TIÊU ĐIỂM |
Thủ phủ quýt hồng Lai Vung:
Phát triển mô hình du lịch trải nghiệm
Nhằm vực dậy thế mạnh du lịch, thời gian qua, các nhà vườn trồng quýt hồng Lai Vung (đồng tháp) đã chỉnh trang lại các điểm du lịch để đón du khách.
Mở các điểm du lịch sinh thái
Theo UBND huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có 6 – 7 điểm tham quan du lịch sinh thái. Du khách đến đây sẽ được hòa mình với thiên nhiên, đắm say với những vườn quýt, cam bạt ngàn. Đến một số điểm tham quan, du khách sẽ được tự do chụp ảnh, hái trái và cân ký trả tiền theo thời giá. Những năm qua, để bổ túc thêm kiến thức về du lịch, nhiều chủ vườn đã tham gia các lớp tập huấn từ tỉnh, huyện. Đặc biệt, nhiều vườn còn dành riêng một diện tích quýt hồng để du khách lựa mua và tự cầm kéo cắt. Du khách đến Lai Vung còn có những giây phút thư giãn tuyệt vời khi được cùng ăn, cùng ở với người dân qua dịch vụ homestay trong “Ngôi nhà Quýt”. Đặc biệt là thưởng thức những món ăn đậm chất bản địa của Lai Vung theo đúng nghĩa “du lịch thực dưỡng”. Một số nhà vườn không tính tiền vé mà tính vào giá quýt (theo giá bán lẻ của thị trường) cho khách tham quan. Để hỗ trợ các nhà vườn, huyện đẩy mạnh liên kết nhiều mảnh vườn nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách tham quan.
Đổi mới tư duy trồng cây
Bên cạnh nhà vườn làm du lịch, từ lâu, việc trồng quýt hồng trong chậu kiểng phục vụ tết là mô hình đổi mới tư duy trồng cây của nhà nông huyện Lai Vung. Mặc dù quýt trồng trong chậu năm nay khan hiếm nhưng các nhà vườn vẫn cố gắng duy trì giá bán dao động từ 2 - 8 triệu đồng/chậu tùy theo chậu quýt có trái to hay nhỏ, đẹp hay xấu. Một số chậu cây quýt to, trái sai và đẹp có thể lên đến 10 triệu đồng. Để trồng được quýt hồng kiểng phải chuẩn bị trồng cây con hơn 3 năm. Sau đó, nhà vườn chọn cây quýt phát triển chuyển vào chậu. Về kỹ thuật chiết cành, nuôi dưỡng cây quýt trên liếp đất rồi cho vào chậu xử lý ra bông như những năm trước. Để bảo vệ trái quýt không bị rụng, ngoài việc che màng phủ, các nhà vườn đào hố rồi đưa chậu quýt âm xuống đất. Cách này giúp cây giữ ẩm tốt và nguồn dinh dưỡng cho cây cũng nhiều hơn, cây cho trái to, màu sắc đẹp. Trồng quýt hồng kiểng rất vất vả vì kỹ thuật phức tạp so với trồng quýt hồng trong điều kiện bình thường. Điều này đòi hỏi người trồng phải có tay nghề cao, tính nhẫn nại, chuyên cần. Vì vậy, dù quýt kiểng giá cao và luôn hút hàng nhưng số lượng trồng lại rất hạn chế. Vì vậy, sản phẩm sản xuất ra đều được các cơ quan, công ty đặt mua hết.
Để duy trì, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm gắn với phát triển vườn cây ăn trái trên địa bàn, huyện Lai Vung đề nghị, thời gian tới, các ngành hữu quan cấp tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ địa phương và người dân tham gia hoạt động du lịch như: Quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho Lai Vung phát triển du lịch; tổ chức Tuần lễ du lịch đẩy mạnh quảng bá. Đồng thời, tỉnh cần sớm xúc tiến việc xây dựng trạm dừng chân của huyện, tạo điều kiện thuận lợi quảng bá các sản phẩm du lịch Lai Vung... Bên cạnh đó, huyện sẽ có hướng hỗ trợ người dân sớm khôi phục lại các điểm du lịch. Trong đó sẽ điều chỉnh lại các điều kiện giúp người dân dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ và cho vay đối với những hộ tham gia hoạt động phát triển du lịch. Về loại hình quýt hồng lên chậu, huyện sẽ khuyến khích nông dân phát triển và có những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho các hộ trồng để góp phần nâng cao hiệu quả thương hiệu quýt hồng Lai Vung.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Bình Phước: Cam kết tiêu thụ hồ tiêu
Thời gian qua, Công ty Nedspice Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững tại Bình Phước. Công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng thêm nhiều mô hình sản xuất hồ tiêu và cam kết tiêu thụ sản phẩm.
UBND tỉnh Bình Phước đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam về tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hồ tiêu của tỉnh. Theo đó, Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam cam kết thu mua hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước với sản lượng tiêu thụ khoảng 10.000 tấn trong niên vụ năm 2018, chiếm 1/3 tổng sản lượng hồ tiêu của tỉnh này.
Thống kê cho thấy, hiện có 1.500 nhà nông trồng hồ tiêu ở Bình Phước tham gia vào các dự án do Nedspice áp dụng đúng kỹ thuật cho 60 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững với tổng diện tích lên đến 2.100 héc-ta. Nông dân tham gia vào dự án sản xuất hồ tiêu đạt theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ được thưởng thêm 5.000 đồng/kg và thêm nhiều ưu đãi khác.
Sản xuất hồ tiêu bền vững phải đáp ứng bộ tiêu chí khắt khe như: Khi tham gia nhà nông được hướng dẫn kỹ thuật ngay tại vườn; xét nghiệm chất lượng hồ tiêu của từng hộ để đánh giá về hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Quy định sản phẩm đạt loại A thường được thu mua với giá cao hơn thị trường và được thưởng thêm tiền.
Thời gian qua, hồ tiêu gặp biến động lớn do giá cả xuống thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp… Trước tình trạng này, các ngành chuyên môn tỉnh Bình Phước khuyến khích nông dân trồng hồ tiêu tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng cao yêu cầu của đơn vị thu mua tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, để sản xuất hồ tiêu bền vững, nền sản xuất nông nghiệp của Bình Phước phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thay đổi tư duy, nhận thức của người sản xuất; phương thức canh tác; hướng đến canh tác hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Hiện Bình Phước đang trồng hơn 17.700 héc-ta hồ tiêu, vượt xa quy hoạch hơn 7.000 héc-ta. Sản lượng bình quân làm ra hàng năm là hơn 30.000 tấn; trong đó có 10.000 tấn được đặt hàng thu mua xuất khẩu; số còn lại do nông dân tự tìm đầu ra trên thị trường.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hướng đi mới từ cây nha đam
Thời gian qua, cây nha đam được nhiều hộ nông dân xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.
Với ưu điểm: Dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, dễ nhân giống mở rộng diện tích… cây nha đam đặc biệt thích hợp với vùng đất đỏ pha sỏi và vùng khí hậu khô nóng. Hiện nay, sản phẩm bẹ nha đam tươi được các thương lái tại các chợ đầu mối trên địa bàn huyện thu mua với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Các nông dân cho biết, cây nha đam dễ trồng, phù hợp với đất đỏ pha sỏi và vùng khí hậu khô nóng. Nông dân cũng không mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu, trồng một lần có thể thu hoạch lâu dài, thời gian thu hoạch kéo dài 4 - 7 năm. Nha đam hiện có nhiều loại khác nhau nhưng chỉ giống Thái và Mỹ cho bẹ to, năng suất cao và được thị trường ưa chuộng. Thông thường, các hộ dân bắt đầu trồng nha đam vào mùa mưa để cây con dễ phát triển. Ngoài việc trồng bán trực tiếp cho thương lái, nhiều hộ dân cũng chế biến sản phẩm để lấy công làm lời. Theo đó, nha đam sau khi thu hoạch được nấu với đường phèn làm thức uống, được nhiều người ưa dùng vì giúp giải khát và giải nhiệt.
Thời gian qua, mô hình trồng nha đam sạch được UBND huyện Châu Đức hỗ trợ 100% vốn không hoàn lại cho 4 hộ dân trên địa bàn ấp Vĩnh Bình, trung bình mỗi hộ được 12,5 triệu đồng. Sản phẩm nha đam sạch được cung cấp trên địa bàn huyện và các chợ đầu mối trong tỉnh. Dự kiến, năm 2019, xã Bình Giã sẽ nhân rộng mô hình trồng nha đam sạch, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nha đam tại TP. Hồ Chí Minh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là một trong những mô hình mới được Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai. Nếu sản xuất đúng quy trình, giá cả ổn định, người trồng nha đam có thể lãi từ 80 - 100 triệu đồng/sào/năm. Cây nha đam đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Cam Lộ (Quảng Trị):
Chuyển đổi sang trồng cây đinh lăng
Nhằm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng thử nghiệm cây đinh lăng. Mô hình trồng thử nghiệm cây đinh lăng được triển khai với diện tích 2 héc-ta. Những hộ gia đình tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giá giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Trước đó, huyện Cam Lộ cũng vận động và tạo điều kiện cho một doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi 20 héc-ta đất cao su già cỗi sang trồng cây đinh lăng tại xã Cam Nghĩa. Sau một thời gian trồng, đến nay, diện tích cây đinh lăng phát triển tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây đinh lăng vào trồng thử nghiệm ở Cam Lộ là hướng đi mới, góp phần làm phong phú thêm mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn. Từ đó nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho bà con.
