THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Phú Yên:
Dưa hấu được giá Nhưng không nên trồng tập trung
Những ngày qua, ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) thương lái đến thu mua dưa tại ruộng với giá cao. Dưa được giá nên sau khi thu hoạch xong bà con lập tức đầu tư trồng vụ mới.
Thương lái đến ruộng đặt tiền cọc
Dưa hấu trồng tại các huyện miền núi Phú Yên chủ yếu là loại dưa có mùa vụ ngắn, chất lượng tốt và được trồng tập trung. Đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập tương đối ổn định cho bà con miền núi. Đặc biệt, vụ dưa năm nay, thương lái đến tận chân ruộng thu mua với giá 7.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Vụ dưa này thời tiết thuận lợi nên năng suất dưa đạt khá, ước đạt gần 2 tấn/sào. Với giá dưa mua tại ruộng như hiện nay trừ chi phí thì người trồng dưa có lãi khá. Theo tính toán, tổng chi phí cho 1 sào dưa khoảng 10 triệu đồng. Với giá bán tại ruộng hiện nay là 7.000 đồng/kg, mỗi sào (500m2/sào) thu hoạch được gần 2 tấn, bán được 14 triệu đồng thì lãi được 4 triệu đồng/sào.
Với giá dưa như hiện nay người trồng có lãi nên nông dân các huyện miền núi đã có kế hoạch đầu tư trồng vụ mới. Tuy nhiên, ngành chức năng khuyến cáo người trồng cần phải cẩn trọng bởi giá dưa thường xuyên lên xuống thất thường.
Cẩn trọng trồng vụ mới
Vụ dưa năm ngoái do ảnh hưởng dịch COVID-19, không xuất khẩu được nên thương lái không mua, người trồng dưa bán nhỏ lẻ không tiêu thụ kịp, thiệt hại nặng. Thời điểm này năm ngoái, tại huyện Sông Hinh, giá dưa bán tại ruộng chỉ 2.000 đồng/kg, mỗi héc-ta dưa người trồng lỗ hơn 10 triệu đồng. Đó là ruộng dưa trồng gần đường, còn ruộng trồng xa không có đường xe vào thì chi phí đẩy lên cao vì phải thuê công gánh, người trồng lỗ nặng. Năm nay, người trồng dưa ở huyện Sông Hinh rất phấn khởi bởi dưa tăng giá, có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu, không phân biệt trái lớn hay nhỏ như trước đây.
Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, diện tích trồng dưa hấu trên toàn tỉnh vừa qua khoảng 670 héc-ta, thời gian đến là vụ chính nên tăng lên 1.000 héc-ta, trong đó tập trung nhiều ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh; các huyện khác nông dân trồng rải rác, năng suất bình quân 40 tấn/héc-ta. Mặc dù hiện nay dưa được giá nhưng Sở NN-PTNT khuyến cáo, người trồng dưa nên cẩn trọng vì dưa hấu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Có thể đầu vụ giá dưa nhích lên nhưng cuối vụ thu hoạch rộ, giá sẽ rớt xuống thấp. Vì vậy, bà con không nên trồng tập trung mà trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ các huyện miền núi Phú Yên tiêu thụ nông sản, sản phẩm, Sở Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Đàm phán nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xây dựng các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Nhà nước có chức năng xây dựng các cơ chế chính sách, công cụ hỗ trợ, hỗ trợ việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ… Còn các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc khai thác thị trường và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nông dân và hợp đồng xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Dưa hấu là loại cây trồng không có trong quy hoạch, không được khuyến khích trồng vì đầu ra không ổn định. Diện tích trồng dưa hấu thường xuyên thay đổi phụ thuộc vào giá thị trường.
Bắc Hà (Lào Cai):
Khuyến khích trồng cây lạc đỏ
Thời gian qua, nhiều xã vùng cao huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trong đó, mô hình trồng cây lạc đỏ đã mở ra hướng đi mới hiệu quả trong xóa nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, cán bộ nông nghiệp và lãnh đạo xã Nậm Mòn đang tích cực xuống đồng tập trung động viên, đôn đốc bà con nông dân khẩn trương gieo cấy vụ xuân năm 2021. Điểm mới trong vụ xuân ở vùng cao Nậm Mòn là ngoài việc gieo trồng các giống ngô lai, lúa lai, cánh đồng lúa một giống, Nậm Mòn còn phát triển cây lạc đỏ địa phương. Giống lạc này đang được thị trường ưa chuộng, tiến tới Nậm Mòn sẽ xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Đến thời điểm này, bà con nông dân xã Nậm Mòn đã trồng xong 30 héc-ta lạc. Bây giờ lúa chỉ làm đủ ăn, ngô giá giảm nên trồng để phục vụ chăn nuôi là chính nên các hộ dân chuyển sang tập trung trồng lạc đỏ 2 vụ. Sản phẩm được tư nhân, hợp tác xã đến tận nhà mua với giá lạc tươi từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, lạc khô từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà con đã trồng giống lạc đỏ đảm bảo mật độ, khoảng cách, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Điều này giúp cây trồng phát triển tốt, sản lượng tăng gấp 2 lần so với phương pháp trồng truyền thống. Hiện sản phẩm lạc đỏ Bắc Hà đã được xác nhận chuỗi sản xuất an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Gia Lai:
Nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo
Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng chủ lực tại Gia Lai như cà phê, hồ tiêu, cao su... thường xuyên gặp phải cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến thu nhập của bà con bấp bênh. Bên cạnh việc duy trì vườn cây, nhiều hộ nông dân tại Gia Lai đã tìm cách nuôi thêm các loại gia súc như bò, dê, lợn…
Tuy nhiên, khác với mô hình nuôi bò cỏ thả đàn vốn ít, lãi ít như trước đây thì hiện nay, người chăn nuôi tại Gia Lai đã lựa chọn nuôi theo hình thức vỗ béo với các giống bò siêu thịt, bò lai giống ngoại. Theo đó, các giống bò được nông dân lựa chọn là các giống bò lai 3B, bò Angus, bò Brahman... Những giống bò này được đánh giá là bò giống siêu thịt, bà con thường phải bỏ vốn lớn vì giá bò giống tương đối cao nhưng lợi nhuận thu về cũng không nhỏ. Đến tuổi xuất chuồng, mỗi con bò có thể đạt trọng lượng từ 200 - 500kg tùy giống bò.
Hầu hết các hộ gia đình nuôi theo kiểu “gối đầu”, hết lứa nọ lại đến lứa kia nên số lượng bò trong chuồng thường xuyên dao động. Hiện giá bò hơi tại một số địa phương vẫn đang ở mức cao, dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg tùy loại. Đặc biệt, nhiều nông dân xuất bán bò hơi tại lò mổ với giá 220.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nông dân nuôi bò ở Gia Lai có mức thu nhập khá cao, nhất là những mô hình nuôi bò vỗ béo từ các giống bò khổng lồ như bò 3B, bò Augus, hoặc lai Sind.
Trên thực tế, nuôi bò vỗ béo để bán thịt và bán giống cũng có ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả kinh tế cao hơn bò thả rông, tiết kiệm thời gian và chi phí thuê công chăn thả. Tuy nhiên, nhược điểm của nuôi bò vỗ béo chính là việc đầu tư tiền giống ban đầu lớn hơn. Giá bò gầy thường từ 20 - 30 triệu đồng/con, đặc biệt là bò giống có con lên đến 60 triệu đồng.
Để người dân chăn nuôi các loại gia súc như trâu, bò, dê theo hướng bền vững, chính quyền địa phương đã thành lập nông hội chăn nuôi, mở các lớp tập huấn về kinh nghiệm chăn nuôi cũng như tìm kiếm đầu ra, đầu vào ổn định.
Ninh Sơn (Ninh Thuận):
Được mùa đậu xanh
Tuần qua, nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã vào vụ thu hoạch đậu xanh với niềm vui được mùa. Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn xã Mỹ Sơn gieo trồng 169 héc-ta đậu xanh, trong đó có 10 héc-ta đất chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới dồi dào từ các cơn mưa vào cuối năm ngoái nên cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Với giá thương lái thu mua hiện tại 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi gần 3 triệu đồng/sào, cao hơn so với trồng lúa.
Đồng bằng sông Cửu Long:
Mận tiếp tục giảm giá mạnh
Hiện giá nhiều loại mận (quả roi) tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Mận hồng đào đá, mận An Phước… giảm thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với trước, xuống còn ở mức rất thấp. Tại TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, giá các loại mận hồng đào đá và mận An Phước chỉ còn 2.000 - 5.000 đồng/kg; còn giá bán lẻ mận tại nhiều chợ ở mức 8.000 - 12.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng không có lời do trồng mận tốn nhiều chi phí tiền phân bón, chăm sóc và thu hoạch. Để bảo vệ trái mận, nông dân đã áp dụng kỹ thuật trùm mùng lưới khắp vườn mận thay cho biện pháp sử dụng túi nylon chuyên dụng để bao từng trái mận, giúp giảm chi phí nhân công và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Giá mận giảm thấp được cho do đầu ra xuất khẩu mận gặp khó vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong khi đó, gần đây, nguồn cung mận lại tăng mạnh do bước vào mùa thu hoạch rộ, người dân cũng tăng diện tích trồng mận. Các năm trước do đẩy mạnh xuất khẩu nên giá các loại mận thường xuyên ở mức cao, đặc biệt giá mận An Phước có thời điểm lên đến 40.000 - 60.000 đồng/kg.
Vĩnh Long:
Dừa khô lên giá, nguồn cung ít
Khoảng 1 tháng nay, giá dừa khô tại Vĩnh Long đã nhích dần, đại lý thu mua ở mức 75.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái), tăng 10.000 đồng/chục so với tháng trước đó. Tuy giá dừa khô tăng nhưng nguồn cung không nhiều. Giá dừa tăng do thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc, đồng thời, nhu cầu về nguồn nguyên liệu dừa khô để công ty chế sản xuất, chế biến các sản phẩm như: Xơ dừa, thảm xơ dừa, cơm dừa sấy khô, nước cốt dừa cấp đông… tăng hơn trước. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của thời tiết, vườn dừa ít được cải tạo, nhiều cây lâu năm khiến cây dừa giảm năng suất trái. Mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi tăng cao, (giá dừa tươi ở mức 90.000 - 110.000 đồng/chục) nên nhiều nhà vườn tranh thủ bán dừa tươi để tăng thu nhập, dẫn đến nguồn cung dừa khô bị hạn chế.
Tiền Giang:
Công chặt sả tăng cao
Tân Phú Đông là một huyện đảo của tỉnh Tiền Giang. Vào mùa cao điểm thu hoạch sả, bình quân mỗi công chặt sả có thể thu nhập 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày. Theo Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện đảo Tân Phú Đông, hiện nông dân huyện này trồng sả hơn 1.900 héc-ta, cho sản lượng hơn 22.000 tấn/năm. Diện tích trồng sả ngày càng mở rộng, công chặt sả thuê cũng ngày càng cao. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 20 cơ sở thu mua sả. Vào mùa cao điểm thu hoạch sả, bình quân mỗi ngày một cơ sở có thể thu mua từ vài trăm ki-lô-gam đến vài tấn sả. Chính vì vậy, để bảo đảm có được sản lượng sả bán cho thương lái hàng ngày, các cơ sở thu mua phải thuê 20 - 30 nhân công chặt sả. Hầu hết, công chặt sả đều là lao động địa phương. Theo các cơ sở thu mua sả ở huyện Tân Phú Đông, hiện công chặt sả bình quân 1.000 - 1.200 đồng/kg, tùy theo thời điểm giá bán cao hay thấp.
Ba Tri (Bến Tre):
Sản lượng muối thấp, giá bấp bênh
Năm nay, vùng sản xuất muối tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre mất mùa và giá thấp. Đời sống diêm dân gặp khó khăn. Nguyên nhân do thời tiết thất thường khiến sản lượng muối giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Cánh đồng muối ấp Thạnh Khương, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri đang vào mùa thu hoạch muối nhưng diêm dân không vui vì muối mất mùa, giá thấp. Năm nay, thời tiết bất lợi cho nghề làm muối nên lượng muối thu hoạch thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hàng năm. Tình trạng này khiến nhiều hộ gia đình phải thuê đất để sản xuất muối lâm vào cảnh khó khăn. Với giá thuê khoảng 7 triệu đồng/năm, diêm dân thuê đất làm muối hầu như không có lợi nhuận và phải tính chuyện trữ muối lại vì bán rất khó khăn. Hiện tại, trung bình thương lái mua với giá 32.000 đồng/giạ nhưng phải vận chuyển ra tới ghe. Trung bình chi phí vận chuyển khoảng 10.000 đồng/giạ nên diêm dân chẳng thu được bao nhiêu trong khi làm lụng vất vả suốt nửa năm liền.
Tại địa bàn xã Bảo Thạnh, mấy năm nay, diêm dân đã dần chuyển sang làm muối trải bạt thay cho nền đất theo kiểu truyền thống. Trên địa bàn xã có 600 héc-ta muối. Trong đó, diêm dân chuyển sang làm muối trải bạt khoảng 75 héc-ta. Nhiệm kỳ này, Nghị quyết Đảng bộ xã Bảo Thạnh đã đưa ra quyết tâm phát triển 100 héc-ta muối trải bạt với năng suất và chất lượng cao. Trong năm 2021, địa phương sẽ thành lập hợp tác xã sản xuất muối để liên kết nông dân sản xuất muối chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm nhằm từng bước nâng cao đời sống của diêm dân. Hiện tại, địa phương đã có cơ sở sản xuất muối ớt giúp tiêu thụ sản lượng muối của diêm dân. Địa phương cũng có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất muối sạch, liên kết diêm dân để bao tiêu sản phẩm. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, duy trì sản xuất muối với quy mô hợp lý và phát triển mô hình sản xuất muối sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp nuôi thủy sản phù hợp trong ruộng muối.
Đến năm 2025, tổng diện tích đất làm muối của Bến Tre là 1.350 héc-ta, tập trung chủ yếu ở 2 huyện biển Ba Tri và Bình Đại. Đến năm 2030, diện tích quy hoạch vùng sản xuất muối tập trung 600 héc-ta ở huyện Ba Tri với sản lượng muối đạt 32.400 tấn/năm.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Cảnh giác với thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Đây là những thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam và thường là loại có độ độc cao, nhiều loại đã bị cấm sử dụng do gây mất an toàn cho người sử dụng, môi trường và sản phẩm cây trồng.
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhập lậu bao gồm các mặt hàng không nằm trong danh mục được sử dụng tại Việt Nam; thuốc giả (giả nhãn mác, bao bì… của thuốc được đăng ký sử dụng tại Việt Nam). Các mặt hàng thuốc BVTV nhập lậu, thuốc giả được tiêu thụ chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hình thức vận chuyển được thực hiện chủ yếu qua phương thức đầu nậu thuê người lao động vận chuyển qua đường mòn, lối mở dọc biên giới, sau đó tập kết thành một khối lượng lớn và đưa sâu vào nội địa. Ngoài ra, cũng có tình trạng một số cư dân biên giới khi sang lao động ở nước sở tại đã mua về để sử dụng và bán ở các chợ vùng cao. Đối với thuốc BVTV nhập lậu là thuốc giả, thủ đoạn vi phạm còn tinh vi hơn. Thông thường, các đầu nậu đặt làm giả thuốc BVTV từ nước ngoài sau đó cũng thuê lao động mang vác qua đường mòn, lối mở đưa vào nội địa tiêu thụ. Các loại thuốc BVTV nhập lậu được đóng gói trong bao bì có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, một số đựng trong can nhựa và hoàn toàn không nhãn mác, không biết thành phần hóa chất, không hướng dẫn sử dụng… Có loại được in thêm nhãn mác tiếng Việt hòng đánh lừa người tiêu dùng nhưng quy cách in ấn không đúng theo quy định của Việt Nam.
Thời gian qua, tình trạng nhập lậu thuốc BVTV vẫn diễn biến phức tạp do các nguyên nhân: Đây là các mặt hàng có giá rẻ, thường có độ độc cao nên việc diệt trừ sâu bệnh nhanh nhưng lại tác động tiêu cực đối với con người, cây trồng, môi trường. Mặt khác, mạng lưới cung cấp thuốc BVTV đến các khu vực vùng sâu, vùng xa còn thưa thớt; công tác quản lý, nhất là ở các tỉnh biên giới còn hạn chế… Vì vậy, để bảo vệ mình và cộng đồng, bà con nên mua thuốc BVTV ở các đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm có uy tín, tránh mua tại các gian hàng lưu động, các phiên chợ… bởi người bán thường lợi dụng khe hở này để đưa hàng giả, hàng nhập lậu vào.
HÀNG VIỆT |
Giống vịt quý Cổ Lũng đã có chỉ dẫn địa lý
Lên với huyện miền núi Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), sẽ là một thiếu sót lớn nếu du khách không đến với khu du lịch Pù Luông; còn nếu đã đến Pù Luông, du khách không thể không thưởng thức sản vật nổi tiếng của vùng đất này. Đó là các món ăn được chế biến từ giống vịt quý có tên: Vịt Cổ Lũng.
Đa phần người dân ở huyện Bá Thước không nhớ giống vịt Cổ Lũng chính xác có từ khi nào. Đây cũng là một trong những vật nuôi chỉ có ở huyện Bá Thước và đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân ở xã Cổ Lũng.
Sở dĩ vịt Cổ Lũng có vị thơm ngon đặc biệt là do loại vịt này được nuôi thả hoàn toàn tự nhiên ở dòng suối Nũa - con suối nước vừa trong lại chảy xuôi liên tục với rất nhiều ốc cũng như các loại vi sinh có ích thích hợp làm thức ăn cho vịt… Thêm vào đó, khí hậu ở một số xã của huyện Bá Thước mát mẻ quanh năm, biên độ nhiệt ngày đêm dao động từ 8 - 12oC - đây cũng chính là điều kiện lý tưởng để thịt vịt Cổ Lũng nạc và săn chắc.
Để giữ được nguồn gen, duy trì được giống vịt Cổ Lũng, giúp vịt Cổ Lũng trở thành vật nuôi có giá trị kinh tế ổn định, năm 2012, huyện Bá Thước đã xây dựng và triển khai dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phục hồi và phát triển vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt của huyện Bá Thước”. Mục tiêu của dự án nhằm giúp người dân biết cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, hạn chế dịch bệnh.
Sau khi 67 hộ ở các xã Lũng Niêm, Cổ Lũng được chọn tham gia dự án có thu nhập ổn định từ chăn nuôi vịt Cổ Lũng (nhiều hộ có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm) – đến nay, rất nhiều hộ nông dân ở Bá Thước đã chọn vịt Cổ Lũng làm vật nuôi để phát triển kinh tế. Tập trung nhiều ở các xã có đông đồng bào dân tộc Thái như: Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Lâm và Thành Sơn. Từ nguy cơ suy thoái, vịt Cổ Lũng đã trở thành một trong những loại vịt thương phẩm giúp nâng cao đời sống đồng bào nơi đây. Giá của loài vịt này thường dao động ở mức 160.000 - 200.000 đồng/kg (đã làm sạch) tùy vào cân nặng và độ tuổi của vịt.
Năm 2018, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế đối với sản phẩm vịt Cổ Lũng để từ đó có phương án bảo tồn, tái tạo và phát triển bền vững giống vịt Cổ Lũng trên địa bàn, huyện Bá Thước đã thực hiện dự án “Xây dựng quản lý, chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng”. Ngày 23/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng. Đây thực sự là tin vui, mở ra hy vọng nâng cao giá trị hơn nữa cho sản phẩm vịt Cổ Lũng, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Thái ở Bá Thước.
Với mong muốn phát huy giá trị của chứng nhận chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước đã chủ động tổ chức các hội nghị tập huấn để chính quyền xã và hộ chăn nuôi nắm được mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng; quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng; quy chế quản lý và sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm; quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, giết mổ, đóng gói, bảo quản vịt Cổ Lũng.