TIÊU ĐIỂM |
Hà Tĩnh:
Giá chanh giảm, tiêu thụ khó
Hiện nay, bà con xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đang vào cao điểm tận thu chanh vụ trái, bắt đầu thu hoạch vụ mùa. Tuy nhiên, giá chanh giảm thấp, tiêu thụ khó khiến bà con lo lắng.
Giá giảm mạnh
Đức Lĩnh là vựa chanh lớn nhất của huyện Vũ Quang. Với lợi thế dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, từ việc trồng tự phát, đến nay, cây chanh đã được chọn là một trong những loại cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nhiều hộ gia đình nhờ trồng chanh đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Vụ chanh năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thị trường tiêu thụ chanh giảm sút. Trong vòng 2 tuần gần đây, giá chanh bán tại vườn giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1/3 so với tháng trước. Tháng trước, giá chanh bán ra 30.000 đồng/kg tại vườn, cứ thu hoạch xong là có xe thương lái từ TP. Vinh (Nghệ An) và Quảng Bình đặt mua hết. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ thấp, nhà buôn giảm sức mua nên hiện nay giá bán chanh tại vườn chỉ còn 10.000 đồng/kg. Song điều khiến bà con nông dân ở đây lo lắng không chỉ là giá thấp mà còn là tình trạng tồn đọng hàng. Theo phản ánh của các nhà vườn, các năm trước, vào thời điểm này, trung bình nhà vườn bán ra 2 - 3 tấn mỗi ngày, còn bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được vài tạ. Hiện nay, hầu hết các vườn chanh đều lâm vào tình trạng bị vàng quả do già lứa nên có hái xuống cũng không bán được. Trong khi đó, chỉ còn vài ba tuần nữa, vụ chanh mùa tiếp tục được thu hoạch thì tình hình sẽ căng thẳng hơn.
Phát triển kinh tế vườn đồi từ trồng chanh
Chanh là cây trồng truyền thống và trong nhiều năm nay đã trở thành cây trồng xóa đói, giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, thời gian thu hoạch khá dài (từ tháng 11 năm trước đến tháng 8 năm sau cho hai vụ chanh trái và chanh mùa) nên bà con có thu nhập gần như quanh năm. Chính vì vậy, huyện Vũ Quang đã xác định, phát triển kinh tế vườn đồi từ trồng chanh, cam là một hướng đi mới, hiệu quả. Những năm gần đây, nhờ nắm bắt thị trường, nhiều hộ đã xây dựng vườn đồi trồng chanh xen cam để phát triển kinh tế. Thấy rõ hiệu quả của mô hình trồng chanh, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con. Đồng thời, tạo điều kiện để bà con được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế vườn đồi. Thậm chí, thời điểm mới phát động phong trào, một số xã như Đức Lĩnh còn hỗ trợ kinh phí cho bà con nông dân trồng chanh. Theo đó, mỗi hộ trồng 0,5 - 1 héc-ta được hỗ trợ 2 triệu đồng; trên 1 héc-ta được hỗ trợ 4 triệu đồng. Thời gian qua, chanh Đức Lĩnh đang dần hình thành thương hiệu. Hàng chục hộ nhờ trồng chanh có thu nhập cao, đời sống khá giả.
