THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Quảng Bình:
Kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng, chống thiên tai
Nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, có lưu ý tới thị trường các tỉnh miền núi, biên giới… còn nhiều khó khăn.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối, các siêu thị trên địa bàn Quảng Bình đã và đang chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, quyết tâm không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa tại các địa bàn bị ảnh hưởng do thiên tai trong mùa mưa bão.
Trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường với nhiều hình thái thiên tai cực đoan thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, Sở Công thương đều chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân khi có thiên tai, bão lũ. Sở đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh khảo sát nhu cầu tiêu dùng của mỗi địa phương, xác định những địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi thiên tai, bão lũ… để xây dựng phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa phù hợp, bảo đảm đúng đối tượng và khu vực cần thiết. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mưa bão năm 2021 cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch.
Phương án dự trữ hàng hóa được xây dựng với phương châm tại chỗ, huy động các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện dự trữ hàng hóa. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có các siêu thị như: Co.opmart, Vinmart (TP. Đồng Hới), siêu thị Thiện Nhân, Thái Hậu (TX. Ba Đồn), siêu thị Diến Hồng (huyện Minh Hóa) sẽ là các kho dự trữ lớn về hàng hóa, thực phẩm thiết yếu để sẵn sàng ứng cứu cho các địa phương khi bị lũ lụt cô lập, ách tắc giao thông. Song song với việc dự trữ hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp lớn, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh và mỗi huyện, thành phố, nhiều đại lý bán lẻ, bách hóa tổng hợp cũng tăng nguồn hàng dự trữ. Qua đó, bảo đảm lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng thiên tai. Đồng thời, chủ động, sẵn sàng cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho vùng bị chia cắt, cô lập khi thiên tai bão lũ đến. Quan tâm đặc biệt tới thị trường các huyện miền núi, biên giới… còn nhiều khó khăn. Đây là những huyện có điều kiện địa lý khó khăn, ảnh hưởng đến bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, thiên tai đã tác động và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của bà con nơi đây. Thiên tai và biến đổi khí hậu càng khắc nghiệt, thì sản xuất nông nghiệp càng gặp nhiều rủi ro, kéo theo đời sống nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, nhiều hộ đã tái nghèo sau mỗi đợt thiên tai.
Để khuyến khích các doanh nghiệp chủ động về nguồn hàng, sẵn sàng cung ứng phục vụ công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt, Sở Công thương cũng đã xây dựng phương án hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng phần vốn dùng để dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lụt, thời gian dự trữ không quá 60 ngày.
Vĩnh Long:
Mở điểm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ khoai lang
Để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long đã khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước, trong đó có khoai lang Bình Tân.
Bên cạnh vận động các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ thì chợ truyền thống được xem là kênh phân phối tiêu thụ hàng nông sản nhanh và hiệu quả nhất. Do đó, sở đã quyết định mở điểm kết nối tại chợ Vĩnh Long và thời gian tới sẽ nhân rộng ra các chợ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tại chợ Vĩnh Long, Sở Công thương đã bố trí 2 điểm bán tiêu thụ khoai lang tại bãi giữ xe nhà lồng khu C và chốt bảo vệ - trật tự để hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho bà con huyện Bình Tân. Giá hỗ trợ tiêu thụ khoai lang là 3.000 đồng/kg. Thời gian tới, các điểm bán sẽ tiếp tục được duy trì tại chợ Vĩnh Long để hỗ trợ tiêu thụ khoai lang Bình Tân. Thời gian qua, sở cũng đã nhận được sự hỗ trợ, hưởng ứng của các sở, ban ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ khoai lang. Tính đến nay, sở đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 400 tấn khoai tím Nhật. Trước đó, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long đã hỗ trợ bà con nông dân huyện Bình Tân tiêu thụ được 14 tấn khoai lang tím Nhật. Huyện Bình Tân là địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất khẩu khoai lang gặp nhiều khó khăn, giá khoai lang chưa được 1.000 đồng/kg, nhiều nông dân trồng khoai đang lỗ nặng.
Gia Lai:
Cẩn trọng khi vào vụ tiêu mới
Hiện nay, nông dân nhiều huyện ở tỉnh Gia Lai đã bắt đầu trồng hồ tiêu trở lại. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo bà con cẩn trọng để đảm bảo hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro.
Sau giai đoạn giảm giá sâu, những tháng đầu năm, giá hồ tiêu đạt mức 70.000 đồng/kg và duy trì ổn định trong vài tháng nay. Với mức giá này, người trồng sẽ có lãi khoảng 100 triệu đồng/héc-ta. Vì vậy, vụ này bà con đổ xô trồng tiêu với hy vọng giá sẽ tiếp tục đạt cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Gia Lai đã khuyến cáo bà con nên trồng hồ tiêu xen canh để giảm thiểu rủi ro. Ngoài việc xen canh, bà con có thể tận dụng lại các trụ tiêu cũ, mua giống tiêu lươn để giảm chi phí đầu tư. Giống tiêu lươn giá 10.000 đồng/cây, rẻ hơn 5.000 đồng so với giống tiêu ác mà hiệu quả tương đương. Trong quá trình trồng mới, bà con không nên tái canh trên đất trồng tiêu đã chết, nên chọn đất phù hợp với cây hồ tiêu. Bà con cần chọn giống tốt, nguồn gốc rõ ràng; trồng trên cây trụ sống nên để cỏ trong vườn, đắp mô, không nên làm bồn gốc tiêu dễ bị úng nước, gây sâu bệnh. Bà con nên dùng hệ thống tưới tiết kiệm, phun mưa, nhỏ giọt ở gốc cây và nên trồng theo hướng hữu cơ, sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững hơn.
Ngoài những khuyến cáo trên, bà con cũng cần chú ý tới việc liên kết sản xuất và sản xuất theo các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp và các thị trường yêu cầu. Thời điểm này, việc sản xuất hồ tiêu thích hợp vì diện tích dịch bệnh đã được khống chế và giá cả khởi sắc. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con triển khai sản xuất hồ tiêu. Tuy nhiên trước mắt, bà con nên thâm canh sản xuất những vườn hiện có sự đảm bảo phát triển tốt. Nếu bà con trồng mới nên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Hậu Giang:
Rộ mùa sầu riêng, giá bán vẫn cao
Khoảng 1 tháng nay, sầu riêng đã bước vào chính vụ thu hoạch và bày bán phổ biến ở các chợ tại Hậu Giang. Tuy nhiên, giá bán lẻ vẫn ở mức cao. Hiện giá sầu riêng khoảng 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với đầu vụ. Sầu riêng Monthong Thái cũng rất được ưa chuộng nhưng số lượng khá ít, giá bán lúc này khoảng 65.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với đầu vụ. Riêng những trái sầu riêng chín tự nhiên trên cây, thường có giá bán cao hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, sầu riêng năm nay rất hút hàng, sản lượng ít nên bán được giá. Để tăng sức tiêu thụ trong mùa dịch, ngoài bán tại chỗ, các tiểu thương còn kinh doanh thêm hình thức online, giao hàng tận nơi. Ở hình thức mua bán này thịnh hành nhất là bán “cơm” sầu riêng, giá dao động từ 260.000 - 280.000 đồng/kg tùy loại.
Mường La - Sơn La:
Tiêu thụ gần 7.000 tấn xoài
Từ đầu mùa xoài đến nay, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu và tiêu thụ gần 7.000 tấn xoài, trong đó, hơn 1.300 tấn đã được xuất khẩu. Toàn huyện Mường La có khoảng 2.600 héc-ta trồng xoài, trong đó 1.700 héc-ta đang cho thu hoạch. Năm nay, xoài Mường La tiếp tục được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, nên mẫu mã và chất lượng đẹp và ngon hơn các năm trước; quả xoài to, dày, thơm ngọt nên rất được lòng người tiêu dùng, ngay cả tại những thị trường khó tính.
Với hướng đi đúng, tập trung cho những cây trồng chủ lực, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng cả trong khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm xoài, đến nay, nhiều hộ gia đình ở Mường La đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Phụng Hiệp - Hậu Giang:
Giá tràm Úc giảm một nửa
Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 800 héc-ta tràm Úc, chủ yếu là do người dân chuyển đổi từ đất trồng mía kém hiệu quả. Hiện nay, tràm 3 năm tuổi được thu mua chỉ ở mức 7 - 8 triệu đồng/công. Trong khi đó, cùng kỳ này năm ngoái giá mỗi công tràm Úc 3 năm tuổi bán với từ 14 - 15 triệu đồng. Nguyên nhân khiến giá tràm Úc giảm mạnh thời gian gần đây là do tràm cừ tiêu thụ khó. Bởi tràm Úc chủ yếu được trồng để làm tràm cừ, một phần nhỏ được làm nguyên liệu sản xuất giấy. Khoảng vài tháng nay, giá tràm cừ liên tục giảm mạnh, trung bình mỗi cây giảm hơn 10.000 đồng.
Bến Lức - Long An:
Tiêu thụ chanh gặp nhiều khó khăn
Tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An tình hình tiêu thụ chanh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sản lượng chanh xuất khẩu cũng giảm đáng kể bởi việc vận chuyển gặp khó, nhiều nước hạn chế họp chợ nên chanh tiêu thụ chậm và rớt giá. Hiện giá chanh còn khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với năm trước và vẫn tiếp tục giảm. Thông thường, khi thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ mặt hàng này khá tốt, giá bán cũng tăng. Năm nay thì ngược lại, thậm chí các đợt thu hoạch phải giảm đi vì thương lái không mua nhiều.
Tây Sơn - Bình Định:
Giá ớt giảm
Tháng qua, tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định giá ớt liên tục giảm. Chỉ trong thời gian ngắn, giá ớt thu mua tại địa phương rớt từ đỉnh xuống đáy, tiền bán ớt không đủ trả công hái. Trong 2 tháng đầu năm 2021, giá ớt dao động 70.000 - 80.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 120.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 4 đến nay, bước vào mùa thu hoạch rộ, giá ớt giảm dần đến mức thấp nhất từ trước đến nay. Hiện với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg, đa phần người dân hái ớt phơi khô, chờ bán ớt khô khi được giá hơn, số còn lại bỏ ngang, không tiếp tục đầu tư chăm sóc ớt.
Đắk Nông:
Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng cà tím Nhật Bản
Thời gian qua, một số mô hình liên kết trồng và tiêu thụ nông sản của hộ nông dân xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ tham gia.
Trong đó, mô hình liên kết với doanh nghiệp để trồng và tiêu thụ cà tím Nhật Bản đang được phát triển rộng. Khi liên kết, các hộ gia đình được công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà tím Nhật Bản và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 7.000 đồng/kg. Cà tím thu hoạch đến đâu được công ty thu mua đến đó để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Vì vậy, các hộ gia đình không lo về giá và đầu ra của sản phẩm. Nếu mô hình phát triển tốt sẽ cho năng suất bình quân từ 70 - 100 tấn/héc-ta tùy theo vụ. Sau khi trừ chi phí, mô hình có thể thu lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/héc-ta. Tuy nhiên, quá trình trồng bà con phải bảo đảm đúng kỹ thuật, nhất là chú trọng khâu chăm sóc sâu bệnh, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng và các yêu cầu xuất khẩu.
Sau những vụ mùa vừa qua, có thể khẳng định, cà tím Nhật Bản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu mua lại sản phẩm với giá theo hợp đồng ký kết doanh nghiệp. Những hộ dân trồng rất phấn khởi vì biết sản phẩm làm ra sẽ bán được và lợi nhuận khá cao. Việc liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân mở ra hướng đi hiệu quả trước bối cảnh nhiều cây chủ lực cho thu nhập thấp. Tuy nhiên, để tránh tình trạng trồng cà tím Nhật Bản tự phát, tràn lan, địa phương đang phối hợp với các ban, ngành chuyên môn của huyện tiến hành theo dõi, rà soát. Đồng thời, liên hệ, kết nối với nguồn tiêu thụ theo hướng ổn định, lâu dài để bà con yên tâm trồng và phát triển loại cây này.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Cảnh giác trước vật tư nông nghiệp giả
Tình trạng các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng bày bán rất phổ biến ở các vùng nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Hàng năm, các cơ quan chức năng trên cả nước kiểm tra và phát hiện bình quân trên dưới 3.000 vụ sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Từ đầu năm đến nay, tại khu vực miền Nam, các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, thu giữ hàng trăm tấn tang vật. Hầu hết hàng bị thu giữ là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không có hóa đơn, chứng từ và nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng. Đặc biệt, trên thị trường hiện nay có nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả được bày bán. Hàng giả được đóng gói với bao bì đẹp, sắc nét bằng kỹ thuật công nghệ cao nên người nông dân khó mà phát hiện được hàng thật với hàng giả. Vật tư nông nghiệp giả nhập khẩu và sản xuất trong nước thường đưa đến các vùng nông thôn xa, miền núi để tiêu thụ và gây thiệt hại cho bà con. Ông K’Thanh, người dân tộc Châu Mạ, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai kể, do mua phải lô phân bón tổng hợp giả nên vụ thu hoạch xoài, bưởi, chôm chôm trong mùa hè này giảm năng suất một phần ba so với vụ năm ngoái. Số phân bón này ông mua của một công ty ở Sài Gòn mang đến tận nhà bán và khuyến mại cho một bình xịt thuốc sâu bằng nhựa rẻ tiền.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, tốt nhất bà con chọn những cửa hàng, công ty bày bán sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có uy tín và yêu cầu người bán hàng cam đoan về chất lượng. Mặt khác, trước khi mua vật tư nông nghiệp để bón cho cây trồng, bà con nên nhờ cán bộ nông nghiệp có chuyên môn ở thôn bản, phường xã tư vấn. Đây là giải pháp hiệu quả để loại trừ nhưng chiêu trò lừa dối của người bán hàng dởm nhằm tránh thất thu cho những mùa vụ đã nhọc công canh tác.
HÀNG VIỆT |
Bình Định:
OCOP giúp quảng bá thương hiệu đặc sản địa phương
Bình Ðịnh được đánh giá là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả chương trình OCOP. Qua đó, tạo động lực để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh và quảng bá thương hiệu đặc sản địa phương.
Năm 2021, Bình Định tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP theo hướng chuyên sâu, tập trung lựa chọn được những sản phẩm đặc trưng, có lợi thế tiềm năng. Đồng thời, cụ thể hóa cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát huy giá trị sản phẩm theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận OCOP nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; phát triển mới khoảng 30 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có khoảng 3 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng 5 sao. Bên cạnh đó, nâng hạng sao 15 sản phẩm đã được chứng nhận từ 3 sao lên 4 sao và 2 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao. Thông qua Chương trình OCOP nhiều làng nghề nông thôn đã mở rộng sản xuất, nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền đã được người tiêu dùng biết đến và xuất khẩu.
Ngay khi triển khai Chương trình OCOP, Bình Định đã xác định, đây là chương trình phát triển kinh tế nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, sản vật địa phương, vùng miền giàu bản sắc dân tộc. Triển khai tốt chương trình này sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, phát triển hạ tầng nông thôn và là một yếu tố quan trọng góp phần lan tỏa Chương trình Mục tiêu xây dưng nông thôn mới. Các chủ thể sản xuất OCOP phải chủ động nâng cao nhận thức, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, xanh, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, giữ gìn những bản sắc văn hóa vùng, miền của các sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề…
Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định đặt mục tiêu hàng năm phát triển mới 30 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có 3 sản phẩm đạt hạng
5 sao.
Lào Cai:
Sẽ chứng nhận OCOP cho 30 sản phẩm tiềm năng
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở tỉnh Lào Cai đang từng bước được nâng cao về chất lượng, đáp ứng các quy chuẩn và góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Năm nay, Lào Cai phấn đấu tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các vùng để chứng nhận OCOP. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố triển khai mục tiêu xây dựng và phát triển các bản, làng, điểm du lịch cộng đồng. Tập trung đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Trong năm sẽ củng cố ít nhất 12 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiềm năng thế mạnh của các địa phương, trong đó, phát triển thêm ít nhất 7 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Chương trình OCOP ở tỉnh Lào Cai đã phát huy hiệu quả kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Không chỉ có vậy, những sản phẩm đạt thương hiệu OCOP còn được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con.