TIÊU ĐIỂM |
An Giang: Mô hình trồng đậu phộng ở huyện miền núi Tịnh Biên
Những năm qua, mô hình trồng cây đậu phộng đã được ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang quan tâm bởi tính thích nghi cao với điều kiện thổ nhưỡng. Địa phương đang tạo điều kiện để cây đậu phộng phát triển bền vững, mang đến thu nhập khá cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở vùng Bảy Núi.
Trồng cây đậu phộng là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả đối với những vùng thiếu nước tưới, vùng đất triền dốc chưa được đầu tư công trình thủy lợi do đậu phộng thích nghi cao với chất đất pha cát. Để nông dân yên tâm gắn bó lâu dài với mô hình này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên đã thực hiện mô hình chuẩn hóa giống và phát triển nguồn đậu phộng chất lượng để cung cấp ra thị trường. Mô hình được triển khai tại ấp Chơn Cô, xã An Cư với diện tích 9 héc-ta, có 16 hộ tham gia. Các hộ tham gia được địa phương hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật nên rất yên tâm, nhất là nguồn giống chất lượng do ngành chuyên môn cung cấp. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên còn cử cán bộ theo dõi sát sao mô hình và mở lớp hướng dẫn kỹ thuật canh tác đậu phộng.
Theo đó, nông dân khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ giống đậu phộng LĐĐ14, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mục tiêu của mô hình là sản xuất đậu phộng giống với mức giá 20.000 - 25.000 đồng/kg khi đưa ra thị trường, thay vì nông dân bán đậu thương phẩm chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Ngoài việc hỗ trợ nông dân phát triển cây đậu phộng, ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên còn kết nối các đối tác để tìm đầu ra sản phẩm.
Bước đầu, mô hình chỉ thực hiện trên diện tích 9 héc-ta tại xã An Cư và khi thành công sẽ mở rộng diện tích khoảng 300 héc-ta tại các xã Vĩnh Trung và Văn Giáo. Với năng suất từ 1 - 1,2 tấn/1.000 m2, cây đậu phộng đã trở thành mô hình tối ưu nhất đối với nông dân có đất canh tác tại những vùng khô hạn. Do đó, mục tiêu của địa phương là tìm những đối tác có uy tín, mong muốn làm ăn lâu dài với nông dân và có đủ điều kiện hỗ trợ về máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ canh tác cho người trồng đậu phộng. Từ đó, tạo điều kiện để cây đậu phộng phát triển bền vững, mang đến thu nhập khá cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở vùng Bảy Núi.
Hiện nay, mục tiêu của Tịnh Biên là chuẩn hóa nguồn giống và đảm bảo đầu ra cho nông dân. Bởi trên thực tế, người dân huyện Tịnh Biên trồng đậu phộng đã nhiều năm nhưng không xác định được nguồn giống, dẫn đến chất lượng không cao. Do đó, việc chuẩn hóa giống là cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển vùng trồng đậu phộng trọng điểm tại Tịnh Biên. Trong khi đó, theo khảo sát của các doanh nghiệp, tiềm năng phát triển cây đậu phộng tại Tịnh Biên rất cao. Thậm chí có thể phát triển thành vùng trọng điểm đậu phộng của tỉnh An Giang bởi nông dân có thể sản xuất quanh năm. Hướng tới việc chuyên canh hóa mô hình này, hiện nay địa phương đang kêu gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nông dân về máy móc tưới tiêu, máy sạ đậu phộng, máy ép dầu…
MUA GÌ-BÁN GÌ |
Đồng Tháp: Sản lượng quýt hồng Lai Vung cung cấp tết giảm
Lai Vung được xem là thủ phủ quýt hồng của toàn tỉnh Đồng Tháp và khu vực miền Tây với diện tích cây có múi toàn huyện khoảng 5.700 héc-ta. Thời gian gần đây, bệnh chết vàng, chết xanh hoành hành trên cây có múi khiến nhiều nông dân tại Lai Vung khốn đốn. Trước tình hình này, dự kiến sản lượng quýt hồng toàn huyện Lai Vung cung ứng dịp Tết Kỷ Hợi giảm khoảng 10.000 tấn. Thậm chí, nguồn quýt cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán có thể thiếu hụt mạnh.
Theo thống kê, hiện diện tích quýt hồng đang cho trái của toàn huyện Lai Vung chỉ còn khoảng 500 héc-ta, giảm khoảng 300 héc-ta so với năm trước. Hiện nhiều diện tích quýt chín sớm đã được nông dân thu hoạch bán cho thương lái với giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Thực trạng này khiến bà con Lai Vung lo lắng, một số hộ đã phải vay mượn để chuẩn bị đầu tư vụ mới.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá bưởi tết có thể tăng 15 - 20%
Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng ngay thời điểm này đã có nhiều thương lái tìm đến các nhà vườn trồng bưởi Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đặt hàng. Tuy nhiên, sản lượng bưởi da xanh vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, theo nhận định của các nhà vườn, khả năng giá bưởi da xanh Tết nguyên đán 2019 có thể sẽ tăng từ 15 - 20% do khan hiếm hàng.
Trên địa bàn xã Sông Xoài có khoảng 207 héc-ta trồng bưởi da xanh. Những năm gần đây, thời tiết thất thường nên vụ tết hay bị mất mùa. Bên cạnh đó, giá bưởi da xanh bán trong dịp tết không chênh lệch nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Vì vậy, người trồng bưởi đã dùng kỹ thuật rải vụ, thay vì chú trọng tập trung ra trái vào dịp vụ tết như trước đây. Điều này giúp các nhà vườn có nguồn thu nhập ổn định quanh năm nhưng cũng đồng nghĩa với sản lượng cung cấp cho thị trường tết giảm.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh, nhiều trang trại và chủ vườn trồng bưởi trên địa bàn xã Sông Xoài đang dần chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Việc ứng dụng quy trình chăm sóc cây bưởi theo tiêu chuẩn đã giúp trái bưởi khi đưa ra thị trường chất lượng hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Bắc Kạn: Giá thu mua dong riềng giảm
Vụ dong riềng năm nay, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) trồng hơn 366 héc-ta dong riềng. Để bao tiêu sản phẩm củ dong, các cơ sở đã ký kết hợp đồng thu mua với người dân giá từ 1.400 - 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, tại thời điểm này, giá thu mua dong có chiều hướng giảm so với cùng kỳ. Ngay đầu vụ thu hoạch, cơ sở Nhất Thiện đã tiến hành tiêu thụ củ dong của bà con xã Mỹ Phương với giá theo đúng hợp đồng đã ký kết là 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá thị trường bột dong giảm sâu nên cơ sở Nhất Thiện đã đề nghị với xã Mỹ Phương giảm xuống còn 1.300 đồng/kg và được người dân đồng tình. Cùng với đó, Cơ sở Nhất Thiện cũng tiến hành thu mua bột dong của các hộ dân ở các xã Yến Dương, Phúc Lộc, Quảng Khê… với giá 9.500 đồng/kg. Hai cơ sở thu mua khác trên địa bàn cũng giảm giá thu mua do ảnh hưởng của mặt bằng giá chung trên thị trường. Chủ một cơ sở cho biết, doanh nghiệp thu mua phải có vốn tích bột, làm miến thì mới có lãi. Nếu chỉ mua củ nghiền ra bán bột chắc chắn lỗ, vì giá củ dong và bột dong đều quá rẻ, không đủ chi phí.
Lào Cai: Diện tích cây dược liệu vụ đông 2018 tăng
Vụ đông năm 2018, huyện Bắc Hà trồng 80 héc-ta cây dược liệu trên địa bàn 7 xã: Na Hối, Bản Già, Lùng Cải, Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài, Tả Văn Chư, Lùng Phình. Như vậy, diện tích cây dược liệu đã tăng 30 héc-ta so với vụ đông năm ngoái. Hiện nay, chủ đầu tư và người dân, doanh nghiệp đã tập trung làm đất, gieo trồng các loại cây dược liệu, đảm bảo khung thời vụ, đồng thời cung ứng nylon để phủ luống, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng trồng hàng hóa theo nhu cầu đặt hàng của các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Điển hình như trồng atiso và chè dây tại Sa Pa, Bắc Hà; cây xuyên khung tại Bát Xát, cây đương quy tại Bát Xát và Bắc Hà, Si Ma Cai, cây ý dĩ tại Si Ma Cai và Bắc Hà hay cây sa nhân tím tại Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và Bảo Yên.
CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG |
Ninh Thuận: Trồng nho kết hợp du lịch sinh thái
Những năm qua, Ninh Thuận đã phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, trồng nho kết hợp với du lịch sinh thái đang là mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Ninh Thuận.
Với lợi thế về sản xuất cây nho, táo và vườn trầu, người dân xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước đang đẩy mạnh phát triển vùng trồng nho tập trung kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn. Đây là mô hình mới thu hút đông đảo du khách đến Ninh Thuận khám phá và trải nghiệm.
Xã Phước Thuận là địa phương thuần nông, nhiều năm qua ngoài sản xuất lúa, bà con còn phát triển cây nho, cây táo với diện tích 311 héc-ta. Các hộ gia đình làm du lịch sinh thái miệt vườn ở xã Phước Thuận còn được các kỹ sư nông nghiệp, các cán bộ văn hóa hướng dẫn kỹ thuật trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP và những kiến thức về ứng xử văn hóa với du khách. Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn đang được các hộ trồng nho tham gia tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế trong việc gắn kết các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương với hoạt động du lịch.
Để phát huy tiềm năng hiện có về du lịch sinh thái, miệt vườn tại địa phương, xã Phước Thuận đã tăng cường gắn kết các sản phẩm đặc trưng vào du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Xã tập trung công tác quy hoạch để phát triển các vùng nho tập trung và các làng nghề. Ví dụ như: Làng nghề trầu cau, làng nghề bánh hỏi… gắn với sản phẩm đặc thù địa phương hiện có như dê, cừu và các sản phẩm sao nho tươi, sao táo để phục vụ khách du lịch…
Cuộc sống của người dân vùng quê xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đang ngày càng khởi sắc. Tiềm năng và lợi thế được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch - nông nghiệp đặc sắc và hấp dẫn của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập gia đình, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái miệt vườn theo hướng bền vững.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Vĩnh Long: Tiêu hủy hàng giả, kém chất lượng
Trung tuần tháng 11/2018, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Hội đồng tiêu hủy hàng hóa vi phạm và tiến hành tiêu hủy số lượng lớn hàng vi phạm.
Chủ yếu các mặt hàng vi phạm là hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành tiêu hủy gần 15.000 sản phẩm, trong đó, có 1.120 chai rượu, 550 nón bảo hiểm, 456 đồng hồ với nhiều chủng loại, số còn lại là nước rửa chén bát và phụ tùng xe gắn máy… Đây là những mặt hàng được Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long tịch thu trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Trong đó, tập trung nhiều là hàng vi phạm không ghi nhãn hàng hóa, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tiến hành kiểm tra, giám sát 2.419 vụ trong lĩnh vực quản lý thị trường. Qua đó, phát hiện vi phạm và tiến hành xử lý 737 vụ, với tổng số tiền phạt hơn 3,4 tỷ đồng. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra trên địa bàn, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa trong dịp tết sắp tới. Đặc biệt, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo Sở Công Thương coi trọng công tác dự trữ hàng hóa, nắm chắc nhu cầu, diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại, chống xuất lậu than, các loại quặng, gỗ quý hiếm trên các tuyến biên giới, đất liền và địa bàn trọng điểm…
HÀNG VIỆT |
Bắc Kạn: Phát triển vùng trồng cam theo hướng sản xuất hàng hoá
Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Kạn khuyến khích phát triển vùng trồng cam theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, việc quy hoạch cụ thể về giống và vùng canh tác đang là vấn đề được quan tâm hiện nay.
Triển khai nhiều dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật
Trong đó, huyện Bạch Thông đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây cam sành Bắc Kạn” tại 2 xã Quang Thuận và Dương Phong, với thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020. Mục tiêu của dự án là ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển giống cam sành tại Bắc Kạn thành vùng sản xuất hàng hóa, có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo lộ trình, dự án sẽ chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống và thâm canh cây cam, điều tra tuyển chọn 40 - 50 cây cam ưu tú để khai thác mắt ghép phục vụ nhân giống; xây dựng trồng mới 20 héc-ta cam sành tại Bạch Thông; xây dựng mô hình thâm canh 10 héc-ta theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 20 tấn/héc-ta; đào tạo 5 kỹ thuật viên tập huấn cho 200 lượt hộ dân chăm sóc cây cam theo hướng VietGAP. Dự án được thực hiện với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị thực hiện đã tuyển chọn được 48 cây cam ưu tú để khai thác mắt ghép.
Tại huyện Bạch Thông, một số dự án trồng cam Vinh, cam Xã Đoài… đã được thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2013, một số gia đình ở thôn Nà Lẹng, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đã tham gia Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất với mô hình trồng cam Vinh. Đến nay, vườn cam Vinh của các hộ gia đình bà đã cho thu hoạch ổn định 2 vụ/năm. Theo tính toán sơ bộ, với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi héc-ta cam Vinh người nông dân thu về gần 300 triệu đồng/vụ.
Năm 2014, tỉnh Bắc Kạn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình trồng cam Xã Đoài”. Dự án chọn 60 cây cam Xã Đoài ưu tú, khai thác mắt ghép phục vụ nhân 16.000 cây giống để trồng mới 30 héc-ta làm mô hình điểm. Qua theo dõi, đánh giá, một héc-ta cam Xã Đoài với mật độ trồng 400 cây ở độ tuổi thứ năm sẽ cho thu hoạch khoảng 8 tấn quả/vụ, lợi nhuận thu được sau trừ chi phí là 125 triệu đồng/héc-ta. Thấy cây cam Xã Đoài mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân ở các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới đã tự đầu tư trồng, đến nay diện tích lên đến 200 héc-ta. Ngành nông nghiệp Bắc Kạn khuyến khích mở rộng diện tích trồng cam Xã Đoài tại các vùng đồi, nương bãi, đất một vụ kém hiệu quả tại các huyện Na Rì, Chợ Mới.
Xây dựng đề án phát triển cây có múi
Cam sành là cây ăn quả đặc sản của địa phương, cho thu hoạch vào đúng dịp tết nên tiêu thụ khá thuận lợi. Xuất phát từ thực tế đó, việc từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp người dân chủ động nguồn cây giống thông qua phương pháp ghép, nâng cao về năng suất, sản lượng, tăng thu nhập. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển cây có múi, trong đó sẽ đặt mục tiêu trồng mới 1.000 héc-ta với các giống cam, quýt nhập nội; tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cam Bắc Kạn. Vùng được dự kiến quy hoạch trồng mới sẽ tập trung tại Na Rì và Chợ Mới.
Để thực hiện mục tiêu này theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành chức năng và các địa phương rất cần lưu tâm tới việc quy hoạch vùng trồng cụ thể; có cơ chế, chính sách xây dựng các cơ sở sản xuất, cung ứng giống sạch bệnh, chất lượng cao. Phát triển trồng theo một quy trình thống nhất, hạn chế quá nhiều chủng loại cam khác nhau trên một vùng. Đồng thời, gắn việc sản xuất với hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tránh để xảy ra tình trạng trồng không có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng trồng phá vỡ như đã xảy ra với cây quýt Bắc Kạn.
Từ ngày 24 - 31/12/2018, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Hà Nội), tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018”. Đây là dịp để tỉnh Bắc Kạn quảng bá, tuyên truyền, phát triển sản phẩm cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn. Đồng thời, tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, kết nối, tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Những sản phẩm cam, quýt được giới thiệu lần này đã có bao bì sản phẩm, có tem mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; các sản phẩm đặc sản khác của Bắc Kạn đều có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm, có hồ sơ chất lượng sản phẩm.
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)