THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Phú Yên: Khó khăn do vùng keo gặp nắng hạn
Những năm gần đây, bà con các huyện miền núi Phú Yên đã tập trung trồng rừng (chủ yếu là cây keo) giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Hiện nay, tuy đang vào vụ thu hoạch keo nhưng giá giảm khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Giá giảm, năng suất thấp
Tại huyện Sơn Hòa, mấy tháng qua, nắng kéo dài nên rẫy keo khô nước, khô lá dẫn đến nhẹ ký. Đống keo đã thu hoạch tuần trước người dân cân là 1 tấn giờ cân chỉ còn 800 – 900 kg. Giá thu mua keo cũng giảm từ 1.140.000 đồng/tấn xuống còn chưa đến 1.100.000 đồng/tấn. Về mặt năng suất, trước đây năng suất keo vùng này đạt 70 tấn/héc-ta, nay chỉ còn 60 tấn/héc-ta. Không những thế, cây keo gặp nắng hạn mất nước nên vỏ keo bó lại. ôm sát thân cây rất khó lột vỏ. Vì vậy, công cưa hạ, lột vỏ và bốc lên xe là 250.000 đồng/tấn tăng lên 260.000 - 270.000 đồng/tấn.
Tại huyện miền núi Đồng Xuân, nắng nóng kéo dài lên đến gần 40 độ C nên rừng keo xuống sức thấy rõ. Vùng này có nhiều người thu hoạch keo nhưng ai cũng lo lắng vì keo quá nhẹ ký. Thời điểm đầu năm nay, keo phát triển tốt, giá keo tăng, bà con thu nhập 70 triệu đồng/héc-ta, sau khi trừ công cưa, lột vỏ và bốc lên xe… người trồng còn 40 triệu đồng/héc-ta. Nay nắng hạn kéo dài, keo nhẹ ký cộng với chi phí cao, người trồng keo chỉ còn thu 30 triệu đồng/héc-ta tùy khoảng cách trung chuyển xa gần. Keo giảm giá khiến các hộ trồng keo, chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn. Thậm chí, một số hộ phải bán keo chưa đến tuổi khai thác (bán keo non). Trước tình hình này, huyện Đồng Xuân đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con không nên bán keo non, chỉ bán keo khi đủ tuổi khai thác.
Đề phòng cháy rừng
Hiện nay đang là thời điểm nắng nóng gay gắt, thường người dân khai thác keo rồi đốt cành nhánh bất cẩn dẫn đến cháy lan ra rừng trồng. Thời gian qua đã có một số trường hợp đốt dọn thực bì dẫn đến cháy rừng, thiệt hại kinh tế lớn. Theo thống kê của huyện Đồng Xuân, năm ngoái, nắng nóng gay gắt đã xảy ra 10 vụ cháy rừng trồng trên địa bàn các xã Xuân Lãnh, Xuân Long, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc… làm thiệt hại trên 85 héc-ta, với mức độ thiệt hại cây trồng từ 10 - 100%. Vì vậy, năm nay, đề phòng cháy rừng, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, vận động bà con thực hiện tốt việc phòng, chống cháy rừng.
Tại huyện Sông Hinh, bà con các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Trol thường có thói quen, sau khi thu hoạch keo, phát dọn thực bì rồi đốt cành nhánh để giải phóng đất, chuẩn bị trồng mới. Ðây là nguyên nhân dẫn đến cháy lan. Trong năm 2019, đã xảy ra 4 vụ phát dọn thực bì rồi đốt cành nhánh dẫn đến cháy rừng với diện tích gây hại trên 23 héc-ta. Sau khi phái hiện, ngành chức năng huy động lực lượng cùng với người dân dập tắt kịp thời, nếu không con số thiệt hại rừng trồng còn tăng cao. Năm nay, ngay từ đầu vụ khai thác, huyện chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khai thác trên 62.106 m3 gỗ. Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh khai thác gỗ rừng trồng khoảng 240.000 m3, cùng với đó trồng rừng tập trung 6.000 héc-ta và chăm sóc 17.000 héc-ta rừng trồng.
Đắk Nông: Giá hồ tiêu tăng trở lại
Thời gian gần đây, giá hồ tiêu đã tăng lên mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước. Dù giá tăng nhưng phần lớn bà con không được hưởng lợi vì đã bán hết hàng.
Tại các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, phần lớn người dân đã bán hết hồ tiêu để trang trải cuộc sống, trả tiền phân bón, nhân công, lãi ngân hàng… Do đó, thời điểm này dù giá hồ tiêu tăng cao, nhưng người dân chỉ còn biết tập trung chăm sóc vườn tiêu để chờ vụ sau chứ không được hưởng lợi. Thêm vào đó, thời điểm thu hoạch tiêu vào đúng cao điểm của dịch COVID-19 nên bà con đều có tâm lý sợ dịch bệnh kéo dài sẽ khiến giá tiêu giảm thấp hơn. Do vậy, đa phần bà con nông dân đã bán toàn bộ hồ tiêu với tâm lý được đồng nào hay đồng đó. Theo điều tra sơ bộ của các thương lái, hiện nay, trong vùng có chưa đầy 10% người dân còn có hồ tiêu tích trữ trong nhà.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu về hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự gia tăng đột biến. Tình hình thực tế cho thấy, nguồn cung hồ tiêu vẫn đang tiếp tục vượt cầu. Do vậy, giá tiêu tăng cao như hiện nay chưa phản ánh đúng diễn biến thực tế của thị trường thế giới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang có khoảng 33.000 héc-ta hồ tiêu. Về lâu dài, để bảo đảm giữa cung, cầu, tỉnh quy hoạch và giữ mức diện tích hồ tiêu ổn định khoảng 27.000 héc-ta. Vì vậy, người dân không nên tiếp tục phát triển hồ tiêu mà cần tập trung chăm sóc những vườn hồ tiêu khỏe mạnh, phù hợp để ổn định sản xuất. Còn những diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết, người dân không nên tái canh mà nên chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để bảo đảm cuộc sống.
Trà Vinh: Liên kết chuỗi giá trị dừa
Xác định dừa là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã tăng cường chuỗi liên kết giá trị dừa. Chuỗi liên kết hoạt động ổn định, bước đầu mang lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân.
Cây dừa tươi tốt bạt ngàn trên đất Trà Vinh đã chứng minh lợi thế phù hợp thổ nhưỡng, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Trà Vinh có đặc sản giống dừa sáp độc đáo. Tỉnh đã nuôi cấy phôi dừa sáp được 2 héc-ta và 70 héc-ta đạt chứng nhận VietGAP.
Trong những năm qua đã có một số doanh nghiệp đến Trà Vinh tham gia liên kết sản xuất với nông dân trồng dừa. Trong đó, Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã được đánh giá tái chứng nhận dừa hữu cơ đạt 3 tiêu chuẩn Quốc tế (Châu Âu - EU, Mỹ - USDA và Nhật Bản - JAS) với diện tích 330 héc-ta của 348 hộ dân tại xã Đại Phước, huyện Càng Long. Sở NN-PTNT Trà Vinh đang xây dựng và mở rộng 200 héc-ta vườn dừa hữu cơ tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần và 150 héc-ta tại xã Long Đức, TP. Trà Vinh. Các hợp tác xã nông nghiệp ở Trà Vinh hiện cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm từ cây dừa: Trái dừa, các phụ phẩm từ dừa như lá, xơ, yếm, hoa, sọ… là nguồn nguyên liệu chính tạo thêm việc làm cho các ngành nghề thủ công, chế biến thực phẩm, than hoạt tính xuất khẩu.
Thời gian tới, Trà Vinh tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp liên kết tham gia vào chuỗi giá trị dừa nhằm giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ ngành hàng dừa, nâng cao hiệu quả kinh tế để xứng đáng với tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi sang canh tác hữu cơ nhằm mục tiêu phát huy hiệu quả kinh tế theo xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh.
Lào Cai: Mủ cao su không nơi tiêu thụ
Hàng trăm hộ trồng cao su trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang rơi vào cảnh khó khăn bởi vụ khai thác mủ đã đến trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm mủ cao su hầu như đóng băng. Tại các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát và Mường Khương, cao su đã đến mùa thu hoạch mủ. Tuy nhiên, giá mủ cao su thấp, không có nơi tiêu thụ và thiếu kỹ thuật cạo mủ nên người dân chưa thể tổ chức khai thác.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai cũng đang có hàng trăm héc-ta cây cao su đến kỳ thu hoạch đã được đơn vị này cho cạo mủ song giá bán chưa được thông báo chính thức. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có ý kiến với Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai tổ chức khai thác mủ toàn bộ diện tích cao su của doanh nghiệp liên kết với các hộ trồng sao cho đúng khung thời vụ và tìm đầu ra để tiêu thụ mủ cao su cho các hộ. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chủ động liên hệ với các đầu mối để xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.
Khánh Sơn (Khánh Hòa): Bắt đầu thu hoạch sầu riêng
Bà con trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu thu hoạch sầu riêng. Các nhà vườn đang tập trung thu hoạch đầu vụ loại sầu riêng Ri6; đối với loại sầu riêng Monthong, Chín Hóa đã có rải rác vài hộ thu hoạch. Gần 1 tháng nữa các nhà vườn trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch rộ loại trái cây đặc sản này. Hiện nay, thương lái đang thu mua tại vườn loại sầu riêng Ri6 với giá 37.000 - 40.000 đồng/kg; mức giá này thấp hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Toàn huyện Khánh Sơn có gần 1.000 héc-ta sầu riêng, sản lượng hàng năm khoảng 5.200 tấn. Sầu riêng Khánh Sơn quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Khánh Sơn” từ năm 2011.
Bình Thuận: Giá rau xanh tăng gấp đôi
Hơn 1 tuần qua, giá rau xanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tăng cao gấp đôi so với ngày thường. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá rau xanh tăng là do thiếu nguồn cung. Cụ thể: Cải ngọt, cải đắng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; dền, cần nước 20.000 đồng/kg; diếp cá 30.000 đồng/kg; bèo 35.000 đồng/kg… Ngoài ra, giá các loại rau gia vị như hành lá, ngò, húng, quế… đều tăng gấp 2 - 3 lần. Điển hình như rau húng gai lớn khoảng 100.000 đồng/kg, tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Nguyên nhân do giai đoạn này đang là giao điểm giữa mùa nắng và mùa mưa nên không thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của cây rau. Vì thế đã có không ít hộ dân trồng rau thu hẹp diện tích sản xuất. Ngoài ra, mùa vụ này có nhiều loại rau khó canh tác như: tần ô, bắp cải…
Giá heo trong nước hạ nhiệt
Trung tuần tháng 6/2020, giá heo hơi tiếp tục đà giảm của tuần trước. Cụ thể, giá heo hơi tại miền Bắc giảm còn khoảng 88.000 - 93.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Trung giảm còn 84.000 - 91.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam cũng giảm xuống còn 87.000 - 93.000 đồng/kg. Đà giảm giá heo bắt đầu từ khi có thông tin nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Dự báo, giá heo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi heo Thái Lan ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, nguồn cung đàn heo trong nước hiện đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi. Và từ tháng 6/2020 đã bắt đầu có thịt heo tái đàn. Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, tăng đàn, tái đàn là giải pháp căn cơ nhất giúp giá thịt heo hạ nhiệt.
Quảng Trị: Lúa hữu cơ thảo dược - nâng cao giá trị cây lúa
Sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ vừa tạo ra sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái. Đặc biệt, sản xuất lúa thảo dược tím theo phương pháp hữu cơ mở ra cho nông dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị triển vọng mới để nâng cao giá trị trong sản xuất lúa.
Trên thực tế, lúa thảo dược tím được đưa vào sản xuất ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã vài năm nay nhưng trước đây nông dân thâm canh giống lúa này theo phương pháp canh tác vô cơ. Do đó, sản phẩm chưa đạt chất lượng chuẩn sạch. Nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất lúa, mô hình lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ được thí điểm. Vụ đông xuân 2019 - 2020, Công ty TNHH Vương Tây Sơn đã phối hợp với nông dân tiến hành sản xuất thử nghiệm các mô hình lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ, trong đó có lúa thảo dược tím. Đến nay đã vào kỳ thu hoạch, mô hình lúa thảo dược cho kết quả khả quan.
Bà con tham gia mô hình được công ty hỗ trợ 100% giống lúa và 100% phân hữu cơ vi sinh Vương Tây Sơn. Đây là vụ đầu tiên Công ty TNHH Vương Tây Sơn thử nghiệm sản xuất lúa bằng chính loại phân hữu cơ vi sinh do công ty sản xuất. Đến nay, lúa hữu cơ thảo dược tím của mô hình thử nghiệm đã thu hoạch. Công ty sẽ triển khai thu mua thóc tươi tại ruộng cho nông dân với giá 10.000 đồng/ kg, cao hơn giá thóc chất lượng cao 2.000 đồng/kg. Nhờ công ty hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh nên mỗi sào ruộng nông dân lãi 2 triệu đồng. Còn nếu tính cả chi phí vật tư, phân bón, giống sản xuất thì nông dân lãi 1,4 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với sản xuất lúa đại trà theo phương pháp vô cơ.
Đối với việc tiêu thụ, hiện nay, Công ty Vương Tây Sơn đã kết nối được với hệ thống phân phối gạo sạch hữu cơ tại Hà Nội với giá bán sỉ 35.000 đồng/kg gạo. Toàn bộ sản phẩm gạo thảo dược tím đã được công ty ký hợp đồng bán tại Hà Nội.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Tây Nguyên: Cẩn trọng khi mua cây giống
Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, nhà vườn khẩn trương chuẩn bị công việc xuống giống. Tại nhiều địa phương đã manh nha xuất hiện tình trạng bán giống giả, giống kém chất lượng. Vấn đề này đến nay chưa được giải quyết triệt để, gây tổn thất nặng nề cho người trồng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, tình trạng giống kém chất lượng, nhiễm bệnh khiến nhiều hộ nông dân mất trắng hàng chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, những loại cây chủ lực của Tây Nguyên là cà phê, hồ tiêu và gần đây là các loại cây ăn trái chính như bơ, sầu riêng. Đây là nhóm luôn có nhu cầu về giống rất cao vào thời điểm đầu mùa mưa. Tuy nhiên, do điều kiện về giá cả và nhu cầu tái canh giảm nên năm nay, nhu cầu về giống cà phê, hồ tiêu thấp hơn so với các năm. Ngược lại, nhu cầu về giống cây ăn trái vẫn giữ ở mức cao, đặc biệt là những cây đang có giá cao và có tiềm năng cho giá cao như: Sầu riêng, mít, bơ, mắc ca...
Bà con lưu ý, tiêu chuẩn, chất lượng cây giống là vấn đề cần được lưu tâm hàng đầu. Hầu như những cây trồng được khuyến cáo bởi các cơ quan quản lý và khoa học đều có tiêu chuẩn cây giống đi kèm. Bà con nên mua cây giống ở những cơ sở đã được các cơ quan quản lý cấp phép; đã có uy tín nhiều năm; có nguồn gốc giống rõ ràng. Đặc biệt, khi mua giống bà con nên giữ hóa đơn với đầy đủ các thông tin của nhà cung cấp để làm cơ sở khiếu nại sau này nếu giống không đúng và không đảm bảo chất lượng.
Bà con các tỉnh khu vực Tây Nguyên có thể mua cây giống tại các cơ sở uy tín sau:
- Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: 53 Nguyễn Lương Bằng (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)
- Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat: 53 Nguyễn Lương Bằng (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu: 322 đường Trường Chinh, phường Trà Bá, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
- Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng: 3 đường Quang Trung, phường 2, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
HÀNG VIỆT |
Tuy Đức (Đắk Nông): Xây dựng mắc ca thành sản phẩm OCOP
Là một huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, Tuy Đức đang xây dựng lộ trình và quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng tham gia Chương trình OCOP, trong đó, cây mắc ca được chú trọng.
Phát huy vai trò của các hợp tác xã
Năm 2010, cây mắc ca được tỉnh Đắk Nông triển khai trồng thí nghiệm tại một số huyện, trong đó tập trung ở huyện Tuy Đức. Loại cây này đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng nơi đây và bước đầu chứng minh hiệu quả so với nhiều loại cây trồng khác. Một số hộ đồng bào đã chọn hướng đầu tư trồng mắc ca trên diện tích đất đồi. Sau 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay, cây mắc ca đã cho thu hoạch chính vụ. Theo tính toán sơ bộ của các hộ trồng mắc ca trên diện tích 1 héc-ta sẽ có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đạt được kết quả khả quan này không thể không nói đến sự tham gia của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trong đó, HTX Nông nghiệp xanh Tuy Đức đã liên kết với nông dân xã Quảng Trực đầu tư trồng và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm mắc ca của các hộ gia đình tham gia liên kết đều được HTX thu mua, bao tiêu toàn bộ. Cán bộ kỹ thuật của HTX cũng thường xuyên đến tận vườn hướng dẫn kỹ thuật giúp các hộ gia đình phòng trừ sâu bệnh theo từng giai đoạn phát triển của cây mắc ca.
Với sự tham gia tích cực của các thành viên, đến nay, HTX Nông nghiệp xanh Tuy Đức đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 200 héc-ta mắc ca, với 35 thành viên chính thức và 100 thành viên liên kết. HTX đã hoàn thiện thủ tục về đăng ký sản phẩm, xây dựng thương hiệu và lập hồ sơ tham dự cuộc thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với các tiêu chí mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa, mẫu mã…, HTX đã hoàn thiện để từng bước quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường và phấn đấu được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.
Theo thống kê của UBND xã Quảng Trực, toàn xã hiện có gần 400 héc-ta mắc ca, trong đó gần 300 héc-ta đang cho thu hoạch. Qua thời gian trồng và chăm sóc cho thấy, loài cây này thích nghi tốt với khí hậu, thổ những địa phương. Giá mắc ca thu mua tại vườn hiện nay dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/kg. UBND xã đang từng bước dưa mắc ca thành cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn. Chính vì thế, việc xây dựng sản phẩm chủ lực của xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từng bước tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP
Trên cơ sở rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế của các xã, huyện Tuy Đức đã xác định được các sản phẩm nông nghiệp có nhiều lợi thế để đưa vào xây dựng sản phẩm OCOP. Cụ thể, xã Quảng Trực có sản phẩm mắc ca, xã Đắk Ngo có sản phẩm hạt điều, xã Quảng Tâm có sản phẩm từ cà phê và sầu riêng, xã Đắk Búk So có sản phẩm khoai lang, xã Đắk R’tíh có sản phẩm cà phê. Riêng đối với sản phẩm mắc ca, huyện Tuy Đức đã phát triển hơn 1.000 héc-ta. Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã và đang đầu tư nâng cao chất lượng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Hy vọng, trong thời gian tới, những sản phẩm chế biến từ mắc ca sẽ trở thành đặc sản mới của địa phương, giúp bà con làm giàu chính đáng.
Xác định mắc ca là cây chủ lực, năm ngoái, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ máy rang sấy hạt mắc ca cho HTX Nông nghiệp xanh Tuy Đức. HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực cũng được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mắc ca sấy khô. Ngoài ra, huyện Tuy Đức đã triển khai hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất mắc ca xây dựng, tư vấn thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là cơ sở để các địa phương sớm đạt các tiêu chí chứng nhận sản phẩm OCOP đang được tỉnh Đắk Nông triển khai. Để các sản phẩm này được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đánh giá, phân hạng cho các đơn vị thực hiện Chương trình OCOP. Huyện cũng sẽ tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu tại những hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ…