TIÊU ĐIỂM |
Vì sao thanh long mất giá?
Giá thanh long ở những vùng trồng trọng điểm đang xuống khá thấp. Có thể thấy rằng, vấn đề quy hoạch và đầu ra vẫn còn nhiều bất cập. Chưa kể tới, thanh long Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh từ các nước khác về số lượng và chất lượng. Bài toán thanh long “được mùa, mất giá” sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Người trồng lỗ nặng
Tại Bình Thuận, từ cuối tháng 8 đến nay giá thanh long giảm mạnh khiến người trồng lỗ nặng. Thanh long loại đạt chuẩn bán nội địa và xuất khẩu giá bán chỉ khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg, loại cao nhất cũng ở mức thấp 10.000 đồng/kg. Với mức giá này người trồng lỗ khoảng 4.000 đồng/kg. Giá thấp, lỗ nhưng nông dân buộc phải bán vì nguồn cung hiện nay quá lớn. Giá thanh long ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng tuột dốc, loại lớn ở mức 7.000 đồng/kg, loại nhỏ chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Thậm chí thanh long quá nhỏ, không đạt chuẩn (gọi là hàng dạt) giá chỉ 500 - 1.000 đồng/kg. Vậy nguyên nhân vì sao? Thanh long cho trái quanh năm nhờ sáng kiến dùng đèn chiếu sáng buổi tối để ra hoa. Những nông dân nghèo trồng thanh long không có điều kiện đầu tư lớn như trang bị bình biến áp, tạo nguồn nước để tưới dồi dào... nên họ chỉ còn trông chờ vào việc cây thanh long ra quả tự nhiên. Đây là thời điểm thu hoạch chính vụ nên sản lượng thanh long thu hoạch rất lớn, khó có thể tiêu thụ hết trong thời gian ngắn. Đó là lý do giá thanh long thường xuống thấp vào tháng 8. Thêm vào đó, diện tích thanh long tăng lên qua từng năm và trồng trên 30 địa phương thay vì vài ba tỉnh như trước. Bình Thuận là vùng trồng trọng điểm của cả nước, tỉnh quy hoạch đến 2015 là 15.000 héc-ta nhưng hiện nay đã phát triển trên 22.000 héc-ta. Các tỉnh Long An, Tiền Giang cũng vậy, nên khi thu hoạch chính vụ sản lượng quá lớn, áp lực tiêu thụ càng nhiều nên dễ bị ép giá.
Một nguyên nhân quan trọng là khoảng 75% sản lượng thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, trong khi đây là thị trường đầy rủi ro và thất thường. Lần này các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu Trung Quốc vẫn ăn hàng nhưng họ đã đưa một đội ngũ nhân viên xuống từng hộ trồng thanh long tìm hiểu và hỏi mua. Đáng chú ý là DN Trung Quốc đều đưa ra một mức giá mua thống nhất để từ đó các nhân viên ra giá với bà con. Mức giá thấp hiện nay cũng do thương lái Trung Quốc ấn định, buộc người trồng phải bán vì không ai mua giá cao hơn. Trong khi đó các DN Việt thường chỉ mua qua thương lái nên giá cả và thị trường thanh long do DN Trung Quốc nắm. Thêm nữa, nhiều DN Việt chỉ bán thanh long qua điện thoại, không có hợp đồng, hàng chuyển ra đến cửa khẩu mới nhận tiền nên rủi ro rất cao.
Phải tự cứu mình!
Thanh long Việt Nam muốn nâng cao sức cạnh tranh thì trước hết phải đảm bảo tiêu chí “sạch - ngon - rẻ - nhiều” bằng giải pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đầu tư thiết bị chiếu xạ hoặc xử lý nhiệt... Cùng lúc là tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết đối tác uy tín mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh mua sắm từ nội địa ra nước ngoài. Từ đó vận động doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường đã được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu thanh long Bình Thuận (Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia). Bên cạnh đó là hàng loạt thị trường đã xúc tiến đăng ký bảo hộ nhưng chưa được cấp như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Đức… Hiện người tiêu dùng ở Trung Quốc tiêu thụ khá nhiều thanh long, nhưng họ chỉ biết là hàng nhập khẩu mà không rõ của nước nào. Chính vì vậy, cần hỗ trợ và vận động DN tham gia xuất khẩu phối hợp DN nhập khẩu tổ chức những chương trình quảng bá thương hiệu, hình ảnh thanh long Bình Thuận. Trong đó thông tin đậm nét xuất xứ vùng trồng, công dụng và lợi ích của loại quả này nhằm sớm tạo dựng thương hiệu cho thanh long Việt ngay tại thị trường Trung Quốc... Đặc biệt, để khắc phục tình trạng thanh long được mùa, rớt giá, ngoài tập trung xuất khẩu, cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Do đó, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất và mở rộng thị trường nội địa, từng bước tháo gỡ tình trạng giá thất thường như hiện nay.
MUA GÌ |
Hà Tĩnh: Bưởi Phúc Trạch được mùa, giá cao
Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê có 1.600 hộ dân trong đó có khoảng hơn 70% hộ có tham gia trồng bưởi với diện tích hàng trăm héc-ta. Mùa bưởi Phúc Trạch bắt đầu từ giữa tháng 7 tới hết tháng 9 (âm lịch). Khi vào vụ, bưởi có màu vàng nhạt, lá sum suê, trung bình mỗi cây bưởi có khoảng 50 quả, có những cây sai trái lên tới hơn 100 quả. Hiện tại, bưởi được xem là cây chiến lược để phát triển kinh tế cho người dân và được chính quyền nơi đây hỗ trợ 10.000 đồng/gốc. Hiện người dân ở đây rất hồ hởi và vui mừng với vườn bưởi của mình, vì năm nay được mùa, giá cả lại cao, mỗi quả có giá từ 80.000 – 100.000 đồng.
Quảng Ngãi: Đắt hàng trái cau
Với diện tích 1.200 héc-ta, Sơn Tây là địa phương có diện tích cau lớn nhất ở Quảng Ngãi. Khác với các vụ khác, vụ thu hoạch cau năm nay được xem là mùa vàng của người dân nơi đây. Giá cau được mua tại vườn hiện từ 15.000 - 17.000 đồng/kg cau tươi xô và từ 20.000 - 22.000 0đồng/kg cau lựa, gấp từ 2 - 5 lần so với những vụ trước đó. Trước đây thương lái để quả cau già mới mua, vụ này gần như 100% số thương lái đều hỏi mua cau non. Không chỉ cau có kích cỡ to bằng ngón chân cái người lớn trở lên mà cau vừa ra trái cỡ bằng ngón tay cũng được thương lái đến tận nhà đặt cọc tiền để mua rồi chờ lớn đến bẻ. Tuy nhiên dù cau đang được giá, huyện Sơn Tây không khuyến khích người dân phát triển, mở rộng diện tích cau bởi thị trường tiêu thụ quả cau quá bấp bênh, không chắc chắn. Theo các cơ sở chế biến cau ở TP. Quảng Ngãi, toàn bộ số cau mua được sau khi sơ chế bằng cách sấy khô đều chở bán cho Trung Quốc.
Cần Thơ: Giá lúa thu đông giảm nhẹ
Trong 10 ngày qua một số địa phương ở các huyện ngoại thành TP. Cần Thơ bắt đầu thu hoạch lúa thu đông sớm. Nhiều nông dân cho biết, giá lúa có dấu hiệu giảm nhẹ. Tại huyện Ô Môn, gạo trắng OM6976 giá 7.500 - 7.600 đồng/kg, gạo trắng OM4215 giá 7.200 đồng/kg, thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ thu đông năm ngoái. Cùng huyện, ở xã Trường Xuân, nhiều cánh đồng trồng lúa IR50404 đã chín, đang chờ máy đưa vào gặt. Vì lo ngại lúa rớt giá thêm nên khi đã có thương lái nào đặt cọc mua lúa tươi tại ruộng giá 4.150 đồng/kg thì nhiều bà con đồng ý bán ngay. Với mức giá này và lúa trúng trên 800 kg/công tính ra vẫn còn lãi trên 1,2 triệu đồng/công. Giá gạo IR50404 giao tại các kho của doanh nghiệp mua vào hiện giảm từ 6.300 đồng/kg xuống còn 6.150 đồng/kg. Lý do gạo cũ trước đây còn tồn nên các doanh nghiệp xuất khẩu không đặt hàng.
Bình Định: Kiệu giống giảm giá
Hàng năm, từ đầu tháng 7 âm lịch, thị trường kiệu giống ở huyện Phù Mỹ, vốn được mệnh danh là “thủ phủ” kiệu của tỉnh này rất sôi động, người mua kẻ bán tấp nập. Nhưng năm nay giá kiệu giống hiện thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái, kiệu tốt, to củ, chắc, có giá chỉ 25.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Kiệu có chất lượng trung bình có giá 20.000 đồng/kg. Kiệu nhỏ củ giá bình quân 15.000 đồng/kg. Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện Phù Mỹ, do thương lái đưa kiệu giống từ miền Nam ra nhiều hơn mọi năm, hơn nữa mấy năm gần đây nông dân Phù Mỹ chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang trồng những loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có cây kiệu, khiến thị trường kiệu giống “bội thực”, dẫn tới giá bị giảm.
BÁN GÌ |
Cần Thơ: Dâu Hạ Châu được giá
Hiện nay, bà con nhà vườn huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đang thu hoạch rộ dâu Hạ Châu. Toàn huyện Phong Điền hiện có khoảng 600 héc-ta trồng dâu Hạ Châu, tập trung nhiều ở các xã Nhơn Ái, Mỹ Khánh và thị trấn Phong Điền. Mặc dù đang vào thời điểm thu hoạch rộ nhưng giá bán vẫn đang có xu hướng tăng. Giá dâu Hạ Châu loại 1 được thương lái thu mua ở mức 10.000 - 10.500 đồng/kg, loại 2 có giá khoảng 9.000 đồng/kg. Với năng suất dâu đạt từ 22 - 25 tấn/héc-ta, trừ chi phí còn lãi 130 - 150 triệu đồng/héc-ta. Dâu Hạ Châu được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nên đã mang lại kinh tế cao cho nhà vườn. Bên cạnh đó, những vườn dâu Hạ Châu còn là sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn của địa phương.
Sản lượng cà phê niên vụ 2015 - 2016 có thể giảm 20%
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê niên vụ 2015 - 2016 có khả năng giảm từ 20% trở lên so với kế hoạch, ghi nhận niên vụ thứ ba liên tiếp cây cà phê bị mất mùa. Nguyên nhân chính được cho là do từ đầu niên vụ, các tỉnh vùng trọng điểm cà phê như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai bị hạn nặng, kéo dài khiến hàng chục nghìn héc-ta cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh bị thiếu nước tưới chết khô hoặc khô cành, khó khăn trong việc chăm sóc phục hồi. Mặt khác, diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp ngày càng tăng trong khi việc thực hiện tái canh chậm. Chỉ riêng các tỉnh Tây Nguyên diện tích cà phê trên 20 năm tuổi (già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh) cần phải trồng tái canh từ nay đến năm 2020 là hơn 120.000 héc-ta.
Bình Phước: Nông dân được mùa củ đậu (sắn)
Những ngày này, đến các xã An Khương, huyện Hớn Quản và xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, đi dọc con đường đất đỏ dẫn vào thôn ấp, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng đậu củ (sắn) bạt ngàn, xanh ngắt một màu. Năm nay, củ đậu được mùa, giá thành cao nên người trồng phấn khởi. Trên những cánh đồng củ đậu, nông dân với không khí rộn ràng vào mùa thu hoạch. Hộ dân hoán đổi công cho nhau để nhà nào cũng được thu hoạch và xuất bán dứt điểm trong thời gian ngắn nhất nhằm đảm bảo cung ứng nhu cầu của thị trường trong dịp lễ Vu Lan và rằm tháng Tám sắp tới. Với giá bán dao động từ 4.400 - 5.000 đồng/kg với diện tích trồng 1 héc-ta, sau khi trừ các khoản chi phí, một hộ gia đình lãi hơn 200 triệu đồng.
Trước kia, đời sống của người dân ở hai xã này gặp nhiều khó khăn do trồng cây hiệu quả kinh tế thấp như lúa, đậu xanh, bắp. Thế nhưng, những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, trong đó cây củ đậu đóng vai trò chủ lực. Bà con còn có thể trồng củ đậu xen với những cây trồng lâu năm như quýt, bưởi, cao su non để lấy ngắn nuôi dài. Mặc dù năm nay thời tiết không mấy thuận lợi, hạn hán kéo dài nhưng nhờ quy trình trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên mùa củ đậu không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, thương lái cạnh tranh thu mua với giá cao hơn những năm trước nên người dân ai cũng vui.
Hậu Giang: Giá khóm (dứa) tăng
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá khóm tại Hậu Giang liên tục tăng cao, gần gấp đôi so với đầu vụ, hiện khóm không đủ nguồn cung cho thị trường. Cụ thể, khóm loại I trọng lượng trên 1 kg giá 15.000 đồng/trái; khóm loại II trọng dưới 1 kg giá 10.000 đồng/trái… Theo các tiểu thương, giá khóm tăng mạnh là do đang vào cuối vụ nên sản lượng cung cấp cho thị trường giảm. Hơn nữa, những năm gần đây, đầu ra trái khóm không ổn định, đặc biệt vào vụ thu hoạch. Có thời điểm người trồng khóm gặp nhiều khó khăn nên phá bỏ cây khóm chuyển sang trồng cây con khác. Vì vậy diện tích trồng khóm tại địa phương liên tục giảm.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Tác hại nguy hiểm của chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc
Thời gian qua, thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung có chứa chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc... bày bán khá phổ biến trên thị trường. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nghiêm cấm sử dụng những chất này trong chăn nuôi nhưng các chủ trang trại, người chăn nuôi nhỏ lẻ dù ở vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tìm mua dễ dàng.
Thức ăn bổ sung được chiết khấu tới 50%
Trên thực tế, thức ăn bổ sung chứa những dưỡng chất ở hàm lượng đậm đặc dùng để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi thông thường để cân bằng dưỡng chất hoặc điều chỉnh tỷ lệ dưỡng chất trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thức ăn bổ sung được các nhà sản xuất khuyến cáo với tỷ lệ trộn khác nhau cho gia súc, gia cầm ăn trực tiếp. Đó là các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung như đặc trị tiêu chảy, đặc trị hô hấp, tăng trưởng nhanh, thảo dược tăng trưởng, chống còi, bung đùi, nở mông nở vai tạo nạc, kích thích lên giống, kích thích sữa, bổ sung vitamin... Người chăn nuôi chỉ cần nghe đại lý giới thiệu các loại thức ăn bổ sung tốt và mang lại lợi nhuận nhiều là sử dụng mà không cần biết trong sản phẩm đó "chứa" cái gì. Chủ một đại lý cấp 1 bán thuốc thú y và thức ăn bổ sung ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn cho biết, các chủ trang trại cứ thấy trên bao bì sản phẩm quảng cáo "bung mông, bung đùi, nở vai, da hồng, lông mượt, thịt đỏ, nạc nhiều, kích thích tăng trưởng"... là mua về sử dụng. Bởi hiện nay cho gia súc ăn thức ăn chăn nuôi thì chậm lớn, nuôi dài ngày, lợi nhuận thấp, dịch bệnh nhiều, xuất bán giá không cao. Đại lý cũng muốn bán những loại thức ăn bổ sung này vì mức chiết khấu cao, có nơi 30% nhưng cũng có công ty cho tới 50%? Điều này cũng đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng của các loại thức ăn bổ sung này.
Chất tạo nạc nhập lậu có hại cho sức khỏe
Tuy nhiên, đáng nguy hiểm hơn cả là các loại thuốc tăng trọng, thuốc tạo nạc… đã bị cấm sử dụng nhưng vẫn được bán tại các cửa hàng thuốc thú y. Đa số chất tạo nạc cấm này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và đựng trong các túi nhỏ màu trắng không đề nhãn mác với khối lượng từ 100g - 1kg. Giá bán loại chất cấm này khá đắt. Với loại nguyên chất đậm đặc dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/100 gam (15 - 17 triệu đồng/kg). Tuy nhiên, do tỷ lệ pha trộn với thức ăn chăn nuôi lớn nên đưa giá thành lên không đáng kể nhưng lợi nhuận rất hấp dẫn. Với mỗi ki-lô-gam chất cấm đậm đặc có thể pha trộn với 100 tấn thức ăn chăn nuôi.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất tạo nạc cho heo được sử dụng nhiều nhất trên thị trường hiện nay là clenbuterol và salbutamol. Các loại chất này chủ yếu có nguồn nhập từ Trung Quốc. Khi heo ăn chất này sẽ không đào thải như những chất khác. Hiện chưa thể đánh giá ngay tác hại của salbutamol, clenbuterol với người sử dụng thịt heo được nuôi bằng chất tạo nạc, vì còn cần thêm yếu tố như lượng thịt sử dụng, thời gian, mức độ tồn dư... Tuy nhiên chắc chắn có ảnh hưởng tới sức khỏe. Bởi người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1 - 2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Do đó, nếu ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư các chất đó. Trong khi đó, salbutamol và clenbutarol đều được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa…
Tại buổi họp bàn về công tác tuyên truyền liên quan đến việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, các cơ quan chức năng đều cho rằng phải xử lý tất cả các trường hợp buôn bán, vận chuyển chất cấm trong chăn nuôi. Đặc biệt, đối với việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo cần phải xử phạt mạnh, thậm chí phải có biện pháp xử lý hình sự mới ngăn chặn được tình trạng này.
Hương Giang
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Đồng bằng sông Cửu Long trước vụ thu hoạch mía mới: Giá thu mua sẽ cao hơn do nguy cơ thiếu mía nguyên liệu
Sau nhiều năm thua lỗ, không ít nông dân trồng mía đã chuyển từ đất trồng mía sang các loại cây trồng khác khiến diện tích và sản lượng mía của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm mạnh. Điều này, khiến các nhà máy đường tại ĐBSCL đang lo ngại tình trạng thiếu mía nguyên liệu khi vào vụ sản xuất.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2015 - 2016, diện tích trồng mía của vùng ĐBSCL chỉ còn gần 42.000 héc-ta, giảm khoảng 6.000 héc-ta so với niên vụ trước. Riêng tỉnh Hậu Giang (địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất vùng) cũng đang đối mặt với tình trạng diện tích mía bị thu hẹp, hiện chỉ còn 11.587 héc-ta (giảm khoảng 1.520 héc-ta). Diện tích mía giảm kéo theo sản lượng năm nay cũng giảm theo. Theo tính toán của VSSA, sản lượng mía vùng ĐBSCL ước đạt 3,2 triệu tấn, giảm khoảng 486.000 tấn so với niên vụ trước. Những nơi giảm diện tích tập trung ở các vùng đất trồng không hiệu quả nên ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người dân chuyển sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là giá thu mua mía năm nay sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng có lợi cho người nông dân. Theo nhận định của một số doanh nghiệp và nhà máy đường, dự kiến thời điểm vào vụ ép, giá đường trên thị trường sẽ ở mức 13.000 đồng/kg; căn cứ vào mức giá này, giá thu mua mía nguyên liệu cho người dân sẽ cao hơn những năm trước. Các nhà máy đường bước đầu thống nhất thu mua mía với giá sàn 860 đồng/kg (mía 10 chữ đường), cao hơn mức giá quy định của Bộ NN&PTNT 119 đồng/kg. Thậm chí có doanh nghiệp khẳng định năm nay sẽ không một nhà máy đường nào dám hạ giá mua mía nguyên liệu nữa. Như vậy, sau nhiều năm thua lỗ thì năm nay, người trồng mía khu vực ĐBSCL nói chung sẽ có được vụ mùa bội thu.
Cam Ranh (Khánh Hòa): Thua lỗ vì nuôi tu hài
Mô hình nuôi tu hài và hàu trên vịnh Cam Ranh được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III triển khai trên khu vực đầm của phường Cam Nghĩa cách đây hơn 3 năm.
Khi đó, tu hài được nuôi trong khay thả đáy, còn hàu được nuôi cột vào bè và treo giàn trên khung bè cắm cố định. Lúc ấy, 5 hộ dân của phường Cam Nghĩa và 2 hộ ở phường Cam Phúc Bắc đã được đầu tư 10,5 vạn con giống tu hài để thả nuôi trong 3.500 rổ. Sau 5 tháng thả nuôi, tu hài cho thu hoạch với tỷ lệ sống đạt 80%, kích cỡ tu hài đạt khoảng 20 con/kg. Với giá bán ở thời điểm đó (220.000 đồng/kg), sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 70.000 đồng/kg), người nuôi thu lãi lên đến 150.000 đồng/kg. Vì lợi nhuận cao nên nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Cam Nghĩa và Cam Phúc Bắc đã tập trung đầu tư nuôi tu hài. Hộ ít thì nuôi vài nghìn con giống, hộ nhiều lên đến vài chục vạn. Mấy vụ nuôi đầu, khi môi trường nước còn sạch, con giống đảm bảo, tỷ lệ tu hài sống rất cao. Việc đầu tư nuôi tu hài mang lại hiệu quả lớn, có khi 1 vốn lên đến 3 - 4 lời. Nhưng trong 6 - 7 vụ nuôi gần đây, tu hài cứ chết dần, ban đầu tỷ lệ chết 40 - 50%, sau lên 60%; nặng nhất là vụ này, tỷ lệ chết lên đến 80%. Do vậy, nhiều hộ đã ngừng nuôi tu hài và chuyển sang đầu tư nuôi trồng các loại thủy sản khác. Không riêng Cam Nghĩa, nhiều ngư dân phường Cam Phúc Bắc cũng đã quyết định ngừng nuôi tu hài. Vào lúc cao điểm, số hộ nuôi tu hài tại địa phương này lên đến 30 hộ, quy mô nuôi rất lớn, nhưng bây giờ chỉ còn 10 hộ nuôi, trong đó 5 hộ nuôi lớn với khoảng 2.000 rổ/hộ (30 con giống/rổ), những hộ còn lại chỉ nuôi vài trăm rổ. Hiện nay, mặc dù giá tu hài rất cao, loại 20 con/kg giá đến 350.000 đồng/kg, nhưng hầu hết người nuôi tu hài ở Cam Nghĩa quyết định treo rổ vì tỷ lệ tu hài chết quá nhiều do nước trong vịnh Cam Ranh bị ô nhiễm.
Tu hài là loại thủy sản có suất đầu tư thấp, nhàn công, giá bán thương phẩm rất cao. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã nêu ở trên cho thấy việc nuôi tu hài đạt hiệu quả không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, bà con cần hết sức thận trọng khi đầu tư nuôi loại thủy sản này.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Tăng thêm thu nhập từ chanh rừng Mẫu Sơn
Chanh rừng là cây chịu lạnh tốt, thường sống những nơi có nhiệt độ bình quân trên dưới 20OC. Ở vùng núi Công - Mẫu Sơn, loại cây này mọc tự nhiên ở những sườn đồi, bụi cây thấp thuộc thượng nguồn các khe suối, lạch nước nhỏ.
Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Bắc, một số bà con đã nhân giống trồng chanh theo quy hoạch trên đất vườn đồi quanh nhà. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình đã có thêm thu nhập từ việc trồng chanh.
Bác Triệu Súi Phảy thôn Pác Đây, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: “Gia đình tôi trồng được khoảng gần 1.000 gốc chanh. Vào mùa thu hoạch tôi hái mang bán ở khu du lịch, thu nhập hơn 120 triệu đồng, giúp gia đình tôi rất nhiều trong cuộc sống và nuôi các con cái ăn học”.
