Thông tin thị trường giá cả số 12/2020

10:16 AM 17/03/2020 |   Lượt xem: 3614 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tịnh Biên - An Giang:

Liên kết phát triển vùng nguyên liệu khoai mì

Thời điểm này, bà con nông dân huyện miền núi Tịnh Biên, tỉnh An Giang tất bật bước vào vụ thu hoạch khoai mì (sắn) với tâm lý phấn khởi. Mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu khoai mì đã góp phần đáng kể trong phát triển đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đây là năm thứ 2, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên phối hợp cùng Tập đoàn Sao Mai thực hiện Đề án liên kết phát triển vùng nguyên liệu khoai mì ở nơi có đất sản xuất kém hiệu quả. Gần 100 héc-ta khoai mì giống KM140 của các hộ dân trong vùng liên kết được trồng chủ yếu tại các xã: Văn Giáo, An Cư, An Hảo. Những hộ tham gia chuỗi liên kết cho biết, trước đây, trồng giống mì địa phương năng suất chỉ đạt tối đa 27 tấn/héc-ta do địa hình và thổ nhưỡng của vùng đất núi rất kén các loại cây trồng, giá cả thị trường không ổn định nên cuộc sống rất bấp bênh. Kể từ khi tham gia vào Đề án liên kết sản xuất, giống khoai mì KM140 do Tập đoàn Sao Mai cung cấp đã thích nghi tốt với điều kiện đất đai, khí hậu. Giống khoai mì mới đạt năng suất 40 tấn/héc-ta trở lên, tăng hơn 10 tấn/héc-ta và được doanh nghiệp bao tiêu với giá 130.000 đồng/tạ (75kg), cao hơn giá thị trường khoảng 30.000 đồng/tạ. Năng suất cao, sản phẩm được bao tiêu giá cao đã tạo tâm lý phấn khởi trong bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer. Một hộ đồng bào Khmer tham gia mô hình cho biết: Trước kia, trồng giống mì địa phương, năng suất chỉ đạt tối đa 27 tấn/héc-ta mà không được doanh nghiệp bao tiêu, giá cả thị trường không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Tham gia mô hình, ngay từ vụ thứ 2, khoai mì đã đạt năng suất 42 tấn/héc-ta do đã có kinh nghiệm canh tác KM140 thí điểm từ năm trước.

Hiện Tập đoàn Sao Mai đã tăng diện tích mì lên gần 100 héc-ta, với 64 hộ dân của 7 xã, thị trấn của huyện Tịnh Biên tham gia. Tập đoàn Sao Mai sẽ hỗ trợ cho nông dân giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm; ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Trên cơ sở thực hiện mô hình tại xã điểm, tiếp tục vận động nông dân tham gia thực hiện chuỗi liên kết nhằm đem lại lợi nhuận cao cho người dân với diện tích khoảng 2.000 héc-ta tại 6 xã: An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi, An Hảo, An Phú và Vĩnh Trung.

Theo kế hoạch, từ năm 2020 trở đi, diện tích vùng liên kết sẽ liên tục phát triển. Phấn đấu đến năm 2022, diện tích đạt 5.000 héc-ta ở cả 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, giải quyết việc làm cho thêm khoảng 2.000 lao động, góp phần đáng kể trong phát triển đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đề án liên kết cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đánh giá cao, mở ra hướng đi mới cho cây khoai mì xứ núi Tịnh Biên trong việc tổ chức lại sản xuất, gắn kết với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Sở cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hỗ trợ huyện Tịnh Biên hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất gắn kết với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng mô hình trong đồng bào dân tộc Khmer.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết theo chuỗi giá trị mới gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại địa phương; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp với người dân và được hưởng các chính sách hỗ trợ thiết thực từ dự án trong quá trình sản xuất cây khoai mì trên địa bàn huyện miền núi Tịnh Biên.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước):

Chủ động tìm nhân công hái tiêu

Hiện nay, cây tiêu đang vào vụ thu hoạch nên cần một lượng lớn nhân công thu hái dẫn đến tình trạng khan hiếm người làm.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều nông dân ở huyện biên giới Bù Đốp đã chủ động tìm nhân công từ lực lượng lao động ngoài tỉnh, chủ yếu từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Giải pháp này giúp các chủ vườn duy trì được lao động liên tục, giảm chi phi, rút ngắn thời gian thu hoạch và tăng thời gian chăm sóc, phục hồi cho cây tiêu.

Trong tình trạng khan hiếm nhân công như những năm qua, việc tìm kiếm nguồn lao động mùa vụ từ ngoài tỉnh đang là giải pháp được nhiều nông hộ lựa chọn. Dù tốn chút ít thời gian và chi phí tìm lao động nhưng việc chủ động được nhân công số lượng lớn và duy trì liên tục khiến cho nhiều người trồng tiêu hóa giải được nỗi lo thiếu hụt lao động. Hiện nay, đa số nhân công ngoài tỉnh thu hái tiêu tại Bình Phước đều đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với đặc thù nông nghiệp, đây là khoảng thời gian nhàn rỗi với đa số nông dân ở các tỉnh này, vì mùa vụ thu hoạch lúa chưa bắt đầu. Họ tranh thủ thời điểm ít việc để kiếm thêm thu nhập từ công việc thu hoạch tiêu tại Bình Phước và các tỉnh khác.

Một số hộ nhiều năm gắn bó với cây tiêu cho biết, việc chăm sóc cây sau thu hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến chất lượng vườn cây cũng như năng suất của vụ sau. Cây hồ tiêu sau một năm làm việc nuôi cây, cho nở hoa, kết trái nên mất nhiều sức lực. Lúc cây tiêu bắt đầu một chu kỳ mới cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, đảm bảo đủ sức khỏe để phòng chống sâu bệnh hại và chất lượng mùa vụ năm sau.

Diện tích cây hồ tiêu toàn tỉnh Bình Phước khoảng trên 17.000 héc-ta và đứng thứ ba cả nước. Trong đó, huyện Lộc Ninh và Bù Đốp được coi là “thủ phủ” của cây hồ tiêu nên rất khan hiếm nhân công mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Sóc Trăng:

Diêm dân Vĩnh Châu hy vọng vụ muối bội thu

Diêm dân xứ biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang bước vào vụ thu hoạch muối.

Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi nên nhiều ruộng muối ở đây kết tinh muối tốt. Cùng với giá bán hiện tại ở mức khá, diêm dân kỳ vọng sẽ có một vụ mùa bội thu.

Hiện nay, những diêm dân ở xứ biển Vĩnh Châu sản xuất vụ muối sớm năm 2020 đã có những đợt thu hoạch muối đầu tiên. Dưới cái nắng chói chang, nhiều sân muối đã được diêm dân cào thành từng đống nhỏ, sau đó tập kết vào bãi, chờ thương lái đến thu mua. Muối năm nay được giá, diêm dân phấn khởi. Nếu năm ngoái, giá muối dao động từ 1 - 1,1 triệu đồng/tấn thì thời điểm này diêm dân bán được 1,2 triệu đồng/tấn.

Vĩnh Châu là địa phương ven biển có nghề sản xuất muối truyền thống. Phần lớn muối ở đây là muối đen phục vụ cho nông dân làm cải xá pấu, ướp thủy sản hoặc bán cho thương lái ở địa phương khác. Mùa làm muối ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thường bắt đầu từ khoảng cuối tháng 12, tùy vào thời tiết nghề sản xuất muối có thể kéo dài đến tháng 4 hoặc tháng 5 của năm sau. Hiện giá cả và thời tiết đang ủng hộ người làm muối Vĩnh Châu. Nếu nắng nóng kéo dài, diện tích và sản lượng muối được dự đoán sẽ cao.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Quảng Ngãi:

Quế Trà Bồng tăng giá

Hiện bà con trên địa bàn huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đang thu hoạch quế để bán cho thương lái với giá quế khô tăng 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Cụ thể, quế khô 55.000 đồng/kg; lá và cành quế khô cũng bán được 4.000 đồng/kg. Riêng quế tươi bán được 25.000 đồng/kg. Quế Trà Bồng tăng giá là do quế ở đây ngày càng được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, đồng thời, thương hiệu quế Trà Bồng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Huyện Trà Bồng hiện có khoảng 2.000 héc-ta quế, bình quân sản lượng quế vỏ thu hoạch hằng năm khoảng 600 tấn, 70% trong số này được xuất sang thị trường châu Âu.

Nghệ An:

Giá quýt xuống thấp kỷ lục

Những năm trước, quýt đường là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho nông dân xứ Nghệ, được nhiều hộ dân ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp chọn là cây trồng bền vững. Tuy nhiên, năm nay, giá quýt xuống thấp kỷ lục khiến nhiều gia đình, nhà vườn lao đao.

Hiện nay, quýt đã chín rộ khắp các vườn nhưng rất ít thương lái vào vườn để thu mua dù giá giảm thấp, chỉ còn từ 2.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, đối với những vườn đẹp, thương lái đến tận vườn chọn lựa trái đẹp, ngon thì giá chỉ từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Mua ngang thì có nhà bán 4.000 - 5.000 đồng/kg; thậm chí có nhà còn bán 2.000 đồng/kg mà thương lái không mua. Giá quá thấp nên nhiều hộ không thu hái, cứ để mặc cho quả rụng. Với giá bán hiện nay, các hộ nông dân trồng quýt ở Nghệ An thu không đủ bù chi phí.

Ngư dân Quảng Bình được mùa ruốc biển

Tuần qua, ngư dân vùng biển tỉnh Quảng Bình vui mừng khi liên tiếp trúng đậm ruốc biển. Ruốc biển đánh bắt đưa vào bờ bao nhiêu được thương lái thu mua hết đến đó. Ngoài việc để dùng làm thực phẩm tươi sống, ruốc biển còn được chế biến thành ruốc quết, muối mắm, ruốc phơi khô, hay kết hợp với các món ăn khác mang đặc trưng của người dân vùng biển bãi ngang. Năm nay, ruốc được mùa, được giá. Giá ruốc mua tại bến tương đối ổn định trong khoảng 15.000 đồng/kg, tăng, giảm nhẹ trong tuần dao động 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Đánh bắt ruốc biển giúp người dân xứ biển thu nhập 4 - 5 triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là nguồn thu nhập hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống người dân. Cùng với trúng mùa ruốc, ngư dân Quảng Bình còn được mùa cá trích. Mỗi chuyến ra khơi thu về hàng tạ cá trích các loại, mang lại nguồn thu nhập khá cao.

Cam Lộ - Quảng Trị:

Dâu tằm được mùa, được giá

Những ngày đầu tháng 3, bà con vùng gò đồi thuộc xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) tập trung thu hoạch dâu tằm. Vụ này, dâu tằm được mùa, được giá và trở thành cây trồng mới đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần giúp bà con ổn định kinh tế gia đình. Năm nay, đa số các vườn dâu đạt năng suất cao, sản lượng thu hoạch 5 – 6 tấn quả/vụ với giá bán từ 35.000 -  45.000 đồng/kg. Trồng dâu không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây bản địa trước đây. Các hộ trồng dâu cho biết, năm nay, thời tiết thuận nên dâu sai trĩu quả, được thương lái đến tận vườn thu mua với giá ổn định. Đặc biệt, mấy năm gần đây, dâu tằm bán rất đắt khách, chủ yếu là thị trường trong tỉnh và tại Quảng Bình, Đà Nẵng. Ngoài bán quả dâu tươi, người dân nơi đây còn chủ động sản xuất các sản phẩm từ dâu như rượu dâu, sirô dâu để tăng giá trị nông sản.

Nhằm nâng cao chất lượng vùng trồng, chính quyền địa phương tiếp tục vận động bà con duy trì chăm sóc dâu an toàn, mở rộng diện tích để tiến hành đăng ký xây dựng thương hiệu nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai:

Giá chuối cấy mô tăng

Hiện giá chuối cấy mô tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang được thương lái thu mua với giá 11.500 đồng/kg, tăng gần gấp 3 lần so với tháng trước. Thậm chí, một số thương lái đã đặt cọc mua chuối non với giá 11.500 đồng/kg; chuối loại, chuối chợ gần như được thu gom hết với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi.

Theo tính toán của người dân, với mức giá ổn định 10.000 đồng/kg, người trồng chuối đã thu lợi khoảng 300 triệu đồng/héc-ta/vụ, cao hơn nhiều loại cây ăn quả khác. Nguyên nhân giá chuối tăng là do các doanh nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài nước đã chính thức hoạt động trở lại nên cần lượng hàng lớn. Hiện chuối cấy mô đang được thương lái địa phương thu gom đưa về các kho lạnh sơ chế, chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Thống kê tại huyện Trảng Bom có hơn 10 kho lạnh quy mô lớn phục vụ xử lý, đóng gói và xuất khẩu chuối sang thị trường lớn này. Do mục tiêu đặt ra là trồng chuối để xuất khẩu nên song song với việc xây dựng vùng nguyên liệu, địa phương chú trọng đầu tư hệ thống sơ chế làm sạch chuối cùng hệ thống kho lạnh bảo quản. Bởi chuối xuất khẩu phải được bảo quản trong kho lạnh mới có thể đáp ứng được quy trình làm chín trái riêng biệt.

Được biết, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 7.000 héc-ta chuối, được trồng nhiều ở các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và TP. Long Khánh. Trong đó, huyện Trảng Bom có diện tích lớn nhất với 3.000 héc-ta.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Gia tăng tình trạng xuất lậu khẩu trang y tế

Ngày 5/3/2020, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã tổ chức hội nghị sơ kết kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới phía Tây Nam.

