Thông tin giá cả thị trường số 5/2016

11:40 AM 09/06/2016 |   Lượt xem: 3018 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cá tra - xuất khẩu tăng, diện tích nuôi giảm

Sau một thời gian giá cá tra “trượt dài”, đầu tháng 5/2016, giá cá tra tăng đột biến lên 22.500 đồng/kg. Với mức giá này nông dân có thể đạt mức lợi nhuận 500 - 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bà con chưa kịp mừng thì giữa tháng 5, giá cá tra giảm về mức 21.500 đồng/kg. Nhiều yếu tố tác động khiến những người nuôi cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn rất dè chừng, không dám đầu tư khôi phục sản xuất.

Nông dân nuôi cá khó tái đầu tư mở rộng vùng nuôi

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến tháng 5/2016, toàn ĐBSCL thu hoạch 989 héc-ta cá tra với sản lượng 314.140 tấn. So với cùng thời điểm năm 2015, diện tích, sản lượng lần lượt giảm 22% và 13%. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, giá cá tăng là do xuất khẩu khởi sắc. Đến đầu tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra của nước ta đạt hơn 435 triệu đô-la Mỹ, tăng 4% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 22% giá trị xuất khẩu. Tại ĐBSCL các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã chủ động tạo vùng nuôi chiếm đến 80% nguồn cá nguyên liệu, phần nuôi của nông dân chỉ còn cung cấp 20% nguyên liệu còn lại.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nghề nuôi cá tra hiện tại gần như bão hòa, số người nuôi mới rất ít. Những người nuôi cá tra còn theo đuổi được đến nay đều hy vọng giá cá tra tiếp tục tăng để có một cơ hội gỡ gạc lại thua lỗ. Thêm vào đó, nếu nghỉ nuôi, ngân hàng sẽ siết nợ, lại càng thêm khó khăn. Vì đa số dân nuôi cá tra hiện nay có số nợ ở ngân hàng hàng trăm triệu đồng. Để chủ động nguồn nguyên liệu “đạt chuẩn” tỷ lệ các doanh nghiệp tự nuôi cá nguyên liệu đã hình thành. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến đã tự lập vùng nuôi có khả năng tự cung cấp gần 80% nguyên liệu, phần còn lại do người dân cung cấp. Với tình hình hiện nay, nông dân nuôi cá rất khó tái đầu tư mở rộng vùng nuôi, chủ yếu sản xuất cầm cự để chờ thời cơ. Đồng thời đã ý thức được mức độ rủi ro nên liên kết khá chặt với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm.

Tuân thủ “luật chơi” cho cá tra xuất khẩu

Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác định, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành sẽ tập trung thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành cá. Trọng tâm là tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống, chất lượng cá tra nguyên liệu ở khâu nuôi, gắn liền với việc cải thiện chất lượng môi trường để hoạt động cải thiện ngành hàng mang tính bền vững. Đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua việc cải thiện hệ thống sản xuất và chất lượng sản phẩm hình ảnh cá tra Việt Nam đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo VASEP để đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu, nhất là khi áp lực từ các rào cản thương mại được đặt ra và gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, như thuế chống bán phá giá và Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ càng gia tăng, đã đến lúc người nuôi và doanh nghiệp phải tuân thủ “luật chơi”, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong nghề nuôi cá tra, để đáp ứng yêu cầu các thị trường. Trước mắt Hiệp hội Cá tra Việt Nam cần khẩn trương hoàn chỉnh và thực hiện đề án xếp hạng doanh nghiệp ngành cá để thúc đẩy hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp, nhằm từng bước nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thương trường. Đồng thời, hoàn thiện đề án và thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc ngành hàng cá tra, tiếp tục triển khai thực hiện các nghiên cứu làm cơ sở nền tảng cho việc phát triển bền vững ngành hàng.

MUA GÌ

Lâm Đồng: Dâu tây Đà Lạt từng bước nâng cao uy tín

Trồng dâu tây sạch trong nhà kính

Hiện trung bình mỗi năm Đà Lạt có khoảng 120 héc-ta dâu tây các loại, đó là chưa kể một diện tích dâu tây rất lớn được trồng tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Những năm gần đây, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã tới Đà Lạt đầu tư trồng dâu tây theo ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên theo đánh giá chung, hiện nay, việc canh tác dâu tây trong nhà kính chưa được nông dân Đà Lạt áp dụng đại trà, chỉ mới phát triển trên diện tích nhỏ khoảng chục héc-ta. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ… Ưu thế về năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định vẫn thuộc về những diện tích dâu tây trồng trong nhà kính; còn lại hầu hết diện tích sản xuất ngoài trời vì không có thương hiệu bảo hộ độc quyền, chưa xây dựng thành chuỗi sản phẩm liên kết nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn xảy ra. Mặt khác, phần lớn sản phẩm dâu tây ngoài trời Đà Lạt khi đưa ra thị trường tiêu thụ không thông qua quy trình kiểm định chất lượng, lại chịu ảnh hưởng trước tình trạng giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt của các mặt hàng dâu tây từ nơi khác đưa về nên ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, tên tuổi. Là người có nhiều kinh nghiệm trồng dâu trong nhà kính, ông Vương Đình Phi ở đường Thánh Mẫu, Đà Lạt cho biết ông chọn các giống dâu tây Nhật trồng trên giàn giá thể xơ dừa, trấu... cách mặt đất gần 1 mét, diện tích ổn định với 3.000 mét vuông. Toàn bộ quy trình tưới nước, bón phân hữu cơ đều tự động hóa nhỏ giọt. Vườn dâu của ông đón khách du lịch khắp nơi vào tham quan, chụp hình lưu niệm và trực tiếp hái chọn dâu tây Nhật ăn tươi tại chỗ hoặc mua về làm quà với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Như vậy, với hàng chục cân dâu tây tươi nhà kính của ông Phi bán ra mỗi ngày, giá mỗi cân cao hơn từ 5 - 6 lần so với giá dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm trồng ngoài trời ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.

Xây dựng thương hiệu “Dâu tây Đà Lạt”

Theo UBND TP. Đà Lạt, nhiều năm qua, mỗi khi dâu tây Đà Lạt có giá cao, không ít thương lái đã nhập dâu Trung Quốc về bán tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đà Lạt, với mác “Dâu tây Đà Lạt”. Điều này đã ảnh hưởng xấu rất lớn đến uy tín, chất lượng và thương hiệu dâu tây được trồng tại Đà Lạt. Để nâng cao uy tín của sản phẩm dâu tây Đà Lạt trên thị trường trong và ngoài nước, Phòng Kinh tế TP. Đà Lạt đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ độc quyền. Khi nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận (sau khoảng 12 tháng thẩm định hồ sơ), người sản xuất sẽ được gắn nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” trên sản phẩm của mình, nếu hội đủ các tiêu chí an toàn về nguồn giống, môi trường sinh thái, quy trình canh tác, hình thức và chất lượng sản phẩm thu hoạch…

Thiết nghĩ, trong thời gian đón chờ nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” chính thức được công nhận sử dụng, ngành nông nghiệp Đà Lạt cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tích cực hỗ trợ nông dân triển khai những giải pháp về lựa chọn, cải tạo các loại giống dâu tây đạt năng suất, chất lượng cao để xây dựng các vườn thực nghiệm đầu dòng. Đồng thời tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề trồng và chăm sóc dâu tây; vận động nông dân sản xuất dâu tây tập trung theo mô hình liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, khuyến khích phát triển ngày càng nhiều mô hình trồng dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, qua đó có thêm cơ hội quảng bá rộng rãi thương hiệu “Dâu tây Đà Lạt”.

BÁN GÌ

Quảng Ngãi: Khan hiếm giống hành tím Lý Sơn

Trong những ngày này, hàng ngàn nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bước vào thu hoạch vụ hành tím năm 2016. Tuy nhiên, do hầu hết diện tích hành trên đảo đều trồng giống cao sản nên bán không được giá như giống hành tím bản địa.