Đồng Nai: Giá tiêu, cà phê tiếp tục giảm
Những ngày đầu tháng 2/2019, giá tiêu, cà phê mua vào và bán ra tiếp tục giảm. Cụ thể, giá hạt tiêu đen hiện chỉ còn 46.000 – 48.000 đồng/kg. Đây là mức giá tiêu thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Với mức giá này, nếu nông dân bán ra sẽ chịu thua lỗ nặng vì thấp hơn giá thành. Do đó, nhiều nhà vườn trồng tiêu đã trữ tiêu đợi giá tốt hơn mới bán ra. Theo nhận định của các đại lý, nguyên nhân khiến giá hạt tiêu hơn 2 năm qua liên tục thấp là do cung vượt cầu. Khoảng 80% sản lượng tiêu sản xuất ra của nước ta là xuất khẩu.
Tương tự, giá cà phê thế giới đang duy trì ở mức thấp, kéo theo giá cà phê trong nước giảm xuống còn 33.500 đồng/kg khiến người trồng cà phê phải chịu thua lỗ lớn, bởi giá thành ở mức 37.000 – 38.000 đồng/kg.
Sơn La: Cam bán chạy, nhà vườn thu lãi khá
Xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La được biết đến là vùng đất nổi tiếng với những trái cam bọng nước, thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, dịp tết vừa qua, cam tiêu thụ mạnh nên các nhà vườn rất phấn khởi. Thậm chí, cận tết, các thương lái trong tỉnh Sơn La, Hà Nội, Yên Bái… đánh xe tải vào tận vườn thu mua với giá cao. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình trồng cam có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, cuộc sống đã khấm khá lên nhiều. Hiện tại, giá cam Vinh tại vườn luôn duy trì ở mức 25.000 - 27.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí chăm sóc, nhà vườn thu lãi khá.
Hậu Giang: Giá khóm (dứa) tăng ngay đầu năm
Sau thời gian nghỉ tết, hiện nhiều nông dân tại vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tất bật vào mùa thu hoạch. Điều bà con cảm thấy phấn khởi trong lúc này là giá khóm đang ở mức cao. Cụ thể, thương lái thu mua khóm loại I (từ 1kg/trái trở lên) tại rẫy có giá 7.000 đồng/trái, còn khóm loại II thì trên dưới 4.000 đồng/trái. Với mức giá này, bà con nông dân có lãi gần phân nửa. Bà con mong giá khóm cao sẽ tiếp tục kéo dài để người trồng bớt khó khăn.
Cây khóm là 1 trong 4 cây trồng chủ lực của hậu Giang. Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc, Hậu Giang”. Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đầu tư nguồn giống, vốn để xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình An toàn thực phẩm, trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Cà Mau: Khô khoai được giá
Cá khoai là sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xứ biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau). Không chỉ chế biến tươi, cá khoai nức tiếng gần xa khi được làm khô.
Cứ vào độ tháng 11 âm lịch đến ra tết là lúc không khí lao động tại xứ biển Cái Đôi Vàm tất bật hơn bao giờ hết. Năm nay, bà con xứ biển bội thu khi sản lượng cá khoai tiếp tục trúng mùa và được giá. Sau những chuyến hành trình dài ngày trên biển với sóng gió, hàng trăm tấn cá khoai theo tàu cặp bến. Hiện giá cá khô khoai dao động từ 150.000 – 400.000 đồng/kg. Trong đó, cá khô chỉ (loại nhỏ nhất) có giá 150.000 đồng/kg nên rất dễ tiêu thụ. Vụ khô khoai thường kéo dài nhiều tháng, tạo thêm thu nhập cho nhiều lao động xứ biển.
Cá trúng mùa, để kịp nắng nên từ rất sớm, khi nhiều người còn yên giấc thì những người làm khô khoai đã bắt đầu công việc. Ánh đèn trong đêm, độ sáng cũng vừa đủ để người kéo, người phơi cá…, công việc cứ đều đặn đến khi tờ mờ sáng thì những sào cá được dựng lên đợi nắng. Công việc khá vất vả nhưng ai cũng phấn khởi, hào hứng.
Cá khoai được mùa, các cơ sở làm khô khoai phải thuê thêm nhân công với giá từ 300.000 – 500.000 đồng/ngày tính theo sản phẩm. Hộ nào cũng thuê ít cũng 5 – 7 nhân công, riêng với những hộ quy mô lớn phải thuê thêm từ 20 - 30 nhân công phơi cá.
So với năm trước, cá khoai tiếp tục trúng mùa, thời tiết thuận lợi, giá tăng nên bà con rất phấn khởi. Mùa khô vào dịp cuối năm khởi sắc nên nhiều hộ gia đình đã có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Tiêu hủy nhiều loại hàng hoá kém chất lượng
Trong tháng 1/2019, lực lượng chức năng một số địa phương đã tiến hành tiêu huỷ nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ…
Tại Quảng Bình, Phòng CSKT Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tiêu huỷ nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ… Đây là số hàng được lực lượng CSKT Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ và tịch thu trong đợt ra quân tấn công truy quét tội phạm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Số hàng hoá trên được tiêu huỷ bằng hình thức đốt và chôn lấp. Đó là 2.403 gói, 654 hộp, 1.732 kg bánh kẹo các loại; 175.100 bao bì nhãn hiệu Bobby; 51.840 gói dầu gội đầu và dầu xả các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ; 3.560 khẩu súng nhựa, kiếm nhựa phát quang, súng nhựa bắn nước không có hóa đơn chứng từ. Tại TP. Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị tiến hành tiêu hủy hơn 44.100 đơn vị sản phẩm hàng hóa. Trong số hàng hóa tiêu hủy có hơn 36.000 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng ngoại nhập lậu; còn lại là hàng giả mạo nhãn hiệu, chủ yếu là đồng hồ và túi xách. Tất cả hàng hóa đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy đợt này gần 1,4 tỷ đồng.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã tổ chức tiêu hủy nhiều lô hàng vi phạm hành chính bị phát hiện và thu giữ trong năm 2018 và đầu năm 2019. Số hàng hóa tiêu hủy gồm: 1.922 chiếc súng/kiếm (đồ chơi trẻ em), 226 chiếc đồ chơi trẻ em các loại khác, 9.804 hộp/gói và 204 thùng bánh kẹo các loại, 930 lít rượu, 195 chai phân bón lá, 1 tấn phân bón nhãn hiệu BASAFIC, 480 bóng đèn giả mạo Rạng đông, 95 mũ lưỡi trai, 130 balo, 177 đôi giày thể thao giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas, 43 chai nước mắm hết hạn sử dụng...
Toàn bộ hàng hóa trên là hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng.
HÀNG VIỆT |
Sóc Trăng: Ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP
Tại Khu du lịch tâm linh chùa Chén Kiểu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã tổ chức lễ ra mắt cửa hàng giới thiệu - liên kết - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản, an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh.
Trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm đặc trưng
Hoạt động của cửa hàng là một trong các nội dung của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh đến với du khách.
Trong ngày khai trương, cửa hàng trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm đặc trưng của 22 cơ sở sản xuất trong tỉnh. Các mặt hàng trưng bày trong cửa hàng đa dạng và phong phú như gạo thơm, gạo thực phẩm chức năng ST, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị; hành tím Vĩnh Châu; các sản phẩm chế biến từ trái cam xoàn, mãng cầu gai; các loại tinh dầu chiết xuất từ thảo mộc; các sản phẩm tinh chế từ đông trùng - hạ thảo, tổ yến; các sản phẩm chế biến từ sữa bò; các loại cá khô, khô trâu, mắm cá… Các sản phẩm đều có bao bì, nhãn hiệu bắt mắt và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, cửa hàng tiếp tục bổ sung các đặc sản khác của tỉnh như nhóm trái cây, kẹo, bánh pía, lạp xưởng…
Tập trung vào 5 nhóm sản phẩm
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 33 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó 22 sản phẩm nhóm thực phẩm; 2 sản phẩm đồ uống; 2 sản phẩm thảo dược; 4 sản phẩm giày và may mặc; 3 sản phẩm nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí. Có 31 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 27 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Sóc Trăng xác định, thực hiện Đề án OCOP là giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn liền với chuỗi giá trị gia tăng. Đồng thời, đây là chương trình khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, chương trình đã giúp hình thành các chuỗi liên kết khép kín đối với các sản phẩm chủ lực, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đề nghị các huyện, thị, thành phố chủ động đề xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền về OCOP đến cán bộ, người dân, chỉ đạo tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ dân phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin để đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát đăng ký tham gia Chương trình OCOP… Đầu tháng 1/2019, Hội đồng thẩm định Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng năm 2030 cũng đã thống nhất thông qua đề án. Theo đó, Đề án OCOP thực hiện tại tất cả 109 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng với nguồn vốn thực hiện dự kiến là 667,67 tỷ đồng. Chương trình OCOP Sóc Trăng tập trung vào 5 nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Thông qua chương trình này, việc phát triển các hình thức tổ chức liên kết sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác được đẩy mạnh và nhanh hơn…
(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)