Trong những năm gần đây, chanh rừng đã trở thành một loại hàng hóa, một sản phẩm du lịch của vùng núi cao Mẫu Sơn, được nhiều khách tham quan mua về làm quà. Thậm chí, vào mùa thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua chanh với giá cao. Vào đầu vụ, loại quả này được bà con người dân tộc Dao bán với giá khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg, giữa vụ giá còn 40.000 – 50.000 đồng/kg. Nhiều hộ còn tự làm sản phẩm chanh ngâm muối để bán cho du khách. Tại Khu du lịch Mẫu Sơn, một lọ chanh rừng ngâm muối dung tích 500ml giá từ 40.000 - 60.000 đồng.
Với sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương từ việc nghiên cứu, nhân rộng trong các vườn rừng, cây chanh rừng đang thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo của bà con dân tộc Dao trên đỉnh Mẫu Sơn.
Giá tiêu vẫn cao đến cuối năm
Vừa qua, có thông tin nông dân trồng tiêu đang trữ tiêu quá nhiều chờ giá cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy đến thời điểm này, nông dân trồng tiêu đã bán đi khá nhiều. Lượng tiêu do dân trữ lại không còn nhiều. Niên vụ vừa qua, sản lượng tiêu khoảng 130.000 tấn, trong đó 100.000 tấn hạt tiêu được xuất khẩu. Vì thế, nhiều lắm trong các doanh nghiệp và trong dân, hiện chỉ còn khoảng 30.000 tấn tiêu.
Hiện tại, giá tiêu mà nông dân bán ra vẫn đang ở mức cao. Giá tiêu đen ở Xuân Lộc (Đồng Nai) hiện đang ở mức 225.000 đồng/kg. Còn tại Chư Sê (Gia Lai) giá tiêu đen mà nông dân bán được hiện vào khoảng 205.000 - 210.000 đồng/kg. Đặc biệt, do nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới nên giá tiêu xuất khẩu đang ở mức cao. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hạt tiêu đen xuất khẩu hiện đang ở mức 9.300 - 9.700 đô-la Mỹ/tấn. Từ nay đến cuối năm, giá tiêu xuất khẩu dự báo sẽ không giảm mà còn có thể tăng lên nữa. Tuy nhiên hạt tiêu Việt Nam vẫn đang được xuất khẩu phổ biến theo hình thức không đảm bảo về mặt chất lượng, bởi thực trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác tiêu. Mà nếu xuất khẩu được theo dạng đảm bảo chất lượng, giá tiêu Việt Nam có thể còn cao hơn 10 - 15% so với hiện nay. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biết tiêu để có thể xuất khẩu tiêu đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lượng tiêu như thế này hãy còn khá ít so với tổng lượng tiêu xuất khẩu.
Do giá xuất khẩu vẫn đang quá tốt, nên giá tiêu trong nước sẽ được giữ ở mức cao cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, giá tiêu sang năm nhiều khả năng khó giữ được ở mức cao như hiện tại. Bởi ở các địa phương trồng tiêu, do trong nhiều năm qua, giá tiêu luôn ở mức hấp dẫn, nên diện tích trồng tiêu đã tăng lên khá nhiều. Bên cạnh đó, những khó khăn của các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su…, cũng góp phần làm gia tăng diện tích trồng tiêu. Nhiều nông dân đã chuyển từ cà phê, cao su sang tiêu, hoặc tận dụng vườn cao su làm nọc để trồng xen tiêu trong đó.
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Sắc Ngọc Khang: Hàng thật, giả lẫn lộn
Thời gian qua, nhiều bà con hoang mang vì trên thị trường ở nhiều khu vực nông thôn, miền núi xuất hiện nhiều dạng sản phẩm như: mỹ phẩm, kem trộn, viên uống... nhưng cùng mang nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang. Trong đó, có những sản phẩm được làm giả một cách tinh vi mà bà con khó có thể nhận biết được.
Nhan nhản hàng giả
Mấy năm gần đây, trên thị trường Việt Nam chỉ có một sản phẩm mang nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang trị nám, tàn nhang và trắng da… do Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú phân phối. Sau khi xuất hiện trên thị trường, nhờ vào hiệu quả thực tế, sản phẩm đã được người tiêu dùng không chỉ ở thành thị mà còn ở các các vùng nông thôn, miền núi tin dùng.
Lợi dụng yếu tố đó, nhiều sản phẩm giả, hàng nhái nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang đã xuất hiện trên thị trường với những mẫu mã, chủng loại khác nhau (viên uống, kem bôi, sữa rửa mặt, mỹ phẩm làm trắng,…). Thậm chí có những sản phẩm được làm giả một cách tinh vi: Bao bì bên ngoài giống hệt với hàng thật từ kiểu dáng, chất liệu, màu sắc đến những chi tiết nhỏ như hình ảnh, chữ viết… nên người tiêu dùng không thể nhận biết được nếu chỉ nhìn vào những đặc điểm bên ngoài này. Những sản phẩm giả, nhái này có thể gây tổn hại đến sức khỏe, sắc đẹp của người sử dụng như: gây dị ứng, ảnh hưởng đến gan, thận, khiến da dễ bị nổi mụn, cơ thể bị tăng cân đột ngột…
Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt hàng chục vụ, xử lý nhiều cửa hàng thuốc bán sản phẩm mang thương hiệu “Sắc Ngọc Khang” giả. Các sản phẩm Sắc Ngọc Khảng giả thường được các đối tượng thiết kế bao bì mẫu nổi bật, trình bày trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu “Sắc Ngọc Khang”, “Sắc Ngọc”. Ngoài ra, chúng còn dụng kiểu dáng bao bì, khẩu hiệu kinh doanh, tờ rơi cho mỹ phẩm tương tự với chỉ dẫn thương mại của sản phẩm “Sắc Ngọc Khang” nên dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Cách nhận biết hàng giả
Theo Bộ KH&CN việc tìm hiểu kỹ lưỡng để chọn được đúng sản phẩm Sắc Ngọc Khang chính hiệu là việc làm cần thiết, không chỉ riêng người tiêu dùng mà cả các nhà thuốc. Đặc biệt là nhà thuốc ở khu vực miền núi, nơi khả năng nhận biết hàng thật, hàng giả của bà con nông dân còn hạn chế.
Trước mắt, để an tâm hơn về sản phẩm, người sử dụng có thể kiểm tra bằng cách cào nhẹ lớp tráng bạc để lấy “Mã an ninh” và gửi tin nhắn theo cú pháp: Mã an ninh gửi 8077 (Mã an ninh là dãy ký tự hiện ra sau khi cào). Theo đó, tổng đài sẽ gửi lại tin nhắn xác thực để người tiêu dùng biết sản phẩm mình đã mua có phải hàng chính hãng hay không.
Đối với những người tiêu dùng khu vực miền núi, còn có cách nhận biết thông thường như: Tem chống hàng giả được dán ở lọ bên trong hộp giấy. Vị trí dán ở trên thân lọ, ở khoảng trắng giữa hai mép dán của nhãn. Các chữ có ghi trên tem: Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Sắc Ngọc Khang, Tem chống hàng giả.
Bên cạnh đó, Công ty Hoa Thiên Phú khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ cả vỏ hộp giấy bên ngoài lẫn lọ nhựa bên trong; tuyệt đối không mua sản phẩm Sắc Ngọc Khang không có tem chống hàng giả. Kể cả những sản phẩm có hộp giấy bên ngoài với những đặc điểm giống hệt hàng thật như: tên Sắc Ngọc Khang, hình ảnh, kiểu chữ, thông tin nhà sản xuất, nhà phân phối… nhưng nếu bên trong lọ không có tem chống hàng giả thì đó cũng không phải sản phẩm Sắc Ngọc Khang chính hiệu của Công ty Hoa Thiên Phú. Đặc biệt, bà con cần lưu ý là sản phẩm Sắc Ngọc Khang chính hiệu hiện chỉ có một dạng duy nhất là viên nang uống, chưa có dạng kem bôi, sửa rửa mặt…
BÀ CON CẦN BIẾT |
Mức xử phạt tối đa đối với việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi
Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã nâng mức xử phạt tối đa đối với việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi lên 100 triệu đồng. Tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi.
Vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Căn cứ đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2013/NĐ-CP xử phạt nặng hơn đối với các vi phạm trên. Cụ thể, người chăn nuôi nông hộ sử dụng thức ăn gia súc có chất cấm có thể bị xử phạt tới 10 triệu đồng. Nếu chăn nuôi trang trại (số lượng gia súc lớn) mà sử dụng chất cấm trong thức ăn thì mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Người sản xuất, kinh doanh, gia công thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm bị xử phạt nặng nhất 70 - 100 triệu đồng. Việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chất cấm cũng bị xử phạt từ 70 - 100 triệu đồng. Mức xử phạt trên được quy định cho cá nhân người vi phạm. Đối với tổ chức có vi phạm thì mức xử phạt đối với các vi phạm trên sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có vi phạm trong sử dụng các chất cấm có thể bị xử phạt tối đa tới 200 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng. Buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ; buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm; buộc cơ sở vi phạm phải tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn chăn nuôi có chất cấm.
Vi phạm về kinh doanh thức ăn chăn nuôi
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng.
Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam.
Phạt tiền từ 10 - 15% giá trị của lô hàng vi phạm nhưng không vượt quá 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Có hàm lượng định lượng mỗi chất chính chỉ đạt mức từ 90% đến dưới 95% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa; Có hàm lượng định lượng mỗi chất gây mất an toàn quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vượt quá từ 5% đến dưới 10%.
Phạt tiền từ 15 - 20% giá trị của lô hàng vi phạm nhưng không vượt quá 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Có hàm lượng định lượng mỗi chất chính chỉ đạt mức từ 80% đến dưới 90% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa; Có hàm lượng định lượng mỗi chất gây mất an toàn quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng vượt quá từ 10% đến dưới 20%.
Phạt tiền từ 20 - 25% giá trị của lô hàng vi phạm nhưng không vượt quá 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Có hàm lượng định lượng mỗi chất chính chỉ đạt mức từ trên 70% đến dưới 80% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa; Có hàm lượng định lượng mỗi chất gây mất an toàn quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng vượt quá từ 20% trở lên.
HÀNG VIỆT |
Nhiều tỷ phú từ cam Cao Phong
Cao Phong – Hòa Bình những năm gần đây đổi đời nhờ hai cây chủ lực: cây cam và cây mía. Trong đó giống cam Cao Phong đã giúp người dân nơi đây không những thoát nghèo mà còn góp phần tạo nên nhiều “tỷ phú” đất cam.
Cây trồng giúp bà con thoát nghèo
Ông Vũ Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây cam, người dân Cao Phong đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa truyền thống sang cây cam. Hiện, toàn huyện Cao Phong có trên 1.200 héc-ta trồng cam, quýt, bao gồm quýt Ôn Châu, cam Xã Đoài, cam Canh… Mỗi gia đình trồng cam có thu nhập trung bình từ 500 đến 700 triệu đồng/héc-ta/năm.
Một trong những "đại gia cam" ở Cao Phong phải kể đến ông Nguyễn Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong là chủ vườn cam có diện tích 32 héc-ta - lớn nhất vùng. Ông chia sẻ: “Năng suất cam của tôi đạt 50 tấn/héc-ta, bán tại vườn 56.000 đồng/kg (2,8 tỷ đồng/héc-ta). Tính ra, mỗi quả cam được mười mấy ngàn đồng. Mỗi vụ thu hoạch, anh em trồng cam vẫn đùa nhau lên đồi để "hái tiền”.
Còn anh Trần Văn Tuyên (tiểu khu 4, thị trấn Cao Phong), người cũng khá nổi tiếng về nghề trồng cam ở đây cho biết, đến nay, anh đã có gần 15 héc-ta cam, quýt và bưởi. Ngoài tạo thu nhập cho gia đình, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng và nhiều lao động thời vụ địa phương khác. Năm nay vườn cam của anh cho thu hoạch khoảng 250 tấn, thu được khoảng trên 4 tỷ đồng.
Phát huy thế mạnh của chỉ dẫn địa lý
Năm 2014, cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Việc được công nhận chỉ dẫn địa lý càng nâng cao giá trị của quả cam Cao Phong. Vụ vừa qua, có nhiều gia đình thu lãi 400 triệu đồng/héc-ta trồng cây cam; có những cây cam cho thu hoạch 6,8 tạ quả (giá trị 15 triệu đồng); 202 hộ đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng, hơn 70 hộ đạt từ một tỷ đồng đến mười tỷ đồng từ việc bán cam, quýt. Thu nhập bình quân của thị trấn đạt 42 triệu đồng/người. Nhiều hộ dân còn mở rộng sản xuất, liên kết sản xuất ra ngoài địa bàn.
Ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hòa Bình cho biết, sản phẩm cam của huyện Cao Phong được bảo hộ CDĐL là bước ngoặt mang tính chiến lược, là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững thương hiệu Cam Cao Phong.
Việc đăng ký thành công bảo hộ CDĐL cam Cao Phong đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sản phẩm. Thứ nhất, CDĐL Cao Phong là cơ sở pháp lý để bảo vệ người trồng cam Cao Phong trước các hành vi gian lận và tranh chấp thương mại về tên gọi sản phẩm trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thứ hai, đây là công cụ quảng bá và giới thiệu sản phẩm, thông qua đó, người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm cam của huyện Cao Phong nhiều hơn, chính là cơ hội mở rộng thị trường và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa. Thứ ba, CDĐL là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm, phương thức sản xuất trước yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng. Thứ tư, CDĐL buộc người sản xuất phải cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đây chính là cơ sở để hạn chế các tác động tiêu cực do biến động giá nông sản. Thứ năm, CDĐL là nhãn hiệu hàng hóa hỗ trợ người sản xuất nhỏ chưa đủ khả năng xây dựng thương hiệu hàng hóa riêng, việc sử dụng chung CDĐL cho sản phẩm góp phần thiết lập ngành hàng riêng cho nông sản đặc sản. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là cần tuyên truyền để người trồng cam ở Cao Phong nhận thức được vai trò, giá trị của CDĐL, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, duy trì chất lượng sản phẩm.
Box: Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Vấn đề tiếp theo rất quan trọng là phải quản lý và khai thác tốt CDĐL. Sẽ có hai thách thức lớn đặt ra, một là duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm, hai là sử dụng đúng và bảo vệ được tên thương mại trên thị trường. Vượt qua hai thách thức này, sản phẩm cam Cao Phong sẽ thực hiện được những bước tiến dài trong hành trình phát triển trở thành một thương hiệu mạnh với sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế.
Nam Sơn (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)