Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 30/10/2015
11:21 AM 30/10/2015 | Lượt xem: 2661 In bài viết |
TIÊU ĐIỂM |
Chủ động tiêu thụ nông sản cho nông dâ
Những tháng cuối năm, trong lúc ngành nông nghiệp loay hoay tìm đầu ra cho các loại nông sản khi thị trường xuất khẩu đang gặp khó, thì ngành công thương đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động thương mại, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân mua sắm vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Phát triển hệ thống chợ
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Dương Duy Hưng cho biết: “Để từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản và mua sắm vật tư, giống cây trồng vật nuôi, công cụ sản xuất nhỏ và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân nông thôn, trong giai đoạn 2010 - 2015, ngân sách T.Ư và địa phương đã đầu tư gần 3.000 tỷ đồng để cải tạo và xây mới gần 2.000 chợ. Đến nay, trong tổng số gần 8.600 chợ của cả nước, riêng địa bàn nông thôn, miền núi, biên giới có khoảng 6.600 chợ. Chưa kể, hàng nghìn chợ phiên, chợ cóc sáng họp chiều tan, chợ tại các khu công nghiệp, hay chợ trên sông ở đồng bằng sông Cửu Long”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống chợ thương mại mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu mua bán lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất và các nhu yếu phẩm cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nông thôn. Trong khi hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt của người dân địa phương còn nhỏ lẻ, tự phát, theo hình thức “tự sản tự tiêu”, nên giá trị không cao, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa - Lương Văn Tưởng, vùng nông thôn, miền núi của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các loại nông lâm sản, như luồng, vầu, với diện tích lớn nhất cả nước; chăn nuôi thì có “đặc sản” lợn cỏ, lợn lòi lai với sản lượng gần 200 tấn/năm, nhưng rất khó tìm đầu ra, chủ yếu vẫn tiêu thụ tại địa phương nên giá thấp, còn đưa ra ngoài tiêu thụ hầu hết do thương lái chủ động thỏa thuận giá cả, thông qua các tổ dịch vụ mua bán nhỏ lẻ, vì thế chưa có tác dụng thúc đẩy phát triển sản xuất, đầu tư công nghệ chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Để có đầu ra và thị trường ổn định cho các sản phẩm nông sản đang là điều mà địa phương trăn trở, tìm kiếm, nhưng chưa có lời giải.
Mở rộng mạng lưới kinh doanh
Để giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa ngay tại thị trường trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thực hiện đề án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp. Đó là các mô hình: Doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung; doanh nghiệp - hộ kinh doanh - hộ nông dân ở vùng sản xuất phân tán. Trong đó, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, quy trình kỹ thuật và nêu rõ yêu cầu chất lượng nông sản đối với các hợp tác xã, sau đó các hợp tác xã này chuyển giao lại cho xã viên thực hiện. Khi sản phẩm hoàn thành, các xã viên có trách nhiệm chuyển lại cho hợp tác xã, rồi chuyển giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Sau một thời gian triển khai mô hình thí điểm, đến nay, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nhiều loại mặt hàng nông sản như lúa, ớt, chè, khoai tây, rau an toàn, dưa chuột, cà chua bi, thanh long, ngô ngọt, mía, ngô... với diện tích gieo trồng gần 2.500 héc-ta. Không dừng ở việc triển khai mô hình, ngành công thương còn tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình với các siêu thị để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Ông Dương Duy Hưng cũng khẳng định: Tiêu thụ nông sản cho người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có nhiều cải thiện. Nhưng, những khó khăn về thị trường, lưu thông hàng hóa vẫn còn không ít, do đó việc tổ chức mạng lưới kinh doanh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua mạng lưới kinh doanh các loại nông sản hàng hóa và các sản phẩm hàng hóa khác trên địa bàn, sẽ ổn định được đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, miền núi.
