Thông tin giá cả thị trường số 44/2018

04:14 PM 02/11/2018 |   Lượt xem: 4292 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cam Cao Phong vào vụ

Tháng 10 là thời điểm cam Cao Phong bước vào thu hoạch. Ngay từ đầu vụ, bà con nông dân huyện miền núi Cao Phong liên tục nhận được hợp đồng cung ứng cam tới thị trường trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.

Mỗi ngày có hàng trăm chuyến cam được xuất vườn trong niềm vui được mùa, được giá của bà con. Dọc con đường trung tâm thị trấn tấp nập xe ô tô của thương lái khắp nơi đổ về. Hiện tại, nông dân thị trấn Cao Phong đang thu hoạch các giống cam chín sớm như cam Mát, Xã Đoài. Ngay từ sáng sớm, bà con đã tất bật trong vườn hái cam, chọn lựa những quả vừa độ chín để đóng hàng cho kịp chuyến xe của thương lái tới thu mua. Với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, có nơi 27.000 đồng/kg, nhiều hộ trên địa bàn đã thu về từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Đây là dấu hiệu dự báo một vụ cam được mùa, được giá.

Là nơi có diện tích trồng cam lớn nhất trên địa bàn, thị trấn Cao Phong là thủ phủ của các loại cam. Với chất lượng đã được khẳng định, thương hiệu cam Cao Phong ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Đó là kết quả của sự nỗ lực, chịu khó tìm tòi, học hỏi của bà con nông dân địa phương. Không chỉ chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các hộ trồng cam còn được hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng và kịp thời khắc phục khi có dịch bệnh xuất hiện.

Để đảm bảo giữ vững thương hiệu, uy tín, chất lượng cam Cao Phong, huyện Cao Phong đã phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tổ chức tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổ chức các cuộc hội thảo về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả cho các nhà vườn. Tiếp tục duy trì quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn huyện đã có trên 40% diện tích cam, quýt được trồng theo tiêu chuẩn này. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, bà con vùng cam đã áp dụng đúng quy trình sản xuất đã ban hành. Áp dụng cả cách chăm sóc cam hoàn toàn tự nhiên như ngâm ủ đậu nành, dùng viên ép cá con để tưới...

Để bảo vệ, phát huy chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Ngay từ niên vụ 2017 – 2018, huyện cũng đã ban hành mẫu bao bì cam Cao Phong chuẩn áp dụng chung trong toàn huyện. Các nhà vườn sử dụng và ghi tên để truy xuất nguồn gốc. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho một số cá nhân và tập thể sản xuất cam trên địa bàn. Phát động thực hiện phương châm “Người Cao Phong chỉ bán cam Cao Phong”. Ban Chỉ đạo đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về việc sử dụng bao bì sản phẩm, ý nghĩa của việc giữ vững, phát huy chỉ dẫn địa lý. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hộ kinh doanh cam, kiên quyết đấu tranh chống gian lận cam nơi khác trà trộn. Tổ chức cho các hộ sản xuất, kinh doanh cam ký cam kết sản xuất cam an toàn và kinh doanh đúng cam Cao Phong.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đắk Lắk: Giống ngô lai đạt hiệu quả cao

Trong 5 năm qua, bà con nông dân xã Hòa Tân (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã liên kết với các công ty sản xuất ngô giống như Công ty SSC, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty NSC trồng ngô giống F1 (giống ngô lai LVN10) và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Vụ mùa năm 2018, xã Hòa Tân gieo trồng được 330 héc-ta ngô giống F1, tăng 50 héc-ta so với năm 2017; năng suất trung bình đạt 7 tấn/héc-ta, nhiều diện tích có năng suất đạt 9 tấn/héc-ta. Với giá bao tiêu hiện tại là 8.600 đồng/kg, nông dân lãi 40 triệu đồng/héc-ta, cao gấp 3 lần so với trồng ngô thương phẩm.

Mặc dù trồng ngô giống F1 vất vả hơn, quy trình sản xuất phải tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, thời gian có mặt trên ruộng ngô nhiều hơn nhưng người trồng ngô không phải lo đầu ra bởi các công ty bao tiêu hết sản phẩm, giá ổn định. Cụ thể, khi sản xuất giống ngô F1, bà con phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và quản lý chất lượng của Công ty SSC như: Phải bảo đảm đất không quá xấu; chủ động tưới tiêu; ruộng sản xuất giống F1 cách ly với ruộng ngô giống khác từ 300 mét trở lên; gieo ngô 1 hàng dòng bố, 6 hàng dòng mẹ, khi dòng mẹ được 55 ngày thì phải rút cờ để bảo đảm thụ phấn... Dù vất vả nhưng bù lại, trồng ngô giống F1 người nông dân được lợi nhiều thứ như: Được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được đầu tư giống và được bao tiêu sản phẩm, so với ngô thương phẩm thì giá ngô giống F1 cao gấp 2,5 lần…

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua trên địa bàn xã Hòa Tân, có thể nói việc sản xuất ngô giống F1 là cơ hội giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để làm ra hàng hóa có giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập. Đồng thời, phát huy lợi thế, tiềm năng của xã trong việc xác định cây trồng mũi nhọn và hình thành vùng chuyên canh trong những năm tiếp theo.

Thừa Thiên Huế: Cau đầu mùa đạt giá kỷ lục

Đến các miền quê tỉnh Thừa Thiên Huế vào những ngày tháng 10 sẽ thấy các thương lái nhộn nhịp thu mua cau tươi. Tại huyện miền núi Nam Đông, các nhà vườn phấn khởi vì giá cau tươi cao kỷ lục từ trước tới nay.

Mặc dù mới đầu mùa nhưng giá cau tươi đã đạt từ 27.000 - 30.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất thương lái mua đến 32.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Sau khi thu mua, cau được đưa về tại cơ sở tập kết để sấy khô rồi phân loại, đóng bao xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo tính toán của người dân ở huyện Nam Đông, 1 héc-ta cây cau cho năng suất cao, thì mức thu nhập từ 700 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Huyện Nam Đông chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện tiếp tục tổ chức tập huấn cho bà con cách phòng chống các bệnh như: nấm rễ, bọ cánh cứng ăn đọt, vàng lá… Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu ổn định để nâng cao hơn nữa giá thành cho sản phẩm.

UBND huyện Nam Đông cho biết, giá cau cao do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường không ổn định nên huyện đã chỉ đạo các địa phương duy trì diện tích chứ không phát triển ồ ạt diện tích cau tập trung. Về lợi nhuận thu được từ cây cau, tính giá trung bình là 30.000 đồng/kg kể cả cành và quả. Một cây cho năng suất 20 – 25 kg, một héc-ta khoảng 1.400 cây, nếu đảm bảo yêu cầu thì thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Đến thời điểm này, cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập ổn định đối với người nông dân Nam Đông. Hiện diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 200 héc-ta, tập trung ở các xã: Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Giang và thị trấn Khe Tre.

Thời gian qua, huyện Nam Đông đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân cố gắng duy trì chăm sóc vườn cau hiện tại và phát triển diện tích theo mức độ nhất định. Đặc biệt, thị trường cau thường không ổn định nên bà con lưu ý chăm sóc và phát triển cây cau trong vườn chứ không phát triển thành những vườn cau tập trung.

MUA GÌ-BÁN GÌ

An Giang: Giá khô cá đồng ở đầu nguồn đang giảm

Thời điểm này, do nguồn nguyên liệu dồi dào nên giá khô cá đồng ở huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang đang có xu hướng giảm. Cụ thể, khô rắn từ 450.000 đồng/kg giảm còn 350.000 đồng/kg; khô cá chạch đang ở ngưỡng 350.000 đồng/kg, thay vì 400.000 đồng/kg như đầu mùa lũ; khô cá chốt còn 160.000 đồng/kg, riêng cá kết, cá lìm kìm do chưa đến mùa nên vẫn ở mức 420.000 đồng/kg…

Mùa lũ là thời điểm các mặt hàng khô cá đồng ở An Phú dồi dào nên thực khách khắp nơi có thể dễ dàng thưởng thức loại đặc sản này; đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho dân câu lưới ở đầu nguồn.

