Thông tin thị trường giá cả số 27/2020

02:50 PM 22/07/2020 |   Lượt xem: 4424 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Gia Lai: Đồng bào Bahnar tăng thu nhập từ chuối mốc

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã chọn cây chuối mốc để phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Giờ đây, đến các xã miền núi của huyện Mang Yang nhìn đâu cũng thấy cây chuối mốc, chuối trồng quanh nhà, trong vườn, trên rẫy. Thương lái buôn chuối đến tận nơi thu mua về xuôi. Cây chuối mốc đã “bén duyên” và trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo.

Cây chuối mốc có lợi thế là trồng được trên đất cằn cỗi, đồi dốc, dễ chăm sóc. Chính vì vậy, nhiều hộ đồng bào đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối mốc. Đây cũng là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, cho thu hoạch quanh năm. Tuy thu hoạch quanh năm nhưng bà con thường thu hoạch vào giữa tháng và cuối tháng để tiện cho thương lái thu mua bán vào ngày rằm, mồng một. Sau khi thu hoạch quả, cây chuối được dùng làm thức ăn cho bò, dê, heo, gà. Hoa chuối, lá chuối tươi và khô đều bán được. Vì vậy, hiện nay, hầu hết các hộ dân trong xã Đê Ar đã chuyển đổi diện tích mì kém hiệu quả sang trồng chuối mốc. Đến nay, tổng diện tích chuối toàn xã khoảng 400 héc-ta. Trong đó, làng Đôn Hyang có diện tích trồng chuối mốc lớn nhất xã Đê Ar với hơn 250 héc-ta. Làng có 134 hộ thì hộ nào cũng trồng chuối mốc. Nhờ nguồn thu ổn định từ cây chuối, đời sống của đồng bào Bahnar nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Đến nay, làng chỉ còn 16 hộ nghèo.

Với giá chuối duy trì ổn định khoảng 3.000 đồng/kg, vào dịp lễ, tết thì khoảng 10.000 đồng/kg, bà con có thu nhập khá. Điều đáng mừng là bà con hầu như không phải đi chợ bán lẻ mỗi khi thu hoạch mà được thương lái đến ký hợp đồng thu mua ngay tại vườn định kỳ 2 lần/tháng. Theo Hội Nông dân huyện Mang Yang, hiện nay, chuối mốc là cây xóa đói, giảm nghèo ở xã Đê Ar. Để hỗ trợ bà con, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng mô hình trồng chuối ở những vùng đất phù hợp. Các địa phương cũng nên khuyến khích người dân trồng chuối ở những nơi đất cằn cỗi, đồi dốc. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật cho bà con nhằm nâng cao năng suất và chất lượng quả. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc; giới thiệu những mô hình trồng chuối tiêu biểu để bà con học hỏi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng người dân tiếp cận những giống chuối chất lượng…

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái đang là xu hướng được nhiều nhà nông trong tỉnh Gia Lai nhân rộng. Để nâng cao giá trị và đưa sản phẩm vươn xa đến các thị trường khó tính, một số địa phương đã linh động chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang sản xuất theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, một số địa phương khác như Chư Pưh, Kbang, Chư Sê… đã chuyển diện tích một số loại cây trồng không hiệu quả như tiêu, mì… sang trồng chuối mốc. Với đầu ra và giá cả ổn định như hiện nay, cây chuối được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế được những rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ.

Quảng Ngãi: Tạo vùng nguyên liệu mắc ca ở miền núi Sơn Tây

Qua 5 năm trồng khảo nghiệm cây mắc ca tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), cây mắc ca đã cho ra 2 đợt hoa trong năm và đậu quả tốt. Nếu cây mắc ca được trồng ổn định sẽ tạo vùng nguyên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở miền núi.

Năm 2014, huyện Sơn Tây quyết định đầu tư trồng cây mắc ca với diện tích 6 héc-ta tại 3 xã: Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long. Cây mắc ca được trồng theo hình thức tập trung, liên canh theo vùng đất được lựa chọn, số hộ tham gia từ 2 hộ/xã.

Trong quá trình trồng thực nghiệm, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng như huyện Sơn Tây đã có những phân tích về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thị trường tiêu thụ… Theo đó, mắc ca có thị trường tiêu thụ toàn cầu trong khi số lượng mắc ca cả thế giới hiện nay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chỉ đạt 25%. Vì vậy, việc xuất khẩu sản phẩm không phụ thuộc thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, các vườn mắc ca ở Sơn Tây đã ra hoa đậu quả, tương đương với mắc ca trồng ở vùng Tây Nguyên. Bà con nông dân đã bỏ vốn để trồng 6 héc-ta và được huyện cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, giúp đỡ.

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, với hình thức trồng thuần cây mắc ca thì giá bán ước tính 80.000 - 110.000 đồng/kg. Từ năm thứ 5 khi cây đã cho sản lượng thu hoạch ổn định, doanh thu đem lại trung bình từ 150 – 200 triệu đồng/héc-ta/năm với chi phí chăm sóc hàng năm chiếm khoảng 25% doanh thu.

Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, về lâu dài, trồng cây mắc ca giúp nâng độ che phủ rừng một cách bền vững vì cây mắc ca là cây thân gỗ, tuổi thọ kéo dài từ 60 - 80 năm. Nếu cây mắc ca được trồng ổn định sẽ tạo vùng nguyên liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Đồng thời, giúp bảo vệ môi trường, sinh thái khu vực tốt hơn.

Bưởi da xanh tăng giá

Sau một thời gian đứng ở mức thấp, giá bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre đã tăng mạnh trở lại từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây một vài tháng.

Giá bưởi da xanh loại 1 đang được nhà vườn bán cho thương lái và các cơ sở thu mua trái cây dao động ở mức 40.000 đồng/kg; còn bưởi loại 2 có giá trên dưới 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, bưởi da xanh xuất khẩu sang Trung Quốc gần như ngưng trệ khiến giá giảm mạnh. Gần đây, do nguồn cung bưởi giảm so với thời điểm trước và bưởi da xanh được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa nên giá tăng trở lại. Dù vậy, giá bưởi da xanh vẫn còn ở mức khá thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Thời điểm này năm ngoái, giá bưởi da xanh đạt từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Bên cạnh đầu ra xuất khẩu còn gặp khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bưởi da xanh không bán được giá cao như các năm trước còn do thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển diện tích trồng khiến nguồn cung tăng, ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung. Chất lượng trái bưởi da xanh trồng tại nhiều nơi không ngon, ngọt như bưởi da xanh trồng tại Bến Tre cũng làm ảnh hưởng đến sức mua chung.

Bến Tre là tỉnh có quy mô trồng bưởi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, bưởi da xanh của Bến Tre mang lại nguồn thu nhập, giúp cải thiện đời sống vật chất của hàng trăm hộ gia đình tại vùng đất nổi tiếng xứ dừa này.

Tây Nguyên: Sức mua cây giống đầu mùa chậm

Hiện nay, Tây Nguyên đã vào mùa mưa, bà con bắt đầu xuống giống các loại cây trồng. Tuy nhiên, theo các cơ sở kinh doanh cây giống, sức mua chậm hơn mọi năm. Trên thị trường, giá các loại giống cây ăn quả và cây công nghiệp đầu mùa gần như không đổi so với những năm trước. Cụ thể, giá các loại cây ăn quả như cây sầu riêng ghép 1 năm giá khoảng 30.000 đồng/cây, sầu riêng ghép 2 năm chăm sóc giá 50.000 đồng/cây, bơ có giá khoảng 35.000 đồng/cây. Đối với cây cà phê và hồ tiêu, theo nhận định của các cơ sở kinh doanh cây giống có thể thời gian qua do giá 2 loại nông sản này lao dốc nên người dân ít trồng hoặc người dân có xu hướng trồng xen các loại cây ăn quả với mật độ thưa nên tiêu thụ rất chậm. Hiện cây cà phê giống thực sinh giống TRS1 3.500 đồng/cây, cây ghép giống TR4, TR9 có giá từ 7.000 – 8.000 đồng/cây, hồ tiêu có giá từ 3.000 – 4.000 đồng/cây.

Bình Tân (Vĩnh Long): Giá hành lá tăng

Tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, giá hành lá đạt mức kỷ lục 1.500.000 đồng/tạ (60kg), tăng 850.000 đồng/tạ so tháng trước, nông dân rất phấn khởi. Giá hành lá tăng cao là do cung không đủ cầu cộng với hiện nay đang bước vào mùa mưa, năng suất hành không cao, dễ phát sinh bệnh. Với mức giá này, bình quân mỗi công hành lá cho thu nhập trên 15 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Đây là mức lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Các ngành chức năng khuyến cáo bà con thường xuyên thăm đồng để có biện pháp phòng trị bệnh sâu xanh da láng kịp thời. Đồng thời, không vì lợi nhuận tăng cao mà nóng vội xuống giống vụ mới, nên cách ly mỗi vụ ít nhất 10 ngày để cắt đứt mầm bệnh lưu truyền trong đất và vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi xuống giống để có được vụ mùa bội thu.

Cam Lâm (Khánh Hòa): Xoài giảm giá

Những ngày qua, nông dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa thu hoạch rộ xoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và hạn hán khiến xoài rớt giá, bà con kém vui. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài khiến trái xoài nhỏ hơn so với mọi năm. Trước tình hình trên, một số nhà vườn không hái mà để xoài chín rụng bởi thu không đủ trả tiền công. Năm trước, giá xoài canh nông đạt 16.000 đồng/kg nên nhiều nhà vườn còn thuê xe vận chuyển và thuê công lao động để hái. Tuy nhiên, tuần qua, giá xoài loại 1 chỉ còn 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg. Với giá rẻ như vậy, các hộ gia đình tự vận chuyển, không dám thuê xe chở bởi không đủ trả tiền công. Toàn huyện Cam Lâm có khoảng 5.000 héc-ta xoài. Do hạn hán nên năng suất xoài đạt thấp, chỉ từ 3 - 4 tấn/héc-ta. Với giá và năng suất như hiện nay, người trồng xoài khó có lãi cao.

Yên Bái: Giá quế ổn định

Yên Bái hiện có khoảng 65.000 - 70.000 héc-ta quế, tập trung ở các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên. Riêng huyện Văn Yên có 40.000 - 42.000 héc-ta quế, sản lượng khai thác mỗi năm gần 10.000 tấn quế vỏ, 300 tấn tinh dầu. Từ nhiều năm nay, giá quế khá ổn định, vỏ quế tươi giá trung bình từ 16.000 - 22.000 đồng/kg, còn vỏ quế khô từ 32.000 - 34.000 đồng/kg, quế chi, quế vụn cũng bán được 13.000 - 15.000 đồng/kg. Thân quế sau khi bóc vỏ có đường kính từ 15cm trở lên bán cho các cơ sở chế biến gỗ làm bao bì với giá từ 1,5-1,8 triệu/m3, lá quế bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu với giá từ 1.500 - 2.500 đồng/kg.

Trên thực tế, cây quế không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến vụ, bà con vẫn khai thác quế, tỉa cành và chưng cất dầu quế vì các điểm thu mua vẫn đặt hàng. Bên cạnh đó, quế thường xuất khẩu vào những tháng cuối năm, nếu không bán được thì bà con phơi khô, không sợ ế.

Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Lạng Sơn đã có hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành nông nghiệp nông thôn cũng như nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, HĐND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ – HĐND ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025. Nghị quyết 08 đã quy định chi tiết về việc hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho nhà đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ một lần 100% kinh phí xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; nhãn hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ; cơ sở được công nhận nhãn hiệu nhưng không quá 100 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ một lần 100% kinh phí thực hiện chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP, Organic nhưng không quá 25 triệu đồng/mô hình. Hỗ trợ 100% kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng không quá 30 triệu đồng/sản phẩm. Hỗ trợ 50% kinh phí tham gia triển lãm, hội chợ trong nước, ngoài nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân/ 1 năm. Về mở rộng thị trường, Lạng Sơn sẽ hỗ trợ 100% kinh phí trong vòng 2 năm để thuê địa điểm bán sản phẩm trong nước áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt hoặc áp dụng các tiêu chuẩn tương tự, nông nghiệp hữu cơ nhưng không quá 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

Để hưởng các ưu đãi này, các doanh nghiệp cần thực hiện theo Hướng dẫn Liên ngành về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025 theo Nghị quyết 08.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cách nhận biết bóng đèn Rạng Ðông chính hãng

Thời gian qua, tại một số cửa hàng tạp hóa vùng cao đã xuất hiện sản phẩm bóng đèn Rạng Đông giả, nhái. Để phân biệt, bà con có thể dựa vào một số đặc điểm trên sản phẩm, qua bao bì, tem và mã sản phẩm.

Phân biệt qua ký hiệu trên bao bì sản phẩm

Trên bao bì thật của Rạng Đông luôn được tích đầy đủ thông số đui đèn bằng bút tích màu đỏ. Trên bao bì giả, dấu hiệu này có thể bị bỏ qua hoặc sử dụng bút tích màu khác, hoặc tích sai thông số. Ngoài ra, trên bao bì của Rạng Đông có đầy đủ các thông số kỹ thuật của đèn.

Phân biệt qua màu sắc bao bì sản phẩm

Màu sắc trên bao bì của Rạng Đông đặc trưng là màu xanh lá cây và màu đỏ, in rõ ràng, sắc nét. Đặc biệt, trên bao bì có in biểu tượng ngôi sao năng lượng ở bên trái, phía dưới của hộp. Bao bì giả sử dụng màu sắc không chuẩn, hình ảnh in bị mờ nhạt, không sắc nét do sao chép lại.

Phân biệt qua tem chống giả trên sản phẩm

Với sản phẩm Rạng Đông chính hãng, mỗi sản phẩm đều có một mã số chống giả in trên tem chống giả kỹ thuật số, không có sản phẩm nào có trùng mã số chống giả. Mỗi mã số sẽ chỉ được sử dụng duy nhất 1 lần để gửi tin nhắn kiểm tra để tránh việc bị lợi dụng sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, tem được dán chắc chắn, tồn tại các đường dập cắt trên tem nhằm tránh cho tem bị bóc ra dễ dàng.

Trên tem chống giả kỹ thuật số có ghi đầy đủ cách thức để người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm Rạng Đông chính hãng bằng cách: “ Soạn tin Dac_Mã số gửi 8099”.

Trên mỗi sản phẩm của Rạng Đông đều có tem chống giả cung cấp mã số chống hàng giả, người tiêu dùng có thể thực hiện các bước sau để xác định hàng chính hãng Rạng Đông:

- Bước 1:  Xác định mã số chống giả trên Tem chống hàng giả dán tại bầu bóng đèn Rạng Đông (Mã số gồm 16 ký tự), mỗi sản phẩm có một mã số khác nhau.

- Bước 2: Soạn tin DAC_ Mã số gửi đến tổng đài 8099.

- Bước 3:  Nhận tin nhắn tự động từ tổng đài 8099 gửi về trả lời đây là sản phẩm chính hãng do công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông sản xuất, kèm theo số điện thoại liên hệ để khách hàng có những thắc mắc hoặc phản ánh về sản phẩm, có thể liên hệ trực tiếp với công ty qua số điện thoại trên tin nhắn.  

HÀNG VIỆT

Vịt cổ ngắn - sản phẩm đặc trưng của Mường Lạn

Từng là một trong những xã nghèo nhất của huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, đến nay, Mường Lạn đã có những đổi thay rõ rệt. Trên xã vùng cao này, nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện.

Xác định, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm mang lại giá trị thương hiệu đối với sản phẩm thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống cho bà con, thời gian qua, Mường Lạn đã bình chọn được nhiều sản phẩm đặc trưng. Trong đó, giống vịt cổ ngắn được chọn là sản phẩm có nhiều ưu thế đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP. Với lợi thế 2 con suối Nậm Lặn và Nậm Nhộp chảy qua, xã vùng cao Mường Lạn rất thuận lợi cho phát triển lúa nước và chăn nuôi gia cầm, nhất là vịt cổ ngắn. Người dân Mường Lạn nuôi vịt cổ ngắn nhiều hơn nuôi gà. Vịt cổ ngắn ở đây có ưu điểm thịt chắc, vị thơm đặc trưng và rất dễ nuôi, ít dịch bệnh.

Ðặc biệt, thực hiện Ðề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” của UBND tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, xã Mường Lạn xây dựng mô hình nuôi vịt cổ ngắn là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Mô hình được người dân ủng hộ và triển khai có hiệu quả tại một số bản và đang được nhân rộng trên phạm vi toàn xã. Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, hiện tại sản phẩm không đủ cung cấp ra thị trường. Xã lựa chọn 3 bản thực hiện thí điểm, gồm: Bản Lạn, Hua Ná và bản Bon. Một trong những hộ tích cực thực hiện chương trình ở bản Hua Ná chia sẻ: “Từ trước, gia đình vẫn nuôi giống vịt này, các hộ trong bản cũng thế; nhà nhiều thì vài trăm con, ít thì vài chục con, chủ yếu để cải thiện bữa ăn cho gia đình, lúc cần tiền mới bán. Khi xã lựa chọn vịt cổ ngắn làm sản phẩm OCOP, xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế, ai cũng mừng. Gia đình đã nhân giống, mở rộng mô hình lên 500 con. Do thịt ngon nên các thương lái vào tận nhà thu mua nhưng gia đình không đủ vịt thương phẩm để bán.”

Ðể tạo điều kiện cho người dân, thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân, xã Mường Lạn đã xây dựng dự án phát triển vịt cổ ngắn. Các hộ tham gia dự án được vay vốn với tổng số tiền 350 triệu đồng/hộ để mở rộng quy mô chăn nuôi. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các hộ đã đầu tư chuồng trại, nhân giống… Điều đáng mừng nhất hiện nay là sản phẩm có đầu ra tương đối ổn định, thậm chí cung vẫn chưa đủ cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng đăng ký thương hiệu, liên kết với đầu mối tiêu thụ đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Ðây cũng là cách chính quyền địa phương đồng hành để bà con yên tâm, tự tin đầu tư vào mô hình này nhằm sớm được công nhận đạt OCOP.

Với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con, Mường Lạn đã thực sự tìm được sản phẩm phù hợp để phát triển thành sản phẩm OCOP. Ðây cũng là bí quyết để xã vùng cao này thay da đổi thịt, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bến Tre: Bảo hộ nhãn hiệu xoài Tứ quý Thạnh Phú

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre phối hợp UBND xã Thạnh Phong tổ chức lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “xoài Tứ quý Thạnh Phú”.

Xoài tứ quý là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre với diện tích khoảng 400 héc-ta, tập trung chủ yếu tại các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải. Năng suất trung bình 30 - 40 tấn/héc-ta. Nhãn hiệu chứng nhận “xoài Tứ quý Thạnh Phú” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ là một bước tiến mới cho sản phẩm; cơ hội để nông dân trồng xoài bảo vệ, khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Nhằm đảm bảo thương hiệu, thời gian tới, huyện Thạnh Phú sẽ thực hiện tốt việc giới thiệu, quảng bá chứng nhận; quản lý, kiểm soát việc sử dụng, cấp, đình chỉ và thu hồi giấy chứng nhận theo quy định. Đồng thời, tập trung các giải pháp duy trì và phát triển bền vững diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện; triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, an toàn gắn với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật; thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định.