Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 11/9/2015

05:37 PM 10/09/2015 |   Lượt xem: 2380 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Ngô biến đổi gen: Năng suất cao, giá giống cũng cao

Vụ đầu tiên ứng dụng thử nghiệm công nghệ sinh học giúp ngô có khả năng kháng sâu và thuốc trừ cỏ cho thấy, công nghệ mới này đang được nhiều phản hồi tích cực và sự chú ý của nông dân cả nước. Tuy vậy, giá giống cao, nguy cơ phụ thuộc... vẫn đang là nỗi lo của bà con nông dân.

Nhiều đặc tính vượt trội

Khảo sát tại tỉnh Sơn La – vùng trồng ngô lớn nhất miền Bắc cho thấy, bà con nông dân đánh giá cao của ngô biến đổi gen (BĐG) bởi đặc tính vượt trội như: Cải thiện nâng cao năng suất cây trồng nhờ vào khả năng kháng sâu, bệnh hại, bảo vệ môi trường nhờ giảm thuốc trừ sâu… Anh Vàng A Thào, dân tộc Mông, ở bản Tà Phình, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trồng gần 1 héc-ta (ha) ngô BĐG chia sẻ: “Gia đình tôi trồng ngô truyền thống mỗi năm đạt khoảng 5 - 6 tấn/ha. Nhưng khi trồng cây ngô BĐG, năng suất có thể đạt từ 16 - 18 tấn/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với ngô truyền thống”. Theo các cán bộ khuyến nông xã Sơn Hùng (Thanh Sơn, Phú Thọ) từ tháng 3/2015, 7 hộ nông dân tại xã Sơn Hùng đã phối hợp với doanh nghiệp trồng khảo nghiệm giống ngô BĐG. Với giống ngô mới, người nông dân sẽ tiết kiệm tiền công vun gốc, làm cỏ, thuốc trừ sâu được khoảng 2 triệu đồng/ha. Bắt đầu khảo nghiệm từ vụ đông xuân 2014 - 2015, đến vụ hè thu này, Đồng Tháp chính thức đưa ngô BĐG giống NK66 GT của Công ty Syngenta Việt Nam vào sản xuất tại một số vùng trong tỉnh. Toàn tỉnh Đồng Tháp trong vụ hè thu có gần 3.000 ha trồng ngô, diện tích bắp cả năm là trên 5.000ha. Giống ngô BĐG góp phần giảm chi phí giá thành cho nông dân. Cụ thể, có thể giảm 4 - 5 lần thuốc trừ sâu và 1 lần thuốc trừ cỏ. Số tiền giảm được khoảng trên 1,5 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu sản xuất ngô lai thông thường thì chi phí thuốc trừ sâu đã chiếm khoảng 2 triệu đồng/ha, tùy mức độ gây hại từng mùa vụ. Ngoài ra, trồng ngô BĐG giúp giảm hoàn toàn thuốc trừ sâu, chỉ phun 1 lần thuốc trừ cỏ. Vụ hè thu năm nay ngô BĐG giống NK66 GT/bt cho khoảng 14 tấn hạt tươi/ha, tăng hơn 4 tấn/ha so với mức 10 tấn hạt tươi/ha của ngô lai thông thường.

Khó đảm bảo lợi nhuận cho nông dân

Cùng với đưa giống mới vào sản xuất, các mô hình liên kết trong sản xuất ngô cũng đang dần hình thành, mang lại triển vọng mới cho sản xuất ngô. Tại các điểm canh tác ngô chuyển gen vụ đầu tiên đều có sự tham gia sâu sát của chính quyền địa phương, khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân. Liên kết chuỗi giúp ổn định từ đầu vào đến đầu ra cũng là một điểm sáng trong sản xuất ngô gắn liền với chuyển đổi tại các tỉnh phía Bắc. Tiêu biểu như mô hình thí điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ ngô đang được triển khai tại tỉnh Lào Cai. Đây là vụ ngô đầu tiên có sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cung ứng giống, doanh nghiệp thu mua. Thừa nhận ngô BĐG có nhiều đặc tính vượt trội, song giá giống bắp BĐG hiện quá cao. Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô BĐG trên toàn tỉnh. Hiện bà con vẫn được hỗ trợ về giống và thuốc trừ sâu, nhưng khi không còn hỗ trợ thì người dân phải tự mua. Giống ngô BĐG đang có giá khoảng 210.000 đồng/kg. Như vậy với giá này, ngô giống biến đổi gen cao gấp 3 lần giống ngô giống do các Viện ngô của Việt Nam làm ra. Nếu giảm được chi phí thuốc trừ cỏ, thuốc sâu… mà giá giống liên tục tăng hoặc ở mức cao thì khó đảm bảo được lợi nhuận của nông dân. Không chỉ vậy, hiện nông dân thường sử dụng số lượng ngô giống cao hơn so với khuyến cáo nên chi phí thường cũng tăng hơn. Cụ thể như ở Đồng Tháp, doanh nghiệp, cơ quan chức năng khuyến cáo sử dụng từ 17 - 20kg ngô giống/ha, tuy nhiên trên thực tế, nông dân gieo trồng với lượng cao hơn để giảm thiểu rủi ro do cây chết hoặc không phát triển… Lượng giống tăng thêm từ 3 - 3,5 kg/ha nên chi phí giống cũng tăng cao. Trong khi đó, giá ngô tươi hiện chỉ trên 4.000 đồng/kg, càng khó đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Để thúc đẩy ứng dụng và phát triển ngô BĐG trên diện rộng, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong thông tin tuyên truyền, đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất ngô. Hiện nay Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ đề nghị hỗ trợ giống cho tất cả các vùng trên cả nước chuyển đổi, trong đó riêng cây ngô có cơ chế ưu đãi hơn các loại cây trồng khác.

