Thông tin thị trường giá cả số 26/2021

04:10 PM 28/06/2021 |   Lượt xem: 7090 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Thanh long Bình Thuận:

Khuyến khích tiêu thụ nội địa

Từ tháng 6 đến tháng 10/2021, Bình Thuận sẽ bước vào vụ thu hoạch thanh long chính vụ. Để ứng phó với những khó khăn trong tiêu thụ thanh long, địa phương khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất rải vụ và khuyến khích tiêu thụ nội địa thông qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ.

Giá thanh long đầu vụ giảm

Đầu năm nay, giá thanh long nghịch vụ (thanh long chong đèn) ở Bình Thuận được thương lái thu mua ở mức cao, dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, gấp 2 - 3 lần so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2021, lứa thanh long chong đèn đợt cuối, cũng là thời điểm bắt đầu có mưa, một số nhà vườn có thanh long chính vụ sớm (hàng mùa) thì giá thu mua liên tục giảm. Hiện giá thanh long hàng chong đèn được thu mua dao động từ 2.000 – 3.000 đồng/kg (loại 1), còn hàng mùa chỉ từ 500 – 1.000 đồng/kg. Điều đáng nói, thời điểm này dù sản lượng thanh long thu hoạch không nhiều nhưng sức mua yếu. Với giá thanh long trên, nông dân thu hoạch lứa thanh long chong đèn đợt cuối năm 2021 sẽ thua lỗ nặng. Còn đối với lứa thanh long hàng mùa sắp bước vào thu hoạch rộ tới đây, dù không đầu tư nhiều như hàng chong đèn, song chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân.

Nguyên nhân khiến giá thanh long giảm là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thị trường Trung Quốc “ăn chậm”. Hiện phía Trung Quốc cũng trồng và thu hoạch thanh long khá nhiều. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là mùa thu hoạch trái cây ở nhiều nước trong khu vực đều xuất sang thị trường Trung Quốc dẫn đến đụng chợ, nguồn cung dồi dào.

Phát triển thị trường tiêu thụ bằng hình thức trực tuyến

Trước tình hình này, Sở Công Thương Bình Thuận đã có kế hoạch vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long trên địa bàn dự trữ hàng trong kho lạnh để xuất khẩu chính ngạch, tiêu thụ nội địa và chuẩn bị xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và các thị trường truyền thống khác. Trong trường hợp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu thanh long bị ngưng trệ, Sở sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long khi có tình huống bất lợi xảy ra, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai các hội nghị, các đợt xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ bằng hình thức trực tuyến. Hiện Sở Công Thương Bình Thuận đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên trước mắt, phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại cùng với các đối tác của sàn thương mại điện tử như: Shopee, TiKi, Sendo, Lazada,… hỗ trợ mở các gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thanh long Bình Thuận và từng bước hướng dẫn các doanh nghiệp tự chủ trong các hoạt động thương mại điện tử.

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh Châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan… Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; đồng thời, tạo cho người nông dân thói quen sản xuất theo quy trình khoa học, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản. Từ khi có chỉ dẫn địa lý, thanh long Bình Thuận đã thâm nhập được những thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thiện hồ sơ đăng ký nộp cho cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản theo Dự án “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận sang Nhật Bản”.

Bình Định:

Nông dân miền núi ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã xây dựng mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Trong đó,  mô hình thâm canh cây kiệu sử dụng hệ thống tưới bán tự động đã cho hiệu quả cao, mở ra cho người dân vùng đất khó hướng làm ăn mới.

Kiệu là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, chi phí đầu tư ít mà đem lại giá trị kinh tế khá cao. Để nhân rộng, phát triển sản xuất và tiêu thụ kiệu an toàn VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh, trong vụ thu đông năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh và Hợp tác xã nông nghiệp Định Bình xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ cao sản xuất thâm canh cây kiệu theo hướng VietGAP có sử dụng hệ thống tưới bán tự động”. Mô hình được thực hiện tại vùng đất chuyển đổi trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây kiệu và rau màu tại 2 thôn Định Quang và Định Trường thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh.

