THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống
Với vai trò là cơ quan quản lý lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, Bộ Công Thương cho biết, có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân và bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống.
Thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn và thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương. Theo đó, Ban chỉ đạo thường xuyên liên hệ, trao đổi với Ủy ban Nhân dân, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam có dịch để kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Mặt khác, Ban chỉ đạo sẽ kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng cho người dân tại các địa phương trong mọi tình huống. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến; tổ chức các hình thức cung ứng hàng hóa qua hệ thống các tình nguyện viên, đoàn thể ở địa phương.
Liên quan đến khâu vận chuyển hàng hóa, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương kịp thời xử lý khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, có các văn bản gửi ngành y tế đề nghị thay đổi phương thức, rút thời gian xét nghiệm COVID-19 cho lái xe xuống còn 3 ngày, tạo luồng ưu tiên cho phương tiện chở hàng hóa thiết yếu... Bộ chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, dự báo đúng tình hình để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân theo từng cấp độ.
Đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu
Sở Công Thương các tỉnh cũng đã có văn bản bản hỏa tốc gửi các địa phương; cơ sở, các đơn vị kinh doanh, bán buôn trên địa bàn tỉnh để ổn định tình hình cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Theo đó, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thị trường, thường xuyên nắm bắt diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; nắm chắc về nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp. Các đơn vị kinh doanh trên địa bàn không tăng giá đối với mặt hàng thiết yếu, khẩu trang vật tư y tế. Các đơn vị chức năng phối hợp tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá, găm hàng... Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị kinh doanh bán buôn, bán lẻ hàng hóa chủ động nguồn hàng thiết yếu để kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh An Giang, Đắk Nông… hiện nay, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... chuẩn bị lượng hàng hóa rất dồi dào, đảm bảo đủ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống. Các mặt hàng: Gạo, mì gói, đường, sữa, sản phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, khẩu trang, dung dịch rửa tay... được bán với giá hợp lý. Một số siêu thị còn bán hàng hóa, thực phẩm với giá thấp hơn giá thị trường. Đặc biệt, các điểm bán hàng bình ổn được bố trí rộng khắp, cung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con. Ngoài ra, các Sở Công Thương còn có các văn bản đề nghị Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi vận chuyển hàng hóa ra vào địa bàn có dịch bệnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các chợ đầu mối và dân sinh dẫn đến tập trung mua hàng tích trữ, gây sốt giá, làm khan hiếm hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm hành vi găm hàng, nâng giá, ép giá, xử lý nghiêm hàng giả, hàng kém chất lượng... Đặc biệt, ngành Công Thương cũng khuyến cáo bà con cần bình tĩnh trước các thông tin về dịch bệnh. Ngay cả khi trên địa bàn tỉnh có xuất hiện ca bệnh, người dân cũng không nên tích trữ hàng hóa thiết yếu, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến khâu phòng, chống dịch.
Cù Lao Dung - Sóc Trăng:
Tiêu thụ dưa lê thuận lợi
Những năm gần đây, một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã phát triển mô hình trồng dưa lê. Đây là một trong những loại nông sản cho thu nhập khá bởi đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định.
Nhận thấy một số địa phương trên địa bàn Cù Lao Dung có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng dưa lê, một số doanh nghiệp đã chủ động liên kết với bà con nông dân mở rộng diện tích trồng dưa và bao tiêu đầu ra. Thậm chí, doanh nghiệp còn liên kết luôn với đơn vị cung ứng hạt giống, phân bón, thuốc vi sinh các loại nhằm đưa đến nông dân cũng như khuyến cáo bà con trồng dưa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện giá bao tiêu dưa là 6.000 đồng/kg, dưa có trọng lượng 200 gram trở lên. Ngoài ra, ngay đầu vụ, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ tiền mua hạt giống, tiền thuê nhân công chăm sóc dưa…
Do doanh nghiệp liên kết từ đầu vào đến đầu ra, bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất. Giá thu mua dưa cũng được doanh nghiệp báo luôn đầu vụ. Vì vậy, hộ dân có thể tính toán và cân đối được phần lợi nhuận ngay sau khi thu hoạch dưa.
Dưa lê có thời gian sinh trưởng ngắn nên trồng được 3 vụ/năm. Đặc biệt, dưa không phải thu hoạch hết 1 đợt như dưa hấu mà chia theo nhiều đợt thu hoạch trong thời gian tầm 1 tháng mới thu hết lượng trái. Trồng dưa lê, bà con gần như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do dưa ít gặp các loại dịch bệnh, sâu hại tấn công. Theo tính toán, lợi nhuận của dưa lê tốt hơn nhiều so với một số loại rau màu khác và trồng dưa lê cũng yên tâm hơn vì có thương lái bao tiêu, chỉ cần chăm sóc để dưa phát triển tốt, cho trái nhiều, thu nhập sẽ tăng. Vì vậy, hiện nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung đang tăng diện tích trồng.
Long An:
Giá dưa hấu bấp bênh
Thời điểm này, nông dân tại các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa (tỉnh Long An) đang tiến hành thu hoạch dưa hấu. Tuy nhiên, so với đầu vụ, giá dưa hấu đang giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, nông dân trồng dưa hấu gặp nhiều khó khăn.
Năm nay, dưa hấu được mùa hơn so với các năm trước nhưng giá lại bấp bênh. Hiện giá thu mua tại ruộng chỉ từ 3.500 - 3.800 đồng/kg. Giá dưa hấu giảm, trong khi giá thuê nhân công thu hoạch dưa trên dưới 300.000 đồng/tấn. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa, toàn huyện có hơn 200 héc-ta dưa hấu, chủ yếu tập trung tại xã Bình Hòa Trung. Phần lớn diện tích dưa hấu đều do người từ nơi khác đến địa phương để thuê đất trồng. Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ dưa hấu rất khó khăn. Thương lái cũng chậm thu mua do khó vận chuyển đi xa.
Tình hình tiêu thụ dưa hấu khó khăn cũng diễn ra tại huyện Tân Hưng. Vụ này, nông dân trên địa bàn huyện trồng trên 160 héc-ta dưa hấu, đã thu hoạch gần xong với năng suất trung bình 30 tấn/héc-ta. Những diện tích thu hoạch ở đầu vụ bán được giá khá cao, từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, lợi nhuận trung bình khoảng 50 triệu đồng/héc-ta. Tuy nhiên, cuối vụ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá dưa hấu giảm mạnh, chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg. Nông dân thu hoạch dưa vào thời điểm này lỗ nặng vì không những bị thương lái ép giá mà nếu dưa chín để lâu không kịp bán thì sẽ bị hư.
Theo các thương lái, thời điểm này rất khó tiêu thụ dưa hấu do không thể vận chuyển đi xa. Thương lái phải chia nhỏ số dưa thu mua được để giao cho bạn hàng bán ở các chợ tuyến huyện ở các tỉnh, thành lân cận; một số ít dưa lớn được tuyển chuyển ra tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc.
Thực tế hiện nay, không chỉ riêng dưa hấu mà nhiều loại nông sản khác cũng bấp bênh đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều cần nhất hiện nay là nông dân nên chủ động nắm bắt thông tin, thay đổi phương thức sản xuất và tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật để giảm giá thành, tăng năng suất. Ngoài ra, nông dân cần quan tâm đẩy mạnh việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, bảo đảm uy tín và chất lượng để có đầu ra ổn định.
Lý Sơn - Quảng Ngãi:
Giá tỏi thấp kỷ lục
Hiện nay, đặc sản tỏi Lý Sơn chỉ đạt giá 15.000 - 20.000 đồng/kg – mức thấp kỷ lục từ trước đến nay. Với giá này, người trồng tỏi lỗ nặng. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, khách du lịch không đến đảo Lý Sơn nên việc bán lẻ gần như không có. Trong khi tàu bè ra vào đảo hạn chế vì dịch, xe cộ lưu thông hàng hóa ảm đạm khiến việc đưa tỏi đến các thị trường lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát của chính quyền huyện Lý Sơn, từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, lượng tỏi trên đảo chỉ tiêu thụ được khoảng 300 tấn. Hiện còn khoảng 1.800 tấn tỏi ứ đọng và không có đầu ra,
Toàn đảo Lý Sơn có khoảng 325 héc-ta trồng tỏi, sản lượng vụ đông xuân vừa qua đạt 2.100 tấn tỏi khô. Đây là nguồn thu nhập chính của khoảng 40% người dân toàn đảo. Vì vậy, chính quyền huyện Lý Sơn đang lên phương án hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho người dân với giá hợp lý.
Đức Cơ - Gia Lai:
Nấm mối bán chạy
Nấm mối là món ăn quen thuộc với người dân Tây Nguyên. Ngay đầu mùa mưa năm nay, người dân huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai lại được một mùa bội thu, có hộ thu gom được cả tấn trong một ngày. Năm nay, nấm mối mọc rất nhiều, chỉ cần dạo trong các khu vườn rẫy, đồi cao su, bãi cỏ… những chỗ nhiều lá mục, đất ẩm là gặp cả vạt nấm mối. Trong các loại nấm mối, nấm đinh được giá nhất, bán sỉ tại vựa có giá 300.000 – 350.000 đồng/kg. Nấm búp rẻ hơn nấm đinh chừng 50.000 đồng/kg, còn nấm dù bán được khoảng 200.000 đồng/kg. Nấm già, mũ nấm đã nở to thì thương lái ít thu mua, bán lẻ cho người dân chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Đáng mừng là nấm mối tiêu thụ tốt, các chợ sỉ, lẻ và người tiêu dùng chọn mua nhiều.
Lào Cai:
Hồng không hạt Tân An mất mùa
Mặc dù sắp đến mùa thu hoạch hồng không hạt nhưng không khí chăm sóc vườn hồng ở xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai rất trầm lắng bởi hồng mất mùa. Hầu hết các vườn hồng chỉ lác đác vài quả, báo hiệu một vụ hồng thất thu. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chuyên môn xác định là do thời tiết năm nay diễn biến thất thường. Khi hồng ra hoa đậu quả non thì mưa nhiều khiến quả hồng rụng, đến giai đoạn quả non phát triển thì khô hạn nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả...
Xã Tân An hiện có hơn 50 héc-ta hồng không hạt, đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Mùa thu hoạch hồng không hạt thường trùng với thời điểm diễn ra lễ hội đền Bảo Hà nên hồng được giá, tiêu thụ tốt. Theo đánh giá của UBND xã Tân An, so với trung bình mọi năm, năm nay sản lượng hồng giảm khoảng 70%. Giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân thiếu việc làm, nay quả hồng lại mất mùa khiến đời sống người dân thêm khó khăn.
Đồng Nai:
Giá nhiều loại trái cây giảm
Thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rộ vụ thu hoạch trái cây hè. Giá nhiều loại trái cây hè bán tại vườn đang giảm sâu so với cùng thời kỳ năm ngoái. Cụ thể, chôm chôm thường hiện còn 3.000 – 4.000 đồng/kg; chôm chôm Thái còn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg; măng cụt từ 22.000 – 28.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng sầu riêng tuy giá có giảm so với hồi đầu vụ nhưng vẫn bán được với giá tốt. Hiện sầu riêng Ri6 bán tại vườn có giá từ 32.000 – 38.000 đồng/kg; sầu riêng Thái giá bao vườn 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá các loại trái cây hè năm nay giảm sớm và giảm sâu hơn so với mọi năm nhiều vùng trồng đồng loạt vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất của Đồng Nai là TP.HCM hiện nhiều khu chợ truyền thống bị đóng cửa, sức mua giảm vì dịch Covid-19 đang bùng phát.
Kiên Giang:
Năng suất lúa hè thu đạt thấp
Một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Kiên Giang đã thu hoạch lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, năng suất và giá bán đều thấp, lợi nhuận không như kỳ vọng của bà con nông dân.
Sau vụ lúa đông xuân đạt năng suất và giá bán cao, nhiều nông dân đã tranh thủ xuống giống vụ lúa hè thu 2021 sớm với hy vọng giá lúa cao vẫn còn kéo dài. Tuy nhiên, những ngày qua giá lúa liên tục sụt giảm, hiện đã xuống mức dưới 5.000 đồng/kg lúa tươi thu hoạch bằng máy. Kiên Giang là tỉnh có diện tích gieo sạ lúa hè thu 2021 lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích xuống giống 280.000 héc-ta theo kế hoạch. Phần lớn diện tích thu hoạch sớm năng suất không cao, chỉ ở mức từ 5,5 đến dưới 6 tấn/héc-ta.
Không chỉ năng suất lúa không cao mà giá bán nhiều loại lúa tươi thu hoạch bằng máy cũng giảm mạnh. Hiện lúa IR 50404 thương lái thu mua tại bờ ruộng ở mức 5.000 - 5.100 đồng/kg, OM 5451 giá 5.300 - 5.400 đồng/kg, OM 18 giá 6.000 - 6.100 đồng/kg, Lúa Nhật ở mức trên 7.000 đồng/kg… Riêng một số hộ trồng các giống nếp không chỉ giá thấp mà còn khó tiêu thụ do ít thương lái đi thu mua.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến lúa hè thu rớt giá. Bên cạnh ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến chi phí vận tải bị tăng và kéo dài ngày hơn, đồng tiền của hai quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu gạo là Ấn Độ và Thái Lan bị sụt giảm, khiến mặt bằng thị trường gạo thế giới bị kéo theo... Điều nghịch lý trong vụ hè thu này là giá lúa giảm nhưng hầu hết các mặt hàng vật tư nông nghiệp lại tăng cao, nhất là giá phân bón, có loại giá tăng gần gấp đôi.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, tăng giá, thu lợi bất chính
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) đã có văn bản thông tin về đường dây nóng của Cục và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TP. Hồ Chí Minh để người dân kịp thời phản ánh những hành vi thu lợi bất chính trong dịch bệnh.
Theo đó, nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ, tăng giá đối với một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Đội Quản lý thị trường triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ sau: Chủ động và phối hợp lực lượng chức năng làm việc với Ban Quản lý các Trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động để phối hợp ngăn chặn và xử lý; thông tin, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định.
Chủ động phối hợp ngay với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.
Bộ phận giúp việc Cơ quan Thường trực BCĐ 389 Thành phố và Phòng Tổ chức - Hành chính phân công công chức trực xử lý thông tin đường dây nóng 24/24 giờ; sau khi tiếp nhận thông tin chuyển ngay đến Đội trưởng Đội Quản lý thị trường nơi có phát sinh vụ việc để kịp thời xử lý. Hiện nay, hầu hết các Cục QLTT ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đều công bố số điện thoại của Đội trưởng Đội QLTT quản lý địa bàn để người dân báo thông tin về tình hình thị trường, phản ánh các thông tin vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Các Đội QLTT ra quân phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền các đối tượng kinh doanh chấp hành các quy định về chống đầu cơ, tăng giá quá mức đối với thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.
HÀNG VIỆT |
Quảng Ngãi:
Phục hồi rừng quế bản địa của người Cor
Sau 6 năm thực hiện dự án “Nghiên cứu lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống cây quế bản địa Trà Bồng và đánh giá kết quả bảo tồn gen quế”, mới đây Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo tổng kết và đánh giá kết quả bảo tồn gen quế quý hiếm này.
Lưu giữ nguồn gen quý hiếm
Theo đó, dự án đã tuyển chọn 200 cây quế vượt trội giữ nguồn gen lấy hạt giống bản địa Trà Bồng tại 8 xã trên địa bàn huyện Trà Bồng để lưu giữ nguồn gen lấy hạt giống. Từ hạt giống trội của 200 cây quế bản địa Trà Bồng, đơn vị nghiên cứu ươm tạo thành công gần 40.000 cây giống, trồng được 10 héc-ta rừng quế trội bản địa Trà Bồng. Đồng thời, tập huấn, trao kiến thức, kỹ thuật cho hàng trăm người dân, cán bộ cơ sở tham gia trồng quế.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, hiện địa bàn huyện Trà Bồng đang trồng 2 giống gồm quế bản địa Trà Bồng và quế di thực. Giống quế bản địa Trà Bồng đã gắn bó với người dân địa phương, đặc biệt là dân tộc người Cor ở huyện Trà Bồng. Giống quế bản địa Trà Bồng sinh trưởng, phát triển tuy chậm hơn nhưng chất lượng của vỏ quế, hàm lượng tinh dầu cao hơn so với nhiều loại quế khác.
Thống kê sơ bộ hiện có khoảng 6.000 hộ dân người Cor trồng quế, bảo tồn rừng quế ở Trà Bồng với 6.000 héc-ta, sản lượng khai thác 2.000 tấn/năm, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện Trà Bồng đã có công ty thu mua toàn bộ quế nguyên liệu nên người dân rất yên tâm. Huyện đang tích cực ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu nhân giống, nuôi trồng, khai thác, chế biến quế.
Quy hoạch vùng trồng quế bền vững
Tuy là cây trồng truyền thống mang lại thu nhập chính cho đồng bào Cor Trà Bồng, nhưng thực tế lâu nay diện tích trồng quế ở Trà Bồng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa cân xứng với tiềm năng sẵn có. Các nông hộ vẫn chủ yếu duy trì lối canh tác thủ công, lạc hậu, chưa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo ra sự đột phá lớn trong sản xuất; chưa chú trọng việc trồng giống quế thuần và chưa quan tâm nhiều đến việc thâm canh tăng năng suất nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nhằm quản lý, bảo tồn nguồn gen quý tạo nên hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài, giữ vững được vốn rừng hiện có; đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng ở địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, huyện Trà Bồng đã quy hoạch vùng chuyên canh cây quế với diện tích lên tới hơn 1.700 héc-ta. Vùng quy hoạch được triển khai tại 7 xã gồm: Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân, Trà Giang với 324 hộ dân và 4 nhóm cộng đồng dân cư tham gia.
Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn; các cơ sở chế biến quế nhỏ lẻ và các thương lái trong và ngoài tỉnh. Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trà Bồng. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng quế, cung cấp nguồn nguyên liệu quế có giá trị cao cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phòng chống những tác động xấu của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất đai, nguồn nước, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường đất và không khí, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa.
Quế Trà Bồng có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Giá quế luôn giữ mức ổn định như hiện nay đã tiếp thêm niềm tin để đồng bào Cor tiếp tục phát triển diện tích trồng quế, khẳng định thương hiệu và nâng tầm giá trị cho cây quế Trà Bồng.