BÁN GÌ

Tây Bắc: Táo mèo được giá

Sơn Tra hay còn gọi là Táo mèo được gieo trồng trên diện tích lớn tại các tỉnh miền núi hiện đang vào mùa thu hoạch nên nguồn cung mặt hàng nông sản này rất dồi dào với giá bán ổn định. Các thương lái thu mua số lượng lớn để cung cấp cho thị trường miền Bắc. Táo mèo có hình trứng, vị chua, hơi chát, khi chín vỏ màu vàng lục, bên trong thường có màu hồng trắng hoặc vàng trong, táo giòn và có hương vị đặc trưng, hấp dẫn. Người mua thường chọn những quả nhỏ bởi khi táo chín sẽ thơm ngon hơn.

Táo mèo được trồng ở độ cao trên 1.000 mét, quả tươi sau khi được thu hái có thể bảo quản trong điều kiện tự nhiên dài ngày, nên đến tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Hiện giá bán táo mèo dao động từ 13.000 - 25.000 đồng/kg.

Đắk Lắk: Giá cá giảm, thiếu nơi tiêu thụ

Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 9.500 héc-ta diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là cá trắm cỏ, trôi, mè hoa, chép, rô phi… với sản lượng cá thương phẩm hằng năm ước gần 17.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua giá cá giảm mạnh, không tiêu thụ được. Bà con xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột - nơi được xem là vựa cá lớn nhất tỉnh cho biết: Những năm trước, thương lái tranh nhau đến tận nhà đặt cọc tiền mua trước khi xuất cá 1 - 2 tháng. Nhưng hiện nay, người mua vắng bóng, giá cá lao dốc. Chẳng hạn, cá rô phi đơn tính trước đây 35.000 - 40.000 đồng/kg nay giảm chỉ còn 25.000 đồng/kg; cá chép từ 70.000 đồng/kg còn 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn viên tổng hợp không ngừng tăng, hiện ở mức 310.000 đồng/bao (loại 25 kg), tăng khoảng 100.000 đồng/bao so với trước đây. Giá thuốc phòng, trị bệnh cho cá cũng tăng khoảng 10% so với những năm trước. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, cá thương phẩm khó tìm được đầu ra ổn định do phần lớn diện tích nuôi đều do người dân tự phát, cứ thấy loại cá nào dễ nuôi, nhanh lớn thì tập trung phát triển loại đó dẫn đến cung vượt cầu. Cá của bà con nuôi chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn, còn việc xuất bán ra ngoại tỉnh hầu như không có vì kích thước nhỏ không được ưa chuộng.

Nha Trang: Ngư dân trúng lớn cá ngừ sọc dưa

Nhiều tàu cá các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa từ ngư trường Trường Sa cập cảng Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) đầy ắp cá ngừ sọc dưa, sản lượng gấp đôi, gấp ba so với trước. Hiện cá ngừ sọc dưa tại cảng có giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg và mỗi chuyến tàu 15 - 20 tấn cá thu lãi 80 - 100 triệu đồng. Theo Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ, mấy năm gần đây sản lượng cá ngừ sọc dưa có dấu hiệu giảm mạnh từ 60 - 70%. Trong khi đó, loại cá này thường chiếm 60 - 70% sản lượng cá qua cảng. Nguyên nhân là do chi phí đánh bắt xa bờ tốn kém, hao nhiên liệu, cần nhiều lao động, trong khi giá cá lại thất thường vì bảo quản lâu ngày trên biển. Ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tàu chuyển từ mô hình đánh bắt xa bờ sang đánh bắt gần bờ. Việc trúng đậm cá ngư ở vùng biển Trường Sa là tín hiệu vui để ngư dân tiếp tục ra khơi.

Đồng Nai: Gà công nghiệp tăng giá trở lại


Hiện gà công nghiệp bán tại trại có giá 24.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Giá gà tăng do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này của thị trường đang rất tốt. Mặt khác, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, lượng gà nhập khẩu trong tháng 8 giảm mạnh so với các tháng trước đó cũng đã phần nào tác động đến giá thịt gà nội địa.

Đây là tín hiệu vui cho người chăn nuôi sau một thời gian dài giá gà xuống thấp, nay có dấu hiệu phục hồi trở lại. Hiệp hội vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình kiện bán phá giá gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.

BÁN GÌ

Tôm Việt khó cạnh tranh do biến động tỷ giá

Tỷ giá biến động, giá nguyên liệu, nhân công tăng cao khiến sản phẩm tôm của nước ta khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Mặc dù giá tôm xuất khẩu của nước ta trong 6 tháng đầu năm giảm giá mạnh nhưng vẫn cao hơn các nước trong khối ASEAN khoảng 10 - 20%. Đây chính là thách thức lớn nhất khiến thời gian qua sản lượng tôm xuất sang các nước trong khối châu Âu giảm mạnh, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật… Một doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, xuất khẩu của công ty đã giảm tới 20% về doanh số do gặp nhiều bất lợi về tỷ giá, thị trường tiêu thụ chậm. Nếu tình trạng phá giá đồng tiền của Trung Quốc và Indonesia ngày càng gay gắt thì nguy cơ hàng của công ty xuất ngoại có thể giảm tới 50%. Cùng với chi phí đầu vào cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các doanh nghiệp xuất khẩu còn bị cạnh tranh gay gắt bởi tỷ giá. 6 tháng đầu năm nay các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia đua nhau phá giá đồng tiền. Điều này khiến tôm Việt càng khó cạnh tranh về giá so với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador…

Nhiều loại trái cây sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khó tính

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian tới, nhiều loại trái cây Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand… khi mà các quy trình kỹ thuật song phương đã được hoàn tất. Cụ thể, cục đã đàm phán với Nhật Bản và đã đáp ứng được hết các yêu cầu của phía Nhật Bản đối với trái xoài. Trong tháng 9 này, phía Nhật Bản sẽ mở cửa cho xoài Việt Nam được xuất khẩu sang nước của họ. Đối với thị trường New Zealand, trong tháng 10 tới sẽ có một đoàn chuyên gia sang đàm phán lần cuối cùng để mở cửa trở lại cho trái chôm chôm. Thị trường Đài Loan cũng đã đưa ra điều kiện nhập khẩu cuối cùng để trái thanh long Việt có thể được xuất khẩu sang thị trường này một cách sớm nhất. Đối với thị trường Úc, phía Việt Nam cũng đã đàm phán để có thể đưa xoài Việt Nam xuất khẩu trở lại thị trường Úc. Đối với thị trường Mỹ, nước ta đã hoàn tất các thủ tục kỹ thuật để xuất khẩu vú sữa và xoài.

Phú Quốc: Được mùa cá trích

Ở đảo ngọc Phú Quốc, ngoài các loài cá biển, cua, nghêu, sò, ốc còn có một loài cá nhỏ nhưng giá trị kinh tế khá cao, đó là cá trích... Cá trích có quanh năm nhưng trúng nhất là vào mùa gió Tây Nam thổi vào đất liền, rộ nhất là tháng 7 và tháng 8 âm lịch. Muốn bắt chúng, bà con chỉ cần thả lưới mành bao vây trong vòng 30 phút đến 60 phút là kéo lên. Gặp thời tiết thuận lợi, trúng mùa vụ, mỗi tay lưới có thể kiếm trên 1 tạ cá (60 kg). Với giá bán tại chỗ hiện nay là 15.000 đồng/kg, rẻ hơn mua tại chợ hoặc nhà hàng 2 - 3 lần, nhiều hộ gia đình đã có thêm nguồn thu nhập ổn định. Nhiều gia đình khá lên nhờ con cá trích. Một hộ gia đình làm chủ một tay lưới và một chiếc thuyền thúng, suốt mùa gió Nam có thể kiếm từ 40 - 60 triệu đồng. Nhưng đến mùa gió bấc (từ tháng 10 - 1 âm lịch) thì phải tạm thời chuyển sang nghề khác vì cá không nhiều, thu nhập không cao. Tuy nhiên, loại cá này trúng nhất là đánh vào sáng sớm. Do đó bà con phải chuẩn bị ra khơi từ 3 giờ sáng và về đến bãi khoảng 8 - 9 giờ, lựa cá xong cũng mất hết một buổi sáng.

Đồng Tháp: Cua đồng “cháy” hàng

Mùa nước nổi, cua đồng ở các huyện biên giới Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) được xếp vào hàng đặc sản luôn được thị trường săn đón nên dù giá cao vẫn luôn ở tình trạng "cháy hàng". Hiện cua đồng được thu mua tại các cánh đồng Campuchia và phân loại bán vào các nhà hàng, quán ăn lớn. Hiện nay, giá cua đồng thịt được bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg; cua đồng xay có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, càng cua đồng bán bán tại các chợ huyện đã tăng lên từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm bình thường từ 20.000 - 30.000 đồng, tùy theo độ lớn nhỏ. Năm nay lượng mưa ít, nước lũ nhỏ nên sản lượng cua đồng ít và giá luôn ở mức cao. Bình quân mỗi ngày cơ sở thu mua và xuất bán từ 1 - 3 tấn/ngày, đạt mức 2/3 sản lượng bình thường. Mùa cua đồng, ngoài việc giúp các cơ sở phát triển kinh tế thì cũng mang lại thu nhập khá cho các nông dân làm thuê tại các cơ sở thu mua và chế biến cua đồng. Mỗi công nhân làm thuê có thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Trồng ngô và đậu tương: Chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Từ nhiều năm nay, nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do vậy, đẩy mạnh trồng ngô, đậu tương và tăng diện tích chuyển đổi từ lúa sang ngô sẽ giúp giải quyết được hai vấn đề quan trọng: Giảm dần phụ thuộc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và ứng phó với hạn hán ngày càng khốc liệt.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang ngô

Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng năm 2014 nước ta đã phải nhập 4,7 triệu tấn ngô, 150.000 tấn đỗ tương. Đây là 2 trong số những nguyên liệu chính để chế biến thức ăn chăn nuôi. Do vậy, để giảm lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cần đầu tư và khuyến khích trồng ngô và đỗ tương. Tuy nhiên, đỗ tương không phải là lợi thế của Việt Nam vì giá đỗ tương của Việt Nam không thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu. Vì vậy, đẩy mạnh trồng ngô và tăng diện tích chuyển đổi từ lúa sang ngô là phương án tối ưu giúp tăng sản lượng thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm dần phụ thuộc nhập khẩu. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, diện tích gieo trồng hai loại cây này lại đang giảm mạnh. Ngay trong vụ đông xuân 2015, diện tích ngô đã giảm tới 29.600 héc-ta, chỉ còn 580.000 héc-ta với sản lượng chỉ đạt 2,5 triệu tấn. Đỗ tương cũng giảm còn 69.000 héc-ta với sản lượng vỏn vẹn trên 77.000 tấn. Sở dĩ diện tích ngô và các loại cây hàng năm ở nước ta giảm vì nhiều năm qua, chúng ta chỉ tập trung nhắc tới việc quy hoạch bảo vệ đất lúa, không được chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng khác. Do chính sách đã quy định nên chính quyền các địa phương không thể tự tiện chuyển đổi. Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, đầu tư đẩy mạnh trồng ngô ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trên phạm vi cả nước không chỉ để giảm dần nhập khẩu mà còn hướng tới mục tiêu lâu dài là thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện khô hạn nặng, thiếu nước tưới ngày càng khốc liệt. Theo thống kê, trong đợt nắng nóng và khô hạn kéo dài vừa qua, riêng các tỉnh như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị… đã có khoảng 50.000 héc-ta không thể gieo trồng lúa nước. Để ứng phó với vấn đề này, cần quy hoạch lại cơ cấu cây trồng để phù hợp với xu thế mới và điều kiện sản xuất đã thay đổi, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho nông dân.

Phải mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân

Hiện Bộ NN&PTNT đang nỗ lực cùng với các địa phương đẩy mạnh sản xuất ngô trong nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, điều chúng ta trăn trở hiện nay là làm cách nào tiếp tục giảm giá thành sản xuất ngô trong nước. Để làm được điều này chỉ có giải pháp tăng năng suất bằng việc áp dụng các giống mới, kỹ thuật cao. Đặc biệt giống ngô lai và ngô biến đổi gen. Hiện năng suất ngô của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 4,4 tấn/héc-ta - thấp hơn cả lúa. Trong khi theo tính toán năng suất ngô tối thiểu phải đạt 6 tấn/héc-ta trở lên và với giá bán 5.000 đồng/kg thì người dân mới có lãi. Nếu áp dụng các giống ngô biến đổi gen sẽ có thể đạt năng suất từ 8 - 12 tấn/ héc-ta và bù đắp được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thiếu hụt. Do vậy, trong dự thảo “Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020”, Cục Trồng trọt đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu héc-ta lên 1,5 - 2 triệu héc-ta, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đồng thời điều chuyển thời vụ cây trồng vụ hè thu, tăng diện tích ngô đông sớm. Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, nơi có năng suất ngô cao, khả năng cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, có thể chuyển một phần diện tích lúa vụ đông xuân sang chuyên canh ngô.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để xây dựng được vùng nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Nhà nước cần sớm có các giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng. Các tổ chức tín dụng nên có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi phải là cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ để người trồng có thể hoàn toàn yên tâm sản xuất.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Mía tím mất mùa

Năm nay, do tác động của hạn hán nên nhiều diện tích mía tím trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng nề.

Nắng hạn kéo dài dẫn đến rất nhiều diện tích mía ở những nơi xa nguồn nước bị thiệt hại nghiêm trọng. Tuy xã Sơn Hiệp là một trong hai địa phương được đánh giá mía tím đạt năng suất cao, nhưng vẫn có tới 15 héc-ta bị thiệt hại từ 70 đến 80%.

Xã Sơn Bình có nhiều diện tích mía tím bị thiệt hại nhất. Toàn xã có 50 héc-ta trồng mía tím, nhưng số diện tích bị thiệt hại hơn 25 héc-ta với tỷ lệ thiệt hại hơn 70%. Bù lại, giá mía năm nay cao gần gấp đôi năm trước, bình quân đạt khoảng 15 triệu đồng/sào, những ruộng mía đẹp có thể lên tới 25 triệu đồng/sào.

Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 300 héc-ta trồng mía tím, tập trung chủ yếu ở các xã: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp. Trong định hướng phát triển cây mía tím đến năm 2020, dự kiến huyện Khánh Sơn có khoảng 600 héc-ta. Tuy nhiên, vấn đề được bà con ở các địa phương trồng mía quan tâm là cây mía sẽ được định hướng phát triển như thế nào để tránh câu chuyện được mùa, mất giá và ngược lại. Đối với nhiều xã của huyện Khánh Sơn, mía tím tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực trong thời gian tới. Do đó, việc chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng mía tím để phát triển thành vùng thâm canh sẽ được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cũng như một số địa phương khác trên cả nước, đầu ra của cây mía vẫn còn rất thiếu ổn định; phần lớn trông chờ vào sự may rủi của thời tiết và thị trường. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Khánh Sơn và chính quyền các địa phương cần khuyến cáo bà con thận trọng duy trì ổn định diện tích mía tím. Đặc biệt ở những vùng cao, vùng xa nguồn nước thì nên chọn những loại cây khác thích hợp hơn.

Bình Thuận: Thanh long phải tìm hướng đi mới

Hàng năm với sản lượng thu hoạch hơn 500.000 tấn, thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng khoảng 80% cả nước và phần lớn dành xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu trái thanh long địa phương vào thị trường này bằng phương thức biên mậu lẫn chính ngạch luôn duy trì tỷ trọng từ 80 - 85% sản lượng. Số ít còn lại được doanh nghiệp Bình Thuận xuất sang một số nước châu Á (Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, UAE…), châu Âu (Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha), châu Mỹ (Hoa Kỳ, Chi Lê, Canada), gần đây bước đầu thâm nhập những thị trường mới là Ấn Độ, Myanmar, Qatar… Với tỷ trọng tiêu thụ như trên, thanh long Bình Thuận đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, thẳng thắn mà nói thì thực trạng này không dễ thay đổi tình hình trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, những tín hiệu thị trường cho thấy triển vọng rất khó khăn của Thanh Long Bình Thuận trong thời gian tới. Cụ thể là, những năm gần đây, Trung Quốc đã khuyến khích người dân các tỉnh phía Nam nước họ phát triển trồng thanh long với diện tích lớn, hiện ước đạt hơn 20.000 héc-ta. Ngay trong năm 2015, khi thanh long Bình Thuận đang vào chính vụ thì tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng thu hoạch rộ, khiến tiêu thụ thanh long của ta cũng gặp khó khăn. Ngoài thanh long Trung Quốc, hiện nay Đài Loan đã tập trung phát triển diện tích khoảng 20.000 héc-ta và đang sản xuất theo khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến hơn Bình Thuận. Dự báo trong tương lai gần, thanh long Đài Loan sẽ hướng đến thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc đại lục. Mặt khác tính đến nay, có khá nhiều nước trên thế giới và khu vực đã tiến hành trồng thử nghiệm thanh long như Columbia, Ecuador, Mexico, Thái Lan, Indonesia, Maylaysia, Campuchia… Như vậy, tỉnh Bình Thuận cần xác định sớm năng lực cạnh tranh của trái thanh long Bình Thuận để giữ được thị trường truyền thống là Trung Quốc và xúc tiến mở các thị trường mới. Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt chẽ, không đầu tư phát triển ồ ạt diện tích trồng như trong thời gian qua.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tiền Hải (Thái Bình): Thiếu thị trường tiêu thụ ngao thương phẩm

Huyện Tiền Hải (Thái Bình) là vùng nuôi ngao lớn nhất miền Bắc. Cách đây vài năm, khi con ngao “lên ngôi”, nhiều hộ nơi đây thành tỷ phú. Nhưng hiện nay, “vựa ngao” không còn được như trước mà đang phải đối mặt nhiều khó khăn: Thị trường tiêu thụ không ổn định trong khi số hộ nuôi tăng lên nên giá ngao giảm mạnh.

Tiền Hải cũng là nơi đầu tiên trong tỉnh xuất hiện những trang trại nuôi ngao giống theo phương pháp nhân tạo. Vốn đầu tư ban đầu ít nhất của một hộ nuôi ngao giống khoảng 5 tỷ đồng. Ngao giống thường được ương nuôi trong các đầm nước mặn lợ đến khi đạt cỡ ngao cúc (500 - 800 con/kg) mới đưa ra nuôi ngoài bãi triều. Bà con nơi đây thường nuôi ngao trong 1 năm rưỡi đến 2 năm, khi ngao đạt kích cỡ 50 - 60 con/kg thì thu hoạch. Hiện nay lượng ngao phía Trung Quốc thu mua giảm mạnh so với trước, có thời điểm gần như ngừng thu mua. Trong khi đó, số hộ nuôi tăng lên, cũng chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm nên các hộ nuôi tự liên lạc với thương lái. Thị trường không ổn định nên tư thương thường ép giá. Vì thế, giá ngao giảm mạnh. Ngao thịt bán tại bãi những ngày này chỉ chừng 10.000 - 14.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, hiện tượng ngao chết hàng loạt diễn ra ngày càng nhiều. Nguồn con giống cũng đang là một khó khăn của vựa ngao Tiền Hải. Hiện nguồn giống trong tự nhiên đã cạn kiệt, số giống sản xuất tại chỗ không đủ cung cấp, các hộ nuôi phải nhập về từ các tỉnh miền Nam, miền Trung, từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Vì thế, chất lượng ngao giống khó được kiểm soát. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện đề án nuôi ngao của UBND tỉnh theo quy hoạch, tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho nông dân biện pháp kỹ thuật để tăng hiệu quả nuôi ngao. Đồng thời, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khuyến khích mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ ngao. Đặc biệt, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hạ tầng vùng ương ngao giống tại xã Đông Minh và Đông Hoàng, từng bước chủ động nguồn con giống.

Yên Thế (Bắc Giang): Nhãn chín muộn được giá

Do đặc thù chín lệch ngày so với chính vụ, thơm ngon đồng thời cho sản lượng cao hơn các giống khác nên nhãn chín muộn ở vùng đất đồi Yên Thế (Bắc Giang) chiếm được cảm tình của khách hàng gần xa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, nhãn chín muộn có tại địa phương được hơn 10 năm nay. Nhờ lợi thế về chất lượng, giá cả nên được người dân ưa chuộng, đưa vào thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Do vậy, từ chỗ chỉ có vài chục héc-ta trồng rải rác ở các xã, đến nay toàn huyện có hơn 200 héc-ta nhãn chín muộn. Trong đó, diện tích trồng nhãn tập trung nhiều nhất ở các xã Đồng Tâm, Hồng Kỳ, Đồng Kỳ. Đây là giống nhãn mới, kỹ thuật trồng, chăm sóc gần giống với nhãn Hương Chi của Hưng Yên, rất phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương. Nhờ chăm sóc đúng cách nên nhãn cho quả to, cùi dày, thơm, ngọt. Nhãn muộn có ưu điểm thời gian chín sau các loại nhãn khác từ 30 - 40 ngày (từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9). Đồng thời, nhãn chín muộn có thể lưu quả trên cây lâu hơn song chất lượng vẫn bảo đảm, không bị mất vị nên được ưa chuộng, giá bán cao hơn nhãn chính vụ khoảng 20 - 30%, dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Sản lượng nhãn chín muộn trên địa bàn huyện năm nay ước đạt 900 tấn (tăng hơn 10 tấn so với năm ngoái). Với mức giá như hiện nay, nhãn chín muộn mang lại nguồn thu lớn cho người dân, đồng thời góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nhãn chín muộn tại những xã khác. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc đúng cách để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Mặc dù vậy, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nông dân khi mở rộng diện tích, giải quyết vấn đề đầu ra có vai trò rất quan trọng. Thực tế hiện nay người trồng nhãn vẫn chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái theo phương thức tự thỏa thuận. Mặt khác, nhãn muộn cũng được trồng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Do đó huyện cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ hợp lý, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

TIÊU ĐIỂM

Bột ngọt không nguồn gốc, nhãn mác - Nguy cơ tiềm ẩn

Sản phẩm bột ngọt (mỳ chính) trong nước đang bị bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đe dọa. Trong đó lượng nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc chiếm đến 76%...

Từ những bao bột ngọt không có nguồn gốc, nhãn mác

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ làm giả bột ngọt (mì chính) với quy mô lớn. Thủ đoạn của các cơ sở này là mua bột ngọt Trung Quốc giá rẻ, đóng nhãn mác của một số thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng rồi mang đi tiêu thụ. Các sản phẩm bột ngọt nhập lậu không được đăng lý chất lượng, không được cơ quan chức năng kiểm định, không có nguồn gốc xuất sứ, giả thương hiệu như Ajinomoto, Miwon, Vedan… Một số lô hàng nhập khẩu chính ngạch thì khai báo gian lận về số lượng, giá trị để trốn thuế. Gần đây nhất là trung tuần tháng 6/2015, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã bắt giữ Nguyễn Tất Hùng về hành vi sản xuất hàng nhái, hàng giả. Khi bị bắt, đối tượng đang vận chuyển gần 50kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và bột nêm Knorr vào TP. Huế tiêu thụ. Tiến hành khám xét nhà riêng, cơ quan công an đã thu giữ 1 máy dán ép bao bì, 3 cái cân, 35kg bao bì giả các loại nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, Knorr… Trước đó, Đội quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên đã phát hiện 1 xe tải chở 160 bao bột ngọt (mỗi bao 25kg) của Trung Quốc, có hóa đơn nhưng không có nhãn phụ, không ghi xuất xứ, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. Rất có thể số bột ngọt trên là bột ngọt của Trung Quốc đưa vào nước ta để chia ra bán ký hoặc đóng vào những bao bột ngọt mang các nhãn hiệu uy tín để tiêu thụ. Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ chế biến, kinh doanh bột ngọt giả mà các cơ quan chức năng đã bắt giữ trong thời gian qua. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

...đến yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ

Chính vì vậy, Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Vedan) đã có đơn khởi kiện bột ngọt nhập khẩu. Sau gần một tháng thụ lý hồ sơ, Bộ Công Thương đã chính thức quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam.

Trong đơn khởi kiện bột ngọt nhập khẩu, Vedan cho rằng sản phẩm bột ngọt trong nước đang bị bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, lượng bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 76% trong tổng lượng nhập khẩu của năm 2014. Nếu quy đổi theo tỷ lệ tương ứng thì đến năm 2014, lượng bột ngọt nhập khẩu đã tăng đến 341,4% so với năm 2012.

Trong khi về mặt bằng giá, giá nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc chỉ vào khoảng 47,2% so với giá bình quân bán ra của Vedan. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường trong nước, ảnh hưởng đến doanh thu và sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp có sản phẩm tương tự cùng loại với hàng nhập khẩu. Vedan kiến nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất bột ngọt trong nước. Trong đó áp thuế tương đối ở mức 20% tính trên giá trị nhập khẩu CIF của lô hàng trong thời gian từ năm 2015 đến hết năm 2019. Riêng trong thời gian điều tra, áp dụng tạm thời ở mức 20% thuế nhập khẩu tính trên giá trị nhập khẩu CIF đối với tất cả các sản phẩm bột ngọt nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam trong vòng 200 ngày.

BÀ CON CẦN BIẾT

3 giống ngô biến đổi gen được công nhận chính thức

Hiện nay, một số giống ngô biến đổi gen đã được trồng khảo nghiệm tại các địa phương Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Thanh Hóa với mục tiêu cho năng suất cao, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành nguyên liệu thức ăn để phát triển chăn nuôi.

Công nhận 3 giống ngô biến đổi gen

Bộ NN&PTNT đã công nhận 3 giống ngô biến đổi gen chính thức được sản xuất đại trà tại Việt Nam. Theo đó, 3 giống ngô này là giống NK66 BT (mang sự kiện chuyển gen Bt11), NK66 GT (mang sự kiện chuyển gen GA21) và NK66 Bt/GT (mang sự kiện chuyển gen Bt11 và GA21) của Công ty Syngenta Việt Nam được tạo ra từ giống nền là giống ngô lai NK66. Giống nền NK66 đã được công nhận chính thức và bổ sung vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm đánh giá rủi ro về ảnh hưởng của 3 giống ngô biến đổi gen trên. Trong đó, giống biến đổi gen NK66 Bt và NK66 Bt/GT cho hiệu quả phòng trừ sâu đục thân cao, khả năng kháng sâu thể hiện ở tất cả các bộ phận của cây, không bị hư hại do sâu đục thân gây hại. Giống ngô biến đổi gen NK66 GA21 thể hiện mức chống chịu rất cao với thuốc trừ cỏ. Sử dụng giống ngô này kết hợp với phun thuốc Glyphosate 1 có thể quản lý cỏ dại tốt trong suốt vụ sản xuất và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Về năng suất, hầu hết các giống ngô biến đổi gen đều cho năng suất vượt trội so với giống nền. Giống NK66 Bt có năng suất trung bình 9,24 tấn/héc-ta, tăng 1,18 tấn/héc-ta so với giống nền; NK66 BT/GTcho năng suất trung bình 9,4 tấn/héc-ta, vượt trội so với giống nền 7,76 tấn/héc-ta.

Những ưu điểm vượt trội

Theo báo cáo của các Trung tâm giống cây trồng - Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, Phú Thọ, các giống ngô biến đổi gien có khả năng kháng được sâu bệnh, cho năng suất cao, tỷ lệ hạt dày, bắp dài… Sử dụng giống này, người nông dân không phải phun thuốc trừ sâu, sạch cỏ vì hạt giống đã qua xử lý. Như vậy, nông dân sẽ tiết kiệm chi phí về cả thuốc lẫn công phun và thời gian, giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe, môi trường và các sinh vật có ích cho đồng ruộng. Chất lượng hạt sẽ tốt hơn do giảm sự thối bắp/hạt trước và sau thu hoạch.

Trung tâm giống cây trồng - Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cũng cho biết, hiệu quả về năng suất và kinh tế của ngô biến đổi gen được thể hiện rõ rệt. Tổng chi phí sản xuất ngô thường là 23,6 triệu đồng/héc-ta. Lợi nhuận thu được từ việc ứng dụng ngô chuyển gen là 30,5 triệu đồng/héc-ta trong khi giống ngô thường lợi nhuận là 16,2 triệu đồng/héc-ta. Như vậy, sản xuất ngô biến đổi gen lãi khoảng 1,1 triệu đồng/sào (360m2), trong khi sản xuất ngô thường là 585.000 đồng/sào.

Mặc dù cây ngô thuộc loại cây trồng chủ lực ở nước ta nhưng nguồn cung ngô trong nước còn hạn hẹp. Hằng năm nước ta phải chi hàng tỷ đô-la Mỹ để nhập khẩu ngô làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do vậy, phát triển cây ngô biến đổi gen sẽ gỡ khó nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Điều đó đồng nghĩa với việc người nông dân có thể mua thức ăn chăn nuôi giá rẻ hơn.

HÀNG VIỆT

Sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP

Đến với vùng chè Phú Cường huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), chúng ta có thể thưởng thức những ly trà xanh – hương vị ô long thanh dịu, mang nét rất riêng của tinh tuý đất trời nơi đây, thích hợp cho mọi đối tượng thưởng thức.

Việc sản xuất chè an toàn VietGAP theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm trà đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay đã đang và sẽ là hướng đi mới cho người trồng chè của bà con nơi đây.

Mô hình sản xuất chè sạch

HTX chè Phú Cường Bắc là HTX đầu tiên của huyện Đại Từ mạnh dạn đi đầu trong sản xuất chè xanh thơm hương vị ô long theo công nghệ Đài Loan. Với vùng nguyên liệu ổn định trên 3,5 héc-ta (ha) chè Kim Tuyên và Thúy Ngọc, để làm ra sản phẩm chè xanh thơm hương vị ô long đòi hỏi người làm chè phải hết sức chuyên tâm, yêu chè và tâm huyết với chè bởi các công đoạn sản xuất ra chè xanh thơm mất rất nhiều thời gian và tỉ mỉ. Chè hái khi trời nắng, sau đó hong héo từ 8 đến 10 giờ đồng hồ, cứ khoảng 2 giờ lại đảo một lần sau đó cho vào ốp, vò, làm ráo nhựa rồi để hồi ẩm từ 4 đến 6 giờ và công đoạn cuối cùng là cho vào máy sấy, sấy khoảng từ 3 đến 4 tiếng tùy vào việc điều chỉnh nhiệt độ của người chế biến chè. Người dân đã thay đổi tư duy, theo đó, làm chè an toàn phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về cách trồng, chăm sóc và chế biến. Chè phải được bón bằng phân khoáng hữu cơ, phân chuồng ủ và dùng các loại thuốc từ chế phẩm sinh học, thảo mộc để phun cho chè, có thời gian cách ly hợp lý. Khi thu hái không được để lâu chè sẽ bị ban, bị ôi; khi sao sấy không được để lẫn nước, tránh chè bị dập búp, việc bảo quản chè nguyên liệu cũng như chè thành phẩm phải đúng quy chuẩn...

Khẳng định giá trị, vị thế

Hiện nay, sản phẩm chè xanh hương vị ô long của HTX đã được trưng bày, quảng bá, giới thiệu trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều hộ dân trước đây còn hoài nghi về hiệu quả mô hình nay đồng loạt làm đơn đề nghị xin gia nhập tổ sản xuất. Tuy vậy, để được tham gia thì lại phải thực hiện đầy đủ các quy trình, phải thẩm định kỹ càng về điều kiện sản xuất cũng như phương tiện sao sấy, bảo quản... và đặc biệt là kỹ thuật làm chè. Ông Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, cho hay, chè VietGAP đã thay đổi quan niệm trước đây của nhiều người về vùng chè Phú Cường. Có VietGAP, chẳng những uy tín, vị thế của sản phẩm chè Phú Cường nâng cao mà bản thân người làm chè ở địa phương thay đổi hẳn nhận thức. Các xã viên HTX chè Phú Cường cho biết, làm chè VietGAP được mùa, được giá, lại không phải mang ra chợ bán như trước đây nữa. Bây giờ chỉ cần hái chè nguyên liệu về là Ban quản trị HTX sẽ thu mua để chế biến và tiêu thụ cho bà con. Giá bán bình quân trước đây của chè Phú Cường tại chợ chỉ khoảng 130.000 -150.000 đồng/kg. Từ khi được cấp chứng nhận, giá chè VietGAP tăng lên đạt 250.000 – 300.000 đồng/kg. Nhờ vậy, bà con càng hăng say sản xuất, tự giác thực hiện đúng quy trình mà không cần phải kiểm tra, giám sát.

Theo ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT, UBND huyện hỗ trợ kinh phí tập huấn quy trình sản xuất chè an toàn, tạo điều kiện để các HTX, làng nghề đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng chè và phát triển làng nghề chè. Hơn 3 năm qua, huyện Đại Từ đã tập trung chỉ đạo trồng mới, trồng thay thế trên 1.800 ha chè bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, nâng tổng diện tích chè giống mới của huyện lên trên 3.500 ha/6.300 ha, chiếm 56% tổng diện tích. Huyện cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trồng chè áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay, diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận và công bố sản xuất theo quy trình VietGAP là 195,2 ha, tăng 186,2 ha so với năm 2011. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng công trình hỗ trợ chăm sóc chè, tổ chức 135 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất chè an toàn cho bà con.

Nam Sơn (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)