Theo UBND huyện Lý Sơn, cùng với tỏi, hành tím là cây trồng truyền thống mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho hàng ngàn nông dân đất đảo. Vụ hành tím năm nay, toàn huyện trồng khoảng 130 héc-ta, trong đó có 80% diện tích là hành cao sản mà nông dân mua giống từ Khánh Hòa. Ông Nguyễn Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn cho biết, nhiều năm qua, các cơ quan chuyên môn chưa chú trọng đến việc bảo tồn, lưu giữ giống hành tím bản địa, trong khi nông dân chỉ bảo quản theo cách làm truyền thống nên giống hành tím địa phương bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất ngày càng tụt giảm, chỉ đạt 350 - 400 kg/sào. Dù vậy, nguồn giống rất khan hiếm, muốn trồng cũng không dễ kiếm nên người trồng hành buộc phải sử dụng giống hành cao sản. Năng suất hành cao sản khá cao, hơn 800 kg/sào nhưng do chất lượng không thơm ngon bằng hành tím Lý Sơn nên giá bán chỉ từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, chưa bằng phân nửa hành tím địa phương. Theo bà con ở xã An Hải, trồng hành giống cao sản năng suất cao nhưng giá thấp. Tính ra hiệu quả kinh tế thua xa trồng giống hành tím địa phương. Nông dân ai cũng biết nhưng không có giống hành địa phương mà trồng.

Trước thực trạng hành cao sản chiếm gần như toàn bộ diện tích trồng hành trên đảo Lý Sơn, nông dân trên đảo đều lo lắng giống hành tím bản địa đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Bà con mong mỏi các cơ quan chuyên môn nhanh chóng có phương án bảo tồn, phục tráng giống hành tím bản địa, đồng thời mở các lớp tập huấn về cách thức chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất giống hành địa phương. Có như vậy, mới cứu được thương hiệu hành Lý Sơn.

Bình Định: Thiệt hại nặng vì tôm hùm giống chết hàng loạt

Xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) có trên 30 hộ nuôi tôm hùm giống, chủ yếu là tôm sao và tôm xanh. Những ngày qua, tình trạng tôm hùm giống đột nhiên chết hàng loạt khiến người nuôi tôm bất an. Đến thời điểm này, đã có 7 hộ nuôi tôm hùm giống (chủ yếu ở thôn Hải Nam) xảy ra hiện tượng tôm chết với số lượng lên tới 5.196 con. Trong đó, tôm sao 1.516 con; tôm xanh 3.680 con. Tôm hùm giống có giá khá cao, 300.000 - 400.000 đồng/con tùy thời điểm, do đó tổn thất kinh tế của người nuôi tôm là rất lớn, mất trắng hàng trăm triệu đồng. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định) phối hợp với các cơ quan liên quan đã xuống địa bàn kiểm tra môi trường, con giống; đồng thời lấy mẫu tôm chết và mẫu nước về xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân dẫn tới tôm chết. Ngoài hơn 30 hộ nuôi tôm hùm giống, hiện cả xã còn có 52 hộ nuôi tôm hùm thịt. Việc tôm hùm giống chết hàng loạt không những thiệt hại cho người nuôi tôm giống mà còn gây ảnh hưởng nặng nề tới những người nuôi tôm thịt tại địa phương.

Đồng Tháp: Giá mè vụ hè thu tăng nhẹ

Hiện tại, bà con nông dân trong tỉnh Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch rộ cây mè vụ hè thu. Vụ này đa số nông dân trong huyện Hồng Ngự chọn giống mè vàng để canh tác vì phù hợp với thổ nhưỡng và thị trường ở đây. Hiện tại, giá mè vàng đang có dấu hiệu nhích lên khoảng 500 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Cụ thể, giá mè vàng dao động từ 30.000 – 31.000 đồng/kg. Trong khi đầu vụ giá mè chỉ ở khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Tuy nhiên theo nhiều nông dân, do vụ hè thu ảnh hưởng thời tiết nắng nóng và sâu bệnh nên cây mè bị rụng bông và ảnh hưởng năng suất. Một công mè chỉ cho hạt từ 70 - 80kg, có diện tích được 100kg, giảm từ 20 - 40% năng suất so với vụ hè thu năm trước. Do vậy dù giá mè tăng nhẹ nhưng nông dân trồng mè vẫn không có lãi hoặc lãi thấp từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/công. Vụ hè thu này, nông dân trong tỉnh Đồng Tháp xuống giống 8.400 héc-ta mè, đến nay đã thu hoạch khoảng 2.300 héc-ta, năng suất bình quân 1 tấn/héc-ta.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Cà Mau: Năng suất cá chình, cá bống tượng giảm

Thời tiết khắc nghiệt những ngày qua ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cá chình, cá bống tượng của nông dân Cà Mau khiến họ đứng ngồi không yên.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau, toàn thành phố có 1.070 héc-ta nuôi cá nước ngọt. Trong đó, diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng là chủ yếu. Do ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết, hiện bà con đang đứng trước 2 lựa chọn: Một là tiếp tục duy trì các ao cá được ngày nào hay ngày nấy. Hai là bán đi, nhưng hiện giá cá thịt chỉ bằng giá cá giống do thương lái ép giá. Nắng nóng, khô hạn, thiếu nước làm ảnh hưởng đến năng suất, trọng lượng cá của hầu hết các ao cá của bà con nông dân trên địa bàn xã. Nhất là phát sinh dịch bệnh trên cá. Một gia đình ở Ấp 4, xã Tân Thành, TP. Cà Mau cho biết, khoảng đầu tháng 2 âm lịch, nắng hạn gay gắt khiến lượng nước trong các ao nuôi cá của gia đình ông xuống thấp. Để bảo vệ sự sống cho gần 1.000 con cá chình, cá bống tượng, ông đã dồn 12 ao lại còn 4 ao. Vậy mà, lượng nước cung cấp cho cá vẫn thiếu. Hiện chi phí ông đầu tư cho vụ cá này khoảng 120 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi như mọi năm, ông thu hoạch cá lãi hàng trăm triệu đồng. Nhưng giờ, lúc nào ông cũng phập phồng lo cho 4 ao cá. Nếu bán cầm chắc lỗ vốn vì thương lái ép giá.

Trước tình hình này, địa phương đã khuyến cáo bà con năm nay bớt lại diện tích nuôi. Đồng thời, cần dự phòng ao tích nước để châm nước cho ao cá. Địa phương cũng sẽ kiến nghị nạo vét các kênh nội đồng để tích trữ lượng nước mưa. Lượng nước này sẽ được châm vào các ao cá của bà con vào mùa hạn thiếu nước.

Lào Cai: Trồng mới và cải tạo 50 héc-ta cây ăn quả địa phương

Thực hiện dự án cải tạo và trồng mới cây ăn quả năm 2016, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai sẽ hỗ trợ nông dân trồng mới 40 héc-ta và cải tạo 10 héc-ta cây ăn quả địa phương trên địa bàn.
Diện tích cây ăn quả được cải tạo và trồng mới thuộc các xã Sa Pả, Tả Phìn, Bản Khoang, Trung Chải, Hầu Thào, Sử Pán… Các loại cây ăn quả trồng chủ yếu là giống địa phương có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao như: Lê nâu Sa Pa, mận hậu, mận Tả Van, đào Vân Nam Sa Pa, đào nâu, đào vàng Sa Pa... Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 2,1 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 1,05 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,05 tỷ đồng. Kinh phí Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng giống cây trồng, một phần phân bón và hướng dẫn nhân dân kỹ thuật cải tạo và trồng mới cây ăn quả đảm bảo mang lại hiệu quả.
Việc mở rộng và cải tạo lại vùng cây ăn quả địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tạo ra sản phẩm du lịch mang tính bản địa thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Cấp phát 200 đàn ong ngoại cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã tổ chức cấp phát 200 đàn ong ngoại cho các hộ nông dân ở 2 xã Bảo Hà và Kim Sơn, huyện Bảo Yên. Thông qua dự án nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi ong mật (giống ngoại) chất lượng cao để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Đây cũng là cơ sở tuyên truyền nhân rộng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Các hộ nuôi ong được cấp giống ong, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ong lấy mật chất lượng cao và tham gia các tổ nhóm, câu lạc bộ cùng sở thích nuôi ong ngoại tại địa phương, tạo liên kết trong tiêu thụ sản phẩm và phát triển thương hiệu mật ong Lào Cai.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Hải Dương: Phát triển vùng chuyên canh dưa tròn

Tại các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ (Hải Dương), bà con nông dân đang trồng các loại dưa Kim HT, dưa quả tròn HT 06, HT 08, HT 09... chuyên canh. Năm nay được mùa nên bà con rất phấn khởi.

