THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Ngư dân miền Trung:
Trúng “lộc biển” đầu năm
Những ngày đầu năm mới Tân Sửu, nhiều ghe thuyền của ngư dân miền Trung đã trúng đậm “lộc biển”. Bà con ngư dân phấn khởi hy vọng một năm may mắn, thuận lợi.
Tại cảng cá của các địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Khánh Hòa… tàu thuyền tấp nập vào ra. Sau chuyến vươn khơi đầu xuân, nhiều tàu thuyền trúng đậm các loại cá trích, cá cơm, cá đù, cá đục, tôm, cá bạc má, cá ngừ… Giá hải sản trong những ngày tết lên cao hơn so với những ngày thường nên ngư dân cũng rất hào hứng.
Tại Thanh Hóa, ngư dân huyện Quảng Xương, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đánh bắt gần bờ trúng đậm cá trích, ve, lẹp, sứa… Cá ve được bán với giá từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg, cá lẹp 25.000 đến 30.000 đồng/kg... Sau một chuyến ra khơi, mỗi thuyền thu được 50 đến 60 kg, có bè được hơn 100 kg cá, cho thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng.
Trong khi đó, tàu cá của ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An), cập cảng Lạch Vạn trong niềm vui mang đầy “lộc biển” về nhà. Được nhiều hay ít bà con đều phấn khởi, vì chuyến đánh bắt đầu năm mới đã có “lộc biển”. Theo các ngư dân, những ngày đầu năm, thời tiết thuận lợi, nên ăn tết xong, ai cũng muốn đi biển để có thu nhập. Thời điểm này, hải sản đánh bắt được phần lớn là tôm tít. Tôm tít được thương lái thu mua với giá từ 90.000 – 120.000 đồng/kg.
Tranh thủ thời tiết nắng ấm, nhiều ngư dân ở các xã ven biển các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã ra khơi đánh bắt và trở về với nhiều cá khoai tươi rói, cá lại bán được giá cao nên ngư dân có lợi nhuận đáng kể.
Với ngư dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), chuyến đánh bắt “xông biển” đầu năm cũng thật may mắn với gần 100 tàu đánh bắt gần bờ. Nhờ các loại ngư lưới phù hợp, cá cơm, ruốc, cá trích được đánh bắt với năng suất cao. Giá cá cơm hiện bán 30.000 đồng/kg, ruốc 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, ngư dân có thể lãi 17 triệu đồng/chuyến.
Tại cảng cá Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) các ghe thuyền của ngư dân tấp nập cập bến với đầy ắp ruốc, giá ruốc được thu mua với giá 20.000 đồng/ký (trước tết xấp xỉ 18.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi ghe thuyền đánh bắt được khoảng gần 2 tạ ruốc nên với giá bán trên, ngư dân rất phấn khởi.
Thanh long Bình Thuận tăng giá mạnh:
Nông dân vừa mừng, vừa lo
Những ngày đầu năm mới, giá thanh long tại Bình Thuận đột ngột tăng mạnh trở lại khiến nông dân ở “thủ phủ” thanh long vừa mừng, vừa lo.
Trước Tết Nguyên đán 2021, nông dân ở tỉnh Bình Thuận ồ ạt chong đèn nhằm thúc cho lứa thanh long nghịch vụ kịp ra trái để phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, giá thanh long dịp tết chỉ đạt từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, lúc cao điểm nhất cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nên người dân thất thu, nhiều hộ bị thua lỗ nặng. Trong khi đó, trồng thanh long trái vụ, chi phí đầu tư rất cao. Giá đạt khoảng 10.000 đồng/kg thì người trồng mới thu đủ vốn, còn dưới giá này sẽ thua lỗ.
Sau khi vụ thanh long tết không được khả quan, những ngày đầu năm mới, giá loại trái cây này đột ngột tăng cao, gấp 2 - 3 lần so với dịp trước tết. Hiện giá thanh long dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/kg - mức giá cao kỷ lục trong vòng nhiều tháng qua.
Nguyên nhân khiến giá thanh long đột ngột tăng mạnh là do các doanh nghiệp thu mua thanh long ở địa phương đều đồng loạt hoạt động trở lại, khai trương ngày đầu năm nên dẫn đến cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, do thanh long dịp tết giảm giá sâu nên nhiều hộ dân không tiếp tục chong đèn tạo trái dịp sau tết, dẫn đến nguồn hàng không được dồi dào. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thu mua để có đủ nguồn hàng xuất khẩu cho đối tác trong những ngày đầu năm mới nên đã đội giá thanh long lên cao. Theo dự báo của Trung tâm Khuyến nông và Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, trong những ngày tới, khi lứa thanh long phục vụ thị trường dịp rằm tháng Giêng bắt đầu thu hoạch, nhiều khả năng giá loại trái cây này sẽ chững lại hoặc giảm. Nhiều thương lái cũng nhận định, việc tăng giá này có thể là “tăng ảo” và sẽ có biến động trong thời gian tới.
Bình Thuận hiện là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước. Đến nay, khoảng 80 - 90% sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.
Cốc Pàng:
Chuyển đổi cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao
Với việc mở rộng diện tích nhiều loại cây trồng - xã Cốc Pàng dần trở thành một trong những xã đi đầu của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) trong phát triển cây công nghiệp.
Cốc Pàng là một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc trong xã, Cốc Pàng đã tập trung hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp dễ trồng như: Cây hồi, quế, sa mộc, sở... đặc biệt là cây sở. Loại cây phù hợp trồng ở núi cao, sau 4 năm là cho quả.
Hoa sở bắt đầu nở từ tháng 12, khoảng một năm quả thu hoạch được. Thu hoạch hạt sở khá dễ vì cây sở không cao, chỉ tầm với tay người lớn. Thêm nữa, vào mùa thu hoạch, thường có gió nên hạt sở già cũng theo gió mà rụng, chỉ việc nhặt mang về. Hiện Cốc Pàng có 136 héc-ta sở.
Làm dầu sở không khó, nhưng để đạt được lượng dầu mong muốn cũng cần chú ý khá nhiều, từ việc phơi hạt đến rang hạt, làm sao cho vừa độ để có thể thu được nhiều dầu nhất, đạt độ thơm nhất. Dầu sở tuy có mùi hơi hắc nhưng lại được khách hàng ưa chuộng vì rất nhiều công dụng. Giá dầu sở khá ổn định, dầu sở làm ra đến đâu bán hết đến đó. Những năm qua, diện tích cây sở tại Cốc Pàng hầu như không được mở rộng. Do đó, việc “săn” dầu sở lại càng trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh cây sở, Cốc Pàng đã thực hiện thành công việc chuyển đổi từ cây ngô sang cây công nghiệp, nhờ đó khai thác có hiệu quả địa hình đất dốc của địa phương. Trong đó, cây hồi là loại cây công nghiệp đã được bà con xã Cốc Pàng, trồng lâu năm. Đến nay, diện tích hồi trồng mới của toàn xã lên tới 420 héc-ta. Hồi cũng là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Khoảng 3 năm là có thể thu hoạch, ép dầu. Với hiệu quả kinh tế cao, ổn định, cây hồi được đánh giá vẫn tiếp tục là cây kinh tế mũi nhọn của Cốc Pàng.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Cốc Pàng đã phát huy tốt tiềm lực đất lâm nghiệp của một xã vùng cao biên giới. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả của các loại cây trồng này, các cấp chính quyền cần bảo đảm đầu ra cho bà con, đồng thời hỗ trợ bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Bình Phước:
Giá điều thô tăng mạnh
Chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước, Bình Phước được xem là “thủ phủ” của cây điều. Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến việc nhập khẩu điều thô về nước phục vụ chế biến gặp bất lợi. Hạt điều nguyên liệu khan hiếm chính là yếu tố đẩy giá điều tăng cao. Hiện giá điều thô đạt mức 32.000 – 33.500 đồng/kg, tăng 2.000 – 3.500 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 12/2020. Đây được coi là mức giá tốt với điều thô trong nước. Hiện diện tích cây điều của tỉnh Bình Phước khoảng 170.000 héc-ta, với sản lượng 243.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các huyện: Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bù Đăng và Đồng Phú. Việc canh tác cây điều đã giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động tại các vùng nông thôn. Đặc biệt, điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng vượt bậc so với điều của các quốc gia khác với giá trị dinh dưỡng cao.
Sóc Trăng:
Trồng ớt chỉ thiên cho lãi cao
Trồng ớt chỉ thiên (ớt hiểm) không phải là mô hình mới ở Sóc Trăng nhưng có nhiều tiềm năng tiêu thụ, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn so với trồng các loại cây màu khác. Đặc biệt, vụ ớt chỉ thiên năm nay, người trồng ớt trên địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng rất phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá. Hiện thương lái đang thu mua ớt chỉ thiên với giá từ 75.000 đồng - 80.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước tết. Giá ớt tăng cộng với năng suất cao nên thu nhập bình quân từ ớt chỉ thiên đang đạt khoảng 50 triệu đồng/công/vụ. Ớt chỉ thiên là loại cây dễ trồng, chi phí thấp, không mất nhiều công chăm sóc như các loại rau màu khác. Bà con có thể tận dụng từ những khoảng đất trống hoặc bờ kênh để trồng.
Bình Định:
Thu lãi cao nhờ bưởi trái mùa
Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) phù hợp với cây bưởi da xanh, nhiều nông dân ở địa phương này đã chuyển sang trồng bưởi và có được thu nhập tốt hơn hẳn các loại cây trồng trước đó. Từ kết quả ban đầu này, UBND huyện Hoài Ân đang ưu tiên phát triển diện tích, hỗ trợ kỹ thuật... đối với nông dân trồng bưởi da xanh để tạo tiền đề xây dựng thương hiệu “Bưởi da xanh Hoài Ân”. Thông tin từ UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện hiện có khoảng hơn 300 héc-ta bưởi da xanh, trong đó có 160 héc-ta đã cho quả. Năm 2016, Hoài Ân đã phối hợp Viện Khoa học nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 1.594 héc-ta/10 xã trên địa bàn, trong đó diện tích trồng bưởi da xanh gần 900 héc-ta. Lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân cho biết, bưởi da xanh Hoài Ân chất lượng tốt nên được thị trường đón nhận tích cực. Đặc biệt, bưởi da xanh Hoài Ân cho quả trái mùa với bưởi trồng ở miền Nam, vì vậy đến vụ thu hoạch chính (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm), đầu ra của bưởi Hoài Ân rộng lớn, từ thị trường trong tỉnh đến thị trường miền Nam.
Quảng Nam:
Giá rau xanh giảm mạnh
Sau tết, giá rau xanh các loại ở tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng giảm mạnh. Vì bán không được nên nhiều nông dân chán nản không thu hoạch, bỏ ruộng hoang. Nguyên nhân chủ yếu do vụ rau tết vừa qua, các vườn rau lớn, nhỏ đều tăng diện tích sản xuất khiến nguồn hàng dồi dào và lượng cung rất lớn. Điều này đã đẩy giá rau ngày càng tụt dốc, dư thừa. Bên cạnh đó, từ khi có dịch COVID-19, người dân bắt đầu có thói quen tự trồng rau tại nhà, để giảm chi tiêu, dẫn đến rau xanh giá rẻ nhưng vẫn không bán được. Hiện giá bán sỉ đậu cove 5.000 đồng/kg, khổ qua 10.000 đồng/kg, mướp 1.000 đồng/trái… Mấy tuần nay, nông dân chủ yếu ra đồng làm cỏ, tưới rau và ít xuống giống. Mặc dù sản xuất rau màu theo kiểu gối đầu nhưng nông dân trồng cầm chừng vì nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh và rau đang mất giá.
Nghệ An:
Nông dân thu nhập cao nhờ khoai tây
Nông dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang bước vào thu hoạch đại trà khoai tây. Năm nay, khoai tây được mùa, giá cả ổn định.
Vụ đông năm 2020, huyện Diễn Châu có khoảng 200 héc-ta trồng khoai tây, chủ yếu tập trung ở các xã Diễn Phong, Diễn Hoàng, Diễn Kỷ, Diễn Thịnh, Diễn Tân, Diễn Trung. Tại xã Diễn Phong, năm nay có khoảng 100 hộ trồng khoai tây, trên diện tích hơn 10 héc-ta. Do từng có kinh nghiệm trồng khoai tây, nên việc chăm sóc khoai tây, đối với người dân ở đây là khá dễ dàng.
Bà Trần Thị Trà, thôn Đông Hồ (xã Diễn Phong), cho biết: Năm nay, gia đình bà trồng 1,5 sào khoai tây, sau 3 tháng trồng và chăm sóc, đã đạt năng suất khoảng 1,2 tấn/sào. Do được đơn vị bao tiêu cam kết đảm bảo đầu ra nên việc sản xuất, tiêu thụ thuận lợi. Sau khi thu hoạch, khoai tây được đơn vị bao tiêu đến thu mua tận chân ruộng.
Để tránh việc thu hoạch khoai tây một cách ồ ạt, dẫn đến bị mất giá, bà con chủ yếu trồng 2 loại khoai tây, gồm loại thu hoạch trong tết để phục vụ cho nhu cầu chế biến thực phẩm tại các chợ và loại thu hoạch sau tết để bán cho các cơ sở sản xuất thực phẩm đóng gói.
Tại xã Diễn Thịnh, song song với các cây trồng vụ đông xuân khác như: Ngô, lạc, vừng, khoai tây cũng được người dân chọn lựa, với khoảng 10 héc-ta trên tổng số hơn 20 héc-ta đất màu. Với giá khoai tây ổn định, lại được bao tiêu đầu ra nên việc sản xuất của bà con nông dân gặp nhiều thuận lợi.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Khoai tây là cây trồng gối vụ, được nhiều địa phương chọn lựa để trồng vào vụ đông nhưng thu hoạch rải đều từ vụ đông sang vụ xuân. Mùa thu hoạch này, khoai tây đạt năng suất cao, từ 20 - 24 tấn/héc-ta, khoảng 1,2 tấn/sào. Với giá khoai tây ở mức ổn định, từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, tính bình quân, mỗi sào đem lại giá trị từ 7 - 9 triệu đồng. So với các loại rau màu khác thì khoai tây cho thu nhập cao hơn.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Chống buôn lậu tại Lai Châu:
Gắn công tác kiểm soát với đẩy mạnh tuyên truyền
Năm 2020 các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lai Châu, các địa phương trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.254 vụ vi phạm/1.288 đối tượng, tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán thanh lý hàng hóa, tang vật tịch thu và truy thu thuế đạt trên 3.746 triệu đồng...
Để triển khai hiệu quả công tác chống luôn lậu, gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lai Châu đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành thành viên, UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Các lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, mở các đợt cao điểm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Lai Châu là tỉnh có đường biên giới dài, nên thời gian qua các cơ quan Nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới… Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn; trong đó, chú trọng quản lý giá, chất lượng với những mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống…
Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng này cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng đưa hàng cấm, giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trên địa bàn; tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng…
HÀNG VIỆT |
Cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững
Mặc dù đã kết thúc vụ thu hoạch quế chính vụ, song những ngày này, bà con các dân tộc xã vùng cao Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) vẫn chưa hết phấn khởi vì năm vừa qua, nhà nào có quế là nhà đó rủng rỉnh tiền đi chợ, mua sắm đồ dùng, thực phẩm ăn tết.
Nhà nhà ấm no nhờ quế trúng giá
Những ngày cuối năm 2020, có dịp đến thăm khu tái định cư Nậm Chàm, nay thuộc thôn Nậm Nhù, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước những đổi thay kỳ diệu đang diễn ra trên vùng đất từng bị thiệt hại nặng nề bởi trận lũ quét xảy ra hơn 8 năm trước, cướp đi sinh mạng của 10 người, hàng chục nhà dân bị sập đổ... Bà con cho biết, đón Tết Nguyên đán năm nay, ai cũng phấn khởi bởi gần 30 hộ dân cuối cùng đã được sử dụng điện lưới quốc gia, con đường bê tông vào khu tái định cư Nậm Chàm dài 1,62km đã hoàn thành, đặc biệt là sản phẩm quế - cây trồng chủ lực - của bà con vừa được mùa, vừa được giá. Gia đình anh Đặng Văn Hải (dân tộc Dao, 40 tuổi) ở khu dân cư Nậm Chàm, thôn Nậm Nhù là 1 trong số hộ bị thiệt hại hoàn toàn nhà ở, tài sản, hoa màu trong đợt lũ quét lịch sử diễn ra năm 2012. Được Nhà nước hỗ trợ đến khu tái định cư mới, gia đình anh Hải đã tích cực trồng và chăm sóc 5 héc-ta quế, nay đã được 2 - 7 năm tuổi. Đất không phụ công người, đây là năm thứ 2 gia đình anh Hải thu hoạch tỉa quế, chủ yếu thu cành và lá bán cho thương lái. Đợt thu tỉa năm đầu tiên được 15 triệu đồng, đầu tháng 12/2020, gia đình anh thu tỉa cành lá đợt 2 nên đã có tiền hoàn thiện nốt ngôi nhà xây, ăn tết vui xuân…
Được biết, thôn Nậm Nhù hiện có 96 hộ, với 469 nhân khẩu, trong đó khu tái định cư Nậm Chàm có 39 hộ với 227 khẩu dân tộc Dao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây quế, bà con trong thôn đã trồng được 40 héc-ta, trong đó riêng năm 2020 trồng mới 6 héc-ta. Hơn 2 năm qua, cây quế bắt đầu cho thu hoạch tỉa nên bà con có thêm đồng ra đồng vào. Tích cực thu mua quế để xuất nốt mẻ hàng cuối theo hợp đồng đã ký, anh Phàn Văn Yên, thôn Nậm Kha, đại lý thu mua quế xã Nậm Lúc - phấn khởi: “Nhà mình hiện trồng khoảng 12 héc-ta quế, mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng. Có vốn mình đầu tư mở đại lý thu mua quế hơn 10 năm qua. Mấy năm nay giá quế cao và ổn định, tiêu thụ thuận lợi, đặc biệt năm 2020 được giá nhất từ trước tới nay”.
Phát triển vùng quế hữu cơ
Được biết, vào thời điểm chính vụ, giá vỏ quế tươi tại xã Nậm Lúc đạt 27.000 - 32.000 đồng/kg; quế trồng theo quy trình hữu cơ giá từ 30.000 - 32.000 đồng/kg; lá, cành quế trung bình 2.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nơi thu mua đến đó. Qua chính vụ, nhiều tư thương vẫn thu mua với giá cao, chỉ giảm 1.000 đồng/kg vỏ quế tươi, khô và còn 1.700 đồng/kg lá quế. Trong khi năm ngoái, giá vỏ quế chỉ đạt 22.000 - 23.000 đồng/kg, lá quế 1.500 - 1.600 đồng/kg.
Với hiệu quả lớn từ cây quế, thời gian qua, Nậm Lúc xác định quế là cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững nên đã chú trọng mở rộng diện tích, nhất là phát triển cây quế hữu cơ, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Hiện tổng diện tích rừng của Nậm Lúc là 2.745 héc-ta, trong đó diện tích quế 1.915 héc-ta. Giai đoạn 2020 - 2025, xã Nậm Lúc phấn đấu trồng mới trên 400 héc-ta cây quế và ngay trong năm đầu thực hiện nghị quyết, bà con đã trồng mới 100 héc-ta, nâng tổng diện tích quế toàn xã lên 2.000 héc-ta.
Đưa chúng tôi đi thăm vùng quế hữu cơ mới hình thành, ông Đặng Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc - phấn khởi: “Nhờ cây quế, trung bình mỗi năm xã giảm trên 10% hộ nghèo, đời sống đồng bào Mông, Dao từng bước cải thiện, nâng cao từ quế, tạo niềm tin để xã vùng cao Nậm Lúc vững tin phát triển vùng chuyên canh quế hữu cơ. Ngay trong năm 2020, chúng tôi đã chủ động xây dựng và phát triển vùng quế hữu cơ gắn với chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai, Công ty Hương vị quế Sơn Hà. Qua khảo sát, đã lựa chọn được 3 tổ, nhóm sản xuất quế ống sáo, trở thành vùng nguyên liệu cho Công ty Sơn Hà”.
Hiện bà con nhân dân xã Nậm Lúc đã sẵn sàng cùng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong việc liên kết sản xuất trồng, chế biến và tiêu thụ quế hữu cơ. Chị Lý Thị Thiệu, thôn Cốc Đầm, xã Nậm Lúc, thành viên tổ trồng và sản xuất quế ống sáo, chia sẻ: “Thông qua các lớp tập huấn trồng quế hữu cơ, gia đình tôi rất tự tin mở rộng trồng cây quế, khai thác và chế biến ra những sản phẩm quế chất lượng tốt nhất, nhằm thu được lợi nhuận lớn hơn”.