Thông tin thị trường giá cả số 07/2020

03:50 PM 18/02/2020 |   Lượt xem: 3911 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bình Phước:

Lưu ý khi chăm sóc vườn điều niên vụ mới

Bình Phước được coi là thủ phủ của cây điều, chiếm gần 50% diện tích điều của cả nước và cũng chiếm hơn 40% sản lượng điều thô toàn quốc. Toàn tỉnh có khoảng 75.000 hộ sống nhờ vào kinh tế vườn điều, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại tấn công khiến cây điều bị thất thu, nhiều vườn mất trắng.

Hiện nay, tại các địa phương trồng điều nhiều như: Bù Gia Mập, Phước Long, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú… cây điều đang giai đoạn đậu trái, cho thu hoạch. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trong thời gian này rất cần thiết bởi sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng mùa vụ. Để cây điều phát triển bền vững, cho năng suất, chất lượng cao đòi hỏi bà con phải có kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ bệnh hại. Ở giai đoạn điều ra lá non và ra bông đau trái, nếu hộ nông dân biết cách bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh thì năng suất sẽ đạt cao.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước, hiện cây điều đã ra bông, đậu trái, cho thu hoạch. Đây là giai đoạn cây rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết cũng như các đối tượng dịch hại như: Bọ xít muỗi, bọ đục chồi, bọ trĩ, sâu róm đỏ, sâu đục thân, bệnh khô cành cháy lá, bệnh thán thư... Vì vậy, ngoài dùng đúng loại, đúng liều lượng, đúng cách, nông dân cần phun thuốc bảo vệ đồng loạt để các đối tượng gây hại không có nơi lẩn trốn. Song song với phòng bệnh, việc bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây điều đúng thời điểm, đúng phương pháp sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời giúp cây điều hấp thụ nhanh dưỡng chất để cây phát triển, đạt năng suất cao.

Theo đó, quá trình ra bông và thụ phấn của cây bắt đầu từ 8 - 11 giờ, do đó phun thuốc giai đoạn này chỉ nên thực hiện vào buổi chiều mát để tránh ảnh hưởng quá trình ra bông thụ phấn của cây. Việc pha chế và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về nồng độ, liều lượng và các biện pháp an toàn khi sử dụng.

Khi nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng cách, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng. Giai đoạn bông chưa nở, trái mới lộn bằng hạt đậu nên phun thuốc vào chiều mát, phun sương mịn để đạt hiệu quả cao và hạn chế xịt thuốc trong giai đoạn bông nở rộ. Không đốt lá trong vườn, tránh gây hại bộ rễ và côn trùng, vi sinh vật có lợi. Nên ủ lá và xác bã thực vật bằng men Trichoderma thành phân bón tại vườn để trả lại hữu cơ cho đất, chống xói mòn.

Khi gặp thời tiết ngày nắng nóng, đêm lạnh có sương mù nhiều có thể hun khói vào sáng sớm và chiều tối để xua đuổi bọ xít muỗi và làm tan sương mù. Khi gặp thời tiết mưa trái mùa nên theo dõi vườn thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời, cần chú ý bọ xít muỗi, bệnh thán thư, bọ vòi voi đục nõn, bọ cánh cứng, sâu que có thể phát triển mạnh.

Thời kỳ trái non cần chú ý sâu đục trái, nên thăm vườn thường xuyên để phát hiện nếu có bướm chấm hoa bay trong vườn cần xử lý thuốc bảo vệ thực vật kịp thời. Không đổ thuốc thừa ra nguồn nước sinh hoạt, không vứt bừa bãi hoặc sử dụng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng với mục đích khác.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hà Tĩnh:

Ngư dân trúng đậm cá cơm chuyến biển đầu năm

Ngay ngày mồng 6 tết âm lịch, ngư dân xã Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã “xông” biển, đón “lộc” đầu năm với đầy ắp cá cơm trong khoang thuyền. Đặc biệt, giá thu mua cá cơm hiện đạt mức cao, bà con ngư dân thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, mùa cá cơm thường bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Đặc biệt, thời điểm ra tết, lượng cá cơm than (nhiều nơi còn gọi cá cơm sọc đen thường sử dụng để làm nước mắm truyền thống) rất nhiều. Do đó, việc tranh thủ vươn khơi sau kỳ nghỉ tết đã mang lại khoản thu nhập không nhỏ đối với ngư dân xã Kỳ Ninh. Không những thế, mùa cá cơm đầu năm trúng đậm còn kéo theo các dịch vụ làm thuê như vận chuyển, làm nước mắm… cho thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày.

Hiện các hợp tác xã trên địa bàn xã Kỳ Sơn cũng tăng cường thu mua sản phẩm của ngư dân. Cá thu mua được chia làm 2 loại, cá cơm bạc giá dao động từ 18.000 - 20.000/kg, cá cơm than khoảng 14.000 - 15.000/kg. Phần lớn lượng cá này được các hợp tác xã sử dụng làm nước mắm truyền thống. Các thương lái cũng cho biết, năm nay, giá cá cơm than thu mua cao hơn năm ngoái, ở mức 15.000 - 18.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi chuyến biển, các tàu cá thu về hơn 150 triệu đồng/ngày nên anh em rất phấn khởi.

Theo kinh nghiệm của ngư dân đi cá cơm, cứ sáng sớm ra bãi biển theo dõi, nhìn phía xa chừng vài trăm mét, trông rất rõ những mảng trắng, dấu hiệu cá cơm vào bờ, nhất là sau khi biển động cá vào càng nhiều. Mỗi lần bủa lưới kéo dài chừng 1 giờ thu được cả tấn cá. Sản lượng nhiều, giá cao lại được các tư thương thu mua ngay nên ngư dân rất yên tâm. Nhờ được mùa, trúng giá, ngư dân có thu nhập khá trong những ngày đầu xuân.

 

Nghệ An:

Chế biến cao hóa lỏng từ cây dược liệu

Huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An luôn phát huy tiềm năng lâm nghiệp, đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát triển, tiến tới sản xuất cây dược liệu.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghệ thuộc Sở Công Thương Nghệ An đã thử nghiệm thành công mô hình các sản phẩm từ cây dược liệu để chế biến thành cao hóa lỏng bao gồm: Cà gai leo, dây thìa canh, cây mướp đắng rừng, cây đinh lăng, giảo cổ lam trên diện tích 11 héc-ta.

Qua hơn 2 năm triển khai mô hình, đến nay, các loại cây dược liệu, nhất là dây thìa canh, cà gai leo, kim ngân thích ứng tốt với điều kiện khí hậu ở đây, hầu như không có sâu bệnh hại. Thông qua việc hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật chế biến cao hóa lỏng từ cây dược liệu cho Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát tại thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghệ thuộc Sở Công Thương đã thử nghiệm thành công mô hình. Công nghệ sản xuất cao hóa lỏng tiên tiến, hiện đại, khép kín theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể: Quy trình trích ly dược liệu bằng thiết bị trích chân không, quy trình cô đặc chân không dược liệu, quá trình nấu cao, đun sôi ở nhiệt độ khoảng 65 độ C. Ðây là công nghệ sản xuất cao hóa lỏng tiên tiến, hiện đại, khép kín theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự kiến sau khi mô hình hoạt động sẽ mang lại doanh thu bình quân 10 tỷ đồng/năm, thu hút khoảng 26 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 4 - 6 triệu đồng/tháng. Đây là sản phẩm mới đầu tiên được sản xuất tại huyện Con Cuông mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho con người như: Giải độc gan, giải nhiệt, an thần, giảm bệnh tiểu đường, cao huyết áp...

Dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng về giống cây cũng như chất đất, khí hậu, huyện Con Cuông đã được Sở Công Thương tỉnh Nghệ An hỗ trợ trên 700 triệu đồng thực hiện mô hình trồng cây dược liệu tại các xã và công nghệ chế biến để tạo thu nhập cho người dân địa phương cũng như tạo ra các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách khi về với Con Cuông.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Cà Mau:

Giá lúa tươi giảm nhẹ

Hiện nông dân tỉnh Cà Mau đang tiếp tục thu hoạch lúa đông xuân. Giá lúa tươi thương lái thu mua sau tết giảm nhẹ so với thời điểm đầu vụ thu hoạch. Nguyên nhân do các kênh mương khô cạn, gây khó khăn trong khâu vận chuyển, tiêu thụ lúa sau thu hoạch. Cụ thể, giá lúa thời điểm hiện tại giảm nhẹ từ 100 - 500 đồng/kg so với trước tết. Giá thu mua lúa hiện tại dao động từ 4.800 - 6.900 đồng/kg, tùy theo loại giống.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đã thu hoạch hơn 7.000 héc-ta lúa đông xuân. Năng suất lúa bình quân đạt 5,8 tấn/héc-ta.

Quảng Nam:

Giá sâm liên tục tăng

Nam Trà My là 1 trong 2 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. Điều kiện địa lý, khí hậu nơi đây phù hợp trồng cây dược liệu. Các loại cây dược liệu đã được người dân đưa vào trồng đa dạng về chủng loại như: Quế Trà My, đẳng sâm, sâm quy, giảo cổ lam, sơn tra, sa nhân…

Xác định trồng cây dược liệu là hướng đi đúng, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào, Quảng Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cho các hộ dân kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay đã có 10/10 xã của huyện triển khai mô hình nhóm hộ trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh ngày càng được ưa chuộng, giá cũng tăng cao. Thông thường cứ đến những ngày đầu tháng, hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở 10 xã vùng cao của huyện Nam Trà My lại tập trung về trung tâm huyện tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu. Từ dược liệu, nhiều hộ đồng bào đã có thu nhập ổn định, tiến tới làm giàu.

Giá lợn hơi giảm

Thông tin từ các thương lái khu vực miền Đông Nam bộ, giá lợn (heo) hơi đã giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg, đạt 78.000 - 80.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi cao nhất ghi nhận tại các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ với giá 82.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với dịp tết. Các tỉnh còn lại dao động từ 79.000 - 81.000 đồng/kg.

Tại miền Trung và Tây nguyên, giá lợn hơi duy trì trong mức 78.000 - 84.000 đồng/kg. Đặc biệt, các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh - vốn là địa phương luôn có giá lợn tăng cao nhất trong vùng nay cũng chỉ còn 78.000 - 80.000 đồng/kg.

Khu vực phía Bắc, sau khi Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam giảm giá lợn hơi thêm 1.500 đồng về 80.500 đồng/kg, giá lợn trên thị trường có tác động rõ rệt. Tại các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình… giá lợn hơi dao động từ 82.000 - 83.000 đồng/kg.

Tây Nguyên:

Giá dưa hấu giảm mạnh

Dưa hấu ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là ở Gia Lai đang vào chính vụ thu hoạch. Do ảnh hưởng của dịch nCoV, giá dưa hấu giảm mạnh. Hiện giá thu mua tại nhà vườn chỉ ở mức 800 - 1.000 đồng/kg, nếu tính cả công bốc dỡ lên xe thì giá dao động từ 1.300 - 1.800 đồng/kg tùy loại. Thương lái thu mua dưa bán ra các tỉnh phía Bắc cũng chỉ được 3.000 - 4.500 đồng/kg. Với mức giá trên, bà con nông dân trồng dưa thua lỗ nặng. Bởi trên thực tế, 1 héc-ta dưa hấu chi phí trồng hết khoảng 160 triệu đồng, sản lượng thu 40 tấn. Với giá bán chỉ 800 - 1.000 đồng/kg, bà con nông dân lỗ trên 100 triệu đồng/héc-ta. Tại nhiều tỉnh như: Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Định… giá dưa hấu chỉ còn 1.000 - 1.200 đồng/kg. Đặc biệt, tại Bình Định, dưa hấu giá 1.000 đồng/kg bán tràn vỉa hè. Để giải quyết bớt lượng dưa đang tồn ứ, nông dân phải thuê xe chở đến nhiều điểm bán lẻ nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tuần qua, hàng chục tấn dưa hấu trên các xe tải chuyên chở, tập kết thành điểm lớn để bán lẻ trên các tuyến phố.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Gia Lai:

Cây cà phê vào mùa khô

Hiện nay, bà con nông dân tỉnh Gia Lai đang tập trung tưới nước đợt 1, kết hợp cắt tỉa cành và bón phân cho cây cà phê. Tất cả đều mong muốn một năm mới thuận lợi, một vụ mùa bội thu.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 94.900 héc-ta cà phê. Bước vào mùa khô, bà con phải tiến hành tưới nước, bón phân để cây đủ dưỡng chất ra hoa, nuôi quả. Vì vậy, ngay sau tết, nhiều hộ đã tranh thủ tưới nước cho vườn cây khi mầm hoa đã phân hóa. Đối với cây cà phê, mỗi vụ phải tưới 3 - 4 đợt. Việc tưới nước đợt 1 cho cây cà phê hết sức quan trọng, nếu không tưới kịp thời, những mầm hoa có thể bị khô, năng suất sẽ giảm. Như vậy, việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định đến năng suất niên vụ tới. Nhất là trong bối cảnh nước tại các hồ xuống thấp hơn so với mọi năm. Đến nay, theo thống kê sơ bộ, các hộ trồng cà phê trên địa bàn đã tưới nước đợt 1 được hơn 50% diện tích. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, đầu năm 2020, nhiệt độ trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5 - 1 độ C. Riêng tại khu vực Tây Nguyên, lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 3 phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 15 - 30%, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 25 - 40%. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước, thậm chí hạn hán trong vụ đông xuân 2019 - 2020 có thể xảy ra.

Lường trước được vấn đề này, ngay từ đầu mùa khô, Gia Lai đã tiến hành kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có ở sông suối và các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng; tận dụng mọi nguồn nước và có kế hoạch vận hành, điều tiết, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân trồng cà phê thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững theo tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, VietGAP.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Lào Cai:

Bắt hai vụ buôn lậu khẩu trang y tế

Đội kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan Lào Cai cho biết, trong tuần đầu tháng 2/2020 đã liên tiếp bắt giữ hai vụ buôn lậu hơn 26.000 chiếc khẩu trang y tế qua biên giới.

Trước đó, trong quá trình tuần tra tại khu vực biên giới (ven bờ sông Nậm Thi), thuộc địa phận tổ 10, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, Đội kiểm soát hải quan phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phát hiện lô hàng, gồm nhiều thùng carton để trên bờ sông. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong 5 thùng carton có chứa 12.250 khẩu trang y tế với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Chủ sở hữu là bà Ngô Thị Hương, trú tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Bà Hương khai nhận đã mua gom số khẩu trang trên ở một số địa phương của Việt Nam, sau đó chuyển lên khu vực biên giới, đưa sang Trung Quốc bán kiếm lời.

Tiếp theo, ngày 3/2/2020, trong khi tuần tra tại khu vực tổ 10, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, Tổ công tác của Đội kiểm soát hải quan phối hợp Đội an ninh Công an TP. Lào Cai phát hiện Nguyễn Thị Quyên, trú tại tổ 34, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai đang tập kết 7 thùng carton, có chứa 13.850 chiếc khẩu trang y tế. Bà Quyên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, do vậy lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số khẩu trang. Tại cơ quan hải quan, bà Quyên khai nhận đã mua gom số khẩu trang nói trên ở các địa phương trong nước, đưa ra biên giới, chuyển sang Trung Quốc bán kiếm lời.

Cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ số khẩu trang y tế nói trên, xử lý theo quy định của pháp luật.  

HÀNG VIỆT

Tôm nõn -  đặc sản xứ Nghệ

Sản xuất tôm nõn là nghề truyền thống đã có từ hàng chục năm, gắn với cuộc sống đi biển của ngư dân Nghệ An. Đây cũng là sản phẩm đặc sản của xứ Nghệ, được khách du lịch mua nhiều làm quà.

Từ việc xây dựng thương hiệu đặc sản Diễn Châu

Xác định xây dựng thương hiệu đặc sản tôm nõn của huyện Diễn Châu, Hội sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu được thành lập với 30 thành viên. Tháng 10/2017, các hộ sản xuất kinh doanh tôm nõn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu”. Tôm nõn Diễn Châu được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chính chất lượng, giá trị dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Đây cũng là loại thực phẩm được làm thủ công, luôn được bà con ngư dân tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ từ khi chọn sản phẩm đến khâu chế biến. Muốn tôm thành phẩm khi đưa ra thị trường đạt chất lượng, trước hết phải chọn tôm tươi ngon, không quá to và đều nhau. Việc làm tôm nõn cũng phải tuân thủ đúng quy trình từ khi chọn tôm, luộc tôm, bóc vỏ đến khâu sấy khô và đóng gói.

 Tuy nhiên, lâu nay, sản phẩm tôm nõn chỉ mới dừng ở các thị trường nội tỉnh, người tiêu dùng vẫn e ngại do chưa biết đến vùng sản xuất cũng như độ tin cậy vào chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc được công nhận nhãn hiệu tập thể chính là cơ hội để các hộ sản xuất tăng doanh thu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, sản lượng, doanh thu của các hộ sản xuất tôm nõn Diễn Châu tăng lên rõ rệt.

… đến mô hình sản xuất tôm nõn Cửa Lò

Thời gian qua, sản phẩm tôm nõn Cửa Lò đã khẳng định được thương hiệu của mình. Tại đây đã hình thành tổ hợp tác chế biến tôm nõn với vài chục hội viên hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, sản xuất tôm nõn ở Cửa Lò hiện nay vẫn theo phương thức truyền thống là phơi sấy bằng than hoa, than tổ ong. Vì vậy, tạo ra nhiều khói, bụi, bụi than, bồ hóng, khí CO2… Vấn đề đặt ra là phải tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng không gây hại đến môi trường. Trước yêu cầu đó, nhằm hỗ trợ người dân phương thức sản xuất mới thay thế việc sấy tôm bằng than, Trạm Khuyến nông thị xã Cửa Lò đã thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa. Trong đó có xây dựng mô hình “Sản xuất tôm nõn Cửa Lò bằng công nghệ máy sấy và đóng gói hút chân không” với tổng giá trị hơn 170 triệu đồng. Tham gia mô hình, hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí để mua 1 máy sấy công nghiệp hạng trung MSD 1.000, 1 máy đóng gói hút chân không DZQ 400, 400 kg nguyên liệu tôm tươi, 25 kg bao bì PE và 1.000 nhãn sản phẩm.

So sánh hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ máy sấy vào sản xuất tôm nõn cho thấy: Để sấy khô được 100 kg tôm nõn tươi đã bóc vỏ thì cần tới 24 bếp than tổ ong với 24 viên than tổ ong và 24 - 26 kg than lim, 30 kg than hoa với tổng giá thành khoảng 200.000 đồng. Trong khi sử dụng máy sấy MSD 1.000 công suất 3kw/h, cần sấy 2 mẻ trong thời gian 8 giờ thì chỉ mất 24 kw điện năng. Với giá điện sinh hoạt là 1.800 đồng/kw thì chỉ tiêu tốn 43.200 đồng. Như vậy, tiết kiệm được 156.000 đồng so với sấy bằng than. Bên cạnh đó, sản xuất bằng máy sấy giảm nhiều công lao động, không có khói bụi, độ đồng đều sản phẩm cao. Đặc biệt, các khay sấy sau khi sản xuất có thể vệ sinh dễ dàng, máy vận hành tiện lợi, mọi thông số đều được cài đặt tự động một lần, sử dụng nguồn điện sinh hoạt an toàn và tiện lợi.

Sau 3 tháng triển khai, mô hình bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành công của mô hình sẽ thay thế dần phương thức sản xuất cũ bằng phương thức mới, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm đặc sản an toàn cho người tiêu dùng.