MUA GÌ |
Hải Dương: Ớt được mùa, được giá
Vùng trồng ớt chuyên canh ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành (Hải Dương) vụ này được mùa được giá với giống ớt chỉ thiên GS 888 Gold (bà con quen gọi ớt Gold)... Bà con cho biết, vụ thu đông năm nay gặp nhiều thời tiết bất lợi, nắng nóng và mưa lớn kéo dài, có đợt mưa kéo dài gần 1 tháng. Khác hẳn với nhiều loại ớt khác đã trồng, ớt Gold tỏ ra rất khỏe mạnh và chống chịu tốt nên không bị chết ngốt (chết úng) cây nào, chất lượng quả đảm bảo cho xuất khẩu. Giống ớt Gold cho quả dài, cứng, có màu đỏ cờ, cuống xanh to, tươi lâu và chất lượng tốt. Quả có hạt múp đến ngọn nên nặng cân, vận chuyển được xa, bảo quản được lâu. Khi bán được bán được bạn hàng đánh giá cao với giá cả đắt hơn so với các giống khác. Giá ớt thu mua tại ruộng là 30.000 đồng/kg quả. Giống ớt này sẽ cho thu 3 lứa/vụ với năng suất khoảng 1,5 - 2 tấn/sào. Như vậy trừ chi phí bà con có lãi khoảng 25 -30 triệu đồng/sào.
Đồng Tháp: Nông dân trồng rau mùa lũ thất thu
Tuy đang trong thời điểm mùa lũ nhưng giá các loại rau màu trên địa bàn huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) luôn ở mức thấp, năng suất không cao, nhiều nông dân không thu lợi nhuận. Rau màu mùa lũ chủ yếu được trồng ở các xã: Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Khánh A và Long Khánh B với tổng diện tích gần 1.000 héc-ta, hàng năm cung cấp một lượng lớn rau, quả các loại cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Những năm trước đây, mùa lũ giúp cho nông dân trồng rau kiếm thêm thu nhập khá vì giá luôn cao, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi với thu nhập từ 80.000 - 120.000 đồng/ngày. Hiện nay, nhiều loại rau màu vẫn ở mức thấp như: hành lá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg; củ cải trắng 4.000 - 5.000 đồng/kg; hẹ 3.000 - 4.000 đồng/kg; ớt 15.000 - 17.000 đồng/kg thấp hơn từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết thất thường và sâu bệnh gây hại nhiều nên nông dân không thu được lợi nhuận.
Cà Mau: Giá chuối liên tục tăng
Những ngày qua, người trồng chuối ở huyện U Minh (Cà Mau) rất vui mừng khi giá mặt hàng này liên tục tăng mạnh. Đáng nói, việc trồng chuối không phải bón phân, xịt thuốc và mỗi đợt thu hoạch chỉ cách nhau chừng hơn 1 tháng nên người dân có lợi nhuận cao. Một nông dân ấp 18, xã Khánh Thuận cho biết: “Chuối của gia đình thu hoạch bao nhiêu đều được thương lái thu mua hết. Gia đình tôi vừa bán hơn 1.000 nải và hơn 60 bắp chuối, thu về gần 5 triệu đồng”. Đó là những hộ bán chuối mối, còn các hộ bán chuối không có mối có khi bán được từ 5.000 - 6.000 đồng/nải, có hôm lên tới 7.000 đồng/nải. Tuy nhiên, hình thức bán này không được người trồng ưa thích vì ai cũng muốn đảm bảo uy tín làm ăn lâu dài.
Bến Tre: Bưởi da xanh bán giá cao
Bến Tre có khoảng 5.500 héc-ta bưởi da xanh. Hiện tỉnh Bến Tre đang quy hoạch nâng tổng diện tích bưởi da xanh lên 7.000 héc-ta để phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhờ bưởi da xanh có giá cao nên rất nhiều nông dân trở thành tỷ phú, liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rất hiệu quả. Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Thành Phước (ấp Thành Phước, Thành Triệu, Châu Thành) có 27 hộ dân trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Mấy năm qua bưởi da xanh có giá ổn định, bưởi loại 1 được doanh nghiệp thu mua ngay tại vườn giá từ 40.000 - 44.000 đồng/kg nên lợi nhuận đem lại cho bà con trồng bưởi khá cao. Theo tính toán của nhà vườn, chi phí đầu tư phân bón trong gia đoạn cho trái khá thấp, chỉ khoảng 3.000 đồng/kg bưởi nên lợi nhuận người làm vườn thu được là rất lớn. Bưởi da xanh là đặc sản ngon, việc tiêu thụ cũng có những điểm nghịch lý so với nhiều loại trái cây khác. Hiện tại quả loại 1 đều được tiêu thụ ở thị trường nội địa; quả loại 2 mới đem đi xuất khẩu với giá trên 2 đô-la Mỹ/kg.
