Thông tin giá cả thị trường số 8/2016

08:18 PM 24/06/2016 |   Lượt xem: 3712 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đa dạng thị trường phân bón – hãy cẩn trọng

Bước vào mùa mưa, bà con nông dân Tây Nguyên đang chuẩn bị bón phân cho cây trồng. Năm nay, nhìn chung nguồn cung của phân bón khá dồi dào, giá cả không có gì biến động nhiều so với năm trước. Điều đáng nói đó là hiện chủng loại phân bón năm nay đa dạng, phong phú khiến bà con nông dân khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tốt, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nguồn cung dồi dào, đa dạng

Tây Nguyên là khu vực có diện tích cây công nghiệp lớn, do vậy hàng năm vào mùa mưa bà con nông dân thường chú trọng công tác chăm sóc và bón phân cho các loại cây trồng. Hiện có rất nhiều công ty, tổ chức, cá nhân đưa phân bón vào thị trường Tây Nguyên tiêu thụ với chủng loại đa dạng, phong phú ở 2 dạng: Phân bón hóa học và phân bón vi sinh học.

Theo quan sát, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm loại mẫu phân sản xuất trong nước khác nhau được đưa ra thị trường bày bán, đó là chưa kể các loại phân nhập khẩu nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản đưa vào. Các sản phẩm này được cung ứng đến tận các vùng nông thôn (thông qua các đại lý), phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con nông dân. Trong vai người đi mua phân bón, tìm hiểu qua đại lý, chúng tôi đươc chị Sương, chủ cửa hàng kinh doanh buôn bán phân bón ở huyện Cư Kuin cho biết: “Nhìn chung năm nay thị trường phân bón ở đây ổn định, giá cả không tăng… Hiện tại trong cửa hàng nhà tôi có tới vài trăm loại phân bón với đủ nhãn mác khác nhau, phân sản xuất trong nước hay phân nhập khẩu nước ngoài cũng có”.

Những năm trước vào đầu mùa chăm sóc cây trồng, bà con nông dân ở Tây Nguyên thường mua phân bón về tạm trữ vì sợ giá leo thang, năm nay nguồn cung khá dồi dào, giá cả ổn định nên bà con phần nào yên tâm hơn không cần tạm trữ phân. Cụ thể, giá phân được các đại lý đưa ra là: Loại phân DAP (China) hạt xanh bao tiếng Anh có giá 12.800 đồng/kg; phân DAP (China) hạt nâu tiếng Anh giá 10.600 đồng/kg; UREA (China) hạt trong 8.900 đồng/kg; UREA (China) hạt đục 8.950 đồng/kg; UREA Phú Mỹ hạt trong 8.100 đồng/kg; Kali (Israel) hạt 8.550 đồng/kg; Kali (Russia) bột "màu đỏ" 8.100 đồng/kg; SA (Japan) trắng 4.300 đồng/kg; SA (China) hạt nhuyễn 3.200 đồng/kg…

Nông dân khó lựa chọn

Điều đáng nói đó là hiện bà con nông dân nơi đây đang băn khoăn không biết lựa chọn loại nào để bón cho phù hợp mà hiệu quả thiết thực, trong khi đó nỗi lo về các loại phân giả, phân kém chất lượng vẫn đang ám ảnh trong suy nghĩ của họ. Ông Trần Văn Tỏa ở thôn 8, xã Ea B’hôk, huyện Cư Kuin chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 2 héc-ta cà phê đến thời điểm này tôi đang tiến hành bón phân, chăm sóc, cải tạo vườn cho kịp niên vụ sau. Tuy nhiên, năm nay về chủng loại phân bón trên thị trường đa dạng quá, không biết nên lựa chọn loại nào là hợp lý mà không bị mua phải phân bón giả, phân kém chất lượng”…

Sở dĩ bà con nông dân ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có sự băn khoăn, lo lắng bởi trước đó trên địa bàn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp... Bên cạnh những cơ sở sản xuất phân bón có uy tín trong nước, vẫn còn nhiều cơ sở làm ăn dối trá, chụp giật khiến nhiều hộ nông dân “trắng tay” sau mỗi vụ thu hoạch do bón phân chất lượng kém. Hầu hết các cơ sở này đều tái sử dụng bao bì, nhãn mác của các cơ sở làm ăn chân chính, uy tín rồi đóng ruột dởm để lừa bà con.

Thiết nghĩ, để sản xuất đạt hiểu quả cao ngoài việc nỗ lực kiểm tra kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp cần khuyến cáo bà con nông dân cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn phân bón có ghi nhãn mác, nơi xuất xứ rõ ràng, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì, tốt nhất nên chọn mua loại sản phẩm có uy tín. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng cần tận dụng nguồn phân hữu cơ sinh học thay thế các loại phân hóa học nhằm giảm chi phí đầu vào, góp phần cải tạo đất, tạo đà sinh trưởng cho cây trồng.

MUA GÌ

Sóc Trăng:  Lúa đặc sản được ưa chuộng

Từ đầu năm 2016 đến nay Sóc Trăng xuống giống được hơn 235.000 héc-ta, trong đó lúa đặc sản hơn 78.300 héc-ta, chiếm hơn 36% diện tích; đã thu hoạch được hơn 202.000 héc-ta, sản lượng đạt trên 1,2 triệu tấn. Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Sóc Trăng, hiện nay tại Sóc Trăng giá lúa thường bắt đầu giảm dần từ 5.000 đồng/kg xuống khoảng 4.500 đồng/kg, do ảnh hưởng lúa hè thu ở các tỉnh ven sông Hậu, sông Tiền, đang thu hoạch rộ. Tuy nhiên, lúa thơm vẫn dao động mức 5.000 - 5.400 đồng/kg. Riêng lúa đặc sản ST và Thơm RVT vẫn giữ mức giá cao từ 6.100 đồng/kg đến 6.800 đồng/kg. Đây là những giống lúa có phẩm chất gạo ngon cơm được thị trường nội địa ưa chuộng, tiêu thụ ổn định.

+ Bà con nuôi tôm thẻ chân trắng thu lãi cao

Đến đầu tháng 6/2016, nông dân thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã thả nuôi tôm các loại được 3.21 héc-ta, bằng 13,38% kế hoạch năm, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ là 2.298 héc-ta, tôm sú là 913 héc-ta. Hiện nông dân đã thu hoạch được hơn 335 héc-ta tôm thẻ chân trắng với năng suất bình quân 4,27 tấn/héc-ta, sản lượng thu hoạch 1.430 tấn. Thương lái thu mua tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg khoảng 102.000 đồng, cỡ 70 con/kg là 120.000 đồng và loại 60 con là 136.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất gồm tiền giống, thức ăn, thuốc, nhân công... thì người nuôi lãi trên 300 triệu đồng/héc-ta sau hơn 2,5 tháng chăm sóc. Đây là mức lãi khá cao đối với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong vài năm gần đây.

Trà Vinh: Nghêu được mùa, mất giá

Hiện nay, người nuôi nghêu tại các bãi bồi ven biển Trà Vinh đang bước vào thời điểm thu hoạch. Nghêu trúng mùa nhưng không được giá, người nuôi bị thất thu khá lớn.

Giá nghêu năm nay giảm 6.000 đồng/kg so với vụ nghêu năm ngoái nhưng thương lái thu mua vẫn rất hạn chế. Hiện nghêu thương phẩm tại sân nghêu được bán với giá 17.000 đồng/kg (loại 60 con), thấp hơn 6.000 đồng/kg so với vụ nghêu năm ngoái. Mặc dù giá nghêu giảm nhưng thương lái thu mua rất hạn chế.

Niên vụ này tỉnh Trà Vinh có 7 hợp tác xã và tổ hợp tác đầu tư nuôi nghêu, với tổng diện tích thả giống hơn 900 héc-ta; sản lượng nghêu thương phẩm ước đạt 3.500 tấn, tăng gần 200 tấn. Với mức giá hiện nay, người nuôi nghêu Trà Vinh vẫn thất thu so năm ngoái hơn 16 tỷ đồng. Ông Trần Văn Đã, Giám đốc HTX nuôi nghêu Thành Đạt, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải cho biết, giá nghêu năm nay sụt giảm bất thường, nếu nghêu thương phẩm không đạt chất lượng người nuôi có thể bị lỗ.

Đồng Tháp: Dưa hấu tăng giá

Hiện nay, giá dưa hấu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mức bình quân từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với vài tháng trước. Năng suất dưa hấu cũng ở mức cao, dao động từ 20 - 30 tấn/héc-ta. Vì vậy, nông dân trồng dưa hấu nhiều địa phương ở Đồng Tháp đã bắt đầu xới đất, rải vôi, vô phân, lên liếp tích cực xuống giống dưa hấu vụ hè thu năm 2016. Tại tỉnh Ngoài ra, nhiều nông dân còn trồng dưa hấu lấy nụ bằng cách trồng trên giàn, thu hoạch trái non bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Giá bán hiện nay dao động từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc nông dân thu lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/héc-ta tùy theo thời điểm bán nụ dưa và năng suất.

BÁN GÌ

Long Thành, Đồng Nai: Sầu riêng sạch vào siêu thị

Sau thời gian triển khai dự án trồng cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện những trái sầu riêng của nông dân huyện Long Thành đã được siêu thị Co.op Mart Biên Hòa (Đồng Nai) tiếp nhận đưa vào các kệ hàng.

Siêu thị Co.op Mart cũng đã về làm việc với nông dân ở Long Thành để đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị. Với diện tích 15 héc-ta sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP, nông dân địa phương có thể cung cấp khoảng 130 tấn sầu riêng an toàn/vụ cho Co.op Mart. Trước đó, đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã thực hiện mô hình trồng cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trong thời gian 24 tháng. Mô hình được thực hiện tại 2 xã Bình Sơn và Bình An (huyện Long Thành). Theo đó, bà con tham gia mô hình được cán bộ Trung tâm Cây ăn quả miền Đông hướng dẫn tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Việc lấy mẫu đất trồng, nước tưới cho vườn sầu riêng được thực hiện tại Trung tâm Đo lường chất lượng Tiêu chuẩn 3; nông dân được hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên việc ghi chép nhật ký sản xuất, quy trình canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn, biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, nhận định tình hình sâu bệnh gây hại và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp theo phương pháp IPM, quy trình thu hoạch và sơ chế sầu riêng đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm... Các hộ tham gia dự án chủ yếu trồng 2 giống sầu riêng phổ biến là Ri6 và Monthon. Theo đánh giá, năng suất của sầu riêng trong mô hình tăng 16,35% so với cách trồng truyền thống, lợi nhuận trung bình đạt 395 triệu đồng/héc-ta/năm. Ông Trần Anh Tùng – một nông dân trồng sầu riêng VietGAP tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho biết, bắt đầu từ tháng 6/2016, ông tổ chức quầy giới thiệu và bán sản phẩm sầu riêng VietGAP tại siêu thị Co.op Mart Biên Hòa. Việc được vào siêu thị đã chứng minh chất lượng sầu riêng của bà con đạt chuẩn và đảm bảo giá bán sẽ tốt hơn so với hàng chợ.

Xuất khẩu gạo: Không bỏ qua thị trường nhỏ

Trước đòi hỏi gắt gao từ những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu (EU) và Nhật Bản về xuất xứ hàng hóa cũng như sự khác biệt về thương hiệu, thì thị trường nhỏ hay gọi là thị trường “ngách” đang là điểm đến an toàn cho hạt gạo Việt Nam.

Tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện những công ty, đơn vị nhỏ lẻ xây dựng thương hiệu bằng cách chọn thị trường ngách, chuyển từ gạo trung bình giá thấp sang gạo hữu cơ giá cao và bước đầu đã thu được những thành công nhất định. Nông trại gạo hữu cơ Hoa Sữa là đơn vị đi tiên phong trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Sự khác biệt và độc đáo được cụ thể bằng việc nghiên cứu và sản xuất ra các loại gạo không gây béo phì và tiểu đường, giúp người tiêu dùng tăng hàm lượng chất sắt. Cùng với sự khác biệt và chất lượng bảo đảm, khi xây dựng thương hiệu, vấn đề mẫu mã và bao bì sản phẩm cũng rất quan trọng, làm sao để người tiêu dùng dễ nhớ và nhận biết về sản phẩm của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ, thị trường xuất khẩu chính rất quan trọng, nhưng những thị trường nhỏ, thị trường ngách cũng quan trọng không kém. Đây là hướng đi quan trọng để doanh nghiệp xuất khẩu không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào. Cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới đang mở ra với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để đón được cơ hội này, doanh nghiệp cần lưu ý đến các vấn đề về văn hóa, phương thức kinh doanh, cách thức tiếp cận, nhu cầu sản phẩm của từng thị trường.

Vì vậy, trong phương án đẩy mạnh xuất khẩu gạo năm nay, Bộ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi đầu tư xây dựng kho chứa, lò sấy tại vùng nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng trước đầu vào cho nông dân và thu mua lúa từ vùng nguyên liệu. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để mở đường xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Chọn các loại túi bao trái cây phù hợp

Thời gian qua, nhiều nhà vườn ở các tỉnh miền Tây đã sử dụng phương pháp bao trái nhằm nâng cao chất lượng cũng như hình thức của sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số tin đồn về việc bao trái cây gây hại cho sức khỏe khiến trái cây giảm giá mạnh, nhà vườn điêu đứng.

Đảm bảo an toàn

Hiện nay, bên cạnh việc áp dụng biện pháp hóa học, sinh học, các nhà khoa học và chuyên gia bảo vệ thực vật còn khuyến khích nhà vườn áp dụng biện pháp bao trái trên cây ăn quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu, bệnh gây ra. Biện pháp bao trái vừa bảo vệ trái cây hiệu quả, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và rất an toàn cho con người và môi trường. Chính vì vậy, nhà vườn ở các tỉnh miền Tây đã sử dụng túi xốp bao cho trái ổi, túi bao chuyên dụng cho xoài, túi lưới bao nhãn. Ở vùng trồng xoài ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, bà con nông dân đã áp dụng bao trái cho xoài để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tất cả lô hàng xuất khẩu đều được giới chuyên môn kiểm dịch thực vật chặt chẽ và chưa có lô hàng nào không đạt. Tại, tỉnh Đồng Tháp, nông dân huyện Châu Thành đã bao trái cho trái ổi và đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế được sâu bệnh. Ở huyện Cao Lãnh có trên 80% diện tích xoài được nhà vườn ứng dụng kỹ thuật bao trái. Một số cây ăn quả khác, nông dân cũng bắt đầu sử dụng bao trái phổ biến hơn như: mận, ổi, bưởi… Một nông dân trồng ổi ở huyện Cao Lãnh cho biết: Trước đây, ông sử dụng bao nylon để bao ổi, tuy chi phí thấp, dễ làm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì sử dụng bao nylon, ổi thường bị nám trái do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và dễ bị ruồi đục trái tấn công, làm cho tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch cao. Sau đó, ông chuyển sang sử dụng bao trái ổi bằng bao xốp bên trong và bao nylon bên ngoài thì nhận thấy kích cỡ và màu sắc của trái khá đồng đều, năng suất tăng trên 10%.

Hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên an tâm sử dụng vì việc dùng túi bao trái sẽ hạn chế trái cây bị nám do nắng, ngăn ngừa côn trùng tấn công và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, giúp cho trái cây an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong đợi, các nhà vườn phải lưu ý tùy từng loại cây trồng mà chọn lựa các loại túi bao phù hợp. Hiện trên thị trường có nhiều loại túi bao được sản xuất từ nhiều loại chất liệu khác nhau như: Túi xốp sử dụng cho bao trái ổi, túi bao chuyên dùng sử dụng trên cây xoài, túi lưới dùng để bao nhãn, túi nylon… Các sản phẩm túi này được nhập khẩu và sản xuất trong nước. Tùy vào túi tiền và đặc tính sinh trưởng của loại cây trồng mà nông dân có thể chọn loại bao thích hợp, tránh tình trạng loại túi chuyên dụng cho loại cây ăn quả này nông dân lại sử dụng cho loại cây ăn quả khác. Ví dụ, đối với loại bao màu vàng, phía trong màu đen thì thích hợp cho xoài cát chu, cát hòa lộc, thanh ca… Đối với túi bao màu đục hoặc túi bao màu trong thì thích hợp cho xoài Úc, xoài Đài Loan… Ngoài tác dụng giảm thiệt hại do sâu bệnh, một số túi bao còn giúp tăng khả năng quang hợp, chuyển đổi sắc tố của trái cây, từ đó giúp tăng trọng lượng, làm cho trái có màu sắc đẹp. Tuy nhiên, khi sử dụng túi bao trái, ngoài việc chọn lựa túi bao trái chuyên dụng, phù hợp giống cây trồng đang canh tác, nhà vườn cần tham khảo ý kiến các nhà khoa học về kỹ thuật bao trái cũng như giai đoạn thích hợp để sử dụng… nhằm đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Box: Thực tế cho thấy, áp dụng phương pháp bao trái đã mang lại hiệu quả đáng kể và được nhân rộng ở nhiều nơi. Chính vì vậy, ngay khi có tin đồn túi bao trái cây gây hại cho sức khỏe, giá các loại trái cây đã giảm mạnh khiến nhiều nhà vườn đối diện cảnh thua lỗ. Trước tình hình này, lãnh đạo một số xã đã khẳng định, đây chỉ là tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con nông dân. Rất có thể tin đồn này xuất phát từ các thương lái để ép giá trái cây nhà vườn.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đồng Tháp: Kiệu tiếp tục được mùa, được giá

Vụ mùa năm nay, nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi khi kiệu bán được giá. Đây cũng là loại nông sản được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ...

Những năm qua, nông dân huyện Tam Nông đã đầu tư phát triển nghề trồng kiệu nhằm giải quyết việc làm và mang lại nguồn lợi kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn này. Vụ kiệu năm nay, nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua với giá dao động 10.000 đồng/kg củ kiệu tươi và khoảng 30.000 đồng/kg củ kiệu khô để tiêu thụ tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng… Với giá bán này, người trồng kiệu thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/công sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc. Vì vậy, nhiều hộ nông dân đang mở rộng diện tích trồng kiệu để tăng thêm thu nhập.

Mặc dù được coi là một trong những cây trồng giúp bà con nông dân vượt khó, làm giàu nhưng đầu ra của củ kiệu chưa ổn định, giá cả cũng bấp bênh. Có năm, nông dân mở rộng diện tích canh tác kiệu nhiều thì bị thất mùa, rớt giá; có năm nông dân thu hẹp diện tích trồng kiệu thì lại gặp trúng mùa, trúng giá hoặc thất mùa, trúng giá. Để phát triển bền vững nghề trồng kiệu, chính quyền địa phương đã kiến nghị thành lập hợp tác xã nhằm tạo mối liên kết vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra ổn định cho bà con. Đồng thời, hỗ trợ giúp đỡ cho bà con về kỹ thuật trong khâu sản xuất rau màu. Giúp bà con nắm vững và áp dụng đúng quy trình từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Bạc Liêu: Muối không bán được, diêm dân lưỵ nặng

Vụ muối năm nay, dù trúng mùa do hạn mặn kéo dài nhưng giá muối luôn ở mức thấp, khó tiêu thụ. Hiện giá muối chỉ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/giạ (tương đương 250 - 350 đồng/kg) khiến diêm dân lỗ nặng.

Tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, diêm dân đang đổ hàng trăm tấn muối giữa đồng do doanh nghiệp muối từ chối mua tại ruộng. Vì vậy, bà con phải thuê nhân công chở từ đồng muối ra bến sông để vận chuyển đến doanh nghiệp. Giá muối đã thấp lại phải tốn thêm một khoản chi phí vận chuyển nữa nên diêm dân lỗ nặng. Không chỉ diêm dân lỗ vốn, ngay cả hợp tác xã cũng không bán được hàng do thương lái không thu mua. HTX Trường Sơn ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh cũng có hơn 100 héc-ta muối với sản lượng khoảng 8.000 tấn muối trắng và muối đen. Đến thời điểm này, diêm dân vẫn chưa bán được hàng. Lãnh đạo HTX phải chạy khắp nơi để tìm chỗ tiêu thụ nhưng cũng đành “bó tay”. Trước đó, mỗi xã viên HTX đã đầu tư từ 50 - 70 triệu đồng trải bạt để sản xuất muối trắng. Sau khi thu hoạch, HTX chở muối đến tận Công ty Muối Bạc Liêu bán nhưng công ty không mua với lý do muối không đạt chất lượng.

Tại huyện Đông Hải, diêm dân trong huyện cũng đã thu hoạch được hơn 100.000 tấn muối nhưng chỉ bán được khoảng 15%. Thêm vào đó là lượng muối tồn từ vụ trước khoảng trên 10.000 tấn.

Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nông dân làm bao che để tạm trữ muối trong lúc chờ giá tăng. Ngoài ra, Sở cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT có chính sách mua tạm trữ muối của diêm dân như chính sách mua tạm trữ lúa đã thực hiện thời gian qua ở đồng bằng sông Cửu Long.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lào Cai: Tăng diện tích mận địa phương

Hiện đang là thời điểm thu hoạch mận tam hoa chính vụ năm 2016 ở cao nguyên trắng Bắc Hà. Nhờ thời tiết ổn định, thuận lợi nên cây mận sinh trưởng và phát triển tốt.

Năm nay, thời tiết nóng khô, nắng kéo dài, sau đó có mưa nhỏ, không có giông bão lớn xảy ra. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi để cây mận tam hoa sinh trưởng và phát triển tốt, quả mận chín đều quả, mẫu mã đẹp, năng suất cao, sản lượng tăng. Vào thời điểm cuối tháng 5, Bắc Hà bắt đầu bước vào mùa thu hoạch chính vụ mận tam hoa. Mận tam hoa chín sớm được giá cao, thời điểm từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 vào chính vụ thu hoạch, giá mận duy trì ổn định so với vụ trước. Vì vậy, ngoài việc triển khai trồng theo diện tích đã đăng ký, nhiều xã đã tăng diện tích mận để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đối với huyện Si Ma Cai, năm nay nông dân trong huyện đã đăng ký trồng mới 25 héc-ta mận. Trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã: Mản Thẩn, Cán Hồ, Lử Thẩn, Lùng Sui… Tham gia trồng mận, người dân sẽ được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Si Ma Cai cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, huyện sẽ mở rộng diện tích trồng mận thêm 155 héc-ta, nâng tổng số diện tích mận địa phương toàn huyện lên 200 héc-ta.

Quảng Khê - Bắc Kạn: Tập trung thu hoạch dưa hấu, dưa lê

Những ngày này, bà con xã Quảng Khê (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đang bận rộn vào vụ thu hoạch dưa hấu, dưa lê vụ xuân để giải phóng đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa sắp tới.

Tại xã Quảng Khê, thời gian qua một số lại cây trồng đã được chuyển đổi từ ruộng khô hạn sang trồng màu đạt kinh tế khá cao như cây dưa lê, dưa hấu. Trong vụ dưa năm nay, toàn xã Quảng Khê trồng được khoảng 35 héc-ta, năng suất ước đạt 20 tấn/héc-ta. Cây dưa được trồng tập trung ở các thôn vùng cao như Nà Vài, Nà Hai và một số thôn vùng thấp. Việc đưa cây dưa vào trồng trên đất ruộng một vụ đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho bà con, đặc biệt vào thời kỳ giáp hạt tháng 5, đầu tháng 6. Trước đây, vào thời gian này là thời điểm này bà con ở các thôn vùng cao thường hay thiếu đói nên khi đưa cây dưa vào trồng đã giúp bà con có thêm thu nhập, cứu đói kịp thời.

Tại thôn vùng cao như Nà Vài, nếu so sánh với cấy lúa nước thì trồng dưa sẽ có thu nhập cao gấp nhiều lần. Hiện nay, khoảng 70% hộ trong thôn Nà Vài trồng dưa vụ xuân nên số hộ nghèo trong thôn ngày một giảm. Thậm chí, nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế ổn định, mua được ti vi, xe máy… Đến thời điểm hiện tại dưa lê đã thu hoạch xong, còn dưa hấu bắt đầu cho thu hoạch. Những thửa ruộng nào chăm sóc tốt, dưa lê quả to nhất đạt khoảng 6 lạng, dưa hấu 4 - 5kg. Vì vậy, bà con nông dân rất phấn khởi.

Mặc dù diện tích, sản lượng dưa tăng qua các năm và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân, nhất là bà con thôn vùng cao. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu thụ còn bấp bênh, chưa bền vững. Do vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương đang nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm tại các thôn Nà Vài, Nà Hai để người dân yên tâm phát triển loại cây này, mang lại nguồn thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã.

CHỐNG BUỘN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Cam xuất xứ Trung Quốc mạo danh cam Cao Phong

Với chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định – cam Cao Phong (Hòa Bình) được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đây cũng chính là lý do mặc dù mùa cam Cao Phong đã kết thúc gần 2 tháng, nhưng nhiều nơi vẫn bày bán cam với mác “cam Cao Phong”.

Tiếng lành đồn xa

Do hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lại được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cam Cao Phong không chỉ mọng nước, ngọt thanh, có vị thơm, hình thái đẹp mà còn an toàn. Đặc biệt, từ khi 4 giống cam gồm: CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong được người tiêu dùng khắp cả nước biết đến, giá bán cam cũng cao hơn trước.

Để nâng cao chất lượng, nhiều hộ ở thị trấn Cao Phong còn sáng tạo những cách chăm sóc cam hoàn toàn tự nhiên, như sử dụng phân hữu cơ thay cho phân bón vô cơ; ngâm ủ đậu nành, ủ cá con cho mục để tưới vào gốc cây. Tập trung đầu tư giống, hệ thống nước tưới sạch và áp dụng kỹ thuật canh tác theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây chính là lý do để cam Cao Phong Xã Đoài lùn (mua buôn tại vườn) dao động từ 20.000 – 22.000 đồng/kg, Xã Đoài cao, cam lòng vàng khoảng 28.000 đồng/kg, thậm chí vào đầu vụ hay cuối vụ, khách muốn mua số lượng nhiều, chất lượng cao phải đặt trước 1 - 2 tuần. Nhiều hộ trồng cam có tiếng, đến vụ thu hoạch không phải lo tìm mối bán vì người mua buôn tự tìm đến vườn làm hợp đồng…

Cam Trung Quốc đội lốt cam Cao Phong

Chính vì cam Cao Phong được người tiêu dùng tin tưởng chọn mua nên các biển đề “cam Cao Phong” xuất hiện trên rất nhiều con phố ở Hà Nội. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là ngay khi người dân ở Cao Phong không mua được cam Cao Phong để ăn thì tại thị trường Hà Nội, loại cam quả to, vỏ vàng, hơi rám nắng được quảng cáo là cam Cao Phong vẫn bán tràn lan. Trong đó, hình thức phổ biến là các xe đạp với 2 sọt thồ to chất đầy cam, đi bán dọc theo các đường phố, giá bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg – rẻ hơn giá cam Cao Phong chính vụ.

Theo ông Đinh Trọng Toàn ở thị trấn Cao Phong: Trước đây, Cao Phong trồng chủ yếu giống cam Xã Đoài, chiếm khoảng 90%, vụ thu hoạch kéo dài chỉ khoảng 2 tháng. Giờ đây, người dân trồng rải vụ, từ cam chín sớm CS thu hoạch vào tháng 9 - 10, cam Canh thu hoạch tháng 11 – 12, cam không hạt V2 chín muộn thu hoạch từ cuối tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Như vậy, mùa vụ thu hoạch cam Cao Phong kéo dài khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Vậy nên, nếu tháng 5, tháng 6 mà vẫn còn cam Cao Phong thì chỉ có thể là cam Cao Phong rởm.

Qua tìm hiểu được biết, cam bán tầm tháng 5, tháng 6 - trông gần giống cam Cao Phong - thực chất là cam Trung Quốc được nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) – trung bình mỗi ngày khoảng 20 tấn. Để phân biệt có thể quan sát như sau: Cam Trung Quốc bổ ra có thể thấy tép cam bên trong múi hơi nhạt màu, không vàng đậm như cam Cao Phong, cuống cam vẫn có lá tươi rói. Còn cam Cao Phong không có cuống, bổ ra thấy lòng cam vàng, tép cam giòn. Cam Trung Quốc hiện nhập về Việt Nam có cả loại có hạt và không hạt; chứ không hẳn có hạt là cam Cao Phong, không có hạt là cam Trung Quốc như nhiều người vẫn nghĩ.

Thêm đặc điểm dễ nhận biết nhất của cam Cao Phong đó là, khi hái xuống, chỉ vài tiếng sau lá héo ngay chứ không giữ tươi được lâu. Vào cuối mùa, núm cuống cam Cao Phong có màu hơi xanh xanh, vàng vàng, đầu cuống hơi khô.

HÀNG VIỆT

Đưa đặc sản miền núi Lào Cai vươn xa

Thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương về xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam cố định”, Sở Công Thương tỉnh Lào Cao đã quyết định xây dựng một điểm bán tại Trạm dừng nghỉ số 5 trên trục đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Nhiều giải pháp khác cũng được đề ra để gìn giữ và phát triển các sản phẩm đặc sản miền núi Lào Cai.

Điểm bán cố định cho đặc sản Lào Cai

Đặc sản Lào Cai vô cùng đa dạng, thơm ngon, dễ khiến du khách “say” ngay từ lần đầu thưởng thức như gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, mận hậu Bắc Hà, rượu mầm thóc San Lùng, rượu thóc Nậm Pung, mật ong, tinh bột nghệ, hạt dẻ rừng, măng đắng, nấm hương, thịt trâu gác bếp… Để phục vụ du khách, nhiều chợ đặc sản đã được hình thành, là cầu nối để khách du lịch có thể mua đuợc những món ngon đúng gốc.

Tuy nhiên, nếu như trước đây, chợ nông sản thường được đặt sâu trong các chợ xã, thôn, bản, các khu du lịch, còn khó khăn cho du khách trong việc mua sắm, vận chuyển hàng hóa thì việc Sở Công Thương Lào Cai khai trương điểm bán hàng đặt tại Trạm dừng nghỉ số 5, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho thấy quyết tâm giúp đặc sản của tỉnh được giới thiệu rộng rãi ra thị trường, đặc biệt là phục vụ tối đa cho khách du lịch. Không đi theo xu hướng chung của các địa phương khác là kinh doanh hàng tiêu dùng, 100% hàng hóa tại điểm bán hàng này là hàng đặc sản Lào Cai, vừa nhằm phục vụ khách du lịch, vừa đưa các sản phẩm đặc sản miền núi Lào Cai vươn xa.

Hiện tại, "siêu thị đặc sản" ở Trạm dừng nghỉ số 5 có hàng trăm hộ dân và doanh nghiệp địa phương ký gửi gần 60 mặt hàng đặc sản địa phương nổi tiếng, sẵn sàng phục vụ khách du lịch 24/24 giờ trong ngày. Đặc biệt, không chỉ phục vụ du khách mua hàng trực tiếp, Trạm dừng nghỉ này còn có dịch vụ chuyển hàng đến tận địa chỉ của người tiêu dùng.

Giữ gìn đặc sản là giữ gìn văn hóa

Xác định “giữ gìn đặc sản là giữ gìn văn hóa”, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã cố gắng duy trì những làng nghề sản xuất đặc sản, giúp các thương hiệu truyền thống tiếp cận với thị trường, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, hạn chế của việc phát triển thương hiệu đặc sản Lào Cai là ý thức người dân chưa cao. Chẳng hạn như để tập trung nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu gạo Séng Cù, chính quyền đã tổ chức tạo điều kiện về vốn, giống cho người dân sản xuất, với mục đích khi thu hoạch, người trồng lúa tập trung về một kênh tiêu thụ thống nhất là Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp Mường Khương. Tuy nhiên, sau mỗi vụ, bà con lại tiêu thụ trôi nổi, tản mát ngoài thị trường, làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm. Nhiều loại lá tắm, do người dân khai thác quá nhiều, trong khi các biện pháp chăm sóc, tái tạo chưa được định hình, khiến nguy cơ cạn kiệt các loại cây thuốc đang hiện hữu…

Trước thực trạng trên, các cơ quan hữu quan tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tập trung hướng dẫn thủ tục xây dựng thương hiệu cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và biết trân trọng giá trị mà thương hiệu đem lại cho phát triển kinh tế của địa phương. Đơn cử, đối với vùng nguyên liệu ớt phục vụ sản xuất tương ớt truyền thống ở Mường Khương, cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về kỹ thuật trồng ớt cho bà con cùng với những chế độ ưu đãi như hỗ trợ phân bón, kỹ thuật. Đối với các loại lá tắm, cây thuốc, cơ quan chức năng cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân khai thác cây lớn, cây già, khoanh vùng cây non để phát triển và nhân giống trên địa bàn.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)