TIÊU ĐIỂM |
Phú Yên:
Bà con đề phòng hỏa hoạn khi thu hoạch mía
Thời gian qua, mía luôn được xác định là cây trồng chủ lực của người dân miền núi Phú Yên. Hiện nay, bà con nông dân đang tiến hành thu hoạch mía niên vụ 2019 - 2020.
Cây trồng chủ lực của người dân miền núi
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên, niên vụ mía 2019 - 2020, nông dân trong tỉnh trồng trên 23.600 héc-ta, nắng hạn đã khiến 2/3 diện tích mía bị đe dọa do không có nguồn nước tưới, trong đó có 1/3 diện tích giảm năng suất. Nhiều diện tích mía trồng ở vùng gò đồi do gặp đợt nắng hạn nên chậm phát triển, còn mía trồng ở ven soi (cạnh bờ sông) thì số lượng lóng trên cây mía giảm so với các năm trước.
Tại huyện Sông Hinh, niên vụ mía 2019 - 2020, toàn huyện có 4.870 héc-ta mía, giảm 14% kế hoạch. Tại các vùng gò đồi từ xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly, mía đến thời kỳ thu hoạch nhưng rất cằn cỗi, nhiều diện tích mía khô héo, nông dân đang tập trung thu hoạch. Sau thu hoạch, địa phương vận động người dân chuyển sang các loại cây trồng khác phù hợp điều kiện thổ nhưỡng nhằm tăng giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Ngay từ đầu vụ, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai phương án phòng, chống hạn. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, mía trồng trên vùng gò đồi không có nguồn nước tưới, dẫn đến mía chết nên diện tích giảm so với kế hoạch.
Riêng tại huyện Sơn Hòa - “thủ phủ” cây mía của tỉnh Phú Yên, nắng hạn khiến cánh đồng mía các xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Sơn Phước, Sơn Hội chậm phát triển. Trong khi đó, chi phí bình quân cho 1 héc-ta mía trồng mới hết 30 triệu đồng, còn mía lưu gốc thì công cuốc cỏ, vãi phân cũng hết 10 triệu đồng. Thời gian qua, do nắng hạn, cánh đồng mía xấu, người trồng mía không lãi là bao. Huyện Sơn Hòa có gần 13.000 héc-ta mía, phần lớn diện tích nhờ vào nước trời. Thế nhưng thời gian qua, thời kỳ mía sinh trưởng gặp nắng hạn, hầu hết các cánh đồng mía kiệt sức, chậm phát triển. Hiện đang là mùa thu hoạch mía, đồng thời cũng là mùa nắng nóng, huyện đề nghị các địa phương vận động người dân tập trung cảnh giác và đề phòng mía cháy.
Cẩn trọng trong tái sản xuất
Thông thường, sau khi thu hoạch mía tơ, bà con phát hoang bờ rồi đốt lá mía để lưu gốc niên vụ sau. Thời gian qua, do sơ hở trong khâu đốt lá mía dẫn đến nhiều diện tích mía cháy lan, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, năm nay, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo bà con cẩn trọng trong quá trình tái sản xuất, giảm thiệt hại.
Đối với mía niên vụ 2020 - 2021, nông dân Phú Yên trồng 3.194 héc-ta, trong đó có gần 500 héc-ta mía thu hoạch xong để lưu gốc. Theo khuyến cáo của các cán bộ kỹ thuật: Khi thu hoạch mía xong, bà con cần phát dọn bờ rào; đốt lá mía để lưu gốc. Cần lưu ý đốt vào chiều tối vì thời điểm đó, lửa cháy lan dễ được phát hiện.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra nhiều vụ cháy mía. Cuối tháng 2 vừa qua, trên địa bàn thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), xảy ra vụ cháy khiến 5 héc-ta mía 8 tháng tuổi của 4 hộ dân bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do một người dân ở khu phố khi đốt rác dọn rẫy, trời nắng, gió mạnh, lửa bén sang các rẫy mía lân cận.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Tiền Giang:
Đẩy mạnh thu mua sầu riêng
Hiện các doanh nghiệp tại Tiền Giang đang đẩy mạnh thu mua sầu riêng để chế biến xuất khẩu. Do vậy, thị trường tiêu thụ sầu riêng dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, sầu riêng Ri 6 đang được thương lái thu mua với giá 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân giá sầu riêng tăng trở lại do trái vụ nên sản lượng sầu riêng cung ứng ra thị trường không nhiều. Với mức giá này, người trồng sầu riêng đã có lãi từ 5.000 - 12.000 đồng/kg trở lên. Thông thường nếu giá cao, đầu ra dễ dàng thì doanh nghiệp, thương lái thu mua xuất khẩu. Trường hợp chậm tiêu thụ, giá giảm thì các doanh nghiệp vẫn sẽ thu mua rồi lột vỏ, sấy, chế biến… để xuất khẩu hoặc bán tươi cho thị trường nội địa.
Hiện Tiền Giang có khoảng 13.000 héc-ta diện tích trồng sầu riêng, cho sản lượng hơn 200.000 tấn/năm, nhưng đến tháng 5 - 6 mới vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, tác động từ dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ chung, giá thu mua không bằng như mọi năm nhưng riêng mặt hàng sầu riêng không có tình trạng tồn đọng. Bởi hiện nay ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang xuất khẩu mặt hàng này đi rất nhiều nước. Một số công ty vẫn có nhu cầu thu mua sầu riêng đạt yêu cầu để cấp đông xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Lâm Đồng:
Đồng bào dân tộc trồng xen atisô cho hiệu quả cao
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đang thực hiện mô hình “Trồng rau cải thảo xen cây atisô dược liệu” tại huyện Lạc Dương. Tham gia mô hình có 3 hộ đều thuộc các hộ dân tộc ít người địa phương. Bà con được Trung tâm hỗ trợ 70% chi phí, số 30% còn lại là nông hộ đối ứng.
Xen canh, đa canh trên cùng một diện tích đất đang là một trong những hướng phát triển mới trong nông nghiệp ở huyện Lạc Dương. Nơi đây có vùng nguyên liệu atisô là loài cây dược liệu quý của Lâm Đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, diện tích cây atisô chưa phát triển mạnh, trong đó có nguyên nhân thu nhập từ atisô còn thấp. Vì vậy, để tăng lợi nhuận trong sản xuất atisô, việc áp dụng mô hình trồng xen cây rau vào atisô sẽ góp phần tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Bà con tham gia mô hình có thể lấy lá atisô bán cho công ty dược, cải thảo bán cho thương lái và người tiêu dùng. Bà con cũng được phổ biến cách chăm sóc hai loại cây trồng trên cùng một diện tích đất. Do atisô và cải thảo đều là những loại cây trồng phổ biến tại địa phương nên bà con cũng nhanh quen kỹ thuật canh tác. Điều khiến các hộ trong mô hình an tâm là khi vừa xuống giống, cán bộ kỹ thuật đã liên kết giúp nông hộ với Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng thu mua lá atisô với giá 2.600 đồng/kg lá tươi.
Tuy trình độ tiếp cận khoa học của bà con còn thấp, rau trồng mùa mưa dễ gặp thiên tai dịch bệnh nhưng đánh giá chung, mô hình trồng xen cải thảo và atisô cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thuần. Đặc biệt, do trồng xen với cây dược liệu nên cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rất kỹ, thuốc đúng danh mục sinh học, thời gian cách ly chuẩn để đảm bảo an toàn. Nếu mô hình thành công, địa phương sẽ nhân rộng cho các xã, huyện khác trên địa bàn.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Quảng Ngãi:
Dưa hấu khó tiêu thụ
Vụ dưa hấu đông xuân năm 2020 ở huyện miền núi Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đang vào thời điểm thu hoạch rộ nhưng bà con điêu đứng vì dưa không bán được. Năm nay, dưa hấu được mùa nhưng xuất khẩu khó khăn, thị trường nội địa cũng không bán được. Thậm chí, giá dưa hấu hiện đã giảm xuống chỉ vài trăm đồng mỗi ki-lô-gam mà thương lái cũng không thu mua. Bà con đành cắt và vận chuyển đi bán ở các xã miền núi. Địa phương cũng kêu gọi các doanh nghiệp, huy động các hội đoàn thể, đoàn thanh niên tiêu thụ, nhưng cũng không được bao nhiêu. Với tình hình này, thành quả lao động của người nông dân một nắng hai sương, vốn liếng đầu tư gần như mất trắng.
Hậu Giang:
Thương lái chỉ thu mua xoài bao trái
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hiện nhà vườn trồng xoài Đài Loan trên địa bàn huyện Châu Thành đang gặp khó khăn, giá liên tục giảm, thậm chí không có thương lái đến thu mua. Vào thời điển này, thương lái vào tận vườn thu mua xoài Đài Loan có bao trái, mẫu mã đẹp, giá chỉ 4.500 - 5.000 đồng/kg. Mức giá này giảm trung bình 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là thương lái chỉ mua với số lượng nhỏ đối với xoài có bao trái, còn không bao trái thì thương lái không hỏi mua. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ hết các khoản chi phí, người trồng không có lợi nhuận, thậm chí lỗ công chăm sóc. Toàn huyện Châu Thành có 1.315 héc-ta xoài Đài Loan, phần lớn đang cho trái.
Giá heo hơi duy trì ở mức cao
Giá heo hơi trên cả 3 miền tuần cuối tháng 3/2020 vẫn duy trì ở mức cao. Tại miền Bắc, giá heo hơi dao động từ 81.000 - 85.000 đồng/kg. Mức cao nhất ghi nhận tại Lào Cai, Yên Bái và Bắc Giang với giá 85.000 đồng/kg; mức thấp nhất Hà Nội và Tuyên Quang với 81.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại dao động từ 82.000 - 84.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi không biến động nhiều. Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai vẫn neo ở mức khá cao, từ 81.000 - 83.000 đồng/kg. Một số tỉnh trong vùng Đông Nam giá dao động từ 78.000 - 82.000 đồng/kg. Tại miền Tây Nam Bộ, giá heo hơi dao động từ 77.000 - 85.000 đồng/kg, cao nhất ghi nhận tại Cần Thơ và An Giang là 85.000 đồng/kg, thấp nhất với mức 77.000 đồng/kg tại Bến Tre. Còn lại Bạc Liêu và Kiên Giang khoảng 78.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung tuy giảm tại một số địa phương nhưng mức “đỉnh” 85.000 đồng/kg vẫn còn tại Quảng Nam. Hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An luôn có giá heo hơi cao nhất vùng nay đã hạ xuống 80.000 đồng/kg. Giá thấp nhất trong khu vực này ghi nhận tại Ninh Thuận là 70.000 đồng/kg.
Ninh Thuận:
Nông dân Lâm Sơn được mùa ớt
Thời điểm hiện nay, nông dân xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đang tất bật thu hoạch ớt với niềm vui được mùa nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng so với vụ trước.
Cây ớt giống Hàn Quốc được nông thôn xã Lâm Sơn trồng cách đây 5 năm thông qua Dự án Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) phối hợp với Tập đoàn Cheil Jedang (CJ) tài trợ. Ớt là loại cây thích nghi với điều kiện thời tiết nắng nóng, dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian từ lúc trồng đến khi cho thu hoạch chỉ 3 tháng. Mỗi năm sản xuất được 1 vụ và cho thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 2 - 3 tuần. Đặc biệt, nhờ thời tiết thuận lợi, cây không bị sâu bệnh, nên sản lượng tăng hơn so với vụ trước. Đợt thu hoạch lần này, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tầm Ngân thu mua với giá 11.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 8 triệu đồng/sào, hỗ trồng ớt lãi khoảng 15 triệu đồng/sào.
Những năm qua, nhờ trồng ớt, nhiều hộ ở thôn Tầm Ngân 2 nói riêng và xã Lâm Sơn nói chung đã vươn lên thoát nghèo.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Long An:
Tăng thu nhập từ trồng mè
Cây mè (vừng) là một trong những loại cây trồng được người dân các huyện biên giới Long An ưa chuộng, hiệu quả kinh tế mang lại khá hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
Trong vụ mè xuân hè năm 2020, nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng xuống giống được gần 800 héc-ta, tập trung chủ yếu ở các xã biên giới: Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B. Hiện số diện tích mè phát triển tốt, đang ở giai đoạn cây con, đẻ nhánh và ra hoa. Bà con đang tích cực chăm sóc để mè cho năng suất cao khi thu hoạch. Hy vọng vụ mè năng suất và lợi nhận sẽ cao hơn vụ trước, đạt lợi nhuận trên 25 triệu đồng/héc-ta.
Còn tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân đã xuống giống hơn 530 héc-ta mè vụ xuân hè, tập trung nhiều ở các xã Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Trị và Thái Bình Trung. Hiện có khoảng 100 héc-ta chuẩn bị thu hoạch, số diện tích còn lại trong giai đoạn đẻ nhánh, ra hoa. Nhiều hộ dân trồng mè cho biết, cây mè phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, nhất là những diện tích đất cát, chịu hạn tốt. Thời gian sinh trưởng của cây ngắn, cho năng suất cao, rất thích hợp cho việc trồng xen canh giúp diệt cỏ dại, cải tạo đồng ruộng, tăng thêm độ màu mỡ cho đất. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu ra sản phẩm mè không ổn định, nông dân trồng mè chủ yếu tự tìm thương lái để bán nên hiệu quả sản xuất không cao.
Để cây mè phát triển bền vững, thời gian tới, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn, có hướng liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho cây mè. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác cây mè, cũng như đầu tư nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, để bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho cây mè phát triển vào thời điểm khô hạn, giúp người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích mè, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Lạng Sơn:
Tiêu hủy vật tư nông nghiệp quá hạn sử dụng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường Lạng Sơn về kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác thú y trên địa bàn, ngày 19/3/2020, Đội Quản lý Thị trường số 5 (huyện Văn Quan) đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với 8 hộ kinh doanh; kiểm tra 8 hộ, xử phạt 3 hộ về hành vi vi phạm: Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, bán thức ăn chăn nuôi quá hạn sử dụng. Tổng số tiền phạt là 1.850.000 đồng. Một chủ hộ kinh doanh đã buộc phải tiêu hủy 105 kg thức ăn hỗn hợp cho heo và cho gà đã quá hạn sử dụng.
Trước đó, ngày 18/3/2020, Đội Quản lý Thị trường số 4 (huyện Chi Lăng) đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Công an huyện Chi Lăng, kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh phân bón do ông Hoàng Xuân Bách, địa chỉ thôn Phố Mới, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn làm chủ. Qua kiểm tra, Đội phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 14 bao phân bón Hà Gianh tổng trọng lượng 350 kg đã hết hạn sử dụng. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Xuân Bách về hành vi buôn bán phân bón hết hạn sử dụng; xử phạt 2.500.000 đồng, buộc ông Bách tiêu hủy toàn bộ số phân bón hết hạn sử dụng.
Thời gian tới, các Đội Quản lý Thị trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình hoạt động kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, đồng thời tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật khi phát hiện các sai phạm.
HÀNG VIỆT |
Hương trầm Quỳ Châu
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều địa phương sản xuất hương trầm nhưng hương trầm Quỳ Châu là thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng. Đặc biệt, thời gian qua, huyện Quỳ Châu đã chú trọng đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại để dần biến những sản phẩm đặc sản địa phương thành hàng hóa.
Xác định hương trầm là sản phẩm chủ lực cần phát triển, Quỳ Châu đã tập trung hỗ trợ theo chuỗi giá trị. Theo đó, địa phương và các ngành công thương, nông nghiệp, khoa học công nghệ đã có những đầu tư thích hợp. Sở Công Thương đã hỗ trợ địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu “Hương trầm Quỳ Châu”. Hiện Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất cơ khí hóa và đa dạng hóa sản phẩm. Sở KH&CN sau dự án trồng cây rễ hương dưới tán rừng thành công đã đầu tư tiếp đề tài nhân giống cây rễ hương bằng hom. Hai công trình này góp phần đắc lực giải quyết vấn đề nguyên liệu cho sản xuất hương.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ hương trầm Quỳ Châu, huyện đã đặt ra một số giải pháp cụ thể. Đó là, khuyến khích nghệ nhân truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Tăng cường công tác quảng bá trên mọi phương tiện. Đặc biệt là xây dựng thông tin hai chiều để các hộ sản xuất nhỏ dễ nắm bắt, phản hồi thị trường. Kêu gọi tài trợ để mở rộng quy mô sản xuất, đào tạo thêm các nghề mới như hương vòng, hương thẻ… Chú trọng đưa các giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bởi trong kỹ thuật sản xuất hương trầm phải sử dụng máy chẻ chân hương để sản phẩm được đều và đẹp. Nguyên liệu làm hương cần được tách biệt trong quá trình phơi, sấy. Cần có máy sấy chuyên dụng và máy xay để bảo quản và xử lý nguyên liệu tốt hơn. Trong đó, cần chú ý đan xen giữa công nghệ hiện đại và công nghệ truyền thống để kế thừa kinh nghiệm truyền thống, đồng thời, phát huy giá trị của công nghệ hiện đại. Bên cạnh việc phát triển hương trầm, huyện cũng đã định hướng bà con đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất như: Hương thẻ, hương vòng, hương nụ từ nguyên liệu hương trầm.
Đối với việc xây dựng vùng nguyên liệu, cần có kế hoạch dài hạn, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao. Đồng thời, tiết kiệm nguyên liệu trong quá trình sản xuất, giảm tỷ trọng nguyên liệu trong giá thành sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần theo sát biến động giá nguyên liệu để kịp thời can thiệp, tránh đầu cơ trục lợi. Tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái cho làng nghề là giải pháp bền vững, lâu dài cần được áp dụng. Môi trường của các làng nghề đang là vấn đề bức xúc của người dân trong thời gian gần đây.
Thực tế phát triển của làng nghề hương trầm Quỳ Châu trong thời gian gần đây cho thấy, việc hợp lực các nguồn đầu tư đồng bộ và liên tục đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm. Qua đó, hương trầm từ một sản phẩm truyền thống quý hiếm đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và là thương hiệu được ưa chuộng trên thị trường.
Là nghề truyền thống của địa phương cách đây hơn nửa thế kỷ, nghề sản xuất hương trầm của Quỳ Châu đã được tỉnh Nghệ An công nhận 6 làng nghề và huyện công nhận 3 làng nghề.