cống... Rút kinh nghiệm từ mực nước lũ các năm trước, ngay từ đầu năm 2019, huyện chủ động kiểm tra, duy tu, sửa chữa các hệ thống đê bao, cống...
Châu Thành cũng là huyện có diện tích cây ăn trái khá lớn của tỉnh. Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, trên địa bàn đã huyện xảy ra nhiều trường hợp nước lũ tràn bờ và bể bờ bao tại các xã: An Hiệp, Tân Nhuận Đông, Phú Hựu, Hòa Tân. Ngay sau sự cố, các ngành hữu quan và địa phương đã tổ chức khắc phục.
Ngành nông nghiệp không khuyến khích các địa phương xuống giống lúa vụ 3 thay vào đó là xả lũ lấy phù sa, sản xuất lúa xuân sớm. Bà con chỉ xuống giống tại những nơi an toàn tuyệt đối. Đối với cây trái nhà vườn cần tỉa bớt cành lúc cây mang trái để tránh cây bị kiệt sức.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Đồng loạt kiểm tra hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử
Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm soát; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Chiến dịch thanh, kiểm tra đợt này bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Đối tượng nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng trọng điểm là: Trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép...
Mục đích chính của kế hoạch nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đến hết năm 2020.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc này cũng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm đối với phát triển kinh tế, xã hội; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển theo chiều hướng tích cực. Việc kiểm tra cũng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng tự giác, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
HÀNG VIỆT |
Thơm ngon hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) có vị ngọt, bùi rất riêng, rất khác biệt với các loại hạt dẻ của Trung Quốc và Lạng Sơn. Vào mùa thu hoạch, hạt dẻ theo chân đồng bào dân tộc ra chợ, lên đường về xuôi như một món quà độc đáo của núi rừng Cao Bằng.
Sở dĩ hạt dẻ Trung Khánh - đặc sản của tỉnh Cao Bằng có vị ngọt, bùi rất riêng biệt là nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực địa lý, phân bố ở các sườn đồi, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ, đặc biệt là thời kỳ ra hoa.
Hạt dẻ chín rộ vào thời điểm mùa thu, khoảng tháng 9, 10 hàng năm. Đến thời điểm này, quả dẻ sẽ tách vỏ và rơi xuống đất. Người trồng mỗi sáng chỉ việc ra vườn dùng một dụng cụ để gắp dẻ rồi mang về. Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày thu được cả tạ hạt. Nhưng năm nay mất mùa do mưa nhiều, kéo dài suốt từ tháng 5 nên tỷ lệ đậu quả thấp. Bà con đi nhặt cả sáng mới được khoảng chục kg hạt, không đủ cung cấp theo đặt hàng của khách.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh cho biết, khoảng đầu những năm 2000, huyện đã đưa một số hộ dân sang thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để tham quan, học tập mô hình trồng dẻ của nước bạn. Theo kinh nghiệm, để ươm được cây dẻ cần lấy hạt nằm ở giữa 3 hạt thì cây mới phát triển tốt. Nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật khoảng 4 năm sẽ cho thu hoạch. Cây dẻ có thể cho quả vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Với giá bán hiện nay khoảng hơn 100.000 đồng/kg, nếu mỗi hộ dân trồng từ vài chục đến hàng trăm cây sẽ cho thu nhập khá, thậm chí hàng trăm triệu đồng/năm.
Hạt dẻ Trùng Khánh thường nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, vỏ lụa rất mỏng, hạt màu vàng sẫm, bùi và thơm ngậy đặc biệt. Để chế biến các món ăn thường vỏ hạt dẻ rất cứng nên muốn chín cần phải luộc kỹ. Có người còn cẩn thận khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm tự nhiên. Từ đó người chế biến có thể ninh hạt dẻ với chân giò như một món hầm, có thể xay bột hạt dẻ làm nhân bánh, có thể hấp hạt dẻ để ăn như kiểu hấp hạt mít... Người Cao Bằng còn có kiểu ăn độc đáo là khi hạt dẻ luộc rang khô, bóc tách vỏ lấy nhân rồi giã nghiền thành bột trộn đều vào cốm làm từ giống nếp Pì Pất. Món ăn hấp dẫn với vị thơm của cốm, vị bùi của hạt dẻ. Không chỉ là một món ăn dân dã hấp dẫn trong những ngày mùa đông lạnh giá, hạt dẻ Trùng Khánh còn có một số công dụng đối với sức khỏe của con người cũng như hỗ trợ trong việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.
Với tiềm năng của cây hạt dẻ, Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, dẻ là cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa cần đẩy mạnh khai thác. HĐND huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển cây hạt dẻ gắn với quảng bá du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao. Tại các xã vùng quy hoạch như: Đình Minh, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Ngộc Côn, Ngọc Khê… đã giao chỉ tiêu trồng mới mỗi xã từ 15 – 30 héc-ta với phương thức nhà nước hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ mọc, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, toàn huyện Trung Khánh có hơn 200 héc-ta trồng dẻ, trong đó hơn 170 héc-ta đang cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, toàn huyện trồng mới khoảng 70 héc-ta. Nhưng đáng tiếc là có nhiều hộ gia đình trồng xong không quan tâm chăm sóc tốt nên để cây chết, phát triển kém hoặc bị trâu bò phá hoại.
Thời gian tới, huyện Trùng Khánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã tăng cường trồng mới diện tích hạt dẻ. Chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tiềm năng của cây dẻ đối với phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là giúp bà con hiểu rõ, coi hạt dẻ như cây ăn quả để quan tâm đến công tác chăm sóc, giúp cây phát triển tốt, đem lại sản lượng cao, thu nhập ổn định cho người dân.