THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Thanh long liên tục rớt giá, nông dân gặp khó
Những ngày qua, ở khu vực Bình Thuận, Long An, Tiền Giang nhiều nhà vườn trồng thanh long đang lỗ nặng vì giá xuống quá thấp. Vậy làm cách gì để tránh tình trạng bán thanh long giá rẻ lặp lại ở những mùa vụ tiếp theo.
Thời điểm này, nhiều nơi ở tỉnh Bình Thuận, nông dân bán thanh long tại vườn giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Theo người nông dân trồng thanh long, đây là lứa thanh long cuối vụ, chất lượng không cao. Mặt khác, do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, tình hình xuất khẩu (chủ yếu qua Trung Quốc) bị ngưng trệ, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước cung cao hơn cầu nên giá giảm.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 30.000 héc-ta đất trồng thanh long, sản lượng đạt khoảng 550.000 tấn/năm. Trong đó, số doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trồng thanh long chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm mục tiêu xuất khẩu không nhiều. Đa phần còn lại chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa.
Ông Vũ Văn Diện, ngụ ở xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cho biết, dịp này vườn nhà ông thu hoạch khoảng 10 tấn thanh long cuối vụ, giá bán 3.500 đồng/kg. “Khi đầu vụ, dự tính thanh long ruột đỏ khoảng 9.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 7.000 đồng/ký, nay bán chưa đến phân nửa giá theo dự tính nên lỗ vốn nặng”, ông Diện nói.
Ở khu vực miền núi như huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, gần đây nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi sắn, ngô, điều sang trồng thanh long. Tuy nhiên, với phương thức canh tác truyền thống nhỏ lẻ nên năng suất đạt thấp trong khi giá bán rẻ khiến nhiều người thất bại. Ông K’Liêng, ngụ ở xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh cho biết, 8 sào thanh long mùa thu hoạch năm ngoái lãi được gần 100 triệu đồng, năm nay giá bán chỉ 3.000 đồng/kg nên lỗ khoảng 35.000 đồng vốn đã bỏ ra.
Dịp này, thanh long giá rẻ nên một số nông dân ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đã mang hàng ra vệ đường bán cho người qua lại. Tuy nhiên, phần lớn hàng này là loại thanh long kém chất lượng. Trong khi thanh long được trồng với phương thức VietGAP và GlobalGAP của một số doanh nghiệp, hợp tác xã giá bán vẫn ở mức cao. Đơn cử như tại tỉnh Long An, thanh long ruột đỏ chất lượng cao (loại 1) hiện doanh nghiệp mua của người trồng để xuất khẩu bình quân với giá 22.000 - 40.000 đồng/kg. Sản phẩm thanh long loại này được trồng theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đại diện Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, Long An hiện có 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến và tiêu thụ thanh long. Diện tích đất trồng thanh long được cấp mã số vùng trồng là 9.897 héc-ta và có 120 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đã được cấp mã số kho đóng gói.
Ông Huỳnh Văn Bình, nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho hay, thanh long được trồng theo quy trình VietGAP và GlobalGAP được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu giá trị tăng gấp nhiều lần so với thanh long canh tác theo phương thức truyền thống. Gần đây tại Châu Thành nhiều nông dân và hợp tác xã đã chuyển đổi qua trồng thanh long có truy xuất nguồn gốc, nhờ đó có thu nhập ổn định và không sợ bị thất mùa vì giá rẻ và khó bao tiêu.
Mới đây, Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cùng với Tập đoàn Lavifood đã ký kết bao tiêu sản phẩm 100 héc-ta thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP tại huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Theo ông Lê Quốc Trực - Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Lavifood, Tập đoàn Lavifood sẽ mua thanh long ruột đỏ được canh tác theo quy trình sạch, có truy xuất nguồn gốc, đạt số lượng thanh long chất lượng, sản lượng dự kiến từ 3.000 - 3.500 tấn và giá thu mua sẽ được thỏa thuận theo từng thời điểm thu hoạch. Rõ ràng, đây là một hướng mở để những trái thanh long đến mùa thu hoạch không còn bị bán tháo với giá rẻ như hiện nay.
Bình Định: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gà đồi
Năm nay, Bình Định đề ra chủ trương phát triển đàn gà thịt theo hướng bền vững, bắt đầu từ Đề án phát triển chăn nuôi gà thả đồi tại 3 huyện miền núi là Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão và huyện trung du Hoài Ân.
Mục tiêu mà đề án hướng đến là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gà theo Đề án Phát triển chăn nuôi gà thả đồi ở Bình Định. Mỗi hộ tham gia mô hình nhận nuôi từ 500 - 1.000 con gà; tỉnh hỗ trợ thuốc thú y và kỹ thuật chăn nuôi. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh hỗ trợ mỗi huyện 10.000 con gà giống. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng 11 hợp tác chuyên ngành hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ gà thả đồi. Bên cạnh đó, Bình Định sẽ xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu “Gà thả đồi Bình Định”. Về mặt xúc tiến tiêu thụ, hiện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tại thị xã An Nhơn. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cũng kêu gọi được nhiều đối tác tiêu thụ và chế biến thịt gia cầm ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ. Bình Định được đánh giá là có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà. Diện tích đất gò đồi thì bát ngát, diện tích đất vườn trong dân cũng rất nhiều, bà con có thể kết hợp phát triển trồng cây ăn quả và nuôi gà thả vườn để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thời gian tới, Sở NN - PTNT tỉnh sẽ tổ chức cho nông dân các địa phương khác tham quan mô hình và nhân ra diện rộng. Tiến tới đạt mục tiêu đến năm 2025, Bình Định sẽ đủ năng lực cung cấp cho thị trường mỗi năm 100 triệu con gà thịt chất lượng cao.
Đồng bằng sông Cửu Long: Ðầu ra gặp khó, giá nhãn giảm
Giá nhãn tiêu da bò, nhãn Ido, nhãn xuồng và thanh nhãn tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm ít nhất từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng.
Tại các tỉnh: Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ nhãn tiêu da bò được nông dân bán xô cho thương lái và các vựa thu mua trái cây chỉ với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Giá nhãn Ido đang ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg; còn nhãn xuồng ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng thanh nhãn do nguồn cung hạn chế nên dù giá có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, với khoảng 60.000 - 62.000 đồng/kg. Giá nhãn giảm do đầu ra nhiều loại nhãn đang gặp khó khi sức tiêu thụ bị giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, giá giảm còn do nguồn cung tăng vì thời gian qua người dân tại vùng ĐBSCL tăng diện tích trồng nhãn và gần đây nhãn bước vào vụ thu hoạch rộ.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua giá nhãn tiêu da bò thường xuyên rớt xuống mức giá chỉ còn 7.000 - 10.000 đồng/kg trở lại. Với giá bán thấp và năng suất nhiều vườn nhãn cũng đạt thấp do ảnh hưởng của bệnh chổi rồng, nông dân trồng nhãn tiêu da bò rất khó kiếm lời. Do vậy, nông dân đã chuyển sang trồng các loại nhãn khác ít bị ảnh hưởng bởi bệnh chổi rồng, cho trái có chất lượng ngon và giá bán cao hơn như: nhãn Ido, nhãn xuồng và thanh nhãn. Tuy nhiên, hầu hết các loại nhãn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô nên rất dễ gặp cảnh thừa hàng, dội chợ, giá giảm.
Đồng Tháp: Trồng kiệu lãi cao gấp 5 lần trồng lúa
Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi từ cây lúa trên vùng đất phèn kém hiệu quả sang trồng kiệu giống cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi héc-ta kiệu sau 4 - 6 tháng trồng cho thu hoạch từ 30 - 40 tấn/héc-ta với giá bán hiện nay từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/héc-ta, cao gấp 5 lần trồng lúa.
Kiệu giống xuống giống vào tháng 2 hoặc tháng 3, thu hoạch khoảng tháng 6 - 7 âm lịch. Đây là loại hoa màu phù hợp với vùng đất nhiễm phèn. So với trồng lúa, trồng kiệu có phần tốn kém chi phí nhân công và thời gian canh tác dài hơn, nhưng bù lại ít sử dụng nước, phân bón mà hiệu quả mang lại khá cao nên bà con trồng kiệu giống rất phấn khởi. Trồng 1.000 m² kiệu phải đầu tư từ 30 - 40 triệu đồng để mua kiệu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, bơm nước tưới cỏ rơm khô để phủ gốc kiệu và thuê nhân công.
Hà Tĩnh: Mùa hái sim rừng
Những ngày gần đây, hàng trăm người dân chia nhau thành từng tốp đổ xô lên các ngọn đồi ở xã Cẩm Sơn, Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để hái sim bán cho thương lái, kiếm tiền triệu mỗi ngày. Giá sim hiện tại giao động 25.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi ngày tiền bán sim bà con có thể được gần 1 triệu đồng. Sau khi hái sim xong người dân thường mang ra chợ bán hoặc nhập cho thương lái. Sim rừng hoàn toàn tự nhiên, quả chín có màu tím thẫm, vị ngọt đậm, hơi chát, có nhiều hạt nhỏ. Những người đi hái sim thường đi thành từng nhóm (3 - 5 người), dụng cụ mang theo là các bao bì, rổ nhựa. Người dân lên đồi hái sim chủ yếu là lúc sáng sớm và cuối giờ chiều.
Bình Định: Được mùa đu đủ
Vài năm trở lại, nhiều nhà vườn ở Bình Ðịnh đã chọn trồng cây đu đủ xen canh với các loại cây trồng ngắn ngày khác. Vụ này, đu đủ được mùa được giá, bà con rất phấn khởi. Thậm chí, nhiều thương lái đã đến đặt mua trước cả tuần. Hiện giá thương lái mua tận vườn là 3.000 đồng/kg, nếu bà con đem bán tận chợ thì giá còn cao hơn nhiều. Các vườn thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó, nhất là những ngày rằm, mùng một. Bà con trồng đu đủ và xen canh một số cây trồng ngắn ngày nên hệ số khai thác đất rất tốt, hiệu quả lại cao. Thậm chí, một số vườn còn bán trái xanh để bà con mua về bào làm gỏi, dưa món.
Đu đủ là một loại cây trồng cho trái quanh năm, nếu bà con chăm sóc đúng kỹ thuật thì rất sai và đều. Đặc biệt, nhờ cán bộ khuyến nông tích cực phổ biến kiến thức, giới thiệu giống mới nên năng suất ngày càng cao.
Đồng bằng sông Cửu Long: Chanh không hạt rớt giá
Giá chanh không hạt tại các tỉnh: Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang… được nông dân bán cho tiểu thương và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua hiện nay chỉ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg. Giá này thấp hơn nhiều so với những tháng mùa nắng vào hồi đầu năm nay, trái chanh không hạt khi đó có giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá chanh giảm là do nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu thụ đang chậm do bước vào các tháng mùa mưa. Đặc biệt, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến đầu ra xuất khẩu gặp khó so với mọi năm. Chanh không hạt khá dễ trồng và cho trái quanh năm. Vườn chanh chăm sóc tốt có thể cho năng suất trái hơn 4 tấn/công. Theo hộ dân trồng chanh không hạt, thời điểm này chanh cho trái thuận mùa, nông dân ít tốn chi phí đầu tư chăm sóc, xử lý cho cây ra trái nên vẫn đảm bảo có thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, khi nhiều địa phương đã và đang ồ ạt mở rộng diện tích trồng khiến nguồn cung tăng mạnh, trong khi đầu ra xuất khẩu mặt hàng này hạn chế.
Phú Thọ: Liên kết phát triển cây gừng dược liệu
Cách đây 1 năm, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển cây gừng trâu. Mô hình đã giúp bà con vùng cao nơi đây tăng thu nhập, mở hướng giảm nghèo bền vững.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển gừng trâu dựa trên lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, đất đai của huyện Thanh Sơn. Đặc biệt, mô hình đã giúp bà con cải tạo vườn tạp, đưa giống cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình hiện được triển khai ở 2 xã Thục Luyện và Yên Lương với quy mô toàn huyện khoảng 20.000 bầu. Nhằm khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng gừng, huyện đã tiến hành hỗ trợ 20 tấn phân bón các loại và tập huấn kỹ thuật trồng cho các hộ tham gia. Sản lượng thu hoạch trung bình của 1 hộ tham gia khoảng 6 tấn củ với giá bán tối thiểu 15.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhằm khắc phục vấn đề này, ngay khi bắt tay triển khai trồng cây gừng trâu, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Sơn đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH XNK Trí Đức (Hoài Đức, Hà Nội) cam kết thu mua giá ổn định. Hướng mở đối với người trồng gừng là nếu giá ngoài thị trường cao hơn giá công ty thu mua, người dân có quyền được bán tự do. Gừng củ sau thu mua được chiết xuất thành nhiều sản phẩm: Trà, tinh dầu,… từ đó tạo thành chuỗi giá trị cho cây gừng ở huyện vùng cao Thanh Sơn phát triển bền vững. Dự kiến cuối năm nay, toàn huyện sẽ cho thu hoạch khoảng 20.000 tấn gừng củ.
Để mô hình thực sự mở hướng giảm nghèo cho đồng bào vùng cao trong thời gian tới, đội ngũ khuyến nông viên các xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi lợi ích của việc trồng gừng. Thông qua mô hình đã dần giúp bà con thay đổi nhận thức, mạnh dạn đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích vườn, nhất là vườn tạp.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Quảng Bình: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Bình đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý hành vi vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, góp phần bình ổn thị trường, phòng chống dịch bệnh.
Đối với một số mặt hàng như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, khử trùng… các đội QLTT đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cửa hàng, quầy thuốc có bán thiết bị y tế. Nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, việc thực hiện niêm yết giá, ngăn chặn tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá. Đồng thời, tổ chức cho các cửa hàng ký cam kết không tăng giá bán, thực hiện việc niêm yết giá, đặc biệt là khẩu trang y tế… Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn, như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư bảo vệ sức khỏe dùng để phòng dịch. Xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý; trà trộn hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… để thu lợi bất chính. Đặc biệt, Cục QLTT đã thành lập tổ thường trực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để triển khai công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng đến các địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trên địa bàn. Hiện nay, tình hình thị trường ổn định, lượng cung-cầu hàng hóa bảo đảm. Thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa để đầu cơ, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày.
HÀNG VIỆT |
Quýt đường Long TrịÐặc sản miệt vườn Hậu Giang
Hậu Giang là một vùng đất với nhiều lợi thế để phát triển cây ăn trái. Trong đó, quýt đường Long Trị là một trong số những sản phẩm đặc trưng mà người dân nơi đây đã nỗ lực phát triển, gây dựng thương hiệu.
Khẳng định sức mạnh của nhãn hiệu tập thể
Nằm ven sông Cái Lớn với lượng phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, đất Long Trị thích hợp cho sự phát triển của cây ăn trái, nhất là quýt đường. Thường quýt đường cho thu hoạch vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch nhưng các nhà vườn nơi đây đã ứng dụng khoa học công nghệ để cho quả vào trái mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. So với các địa phương lân cận cũng nổi tiếng với quýt như Cái Bè (Tiền Giang), Phong Điền (Cần Thơ), Lai Vung (Đồng Tháp),… quýt đường Long Trị mang một đặc trưng rất riêng và được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi hương thơm đặc biệt. Quýt đường Long Trị khi chín có màu vàng chanh khá bắt mắt, da bóng sáng, ruột quýt không bị sượng, vị ngọt thanh, mát và đặc biệt có để bảo quản lâu mà không héo. Hiện nay, mô hình trồng quýt đường được nhân rộng thành những vườn cây rộng lớn ở Long Trị. Đặc biệt, đầu năm 2014, nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với chủ sở hữu là Hợp tác xã (HTX) Quýt đường Long Trị. Đây chính là giấy thông hành để sản phẩm quýt đường vươn lên, đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Đồng thời, góp phần rất lớn trong việc giúp gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Quýt đường Long Trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó giúp tăng thu nhập cho các hộ sản xuất và bảo đảm được đầu ra thường xuyên, tránh tình trạng bị ép giá khi được mùa.
Không dừng lại đó, đầu năm 2019 dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” cho sản phẩm quýt đường của tỉnh Hậu Giang” được thực hiện với mục đích xây dựng công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị’ ngày càng vững mạnh. Từ khi dự án được triển khai, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đặc biệt, giá bán của trái quýt đường trong nhiều năm qua luôn ở mức cao hơn so với những mặt hàng trái cây khác. Cụ thể, giá bán được thương lái cân tại vườn dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, riêng những tháng hút hàng thì giá tăng thêm 10.000 – 20.000 đồng/kg, từ đó tạo nguồn lợi nhuận cho nhà vườn nơi đây.
Phát huy vai trò của hợp tác xã
Cùng với yếu tố nhãn hiệu tập thể, để nâng cao giá trị cho sản phẩm quýt đường Long Trị, trong quá trình canh tác, nhà vườn nơi đây luôn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp về sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường. Hình thức tổ chức Hợp tác xã quýt đường cũng được áp dụng hiệu quả hơn với mục tiêu gìn giữ và phát triển giống quýt đặc sản của địa phương. Nông dân học được kỹ thuật chăm sóc cây đúng quy chuẩn, khắc phục được nhiều trở ngại trong hiểu biết khoa học kỹ thuật. Nhờ được tư vấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc đúng quy cách, đúng kỹ thuật, những vườn quýt đường của hợp tác xã phát triển tốt, chất lượng trái đồng đều, giá trị quả được nâng cao. Các khâu thông qua thương lái được cắt giảm, vì thế, đầu ra càng thuận lợi hơn. Tất cả các thành viên HTX đều được tập huấn, nâng cao kỹ năng kiến thức trong canh tác quýt đường theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, HTX có hơn 20 héc-ta đất sản xuất quýt đường được công nhận VietGAP và đạt sản lượng 500 tấn/năm. Một trong những giải pháp trọng tâm đang được địa phương thực hiện là liên kết với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn cho cán bộ, người dân vùng quýt đường về hệ thống quản lý và chiến lược phát triển nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị”.
Quýt đường Long Trị đã và đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân tỉnh Hậu Giang. Có thể khẳng định, quýt đường Long Trị không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn để chuyển đổi những diện tích còn bỏ trống hoặc những diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả.