THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Lục Ngạn (Bắc Giang):
Hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều
Dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc tiêu thụ, song UBND huyện Lục Ngạn quyết tâm đạt mục tiêu: Toàn bộ quả vải thiều của huyện trong năm 2021 phải được tiêu thụ hết hoặc chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Năm 2021, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện là 15.450 héc-ta, sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn; thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 20/5 - 20/7/2021. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản nói chung, quả vải thiều nói riêng. Vì vậy, huyện Lục Ngạn đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Để hỗ trợ xuất khẩu, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã thành lập 2 Tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Các Tổ hỗ trợ xuất khẩu có nhiệm vụ nắm bắt, xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông, xuất khẩu quả vải qua các cửa khẩu; thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu vải thiều quy định, điều kiện về người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển, lưu thông đi đến cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.
Đối với việc sấy khô. UBND huyện Lục Ngạn cũng phê duyệt chi tiết dự toán thực hiện hỗ trợ xây mới lò sấy vải thiều năm 2021 (đợt 1) cho UBND các xã, thị trấn với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng từ nguồn xúc tiến thương mại năm 2021. Toàn huyện hiện có 854 lò sấy vải thiều, 729 lò đăng ký xây mới ở 28 xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo để nắm bắt thông tin, xử lý các tình huống; vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ vải thiều thông qua hình thức bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn các đơn vị, hợp tác xã tập trung kinh doanh online, xây dựng gian hàng thương mại điện tử. Hiện nay, huyện đã phối hợp với Công ty logistics Những ngôi sao liên kết tổ chức hội nghị vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử, giúp nông sản, người dân tiếp cận lượng lớn khách hàng, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đến thời điểm này, có 15 doanh nghiệp được hỗ trợ bán nông sản qua sàn giao dịch trực tuyến.
Đặc biệt, để đảm bảo các giao dịch diễn ra thuận lợi, huyện đề nghị ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền, bảo đảm dịch vụ giao dịch tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong vụ thu hoạch vải thiều diễn ra liên tục, nhanh chóng. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng cung cấp điện, thông tin liên lạc ổn định cho cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp, thùng xốp. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gom hàng, tăng giá đối với các hoạt động, mặt hàng phụ trợ như thùng xốp, đá cây, vận tải...
Qua số liệu thống kê, toàn huyện Lục Ngạn có 4 công ty sản xuất thùng xốp, 35 kho xốp và 42 cơ sở sản xuất đá cây. Cùng đó, 300 cơ sở đóng gói vải thiều của Bắc Giang (Tân Yên 19 cơ sở, Yên Thế 15, Lục Nam 26, Lục Ngạn 237 và TP. Bắc Giang 3 cơ sở) đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất cho vụ vải.
Để đảm bảo an toàn với khách hàng, tất cả vải thiều của Lục Ngạn được phun CloraminB. Trên các thùng vải sẽ được dán tem “Vải thiều đã được kiểm dịch”. Huyện cũng đồng thời lập hơn 100 chốt kiểm soát, tạo thành ba lớp bảo vệ vùng vải.
Ngoài vải thiều, Lục Ngạn còn nhiều loại nông sản cũng đang vào chính vụ, thời gian thu hoạch ngắn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản phẩm khó tiêu thụ. Vì vậy, các cơ quan chức năng và nhiều tổ chức, cá nhân đang nỗ lực hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết, ngoài việc lập kế hoạch, kịch bản tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện thống kê, lên kế hoạch cụ thể cho hoạt động tiêu thụ nông sản khác; tạo mọi điều kiện cho thương nhân, doanh nghiệp đến thu mua và có biện pháp phòng, chống dịch an toàn.
Vĩnh Long:
Giá khoai lang Nhật thấp kỷ lục
Hiện giá khoai lang tím Nhật (loại xuất khẩu) đã giảm xuống còn 80.000 đồng/tạ, thấp nhất trong những năm qua khiến nông dân trồng khoai gần như không có lãi.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và thị trường Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch khoai nên xuất khẩu khoai lang ở Vĩnh Long gặp khó khăn dẫn đến giá giảm sâu. Liên tục trong những tuần qua, giá khoai lang xuất khẩu giảm, giảm mạnh nhất là khoai tím Nhật. Giá khoai lang tím Nhật (loại I) giảm xuống còn 80.000 đồng/tạ (60kg), giảm 120.000 đồng/tạ so với tuần trước và giảm khoảng 150.000 đồng/tạ so với hồi cuối tháng 4/2021. Các loại khác, như khoai trắng sữa còn 280.000 đồng/tạ, khoai trắng giấy còn 230.000 đồng/tạ và khoai lang bí đường xanh là 330.000 đồng/tạ, giảm 20.000 đồng/tạ so tuần trước và giảm từ 150.000 - 180.000 đồng/tạ so với hồi cuối tháng 4. Mỗi công khoai đầu tư hết 20 triệu đồng, mà giá này thu về có 4 - 5 triệu đồng/công.
Vụ đông xuân 2020 - 2021, nông dân Vĩnh Long xuống giống 3.670 héc-ta, tập trung hầu hết ở huyện Bình Tân. Hiện đang vào đợt thu hoạch rộ, do giá xuống thấp nên có nhiều diện tích không được thu hoạch, còn neo lại trên đồng. Ngoài thị trường Trung Quốc, khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long còn được xuất khẩu sang Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra phức tạp trong thời gian này đã làm ảnh hưởng đến 2 thị trường xuất khẩu này. Hiện khoai lang tím Nhật chủ yếu tiêu thụ trong nước. Huyện Bình Tân có diện tích canh tác cây khoai lang hàng năm đạt khoảng 14.000 héc-ta. Những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá khoai lang không ổn định khiến nhiều nông dân trồng khoai lang lâm cảnh khó khăn.
Giá phân bón tăng cao
Thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng cao, trong khi giá một số nông sản giảm mạnh khiến việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới giá phân bón trong nước sẽ hạ nhiệt.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón, trong đó có phân urê thời gian gần đây tăng mạnh do một số nguyên nhân sau. Đầu tiên là giá các nguyên liệu dầu khí, hóa chất, đầu vào của ngành sản xuất phân bón trên thế giới đều tăng 30 - 40% thời gian qua nên tác động trực tiếp tới mặt hàng ure, DAP, SA, lưu huỳnh,... Thứ hai, do dịch Covid-19 khiến giá cước vận tải, container rỗng bị thiếu trầm trọng đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh, nhiều tuyến đường biển tăng trên 100%. Thứ ba, do Trung Quốc, thị trường sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới thời gian gần đây gặp khủng hoảng về than đá và khí đốt đã ảnh hưởng gián tiếp tới ngành sản xuất phân bón làm nguồn cung giảm. Thứ tư, hai nhà máy sản xuất urê trong nước là Phú Mỹ và Hà Bắc đã dừng máy để bảo dưỡng định kỳ từ giữa tháng 4, trong khi Nhà máy Đạm Ninh Bình mới cho sản phẩm trở lại từ cuối tháng 4 đã khiến mặt hàng urê trong nước có thời điểm thiếu cục bộ, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên đang vào mùa mưa.
Tuy nhiên, thời gian tới giá phân bón trong nước khả năng sẽ hạ nhiệt khi hai nhà máy urê đang bảo dưỡng cho sản phẩm trở lại. Ngoài ra, khoảng cuối tháng 5 là hết mùa vụ ở phía Bắc nên giá phân bón sẽ giảm. Hiện Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã xong bảo dưỡng định kỳ và bắt đầu cho ra sản phẩm trở lại với công suất khoảng 2.400 tấn urê/ngày. Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng cho biết, cuối tháng 5, Đạm Hà Bắc hoàn thành bảo dưỡng định kỳ và sẽ bắt đầu có sản phẩm trở lại với sản lượng khoảng 1.000 tấn urê/ngày. Để đảm bảo cung ứng phân bón kịp thời cho đại lý và bà con nông dân, trong thời gian bảo dưỡng, Đạm Hà Bắc đã phối hợp với Đạm Ninh Bình để chia sẻ, cân đối nguồn hàng urê. Trước việc một số mặt hàng phân đơn trong nước là urê, DAP tăng, một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân là tăng cường sử dụng phân bón tiết kiệm, sự dụng phân bón hữu cơ, phân NPK để giảm áp lực cho phân urê và DAP.
Sơn La:
Mận hậu được mùa nhưng giá giảm
Thời điểm này, người dân Sơn La đang bước vào vụ thu hoạch mận hậu đầu vụ. Mặc dù mận hậu năm nay được mùa nhưng giá lại giảm sâu khiến bà con lo lắng. Mận hậu là loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Sơn La. Những năm trước, mận hậu được mùa được giá ngay từ đầu vụ đã mang lại nguồn thu ổn định cho đồng bào nơi đây. Năm nay, mận được mùa nhưng lỗ nặng. Thời điểm này, năm ngoái giá mận hậu khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá mận rớt xuống còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân mận hậu giảm giá một phần là do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, phần còn lại do Trung Quốc không thu mua. Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La đang triển khai các giải pháp, xây dựng phương án giúp người nông dân kết nối tiêu thụ mận hậu.
Nghệ An:
Dưa bở bán chạy, lãi cao
Chỉ 2 tháng trồng và chăm sóc giống dưa bở hay còn gọi là dưa nứt, nông dân xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã thu hoạch. Năm nay, thời tiết thuận lợi dưa được mùa, được giá nên bà con phấn khởi. Dưa thu hoạch xong được thương lái thu mua tại ruộng với giá 12.000 đồng/kg hoặc theo quả từ 15.000 - 30.000 đồng/quả (tùy kích cỡ). So với mọi năm, trung bình mỗi quả tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/quả. Trung bình mỗi sào dưa cho thu nhập 18 - 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Dưa bở là cây trồng luân canh với lúa nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, để cây dưa phát triển ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bình Định:
Thức ăn chăn nuôi tăng giá
Gần đây, thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Bình Định trải qua nhiều đợt tăng giá, trong khi đó, giá gia cầm các loại lại giảm mạnh. Nghịch lý này đã khiến nhiều người nuôi gà tại Bình Định lâm cảnh lao đao, khốn đốn.
Hiện một bao thức ăn công nghiệp cho gà tăng 40.000 - 50.000 đồng/bao (25kg) so với thời điểm cuối năm 2020. Nếu vào thời điểm trước, giá một bao thức ăn chăn nuôi loại 25 kg/bao chỉ 230.000 đồng thì hiện nay đã tăng đến 270.000 - 280.00 đồng/bao. Trong khi đó, giá gà vừa giảm vừa không tiêu thụ được khiến người chăn nuôi đối diện nguy cơ lỗ nặng. Giá gà ta thả đồi vừa tăng được trên 70.000 đồng/kg trong dịp nghỉ lễ 30/4 thì nay lại hạ giá còn chỉ 65.000 đồng/kg. Giá gà ta nuôi nhốt chuồng trước đây đạt 60.000 - 61.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Trên thực tế, hầu hết nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu nành, đậu tương… đều nhập từ nước ngoài. Phương tiện vận chuyển bằng đường biển hạn chế nên nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi bị đứt gãy, phí vận chuyển tăng cao, dẫn tới giá thành thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước tăng theo.
Hậu Giang:
Xoài cát Hòa Lộc giảm giá mạnh
Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc của bà con huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang vào mùa thu hoạch rộ. Tuy nhiên, thương lái thu mua với giá rất thấp so với trước đây. Nếu như những ngày trước thương lái vào tận vườn mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg cân xô thì nay giảm xuống chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg. Giá này nếu trừ các chi phí thì người trồng xoài không còn lợi nhuận. Các cửa hàng, đại lý cũng cho biết, trước đây xoài cát Hòa Lộc bán rất chạy, giá tương đối cao, sức mua khá mạnh. Tuy nhiên, mấy tuần qua, số lượng người mua rất ít và mức tiêu thụ chậm dù giá giảm mạnh.
Ninh Hòa (Khánh Hòa):
Nông dân tích trữ hàng trăm tấn tỏi khô
Hiện nay, hàng trăm tấn tỏi khô được nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tích trữ để chờ bán. Thời điểm này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu từ nay đến hết năm 2021, tỏi vẫn không bán được thì nông dân sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Tỏi là cây trồng chủ lực của nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) với diện tích gần 100 héc-ta. Năm nay, do giá tỏi đầu vụ thấp nên nhiều hộ nông dân chọn giải pháp phơi tỏi khô tích trữ chờ giá tăng. Vụ tỏi năm nay, 1ha cho thu hoạch 15 tấn tươi, sau khi phơi khô còn khoảng 8 - 10 tấn. Mọi năm, tỏi tươi bán 25.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 15.000 đồng/kg; tỏi khô từ 50.000 đồng/kg hiện nay còn 25.000 đồng/kg. Giá bán này không đủ chi phí đầu tư, đã vậy bán cũng không ai mua… Vì vậy, nhiều hộ đành phải phơi khô, chất toàn bộ tỏi vào kho chờ bán.
Những năm trước, người dân ở xã cũng trữ tỏi chờ giá, nhưng chỉ trữ đến tháng 5, tháng 6 (âm lịch) là bán hết. Các thương lái hai miền Nam, Bắc thường mua tỏi để cung cấp cho các nhà hàng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các nhà hàng đều đóng cửa, nhiều nơi phong tỏa, cách ly nên không ai mua tỏi. Nếu từ nay đến cuối năm, tỏi vẫn dồn ứ, không bán được thì người dân phải bỏ, vì qua năm sau đến tháng 2 (âm lịch) đã thu hoạch tỏi vụ mới.
Được biết, niên vụ 2020 - 2021, tổng diện tích trồng tỏi trên địa bàn thị xã Ninh Hòa là 164 héc-ta, năng suất đạt trung bình 10 - 12 tấn/héc-ta. Hiện nay, tỏi Ninh Hòa đã có thương hiệu nên được nhiều người tiêu dùng trên cả nước chọn mua. Do đó, từ nay đến cuối năm, nếu số lượng tỏi tích trữ trong dân nhiều không bán được, dựa trên số lượng tỏi cụ thể, thị xã sẽ huy động sự hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa tỏi Ninh Hòa vào các cửa hàng, siêu thị… để tiêu thụ giúp nông dân.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Cẩn trọng khi mua giống cây trồng
Giống cây trồng là yếu tố đầu vào quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh giống cây trồng đã xuất hiện ngày càng nhiều thông qua việc mua bán trực tuyến.
Hình thức mà các trang mạng áp dụng là mạo danh Trung tâm Giống cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hoặc các cơ sở kinh doanh giống cây trồng uy tín để quảng cáo bán hàng trục lợi người tiêu dùng. Những trang mạng này nhắm đến 2 nhóm đối tượng. Đó là đối tượng tiêu dùng là khách hàng thích chơi hoa, cây cảnh, rau màu và cây ăn trái độc, lạ nhưng lại ít kinh nghiệm để lừa bán cây giống. Nhóm thứ 2 là các giống cây lương thực, cây công nghiệp kém chất lượng bán cho bà con các vùng nông thôn, miền núi…
Trên thực tế, nếu không kịp thời ngăn chặn tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành trồng trọt, đất đai bị sử dụng lãng phí. Qua những vụ việc người dân bị lừa mua giống cây giả, kém chất lượng cho thấy nguyên nhân có phần do người tiêu dùng quá tin vào quảng cáo trên các trang mua bán trực tuyến, không lưu giữ hóa đơn chứng từ khi mua bán và cũng không chọn đúng địa chỉ tin cậy khi mua hàng khiến cho việc xử lý gian lận thương mại trong lĩnh vực giống cây trồng càng thêm khó. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như: Tăng cường kiểm soát thị trường, công khai các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng đủ điều kiện. Công khai danh sách nguồn giống được công nhận để tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua cây giống biết, lựa chọn sử dụng giống đảm bảo chất lượng. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện theo quy định... Đặc biệt, bà con cần lưu ý tìm hiểu kỹ các giống cây trồng mới, chọn địa chỉ mua hàng uy tín; không ham mua cây giống giá rẻ; lưu giữ hóa đơn, chứng từ mua bán, giao dịch để có căn cứ cho cơ quan chức năng phối hợp giải quyết khi có tranh chấp thương mại.
HÀNG VIỆT |
Đạ Huoai (Lâm Đồng):
Phát triển sầu riêng VietGAP
Sầu riêng là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Từ nay đến cuối năm 2021, Đạ Huoai đặt mục tiêu gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng trên tổng diện tích 871,8 héc-ta.
Triển khai Đề án “Truy xuất nguồn gốc sầu riêng”
Đạ Huoai được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có khoảng 3.400 héc-ta sầu riêng; trong đó, có khoảng 2.500 héc-ta đã cho thu hoạch. Hầu hết sầu riêng Đạ Huoai hiện đã được người dân chuyển đổi qua trồng các giống ghép Thái Lan cho năng suất, chất lượng cao như Mong Thong, Ri6 và Đô Na. Để nâng tầm giá trị sầu riêng, năm 2019, huyện Đạ Huoai đã triển khai Đề án “Truy xuất nguồn gốc sầu riêng” giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, xã Hà Lâm được chọn là địa phương tiên phong thực hiện. Trong các năm 2019 và 2020, toàn xã đã có gần 280 héc-ta sầu riêng được người dân sản xuất theo hướng VietGAP. Riêng năm 2021, Hà Lâm có thêm gần 75 héc-ta được bà con chủ động đăng ký sản xuất VietGAP. Từ một địa phương điển hình, đến nay, việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng người dân làm quen với quy trình sản xuất VietGAP đã được triển khai trên toàn huyện.
Trong 2 năm (2019 và 2020) thực hiện Đề án, huyện Đạ Huoai đã hỗ trợ gần 900.000 tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hơn 530 héc-ta sầu riêng trên toàn huyện. Trong đó, riêng 2 xã Hà Lâm và Phước Lộc đạt hơn 400 héc-ta sầu riêng sản xuất theo hướng an toàn VietGAP. Để giá trị trái sầu riêng ngày càng được nâng cao, ngoài việc chuyển đổi giống, huyện đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức phát triển sản xuất theo hướng VietGAP được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Với những thành quả đã đạt được trong quá trình thực hiện Đề án “Truy xuất nguồn gốc sầu riêng” giai đoạn 2019 - 2025, địa phương đang đặt ra mục tiêu năm 2021 toàn huyện phát triển thêm 315 héc-ta sầu riêng VietGAP. Qua đó, nâng tổng diện tích sầu riêng VietGAP của toàn huyện lên gần 850 héc-ta.
Xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP
Đến nay, huyện Đạ Huoai đã hoàn thiện các thủ tục công nhận vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao tại xã Hà Lâm. Đồng thời, tổ chức quy hoạch thêm 4 vùng ứng dụng sản xuất sầu riêng công nghệ cao tại các xã: Đạ Ploa, Phước Lộc, Đạ Oai và Đạ Tồn. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 1.100 héc-ta sầu riêng sản xuất công nghệ cao theo hướng VietGAP. Từ nay đến năm 2025, ngoài việc phát triển sầu riêng VietGAP, Đạ Huoai sẽ hỗ trợ kinh phí và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, quy mô khoảng 7 héc-ta. Đồng thời, hỗ trợ chứng nhận quy trình chế biến sầu riêng đạt tiêu chuẩn HACCP để hướng tới xuất khẩu đến các thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề mà người dân sản xuất sầu riêng VietGAP đang đặc biệt quan tâm đó chính là thị trường tiêu thụ và giá thành sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa có đầu ra ổn định. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thành của mặt hàng này so với sầu riêng không VietGAP gần như ngang nhau. Hiện tại, vụ thu hoạch sầu riêng năm 2021 đang bắt đầu và giá thành sầu riêng VietGAP của bà con cũng chỉ bán ngang bằng với giá thị trường chung là 60.000 – 65.000 đồng/kg. Đây là khó khăn mà các cấp, các ngành cần quan tâm tháo gỡ để bà con yên tâm đầu tư phát triển sầu riêng VietGAP.
Thời gian tới, huyện Đạ Huoai tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện có hiệu quả “Dự án liên kết chuỗi giá trị sầu riêng”. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, từng hộ dân tích cực tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu. Qua đó, thúc đẩy phát triển nhãn hiệu sầu riêng Đạ Huoai cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng sầu riêng nhằm chủ động trong việc bổ sung, hoàn thiện thông tin truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.