Những năm trước, nhờ thị trường tiêu thụ tốt nên vụ chanh trái ở Vũ Quang luôn được mùa, được giá. Bình quân mỗi năm, cả hai vụ chanh trái và chanh mùa, bà con thu nhập 200 - 300 triệu đồng mỗi hộ. Tuy nhiên, cũng giống như một số mặt hàng nông sản khác, người trồng chanh luôn phải đối mặt với khó khăn được mùa, mất giá, khó tiêu thụ… Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay chính là việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để bà con yên tâm trồng trọt.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Phú Thiện (Gia Lai):
Liên kết tiêu thụ khoai lang
Hàng trăm héc-ta khoai lang Nhật Bản trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã được tiêu thụ gần hết. Mặc dù năng suất không cao như mọi năm nhưng bà con nông dân vẫn phấn khởi vì được các hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm với giá cao.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân huyện Phú Thiện trồng khoảng 450 héc-ta khoai lang Nhật Bản, năng suất ước đạt 25 tấn/héc-ta. Hiện giá khoai lang xô được thương lái thu mua tại ruộng trong khoảng 5,5 - 6 triệu đồng/tấn. Không chỉ được giá, thương lái khắp nơi còn về tận ruộng thu mua khoai. Nhiều nông dân không có đủ nhân công thu hoạch thì bán nguyên ruộng khoai lang với giá gần 100 triệu đồng/héc-ta. Thương lái đưa máy cày vào để cày xới khoai lên, thuê người nhặt củ đóng thành từng sọt, chất lên xe chở đi nhập cho các doanh nghiệp ở miền Trung và miền Bắc. Với người trồng, sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta khoai lang Nhật Bản, nông dân thu nhập cao gấp 2 lần trồng lúa. Ngoài bán củ, dây khoai lang còn được bán để làm giống với giá 1 triệu đồng/sào.
Nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, năm nay, một số hợp tác xã trên địa bàn huyện đã liên kết với chuỗi siêu thị, các chợ đầu mối phía Bắc, các công ty thương mại, xuất nhập khẩu… Để giúp bà con tiêu thụ hết sản lượng, ngay từ đầu vụ thu hoạch, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức hội nghị mời gọi các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị lớn trong nước về địa phương để giới thiệu và ký cam kết thu mua khoai lang cho nông dân. Nhờ vậy, vụ này không xảy ra tình trạng tồn đọng và phải giải cứu như năm trước.
Bằng những giải pháp hiệu quả và được triển khai ngay từ đầu vụ, tiêu thụ khoai năm nay hanh thông, thuận lợi. Vì vậy, dù năng suất có giảm hơn so với năm ngoái do nắng hạn nhưng bà con nông dân vẫn phấn khởi vì khoai bán được giá cao.
Ninh Thuận:
Thu hoạch nho chính vụ gặp khó
Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, các nhà vườn ở Ninh Thuận phấn khởi khi đến vụ thu hoạch nho chính vụ xuân hè vì năng suất cao và giá bán ổn định thì vụ nho năm nay lại kém vui do giá nho xuống thấp, ít thương lái tìm đến mua.
Ninh Thuận - miền đất Nam Trung Bộ đầy nắng vàng, cát trắng được biết đến là một vùng nho nổi tiếng. Cây nho đã trở thành cây sản xuất hàng hóa, giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm nay, vùng nho cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy đã vào vụ thu hoạch nhưng các xe vận chuyển hàng hóa tăng phí khiến thương lái không dám mua nho nguyên giàn (mua mão) với số lượng nhiều. Hiện nay, giá bán nguyên giàn nho đỏ Cardinal giá chỉ dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, nho xanh NH01-48 giá chỉ từ 18.000 - 22.000 đồng/kg, giảm hơn 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Thông thường, nho đỏ được các cơ sở thu mua để chế biến mứt, nho khô, mật nho, rượu nho… nên dễ tiêu thụ trong tỉnh. Riêng nho xanh chỉ dùng để ăn tươi nhưng lượng tiêu thụ không nhiều dù giá bán đã giảm gần một nửa.
Ninh Thuận là địa phương trồng nho lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 1.200 héc-ta, sản lượng cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 tấn nho tươi/năm. Vùng trồng nho chủ yếu tập trung ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn. Nho chín có quanh năm nhưng chính vụ (vụ xuân hè) thời tiết thuận lợi nho cho năng suất cao, quả ngọt, lại ít hạt. Nho chính vụ được nông dân thu hoạch từ tháng 4 - 8 hằng năm. Năm nay, năng suất nho đạt cao hơn so với vụ trước nhưng không được giá, ít thương lái thu mua. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của đại dịch, nông dân Ninh Thuận vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Hà Tĩnh:
Vụ lạc sớm được giá
Bà con huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang thu hoạch lạc sớm. Lạc được giá nên bà con rất phấn khởi và có thêm động lực bám đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên cây lạc không cho nhiều củ như mong đợi nhưng bán được giá cao. Hiện đồng lạc đang bước vào mùa thu hoạch, không khí rất khẩn trương, tấp nập. Tuy vất vả nhưng ai cũng vui bởi năm nay lạc bán được giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg trong khi năm ngoái chỉ đạt 12.000 đồng/kg. Đáng mừng hơn cả là nhiều thương lái đến tận đồng thu mua.
Năng suất lạc vụ này khá ổn định, bình quân 30 tạ/héc-ta (lạc khô) và 45 tạ/héc-ta (lạc tươi). Hiện tại, người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, vật lực sớm hoàn thành việc thu hoạch.
Đồng Nai:
Giá gà công nghiệp tăng trở lại
Tại tỉnh Đồng Nai, giá gà trắng công nghiệp đã tăng từ 8.000 đồng/kg lên 21.000 - 22.000 đồng/kg. Giá thịt gà công nghiệp tăng là do một số nơi học sinh đã đi học, người lao động, doanh nghiệp đã trở lại làm việc nên quán ăn, bếp ăn tập thể cũng dần hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo tính toán của người chăn nuôi, do giá thành chăn nuôi từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, vì vậy người chăn nuôi vẫn còn lỗ và hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng khi cuộc sống của người dân dần ổn định trở về như trước. Chính vì vậy, một số người dân đã giãn chăn nuôi và neo gà lại chờ giá tốt hơn mới bán. Tuy nhiên, việc này làm tăng chi phí và rủi ro.
Trước khó khăn của người chăn nuôi gà, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ kiến nghị, cơ quan chức năng nên giải quyết bất hợp lý trong khâu trung gian để kích cầu. Vì khi giá gà rẻ, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt gà với giá đắt gấp 2 - 3 lần so với giá ở chuồng, trại.
Long An:
Nông dân trúng đậm vụ mè xuân hè 2020
Tại huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, tỉnh Long An, nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân trồng mè vụ xuân hè năm nay đạt năng suất tốt. Với giá bán trên thị trường dao động từ 46.000 - 52.000/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư như: phân, thuốc, giống, công lao động,… nông dân có lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/héc-ta. Theo đánh giá chung, năm nay, mè ít sâu bệnh, năng suất cao hơn so với các vụ mùa trước từ 100 – 200 kg/héc-ta, giá bán cũng ở mức cao nên hầu hết nông dân trồng mè vụ này rất phấn khởi.
Thời gian qua, cây mè phát triển tốt tại các vùng đất gò cao ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Cây mè có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, rất thích hợp cho việc trồng xen canh với cây lúa. Tuy nhiên, để cây mè phát triển ổn định, ngành chuyên môn khuyến cáo, số diện tích mè đã thu hoạch, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết xuống giống vụ lúa hè thu năm 2020 cho kịp thời vụ.
Hoàng Su Phì - Hà Giang:
Dâu tây tiêu thụ tốt, giá ổn định
Pố Lồ là xã giáp biên của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Nơi đây có điều kiện khí hậu mát mẻ, một số thôn vùng cao quanh năm có sương mù bao phủ, có điểm tương đồng thời tiết với Đà Lạt. Vì vậy, thời gian qua, một số hộ đồng bào đã đưa cây dâu tây vào trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả.
Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây dâu tây khá thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Pố Lồ và bước đầu đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con. Theo định hướng trồng dâu tây theo hướng nông nghiệp sạch, các hộ đều không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản. Với đặc điểm quả đỏ mọng, thơm, ngon nên dâu tây của xã được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao. Hiện nay, dâu thu hoạch đến đâu đều được thương lái dưới xuôi thu mua hết đến đó nên bà con rất phấn khởi. Giá bán tương đối ổn định từ 120.000 – 150.000 đồng/kg.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Tam Đường - Lai Châu:
Trồng sa nhân tím trên vùng đồi núi khô cằn
Là một huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, thời gian qua, Tam Đường đã tuyên truyền, vận động bà con trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng. Điều này không chỉ giúp bà con có thêm nguồn sinh kế từ rừng mà còn góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có trên 106 héc-ta sa nhân tím, tập trung tại các xã như: Nùng Nàng, Thèn Sin, Tả Lèng... Cách đây 2 năm, nhận thấy tiềm năng và cơ hội giúp bà con ổn định cuộc sống, địa phương đã vận động bà con trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã tổ chức cho bà con trồng, chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân cách thức thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây… Chỉ sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, hiện những cây sa nhân tím đã vươn xanh trên những vùng đồi núi khô cằn, bắt đầu ra hoa và cho quả. Dự kiến, trong khoảng tháng 7 - 8/2020, những quả sa nhân tím này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Cây sa nhân sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch. Đó chính là những tín hiệu tích cực cho thấy, cây sa nhân phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Để chuẩn bị cho công tác xúc tiến tiêu thụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường sẽ phối hợp với các xã lựa chọn các doanh nghiệp, thương nhân bao tiêu sản phẩm để đầu ra ổn định.
Sa nhân tím là loại cây dược liệu quý, dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, cho giá trị kinh tế cao mà còn có khả năng chống xói mòn đất, giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, sa nhân tươi bán ra thị trường với giá 250.000 đồng/kg, sa nhân khô có giá từ 500.000 – 600.000 đồng/kg. Theo tính toán, cây sa nhân trồng trong năm đầu tiên thu hoạch sẽ cho thu nhập 100 triệu đồng/héc-ta, những năm tiếp theo năng suất sẽ cao hơn.
Dễ trồng, giá trị kinh tế cao, cây sa nhân tím đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững cho bà con huyện vùng cao Tam Đường.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Nhận biết nồi cơm điện chất lượng tốt
Thị trường nồi cơm điện hiện nay có 3 loại: Nồi cơm điện cơ (nồi cơm điện thường), nồi cơm điện tử và nồi cơm điện cao tần. Bà con nên chọn mua nồi cơm điện cơ cho dễ sử dụng, giá cả phải chăng, thời gian nấu nhanh.
Khi mua nồi cơm điện, bà con nên lưu ý đến một số điểm sau: Về dung tích nồi, bà con nên chọn loại phù hợp với số người của gia đình mình.
Về hình thức bên ngoài, trước tiên, bà con cần lưu ý đến vỏ nồi. Vỏ nồi cơm điện hàng chính hãng luôn sắc nét, trơn bóng, chữ và hoa văn rõ ràng. Bà con không nên mua những chiếc nồi có vỏ bị bong tróc lớp sơn phủ bên ngoài bởi thông thường đây là sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Nắp nồi phải kín và khớp với thân để tránh tình trạng thất thoát hơi nhiều, cơm nấu không ngon và tiêu tốn nhiều điện năng. Lòng nồi không được xước hoặc bong tróc lớp men. Tốt nhất nên chọn loại có men chống dính mịn, chắc để cơm ngon và dễ dàng rửa sạch. Mâm nhiệt phải chắc chắn, sáng bóng, không gỉ. Sau khi đã kiểm tra các yếu tố trên, bà con nên yêu cầu cửa hàng cắm điện để kiểm tra nguồn điện vào. Một trong những điều bà con cần lưu ý khi mua là kiểm tra tem bảo hành, tem chống hàng giả… Hàng chất lượng, chính hãng phải có nhãn mác đầy đủ, tem bảo hành với mực in tem đều, rõ nét, không bị nhòe, không bong tróc.
Tốt nhất, bà con nên đến các cửa hàng điện máy có uy tín hoặc chi nhánh phân phối chính hãng để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Những nồi cơm điện không rõ nguồn gốc thường được bán với giá rất rẻ. Tuy nhiên, chất lượng không tốt và thường được làm từ những chất liệu không an toàn đối với sức khỏe, dễ xảy ra các sự cố về điện.
HÀNG VIỆT |
Tây Ninh:
Đưa nông sản địa phương vào siêu thị
Tây Ninh là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giá trị cao như: Rau, củ, quả và sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được đề xuất và bình chọn là sản phẩm OCOP.
Từ đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm…
Tây Ninh xác định, chương trình OCOP là một trong những giải pháp để phát triển ngành nghề nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được nhiều địa phương thực hiện thành công. Chính vì vậy, Tây Ninh đã xây dựng đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của đề án trong giai đoạn 2020 – 2025, Tây Ninh sẽ có từ 2 – 3 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Trong đó, tập trung vào các sản phẩm như: Bột mì, đường hữu cơ, hạt điều nhân bóc vỏ, mãng cầu, bánh tráng phơi sương, bò tơ, muối ớt và muối tôm. 10 – 15 sản phẩm OCOP 4 sao (cấp tỉnh); tập trung vào các sản phẩm như: Bánh tráng; sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan; cây ăn quả đặc sản; sản phẩm Trà Hoàn Ngọc, Trà Tâm Lan; sản phẩm từ ngành hàng rau thực phẩm. Mỗi huyện, thành phố sẽ có từ 5 – 10 sản phẩm là sản phẩm OCOP 3 sao (cấp tỉnh); tập trung vào các sản phẩm đã đề xuất là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với từng huyện/thành phố. Đến giai đoạn 2026 – 2030, toàn tỉnh Tây Ninh phấn đấu có từ 5 – 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình OCOP là hơn 238 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2020 – 2025 sẽ huy động hơn 140 tỷ đồng cho các hạng mục như xây dựng hệ thống quản lý điều hành; triển khai chu trình OCOP thường niên; các dự án ưu tiên đầu tư...
Đồng thời, Tây Ninh có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú; một số ngành nghề truyền thống với sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cùng đội ngũ thợ, nghệ nhân có trình độ tay nghề khá cao là nền tảng phát triển kinh tế nông thôn bền vững hơn. Đề án chương trình OCOP hướng đến mục tiêu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới.
… đến việc xúc tiến đưa nông sản địa phương vào siêu thị
Song song với việc phát triển các sản phẩm OCOP, Tây Ninh đã xúc tiến đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương vào siêu thị. Mới đây nhất, Tây Ninh đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Central Retail (chủ sở hữu hệ thống siêu thị Big C) để cung ứng sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh cho hệ thống siêu thị này. Hiện đặc sản của Tây Ninh mới vào siêu thị Big C được 3 sản phẩm là: Mãng cầu Bà Đen, cơm cháy và rượu mãng cầu. Tất cả các sản phẩm này đều đáp ứng tốt các tiêu chí: Thực hành sản xuất tốt (VietGAP), chất lượng, giá cả hợp lý. Tập đoàn Central Retail cũng muốn mở rộng hợp tác với tỉnh Tây Ninh trong việc thu mua nông sản trực tiếp từ các hộ nông dân, hợp tác xã với chiết khấu 0%. Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Central Retail sẽ xây dựng chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trái cây đặc sản, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh có nhiều đặc sản nông nghiệp chủ lực, có giá trị cao, như: Mãng cầu, bưởi da xanh, chuối, mít, sầu riêng, xoài, dưa lưới; rau quả các loại, rau rừng; thịt trứng các loại, như: muối ớt, muối tôm, đường, tinh bột mì; bánh tráng phơi sương, bánh tráng Tràng Bàng, bò tơ Năm Sánh… Trong đó, một số sản phẩm đặc sản đã có mặt tại hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh, được giới thiệu trên Hãng hàng không quốc gia VietNam Airlines. Riêng với mãng cầu Bà Đen, tỉnh Tây Ninh hiện có 8.000 héc-ta diện tích trồng loại đặc sản này với sản lượng 30 - 40 tấn/héc-ta.
Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định tổng nguồn vốn đầu tư cho OCOP là hơn 238 tỷ đồng.