TIÊU ĐIỂM |
Quảng Ngãi:
Mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành
Vụ đông xuân 2019 - 2020, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã tăng cường liên kết với nông dân Quảng Ngãi trồng thử nghiệm cây đậu nành để mở rộng vùng nhiên liệu tại một số vùng ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), Tịnh Giang (Sơn Tịnh) với diện tích khoảng 50 héc-ta.
Đảm bảo đầu ra cho bà con
Trên thực tế, nhu cầu đậu nành nguyên liệu của Vinasoy để sản xuất các sản phẩm đặc thù hàng năm rất lớn. Với mục đích tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa ổn định, có quanh năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất, thời gian qua, Vinasoy đã và đang mở rộng vùng liên kết sản xuất khắp cả nước với diện tích lên đến hàng trăm héc-ta. Từ nhu cầu sản xuất giống đậu nành cho Tây Nguyên, Vinasoy đã trồng thử nghiệm tại Quảng Ngãi và nhận thấy, cây đậu nành phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, nhất là vùng bãi bồi ven các con sông trong tỉnh. Năng suất đạt trung bình 2,5 – 3 tấn/héc-ta. Có hộ trồng thử nghiệm đạt 3 - 3,5 tấn/héc-ta, cao gần gấp 2 lần so với các giống đậu nành khác. So với các loại cây hoa màu truyền thống, trồng cây đậu nành vừa ít vốn, nhẹ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, không phải tốn nhiều công chăm bón. Qua mô hình thử nghiệm cho thấy, giá trị thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây hoa màu truyền thống khác. Điều đáng phấn khởi hơn là nông dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra khi sản xuất đậu nành.
Theo tính toán sơ bộ, tổng diện tích các bãi bồi tại những con sông chính của Quảng Ngãi lên đến 1.500 héc-ta. Thực tế cũng cho thấy, mô hình chuyên canh cây đậu nành tại Quảng Ngãi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Với những vùng liên kết, Vinasoy cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng. Ngoài ra, đậu nành có thể trồng xen với mì, giúp nông dân tăng thêm thu nhập và bổ sung độ phì nhiêu cho đất.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Diện tích đất bãi bồi ven sông ở Quảng Ngãi rất lớn, có khả năng phát triển vùng nguyên liệu đậu nành. Vì vậy, bên cạnh chọn tạo các giống đậu nành mới, Vinasoy còn khảo nghiệm, cải tiến các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tại các vùng nguyên liệu nhằm tối ưu năng suất đậu nành. Hiện nay, Vinasoy định hướng phát triển vùng nguyên liệu nội địa theo chuỗi liên kết khép kín. Đến nay, nhiều người dân đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất đậu nành của Vinasoy.
Trước đây, người dân Quảng Ngãi thường trồng đậu nành nhưng do đầu ra không ổn định nên diện tích trồng ngày càng giảm. Mặt khác, giá đậu nành trong nước không cạnh tranh được với giá sản phẩm nhập khẩu. Tính trung bình, giá đậu nành nhập khẩu chỉ 14.000 – 15.000 đồng/kg, trong khi giá thu mua tại địa phương là 16.000 đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, để chủ động nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, Vinasoy đã chọn Quảng Ngãi để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm khôi phục vị thế cây đậu nành. Ngay từ vụ đông xuân năm 2015 - 2016, Vinasoy đã hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân trồng thử nghiệm 1,7 héc-ta đậu nành tại bãi bồi ven sông Vệ ở các xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) và Đức Hiệp (Mộ Đức). Đến vụ đông xuân 2018 – 2019, diện tích đậu nành mở rộng thêm tại các xã Hành Minh (Nghĩa Hành), Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), Bình Mỹ (Bình Sơn) với diện tích hơn 20 héc-ta. Nhà máy cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và hợp đồng thu mua sản phẩm với giá bảo hiểm, giúp nông dân không lo bị ép đầu ra.
Vinasoy đặt mục tiêu phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành trong nước không chỉ phục vụ cho chiến lược phát triển trong tương lai mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, giúp bà con có thu nhập ổn định, từ đó gắn bó hơn với cây đậu nành.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Cà Mau:
Thất thu mùa đậu xanh
Hiện nay, những hộ trồng đậu xanh dưới ruộng ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đang bước vào kỳ thu hoạch. Do thời tiết nắng hạn gay gắt, cây đậu kém phát triển nên nhiều hộ thất mùa.
Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp nên bà con trồng đậu xanh xuống giống trễ hơn so với lịch thời vụ khoảng nửa tháng. Sau khi xuống giống, gặp nắng hạn gay gắt, mặt đất khô cứng, không đủ độ ẩm nên cây đậu phát triển chậm, nhiều nơi bị thiệt hại.
Nếu thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi vụ đậu xanh người dân có thể thu hoạch được 3 đợt, năng suất từ 250 - 300 kg/công (1.000m2). Riêng vụ mùa năm nay, nhiều hộ chỉ thu hoạch được 1 hoặc 2 đợt đậu đã hết trái, năng suất ước đạt khoảng 100 kg/công, giảm khoảng 200 kg/công so với những năm trước. Không chỉ năng suất giảm, giá đậu xanh hạt cũng thấp hơn so với cùng kỳ. Đầu mùa, thương lái thu mua đậu xanh hạt giá 24.000 đồng/kg nhưng hiện nay giá giảm xuống còn 22.000 đồng/kg.
Mô hình trồng đậu xanh dưới ruộng là vụ sản xuất thứ 3 trong năm của nông dân huyện Trần Văn Thời. Nếu thời tiết và giá cả ổn định như mấy năm trước, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi công đậu người dân lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết bất lợi nên năm nay bà con trồng đậu xanh mất lãi. Đặc biệt, năng suất và diện tích đậu xanh giảm mạnh. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Trần Văn Thời chỉ xuống giống hơn 260 héc-ta đậu xanh dưới ruộng, giảm hơn 50% diện tích so với những năm trước. Lợi nhuận của bà con theo đó cũng giảm mạnh, một số hộ thậm chí chỉ hòa vốn.
Nghệ An:
Giá gừng củ Kỳ Sơn tăng
Gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa được bà con các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn trồng ở độ cao trên 700 mét. Do điều kiện thổ nhưỡng nên gừng Kỳ Sơn có chất lượng đặc thù và khác biệt so với các giống gừng ở những nơi khác.
Đặc biệt, thời gian gần đây, giá gừng củ Kỳ Sơn tăng mạnh và hiện đang ở mức khoảng 35.000 đồng/kg, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước cũng như giá đầu mùa. Theo thống kê sơ bộ, hiện bà con các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Kỳ Sơn đã tiêu thụ được hơn 2.000 tấn gừng, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Hầu hết số gừng trên được các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Gừng tiêu thụ mạnh, giá tăng một phần nhờ chỉ dẫn địa lý “Gừng Kỳ Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Theo đó, gừng Kỳ Sơn được bảo hộ chỉ dẫn tại 15 xã vùng cao dọc biên giới với diện tích quy hoạch gần 1.000 héc-ta. Cùng với chỉ dẫn địa lý, bà con cũng đã nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc, logo bao bì đóng gói đẹp… Những điều này đã góp phần nâng cao vị thế, tên tuổi và củng cố lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn”.
Hiện nay, huyện Kỳ Sơn đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho bà con cùng tổ chức liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu “Gừng Kỳ Sơn” thành thương hiệu OCOP mạnh của địa phương. Đồng thời, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm để giúp bà con có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Gừng Kỳ Sơn được đồng bào trồng nhiều ở các xã: Na Ngoi, Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ, Keng Đu, Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý và Bảo Nam. Trong đó, trồng nhiều nhất là ở xã Na Ngoi với diện tích trên 150 héc-ta.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Mai châu - Hòa Bình:
Khoai sọ đặc sản thành hàng hóa
Vốn nổi tiếng là loại khoai đặc sản, có giá trị dinh dưỡng cao, hiện khoai sọ do nông dân xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã được phát triển thành sản phẩm hàng hóa.
Trước đây, giống khoai sọ địa phương trồng chỉ để phục vụ cho gia đình nhưng đến nay, bà con dần mở rộng diện tích lên đến gần 50 héc-ta trong năm 2019. Do không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên khoai sọ ở đây có mùi vị đặc trưng, thơm ngon, dẻo, tạo nên thương hiệu nổi tiếng của khoai Sơn Thủy (Phúc Sạn). Điều đáng mừng là nhu cầu tiêu thu khoai sọ trên thị trường rất lớn, bà con thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, do đặc thù quỹ đất của xã còn hạn hẹp nên việc mở rộng diện tích rất khó khăn. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Khoai sọ Sơn Thủy” nhằm nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.
Lâm Đồng:
Giá kén tằm giảm mạnh
Tuần qua, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bất ngờ giảm mạnh, chỉ còn trung bình khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, giảm trên 50% so với tuần trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do kén tằm không xuất khẩu được hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo thống kê, toàn huyện Đạ Tẻh có diện tích dâu tằm vào khoảng 1.540 héc-ta; trong đó, gần 1.300 héc-ta cho thu hoạch thường xuyên. Với sản lượng khoảng 1,5 tấn kén/héc-ta dâu, mỗi năm, Đạ Tẻh cung cấp cho thị trường khoảng 1.800 tấn kén. Giá kén tằm trên địa bàn huyện giảm khá đột ngột khiến những người nông dân trồng dâu nuôi tằm không khỏi bất ngờ, hoang mang. Với giá hiện tại, người nuôi tằm hầu như không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ vốn.
Tương tự, tại huyện Cát Tiên hiện có 275 héc-ta trồng dâu nuôi tằm với khoảng 300 hộ nuôi. Mỗi tháng, tổng sản lượng bình quân khoảng 47 - 48 tấn kén. Trước tình hình trên, huyện vẫn động viên bà con duy trì việc nuôi tằm để vượt qua thời gian khó khăn này. Những năm gần đây, cây dâu con tằm là lựa chọn của nhiều bà con trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích điều già cỗi, hiệu quả thấp. Tuy nhiên, trước tình hình giá kén xuống thấp, nhiều nông dân đang tính đến việc phải tạm ngừng việc nuôi tằm.
Mường Chà - Điện Biên:
Tiêu thụ dứa thuận lợi
Hiện nay, dứa Mường Chà đã vào vụ thu hoạch rộ. Giá dứa đạt 5.500 - 6.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với năm 2019. Thương lái từ các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Hà Nội hầu như ngày nào cũng có mặt tại địa bàn để thu mua dứa. Thêm một tín hiệu vui cho người trồng dứa Mường Chà là vừa qua, Hợp tác xã Dứa Na Sang đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm dứa Mường Chà với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát (TP. Nam Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh) với thời hạn 5 năm (2020 - 2024), sản lượng 1.000 tấn/năm; hợp đồng có điều khoản rất linh động và thuận lợi cho người trồng dứa. Như vậy, trong vòng 5 năm tới, người trồng dứa Mường Chà cơ bản không còn lo lắng về thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mặc dù thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cần tăng cường kết nối thu mua nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất cần đầu tư công nghệ chế biến, tăng cường liên kết với nông dân xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ, từng bước hạn chế xuất khẩu nông sản tươi, thô để không xảy ra tình trạng ứ đọng sản phẩm.
Tiền Giang:
Sầu riêng thiệt hại nặng do hạn mặn
Thời điểm này, hàng nghìn héc-ta vườn cây sầu riêng ở các huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) bị cháy lá, rụng lá… có nguy cơ chết và giảm năng suất trong những mùa vụ tới. Nghiêm trọng nhất là tại các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên của huyện Cai Lậy, có từ 30 - 40% cây sầu riêng bị chết, nhất là đối với các cây đã trồng lâu năm.
Đa số các vườn sầu riêng bị chết do nằm sâu, xa hệ thống giao thông, kênh rạch, không tiếp cận được nguồn nước ngọt cấp bổ. Một số nhà vườn còn tưới nước nhiễm mặn vào gốc làm cây héo úa. Để cứu vườn sầu riêng trong điều kiện khô hạn còn diễn biến phức tạp, tỉnh Tiền Giang tiếp tục dùng sà lan chở nước ngọt về cấp miễn phí cho nhà vườn. Đồng thời, khống chế mức phí đối với các dịch vụ vận chuyển nước để nhà vườn có điều kiện đưa nước ngọt vào phun tưới cho vườn sầu riêng. Các ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con thực hiện một số biện pháp chống hạn. Tuy nhiên, do hạn mặn đến sớm kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho vườn cây đặc sản này.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Sơn La:
Liên kết trồng sả lấy tinh dầu
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Hợp tác xã sả Java Bắc Phong, Công ty TNHH Bảo Lâm tuyên truyền, vận động bà con chuyển sang trồng cây sả, cung cấp nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Trong gần 1 năm triển khai mô hình, Hợp tác xã sả Java Bắc Phong, Công ty TNHH Bảo Lâm đã cung ứng cây giống theo hình thức trả chậm và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ tham gia. Đồng thời, ký hợp đồng thu mua sản phẩm theo giá thị trường với cam kết từ 1,6 triệu đồng/tấn trở lên. Cây sả có khả năng thích nghi trong điều kiện thời tiết khô hạn, dễ trồng và tốn ít công chăm sóc, trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5 - 7 lần/năm và lưu gốc liên tục từ 5 - 6 năm liền.
Đến nay, toàn xã Bắc Phong đã chuyển đổi gần 80 héc-ta đất nương sang trồng cây sả lấy tinh dầu với trên 100 hộ dân của bản Bưa Đa, Bó Vả và Bắc Băn tham gia. Để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, năm 2019, Công ty TNHH Bảo Lâm và Hợp tác xã sả Java Bắc Phong đã đầu tư xây dựng 2 lò chưng cất tinh dầu, kho chứa nguyên liệu ở bản Bưa Đa và Bó Vả. Tổng vốn đầu tư trên 400 triệu đồng, công suất chế biến từ 10 - 12 tấn lá sả/ngày/lò, tỷ lệ tinh dầu đạt từ 6,5 - 8 lít/tấn. Lá sả sau khi chưng cất tinh dầu được dùng làm nguyên liệu đốt lò, vừa tiết kiệm chi phí lại không gây ô nhiễm môi trường. Tất cả sản phẩm tinh dầu sả đều được hợp tác xã, công ty cung ứng cho các đơn vị thu mua.
Sau gần 1 năm triển khai mô hình, 100% hộ trồng sả đã cho thu hoạch lá, trung bình 2,5 - 3,5 tấn lá/héc-ta/lần cắt. Với giá bán trung bình từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/tấn, 1 héc-ta sả cho thu nhập từ 5 - 5,5 triệu đồng/lần cắt, cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, sắn.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Những điều cần lưu ý khi mua khẩu trang y tế
Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại khẩu trang với chất lượng và giá cả khác nhau. Để mua được chiếc khẩu trang đạt chất lượng, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tránh tiền mất tật mang, khi chọn mua khẩu trang, bà con nên lưu ý đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, bà con nên mua khẩu trang tại nhà thuốc hoặc cửa hàng tạp hóa lớn để đảm bảo nguồn gốc. Không nên mua sản phẩm được bày bán ở vỉa hè, các cửa hàng tạp hóa nhỏ...
Thứ hai, quá trình sản xuất khẩu trang rất nghiêm ngặt. Do đó, khi mua bà con nên kiểm tra kỹ những thông tin được in trên hộp đựng bao gồm nhãn hiệu, nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng… Tiêu chí đánh giá khẩu trang y tế tốt, đạt chuẩn của Bộ Y tế được thể hiện trên hộp khẩu trang gồm: Nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm; tên công ty sản xuất (địa chỉ cụ thể, rõ ràng); có số LOT (số lô sản xuất), MFG (ngày sản xuất), EXP (hạn sử dụng) để biết được thời hạn sử dụng; các chứng chỉ về sản phẩm đã qua kiểm định về chất lượng của Bộ Y tế hay các cơ quan kiểm định; tem chống hàng giả…
Thứ ba, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khẩu trang khác nhau. Vì thế, bà con nên chọn loại phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Ví dụ, đi đến bệnh viện thì nên chọn loại chống virus, còn đi ra ngoài đường thì nên chọn loại khẩu trang chống giọt bắn, khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường… Bà con cũng lưu ý chọn loại khẩu trang vừa vặn, không quá chật hay quá rộng. Nên dùng loại khẩu trang che kín cả miệng và mũi. Không nên đeo khẩu trang để che miệng hay che trên mũi, rồi thi thoảng kéo xuống cằm. Trong quá trình sử dụng, bà con nên thay khẩu trang thường xuyên. Mỗi ngày giặt và bảo quản đúng cách nếu là khẩu trang vải. Còn khẩu trang y tế thì chỉ nên dùng một lần.
HÀNG VIỆT |
Thanh Hóa:
Công nhận 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Theo đó, Thanh Hóa có thêm 17 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong đó, có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao và 16 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao. Nhiều sản phẩm khá quen thuộc với người tiêu dùng như: Ống hút tre, chè lam Phủ Quảng, mật ong Hưởng Hoa; chè sạch Bình Sơn...
Theo quy định, chứng nhận xếp hạng sao sản phẩm của Chương trình OCOP có giá trị trong 3 năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm, được hỗ trợ phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP. Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 13 sản phẩm được xếp hạng, công nhận sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao, 8 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 24 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Là tỉnh có lợi thế và tiền đề để phát triển những sản phẩm của chương trình OCOP, Thanh Hóa xác định, yếu tố quan trọng để sản phẩm OCOP có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường là chất lượng sản phẩm. Xác định được điều này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động đa dạng hóa chủng loại, nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xây dựng những gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP...
Cần Thơ:
Dự kiến chi 400 tỷ phát triển sản phẩm OCOP
Không chỉ là tỉnh có thế mạnh về tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, Cần Thơ còn đóng vai trò kết nối, trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây, các sản phẩm giữa các địa phương trong vùng và cả nước sẽ dễ dàng kết nối, trao đổi với nhau.
Để Chương trình OCOP thành công, năm 2020, Cần Thơ đặt mục tiêu có 20 sản phẩm OCOP được công nhận 3 - 4 sao với mức chi dự kiến khoảng 400 tỷ đồng. Chương trình OCOP sẽ tiêu chuẩn hóa 20 sản phẩm, dịch vụ hiện có; phát triển và củng cố 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình (bao gồm các doanh nghiệp và hợp tác xã); đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước cấp thành phố và huyện; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh; phát triển 3 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương. Các sản phẩm OCOP sẽ thuộc 6 nhóm/ngành hàng gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Nhiều sản phẩm đặc sản địa phương sẽ được phát triển thành sản phẩm OCOP như: Khô cá tra, bánh tráng Thuận Hưng, mãng cầu Xiêm, dâu Hạ Châu, vú sữa, nhãn Ido, du lịch Chợ nổi Cái Răng, du lịch sinh thái Cồn Sơn…
Đến năm 2030, phát triển thêm 20 sản phẩm, dịch vụ; công nhận, chứng nhận ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia; phát triển 1 làng văn hóa du lịch; 5 làng du lịch kết hợp các sản phẩm của địa phương. Như vậy, đến năm 2030, tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh Cần Thơ phấn đấu đạt 40 sản phẩm, thuộc 4 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.