TIÊU ĐIỂM |
Để con tôm phát triển bền vững
Nhiều năm qua, ngành hàng tôm luôn có giá trị cao trong nhóm đầu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu (XK). Thế nhưng từ đầu năm đến nay trước những thay đổi bởi thời tiết bất thường, dịch bệnh và thị trường XK sụt giảm, trong khi tôm nguyên liệu gặp cạnh tranh giảm giá đã đẩy người nuôi tôm lâm vào thế khó.
Người nuôi tôm gặp khó
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển ngành tôm nước lợ. Đến năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng đạt 604.954 héc-ta. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là nguồn tôm giống chưa chủ động, phải nhập từ ngoài vùng, quản lý chất lượng giống chưa tốt khi tình trạng giống trôi nổi đang liên tục diễn ra; năng lực khoa học công nghệ trong thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng còn yếu. Tốc độ phát triển nuôi tôm nước lợ trong thời gian qua rất nhanh, nhưng chủ yếu theo chiều rộng, sự tăng trưởng nhanh của sản lượng, phát triển chất lượng theo chiều sâu còn rất hạn chế. Nguyên liệu sản xuất thuốc, thức ăn phụ thuộc nhập khẩu; không thể kiểm soát giá cả, chất lượng thức ăn là nguyên nhân chính tác động đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Một số bà con nuôi tôm chưa nhận thấy rõ lợi ích từ việc làm này, chỉ muốn mua giống giá thấp, không cần biết tôm giống đến từ đâu, do ai sản xuất và có nhiễm mầm bệnh gì... Bên cạnh đó, hệ thống phân phối thông qua các đại lý, điểm bán hàng đã góp phần tăng cao chi phí trung gian, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi tôm khi người nuôi không rõ nguồn gốc cụ thể và chi phí đầu vào quá cao. Hầu hết các hộ nuôi đều không có ao lắng, ao xử lý thải, khu vực xử lý bùn đáy ao nên khi xuất hiện bệnh người dân xử lý không triệt để hoặc thải trực tiếp ra môi trường ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác, sản lượng tôm nguyên liệu trong nước vừa qua sụt giảm còn do yếu tố khó khăn về thị trường. Một số nước nhập khẩu tôm của Việt Nam đã đưa ra các rào cản kỹ thuật cũng là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Hướng đến nuôi tôm an toàn
Để hạn chế đà sụt giảm năng suất và chất lượng tôm nói chung và tôm xuất khẩu nói riêng trong những tháng cuối năm, Tổng Cục Thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm. Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo người nuôi tuân thủ đúng lịch thời vụ, lựa chọn kỹ tôm giống phải qua kiểm dịch và thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xử lý ao, nước và môi trường nuôi từng thời điểm. Bên cạnh đó, các địa phương khuyến cáo người nuôi chỉ sử dụng các loại thuốc thú y thuỷ sản được phép lưu hành và có nguồn gốc rõ ràng. Cần chủ động phòng trừ dịch bệnh cho tôm ngay từ khi thả nuôi, đặc biệt ở những vùng nuôi tập trung để cảnh báo cho người nuôi chủ động phòng trừ và tuyên truyền hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt “ba không” (không giấu dịch, không xả nước thải chưa xử lý ra môi trường và không xả tôm chết ra môi trường) để hạn chế lây lan mầm bệnh. Ngoài ra, khi tôm nuôi có bệnh và chết, người nuôi phải khai báo với cơ quan quản lý sản xuất, không xả thải nước ra môi trường để tranh lây lan mầm bệnh ra diện rộng. Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu các tỉnh cần coi trọng việc thả nuôi tôm thương phẩm. Trong đó, các cơ quan quản lý cập nhật và dự báo nhu cầu về thị trường đối với sản phẩm tôm nuôi và thông báo đến người nuôi kịp thời nhằm chủ động trong tổ chức sản xuất. Về quản lý con giống, các địa phương cần tập trung kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm dịch tôm giống nhập nhằm quản lý tốt chất lượng tôm giống trước khi đưa vào thả nuôi, hạn chế dịch bệnh và thiệt hại cho người nuôi tôm. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực thực hiện đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hạn chế lệ thuộc vào một vài thị trường lớn, có kế hoạch hướng vào những thị trường tiềm năng có nhu cầu phát triển tốt như các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc và tận dụng tốt những cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do.
MUA GÌ |
Hà Tĩnh: Ngư dân trúng đậm mực khơi
Liên tiếp mấy tuần qua, ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển thuộc các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) rất phấn khởi vì liên tiếp được mùa, bội thu mực biển với số lượng lớn. Chỉ sau mỗi chuyến ra khơi khai thác khoảng 5 - 6 ngày, các tàu trở về cập cảng cá Cửa Sót, Cửa Nhượng, Xuân Hội… trên khoang đều đầy ắp mực tươi. Tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, đợt này ngư dân trúng đậm “lộc biển”, chủ yếu là loại mực ống. Mỗi tàu (có 6 - 7 thuyền viên) ra khơi chừng 1 tuần đều khai thác được từ 4 - 6 tạ mực, vận chuyển về các bến cảng bán tại chỗ cho thương lái với giá thấp nhất 175.000 đồng/kg, cao nhất 220.000 đồng/kg, mực to nhất gần 1kg/con, bình thường từ 3 - 5 con/kg. Còn ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, mỗi chuyến ra khơi 5 - 6 ngày, nhiều tàu kiếm được 50 - 80 triệu đồng. Sản lượng vụ thủy hải sản năm nay toàn xã đạt khoảng 800 tấn, trong đó mực chiếm hơn 1/2, còn lại là các loại hải sản khác. Sau khi các tàu cập bến, thương lái tiếp cận thu mua tại chỗ nhanh chóng và bán được với giá cao, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận người dân địa phương tham gia phục vụ, kinh doanh hậu cần nghề cá trên bờ.
Khánh Hòa: Tôm hùm giá liên tục giảm
Theo bà con nuôi tôm hùm ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), giá tôm hùm bông thương phẩm giảm liên tục. Nếu như đầu năm 2015 giá 1,6 - 1,8 triệu đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn 1,33 - 1,38 triệu đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ nhiều năm nay. Với giá này, sau khi thu hoạch người nuôi không có lãi mấy, thậm chí thua lỗ đối với những hộ đầu tư cao và nuôi bị hao hụt nhiều. Xã Cam Bình có khoảng 4.500 lồng nuôi tôm hùm, trong đó tôm hùm xanh chiếm khoảng 60%. Riêng tôm hùm xanh hiện bà con đã thu hoạch xong, bán với giá trên dưới 1 triệu đồng/kg, nên đa phần đều có lãi và đang thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên đối với tôm hùm bông thì toàn xã còn khoảng 400 lồng nuôi (mỗi lồng khoảng 60 con) đang chuẩn bị thu hoạch. Tôm hùm bông có giá trị kinh tế rất cao, tuy nhiên chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nên giá cả không ổn định.
Đà Lạt: Giá atisô tăng cao
Giá atisô đang tăng cao khiến người dân Đà Lạt rất phấn khởi. Các vườn đặc sản atisô nối dài từ Sào Nam, Tây Hồ (phường 11) vào đến Thái Phiên (phường 12), được thành phố quy hoạch thành vùng chuyên canh atisô lớn nhất Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung. Trung bình mỗi 1 héc-ta một năm người nông dân thu về khoảng 15 tấn khô các loại (lá, hoa, thân và rễ), giá trị đạt 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nếu tính hiệu quả kinh tế thì cây atisô còn lớn hơn nhiều so với đầu tư trồng hoa trong nhà kính. Hiện tại đang trong thời điểm nghịch vụ nên giá 1kg hoa atisô tươi ngoài chợ đã tăng mạnh từ 30.000 lên đến 130.000 đồng/kg, nhưng số lượng atisô tươi bán chỉ tính trên đầu ngón tay. Còn các sản phẩm như lá khô giá 12.000 đồng/kg, rễ khô 130.000 đồng/kg, thân khô 110.000 đồng/kg, hoa khô trên dưới 300.000 đồng/kg. Ước tính, mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 4.000 tấn trà atisô khô. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất trà chỉ mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nội địa. Do đó, trong một vài năm tới giá atisô vẫn được dự báo duy trì ở mức ổn định.
Bình Định: Giá gỗ nguyên liệu giấy tăng
Từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu để chế biến dăm xuất khẩu như bạch đàn, keo lai được các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Định thu mua ở mức ổn định 1,25 triệu đồng/tấn... Theo Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Bình Định), mức giá này tăng 200.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối năm ngoái. Với mức giá cao và ổn định như trên, người trồng rừng đang có lãi trên 500.000 đồng/tấn gỗ nguyên liệu. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác được gần 4.000 héc-ta rừng trồng với sản lượng gỗ nguyên liệu đạt trên 340.000 tấn. Theo kế hoạch trong năm 2015, toàn tỉnh sẽ khai thác trên 10.000 héc-ta rừng sản xuất, tập trung tại địa bàn các huyện Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn.
BÁN GÌ |
Cần Thơ: Cá giống tiêu thụ chậm
Thời điểm này, dù đã bước vào mùa thả nuôi cá, nhưng sức tiêu thụ cá giống tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở Cần Thơ còn khá chậm. So với cùng kỳ năm trước, giá phần lớn các loại cá giống đều bình ổn hoặc giảm nhẹ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg hoặc 100 - 500 đồng/con. Dù chi phí sản xuất đầu vào của nhiều loại cá giống có tăng làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất nhưng do thị trường có nhiều áp lực cạnh tranh và sức tiêu thụ còn chậm nên hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh cá giống đều cố gắng giữ ổn định, thậm chí hạ giá để dễ bán hàng. Năm nay, việc sản xuất nhiều loại cá giống gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình thời tiết bất lợi do nắng nóng kéo dài, trời ít mưa.
Bình Định: Xuất khẩu 2 đợt cá ngừ sang Nhật Bản
Thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, đến nay, Bình Định đã triển khai hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản thí điểm xây dựng chuỗi liên kết giữa Công ty CP Thủy sản Bình Định với 5 tàu câu, bảo quản cá ngừ đại dương (CNĐD) theo phương pháp hiện đại; đã thực hiện được 2 đợt xuất khẩu CNĐD nguyên con sang Nhật; tổ chức JICA Nhật Bản chuẩn bị hỗ trợ 25 bộ thiết bị câu CNĐD cho ngư dân. Trong khi đó, Phú Yên đã công bố chuỗi liên kết giữa Công ty CP Bá Hải với 8 tổ sản xuất trên biển (gồm 72 tàu câu CNĐD) đã được Bộ KHCN phê duyệt hỗ trợ một phần kinh phí nhập khẩu đồng bộ thiết bị cấp đông theo công nghệ CAS. Riêng Khánh Hòa đã tổ chức được 3 ngư đội (gồm 11 tàu CNĐD) hoạt động theo mô hình tàu mẹ - tàu con. Ngoài ra, Công ty Yanmar đang tiến hành thành lập công ty cổ phần, trong đó cổ đông là những người trực tiếp khai thác trên tàu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc khai thác cá ngừ theo chuỗi giá trị vẫn còn quá mới đối với ngư dân. Nhiều ngư dân vẫn chưa bán sản phẩm cho doanh nghiệp trong chuỗi liên kết; lý do, ngư dân không vay được vốn lưu động từ ngân hàng và vẫn lệ thuộc vào vốn của các chủ nậu vựa. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện các vướng mắc của mô hình liên kết chuỗi. Trong đó xác định việc xây dựng chuỗi liên kết phải tập trung làm rõ bản chất cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa doanh nghiệp thu mua - chủ tàu - ngư dân khai thác CNĐD.
Thu gom hạt bàng bán cho thương lái
Ở đồng bằng sông Cửu Long, cây bàng là loại cây tạp, mọc tự nhiên ven các con sông, kênh rạch và không được ai chăm sóc. Từ xưa đến nay, người dân nông thôn chỉ sử dụng thân cây để làm củi đốt, còn hạt thì không sử dụng đến. Tuy nhiên gần đây, một vài người dân đã đi thu loại hạt này, gom bán cho thương lái để xuất sang nước ngoài làm bánh, mứt. Hiện hạt bàng có giá từ 100.000 - 170.000 đồng/kg. Để có 1 kg hạt bàng thì phải đi thu gom được khoảng 60kg trái bàng (đã được phơi khô).
Gà đồi sạch Sóc Sơn bán chạy
Mặc dù mới được thành lập, nhưng mô hình chăn nuôi gà đồi thả vườn bán hoang dã của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đã tạo được uy tín, chất lượng, thương hiệu nhất định đối với các siêu thị lớn như Metro, BigC… đặc biệt là người tiêu dùng, nhờ chất lượng thịt gà thơm, ngon, bổ dưỡng. Để nuôi được gà sạch, chủ các trang trại, các hộ gia đều phải áp dụng quy trình nuôi đặc biệt với các công đoạn rất công phu. Ông Nguyễn Văn Thứ, thôn Lương Đình (Bắc Sơn) với kinh nghiệm 10 năm nuôi gà đồi cho biết, hiện ông đang nuôi 3.000 con gà thịt là giống gà ri, mía và gà lai chọi. Muốn có gà sạch, trước tiên phải có bố mẹ sạch, con giống “sạch”. Sạch mầm bệnh, sạch khánh sinh, không dư lượng hoóc môn tăng trưởng... Từ khi gà nở cho đến khi xuất chuồng, bà con chăn nuôi không được sử dụng thuốc, thức ăn hoàn toàn tự nhiên như ngô, lúa, cám, rau, củ quả...
LƯU Ý CẢNH BÁO |
Thị trường tôm giống khó kiểm soát chất lượng: Chất lượng không đảm bảo
Qua thực tế tình hình nuôi tôm của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, người nuôi tôm nào chọn được giống tốt thì tôm nuôi vụ đó lớn nhanh, sức chống chịu của tôm với điều kiện môi trường tốt, ít dịch bệnh, khả năng thắng lợi vụ tôm đó là rất cao. Còn người nuôi tôm nào chẳng may chọn phải tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không được kiểm tra mầm bệnh, chất lượng giống đầy đủ thì coi như vụ tôm đó chắc chắn thất bại. Dù rằng tôm giống quyết định 50% thành bại của nghề nuôi tôm nhưng đến nay một phần không nhỏ tôm giống trên thị trường có chất lượng không đảm bảo. Theo Tổng cục Thủy sản, việc nhập giống với số lượng lớn, địa bàn rộng, nguồn giống nhập đa dạng gây rất khó khăn cho hoạt động kiểm soát chất lượng con giống và quản lý dịch bệnh. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các trại giống tôm chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, không đạt tiêu chuẩn và chưa kiểm soát được chất lượng con giống. Các trại sản xuất giống tôm sú tại ĐBSCL chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ tự nhiên, chất lượng không đồng đều; trong khi đó, nguồn tôm thẻ chân trắng bố mẹ lại phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; số lượng nhập khẩu tôm bố mẹ và tần suất sinh sản chưa được kiểm soát đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và tiêu thụ tôm giống đảm bảo chất lượng trong vùng. Thêm vào đó, với lịch mùa vụ tập trung trong giai đoạn tháng 1 - 11, việc cung cấp con giống chất lượng chưa đảm bảo sản xuất liên tục trong thời gian thả nuôi đã tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất kinh doanh giống kém chất lượng tiếp cận đến người nuôi. Một số cơ sở ương giống mua naupli, post của các doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn trộn với tôm của mình sản xuất hoặc trộn với tôm giống không rõ nguồn gốc rồi lấy bao bì, nhãn mác của các công ty sản xuất tôm giống có uy tín để đưa lượng tôm giống này ra thị trường. Chính tôm giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sạch bệnh làm lan truyền mầm bệnh khắp nơi, gây thiệt hại lớn.
Chọn tôm giống đúng quy cách
Bà con chọn mua tôm giống thả nuôi từ các cơ sở sản xuất tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định; tôm Postlarva có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV, hoại tử gan tụy...
Về kích cỡ tôm giống, cần chọn tôm sú tối thiểu PL15 tương ứng chiều dài 12 mi-li-mét (mm), tôm thẻ chân trắng tối thiểu PL12 tương ứng chiều dài 9 - 11mm. Do áp lực thiếu giống, nhiều bà con đã tiến hành thả giống chỉ đạt kích cỡ PL8 đến PL12 (tùy theo loại tôm) nhưng ở giai đoạn này tôm chưa phát triển hoàn chỉnh như tôm trưởng thành nên tôm không đủ sức chống lại điều kiện khắc nghiệt khi vận chuyển giống hay điều kiện thủy lý hóa, thổ nhưỡng tại ao nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi tôm có thể sử dụng các biện pháp đánh giá cảm quan để chọn tôm giống chất lượng. Cảm quan đánh giá về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối. Tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt. Phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa. Phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám, đường ruột đầy thức ăn, không bệnh phát sáng. Ngoài ra, khi thả tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khỏe thường bơi ngược dòng nước hoặc bám chung quanh thành thau, tôm yếu tụ lại ở giữa. Nếu có trên 5% tôm con thả trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm xấu không nên chọn mua.
Để việc nuôi tôm đạt hiệu quả cao, mang tính bền vững, bà con phải thực hiện các giải pháp nuôi đồng bộ, thực hiện đúng lịch thời vụ quy định. Cần xây dựng, duy trì các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi tôm nhằm tăng cường sự hỗ trợ trong sản xuất, cùng nhau phát hiện sớm dịch bệnh tôm để dập tắt kịp thời; thực hiện việc thả tôm giống đạt chất lượng, kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG |
Khánh Hòa: Tôm hùm lại bị ép giá
Nếu như đầu năm 2015, giá tôm hùm nuôi thương phẩm cỡ 1 kg ở Khánh Hòa đạt 1,7 - 1,8 triệu đồng/kg, đến tháng 3 giảm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/kg. Với giá này, người nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ, bù công; thậm chí bán được rồi muốn lấy tiền cũng khó. Tuy nhiên, người nuôi tôm phải chấp nhận do tôm đang đến kỳ thu hoạch, lại có dịch bệnh nên đành bán tháo với giá thấp. Nhiều hộ nuôi cố gắng cầm cự đến cuối vụ, chờ giá lên khi thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nhưng năm nay “quy luật cuối vụ tôm được giá” lại không xảy ra. Với giá tôm ở mức 1,3 - 1,35 triệu đồng/kg tôm loại 1 như hiện nay, 1 kg tôm xuất bán người nuôi sẽ bị lỗ 300.000 – 400.000 đồng so với những năm trước đó. Nếu tính tổng chi phí nuôi thêm trong vòng 3 tháng để chờ giá lên cao thì năm nay người nuôi không có lãi.
Tại Khánh Hòa, hiện có 19.000 lồng tôm hùm thương phẩm, sản lượng hơn 900 tấn, tập trung chủ yếu ở Vạn Ninh và thành phố Cam Ranh. Nhưng đầu ra cho tôm hùm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Nhiều năm qua, thương lái Trung Quốc đã "nắm đằng chuôi" việc xuất khẩu tôm hùm. Thời gian đầu vào thị trường Việt Nam, họ tìm mọi cách để tiếp cận thị trường và các cơ sở thu mua. Ban đầu họ tỏ ra dễ dàng trong thẩm định chất lượng sản phẩm, chi tiền hào phóng. Thế nhưng, khi nắm được thị trường thì họ thao túng giá; giá họ đưa ra bao nhiêu, các thương lái Việt Nam ít được mặc cả và phải quay sang ép giá mua tôm của người nuôi để có lợi nhuận.
Trước tình trạng này, ngành thủy sản Khánh Hòa đã nhiều lần đề xuất, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch, đứng ra liên kết với người nuôi, thu mua tôm trực tiếp để ổn định giá cả. Bên cạnh đó, tuyên truyền người nuôi tôm nên giãn thời gian nuôi, tránh dồn vào 1 vụ, bởi khi sản lượng thu hoạch nhiều rất dễ bị ép giá. Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả của những đề xuất này là không nhiều.
Số lượng mô hình chuỗi liên kết thu mua cá ngừ còn ít
Vừa qua, Bộ NN & PTNT đã phối hợp với tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức sơ kết thực hiện đề án "Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi".
Mô hình liên kết này đã mang lại kết quả bước đầu. Các công ty thu mua cá ngừ đã gắn kết với các ngư dân khai thác cá ngừ, xây dựng cam kết hỗ trợ công nghệ và thu mua cá ngừ cho ngư dân. Ngư dân nhận thiết bị khai thác, được đào tạo và cam kết thực hiện khai thác theo yêu cầu kỹ thuật của công ty, công ty mua giá cao hơn thị trường.
Theo số liệu từ ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to, 6 tháng đầu năm nay đạt 9.800 tấn, 30% tàu khai thác cá ngừ bị lỗ vốn. Thực tế, trong gần 1 năm triển khai dự án cho thấy, số lượng mô hình chuỗi liên kết, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ còn ít; Chưa có nhiều chuyển biến về công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ.
Ngoài ra, việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, ngoài cần nguồn vốn lớn còn đòi hỏi ngư dân phải có kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ. Ngư dân vẫn chưa thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi nên không nhiệt tình tham gia. Sản phẩm khai thác vẫn phải qua trung gian mới đến được nhà máy.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Cà Mau: Nông dân quay lưng với cây mía
Tình trạng phá mía để chuyển sang cây trồng khác đang là một thực trạng diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận thấp.
Tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nông dân đã chặt bỏ gần 700 héc-ta mía. Nguyên nhân là do từ năm 2013 đến nay giá mía liên tục sụt giảm. Thực tế cho thấy, với giá mía chỉ khoảng 800 đồng/kg người nông dân không thể nào sống được với cây mía. Điều đáng nói là chi phí nhân công đang khiến cho trồng mía không còn lợi nhuận. Tiền thuê mướn nhân công thu hoạch 1 tấn mía cũng đã mất từ 200.000 - 250.000 đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trồng mía ở Việt Nam không hiệu quả do năng suất mía quá thấp, chỉ khoảng 65 tấn mía/héc-ta, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan 78 tấn/héc-ta, Trung Quốc 75 tấn/héc-ta. Điều đáng nói là dù giá mía của Việt Nam đã xuống rất thấp, đến mức nông dân không có lãi, nhưng vẫn cao hơn các quốc gia trồng mía tiên tiến khác như Thái Lan hay Australia.
Trụ tiêu bằng cây gòn bán chạy
Giá tiêu tăng kỷ lục khiến bà con nông dân Tây Nguyên ồ ạt trồng tiêu chạy theo lợi nhuận. Nắm bắt được nhu cầu về cây làm trụ cho tiêu bám, hàng ngàn chuyến xe chở cây gòn từ mọi nơi đổ về bán khắp các tỉnh Tây Nguyên.
Trước đây, khi tiêu chưa được trồng nhiều trụ cho tiêu bám leo chủ yếu là các loại cây như: muồng đen, cây mức, vồng nem, sầu đâu… tuy nhiên, do không đủ để áp ứng cho nhu cầu trồng tiêu, kèm theo một số loài cây này có tiền ẩn sâu bệnh rất dễ lây lan sang cho tiêu. Chính vì vậy, thời gian vừa qua bà con nông dân đã mua cây gòn để làm trụ cho tiêu leo, bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Thời điểm hiện nay được xem là lý tưởng nhất để trồng tiêu, nhu cầu về trụ tiêu không thua kém gì cây tiêu giống. Nhanh chóng nhận thấy nhu cầu rất lớn của bà con về cây gòn, các nhà buôn từ Long Khánh (Đồng Nai) đã vận chuyển và cung ứng tận vườn cho các hộ dân. Giá gòn khi đến tận tay người nông dân dao động từ 17.000 – 20.000 đồng/cây tùy thời điểm gòn về nhiều hay ít. Theo các chủ xe gòn thì đây là mức giá khá cao, năm nay các hộ trồng gòn vừa được mùa vừa được giá. Thậm chí, nhiều thương lái còn cho xe vận chuyển tới tận vườn và tư vấn thêm cách trồng và chăm sóc để cây gòn phát triển tốt, không cạnh tranh chất dinh dưỡng của tiêu.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, trước khi chọn gòn làm cây trụ cho tiêu bám leo, bà con đã tìm hiểu rất kỹ về cách chăm sóc đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất. Trong khi đó, các chủ buôn gòn về chủ yếu là từ Đồng Nai lên và lượng gòn bán ra lớn trong
CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN |
Phân biệt hàng thật phân bón lá K-Humate
Công ty TNHH Hoàng Đại (chi nhánh tại B469 Quốc lộ A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) là công ty sản xuất và phân phối phân hữu cơ bón qua lá độc quyền của Công ty Vincal (Hoa Kỳ) từ năm 2003.
Các sản phẩm của công ty luôn thực hiện đúng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm do Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT quy định. Tuy nhiên, một số sản phẩm của công ty đã bị làm giả, làm nhái.
Được biết tại một số tỉnh miền Tây khác cũng có hiện tượng tương tự và đang được các cơ quan chức năng kiểm tra.
Để giúp bà con nông dân nhận biết hàng thật – giả, tránh mất tiền oan, tốn kém chi phí sản xuất, Công ty TNHH Hoàng Đại đưa ra cách phân biệt cũng như giới thiệu mẫu, mã hàng chính hãng đang lưu hành trên thị trường như sau:
Sản phẩm đúng của Công ty TNHH Hoàng Đại:
- Sản phẩm VINACAL K-HUMATE có tên trong danh mục sử dụng và lưu hành với QĐ 432 QĐ-TT-ĐPB cấp ngày 8/9/2011.
- Sản phẩm VINA SUPER HUMATE có tên trong danh mục sử dụng và lưu hành với QĐ số 218/QĐ-TT-ĐPB cấp ngày 6/7/2010.
Sản phẩm giả do Cty TNHH TM và SX Phụng Hoàng đã phân phối:
- (Phía trên góc trái của nhãn hiệu sản phẩm có logo PH của Cty TNHH TM và SX Phụng Hoàng)
- Giữa hai Cty TNHH TM và SX Phụng Hoàng và Cty TNHH Hoàng Đại chưa bao giờ ký hợp đồng phân phối độc quyền; Công ty TNHH Hoàng Đại cũng chưa bao giờ thuê PGS.TS Mai Thành Phụng làm cố vấn kỹ thuật cho sản phẩm này.
- Số quyết định cho phép sản suất và lưu hành ghi trên nhãn là loại hết hạn và Cty TNHH Hoàng Đại không sử dụng từ lâu.
Phân biệt sữa bột thật – giả
Sữa bột, nhất là sữa bột cho trẻ em bị làm giả rất nhiều. Các bà mẹ đi mua sữa cho con cần lưu ý những kiến thức sau đây để tránh mua phải sữa giả cho con.
Quan sát bên ngoài hộp sữa khi mua
Trên hộp thiếc hoặc hộp giấy đều có mã vạch, kiểm tra mã vạch sản phẩm (của Pháp là 35, Đức là 40, Hà Lan là 87, Việt Nam là 893).
Nên xem kỹ hạn sử dụng trên sản phẩm. Sữa thật có hạn sử dụng được dập nổi. Đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ nước ngoài, hãy kiểm tra tem phụ và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt từ nhà phân phối.
Lưu ý mua sản phẩm còn trong (xa) hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn, hộp không méo mó…, và có tem nhãn bảo đảm của cục kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quan sát sữa bột bên trong và pha thử
Kiểm tra bằng mắt: Loại ngon thì có màu vàng nhạt. Các loại có màu vàng cháy, xam xám thì không ngon. Sữa bột giả thì vón cục, màu không tự nhiên.
Kiểm tra bằng mũi: Sữa bột bình thường có mùi sữa thơm mát. Nếu ngửi thấy có mùi ngai ngái, chua, tanh là loại đã biến chất.
Kiểm tra bằng tay: Sữa bột bình thường thì sờ vào thấy mềm mịn; nếu bị ẩm sẽ vón cục, vón hòn lại, nhưng còn chưa bị biến mùi biến màu, ấn tay vào tan ra ngay thì cần phải giải quyết nhanh. Nếu như sữa đã biến màu thành vàng khè và có mùi lạ thì phải bỏ đi ngay.
Pha thử với nước nguội: Cho một muỗng sữa bột vào nước sôi để nguội, sữa thật thì cần phải khuấy lên mới tan, còn sữa giả sẽ tan rất nhanh hoặc lắng xuống khi chưa khuấy. Trong nước nóng, sữa bột thật thì nổi lửng lơ và kết hạt ngậm nước, còn sữa giả thì tan rất nhanh, không có màu sắc tự nhiên của sữa.
Nếm thử: Cho một ít sữa bột vào trong miệng thử, nếu cảm thấy sữa mịn và dính dính nơi đầu lưỡi và vòm ngạc, tan rất chậm thì là sữa thật. Sữa giả thì hạt to, thô, nhiều chua, chóng tan, không có mùi đặc trưng của sữa bột, hoặc có nhưng nhạt.
Mỗi loại sữa ngoại khi nhập khẩu vào Việt Nam đều có 1 công ty phân phối chính thức. Vì thế, cách tốt nhất và an toàn khi chọn sữa cho con là nên mua hàng chính hãng. Ngoài ra, việc chọn sữa nội, sản xuất tại Việt Nam cũng là giải pháp an toàn cho sức khỏe.
BÀ CON CẦN BIẾT |
Quy trình cấp thẻ bảo hiểm cho người dân xã bãi ngang ven biển
Thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, từ 1/6/2015, khoảng 100.000 người dân Phú Yên sinh sống tại 16 xã vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn của Phú Yên sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí có thời hạn đến hết năm 2015. UBND tỉnh Phú Yên giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh, BHXH tỉnh, Sở Tài chính, các ngành liên quan và địa phương tổ chức việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng theo đúng quy định.
Sở LĐ-TB&XH và BHXH Phú Yên đã hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng sinh sống tại 16 xã bãi ngang ven biển trên địa bàn để cấp thẻ BHYT. Việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho người dân xã bãi ngang khó khăn là chính sách rất kịp thời nhằm hỗ trợ người dân vùng khó khăn tiếp tục bám biển, yên tâm sản xuất và đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh khi gặp ốm đau.
Hiện tỉnh Phú Yên có 16 xã bãi ngang ven biển vùng kinh tế khó khăn với 142.000 dân. Theo tính toán, nếu trừ các trường hợp là đối tượng chính sách đã được Nhà nước cấp thẻ miễn phí, người lao động trong lực lượng công an, quân đội... sẽ còn lại khoảng hơn 100.000 người là đối tượng sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Thẻ BHYT có hiệu lực từ ngày 1/6/2015 đến 31/12/2015 và được hưởng mức quyền lợi có giá trị thanh toán 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh. Các đối tượng có mã quyền lợi tương đồng hoặc cao hơn thì giữ nguyên thẻ BHYT đã phát hành để tiếp tục sử dụng. Các đối tượng có mã quyền lợi thấp hơn nhưng phải cấp thẻ theo thứ tự quy định tại điều 12 của Luật BHYT thì địa phương thực hiện thông báo cho đối tượng để đổi lại mã thẻ cho phù hợp. Trường hợp các đối tượng đã mua thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau ngày 1/6/2015 thì được thoái thu từ ngày 1/6/2015 cho đến hết giá trị của thẻ. Việc thực hiện cấp thẻ mới, thu hồi thẻ cũ và hoàn trả tiền cho đối tượng được thực hiện đồng thời để tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Sở LĐ-TB&XH và BHXH Phú Yên đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã liên quan đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông để nhân dân nắm rõ chủ trương về việc cấp thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển. UBND xã hướng dẫn hộ gia đình kê khai đầy đủ các thành viên trong hộ. Đồng thời tiến hành lập danh sách ghi đầy đủ các thông tin và lập theo thứ tự hộ gia đình và gửi BHXH cấp huyện trên địa bàn để rà soát in cấp thẻ BHYT. Sau khi nhận thẻ BHYT từ BHXH huyện, UBND xã tiến hành cấp phát kịp thời.
HÀNG VIỆT |
Hoành Bồ (quảng ninh): Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) được đánh giá là địa phương có cách làm hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm nông sản như mật ong Thống Nhất, rượu bâu Bằng Cả và nấm linh chi Quảng La đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Đây là những sản phẩm thế mạnh của huyện và được người dân nuôi, trồng, sản xuất tập trung, có truyền thống, có chất lượng.
Khẳng định chất lượng sản phẩm
Hoành Bồ vốn được coi là “vựa hoa” của Quảng Ninh, tập trung ở các xã Thống Nhất, Lê Lợi, thị trấn Trới. Cùng với địa hình đồi núi, mật ong tại đây có vị thơm đặc trưng, sánh và không pha tạp. Hiện tại trên địa bàn xã Thống Nhất có khoảng 60 hộ nuôi ong, với trên 1.200 tổ, sản lượng trên 5.000 lít mật/năm. Đây là xã có nhiều điều kiện để phát triển nuôi ong mật vì tận dụng được lợi thế diện tích đất rừng tự nhiên và rừng trồng rộng lớn với nhiều loài cây khác nhau như: Vải, nhãn, keo, sú, các loại hoa… Vì vậy, chất lượng mật ong của xã Thống Nhất được đánh giá cao trên thị trường. Xã đã thành lập HTX mật ong Thống Nhất với 29 thành viên tham gia, từ đó việc nuôi ong và sản xuất mật ong trên địa bàn xã sẽ được thực hiện theo quy trình khép kín, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch cho đến đóng gói, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, chất lượng của mật ong Thống Nhất sẽ được nâng cao, thương hiệu của sản phẩm được khẳng định với nhãn hiệu độc quyền.
Rượu bâu của người dân tộc Dao Thanh Y, xã Bằng Cả hoàn toàn không giống với các loại rượu thông thường cả từ cách nấu đến hương vị và cách thưởng thức. Rượu được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng được ngâm ủ và lên men tự nhiên mà không cần thông qua chưng cất. Hiện toàn xã có khoảng 400 hộ nấu được loại rượu này, với sản lượng mỗi năm khoảng 10.000 lít. Rượu bâu Bằng Cả đã hoàn thành xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hoành Bồ hiện có gần 100 hộ trồng nấm linh chi, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Quảng La. Nấm linh chi cũng đang được nhiều hộ dân là thành viên Hợp tác xã Nông trang Quảng La trồng và chế biến thành một số sản phẩm như: Nấm nguyên cái, nấm thái lát. Sau khi thực hiện quy trình OCOP, huyện sẽ tập trung phát triển thành các sản phẩm phong phú thuận tiện cho người sử dụng như: Nấm linh chi đóng chai, chè linh chi tan, viên nang linh chi…
Tạo bệ phóng giúp nông sản thế mạnh vươn ra thị trường
Trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tạo ra nông sản đặc trưng địa phương, được nhiều người biết đến mỗi khi nhắc tới Hoành Bồ… Trên cơ sở kết quả đã có, việc nhân rộng và khẳng định thương hiệu cho những nông sản này là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, chương trình OCOP sẽ trở thành bệ phóng giúp nông sản, đặc sản Hoành Bồ vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổng nguồn vốn để thực hiện cho 3 sản phẩm OCOP của huyện khoảng trên 4,2 tỷ đồng được sử dụng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Bà con tham gia chương trình OCOP có cơ hội được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, được xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mình làm ra; chủ động trong khâu tiêu thụ.
Để làm nên thương hiệu một sản phẩm không phải là dễ và để thương hiệu ấy phát triển, có sức lan tỏa rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao lại không phải là điều có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Trải qua quá trình kiểm định gắt gao, các sản phẩm nấm linh chi Quảng La, rượu bâu Bằng Cả và mật ong Thống Nhất sẽ được đưa vào phát triển theo quy trình chuẩn OCOP, trong đó tập trung đầu tư sản xuất với số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời gắn sản xuất với công nghệ chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và thiết kế mẫu mã, bao bì hấp dẫn để cung cấp ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Hy vọng rằng trong thời gian không xa, những sản phẩm ấy sẽ trở thành những cái tên quen thuộc của người tiêu dùng trong cả nước mỗi khi nhắc đến Hoành Bồ nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Nam Sơn (áo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)