Vụ xuân hè 2016, Cty TNHH Nông nghiệp HT Việt Nam đã sản xuất trình diễn các giống dưa quả tròn HT 08, HT 09, Vân lưới HT, HT 03 và HT 06 tại Hải Dương. Tại xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc nông dân chọn hai giống dưa tròn HT08 và Vân lưới HT là chủ lực. Quan trọng hơn là loại dưa này có hàm lượng đường cao ăn rất ngọt nên được người tiêu dùng ưa thích. Đặc biệt, bà con yên tâm hơn khi công ty vừa cung ứng giống, vừa giám sát theo dõi và chỉ đạo kỹ thuật, cuối vụ họ lại về thu mua theo giá thị trường.

Qua theo dõi ở vụ này, nhiều nông dân công nhận các giống mới HT có khả năng sinh trưởng, phát triển rất tốt, chịu thâm canh . Đặc biệt, khả năng kháng bệnh tốt hơn nhiều so với các loại dưa Kim khác. Nhất là bệnh phấn trắng và sương mai hay gây hại mạnh. Cty TNHH Nông nghiệp HT cũng cho biết, các giống dưa mới đều có nhiều ưu điểm nổi trội hơn các giống dưa Kim thông dụng khác. Cây khỏe hơn vì lá chân vịt dày, cứng, mật độ lá thưa nên ít bị nấm phấn trắng và sương mai gây hại. Quả dưa có hàm lượng đường cao, vàng nhẵn hoặc vân lưới. Khi ăn có vị ngọt sắc hoặc ngọt mát và giòn, thơm… Năng suất thực thu từ 8 - 9 tạ/sào. Hiện công ty đã gắn kết các đơn vị thu mua để giải quyết khâu đầu ra cho nông dân.

Thực tế cho thấy, mặt hàng dưa tròn TH này rất có tiềm năng trong thị trường tiêu thụ nội địa vì Việt Nam vẫn phải nhập nhiều dưa vàng từ Trung Quốc. Nông dân cần áp dụng tốt kỹ thuật chăm bón để quả đạt hàm lượng đường cao là cạnh tranh được với dưa Trung Quốc.

Lâm Đồng: Đầu tư 30 tỷ xây dựng vườn ươm giống mắc ca

Tỉnh Lâm Đồng vừa công bố chi tiết quy hoạch phát triển cây mắc ca giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, tổng diện tích cây mắc ca trồng xen tại Lâm Đồng đạt 3.500 - 4.000 héc-ta tại 7 địa phương gồm huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Bảo Lộc... Đối với huyện Đơn Dương, duy trì diện tích cây mắc ca hiện có, xem xét trồng thử nghiệm cây mắc ca trong vườn cà phê trên những diện tích đất dốc để phát huy hiệu quả sử dụng đất. Giai đoạn từ 2021 - 2030, tiếp tục mở rộng diện tích cây mắc ca tại những khu vực có điều kiện để phát triển cây mắc ca một cách bền vững. Đến năm 2030, tổng diện tích trồng mắc ca tại Lâm Đồng đạt 12.000 - 15.000 héc-ta.

Vườn ươm giống mắc ca quy mô 10 héc-ta đã được Công ty CP Him Lam (Tập đoàn Him Lam) xây dựng tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Đây là vườn ươm quy mô lớn và hiện đại bậc nhất, đầy đủ hệ thống nhà lưới, tưới phun tự động với khả năng cung cấp 1 triệu cây giống mắc ca/năm. Hiện nay, cơ bản vườn ươm đã được hoàn thiện và công ty đã xuống giống được 360.000 cây gốc ghép. Tổng đầu tư đến thời điểm hiện tại là 30 tỷ đồng. Để chuẩn bị mắt ghép, công ty cũng đã mua hẳn 1.500 cây mắc ca đầu dòng chất lượng cao của Cty Vinamacca với các giống được kiểm định thực tế: QN1, 246, 816, 849, 344…

Mục đích việc cung cấp giống của Him Lam là phi lợi nhuận. Dự kiến giai đoạn đầu công ty bán giống (ghép) chỉ với giá khoảng 50.000 – 55.000 đồng/cây, rẻ hơn giá thị trường 30.000 đồng/cây. Về sau, khi đã thu hồi một phần vốn, công ty sẽ hạ giá bán, tiến tới cho không giống mắc ca để nhân dân trồng, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, chế biến. Như vậy, với mật độ trồng mắc ca trung bình trên 300 cây/héc-ta, vườn ươm nói trên của Công ty CP Him Lam đủ khả năng cung cấp giống trồng được 3.000 héc-ta mắc ca/năm.

CHUỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Hỗ trợ kinh phí cho chống buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Kinh phí hỗ trợ cũng được sử dụng để chi các khoản chi đặc thù chưa có trong dự toán chi thường xuyên. Cụ thể, chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị tai nạn, bị thương và gia đình cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí... Chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia điều tra, mật phục, truy bắt, kiểm tra, kiểm soát đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian trực tiếp tham gia trên địa bàn xảy ra vụ việc. Mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
Mức chi mua tin của mỗi vụ việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không quá 10% của số tiền xử phạt và tiền bán tài sản tịch thu (nếu có) và tối đa không quá 100 triệu đồng đối với các vụ việc mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tài sản tịch thu có giá trị dưới 5 tỷ đồng. Mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt và tiền bán tài sản tịch thu (nếu có) và tối đa không quá 200 triệu đồng đối với các vụ việc mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tài sản tịch thu có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên.

Phân bón kém chất lượng: Mập mờ nhãn mác

Vấn nạn phân bón kém chất lượng diễn biến rất phức tạp với các chiêu trò ngày càng tinh vi. Trong đó, thông dụng nhất là hình thức thay đổi một vài thông số trên nhãn mác khiến cho người tiêu dùng khó có thể nhận biết nếu không để ý quan sát kỹ.

Hiện nay, phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng đang hoành hành từ miền Bắc đến miền Nam, từ các tỉnh miền núi đến các tỉnh đồng bằng. Đặc biệt, vấn nạn phân bón kém chất lượng diễn biến rất phức tạp với các chiêu trò ngày càng tinh vi. “Phân bón kém chất lượng còn nguy hiểm hơn phân bón giả, bởi vì việc sản xuất kinh doanh phân bón giả nếu bị phát hiện bị xử lý rất nghiêm thậm chí bị truy tố hình sự, trong khi đó phân bón kém chất lượng rất khó xử lý” – ông Văn Khắc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết.

Phân bón kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các sản phẩm phân lân, phân bón NPK các loại. Hiện nay, các chiêu trò sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng thường là mập mờ trong cách ghi nhãn mác để đánh lừa người tiêu dùng. Đơn cử, phân bón NPK-S 12.5.1.0-14 của Công ty CP BVTV Miền Bắc (địa chỉ: 58/3/16 - Trần Bình - Quận Cầu Giấy - Hà Nội). Đây là điển hình tinh vi của phân bón kém chất lượng bởi vì mặt trước của bao bì có chữ NPK-S 12.5.1.0-14 nhưng nhìn kỹ thấy dấu sắc của chữ "Miền Bắc" là dấu phẩy của số 1.0. Như vậy, hàm lượng kaly chỉ là 1% chứ không phải là 10% như NPK-S 12.5.10-14. Hay như phân bón GP 9.6.3 của Nhà máy phân bón Trung lượng GP (địa chỉ: 1017 cụm Công nghiệp Dĩnh Kế - TP. Bắc Giang - tỉnh Bắc Giang): Mặt trước của bao bì ghi chữ GP 9.6.3 khiến người tiêu dùng tưởng đó là phân bón NPK 9.6.3 nhưng thành phần dinh dưỡng ghi ở mặt sau và ghi chữ rất nhỏ là Đạm + Lân + Kali = 3%; SiO2 = 5% giá bán đến người nông dân gần bằng giá bán phân bón NPK-S 5.10.3-8 Lâm Thao (có thành phần dinh dưỡng N + P2O5 + K2O = 18%).

Các cơ sở làm phân bón kém chất lượng còn thiết kế hình thức bao bì gần giống các sản phẩm của các công ty có uy tín trên thị trường khiến cho người nông dân mua sản phẩm nhầm tưởng đó là các sản phẩm của các công ty có uy tín trên thị trường. Sau đó đóng phân bón không đảm bảo chất lượng trong bao bì trên để thu lợi bất chính.
Chính vì thế, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón hữu cơ và vô cơ theo đúng quy định của Nhà nước, người dân cũng cần phải tự nâng cao kiến thức của bản thân và chỉ mua hàng tại những đại lý chính hãng để đảm bảo an toàn.

