Thông tin thị trường giá cả số 22/2021

03:42 PM 28/05/2021 |   Lượt xem: 5577 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Thuốc trừ cỏ Glyphosate:

Sẽ chính thức bị cấm từ 1/7/2021

Ngày 4/5/2021, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã họp và thông báo với Đại sứ quán Mỹ về việc hoạt chất thuốc trừ cỏ Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng tại Việt Nam sau ngày 30/6/2021. Từ 1/7/2021, các doanh nghiệp tại Việt Nam còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải thực hiện tiêu hủy theo quy định.

Glyphosate và những tác động xấu đến môi trường, sức khỏe

Glyphosate là thuốc trừ cỏ từng được sử dụng rất phổ biến, đa mục đích nhất tại nước ta từ nhiều năm qua. Đặc biệt, bằng nhiều con đường, thuốc trừ cỏ Glyphosate đã lên tận các bản làng vùng cao và được đồng bào dân tộc sử dụng tràn lan, thậm chí còn được một số cơ quan, đơn vị dùng để dọn cỏ dại ở các công trình giao thông đường bộ, đường sắt…

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, thuốc trừ cỏ nói chung và Glyphosate nói riêng gây ngộ độc mạn tính. Sử dụng phun, xịt thường xuyên cho đồng ruộng, nương rẫy, thuốc sẽ ngấm vào người qua hít thở, tiếp xúc qua da, dư lượng trong thức ăn… tuy không gây chết người ngay, nhưng cùng với thời gian, thuốc ngấm dần và đến một thời điểm nào đó sẽ phát sinh ra bạo bệnh, có thể gây ung thư. Chưa kể, việc dùng thuốc trừ cỏ Glyphosate và để thuốc chảy xuống sông, xuống biển rất độc hại cho môi trường thủy sản.

Hiện nay, nhiều vùng ở Tây Nguyên, miền Trung, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đất ngày càng thoái hóa nặng nề (đặc biệt là Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ) cũng một phần lớn là bởi tình trạng lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học – trong đó có thuốc trừ cỏ Glyphosate.

Sẽ chính thức cấm sử dụng thuốc diệt cỏ Glyphosate

Nhận thức được sự nguy hiểm cho con người và môi trường từ các loại thuốc diệt cỏ; trên cơ sở các quy định quốc tế cũng như trong nước, từ năm 2017 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã trình Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xem xét loại bỏ khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đối với 14 hoạt chất, trong đó có hoạt chất trong thuốc trừ cỏ Glyphosate.

Theo đó, tháng 4/2019, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có quyết định loại bỏ Glyphosate khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo các quy định hiện hành. Cụ thể, Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 quy định rõ, các thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021 tại Việt Nam. Quá thời hạn này, các doanh nghiệp còn tồn đọng sản phẩm có chứa hoạt chất này buộc phải thực hiện tiêu hủy theo quy định.

Trên thực tế, đến nay, nhiều nước cũng đã cấm, hạn chế sử dụng Glyphosate; đặc biệt cấm sử dụng tại nơi công cộng như: Công viên, trường học, sân golf… Trong đó, Luxembourg là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu cấm sử dụng Glyphosate từ ngày 31/12/2020. Các nước Pháp, Thuỵ Sĩ, Hà Lan đã có biện pháp quản lý từ cấm sử dụng Glyphosate tại trường học, công viên từ cuối năm 2015. Ý, Đan Mạch hiện quản lý chặt chẽ, hạn chế sử dụng Glyphosate với mục đích phi nông nghiệp. Từ năm 2021, Đức cũng đã quyết định giảm dần việc sử dụng Glyphosate và ngừng sử dụng hoàn toàn từ năm 2024; Liên minh Châu Âu hiện cũng chỉ chấp thuận sử dụng Glyphosate tại EU cho đến ngày 15/12/2022. Tại Hoa Kỳ (quốc gia khám phá ra Glyphosate) cũng đã có 26 bang hạn chế, cấm sử dụng Glyphosate tại nơi công cộng…

So với làm cỏ bằng tay, hoặc cắt bằng máy, sử dụng thuốc diệt cỏ Glyphosate nhanh và triệt để cỏ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với những ảnh hưởng tai hại đến thần kinh, hô hấp, tim mạch, thận của con người và dần dần hủy hoại đất đai…, bà con nên kiên quyết loại bỏ loại thuốc diệt cỏ Glyphosate trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời mạnh dạn tố cáo những trường hợp vẫn buôn bán, sử dụng loại thuốc chứa nhiều độc tố này.    

Glyphosate có nhiều dạng, bao gồm dạng muối và dạng a-xít. Chúng có thể là chất rắn hoặc chất lỏng màu hổ phách. Có hơn 2.000 sản phẩm thuốc trừ cỏ Glyphosate được bán trên toàn thế giới. Ở nước ta, có khoảng 128 sản phẩm thuốc diệt cỏ được đăng ký lưu hành. 70 - 80% trong số đó có chứa thành phần Glyphosate, nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Trung Quốc.

Đắk Lắk:

Phát triển cây dứa đồi bền vững

Niên vụ 2021, vùng dứa xã Cư Drăm đã mở rộng diện tích lên trên 600 héc-ta song bà con hết sức lo lắng khâu tiêu thụ. Mỗi khi vào vụ thu hoạch, đầu ra và giá dứa phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Bên cạnh đó, các hộ thu hoạch dứa thường vào cùng một thời điểm cộng với nhiều địa phương khác cũng vào vụ thu hoạch nên thường xuyên xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”. Nhiều gia đình gặp khó trong khâu tiêu thụ vì lượng dứa nhiều, thương lái mua không kịp.

Những năm gần đây, nhiều hộ có diện tích dứa lớn đã áp dụng biện pháp xử lý cho dứa ra quả sớm, ra quả trái vụ để tránh tình trạng dứa chín đồng loạt, khó khăn cho đầu ra. Cuối năm ngoái, 10 hộ trồng dứa ở thôn 1 và thôn 2 của xã Cư Drăm có diện tích dứa lớn đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ dứa Cư Drăm để hỗ trợ nhau cùng phát triển và tìm đầu ra cho quả dứa. Sau khi HTX được thành lập, một số công ty cũng đã có ý định bao tiêu dứa cho HTX nếu dứa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn. Song loại dứa mà các doanh nghiệp muốn đặt hàng tiêu thụ lại là giống dứa MD2 (giống dứa lai từ giống dứa Queen và giống dứa Cayen) trái nhỏ, ít nước, độ chua ít, trọng lượng dưới 2 kg/quả. Trong khi giống dứa mà bà con xã Cư Drăm đang trồng là loại dứa Cayen, nhiều nước, quả to, 1 lần trồng thu được nhiều năm (từ 4 - 5 năm).

Cây dứa Cư Drăm được huyện Krông Bông đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế, cho thu nhập khá cao và triển vọng trở thành sản phẩm OCOP của huyện. Song để người dân trồng dứa đồi ở các thôn, buôn vùng sâu của huyện Krông Bông yên tâm phát triển cây dứa một cách bền vững; trở thành cây kinh tế chủ lực, thay thế cho cây hồ tiêu, cây sắn, cây bắp lai… rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tiêu thụ và tìm đầu ra ổn định.

Kon Tum:

Phấn khởi vào vụ khai thác mủ cao su mới

Thời điểm này, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu bước vào vụ khai thác mới. Điều đáng mừng, giá mủ cao su trên thị trường đang có xu hướng tăng và hiện ở ngưỡng khá cao.

Vài tháng trở lại đây, thị trường mủ cao su bắt đầu có những tín hiệu khả quan, giá mủ tăng dần từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, rồi 10.000 - 11.000 đồng/kg. Hiện giá mủ cao su tăng lên với mức giá 12.000 đồng/kg với mủ chén ướt, 14.000 - 15.000 đồng/kg đối với mủ đông. Đây là tin vui đối với người trồng cao su khi vụ khai thác mới đang bắt đầu.

Theo đánh giá của người trồng cao su, với giá đang duy trì như hiện nay, mỗi héc-ta cao su, nếu được chăm sóc tốt và người dân tự bỏ công cạo mủ, không phải thuê mướn nhân công, bình quân có thể thu về từ 13 -14 triệu đồng/tháng. Dù không thể so được với thời điểm đỉnh đạt giá cao nhưng so với các năm trước, mức giá hiện nay được người dân trồng cao su chấp nhận. Đời sống của công nhân, những hộ gia đình đồng bào dân tộc sống bằng nghề cạo mủ cao su được nâng lên. Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Kon Tum, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như: Sa Thầy, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đắk Hà... Giá tăng cao ngay đầu vụ khai thác là tín hiệu mừng giúp bà con có thêm động lực khai thác, chăm sóc.

Bố Trạch (Quảng Bình):

Dưa hấu rớt giá, khó tiêu thụ

Là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn, tuy nhiên, năm nay dưa hấu rớt giá, khó tiêu thụ khiến nhiều người dân trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) gặp khó khăn. Lúc dưa hấu sắp thu hoạch, thương lái đã đến tận ruộng để đặt cọc với mức giá 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên sau đó thương lái đã đến xin lấy lại tiền cọc; đồng thời chỉ chấp nhận giá thu mua 3.500 đồng/kg. Không những thế, thương lái còn rất kén chọn, chỉ mua những quả to, đẹp, nặng từ 3kg trở lên. Năm nay diện tích dưa hấu của huyện Bố Trạch giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Mặc dù diện tích giảm, nhưng đầu ra vẫn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tìm đầu ra cho dưa hấu nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung quy hoạch vùng trồng dưa hấu phù hợp để bảo đảm hài hòa giữa cung và cầu; đồng thời, định hướng cho người dân trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGap nhằm hướng tới thị trường tiêu thụ nội địa.

Hậu Giang:

Sầu riêng đầu vụ giá cao

Hiện một số diện tích trồng sầu riêng ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã cho thu hoạch sớm. Giá sầu riêng đầu vụ đạt 55.000 - 58.000 đồng/kg. Với giá cao như hiện nay, người trồng sầu riêng có lợi nhuận khá cao. Theo thống kê, hiện nay huyện Châu Thành A có khoảng 63 héc-ta trồng sầu riêng, trong đó 55 héc-ta là giống Ri 6. Đây là giống sầu riêng được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá luôn cao hơn các giống sầu riêng khác.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Dừa xiêm xanh đạt giá cao

Ở thời điểm này, dừa khô phục vụ chế biến và dừa tươi dành cho nhu cầu giải khát đều tăng giá. Dừa xiêm xanh (loại tốt) thương lái đến tận vườn mua với giá trên 110.000 đồng/chục (12 quả), dừa khô nhà vườn bán với giá từ 80.00 - 100.000 đồng/chục quả, đây là mức giá cao nhất trong 1 năm qua. Giá dừa tăng cao là do vừa qua những tháng mùa khô hạn đa số vườn dừa bị “treo”, năng suất thấp dẫn đến “cầu vượt cung”, dừa khan hiếm. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích vườn dừa thương phẩm hơn 130.000 héc-ta; trong đó Bến Tre dẫn đầu với diện tích hơn 70.000 héc-ta, tiếp đó là Trà Vinh, Tiền Giang… Để đảm bảo đầu ra ổn định cho trái dừa, nhà vườn và doanh nghiệp cần nhân rộng mô hình liên kêt sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đồng Nai:

Xoài cuối vụ giảm giá

Mặc dù xoài đã vào cuối vụ, sản lượng không còn nhiều nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá xoài vẫn thấp, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: Giá xoài Ðài Loan loại 1 được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở Đồng Nai chỉ còn ở mức 5.000 đồng/kg. Giá xoài loại 2 và loại 3 dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Riêng xoài dạt, giá thấp chưa từng có, chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg. Thậm chí thương lái không buồn thu mua, chủ vườn phải đổ bỏ la liệt dưới gốc cây. Xoài Cát Chu cũng giảm giá mạnh. Hiện giá loại 1 xoài Cát Chu đang được thương lái thu mua 5.500 - 6.000 đồng/kg; xoài loại 2 chỉ còn 3.500 đồng/kg, loại 3 thương lái kén mua, nhà vườn phải tự mang ra chợ bán lẻ,…   

Hàm Yên (Tuyên Quang):

Phá bỏ hàng trăm héc-ta cam

Nguồn cung lớn cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến vùng cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) luôn ở trong tình trạng rớt giá, khó tiêu thụ. Tình hình này khiến nhiều hộ dân phải phá bỏ hàng trăm héc-ta cam.

Theo ước tính, vụ cam năm 2020, tổng sản lượng cam của toàn huyện Hàm Yên đạt khoảng 85.000 tấn. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, liên tiếp trong 2 năm gần đây, cam rớt giá kỷ lục. Có thời điểm cam chỉ 2.000 đến 4.000 đồng/kg nhưng vẫn vắng thương lái thu mua. Cam rớt giá, khó bán là nguyên nhân chính khiến một số hộ trồng cam không đầu tư, thâm canh chăm sóc và phá bỏ trồng những cây khác thay thế.

Ngoài yếu tố về dịch Covid-19 thì đây còn là hệ quả của việc phát triển nóng vùng cam sành Hàm Yên. Nhất là vào những năm 2016 - 2017 vùng cam sành Hàm Yên phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch. Một số xã còn xảy ra tình trạng lấn chiếm diện tích đất lâm nghiệp sang trồng cam. Chất lượng quả cam không đồng đều, năng suất không ổn định và việc sản xuất cam theo hướng nông nghiệp tốt còn rất ít. 

Các hộ trồng cam chia sẻ, mấy năm nay, cam rớt giá lại khó tiêu thụ nên người trồng không mặn mà. Nhiều hộ đã bỏ diện tích cam sang trồng các cây ngắn ngày như ngô, lạc hoặc chuyển sang trồng chanh. Một số hộ tiếc công sức chưa muốn phá bỏ nhưng cũng không thiết tha bỏ vốn mua phân bón và công chăm sóc cho vụ cam 2021.

Trước thực trạng nhiều hộ phá bỏ cây cam, huyện Hàm Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho nhân dân trồng lại diện tích cam già cỗi, trồng các giống cam rải vụ cho thu hoạch sớm hoặc muộn và tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển bền vững vùng cam; khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cam hữu cơ chuyển đổi; tiếp tục mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản cam và các loại quả khác trên địa bàn.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Gia Lai:

Xử phạt đại lý buôn bán phân bón vi phạm

Thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021, các Đội QLTT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thành lập các Đoàn kiểm tra thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 27/2020/TT-BCT. Qua kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực phân bón, trong một tuần lực lượng quản lý thị trường Gia Lai đã phát hiện và xử phạt 2 đại lý kinh doanh phân bón nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định tại Luật Trồng trọt năm 2018. Đó là: Đại lý phân bón Dũng Hương tại Thôn 1, xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa và Cơ sở kinh doanh Việt tại Thôn An Sơn, xã Cư An, huyện Đắk Pơ. Các Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 2 hộ kinh doanh nói trên với tổng số tiền phạt là 14 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh, buôn bán phân bón mỗi đại lý thời hạn 3 tháng.

Nghệ An:

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các điểm du lịch

Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, Đội Quản lý thị trường số 10 đã tiến hành rà soát, tuyên truyền, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh các mặt hàng quà lưu niệm, dịch vụ ăn uống, giải khát tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đầu cơ găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý. Đồng thời, thực hiện niêm yết giá công khai tại các cơ sở kinh doanh.

Để chủ động, an toàn trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền trong bối cảnh dịch Covid-19, Đội Quản lý thị trường số 10 đã chấp hành nghiêm túc quy định 5K trong hoạt động công vụ; chủ động phòng chống nguy cơ lây nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh, ổn định thị trường.

HÀNG VIỆT

Đắk Nông:

Ưu tiên hỗ trợ Chương trình OCOP

Xác định tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong sản xuất công nghiệp để triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, nhiều đề án khuyến công đã được ngành Công Thương ưu tiên hỗ trợ. Các đề án này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Gia tăng giá trị sản phẩm

Năm 2019 - 2020, toàn tỉnh Đắk Nông có 5 đơn vị tham gia Chương trình OCOP lập đề án và được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, hộ kinh doanh thu mua chế biến nông sản Như Ý, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức được Quỹ khuyến công địa phương hỗ trợ 174 triệu đồng để mua thiết bị, máy móc phục vụ chế biến hạt mắc ca sấy, gồm: Máy sấy, máy hút chân không và máy in hạn sử dụng. Trước đây, máy móc của cơ sở còn nhỏ, nên công suất sấy 1 lần chỉ được khoảng vài chục ki-lô-gam mắc ca. Bây giờ, cơ sở được hỗ trợ máy mới, công suất đã nâng lên 3 tạ mắc ca/1 lần sấy. Thời gian hút chân không cũng được rút ngắn còn 1/4 so với trước đây.

Cũng được nguồn Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, năm 2020, Công ty TNHH Hoàng Phát, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil đã mua sắm 3 thiết bị mới, tiên tiến để chế biến cà phê, gồm: Máy rang, máy hút chân không và máy màng co. Bây giờ, với máy rang bằng gas, công suất rang cà phê hạt của cơ sở đã tăng lên gần gấp đôi. Công lao động được giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, máy hút chân không và màng co cũng giúp sản phẩm của công ty được bảo quản lâu hơn, chất lượng được nâng lên, nhất là khi xuất đi những nơi xa. Vì vậy, sản phẩm của đơn vị được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đang tiếp tục triển khai hỗ trợ 2 doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP gồm Công ty Cổ phần Sachi Tây Nguyên (huyện Đắk Mil) và hộ kinh doanh Anna Food (huyện Gia Nghĩa). Trong đó, phần lớn các đơn vị có sản phẩm OCOP được hỗ trợ về máy móc, thiết bị tiên tiến để phục vụ sản xuất.

Nâng tầm các sản vật địa phương

Đắk Nông có nhiều sản phẩm đặc sản cần được phát triển thành hàng hóa để tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trong đó, một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: Bơ, sầu riêng, xoài, măng cụt, mắc ca, hồ tiêu, cà phê, sachi, lúa gạo Krông Nô… Khi chưa có Chương trình OCOP, các sản phẩm này chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, không xây dựng thương hiệu, nhãn mác và thị trường. Chương trình OCOP ra đời, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai, áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C, HACCP… Nhờ đó, các địa phương không chỉ xây dựng được quy mô sản xuất mà còn nâng tầm chất lượng về giá trị, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm đã đáp ứng đủ các điều kiện tham gia vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Nhiều tổ chức kinh tế, các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp bài bản, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có từ 28 - 30 nhóm sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Trong thời gian tới, việc triển khai Chương trình OCOP sẽ được các địa phương chú trọng, tuân thủ đúng quy định. Chương trình hướng tới việc khuyến khích và hướng dẫn người dân, chủ thể kinh tế tham gia tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, bảo đảm tính cộng đồng cao, chất lượng tốt và quy mô sản xuất đủ lớn để đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tin khác