Thông tin thị trường giá cả số 35/2020

10:00 AM 28/08/2020 |   Lượt xem: 3652 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Ðảm bảo nguồn cung hàng hóa

Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng đã được tái khởi động trở lại theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu, giá cả tương đối ổn định.

Long An: Trên 100 tỷ đồng dự trữ hàng hóa

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp thương mại chủ lực của tỉnh Long An đã chủ động dự trữ hàng hóa với tổng giá trị trên 100 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ lực gồm nhiều hàng hóa thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, hàng bách hóa, chất tẩy rửa, khẩu trang, nước diệt khuẩn,... Toàn tỉnh có 133 chợ, 4 siêu thị kinh doanh tổng hợp và trên 30.000 cơ sở kinh doanh thương mại hoạt động ổn định. Ngoài ra, 21 doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo duy trì thường xuyên lượng tồn kho trên 150.000 tấn có thể cung ứng ra thị trường. Hiện Sở Công Thương Long An đã triển khai đến các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, các điểm bán hàng tiện ích,... thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Sở Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp ưu tiên cung cấp các mặt hàng trên theo giá bán của công ty nhằm đồng hành cùng chính quyền địa phương, góp phần ngăn chặn dịch đang diễn biến phức tạp.

Kiên Giang: Cung ứng hàng hóa theo 4 cấp độ

Nhằm chủ động hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong phòng, chống dịch, Kiên Giang đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa theo 4 cấp độ. Cấp độ 1: Khi chưa có trường hợp bệnh trên địa bàn tỉnh. Cấp độ 2: Là có trường hợp bệnh xâm nhập, chưa có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên 10 trường hợp mắc trong tỉnh, hoặc có từ 2 huyện, thành phố trở lên có trường hợp lây nhiễm thứ phát và Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ 100 - 1.000 trường hợp mắc và trên 1.000 trường hợp mắc.

Các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm dự trữ và đảm bảo đủ cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân để ứng phó với từng cấp độ, cụ thể: Cấp độ 1: Xác định rõ danh mục hàng hóa, số lượng hàng hóa dự trữ để cung ứng cho người dân toàn tỉnh dự kiến trong 07 ngày.

Cấp độ 2: Xem xét các biện pháp bình ổn phù hợp, để áp dụng hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh dự trữ hàng hóa, tăng thêm 2 lần so với mức dự trữ của doanh nghiệp dự trữ ở Cấp độ 1 để cung ứng hàng hóa.

Cấp độ 3 và 4: Dự trữ hàng hóa tăng thêm 3 - 4 lần so với mức dự trữ để cung ứng hàng hóa cho Cấp độ 2.

Kiên Giang cũng lên phương án đưa hàng hóa về các địa phương khi có biến động, mất cân đối cung cầu hàng hóa. Dự kiến số lượng, vận chuyển đưa hàng hóa thiết yếu cung ứng cho các địa phương trong đất liền khi có biến động mất cân đối cung cầu hàng hóa gồm các huyện: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Dự kiến tại mỗi huyện phải thực hiện đưa hàng hóa 2 chuyến/tuần với lượng hàng hóa theo đề xuất của UBND cấp huyện với từng cấp độ dịch bệnh. Đối với huyện đảo Phú Quốc khi có biến động mất cân đối cung cầu hàng hóa, phải thực hiện đưa hàng hóa 1 chuyến/tuần. 7 xã đảo thuộc thành phố Hà Tiên, Kiên Lương và huyện Kiên Hải, khi có biến động, mất cân đối cung cầu hàng hóa, phải thực hiện đưa hàng hóa 1 chuyến/tuần với từng cấp độ dịch bệnh.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo, thời gian tới, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phải tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đặc biệt, phối hợp các lực lượng giám sát chặt chẽ địa bàn quản lý, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết.

Sông Mã (Sơn La): khẩn trương thu hoạch nhãn

Sông Mã là huyện biên giới của tỉnh Sơn La. Trải dài trên các triền đồi, dọc hai bên bờ sông Mã, bà con đang khẩn trương thu hoạch nhãn. Những chiếc xe máy chở đầy nhãn hối hả về các điểm tập kết thu mua.

Là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La, năm nay, Sông Mã dự kiến thu hoạch trên 4.400 héc-ta nhãn. Ngay từ đầu năm, huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch chi tiết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhãn. Trong đó, chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp khảo sát vùng nguyên liệu, thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) trồng nhãn theo quy trình quản lý vùng trồng, sản phẩm đảm bảo quy chuẩn về bao bì, mẫu mã, quy cách để xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm; chuẩn bị tốt khu vực sơ chế, đóng gói quả tươi và sản phẩm long nhãn. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư công nghệ chế biến nhãn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng chất đốt là củi hoặc phụ phẩm từ nông nghiệp thay thế than đá để sấy long nhãn.

Năm 2020, nhãn Sông Mã được mùa, quả to, ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ với nhiều doanh nghiệp, thương nhân đến ký hợp đồng mua trực tiếp. Đặc biệt, giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với khi chưa sản xuất theo quy trình VietGAP.

Bằng những biện pháp đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, quảng bá, xúc tiến thương mại... vụ nhãn năm nay tiêu thụ thuận lợi hơn đã phần nào giải tỏa nỗi lo cho các chủ vườn và mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Vùng trồng nhãn Sông Mã đã trở thành vùng có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu.

Đồng Nai: Tiêu thụ chuối già gặp khó

Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giống chuối già nuôi cấy mô cung cấp cho thị trường xuất khẩu gặp khó khăn về đầu ra, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị chững lại.

Giá chuối già nuôi cấy mô hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 2.000 - 2.500 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg vào thời điểm thị trường xuất khẩu tốt. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất khiến nông dân trồng chuối già cấy mô rơi vào cảnh thua lỗ.

Chuối già rớt giá ngoài nguyên nhân thị trường tiêu thụ gặp khó khăn còn do người dân đua nhau trồng chuối già xuất khẩu khiến sản lượng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, giá chuối sẽ tiếp tục giảm sâu khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn lan rộng, chưa được kịp thời khống chế.

Trước đó, thời điểm đầu tháng 6, chuối vẫn xuất khẩu được do thương lái còn tìm đến mua tại vườn cho nông dân với giá hơn 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 bùng phát lại ở trong nước, hầu như không có đơn hàng xuất khẩu. Người dân bán chuối cho thị trường nội địa loại đẹp cũng chỉ được hơn 2.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đồng Nai, diện tích trồng chuối hơn 10.458 héc-ta, năng suất đạt từ 25 đến 30 tấn/héc-ta, sản lượng 250.000 tấn. Giống chuối được trồng phổ biến là giống chuối già Nam Mỹ, chuối Sứ, chuối Cau và một số giống chuối khác. Chuối ở Đồng Nai được thu hoạch quanh năm, vụ chính từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau, chiếm khoảng 80 đến 90% sản lượng, xuất khẩu chiếm từ 80 đến 85%; trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm đến 95%.

Đồng Tháp: Nông dân tăng thu nhập từ bán rơm tươi

Vụ lúa Hè Thu 2020 ở tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch xong. Ngay lập tức đã có nhiều thương lái đến tận ruộng thu mua rơm tươi. Thậm chí, nhiều ruộng thương lái tự thu hoạch rơm. Bà con có thu nhập từ bán rơm tươi từ 500.000 – 800.000 đồng/héc-ta. Thương lái mua rơm mang máy vào ruộng lúa thu hoạch, rơm được cuộn thành từng cuộn nặng từ 20 - 25 kg, mỗi héc-ta lúa thu hoạch xong cho từ 100 - 120 cuộn rơm, hiện nay bán với giá từ 15 - 20 ngàn đồng/cuộn. Với giá bán như trên, thương lái đi mua rơm có thể thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày. Riêng các hộ sản xuất lúa không chỉ thêm nguồn thu từ bán rơm tươi mà còn giúp cho ruộng lúa sạch đất và cắt mầm bệnh của mùa vụ trước, nếu đốt rơm làm chai đất.

Khánh Hòa: Giá cá mú giảm sâu

Hiện nay, giá thu mua cá mú tại Khánh Hòa rất thấp, chỉ đạt từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi chịu lỗ vài chục nghìn mỗi ki-lô-gam. Trong khi dịp cao điểm những năm trước đây, cá mú xuất bán lên tới 220.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều hộ không xuất bán được cá nên phải nuôi cầm chừng, cho ăn cắt bữa để giảm chi phí chờ thị trường tiêu thụ phục hồi. Theo một số thương lái chuyên thu mua, cá mú chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, đặc biệt là các quán ăn, nhà hàng nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nơi hàng quán phải đóng cửa hoặc vắng khách nên nhu cầu tiêu thụ giảm. Khác hẳn thời điểm những năm trước, thương lái đến thu mua một lần vài tấn hết cả đìa. Nay họ chỉ đến mua từ mấy chục ki-lô-gam đến vài tạ, nhưng cũng hiếm có người đến thu mua.

Cà Mau: Giá gà giảm mạnh

1 tháng trở lại đây, giá gà thịt trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tục giảm mạnh. Từ khoảng 55.000 – 65.000 đồng/kg, giảm còn 40.000 – 45.000 đồng/kg. Các thương lái thu mua cũng không nhiều, khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí là thua lỗ. Nguyên nhân chính khiến giá gà giảm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vì gà chủ yếu phục vụ bếp ăn tập thể lớn ở trường học, khu công nghiệp, điểm du lịch. Để phòng dịch bệnh, nhiều bếp ăn tập thể ngưng hoạt động khiến lượng tiêu thụ gà giảm sâu. Trước mắt, để chia sẻ một phần khó khăn cho người nuôi, Cà Mau đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, hỗ trợ tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Đồng thời, tăng cường kiểm tra tại các chốt kiểm dịch, nhằm phát hiện kịp thời việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, góp phần bảo vệ đàn gia cầm.

Sóc Trăng: Lúa hè thu đạt giá cao

Giá lúa vụ hè thu tại các huyện Thạnh Trị, Châu Thành, Mỹ Tú… trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng  tăng. Hầu hết bà con nông dân đều phấn khởi vì lúa được mùa được giá, tiêu thụ thuận lợi. Hiện, giá lúa tươi như giống OM18 đang được thương lái thu mua giá 6.000 đồng/kg, OM5451 có giá 5.800 đồng/kg, trong khi ST24 có giá từ 6.600 đồng - 6.800 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân thu về lợi nhuận từ 40 - 50%.  Năng suất rất cao, theo đánh giá sơ bộ ban đầu đạt từ 5,6 - 6 tấn/héc-ta, giá thu mua lúa cũng cao. Nếu so sánh lợi nhuận thì vụ lúa hè thu này cao hơn năm trước. Tính trung bình thì bà con thu lợi nhuận từ 16 - 18 triệu đồng/héc-ta. Được biết, vụ hè thu này tỉnh Sóc Trăng xuống giống được hơn 142.000 héc-ta, năng suất bình quân đạt gần 5,9 tấn/héc-ta. 

Võ Nhai (Thái Nguyên): Bí đỏ không tiêu thụ được

Những ngày gần đây, hàng trăm tấn bí đỏ của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên bị tồn đọng không tiêu thụ được, giá giảm sâu khiến người trồng lo lắng.

Hiện giá bí chỉ từ 1.000 - 2.500 đồng/kg, giảm 6.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bí không những rẻ mà còn rất khó bán. Có 2 nguyên nhân khiến bí đỏ năm nay bị rớt giá. Thứ nhất là do năm ngoái, bí đỏ được giá, có thời điểm bà con bán tại vườn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, nhiều hộ dân thu từ 100 - 200 triệu đồng/vụ nên năm nay, bà con mở rộng diện tích trồng. Thứ hai là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Để “giải cứu” bí đỏ, các tổ chức, đoàn, hội đã đứng ra thu mua và bán hàng không lợi nhuận, giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ được giải quyết được phần nào tình trạng tồn đọng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng dư thừa một số mặt hàng nông sản thường xuyên xảy ra khiến bà con chịu thiệt hại nặng nề do giá bán sản phẩm không bù đắp được chi phí sản xuất. Nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân vẫn sản xuất theo lối cũ, tập trung chạy theo mặt hàng có giá đắt đỏ nhất thời mà không lường trước diễn biến của thị trường. Ngoài ra, phương thức sản xuất của người dân chưa có nhiều thay đổi, chưa áp dụng sản xuất theo chuỗi, sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu. Đặc biệt, nhiều hộ dân bán hàng hóa cho thương lái xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Khi thị trường Trung Quốc dừng mua, lập tức các mặt hàng bị rớt giá, dư thừa.

Trước thực trạng trên, để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của người dân đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cấp chính quyền trong việc thực hiện dồn điền đổi thửa, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đối với bà con nông dân cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng và chủ động liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cẩn thận khi mua cây giống cà phê

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên là địa chỉ cung cấp giống cây trồng chất lượng cao ở vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có một số cơ sở mạo danh thương hiệu của Viện để cung cấp cây giống cà phê kém chất lượng.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên thường được gọi là Viện Eakmat vì tên trước đây là Viện Nghiên cứu cà phê Eakmat. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Eakmat (gọi tắt Trung tâm Eakmat) là đơn vị trực tiếp nghiên cứu, chuyển giao giống cà phê để cung cấp cho bà con nông dân của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung. Hiện nay, Trung tâm đã nghiên cứu, sản xuất hơn 10 dòng cà phê vô tính, chất lượng. Trong đó nhiều loại năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt được người dân đón nhận như: TR4, TR6, TR7, TR9, 11, 13... Ngoài ra, còn có cà phê vối thực sinh TRS1 và 2 dòng chín muộn như TR14, TR15. Cũng chính vì nổi tiếng về chất lượng, có thương hiệu nên những năm gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã “dựa hơi” Eakmat và đứng ra tự sản xuất giống. Những tổ chức, cá nhân này đặt cơ sở sản xuất cạnh Viện Eakmat và quảng bá, bán cây giống cho bà con một cách công khai. Bà con cứ tưởng đây là nơi bán giống của Viện Eakmat nên cứ thế mua về trồng. Đến khi cây chậm phát triển, năng suất kém mới biết mua phải giống kém chất lượng.

Hiện nay, có hàng chục cơ sở giống đóng chân bên hông của Viện Eakmat và đều có tên ở đuôi “...giống Eakmat”. Việc các cơ sở “dựa hơi” của Viện và cung cấp ra thị trường những cây trồng chưa đảm bảo chất lượng đã tồn tại nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng chưa có phương án xử lý. Bởi Eakmat là tên địa danh nơi Viện đóng chân và về sau hình thành tên gọi là Viện Eakmat. Do vậy, khi các cá nhân, tổ chức lấy tên Eakmat để làm thương hiệu phân phối giống thì cơ quan chức năng không thể xử lý. Trước thực trạng trên, Viện Eakmat khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác, không nghe theo lời mồi chài của các cơ sở buôn bán giống kém chất lượng. Khi đến tìm mua giống của Viện Eakmat, người dân phải vào Viện và sẽ được các cán bộ làm việc tại đây tư vấn, chuyển giao giống.      

HÀNG VIỆT

Bình Phước: Dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc hạt điều

Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Bình Phước triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hạt điều. Dán tem và sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc hạt điều cũng là giải pháp để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hạt điều khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp được hỗ trợ dán tem điện tử

Theo đó, có 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chế biến hạt điều đang được tỉnh Bình Phước lựa chọn để thực hiện hỗ trợ dán tem điện tử VNPT-Check truy xuất nguồn gốc trên cơ sở ứng dụng công nghệ blockchain. Đề án nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan. Qua đó, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản từ khi trồng đến lúc xuất bán của nông dân.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ được chia thành các giai đoạn: Quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc nông sản từ khi sản xuất sản phẩm ở cơ sở đến giai đoạn thu hoạch, vận chuyển, kinh doanh qua các hệ thống. Theo đó, nông sản, thực phẩm khi đưa đến người tiêu dùng sẽ được dán tem có mã vạch lưu trữ thông tin. Người tiêu dùng sẽ dùng một phần mềm ứng dụng cài đặt sẵn trên điện thoại để quét tem điện tử dán tại bao bì của sản phẩm và biết được các thông tin về nguồn gốc sản phẩm đó. 

Là 1 trong 5 công ty được hỗ trợ dán tem điện tử, Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú luôn lựa chọn nguyên liệu đầu vào rất khắt khe. Hạt điều sau khi mua từ vùng nguyên liệu ở Lộc Ninh về phơi khô bảo quản trong kho, khi chế biến thì sẽ phân loại chỉ lấy loại 1 và loại 2, còn các loại nhỏ hạt đem bán thô cho các nhà máy. Để có nguyên liệu sản xuất, lại đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy trình chỉ dẫn địa lý, công ty liên kết với các hộ dân đã đăng ký truy xuất chỉ dẫn địa lý ở địa phương bao tiêu, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 1.500 đồng/kg điều tươi, sau đó đem về phơi khô bảo quản trong kho sản xuất dần. Do vậy, việc được lựa chọn để dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với công ty là rất quan trọng, giúp người tiêu dùng và đối tác có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhanh và chính xác nhất.

… và được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Bình Phước hiện có gần 90 xã thuộc 11 huyện, thị, thành phố được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” vô thời hạn. Thế nhưng, toàn tỉnh hiện chỉ có 5 doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều được phép mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh, mở rộng thị trường cho sản phẩm mà còn giúp người trồng điều tăng thu nhập thông qua giá thành của sản phẩm. Tuy nhiên, để được sử dụng chỉ dẫn địa lý, các doanh nghiệp chế biến điều phải chứng minh được vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu ấy được trồng, chăm sóc như thế nào, sản phẩm được thu hái theo quy trình nào, chất lượng ra sao, có đảm bảo an toàn không... Đây là một trong những yếu tố kỹ thuật bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Và đây cũng là yếu tố khó nhất, mất nhiều thời gian nhất trong quy trình thực hiện cấp phép chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Ngoài ra, tình trạng đất trồng điều của người dân hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn chứng minh vùng nguyên liệu của mình. Đây cũng là lý do giải thích tại sao doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, có khi đến 2, 3 năm mới được cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước với các hộ nông dân. Một số doanh nghiệp sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý hạt điều, sản lượng xuất khẩu đã tăng cao.