HÀNG VIỆT

Hàng Việt về vùng khó

Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách ưu đãi đặc biệt với các xã nghèo thuộc diện 135. Trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc đưa hàng Việt về các địa phương này cũng luôn được coi trọng, dù còn vô vàn khó khăn.

Lạng Sơn – Hàng Việt được mong đợi tại vùng biên

Lạng Sơn - vốn được coi là “điểm nóng” hay “cái rốn trũng” từ lâu về hàng ngoại nhập, với hai cửa khẩu chính là cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, nơi đây được ví như thiên đường mua sắm mà tất cả hàng hóa đều đóng mác “Made in China”. Mạng lưới hàng Việt mỏng và yếu, người tiêu dùng quen xài hàng Tàu và doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng bám trụ nơi này vì không có đủ sức cạnh tranh. Thực sự đây là cửa ải khó vượt không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là mảnh đất khó “cải tạo” của chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều năm nay, Lạng Sơn vẫn nỗ lực đưa hàng Việt về các địa phương miền núi khó khăn. Trái ngược với lo ngại ban đầu là người dân sẽ quen sử dụng các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ thay cho hàng Việt, những chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi Lạng Sơn luôn được người dân háo hức đón chờ.

Đơn cử trong chuyến đưa hàng Việt về nông thôn 2 huyện Văn Quan và Bắc Sơn - hai huyện miền núi khó khăn, có nhiều xã thuộc diện 135 của tỉnh Lạng Sơn được tổ chức gần đây, hàng ngàn lượt người không ngớt nô nức đổ về điểm tổ chức phiên chợ để tham quan, mua sắm. Không khí bán mua luôn rộn ràng, náo nhiệt như những ngày hội, mà đây cũng đích thực là “Ngày hội của hàng Việt” tại Lạng Sơn. Với cảnh tượng bà con hồ hởi xách túi lớn, túi bé đầy hàng hóa, có thể khẳng định rằng dù là miền xuôi hay miền núi, người dân khu vực nông thôn vẫn luôn “khát” những chuyến hàng Việt vô cùng. Sự khát khao ấy không chỉ do mong ước được sử dụng hàng Việt mà còn bởi niềm tự hào khi cầm trên tay những món hàng “made in Việt Nam” có chất lượng cao, giá cả phù hợp.

Quảng Trị - Phong phú hàng Việt về nông thôn

Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, các đơn vị tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, xã khó khăn của Quảng Trị luôn cẩn thận tìm hiểu thị trường, chuẩn bị lượng hàng hóa khá dồi dào với phong phú chủng loại như hàng thực phẩm đã qua chế biến, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa… Đặc biệt, các chuyến hàng đều được tổ chức vào những dịp thích hợp như gần lễ, tết hoặc sau khi bà con thu hoạch xong mùa vụ.

Với quy mô từ 25 - 30 gian hàng của khoảng 10 - 12 doanh nghiệp tham gia, mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn Quảng Trị được tổ chức trong 3 ngày thu hút khoảng 3.000 - 4.000 lượt người tham gia mua sắm, đạt doanh thu từ 300 - 400 triệu đồng. Người dân đến đó không chỉ mua sắm mà còn được tham gia các trò vui chơi, giải trí tạo tinh thần thoải mái sau một ngày lao động mệt nhọc. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua sản phẩm còn được nhận quà khuyến mại của doanh nghiệp. Nhờ vậy, thu hút hơn sự quan tâm mua sắm của người dân từ các phiên chợ hàng Việt. Người dân nông thôn cũng ngày càng tin dùng hơn vào hàng Việt Nam chất lượng cao thay thế dần cho nhiều hàng ngoại nhập kém chất lượng.

Theo Sở Công Thương Quảng Trị, dù còn nhiều khó khăn do đường giao thông đi lại vất vả, sức mua không đồng đều nhưng Quảng Trị quyết tâm tổ chức nhiều hơn các chuyến hàng Việt về khu vực này nhằm giúp người dân được sử dụng nhiều hơn các sản phẩm hàng Việt có chất lượng.

Box: Hàng Việt có chất lượng và giá cả phải chăng luôn được người dân háo hức đón nhận. Với các địa phương thuộc các xã đặc biệt khó khăn, nhu cầu này lại càng tăng lên gấp bội. Do đó, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn khu vực khó khăn luôn được các tỉnh thành ưu tiên triển khai.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)