BÁN GÌ |
Đắk Lắk: Hạn chế ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sớm
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tại họ rất dè dặt trong việc ký hợp đồng sớm với các khách hàng quốc tế, đặc biệt là các hợp đồng khối lượng lớn nhằm tránh rủi ro về giá. Hầu hết các doanh nghiệp đều chờ đến gần chính vụ thu hoạch cà phê mới ký kết và giao kèo thời gian giao hàng trong thời gian ngắn để hạn chế chênh lệch giá cả thời điểm ký kết hợp đồng và giao hàng. Nguyên nhân là niên vụ 2014 - 2015, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do diễn biến bất thường của thị trường, giá trong nước cao hơn quốc tế. Mặt khác, doanh nghiệp trữ cà phê ngay từ đầu vụ với giá cao nhưng cuối vụ giá lại thấp nên phải bù lỗ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tìm kiếm đối tác trực tiếp là các đơn vị chế biến để giảm tình trạng bán qua trung gian, gây thiệt thòi về giá cả.
Cà Mau: Ngư dân trúng mùa mực
Mực là loài thủy sản biển tuy chưa xuất khẩu được nhưng vẫn có giá trị kinh tế cao. Mực ống tươi giá thị trường hiện nay là 60.000 đồng/kg, nếu làm thành sản phẩm khô mực giá lên tới 300.000 đồng/kg. Riêng đối với mực tua không làm khô có giá thị trường từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Chính vì vậy, những chuyến đi biển gần đây, hàng trăm tàu đánh cá ở tỉnh Cà Mau đã trúng đậm mùa mực (chủ yếu là mực ống và mực tua) đã giúp ngư dân thu lãi bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/chuyến sau khi trừ chi phí.
Ngư dân trúng mùa mực nhiều nhất tại các cửa biển Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, Khánh Hội thuộc huyện U Minh và thị trấn Cái Đôi Vàm thuộc huyện Phú Tân. Khai thác mực là nghề truyền thống có từ lâu đời của ngư dân của tỉnh Cà Mau. Nghề làm khô mực hình thành nên các làng nghề có khả năng phát triển mạnh, thu hút hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, đồng thời giúp ngư dân ven biển thoát nghèo.
Đồng Nai, Bình Phước: Chuyển từ nuôi gà thịt sang gà đẻ trứng
Do giá thịt gà trong nước không cạnh tranh được với thịt gà nhập khẩu, một số hộ chăn nuôi gà ở khu vực Đồng Nai, Bình Phước đã chuyển từ nuôi gà thịt sang nuôi gà lấy trứng. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước, từ đầu năm 2015 đến nay, giá thịt gà bán ra tại các trang trại chỉ ở mức dưới 25.000 đồng/kg trong khi giá thành lên tới 26.000 - 27.000 đồng/kg. Các trang trại, hộ nông dân nuôi gà công nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nông dân thường xuyên bán gà dưới giá thành do ảnh hưởng của thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Trong khi đó, giá trứng gà trên thị trường trong thời gian qua không giảm mà có xu hướng tăng, trái ngược hoàn toàn với giá thịt gà. Do đó hiện ở Đồng Nai, Bình Phước… đang có hiện tượng người chăn nuôi chuyển từ chăn nuôi gà thịt sang nuôi gà đẻ trứng. Tuy nhiên, do các trang trại chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng có kết cấu khác nhau nên việc chuyển từ chăn nuôi gà thịt sang gà đẻ trứng đòi hỏi phải sửa chữa lại trang trại cho phù hợp. Mặt khác, việc chuyển từ nuôi gà thịt sang gà đẻ trứng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt gà các loại tăng lên. Như vậy, vài tháng nữa rất có thể mặt hàng trứng gà sẽ rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, còn thịt gà các loại sản xuất trong nước sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Long An: Gà thả vườn rớt giá
Hơn 1 tháng qua, giá gà thả vườn ở Long An liên tục giảm, từ 65.000 đồng/kg nay chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg mà vẫn khó bán… Tình hình này khiến bà con chăn nuôi lo lắng bởi mỗi ngày họ đều phải chi tiền mua thức ăn, ngóng mãi mà không thấy thương lái vào mua. Các hộ chăn nuôi cũng không thể bớt khẩu phần ăn của đàn gà mà cũng không thể đổi loại cám rẻ tiền hơn. Gà càng ế họ càng phải chăm cho đẹp mã để khi bán không bị thương lái chê. Thực tế cho thấy, thị trường thịt gà thả vườn hiện nay cung lớn hơn cầu. Gà thả vườn thường nuôi 3 tháng là bán, nhưng hiện nay rất nhiều hộ nuôi trên 4 tháng vẫn chưa bán được… Nhiều dự báo cho rằng, tình trạng gà rớt giá kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tổng đàn, vì người dân không nuôi nữa. Ngoài việc đời sống của các hộ chăn nuôi gặp khó khăn, còn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường thịt gà tết.
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Ngăn chặn việc buôn bán chất cấm trong chăn nuôi: Phải diệt tận gốc
Sau chất tạo nạc, chất kích thích tăng trọng, gần đây các lực lượng chức năng đã phát hiện một chất cấm mới có tên gọi là vàng ô đã được các cơ sở chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà.
Vàng ô – chất cấm mới trong chăn nuôi
Cách đây 3 - 4 năm, thông tin chất cấm có trong thịt gia súc, gia cầm đã khiến bà con nông dân khổ sở vì giá thực phẩm sụt giảm, người chăn nuôi chân chính bị ảnh hưởng. Mặc dù các cơ quan chức đã vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện một chất cấm mới có tên gọi là vàng ô. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vàng ô là hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất vàng ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt. Chất vàng ô không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người.
Thực tế, chất này không có tác dụng tăng trọng mà chỉ có khả năng tạo màu. Khi sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số doanh nghiệp không mua các chất tạo màu sử dụng trong thực phẩm mà lấy chất vàng ô của công nghiệp, xây dựng để trộn làm vàng sản phẩm thức ăn, từ đó tạo màu vàng cho gà trong thời gian vỗ béo gà. Chất vàng ô chủ yếu dùng trộn vào thức ăn chăn nuôi gà và ít sử dụng trong chăn nuôi lợn. Trước tình hình này, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an đề nghị trong thời gian tới Bộ NN&PTNT cần sớm đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để có cơ chế xử lý.
Chấm dứt sử dụng chất cấm trong 4 tháng tới
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học. Công văn nêu rõ, nghiêm cấm tất cả các hình thức buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ngoài danh mục, đặc biệt là đối với các loại thức ăn kích thích tăng trọng nhanh, tạo nạc, tạo màu vàng, phòng trị bệnh. Đối với các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng liên quan, nhất là bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên quan của Sở NN&PTNT. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực tập kết, buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đổi với các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhập lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc.
Liên quan đến việc sử dụng hai chất cấm gây ung thư là vàng ô và salbutamol, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các địa phương phát động một đợt cao điểm về quản lý “Vệ sinh an toàn Thực phẩm” trên phạm vi toàn quốc, kéo dài từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016. Các sản phẩm trọng tâm kiểm soát bao gồm: thịt, rau, hoa quả và thủy sản.
Trong đợt cao điểm kiểm tra này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đặc biệt lưu ý đến 5 nội dung và mục tiêu quan trọng gồm: Thứ nhất, kiên quyết chặn dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là 2 chất Salbutamol và vàng ô. Thứ hai, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về vấn đề dư lượng thuốc BVTV trên rau, kháng sinh và vi sinh trên thực phẩm. Thứ ba, hình thành được các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng có chứng nhận của cơ quan chức năng. Thứ tư là siết chặt việc quản lý nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó có sự phối hợp liên ngành. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong 5 nội dung trên, vấn đề chất cấm trong chăn nuôi được đặt lên hàng đầu với mục tiêu sẽ quyết liệt chấn chỉnh, dứt điểm bằng được trong 4 tháng tới.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Hậu Giang: Thương lái tăng thu mua lúa
Sau một thời gian giảm, hiện giá lúa thu - đông ở Hậu Giang đang tăng trở lại từ 400 - 500 đồng/kg, trong đó, tăng mạnh nhất là giống IR 50404 khoảng 500 đồng/kg. Nguyên nhân do thông tin Việt Nam vừa trúng gói thầu xuất khẩu gạo với khối lượng hơn 1 triệu tấn sang Philippines. Thời điểm giữa tháng 9, lúa tươi cắt máy giống IR 50404 chỉ ở mức 3.800 - 3.900 đồng/kg, thì nay tăng lên 4.300 - 4.400 đồng/kg, nhưng bà con còn rất ít lúa để bán; riêng lúa hạt dài cũng đang dao động từ 4.600 - 4.800 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, sau khi trừ chi phí, bà con có được nguồn lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/héc-ta. Khi chưa có thông tin Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, thương lái đặt tiền cọc mua lúa cho bà con ở khu vực này chỉ 4.100 đồng/kg; nhưng sau đó lại nâng lên 4.350 đồng/kg. Nhiều bà con cảm thấy tiếc, giá như có thông tin Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo sớm thì sẽ đỡ thiệt vì giá lại tiếp tục tăng nhưng lúa đã trót bán rồi.
Với việc giá lúa tăng trở lại trong những ngày gần đây là điều đáng mừng. Nhưng do đã vào thời điểm thu hoạch cuối vụ, diện tích ít nên lượng lúa còn lại không nhiều. Đa phần bà con cắt lúa vào thời điểm rộ chỉ bán với giá thấp do ảnh hưởng mưa dầm và thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan mới về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giúp bà con phấn khởi, yên tâm đầu tư canh tác, giữ diện tích lúa với nhiều hy vọng cho vụ đông xuân tới.
Nông, lâm nghiệp, thủy sản tuyên quang Chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa
Hiện, Tuyên Quang đã hình thành được 6 vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa gồm: Chè, mía, cam, lạc, gỗ nguyên liệu và chăn nuôi bò sữa.
Trong đó có 4 vùng chuyên canh đã gắn với công nghiệp chế biến là chè, mía, gỗ nguyên liệu và chăn nuôi bò sữa. Bên cạnh đó, các mô hình liên kết mới trong sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng bước đầu được hình thành gồm: Mô hình trồng ngô ngọt, dưa bao tử, bí đỏ (Sơn Dương) và lúa chất lượng cao (Yên Sơn). Cùng với đó là diện tích cây ăn quả tương đối lớn và phong phú về chủng loại với trên 7.000 héc-ta. Trong đó đã phát triển được một số vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản, như: Vùng cam sành, bưởi Soi Hà, hồng không hạt...
Chăn nuôi đang có bước chuyển dịch rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong những năm qua, ở Tuyên Quang đã có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn với hàng trăm lợn nái ngoại và từ 300 - 500 lợn thịt/lứa, chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 1.000 - 3.000 con.
Ngành thủy sản Tuyên Quang cũng đã có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thủy sản sang nuôi các loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như: Cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá tầm... Năm 2015, ước tính sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.000 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 12,98%/năm.
Đáng chú ý, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 167 hợp tác xã nông lâm nghiệp thủy sản, trong đó có nhiều hợp tác xã đạt doanh thu cao. Trong giai đoạn tới, mô hình hợp tác xã sẽ có vai trò quan trọng để thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Quảng Trị: Người trồng cà phê gặp khó
Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được xem là “thủ phủ” thứ hai của cà phê miền Trung với thương hiệu nổi tiếng là cà phê Khe Sanh. Song bước vào thời vụ năm nay, người trồng không muốn thu hoạch, để trái chín rục ngoài cây vì giá bán quá thấp.
Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa, cà phê là cây chủ lực với tổng diện tích gần 5.000 héc-ta. Trong đó, diện tích cho thu hoạch 4.000 héc-ta, dự kiến năm nay năng suất bình quân 11 - 12 tấn/héc-ta (quá thấp), sản lượng ước đạt gần 50 ngàn tấn tươi.
Theo truyền thống, người trồng cà phê ở Hướng Hóa không cần tưới tiêu vì khí hậu ưu đãi. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, hạn hán liên tiếp hoành hành nên phương thức canh tác cà phê truyền thống xem như không còn phù hợp. Năm nay hạn nặng gây thiệt hại lớn nên sản lượng cà phê thu hoạch đầu vụ tỷ lệ nhân xô chỉ đạt 40 - 45%. Giá cà phê ở Hướng Hóa những ngày này chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg. Tiền thu hoạch mỗi ngày không đủ trả tiền công. Toàn huyện có khoảng 30% diện tích cà phê bị chín sớm, nguyên nhân được xác định là lúc trổ bông gặp hạn hán khốc liệt, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, đậu quả nên hạt chất lượng kém, chín sớm. Số cà phê chín sớm bị hạt lép, giá quá thấp khiến nông dân lao đao. Huyện đang động viên bà con cố gắng thu hoạch tận thu số cà phê chín sớm này. Cà phê chính vụ sẽ thu hoạch vào cuối tháng 10/2015. Tuy nhiên, một điều khó khăn rất lớn là người trồng cà phê và doanh nghiệp (DN) ở địa phương này đã nợ gần 300 tỷ đồng của các ngân hàng trên địa bàn để phục vụ cho việc trồng, chế biến, xuất khẩu cà phê. Nông dân âu lo vì các DN ở Hướng Hóa không còn nguồn tiền để thu mua cà phê cho họ. Trước thực tế này, huyện động viên bà con không được tự ý chặt phá cà phê để trồng các cây khác. Sở NN&PTNT phối hợp với huyện rà soát diện tích cà phê cần tái canh. Phát triển cà phê phải thích ứng với biến đổi khí hậu nên phải hết sức chú ý đến vấn đề tưới nước, không thể làm theo kiểu nhờ trời như bấy lâu nay.
Bình Định: Giá gỗ rừng trồng tăng cao
Bình Định là tỉnh có diện tích rừng trồng nhiều nhất miền Trung với 111.000 héc-ta, trong đó có đến hơn 55.000 héc-ta do hộ nông dân tự đầu tư trồng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tại tỉnh này tăng lên từng năm. Trong suốt 10 năm qua, chưa bao giờ giá gỗ rừng trồng cao ngất ngưởng như hiện nay, gần 1,4 triệu đồng/tấn…
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bình Định, cho biết: Hiện nay, các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu trên địa bàn Bình Định đang thu mua gỗ rừng trồng với giá từ 1.330.000 - 1.370.000 đồng/tấn. Mọi năm, vào cuối vụ khai thác thường thì giá gỗ rừng trồng giảm dần, năm nay ngược lại, nếu đầu vụ giá chỉ có 1.250.000 đồng/tấn sau đó tăng dần, đến nay là gần 1,4 triệu đồng/tấn. Mức giá này đã mang đến cho người trồng rừng ở Bình Định niềm vui khôn tả. Theo tính toán, hiện nay suất đầu tư cho rừng trồng suốt chu kỳ, từ khi trồng đến chăm sóc, bảo vệ, chi phí tất tần tật khoảng hơn 30 triệu đồng/héc-ta. Nếu 5 năm sau khai thác, sẽ đạt sản lượng 100 tấn/héc-ta, hộ nào để đến 7 năm mới khai thác thì sản lượng sẽ đạt đến từ 120 - 140 tấn/héc-ta. Chỉ tính rừng 5 năm khai thác, cứ cho năng suất bình quân mỗi héc-ta đạt 100 tấn gỗ, với giá bình quân 1.350.000 đồng/tấn, người trồng rừng sẽ cầm chắc trong tay hơn 135 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư suốt chu kỳ hơn 30 triệu đồng, cộng thêm chi phí khai thác, vận chuyển đến nhà máy khoảng 300.000 đồng/tấn thì mỗi héc-ta rừng người trồng thu gần 40 triệu đồng tiền lãi ròng.
Các nhà máy chế biến dăm gỗ ở Bình Định luôn thiếu nguyên liệu. Hiện lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm chỉ đủ đáp ứng khoảng 55% nhu cầu nguyên liệu của 19 nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn. Tình hình sốt gỗ rừng trồng hiện nay khiến các nhà máy chế biến dăm gỗ ở Bình Định gặp khó tứ bề. Khó khăn vì phải tăng giá để tranh mua nguyên liệu đã đành, càng khó hơn khi phải “bấm bụng” mua gỗ non (rừng trồng 3 - 4 năm dân đã khai thác đón giá cao). Không mua thì không có nguyên liệu để sản xuất, mua gỗ non thì sản phẩm kém chất lượng, thị trường nhập khẩu yêu cầu giảm giá mới mua thì chẳng những đã không có lời mà còn chịu lỗ.
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại
Những tháng cuối năm 2015, nhiều tỉnh trong cả nước, nhất là các địa bàn giáp ranh, khu vực cửa khẩu, các đường mòn, lối mở qua biên giới đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Kon Tum: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành kế hoạch số 2398/KH-UBND về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phải tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Các ngành, các cấp phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài, phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể của từng ngành, địa phương trong nhiệm vụ quan trọng này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ; nghiêm cấm mọi hành vi cố tình, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hà Giang: Đẩy mạnh tuyên truyền chống hàng giả, hàng nhái
Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 của tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý 4 năm 2015. Trong 9 tháng năm 2015, BCĐ 389 của tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý tổng số 1.390 vụ, với tổng số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 19 tỷ 623 triệu đồng. Số vụ việc phát hiện vi phạm, bắt giữ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại; lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; chống thất thu thuế; mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản trái phép… Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm, các phương thức tuyên truyền được đổi mới với nội dung, hình thức đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vận động được 503 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, từ nay tới cuối năm là thời điểm lượng hàng hóa lưu thông cả trong nội địa và trên tuyến biên giới tăng mạnh với diễn biến phức tạp. Vì vậy, BCĐ 389 của tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thành lập ngay BCĐ 389 cấp huyện làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân như: rượu, thuốc tân dược, các loại thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến toàn thể quần chúng nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh, khu vực cửa khẩu, các đường mòn, lối mở qua biên giới; kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại…
Quảng Ninh: Tập trung chống buôn lậu
Những tháng cuối năm luôn là thời điểm các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh để chuẩn bị hàng hóa cho dịp lễ, tết. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh biên giới, thời gian qua, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng tuyến đường bộ để vận chuyển hàng lậu, hàng nhái... vào sâu các tỉnh phía trong nội địa để tiêu thụ. Do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi nên mặc dù mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng giả vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Thực tế qua những vụ việc đã bắt giữ cho thấy, phần lớn các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, các đối tượng thường chọn khung giờ thất thường, chở bằng nhiều loại phương tiện và đi không theo một quy luật nào. Để qua mặt lực lượng chức năng vận chuyển hàng lậu trên tuyến, các đối tượng xé lẻ hàng hoá giấu vào các vách ngăn, hầm hàng tự tạo của các phương tiện lưu thông trên tuyến. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì đều cho biết đó là hàng tiêu dùng cá nhân của hành khách trên xe. Thậm chí có những trường hợp, đối tượng dùng cả xe chuyên dụng như xe trộn bê tông, xe cứu thương... để vận chuyển trái phép hàng hoá. Xác định cung đường từ địa bàn TP. Móng Cái đến huyện Tiên Yên vào dịp cuối năm luôn là điểm nóng về vận chuyển hàng lậu nên các lực lượng chức năng đã tập trung chống buôn lậu.
BÀ CON CẦN BIẾT |
Hỗ trợ đào tạo cho một số đối tượng ưu đãi
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo cho một số đối tượng ưu đãi.
Theo đó, người học được hỗ trợ là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, ưu tiên người khuyết tật và người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với các mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia định bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc, ngư dân…
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo cụ thể như sau: Người khuyết tật được hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.
Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học.
Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân đều được hỗ trợ với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.
Người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.
Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng nêu trên cũng được hỗ trọ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.
Riêng ngư dân học các nghề: Vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo.
Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại
Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.
Mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
Người học làm đơn đăng ký học nghề gửi tới cơ sở đào tạo đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp do mình lựa chọn. Cơ sở đào tạo căn cứ kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hợp đồng đặt hàng được giao và số lượng người học thuộc đối tượng được hỗ trợ đào tạo theo quy định của Quyết định này, tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người học và thanh toán tiền ăn, tiền đi lại cho người học ngay trong thời gian đào tạo.
HÀNG VIỆT |
Hàng Việt “bám rễ” vùng nông thôn, miền núi
Khó mấy cũng phải làm
Kỳ 1: “Thủ phủ” của hàng giả, hàng nhái
Địa bàn nông thôn, miền núi, nơi nhận thức của người dân còn hạn chế, thu nhập khó khăn, hàng Việt chính hãng chưa cắm rễ được nhiều do không thể cạnh tranh về giá và do tại đây còn thiếu vắng các điểm bán hàng Việt. Đây chính nguyên nhân để hàng giả, hàng nhái tung hoành ở các vùng miền núi.
Biết hàng giả, hàng nhái vẫn phải mua
Tại chợ Vồi, huyện Thường Tín (Hà Nội), chỉ có hơn chục sạp hàng nhưng không thiếu bất kỳ một loại hàng hóa nào, trong đó nổi bật là hàng tiêu dùng của Việt Nam, tuy nhiên phần lớn là hàng gia công được lấy từ chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc). Chứng kiến cảnh mua bán tại chợ chúng tôi thấy, người mua chủ yếu hỏi về giá cả, hai bên mặc cả thế là xong, chẳng mấy quan tâm đến nơi sản xuất, hạn sử dụng hay chất lượng.
Cầm trên tay 2 chai nước mắm Nam Ngư, một chai có giá 18.000 đồng, một chai vẫn gắn hiệu Nam Ngư, nhưng có kiểu dáng và màu sắc nhạt nhòa hơn hẳn, chỉ có giá 12.000 đồng, chị Nguyễn Thị Thêu – xã Tự Nhiên đắn đo một lúc rồi quyết định chọn chai giá 12.000 đồng. Chị giải thích: “Nước mắm nào cũng giống nhau, chọn chai 12.000 đồng cho rẻ”.
Không chỉ do giá, việc thiếu hàng hóa chính hãng cũng khiến người dân dù biết hàng giả, cũng buộc phải lựa chọn sử dụng. Tại xã Võ Miếu - một xã vùng cao của huyện Thanh Sơn - Phú Thọ - điểm trung chuyển hàng hóa rất lớn của 3 địa phương là Phú Thọ, Lào Cai và Hòa Bình, đây được coi là “thủ phủ” của hàng nhái, hàng giả. Dân trí thấp, đời sống khó khăn, thu nhập thấp, việc “nhập nhèm” giữa hàng nhái, hàng giả là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể, nhiều người tiêu dùng dù biết sản phẩm là hàng nhái, hàng giả nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nhiều sự lựa chọn, do điểm bán hàng Việt không có.
Nỗi lo chung của người dân miền núi
Chị Hà Thị Hương - xóm Bần 1, xã Võ Miếu cho hay, vì ở sâu trong núi, chẳng có tivi, báo đài nên trước đây gia đình chị thường mua phải hàng nhái, hàng giả. Gần đây, dù đã được đài báo cảnh báo sự nguy hại của hàng giả, nhưng những sản phẩm hàng nhái, hàng giả theo thương hiệu Việt Nam ngày càng được làm tinh vi, tiêu dùng ở miền núi như chúng tôi rất khó phân biệt “Chúng tôi lo nhất là nếu mua nhầm thực phẩm cho trẻ con thì thực sự gây hại bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của các cháu” - chị Hương nói. Nỗi lo của chị Hương cũng là mỗi lo chung của người dân miền núi, vùng cao.
Không những tràn lan trong các cửa hàng nhỏ lẻ, hàng nhái, hàng giả còn rong ruổi theo những chuyến xe đạp, xe máy. Người tiêu dùng không còn xa lạ với những chiếc xe đạp, xe máy chất đầy hàng hóa, rực rỡ sắc màu với chiếc loa quen thuộc len sâu vào các khu dân cư. Tại đó, người tiêu dùng được phục vụ “vô tư” rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái từ đồ dùng thiết yếu như: dầu gội đầu, bột giặt, giấy ăn, bánh kẹo… đến những mặt hàng có giá trị cao hơn như đồ gia dụng, xoong nồi…
Trong khi đó, bà Nguyễn Lệ Thủy – Chủ cửa hàng thương mại Võ Miếu – xã Võ Miếu cho hay, để phục vụ cho bà con, đồng bào dân tộc, nhân viên cửa hàng đã từng phải “cõng” từng chuyến hàng đến với bà con, nhưng khó có thể cạnh tranh được với hàng nhái, hàng giả về giá.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái vẫn chưa có hồi kết. Ước mơ cho bà con được sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, chính hãng vẫn luôn đau đáu trong những người làm quản lý, doanh nghiệp. Hành trình đưa hàng Việt Nam đến những khu vực khó khăn này còn cần rất nhiều giải pháp để có thể trở thành hiện thực.
Box: Có lẽ không phải nhắc nhiều đến câu chuyện đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khi hoạt động này đã trở thành một trong những trọng tâm của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) suốt gần 6 năm qua. Nhu cầu “khát” hàng Việt của người dân miền núi là có thật, điều quan trọng nhất là làm sao để đáp ứng nhu cầu và mong muốn sử dụng hàng Việt của người dân vùng nông thôn, miền núi khi nguồn cung đã sẵn sàng.(Mời xem tiếp số sau)
Ban biên tập ((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện))