Thông tin thị trường giá cả số 01/2020

12:23 PM 30/12/2019 |   Lượt xem: 4146 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Ninh:

Hợp tác xã Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc

Hợp tác xã (HTX) Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc là một mô hình HTX kiểu mới. HTX này ra đời đã góp phần tăng cường kết nối cung - cầu, tạo thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc tỉnh Quảng Ninh, nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, mang đến những nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Đồng hành cùng bà con miền núi

Trung tuần tháng 11/2019, tại TP. Hạ Long, HTX Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc đã tổ chức lễ khai trương HTX và cửa hàng tiêu thụ nông sản tại số nhà 16/19, cầu 3, phường Cao Xanh, TP. Hạ Long (gần chợ Sa Tô). Mô hình này được kỳ vọng sẽ góp phần tìm đầu ra cho nông sản, đặc sản vùng miền, nhất là ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, tập trung đầu tư của Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho chất lượng và năng suất cao. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm, nông sản mang đặc trưng các vùng miền đã được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng tốt nhưng đầu ra vẫn gặp nhiều khó khăn, không ổn định. Đặc biệt, đối với những địa bàn miền núi, việc tiếp cận với thị trường miền xuôi, thương lái còn hạn chế.

Với mong muốn đồng hành, tiếp sức cho các HTX khác và tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa cho bà con miền núi tỉnh Quảng Ninh, HTX Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc ra đời. HTX đặt cửa hàng tại TP. Hạ Long với mong muốn không chỉ tiếp cận khách hàng là bà con nhân dân trong khu vực mà còn hướng tới khách du lịch trong và ngoài nước. Tại cửa hàng của HTX, các sản phẩm được bày bán đều là những sản phẩm chất lượng “5 sao”, giá thành phù hợp, xuất xứ rõ ràng.

Bán những mặt hàng chất lượng “5 sao”

Cung ứng hàng hóa cho cửa hàng của HTX Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc có 39 HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh với nhiều mặt hàng nông sản như: Rau củ các loại, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, mật ong, miến dong… Đặc biệt, cửa hàng của HTX có các sản phẩm mang thương hiệu OCOP Quảng Ninh như: Ruốc hàu, ruốc bề bề, cá tẩm vừng, mắm Vân Đồn, tỏi đen, miến dong Bình Liêu, củ cải Đầm Hà, rượu ba kích, rượu sim, trứng vịt biển, kẹo lạc hồng…

Tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc và miền núi, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Dù mới khai trương nhưng HTX đã được đông đảo người dân, du khách tới tham quan mua sắm, ủng hộ. Lượng tiêu thụ các mặt hàng là đặc sản đặc trưng của các vùng miền tăng cao. Đặc biệt là các mặt hàng do đồng bào dân tộc sản xuất, chế biến như: Trứng vịt biển, kẹo lạc hồng, cá tẩm vừng…

Nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thời gian tới, HTX sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang đến cho người tiêu dùng những các mặt hàng uy tín, an toàn; tiêu thụ, phân phối rộng rãi hơn nữa đến các đại lý bán buôn và bán lẻ…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Khánh Hòa:

Vui mùa kiệu tết

Tuy chưa phải cao điểm thu hoạch nhưng hiện nay, bà con trồng kiệu ở huyện Cam Ranh, Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) rất phấn khởi bởi giá thu mua đang tăng cao, chất lượng kiệu cũng tốt hơn năm trước.

Mặc dù chưa vào chính vụ nhưng nhiều nông hộ trồng kiệu ở Cam Ranh đã cầm tiền đặt cọc kiệu tết. Theo thống kê sơ bộ của các nông hộ, hơn 50% số ruộng kiệu đã được thương lái đặt mua, có nông dân đã nhận 90% tiền bán kiệu. Vụ kiệu năm nay, vào đầu vụ, thời tiết khô hạn nên người trồng kiệu chủ động chọn trồng ở những vùng đất có điều kiện nước tưới thuận lợi. Cuối vụ trời lại nắng đều, thuận lợi cho củ kiệu nhanh tụ tinh bột, to củ, ít chia nhánh. Năm nay, sản lượng kiệu đạt trung bình 12 tấn/héc-ta, tương đương năm trước.

Ở huyện Cam Lâm, nông dân trồng kiệu cũng rất phấn khởi. Tổng diện tích kiệu toàn huyện ước khoảng 90 héc-ta. So với năm trước, diện tích này tăng khoảng 8% do nông dân chuyển đổi từ một số ruộng mì, mía kém hiệu quả. Hiện nay, mới có số ít nông dân thu hoạch với sản lượng đạt từ 12 - 14 tấn/héc-ta. Số diện tích kiệu còn lại chưa thu hoạch nhưng hứa hẹn cho chất lượng khá, sản lượng cao.

Đặc biệt, năm nay, giá thu mua kiệu cao hơn năm ngoái khoảng 10.000 đồng, đạt 45.000 đồng/kg. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, củ kiệu chất lượng hơn, tiền công thu hoạch tăng không nhiều, giá thu mua cao hơn. Năm ngoái, mưa lụt nhiều, củ kiệu bị nê nước, hỏng, hoặc chẻ đôi, chẻ ba, có ruộng chỉ bán được 20 triệu đồng/sào, tiền công thu hoạch lại tăng, 1 sào kiệu 4 - 5 triệu đồng. Năm nay, công thu hoạch mỗi tấn kiệu khoảng 5 triệu đồng; tổng chi phí khoảng 17 - 18 triệu đồng/sào. Với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg, người trồng kiệu có thể lãi hàng trăm triệu đồng/héc-ta. Phần lớn kiệu được người dân thu hoạch và bán cho các thương lái đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Bắt đầu từ mùng 6 đến 10 tháng Chạp, người dân bắt đầu thu hoạch rộ và kết thúc chậm nhất khoảng 20 - 25 tháng Chạp để kịp bán phục vụ tết.

Hy vọng, nếu giá thu mua kiệu vẫn giữ và tăng tiếp, người trồng kiệu Khánh Hòa sẽ bội thu vụ kiệu tết.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lạc

Quỹ Môi trường toàn cầu vừa khởi động dự án xây dựng chuỗi liên kết nhằm nâng cao hiệu quả của những vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu tại Bình Định.

Dự án xây dựng chuỗi liên kết được triển khai tại những vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu của 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự án do Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP.GEF/SGP) tài trợ trong 2 năm với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại 3 địa điểm: Huyện Tây Sơn (Bình Định), huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và huyện Đồng Xuân (Phú Yên) với 2 mục tiêu chính là nâng cao năng lực của các bên tham gia trong chuỗi liên kết và xây dựng được liên kết chuỗi bền vững, hiệu quả từ sản xuất lạc.

Trước đó, để giúp nông dân hạn chế rủi ro trong sản xuất, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo hướng sản xuất bền vững, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình sản xuất lạc theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích tại Hợp tác xã Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Tỉnh Bình Định cũng chủ động hướng dẫn bà con huyện Tây Sơn quy trình kỹ thuật canh tác cây lạc, cách sử dụng các chế phẩm sinh học, biện pháp phòng trừ sâu bệnh… Đồng thời, đưa các giống có năng suất cao, thích hợp với điều kiện đất đai, thời tiết vào sản xuất. Vì vậy, thời gian gần đây, cây lạc ở Bình Định phát triển khá tốt, năng suất bình quân cao hơn những năm trước. Đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng dự án đã yên tâm gia tăng sản xuất, trồng trọt…

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Cần Thơ:

Vú sữa sạch giá cao

Thời gian qua, nông dân trồng vú sữa Cần Thơ được tham gia các mô hình liên kết sản xuất, giảm chi phí canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và cho lợi nhuận khá cao. Hiện giá vú sữa trồng truyền thống bán cho thương lái dao động từ 28.000 – 36.000 đồng/kg (thấp hơn đầu vụ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg). Với giá bán này sau khi đã trừ hết chi phí 1kg vú sữa thu lãi khoảng 30%. Đặc biệt, nhiều nhà vườn đã chủ động trồng vú sữa sạch để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu và đạt giá cao. Để ổn định đầu ra cho trái vú sữa và khai thác thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp và ngoài tỉnh đứng ra bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Hiện nay, vùng trồng vú sữa ở Phong Điền và Bình Thủ đã có rất nhiều doanh nghiệp đến khảo sát thực tế và định vị diện tích canh tác vú sữa.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Thiếu nguồn cung, giá nếp tăng mạnh

Khoảng hơn 1 tháng nay, giá nếp tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trở lại. Tại huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), giá nếp tươi đang được thương lái thu mua với mức dao động từ 7.100 - 7.400 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, hiện nếp tăng giá từ 1.000 - 1.200 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, nông dân lãi trên 3,5 triệu đồng/công (1.300m²). Có thể thấy, vụ nếp thu đông năm nay là vụ bà con nông dân vui nhất bởi nếp được mùa, được giá. Theo thống kê sơ bộ, năng suất nếp mùa này cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 30%.

Trên thực tế, giá nếp tăng mạnh từ khoảng cuối tháng 7/2019 do nhu cầu từ thị trường Campuchia và Lào tăng mạnh. Sau đó, giá nếp hạ nhiệt và bắt đầu tăng mạnh trở lại từ trung tuần tháng 11 cho đến nay. Nguyên nhân nếp tăng giá mạnh thời gian gần đây là do nhu cầu “ăn hàng” từ thị trường Campuchia và Thái. Từ đầu năm đến nay, thời tiết hạn hán đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất gạo, nếp ở 2 quốc gia này. Tình trạng thất mùa, thiếu nguồn cung cho xuất khẩu cũng là nguyên nhân chính khiến các quốc gia này tăng nhu cầu thu mua nếp nguyên liệu từ Việt Nam.

Châu Thành - Đồng Tháp:

Giá thanh long ruột đỏ tăng

Sau thời gian dài giảm giá, quả thanh long ruột đỏ có xu hướng tăng giá mạnh, nông dân phấn khởi vì có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện giá thanh long ruột đỏ ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu loại 1 là 52.000 - 53.000 đồng/kg; loại 2 giá 42.000 - 43.000 đồng/kg; loại 3 giá 32.000 - 33.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 9.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Sở dĩ, giá thanh long tăng vì đây là thời điểm trái vụ, năng suất phụ thuộc nhiều vào việc chong đèn nên sản lượng giảm so với các tháng trước. Ngoài ra, tình hình xuất khẩu thanh long đang tăng trở lại cũng khiến cầu vượt cung.

Thực tế thời gian qua, nông dân tại huyện Châu Thành đang áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác thanh long ruột đỏ, đặc biệt là các phương pháp rải vụ, chong đèn, sản xuất sạch... Qua đó, giúp nông dân canh tác thanh long ruột đỏ giảm nguy cơ được mùa, mất giá, có cơ hội nâng cao thu nhập.

Long An:

Dưa hấu sớm được mùa, được giá

Do thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên dưa hấu thu hoạch sớm trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có năng suất khá cao, khoảng 20 - 30 tấn/héc-ta. Thời điểm này, lượng tiêu thụ cũng tăng, nhiều nông dân có lãi từ 60 - 100 triệu đồng/héc-ta/vụ. Hiện nông dân toàn huyện gieo trồng gần 200 héc-ta dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các xã: Vĩnh Bình, Thái Trị, Thái Bình Trung, Khánh Hưng... Số diện tích xuống giống sớm đã thu hoạch với giá bán khá cao từ 6.000 đồng/kg trở lên tùy chất lượng dưa. Các ngành chuyên môn địa phương khuyến cáo hiện đang xuất hiện bọ trĩ, bệnh thán thư với tỷ lệ trung bình, nông dân nên tích cực phòng trừ nhằm mang lại hiệu quả cao cho vụ dưa tết.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Kon Tum:

Hiệu quả từ mô hình trồng tái canh cà phê vối

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người trồng cà phê, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) triển khai mô hình “Trồng tái canh cà phê vối”.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 5 héc-ta với sự tham gia của 13 hộ dân, triển khai thực hiện từ tháng 4 - 12/2019. Trong số 13 hộ dân tham gia mô hình, có 12 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là mô hình không chỉ giúp bà con vùng khó khăn nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp mà về lâu dài còn giúp kỹ thuật tái canh cà phê vối được phổ biến và nhân rộng khắp địa bàn xã Ia Chim, nhất là các hộ đồng bào DTTS tại chỗ.

Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 5.025 cây giống cà phê vối TRS1, 415 cây giống trồng dặm, 345 cây che bóng (sầu riêng, bơ) và 50% kinh phí mua vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, bà con còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật tái canh cà phê vối do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Hầu hết các hộ tham gia chương trình đều thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn kỹ thuật. Sau thời gian triển khai trồng và chăm sóc, hiện tại, cây cà phê sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống sau trồng dặm đạt trên 96%.

Trong quá trình triển khai mô hình, bà con cần lưu ý một số điểm sau: Không tái canh trên những diện tích cà phê bị nhiễm bệnh vàng lá nặng, thối rễ do tuyến trùng và nấm trong đất gây hại nặng. Làm đất ngay sau khi kết thúc mùa mưa, trong quá trình cày đất phải thu gom, nhặt rễ cây cũ thật kỹ sau đó đem đốt để tiêu huỷ nguồn bệnh. Quá trình làm đất, cày, trộn vôi, phơi đất phải thực hiện ít nhất trong 2 tháng trước khi đào hố trồng. Quá trình chăm sóc, bón phân, phương pháp tưới nước, tạo hình cắt tỉa cành phải thực hiện đúng theo kỹ thuật. Bà con cũng cần chú ý nắm vững các triệu chứng và cách phòng trừ sâu bệnh hay gặp. Nên thu hoạch cà phê sau 24 tháng trồng tái canh.       

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép

Chỉ trong 1 tuần của tháng 12 năm 2019, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã phát hiện và bắt giữ 5 vụ vận chuyển pháo lậu. Số lượng pháo thu giữ được chủ hàng khai nhận mua tại thị trường Trung Quốc.

Vào hồi 20 giờ 30 phút, ngày 12/12/2019, Tổ công tác Công an huyện Xín Mần phối hợp với Đồn Công an Xín Mần kiểm tra và bắt quả tang Nguyễn Văn Anh, trú tại Tuyên Quang và Ngô Văn Tịnh, trú tại Hưng Yên đi xe ô tô chở nhiều bao tải trong đó chứa gần 720 kg pháo nổ các loại. 2 đối tượng khai nhận số pháo trên do Tịnh lấy từ bên Trung Quốc, sau đó thuê Nguyễn Văn Anh vận chuyển về huyện Hoàng Su Phì tiêu thụ.

Tiếp đó, ngày 16/12, tại km 286 +100 Quốc lộ 2, hướng Hà Giang – Tuyên Quang, Tổ tuần tra Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Giang đã phát hiện đối tượng Phạm Văn Huy, trú tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang điều khiển xe gắn máy mang BKS 23H1- 042.37 có hành vi vận chuyển pháo nổ trái phép, thu giữ tang vật là thùng bìa cát tông chứa 12 hộp pháo nổ với trọng lượng 31 kg. 

Cũng trong ngày 16/12, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (Công an tỉnh Hà Giang) trên đường tuần tra, kiểm soát tại khu vực tổ 10, phường Nguyễn Trãi (TP. Hà Giang) đã phát hiện xe ô tô taxi biển kiểm soát 22A-061.95 có 1 thùng cát tông, bên trong chứa 7 hộp pháo có tổng trọng lượng 13kg. Bước đầu, lái xe Phạm Văn Huân khai nhận, số pháo trên mua từ người quen ở thành phố Hà Giang về để đốt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 20/12, tại khu vực Quốc môn Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, cán bộ, chiến sỹ Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã phát hiện xe container biển kiểm soát 98C – 07354 do lái xe Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại huyện Yên Bình (Yên Bái) điều khiển, nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam vận chuyển pháo trái phép trong ca bin. Qua lời khai ban đầu, lái xe Hùng thừa nhận vận chuyển 8 hộp pháo hoa, tổng trọng lượng 11 kg về để tiêu thụ.

Trước đó, Công an xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc cũng đã phát hiện tại nhà Lù Thị Nguyệt, trú tại thôn Bản Trang, xã Xín Cái 1 thùng bìa cát tông bên trong chứa 16 hộp pháo, trọng lượng là 22 kg. Lù Thị Nguyệt khai nhờ người quen bên Trung Quốc mang về để phục vụ cho đám cưới.

HÀNG VIỆT

Heo đen Ninh Thuận hướng tới sản phẩm đặc thù

Thời gian gần đây, nuôi heo đen (lợn đen) ở 4 huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận rất phát triển. Phần lớn các hộ nuôi là đồng bào dân tộc Raglai. Heo đen cũng được đánh giá là sản phẩm tiềm năng, dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Năm 2018, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công nhận bộ tiêu chí đánh giá và danh mục 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và 3 nhóm sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù, trong đó có sản phẩmheo đen. Sở dĩ Ninh Thuận chọn heo đen để ưu tiên tập trung phát triển là bởi sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chí về lịch sử hình thành ngành nghề, quy mô sản xuất đủ lớn và chất lượng sản phẩm vượt trội.

Nghề nuôi heo đen ở huyện Thuận Bắc và Bác Ái gắn liền với đời sống sản xuất của đồng bào vùng cao. Loài heo này được bà con thả tự do trong vườn, rẫy, thức ăn là ngũ cốc thô chưa qua chế biến như: Bắp, mỳ, bo bo nên thịt chắc, thơm và ngon hơn rất nhiều so với thịt heo nuôi công nghiệp. Các địa phương này cũng là nơi nuôi heo đen nhiều nhất, chiếm trên 70% tổng đàn nuôi của cả tỉnh. Điều này đảm bảo được tiêu chí sản xuất hàng hóa, cung ứng thường xuyên cho thị trường. Tuy vậy, để heo đen được lựa chọn là sản phẩm đặc thù của tỉnh thì phải nuôi theo hướng tập trung, có sự liên kết theo chuỗi giá trị. Nhìn nhận vai trò của hợp tác xã (HTX) trong liên kết xã viên tổ chức chăn nuôi bền vững, ngay từ năm 2016, huyện Bác Ái đã thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Phước Đại; huyện Thuận Bắc thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá hoạt động chuyên sâu lĩnh vực sản xuất, kinh doanh heo đen. HTX Phước Đại đã đầu tư xây dựng 2 trang trại chăn nuôi, quy mô 200 con và cung cấp hàng trăm con giống cho thành viên và bà con trên địa bàn nuôi. Sản phẩm được cấp Nhãn hiệu tập thể, tạo được độ tin cậy của người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Riêng HTX Suối Đá đang ngày càng lớn mạnh nhờ chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nên được các tổ chức tín dụng tin tưởng cho vay vốn phát triển chăn nuôi. Các thành viên nuôi heo đen được HTX bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. HTX Suối Đá còn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm thịt qua sơ chế được đóng gói, hút chân không, dán tem trước khi đưa đi tiêu thụ. Những năm gần đây, sức tiêu thụ thịt heo đen trong dịp tết luôn tăng cao nên các hộ đồng bào Raglai đã có thu nhập ổn định, cải thiện đáng kể cuộc sống. Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, thương lái và người tiêu dùng đã đặt hàng để chuẩn bị cho thị trường tết nên heo đen luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

Thời gian qua, sự nỗ lực của các HTX trong phát triển sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù đã tạo đột phá thúc đẩy nghề chăn nuôi heo đen Ninh Thuận phát triển. Nhằm đạt được mục tiêu xâm nhập sâu rộng vào các thị trường ở những thành phố lớn, các HTX sản xuất, kinh doanh heo đen ở Ninh Thuận đang có kế hoạch áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử thông minh. Với công nghệ này, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại di động để kiểm tra thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, từ công đoạn sản xuất, chế biến, vận chuyển đi tiêu thụ đến xác thực tính sở hữu của sản phẩm. Hy vọng, sự liên kết chặt chẽ từ khâu chăn nuôi tới khâu sản xuất, tiêu thụ sẽ tạo sự tăng trưởng mạnh và ổn định cho heo đen Ninh Thuận trong thời gian tới.