Nông dân huyện miền núi Vĩnh Thạnh được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bón phân. Phát hiện và sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật. Quản lý sâu bệnh hại theo nguyên tắc IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), mở sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng, thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại... Nhờ vậy, bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc tham gia mô hình được học hỏi những kiến thức kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao. Tính trung bình, tổng thu nhập ruộng kiệu trong mô hình đạt hơn 232 triệu đồng/héc-ta, cao hơn ruộng kiệu ngoài mô hình trên 16,3 triệu đồng/héc-ta. Lợi nhuận ruộng kiệu trong mô hình đạt hơn 123,2 triệu đồng/héc-ta, tương đương hơn 6,1 đồng/sào, cao hơn ruộng kiệu ngoài mô hình trên 2,1 triệu đồng/héc-ta. Ngoài ra, việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về hệ thống tưới bán tự động, sử dụng giống, cách bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP đã cho thấy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc trong sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian tới, Bình Định sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình trọng điểm, phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế và có thị trường tiêu thụ của từng vùng, đặc biệt là các địa bàn miền núi.    

Kiên Giang:

Giá chuối xiêm giảm 50%

Giá chuối xiêm tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã giảm 50% so với thời điểm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

U Minh Thượng là huyện có diện tích trồng chuối lớn của tỉnh Kiêm Giang. Từ tháng 4/2021 đến nay, giá chuối giảm dần, hiện còn 3.000 đồng/nải. Bắp chuối hiện có giá 4.000 đồng/kg thay vì 9.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 2/2021, giảm hơn một nửa so với trước khi dịch bùng phát trở lại.

Tuy giá bán sụt giảm phân nửa nhưng bù lại khi thu hoạch đến đâu có người thu mua đến đó. Bởi nhiều hộ trong vùng đã tự đứng ra mua xe tải để vừa bán nông sản sản xuất và thu mua luôn hàng hóa của nông dân ở đây. Nhờ vậy, mấy năm gần đây nông dân ở U Minh Thượng không lo đầu ra mà lo nhất là giá cả luôn bấp bênh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi hiện nay các loại hàng hóa của nông dân U Minh Thượng làm ra chưa được bao tiêu sản phẩm.

Để giải quyết tình trạng này, những năm qua, huyện U Minh Thượng đã chỉ đạo Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tìm giải pháp giúp nghề trồng chuối ổn định, nâng thu nhập cho người dân. Từ đó, thành lập được hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; trong đó, có nghề trồng chuối xiêm nhằm liên kết sản xuất, tìm hướng tiêu thụ cho nông dân. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên giá thành giảm đáng kể do chuối xiêm xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia, Trung Quốc không xuất khẩu được.

Để tìm đầu ra ổn định, thời gian tới huyện sẽ tính toán các hướng đi để không chỉ bán chuối tươi cho thương lái mà tạo ra nhiều sản phẩm từ chuối, như sấy trái chuối làm bột; sấy dây tạo ra dây chuối khô làm nguyên liệu đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ; trái chuối ép khô… để cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp.

Bình Dương:

Măng cụt tăng giá

Hiện bà con vùng măng cụt Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) đã vào cuối vụ thu hoạch. Khác với nhiều loại quả khác cần được giải cứu, trái măng cụt đầu vụ  tăng giá hơn 10.000 đồng/kg so với vụ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng măng cụt dự báo sẽ giảm 30 - 40% so với vụ mùa năm trước. Trái măng cụt tăng giá do năm nay không được mùa, chủ yếu các nhà vườn thu gom bán lẻ và đang chuẩn bị bước vào cuối vụ thu hoạch. Tính trung bình, giá trái đặc sản này cao nhất lúc đầu vụ là 120.000 đồng/kg, thấp nhất lúc giữa vụ là 60.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với mọi năm. Trong nhiều năm qua, trái cây măng cụt Lái Thiêu đã được nhiều người biết đến và nằm trong danh sách top 50 trái cây ăn trái đặc sản Việt Nam. Cùng với nhiệm vụ triển khai sử dụng và quản lý nhãn hiệu, Bình Dương đang đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân; kết nối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt chú ý chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tạo ra giá trị cao nhất cho nông dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng cụt ra thị trường nước ngoài.

Bạc Liêu:

Tồn đọng hàng chục ngàn tấn muối

Toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 1.500 héc-ta sản xuất muối, trong đó có hơn 100 héc-ta sản xuất muối trải bạt. Vụ muối năm nay, mưa trái mùa gây thiệt hại hơn 2.300 tấn muối, tổng trị giá ước tính 1,53 tỷ đồng. Đến thời điểm này, lượng muối tồn trong dân vụ mùa trước khoảng 9.000 tấn, cộng với vụ muối năm nay thì lượng muối tồn đọng lên đến hàng chục ngàn tấn. Trong khi đó, giá muối thấp nên tỉnh đang đề nghị có chính sách hỗ trợ ngành muối chế biến nhiều mặt hàng để tiêu thụ, nhất là xuất khẩu.

Phú Yên:

Giá trứng chim cút giảm

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến giá trứng cút đang xuống thấp chưa từng thấy. Để thu hồi vốn, nhiều hộ dân gấp rút bán tháo cả trang trại chim cút mái dù lỗ hàng trăm triệu đồng. Trước khi xảy ra dịch, thương lái về tận nhà thu mua với giá 40.000 - 45.000 đồng/100 trứng, chim đẻ không đủ bán. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá trứng cút ngày càng giảm, thương lái chỉ thu mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/100 trứng ăn. Trong khi giá thức ăn nuôi chim lại tăng, bán trứng không đủ tiền mua cám. Vì vậy, nhiều hộ chọn giải pháp bán tháo cả trang trại.

Giá sầu riêng miền Tây đạt mức cao

Mặc dù nhiều nông sản tại miền Tây khó tiêu thụ, giá giảm nhưng giá sầu riêng vẫn ở mức cao. Hiện các nhà vườn đang vào mùa thu hoạch, thương lái mua với giá rất cao. Với giá bán 60.000 - 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng thu lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/héc-ta. Từ đầu năm đến nay, giá sầu riêng luôn ở mức 70.000 đồng/kg. Hiện nay, giá giảm nhẹ do người dân né vụ để không thu hoạch rộ vì thời điểm này đụng hàng với nhiều loại trái cây khác. Thông thường, giá sầu riêng có xu hướng tăng cao vào thời điểm cuối năm.

Hàm Yên - Tuyên Quang:

Chanh tứ quý tiêu thụ tốt

Cây chanh tứ quý (tứ mùa) cho thu hoạch quanh năm, giá cả lại ổn định nên người dân nhiều xã ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã đua nhau trồng. Hiện đang vào cao điểm nắng nóng mùa hè nên chanh tiêu thụ tốt. Giá bán chanh luôn ổn định tại vườn từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, giá bán lẻ từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Giá bán cao, nhiều nhà vườn thu lãi lớn.

Ninh Bình:

Liên kết trong sản xuất và bao tiêu dứa

Hàng chục năm nay, cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực của bà con huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Dứa không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn là cây trồng giúp bà con vươn lên
làm giàu.

Trên những cánh đồng dứa, bà con đang khẩn trương thu hoạch dứa chính vụ. Người dân trồng dứa của tỉnh Ninh Bình đang phấn khởi hơn ai hết, bởi những thành quả lao động vất vả, cực nhọc giữa cánh đồng nắng nóng nay đang cho những trái ngọt bội thu. Đặc biệt, sản phẩm được Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) thu mua. Hàng năm công ty đều ký kết hợp đồng thu mua dứa với từng hộ sản xuất gồm các điều khoản quy định rõ ràng về thời gian thu hoạch, chất lượng dứa cũng như sản lượng tối thiểu. Theo đó, người dân ký kết xuất bán cho công ty đảm bảo khối lượng tối thiểu 20 tấn dứa/héc-ta, khối lượng này sẽ được thanh toán theo hợp đồng ký kết năm 2021 giá 4.800 đồng/kg. Từ tấn tiếp theo sẽ được công ty thu mua với giá cộng thêm 10% so với hợp đồng ký kết. Năm nay, do thời tiết thuận lợi hơn nên sản lượng dứa cao hơn và giá thu mua của công ty cũng tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Với hình thức thu mua và thanh toán như hiện nay, người trồng dứa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rất yên tâm sản xuất, bởi không bị chi phối bởi giá thị trường bấp bênh. Thậm chí, nhiều thời điểm giá dứa trên thị trường giảm sâu nhưng người dân khi đã ký kết với công ty sẽ yên tâm vì được đảm bảo nguồn thu nhập đều đặn. Trong nhiều năm trở lại đây, với giá dứa ổn định, đặc biệt là việc tuân thủ hợp đồng đã mang đến cho người dân mức thu nhập ổn định khoảng 350 triệu đồng/héc-ta/vụ, tương đương 18 tháng, trừ chi phí người dân thu về 150 triệu đồng/héc-ta/vụ. Quy đổi thời gian theo năm sản xuất, người dân có thể thu lãi 100 triệu đồng/héc-ta/năm.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19

Hiện đã xuất hiện những lời mời tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Người dân lưu ý, chỉ đi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vắc-xin, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

2. Các loại vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi lô vắc-xin phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vắc-xin nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc-xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc-xin theo quy định. Tất cả các vắc-xin đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.

3. Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm chủng miễn phí cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo.

4. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19, chỉ đi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

5. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc-xin phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

HÀNG VIỆT

Bình Phước:

15 sản phẩm từ hạt điều được xếp hạng 4 sao

Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của cả nước với diện tích chiếm gần 50%. Đặc biệt, trong số 22 sản phẩm OCOP vừa được công bố có tới 15 sản phẩm từ hạt điều. Các sản phẩm hạt điều này đều được xếp hạng 4 sao (bảng xếp hạng cao nhất của tỉnh Bình Phước).

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chất lượng và hương vị là hai thế mạnh của điều Việt Nam so với hạt điều có xuất xứ từ các quốc gia khác, nhất là từ Châu Phi. Riêng hạt điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng vượt bậc so với điều của các quốc gia khác với giá trị dinh dưỡng cao. Thương hiệu “hạt điều Bình Phước” đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Bình Phước đạt khoảng 600 - 800 triệu đô-la Mỹ/năm. Mới đây một tập đoàn của Hà Lan đã quyết định đầu tư dự án trị giá 250 triệu đô-la Mỹ tại Bình Phước nhằm phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sâu và sản xuất dầu vỏ hạt điều tinh lọc xuất khẩu.

15 sản phẩm hạt điều được xếp hạng gồm: Điều nhân, điều mật ong, điều rang tỏi, điều rang muối, điều wasabi, điều phô mai, điều tỏi ớt, bánh cashwhe… Đây là cơ hội để Bình Phước khai thác tốt các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm điều trong nước và phát triển chỉ dẫn địa lý cho hạt điều.

Mới đây, Bình Phước đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Mục tiêu mà Bình Phước đặt ra là năm 2020 đến năm 2030, diện tích điều của tỉnh đạt từ 175.000 - 179.000 héc-ta, năng suất tăng từ 1,5 tấn/héc-ta lên 2,1 tấn/héc-ta; sản lượng từ 243.000 tấn năm 2020 lên 352.000 tấn vào năm 2030; giữ nguyên công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm; trong số đó chế biến sâu từ 10.000 tấn (năm 2020) lên 30.000 tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người dân phát triển cần phải dựa trên quy hoạch và phải liên kết trong sản xuất. Vì trong sản xuất nông nghiệp, khâu tiêu thụ sản phẩm cực kỳ quan trọng. Do đó, việc liên kết sản xuất sẽ tạo được sức mạnh tập thể và khâu phân phối tiêu thụ cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả cao hơn.       

Cà Mau:

Xây dựng 95 sản phẩm OCOP

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt 3 - 4 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau thuộc nhóm thực phẩm là các đặc sản nổi tiếng của tỉnh như: Cua, tôm, ba khía, thòi lòi…

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Cà Mau đã xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án đạt hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cà Mau đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt 3 - 4 sao. Trong đó, xây dựng và phát triển các mô hình du lịch lên sàn” OCOP như: Du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... Riêng năm 2021, tỉnh Cà Mau phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, trong đó, công nhận ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Đồng thời, nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm được công nhận trong năm 2020 từ 3 sao lên 4 sao. Song song đó là phát triển và nâng cấp ít nhất 28 - 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Có 100% cán bộ OCOP các cấp, 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP và 50% người lao động OCOP với trình độ phù hợp cho từng đối tượng. Trong đó, chú trọng các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.

Tin khác