Hậu Giang: Trồng quýt đường cho lợi nhuận cao

Trong khi cam sành hiện nay giá bán ở mức rất thấp thì nhiều nhà vườn trồng quýt đường ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) vẫn cho thu nhập ổn định. Hiện thương lái vào tận vườn thu mua quýt đường loại 1 ở mức 15.000 đồng/kg, loại 2 ở mức 13.000 đồng/kg, mua xô ở mức 11.000 đồng/kg, bình quân thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1.000 đồng/kg. Tuy giá bán có giảm nhưng năng suất quýt đường năm nay đạt 2,5 tấn/công, trừ hết chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/công, nhà vườn trồng quýt đường vẫn đạt lợi nhuận từ 7 - 8 triệu đồng/công.

Tiền Giang: Nông dân trúng đậm mùa mít Thái siêu sớm

Tại thời điểm này, giá mít Thái siêu sớm dao động từ 55.000 - 70.000 đồng/kg, tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, mỗi năm, nhà vườn trồng mít có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/héc-ta. Trái mít tăng giá là do thị trường xuất khẩu hút hàng; trong khi đó vào mùa nước nổi, sản lượng trái mít giảm nên cầu vượt cung.

Không chỉ ở miền Tây Nam bộ nông dân phấn khởi vì giá mít Thái tăng mà ở miền Đông các chủ vườn cũng hăng hái thu hoạch bán cho thương lái. Mít Thái siêu sớm cho thu hoạch quanh năm và từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 2 - 3 năm.

Đồng Tháp: Giá xoài cát chu tăng

Sau thời gian dài giảm liên tục, hiện giá xoài cát chu trên địa bàn TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tăng trở lại, nông dân trồng xoài khá phấn khởi. Thời điểm hiện tại, xoài cát chu loại 1 và loại 2 có giá 16.000 – 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân khiến giá xoài tăng trở lại do nguồn cung giảm trong khi đầu ra có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, nông dân đã biết áp dụng các biện pháp xử lý ra trái rải vụ nhằm đảm bảo nguồn cung quanh năm cho thị trường. Với năng suất và giá thu mua như hiện nay, nông dân thu được lãi khá. Đặc biệt, nhiều hộ đã áp dụng tốt việc sản xuất theo tiêu chuẩn sạch (VietGAP, GlobalGAP) nên chất lượng sản phẩm tăng, mẫu mã đẹp, giúp tiêu thụ tốt hơn.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Phú Yên: Nhân giống tiêu sạch bệnh

Thời gian qua, người trồng tiêu điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt. Nguyên nhân gây dịch bệnh chủ yếu do vi-rút gây ra. Vì vậy, việc nhân giống cây tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ tạo ra cây giống sạch bệnh, phục vụ nhu cầu người trồng tiêu.

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, toàn tỉnh Phú Yên có 975 héc-ta tiêu với năng suất bình quân đạt 28 tạ/héc-ta, cao hơn năng suất bình quân cả nước 5 tạ/héc-ta, nhưng thấp hơn vùng tiêu ở Bình Phước 2 tạ/héc-ta, Gia Lai 1 tạ/héc-ta… Giống tiêu chủ yếu được bà con nông dân tự phát chọn trồng là các giống tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị), Sẻ Mỡ (Đồng Nai), Trâu Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Để cung ứng giống sạch bệnh cho nhu cầu trồng tiêu của bà con, Trạm thực nghiệm giống lâm nghiệp (Trung tâm Giống cây trồng Phú Yên) đã tiến hành nuôi cấy mô giống cây hồ tiêu. Cây được nuôi cấy từ đỉnh sinh trưởng cây tiêu mẹ, đảm bảo những đặc tính ưu việt của cây mẹ. Đối với giống tiêu cấy mô, giai đoạn sinh trưởng ban đầu cây cần chế độ chăm sóc đặc biệt, cây lâu lớn hơn cây giâm hom khoảng 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó, cây phát triển rất nhanh, dung nạp tốt chất dinh dưỡng, rút ngắn thời gian thu hoạch những mùa ra trái sau đó. Phương pháp này khắc phục hiện tượng nhiễm vi-rút trong thân tiêu giống, nên khi trồng không phát hiện cây giống bị bệnh. Vì vậy, nghiên cứu nhân giống vô tính cây tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô cho hệ số nhân cao, đồng thời sẽ giảm được tác nhân gây hại cho cây giống, tạo ra các cây giống sạch bệnh có năng suất và phẩm chất tốt như các cây mẹ đã được chọn lọc.

Trung tâm Giống cây trồng Phú Yên cũng đã tiến hành xây dựng công trình “Nghiên cứu các giai đoạn nuôi cấy invitro (trong ống nghiệm) của các giống hồ tiêu cho năng suất cao và sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Theo đó, xây dựng quy trình chuẩn về nhân giống, các giống hồ tiêu cho năng suất cao và sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Thời gian tới, Trung tâm Giống cây trồng sẽ cung ứng giống cấy mô cho vùng trồng tiêu Sơn Thành và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên.

Bà con có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp đến:

Trung tâm Giống cây trồng Phú Yên

Ðịa chỉ: Đường Trần Hào, phường 9, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Điện thoại: 0257 3555 397

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Thận trọng với men rượu bán tràn lan

Men rượu là một trong những thành phần không thể thiếu để chế biến rượu. Với nhiều địa phương vùng cao, thay bằng men lá, men tự làm như trước kia, giờ đây, đại đa số hộ nấu rượu đều đến các phiên chợ mua men bán sẵn về để nấu rượu.

Khảo sát tại một số chợ phiên miền núi dễ dàng nhận thấy, men rượu được bán khá nhiều, với nhiều loại khác nhau. Không chỉ được đóng túi với đủ loại, loại viên, loại bột, nhiều loại men rượu còn có bao bì khá bắt mắt với tên gọi phong phú như: Làng Vân, Đức Ngọ, Hương Thơm, Phúc Hưng, Hương Nếp, Thạnh Hương... Thậm chí có loại còn được quảng cáo là “men rượu Việt Nam đỉnh cao nhất”. Tại phiên chợ xã Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, men rượu đóng túi có thể tìm thấy ở hầu hết các khu hàng tạp hóa. Những gói men in ấn nhòe nhoẹt, không gói nào có thời hạn sản xuất, ngoài những câu quảng cáo như: “Không khê, không chua, thơm ngon, êm ái”.  Vậy nhưng, các bà, các cô, các ông đi chợ vẫn khá nhiều người ghé vào chọn mua.

Tuy nhiên, không ghi thời hạn sản xuất là chuyện rất phổ biến với các sản phẩm men rượu hiện nay, phổ biến đến mức người mua hoàn toàn không cần quan tâm. Đáng ngại hơn là nhiều sản phẩm men còn có hướng dẫn sử dụng khá “lạ”. Nếu như quy trình nấu rượu truyền thống cơ bản, bắt buộc phải có thời gian ủ khô từ 3 - 7 ngày, để các vi sinh vật lên men, thì nhiều loại men rượu này lại quảng cáo là chỉ cần ngâm nước trực tiếp, không cần ủ khô mà lại có thể cho ra lượng rượu nhiều hơn thông thường. Thậm chí, nhiều người nấu rượu còn bỏ qua cả khâu nấu gạo thành cơm mà dùng men sống để chế biến rượu. Theo đó, men nguyên liệu sống được hòa vào nước lã rồi cho gạo vào ngâm khoảng 5 ngày là có thể chưng cất. Mức giá cho loại men này là 35.000 đồng/kg, dùng được cho 100 kg gạo, ra thành phẩm khoảng 1 lít rượu/kg gạo - nồng độ từ 45 – 55 độ.

Chính vì vậy, khi uống phải rượu kém chất lượng nhiều người đã phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí cả mạng sống.

HÀNG VIỆT 

Mắm cá linh -  đặc sản mùa nước nổi

Nước mắm cá linh - đặc sản của người dân Đồng Tháp chỉ có trong mùa nước nổi đang vào mùa, thu hút nhiều du khách gần xa.

Theo nhiều người làm nghề ủ nước mắm cá linh ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự tỉnh Ðồng Tháp, hàng năm, khi vào nước nổi, nguồn lợi cá linh dồi dào. Đây cũng là thời điểm để bà con thu mua nguyên liệu chuẩn bị cho công đoạn ủ mắm. Nhà nào ít thì ủ một khạp, nhà nào đông con thì ủ hai, ba khạp ăn giáp năm. Nước mắm cá linh đã  trở thành gia vị quen thuộc trong đời sống ẩm thực của người dân vùng lũ.

Kinh nghiệm của một người chuyên nấu nước mắm cho biết, cách nấu nước mắm cá linh truyền thống như sau: Cá linh sau khi rửa sạch cho vào khạp. Một khạp da bò chứa khoảng 30 kg cá linh, lượng cá này được trộn đều với 12 lít muối hột nhưng phải dành ít nhất ba lít muối rải đều lên lớp cá trên cùng gọi là “dằn mặt”. Cứ bốn, năm ngày dùng đũa tre loại lớn trộn đều cá với muối.

Để có được nước mắm thơm ngon, mỗi khạp da bò trộn chung với vài ký cua đồng hay vỏ của ba trái khóm (mắt khóm) và phải được phơi càng “bắt nắng, bắt sương” thì nước mắm càng ngon, gọi là ủ mắm. Sau khi phơi nắng một tháng, xác cá rục thì đem nấu cho thật sôi. Đó là với cá linh non. Còn cá linh già, thời gian ủ lâu hơn, phải ủ hai, ba tháng. Sau đó, xác mắm được đổ vào chảo đụng để nấu. Vừa nấu vừa phải vớt bọt liên tục, nếu không nước mắm sẽ đục và “trở mùi”. Kế đến là công đoạn lược mắm. Bà con thường dùng tấm vải mùng để trong cái rổ, vải gấp lại nhiều lớp càng dày, nước nhỏ xuống từng giọt càng chậm thì nước mắm càng trong. Nước mắm sau khi lược được đem nấu sôi một lần nữa, khi sắc lại 1/10 là được, cũng có thể đem đi phơi nắng cho sắc.

Nước mắm cá linh tự nhiên có màu cánh gián, trong ngần. Đó là thứ mắm cốt cá linh hảo hạng mà người dân vùng Hồng Ngự tự hào vì hương vị thơm ngon đặc biệt, không thua bất kỳ loại nước mắm danh tiếng của vùng nào. Thường một khạp da bò cho khoảng 30 lít nước mắm cốt hay nước mắm loại một. Cá linh càng non, càng ít mỡ cho nước mắm càng ngon, càng đậm đà.

Đặc biệt, phương pháp ủ truyền thống tạo hương vị rất đặc trưng. Đây cũng là điểm khác biệt giữa nước mắm ủ truyền thống và nước mắm công nghiệp. Nước mắm truyền thống thường có vị mặn hơn do dùng muối ủ cá lên men còn nước mắm công nghiệp vị nhạt hơn. Cá linh ủ càng lâu, mắm càng ngon.

Cách nhận biết nước mắm ngon là nước mắm phải thơm, vị mặn nhưng không chát, thả hạt cơm nguội vô thì hạt cơm phải nổi và nước mắm phải để được lâu. Phần lớn nước mắm cá linh bán ở chợ là nước mắm loại hai, nghĩa là sau khi nấu lấy đi nước mắm cốt, xác cá linh được trộn với muối nấu một lần nữa.

Đối với người dân nông thôn ở miền Tây, nước mắm cá linh là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn. Người dân đã “ghiền” hương vị độc đáo của loại nước mắm đặc sản này. Đặc biệt, nếu so với nước mắm được sản xuất từ các loại cá khác thì nước mắm cá linh ngon hơn, có độ đạm cao hơn nếu được sản xuất đúng theo quy trình truyền thống. Tuy nhiên, do lượng cá linh phụ thuộc vào mùa lũ lớn hay nhỏ, sản lượng không ổn định theo từng năm nên rất khó để xây dựng thương hiệu cũng như phát triển làng nghề này trong thời gian tới.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)