Tại hội nghị, một số đại biểu Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam cho biết, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã khiến các đối tượng buôn lậu chuyển hướng sang buôn lậu, vận chuyển các thiết bị y tế, cụ thể là khẩu trang y tế, qua biên giới Campuchia để kiếm lời. Cụ thể: Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã thu giữ hơn 41.000 chiếc khẩu trang y tế chuẩn bị đưa qua biên giới Campuchia tiêu thụ. Khi bị bắt, các đối tượng khai, do chênh lệch giá bán khá cao giữa Việt Nam và Campuchia nên mới gom hàng mang qua biên giới bán kiếm lời. Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đơn vị vừa bắt giữ một số lượng lớn khẩu trang y tế được vận chuyển qua biên giới Campuchia theo đường mòn dân sinh. Theo đó, giá một hộp khẩu trang bán ở Campuchia hiện khoảng 23 đô-la Mỹ (hơn 510.000 đồng), trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 160.000 đồng, nên các đối tượng buôn lậu qua Campuchia để hưởng chênh lệch.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại các địa bàn trọng điểm phía Tây Nam có nhiều đường mòn, lối mở, ngõ tắt, kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Thời gian gần đây, bên cạnh các mặt hàng truyền thống như đường cát, thuốc lá, bia… đã xuất hiện thêm các mặt hàng mới như: Ma túy, các thiết bị y tế …

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng trên, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, trước mắt các tỉnh biên giới Tây Nam cần tăng cường phối hợp, kiểm tra các mặt hàng y tế vận chuyển qua biên giới; tích cực phát hiện sớm để tránh đầu cơ nâng giá các sản phẩm y tế, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh COVID-19.

HÀNG VIỆT

Lào Cai:

Hiệu quả cao từ trồng dược liệu

Hiện nay, Lào Cai có 4 loại cây dược liệu sản xuất tập trung đã được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”. Đó là: Atiso, chè dây, cây đương quy, cây xuyên khung. Nhờ trồng cây dược liệu, nhiều hộ đồng bào ở các huyện vùng cao đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Bắc Hà là một trong những địa phương tích cực khuyến khích các xã có điều kiện thích hợp chuyển đổi các diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu và đã thu được nhiều thành quả trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, xã vùng cao Bản Già có 234 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, có đến 175 hộ thuộc diện nghèo. Từ năm 2016, theo chủ trương của huyện, xã Bản Già được quy hoạch trồng dược liệu đương quy với diện tích hơn 4 héc-ta. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, được chăm sóc chu đáo, cây đương quy phát triển khá tốt, cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với sản xuất ngô, lúa.

Tương tự, xã Lùng Phình - 1 trong 8 xã vùng cao nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu giống của huyện Bắc Hà, hiện đã đưa vào trồng 4 loại cây dược liệu chính là: Atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh. Theo tính toán sơ bộ, trung bình mỗi héc-ta cây dược liệu tại Lùng Phình cho thu từ 80 - 200 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hộ dân trồng dược liệu ở đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm 2019, người dân trồng dược liệu Bắc Hà tiếp tục được hỗ trợ một phần với diện tích khoảng 50 héc-ta theo chương trình dự án “Phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016 – 2019” trên địa bàn và đã cơ bản đảm bảo đầu ra ổn định cho các diện tích sản xuất theo kế hoạch. Phát huy hiệu quả của dự án, vụ xuân năm 2020, huyện Bắc Hà tiếp tục triển khai trồng 105 héc-ta cây dược liệu; trong đó, nhà nước hỗ trợ 38 héc-ta, nhân dân và doanh nghiệp tự trồng 67 héc-ta, chủ yếu là 2 loại dược liệu đương quy và cát cánh.

Đến nay, Lào Cai có 4 loại cây dược liệu được sản xuất tập trung (atiso sản xuất tại huyện Sa Pa; chè dây thu hái tại huyện Sa Pa, huyện Bát Xát; cây đương quy sản xuất tại Bắc Hà, cây xuyên khung sản xuất tại Bát Xát) đã được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP - WHO). Mối liên kết trong sản xuất dược liệu từng bước được hình thành, vùng sản xuất dược liệu đã ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư phát triển dược liệu, UBND tỉnh Lào Cai cũng ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND quy định nguyên tắc xác định và danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019 - 2020. Các sản phẩm dược liệu (đương quy, xuyên khung, cát cánh, đẳng sâm, tam thất, ý dĩ, atiso, sa nhân tím) được đưa vào danh mục cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển đổi linh hoạt đất nông nghiệp. Từng bước xây dựng vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP - WHO; chú trọng việc hợp tác giữa các địa phương, các tỉnh trong khu vực cùng liên kết tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu dược lớn, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế chế biến đến phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh cây dược liệu đăng ký mã số, mã vạch để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu gắn với thực hiện mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm mang đặc trưng Lào Cai.

UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tập trung phát triển cây dược liệu tại các huyện:  Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn.