TIÊU ĐIỂM |
Nghệ An:
Giá chè giảm mạnh, bà con vẫn quyết tâm bám trụ
Một số địa phương ở Nghệ An đang vào vụ thu hoạch chè xuân nhưng năm nay giá thu mua chè búp tươi giảm mạnh. Theo các chủ xưởng chế biến chè, sở dĩ giá cả không ổn định là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến lượng chè xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng.
Chè rớt giá
Gia đình ông Phan Thanh Chương thôn Thủy Hòa, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương đang bước vào vụ thu hoạch chè búp cuối vụ xuân. Trước đó, gia đình ông đã hái lứa nền đầu tiên được 3 tấn chè búp, bán với giá 4.000 đồng/kg chè tươi. Thế nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thu mua chè có xu hướng giảm mạnh. Hiện giá thu mua chè chỉ khoảng 3.000 - 3.200 đồng/kg, giảm mạnh so với vụ chè xuân năm ngoái, giá mua có khi lên đến 5.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, người trồng chè không có lãi bởi giá cả vật tư leo thang, thời tiết khô hạn nên đầu tư tưới tốn kém rồi tiền thuê nhân công, xe vận chuyển… nên chi phí cho cây chè khá cao. Trong khi đó, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cây chè.
Còn tại huyện Anh Sơn, bà con trồng chè cũng không khá hơn, vụ chè năm nay lời lãi không đáng kể. Gia đình ông Võ Văn Lương ở thôn Quang Tiến, xã Hùng Sơn có 2,5 héc-ta chè đã trồng được 16 năm. Ông Lương cho biết, hiện gia đình đã thu hoạch lứa chè đầu vụ được 10 tấn búp tươi, nhập cho đơn vị chế biến chè trên địa bàn xã với giá 3.200 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước giá chè giảm 500 – 1.000 đồng/kg. Với giá chè như vậy, nếu thuê máy thu hoạch thì người trồng chè chưa có lãi. Tuy nhiên, do đã lường trước được khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bà con vẫn tiến hành thu hoạch, đầu tư chăm sóc để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo sản lượng và chất lượng. Giá thu mua thấp so với các năm trước là do dịch COVID-19, nên bà con hy vọng có thể thời gian tới khi dịch được khống chế thì giá chè sẽ được đẩy lên cao.
Đồng hành cùng người trồng chè
Những năm trước, HTX chè xanh Thanh Chương xuất khẩu khoảng 500 tấn chè khô thành phẩm sang thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ. Lượng chè tồn kho còn nhiều, vốn xoay vòng hạn chế, việc kinh doanh của HTX gặp không ít khó khăn. Để ổn định vùng nguyên liệu, HTX chủ trương thu mua hết lượng chè người dân đã hái; hướng dẫn, động viên bà con yên tâm chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời, tăng cường tìm bạn hàng mới, chuyển sang chế biến các sản phẩm chè sạch, cao cấp, chất lượng hơn để phục vụ thị trường trong nước. Về lâu dài, HTX kiến nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ về việc giảm lãi suất, giãn nợ để HTX có thể duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay…
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá chè giảm sút, Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất, chế biến tiêu thụ chè Thanh Mai (Thanh Chương) ngoài đảm bảo thu mua chè búp tươi cho các hội viên tham gia, chi hội còn tổ chức các cuộc sinh hoạt nhằm chia sẻ khó khăn cùng bà con, động viên bà con bám đồi thu hái, chăm sóc chè, không để chè “quá lứa”. Đồng thời, bàn bạc, thỏa thuận giá cả, tìm hướng mở rộng thị trường để nâng cao giá trị cây chè. Do đó đã tạo được niềm tin cho bà con trồng chè, cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn.
Mặc dù giá chè xuống thấp, người trồng chè không có lãi song trên những đồi chè ở các vùng Thanh Đức, Thanh Thủy, Thanh Mai, Thanh Hà, Hạnh Lâm... (huyện Thanh Chương), ở Hùng Sơn, Cao Sơn, Phúc Sơn... (huyện Anh Sơn) người dân vẫn bám đồi, bám vườn tích cực thu hái, chăm sóc cây chè. Đồng hành cùng họ là các HTX, các xưởng chế biến, các công ty chè... nỗ lực tìm kiếm mối tiêu thụ, duy trì hoạt động đảm bảo thu mua hết số chè của bà con. Địa phương cũng có các chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời, chung tay cùng bà con vùng chè vượt qua giai đoạn khó khăn mùa dịch bệnh...
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Sơn La:
Liên kết trồng chanh leo ở Chiềng Sung
Mô hình liên kết trồng chanh leo của các hộ nông dân ở xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với Công ty Đồng Giao đã mở ra một hướng đi mới cho các hộ dân trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Đến nay, tổng diện tích chanh leo toàn xã Chiềng Sung đạt trên 160 héc-ta. So với các loại cây trồng khác, chanh leo đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Cụ thể: 1 héc-ta chanh leo cho năng suất 40 tấn trong khi trồng ngô chỉ thu được 8 tấn. Với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg, 1 héc-ta chanh leo sau 4 tháng trồng thu được 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 100 triệu đồng. Rõ ràng trồng chanh leo hiệu quả hơn rất nhiều so với ngô. Tham gia mô hình liên kết, bà con Chiềng Sung còn được Công ty Đồng Giao đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg.
Đến nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn, Công ty Đồng Giao đã và đang liên kết phát triển vùng sản xuất chanh leo với các xã: Chiềng Sung, Chiềng Ve, Nà Bó. Tại huyện Thuận Châu là các xã Mường É, Phổng Lái, Phổng Lập và Tông Cọ. Tổng diện tích cả 2 huyện là 108 héc-ta chanh leo. Bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân nhận trực tiếp cây giống từ công ty, đối với các hộ dân đã trồng chanh leo trước đây hoặc lấy giống ở nơi khác về trồng, nếu đầu ra không ổn định, công ty sẵn sàng thu mua với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Nếu giá thị trường tăng, giá thu mua của công ty cũng sẽ tăng theo. Trong đó, xã Chiềng Sung có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây chanh leo. Tuy nhiên, để cây chanh leo sinh trưởng và phát triển tốt, bà con nên chọn mua giống ở những địa chỉ uy tín; thường xuyên thăm vườn, giữ vườn sạch cỏ, thông thoáng. Bởi vì, nếu vườn rậm, chanh leo dễ bị mắc nấm loang dầu, phấn trắng, nhện, rệp rất khó chữa. Bà con cần làm vườn thông thoáng; định kỳ phun đúng các loại thuốc mà cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn sẽ hạn chế thấp nhất được sâu bệnh và virus.
Ninh Thuận:
Giá nha đam tăng cao
Trái với tình hình ế ẩm của nhiều loại nông sản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hơn 1 tháng nay, giá nha đam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tăng nhanh và vẫn đang có dấu hiệu tăng thêm. Giá tăng khiến các hộ dân canh tác loại cây trồng này hết sức phấn khởi.
Giá nha đam thời gian qua liên tục tăng, từ mức 3.000 đồng/kg thời điểm giữa tháng giêng đến nay đã là 4.500 đồng/kg. Thậm chí, với hàng đẹp, đạt chuẩn giá bán lên tới 5.500 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên giá nha đam tăng nhanh và đạt đỉnh cao như vậy. Nha đam phát triển tới đâu đều được bà con thu hoạch ngay và thương lái thu mua hết tới đó. So với giá bán trung bình của nhiều năm qua, giá nha đam ở thời điểm này đã cao gấp 4 lần. Với mức giá này, hàng trăm hộ dân trồng nha đam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thu về khoản lợi nhuận lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nguyên nhân do đây là thời điểm đầu mùa nắng, nhu cầu sử dụng các món ăn, nước uống liên quan đến nha đam tăng mạnh. Đặc biệt, nha đam là nguyên liệu được nhiều công ty thu mua để chế biến nước giải khát, các món ăn mùa nắng nóng…
Với đặc tính chịu hạn tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao, nha đam là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Để nha đam trở thành cây trồng “giảm nghèo” của tỉnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch vùng trồng. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ mở rộng diện tích cây nha đam lên khoảng 500 héc-ta. Để đạt mục tiêu này, Ninh Thuận tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ nông dân phát triển cây nha đam, đẩy mạnh tuyên truyền, làm cầu nối giúp nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau, xây dựng các tổ hợp tác sản xuất nha đam theo chuẩn VietGAP và quan trọng nhất là đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Giá thức ăn chăn nuôi tăng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự tăng giá của đồng đô-la Mỹ nên nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, giá khô dầu đậu tương đã tăng trên 10% từ mức 9.000 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg. So với khô dầu đậu tương, mặt hàng ngô còn tăng mạnh hơn khi tăng gần 30%, từ mức 5.600 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg. Đặc biệt, một số mặt hàng lysine, axit amin còn tăng hàng trăm phần trăm và luôn trong tình trạng khan hàng.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam gặp rất nhiều áp lực. Hiện một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng giá bán từ 500 - 1.000 đồng/kg. Một số đơn vị lớn chọn giải pháp giữ giá bán thức ăn không tăng song lại tiến hành giảm tiền chiết khấu hoa hồng cho các đại lý.
Đắk Nông:
Vụ bơ được mùa, mất giá
Theo đánh giá chung, năm nay bơ được mùa nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá bơ giảm thấp. Bơ rớt giá khiến nhiều hộ nông dân gặp khó khăn, nhất là việc cân đối chi phí sản xuất. Hiện thương lái thu mua bơ giá 30.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Với hy vọng giá bơ sẽ tăng trở lại, nhiều vườn chấp nhận “neo” bơ ở trên cây để kéo dài thời gian. Tuy nhiên, nếu “neo” quá lâu, bơ sẽ rụng, hao hụt khi thu hoạch.
Hiện nay, hầu hết các thương lái đều thu mua bơ với mức giá chỉ bằng khoảng 1/2 so với mọi năm vì không thể xuất bán đi các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dịch bệnh đã khiến việc xuất khẩu bơ bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu sử dụng, tiêu thụ của người dân giảm.
Quảng Nam:
Vụ dưa hấu bội thu
Thời điểm này, trên khắp những cánh đồng thuộc huyện Phú Ninh - huyện có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Quảng Nam, bà con đang tất bật thu hoạch dưa hấu. Không những dưa được mùa mà giá dưa cũng tăng cao vượt cả sự mong đợi của người trồng.
Với giá dưa bán sỉ cho thương lái dao động 7.000 – 8.000 đồng/kg, bà con thu về gần 15 triệu đồng trên diện tích 1 sào dưa. Sau khi trừ chi phí sản xuất, bà con lãi không dưới 12 triệu đồng. Đặc biệt, thương lái nườm nượm kéo tới thu mua dưa ngay tại bãi đã giúp bà con an tâm hơn về khâu tiêu thụ. Thậm chí, để giúp bà con giảm bớt thời gian vận chuyển, thương lái đánh xe tới sát trục đường dẫn ra các ruộng dưa để gom hàng.
Một điều rất đáng mừng là giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành mà dưa vừa được mùa lại được giá. So với năm ngoái, giá dưa năm nay ổn định và nhỉnh hơn. Hiện dưa hấu Phú Ninh nói riêng và cả tỉnh Quảng Nam nói chung đang được các thương lái thu mua, vận chuyển ra Đà Nẵng và một số tỉnh phía Bắc bán. Chất lượng dưa tốt cũng là một lý do giúp loại nông sản này không bị thương lái ép giá.
Quảng Ngãi:
Tỏi khô Lý Sơn rớt giá
Chưa năm nào nông dân huyện đảo Lý Sơn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tỏi khô như năm nay. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến việc tiêu thụ tỏi của nông dân huyện đảo gặp nhiều khó khăn, giá giảm mạnh. Sau khi tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng đón khách du lịch ra đảo nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, việc tiêu thụ tỏi Lý Sơn ở thị trường nội địa cũng giảm sút. Hiện nay, giá tỏi khô Lý Sơn chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg, giảm 30 - 40% so với tháng trước. Khó khăn trong khâu tiêu thụ nên các cơ sở thu mua, sơ chế tỏi Lý Sơn cũng tạm dừng mua tỏi của nông dân.
Huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trồng hơn 330 héc-ta tỏi với tổng sản lượng ước đạt từ 2.000 - 2.500 tấn tỏi/vụ. Tỏi cũng là cây trồng chủ lực của nông dân huyện đảo. Tuy nhiên, người dân đang gặp nhiều khó khăn bởi đầu ra chưa được ổn định, đa số bà con tự tìm đầu ra và chủ yếu là bán cho khách du lịch. Mặc dù tỏi Lý Sơn đã có thương hiệu nhưng việc thiếu chuỗi liên kết tiêu thụ đã khiến cuộc sống người trồng tỏi còn bấp bênh, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Đắk Lắk:
Huyện vùng sâu trồng sả thoát nghèo
Những năm gần đây, nông dân tại huyện vùng sâu M’Đrắk (Đắk Lắk) đã chuyển đổi nhiều diện tích đất không hiệu quả sang trồng cây sả theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, liên kết trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nông dân thoát nghèo trên vùng đất khó.
Xã Krông Á, huyện M’Đrắk là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do đất đai kém dinh dưỡng, địa hình đồi núi và khó khăn trong giao lưu buôn bán. Bên cạnh đó, các loại cây trồng chủ lực của địa phương như: Cà phê, hồ tiêu, mía… đều bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, giá lại giảm khiến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Krông Á, một số hộ đã chuyển đổi một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng sả để cung cấp nguyên liệu chế biến tinh dầu. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với cơ sở sản xuất tinh dầu để hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sả là loại cây dễ trồng do không kén đất, sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu khô nóng. Hiện trên địa bàn huyện M’Đrắk, cây sả đã được trồng ở nhiều xã như: Krông Á, Ea Lai, Ea Pil, Ea Riêng… bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế tốt hơn các loại cây trồng khác như sắn, mía. Trên địa bàn huyện cũng có một số tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên trồng, chế biến tinh dầu và tiêu thụ ở thị trường miền Bắc.
Qua một thời gian trồng thử nghiệm, có thể khẳng định, cây sả đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương, giúp một bộ phận người dân thoát nghèo nhờ có sự liên kết trong sản xuất. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo bà con cần thận trọng khi mở rộng diện tích, đồng thời tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc cây sả, phải thay gốc đúng chu kỳ để đảm bảo năng xuất. Đặc biệt, trước khi mở rộng diện tích sản xuất, bà con nên chủ động nắm bắt thị trường, liên kết chặt chẽ theo chuỗi sản xuất, gắn vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ để mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Tăng cường quản lý giống lúa nhập khẩu
Cây giống là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của bà con. Nếu mua phải giống không đảm bảo, giống giả có thể dẫn tới mất mùa hoặc không đạt năng suất. Vì vậy, trước mỗi mùa vụ, Lào Cai luôn thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ người trồng trọt.
Sang tháng 4, nông dân vùng cao bước vào vụ sản xuất lúa duy nhất trong năm. Để phục vụ nhu cầu của bà con, Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai và các cửa hàng, đại lý trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị khoảng 450 tấn giống lúa các loại, đảm bảo đủ giống cho sản xuất lúa vụ xuân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số giống lúa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên khan hiếm. Lợi dụng tình hình đó, trên thị trường xuất hiện các mặt hàng giống không rõ nguồn gốc, không đầy đủ nhãn mác, giống nhập khẩu không có tem nhãn phụ. Trước tình hình này, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã thành lập các tổ liên ngành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, thống kê các cửa hàng, đại lý kinh doanh giống nhập khẩu. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh khi không đủ điều kiện.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân khi sử dụng giống cần lưu ý: Tất cả các giống đã ban hành trên thị trường phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận là giống được phép sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ việc ghi nhãn mác, chủng loại giống theo quy định; trên bao bì ghi rõ thời vụ sản xuất, hạn sử dụng. Nếu là giống nhập khẩu phải có tem phụ đính kèm, ghi rõ đơn vị nhập khẩu.
HÀNG VIỆT |
Tuyên Quang:
Tìm thị trường cho các sản phẩm gặp khó vì dịch COVID-19
Giống như nhiều địa phương trên cả nước, tác động của dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều ngành, nhiều cơ sở sản xuất của Tuyên Quang gặp khó khăn. Để sản xuất không bị gián đoạn, để người nông dân không lao đao vì sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ…, tỉnh Tuyên Quang đã và đang nỗ lực vào cuộc với nhiều giải pháp.
Ế ẩm vì COVID-19
Tuyên Quang hiện có hơn 2.000 héc-ta chuối, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Nếu như năm 2019, cây chuối từng được xem là “cây thoát nghèo” của đồng bào dân tộc ở Tuyên Quang, thì 4 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hộ trồng chuối ở Tuyên Quang đã phá bỏ vườn chuối vì không thể tiêu thụ được bởi thị trường tiêu thụ duy nhất là Trung Quốc tạm đóng cửa.
Trung Quốc đóng cửa không thu mua, nếu có cũng thu mua rất hạn chế, không chỉ ảnh hưởng tới sản phẩm chuối, mà các sản phẩm xuất khẩu khác của Tuyên Quang cũng chịu chung số phận “ế ẩm”, trong số đó, có trâu thịt và sản phẩm gỗ đã qua chế biến.
Với mục tiêu đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, 2 năm trở lại đây, Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chăn nuôi trâu thịt theo chuỗi để nâng cao giá trị. Đến nay, Tuyên Quang đã có khoảng 110.000 con trâu thịt. Với giá trị mang lại, con trâu được xem như “cơ nghiệp” của không ít đồng bào DTTS ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình…
“Các đàn trâu đang phát triển rất tốt thì dịch bệnh COVID-19 ập đến, Trung Quốc tạm ngừng không thu mua nên hàng nghìn con trâu đã đến lúc xuất bán không thể bán được. Lẽ ra đã có thể thu tiền về, nay người chăn nuôi trâu phải tiếp tục tốn thời gian, công sức và tiền bạc để duy trì đàn trâu. Đúng là khó trăm bề...” - ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Thành Công (xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá) ngao ngán.
Không lo hỏng như chuối, không phải tốn công chăn nuôi như trâu, nhưng các công ty chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng ở Tuyên Quang cũng đang đứng trước vô vàn khó khăn, khi mà thị trường xuất khẩu là Châu Âu trở thành tâm dịch của thế giới. Với 130.000 héc-ta gỗ rừng trồng, 65.000 héc-ta rừng gỗ lớn, 4 tháng nay, người trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Tuyên Quang đứng ngồi không yên vì sản phẩm gỗ sản xuất xong chưa thể xuất bán, rất nhiều kế hoạch xuất khẩu đành gác lại để chờ cơ hội…
“Khó 1 phải cố gắng 2, 3”
Là quyết tâm mà tỉnh Tuyên Quang đặt ra trong lúc tìm hướng đi cho các sản phẩm nông nghiệp đang gặp khó vì dịch bệnh COVID-19. Theo đó, ngay từ đầu tháng 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã họp bàn và có văn bản hướng dẫn cho các huyện, các doanh nghiệp và hợp tác xã.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện hướng dẫn các hộ vay vốn sản xuất của ngân hàng liên hệ với các tổ chức tín dụng, làm đơn theo Thông tư số 01 ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước để cơ cấu lại các khoản vay (giãn nợ, kéo dài thời gian cho vay, giảm lãi vay). Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ sản xuất có điều kiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm” – ông Nguyễn Đại Thành – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho hay.
Song song với công tác cơ cấu lại sản xuất, Tuyên Quang đặc biệt chú trọng tới tiêu thụ sản phẩm – vấn đề người nông dân thường xuyên gặp khó khăn nếu phải tự mình xoay xở. Trong khi, với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm hàng hóa của Tuyên Quang thời gian tới sẽ ngày càng đa dạng và gia tăng về sản lượng.
Về vấn đề này, ông Lộc Kim Liễn – Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang thông tin: Hiện Tuyên Quang không chỉ có trâu thịt, gỗ chế biến, chuối khó tiêu thụ, mà các sản phẩm gia cầm, thủy cầm cũng đang vất vả tìm đầu ra. Mới đây, Sở Công Thương đang phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại số lượng các loại hàng hóa đảm bảo chất lượng để làm văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có nhu cầu; thông qua các đơn vị này để quảng bá, giới thiệu vào hệ thống siêu thị trong nước các sản phẩm nông sản Tuyên Quang.