THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Khẩn trương hỗ trợ nông dân tiêu thụ na
Hiện nay, các vườn trồng na tại miền Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến tình hình vận chuyển, tiêu thụ na gặp khó khăn.
Trước tình hình này, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương. Với lợi thế về đội xe đông đảo và các bưu cục rộng khắp cả nước, các doanh nghiệp ngành bưu chính đang triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu đến với người dân như điểm bán cố định, bán hành lưu động, bán hàng qua thương mại điện tử (TMĐT)... Riêng với quả na có đặc thù là chín nhanh, chín rộ trong một thời gian ngắn và rất khó bảo quản, Vietnam Post đã xây dựng kế hoạch để giúp bà con nông dân tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ trực tiếp đến tăng cường kênh bán trên sàn TMÐT Postmart.vn.
Na Chi Lăng là sản phẩm đầu tiên được lựa chọn để mở đầu cho chương trình chuyển đổi số cho bà con nông dân tại Lạng Sơn thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn (landing page: langson.postmart.vn). Dù mới triển khai một thời gian ngắn nhưng sàn TMĐT Postmart.vn đã phát triển 1.200 hộ kinh doanh na. Đặc biệt, 980 hộ dân trồng na đã được hướng dẫn và biết cách đưa sản phẩm của mình lên bán trên sàn TMĐT. Hàng trăm đơn hàng đã bắt đầu được người tiêu dùng trên cả nước đặt mua na Chi Lăng qua sàn Postmart.vn.
Tại Quảng Ninh, vướng mắc lớn nhất mà người nông dân tại đây đang gặp phải chính là việc vận chuyển na. Hiện số lượng xe tải từ các nơi về thu mua giảm vì thị trường chủ yếu ở Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. Sát cánh cùng nông dân Quảng Ninh, Vietnam Post lập tức bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng để nhanh chóng chuyển nguyên chuyến na từ vườn đến vựa tiêu thụ lớn. Đặc biệt, Vietnam Post cũng kết nối với các đối tác của mình để kêu gọi tiêu thụ nông sản cho nông dân Quảng Ninh. Trước đó, để đảm bảo cho khâu vận chuyển, tiêu thụ na, thị xã Đông Triều đã thành lập tổ công tác để chỉ đạo, điều hành hoạt động tiêu thụ na. Hội Nông dân thị xã cũng phối hợp với Viettel Post Quảng Ninh thực hiện khâu vận chuyển cho các đầu mối không thể vào được thị xã để thu mua na. Đặc biệt khi vào chính vụ, sản lượng na dự kiến cần tiêu thụ khoảng 3.000 - 4.000 tấn chỉ trong một thời gian ngắn. Vì vậy, Đông Triều sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất cho thương lái, đầu mối vào được địa bàn thị xã để thu mua, vận chuyển, tiêu thụ trên cơ sở đảm bảo quy định về phòng chống dịch. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; mở rộng các kênh tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, doanh nghiệp ngành than, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Ngoài Lạng Sơn và Quảng Ninh, bà con nông dân tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cũng đang dần yên tâm và quen thuộc với những nhân viên của Bưu điện tỉnh trong những ngày qua đã cùng đóng gói, vận chuyển những trái na đi các tỉnh phía Bắc. Hiện Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã bố trí các loại xe tải 3,5 tấn, 5 tấn và 8 tấn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để vận chuyển na cả trong nội tỉnh và ngoại tỉnh. Thời gian vận chuyển đến các địa phương lân cận trong vòng 3 - 6 tiếng.
Để phù hợp với từng vị trí của các nhà vườn cũng như sản lượng cần tiêu thụ của mỗi hộ, Vietnam Post cũng yêu cầu Bưu điện các tỉnh linh hoạt bố trí các loại phương tiện phù hợp nhằm đảm bảo na vừa thu hoạch sẽ được đưa đi tiêu thụ nhanh nhất.
Hy vọng với sự vào cuộc tích cực và chủ động của các doanh nghiệp ngành bưu chính, việc tiêu thụ na sẽ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Đây cũng sẽ là một trong những kênh phân phối phù hợp với tình hình hiện nay và phát huy tối đa hiệu quả nhằm cung ứng hàng hóa cho người dân các địa phương đang thực hiện cách ly theo các chỉ thị của Chính phủ.
Tân Phú Đông - Tiền Giang:
Giá sả thương phẩm tăng
Tuần qua, giá sả thương phẩm tại vùng chuyên canh lớn nhất Tiền Giang được thương lái thu mua từ 3.500 - 4.200 đồng/kg, tăng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg tùy địa bàn so với tháng trước. Vừa là cây gia vị vừa là cây dược liệu, sả là cây trồng chủ lực của huyện cù lao Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang. Tại đây, nông dân đã hình thành vùng chuyên canh lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tập trung ở các xã tiếp giáp với biển Đông, thường xuyên đối mặt với thiên tai hạn mặn.
Để cây sả phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Tân Phú Đông chú trọng quy hoạch vùng trồng gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng những địa bàn khó khăn, tăng cường việc khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh để giúp nông dân giành những vụ mùa bội thu. Đặc biệt, với lợi thế dễ trồng, thích hợp vùng đất nhiễm mặn ven biển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân Tân Phú Đông đã tích cực đưa cây sả xuống chân ruộng thay cho lúa một vụ bấp bênh, thường xuyên bị thiên tai gây hại trước đây. Nhiều mô hình mới đang được bà con áp dụng rộng rãi như: Chuyên canh sả, kết hợp trong mô hình VAC (vườn – ao - chuồng) giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Nhằm liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa một cách ổn định, huyện Tân Phú Đông chú trọng mở rộng diện tích vùng chuyên canh sả gắn với tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tích cực hưởng ứng phong trào làm ăn tập thể kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tại Phú Thạnh - xã trọng điểm về chuyên canh sả của huyện Tân Phú Đông, trong năm qua đã hình thành được Hợp tác xã chuyên canh sả Phú Thạnh, tập hợp 22 nông dân chuyên canh sả. Đây là mô hình sản xuất mới được huyện nhân rộng trong tương lai nhằm mở đường để nông dân trồng sả làm giàu bền vững.
Bình Thuận:
Nhãn tiêu thụ khó
Vùng nhãn Thắng Hải - huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái vào thu mua khiến bà con lao đao. Nhất là nhãn tiêu da bò đang chín rộ trong vài tuần tới với sản lượng lớn.
Hiện giá nhãn xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg nhãn xuồng, 7.000 đồng/kg nhãn da bò, riêng nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có giá 25.000 đồng/kg. Mức giá này giảm hơn 1/2 so với thời điểm chưa có dịch nhưng không có thương lái thu mua. Nhãn khi đã tới thời kỳ thu hoạch thì buộc phải cắt, nếu không chỉ sau khoảng 2 - 3 ngày trái sẽ rụng hết. Tính bình quân, 1 héc-ta nếu không cắt kịp sẽ gây thiệt hại khoảng 50 - 60%, chỉ thu về khoảng 3 - 4 tấn. Trong vài ngày tới, với tình trạng tiêu thụ chậm như hiện nay, nguy cơ nhãn rụng đầy vườn rất cao, nông dân sẽ thua lỗ nặng.
Thông thường, cứ đến tháng 7, tháng 8 hàng năm, thương lái vào tận vườn đặt hàng khá nhộn nhịp, nông dân chỉ cần chốt giá và lấy tiền. Nhưng từ đầu mùa nhãn đến nay, nhãn trĩu cành mà không thấy mối lái ghé ngang khiến nhiều nhà vườn nóng ruột. Gọi điện các thương lái đều cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nơi đã cắt hợp đồng. Nếu có tiêu thụ thì vận chuyển rất khó khăn vì nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16.
Cách đây 1 tháng, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân ở TP. Phan Thiết và các huyện, thị đã có nhiều đợt hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng với hơn 100 tấn. Tuy nhiên, hiện tại Phan Thiết đang áp dụng Chỉ thị 16 nên nhiều đầu xe, tài xế ngại vận chuyển khi phải đáp ứng những yêu cầu gắt gao trong công tác phòng chống dịch. Sau khi Hội Nông dân huyện Hàm Tân có thư ngỏ, kêu gọi hội nông dân các địa phương chung tay “Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - cùng nhau vượt qua đại dịch” đã có nhiều đơn vị, cá nhân trong tỉnh đặt hàng, nhằm giúp nông dân vớt vát phần nào chi phí chăm bón. Trong đó, Bưu điện tỉnh là một trong những tổ chức đã phối hợp Hội Nông dân huyện Hàm Tân hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng với gần 10 tấn. Hiện nay, hệ thống bưu điện các huyện, xã rất tích cực phân phối nhãn đến tay người tiêu dùng thông qua kênh đặt hàng trực tuyến.
Đồng bằng sông Cửu Long:
Tôm rớt giá, người nuôi thua lỗ
Thời điểm này, nhiều người nuôi tôm tại một số tỉnh miền Tây đang khó khăn vì tôm rớt giá trong khi chi phí tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tại Sóc Trăng - thủ phủ tôm, giá tôm cỡ 30 con/kg được thương lái mua tại ao ở mức 130.000 đồng/kg, giảm 15.000 – 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Không chỉ giảm giá, việc hạn chế đi lại cũng khiến khâu mua bán khó khăn, chi phí thuê người bắt tôm tăng mạnh. Còn tại Bến Tre, giá tôm cũng giảm mạnh trong khoảng gần một tháng qua. Nếu như tôm thẻ chân trắng loại 33 con/kg trước đây bán được 150.000 đồng - 180.000 đồng thì nay chỉ có giá 118.000 đồng/kg. Còn loại 150 con/kg giá chỉ có 45.000 đồng/kg. Tiền thuê người bắt tôm cũng tăng bởi những người đi bắt tôm buộc phải xét nghiệm COVID-19 nên họ cũng tính vào tiền công bắt tôm. Bình thường, giá mỗi tay lưới (2 người sử dụng 1 tay lưới bắt tôm) chỉ 800.000 đồng thì nay đội giá lên 1,5 - 2 triệu đồng. Chính những nguyên nhân này khiến người nuôi tôm chịu thiệt thòi, thua lỗ.
Nghệ An:
Giá lợn đen ổn định, tiêu thụ tốt
Trong khi giá lợn thịt hơi trong nước giảm mạnh, thì lợn đen đặc sản do đồng bào vùng cao ở miền Tây Nghệ An nuôi vẫn neo ở mức cao 160.000 đồng/kg, thậm chí “lợn cắp nách” có nơi gần 200.000 đồng/kg. Cụ thể, loại lợn từ 30 kg/con trở xuống, bà con bán với giá trên 160.000 đồng/kg; loại lợn từ 30kg đến 50 kg/con có giá 120.000 đồng/kg; loại lợn trên 50kg/con có giá 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên lợn đen địa phương ngày càng ít dần, vì bà con chuyển sang nuôi lợn đen Móng Cái và lợn lai ngày càng nhiều. Vì vậy, lợn đen địa phương ít khi có bán ra thị trường, mà do bà con dân bản mổ thịt. Tại huyện Quế Phong, lợn đen địa phương thậm chí được bán với giá cao hơn do khan hiếm hàng. Tại các huyện khác như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu... số lượng lợn đen đặc sản do đồng bào nuôi cũng không có nhiều như trước. Nguyên nhân là do nhiều nơi bà con đầu tư nuôi lợn Móng Cái và lợn lai mang hiệu quả kinh tế cao hơn.
Phụng Hiệp - Hậu Giang:
Giá chuối tăng trở lại
Tuần qua, giá chuối tại huyện Phụng Hiệp đã bắt đầu tăng trở lại. Đối với chuối xiêm trắng tháng trước giá mua xô tại vườn chỉ có 45.000 đồng/chục thì nay đã tăng lên 50.000 đồng/chục (10 nải); chuối mua lựa có giá 60.000 - 65.000 đồng/chục, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/chục. Giống chuối cau hương trái nhỏ có giá từ 75.000 - 80.000 đồng/chục, chỉ riêng giống chuối già cui đang ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg. Chuối tăng do tình hình vận chuyển, tiêu thụ nông sản đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Thương lái đã bắt đầu thu mua trở lại.
Bình Phước:
Giá mủ cao su tăng
Trung tuần tháng 8/2021, giá mủ cao su tại Bình Phước được các thương lái thu mua dao động từ 315 - 330 đồng/độ mủ, tương đương 13.000 – 14.000 đồng/kg mủ nước, mủ chén từ 16.000 – 17.000 đồng/kg. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng niêm yết ở mức 325 đồng/độ mủ. Với giá mủ cao su ổn định hiện nay, nông dân trồng cao su ở tỉnh đánh giá là ở mức khá và tiếp tục cho thu nhập tốt. Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc - thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam - với lợi thế về vị trí địa lý và là thị trường truyền thống. Đồng thời, tại thị trường EU, những tháng đầu năm nay thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới cũng có giá cao so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thị phần cao su Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng trị giá nhập khẩu cao su của EU. Vì vậy, triển vọng xuất khẩu cao su Việt Nam sang các quốc gia EU thời gian tới được dự báo vẫn khả quan.
Trần Văn Thời - Cà Mau:
Đảm bảo tiêu thụ an toàn lúa hè thu
Vụ lúa hè thu năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống gần 30.000 héc-ta. Dự kiến, thời gian thu hoạch tập trung sau ngày 15/8 và kéo dài đến ngày 15/9/2021.
Để việc thu hoạch lúa của bà con nông dân được thuận tiện, huyện đã trang bị trên 200 máy gặt đập liên hợp, khả năng thu hoạch đạt trên 800 héc-ta/ngày, với sản lượng khoảng 4.000 tấn/ngày. Năm nay, nhờ điều kiện thời tiết tốt nên việc xuống giống và thu hoạch lúa hè thu của bà con nông dân khá thuận lợi, giá cả ổn định từ 5.100 – 5.400 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hạn chế thương lái ngoài tỉnh về huyện Trần Văn Thời thu mua, người dân bán lúa cho thương lái địa phương thì giá không được cao. Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thu mua, vận chuyển lúa, nhất là đối với các ghe thu mua lúa từ ngoài tỉnh, huyện Trần Văn Thời đã tăng cường siết chặt các biện pháp theo quy định trong phòng, chống dịch Covid-19.
Nhìn chung, tình hình thời tiết và giá cả hiện tại tương đối thuận lợi đối với bà con nông dân. Tuy nhiên, để giai đoạn thu hoạch lúa tập trung của bà con không gặp khó khăn, nhất là trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu vụ, huyện đã xây dựng kế hoạch và tăng cường triển khai thực hiện để hỗ trợ nông dân. Để đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh hiện nay, những người thực hiện việc thu mua, vận chuyển lúa đều được kiểm soát chặt. Ngoài ra, địa phương cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan để quản lý chặt giá lúa, hạn chế tình trạng thương lái ép giá nông dân.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Gia Lai:
Tăng cường kiểm tra nguồn gốc cây giống
Ngay từ đầu vụ mùa năm 2021, Gia Lai đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quyết không để các loại giống cây trồng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 262 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, chủ yếu tập trung tại các huyện: Chư Păh, Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Mang Yang, Ia Grai, Đắk Đoa và TP. Pleiku. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện đều phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn. Trong đó, tập trung kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ cũng như chất lượng giống cây trồng khi xuất vườn bán cho người dân. Lực lượng chức năng cũng kiên quyết xử phạt những cơ sở cố tình vi phạm để đảm bảo nguồn giống chất lượng cao. Đồng thời, khuyến cáo bà con khi mua giống cây trồng cần chọn những cơ sở uy tín và chọn mua những giống chất lượng đã được công nhận. Đặc biệt, đối với cây chanh dây, do trên địa bàn chưa có cơ sở sản xuất kinh doanh giống nên người dân cần chọn những nơi có uy tín, chất lượng.
Để đảm bảo chất lượng các loại giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên cung cấp cho bà con đầy đủ thông tin về các loại giống tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt, Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) yêu cầu các cơ sở sản xuất cây giống công bố theo đúng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, sản phẩm giống cây trồng cho người dân biết.
HÀNG VIỆT |
Khánh Hòa:
Thực hiện OCOP theo chủ đề từng năm
Trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình OCOP của tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện theo chủ đề từng năm.
Được đánh giá là một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mục tiêu mà chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa hướng đến là phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Qua đó, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, giai đoạn 2021 – 2025, chương trình OCOP sẽ tập trung thực hiện theo chủ đề cụ thể cho từng năm. Trong đó, chủ đề của năm 2021 là “Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn lực cho OCOP” với nhiệm vụ xây dựng các dự án thành phần của đề án; tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới phát triển sản phẩm mới và nâng cấp sản phẩm hiện có. Năm 2022, chương trình tập trung vào việc “Củng cố tổ chức kinh tế, phát triển sản phẩm theo chuỗi gắn với du lịch cộng đồng”. Với chủ đề này, OCOP hướng các chủ thể vào việc tập trung củng cố, nâng cao năng lực tổ chức, vận hành như: Chuẩn hóa quy trình sản xuất, nhà xưởng, năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu… Đồng thời, tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm gắn với du lịch, phục vụ trải nghiệm của du khách. Năm 2023, chương trình sẽ tập trung “Phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ cơ bản đến tiên tiến và truy xuất nguồn gốc chất lượng”. Mục tiêu sản phẩm tham gia OCOP được hoàn thiện, chuẩn hóa đáp ứng đầy đủ quy định của Nhà nước khi lưu thông hàng hóa, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường. Đây là bước tạo tiền đề để năm 2024, chương trình thực hiện “Ứng dụng giải pháp số (công nghệ 4.0) trong sản xuất, thương mại sản phẩm”. Khi đó, sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh được định hình và vận hành theo mô hình chuỗi; đẩy mạnh thương mại điện tử trên các nền tảng công nghệ, gian hàng thương mại điện tử. Năm 2025, chương trình có chủ đề “Giám sát, đánh giá, tôn vinh sản phẩm và thương mại quốc tế”. Đây là lúc cơ chế giám sát, đánh giá được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo đảm sản phẩm OCOP tuân thủ đúng các tiêu chí đã đặt ra cũng như tuân thủ các quy định hiện hành.
Một số mục tiêu của chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025: Có ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia; xây dựng mới ít nhất 50 sản phẩm từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; phát triển mới ít nhất 50 tổ chức kinh tế OCOP. Đến năm 2025, huy động 50 - 60% nguồn lao động nông thôn tham gia hệ thống OCOP; sản phẩm từ nông nghiệp tiên tiến, thủy sản, du lịch, dịch vụ nông thôn đóng góp 65 - 70% tổng sản phẩm hàng hóa của địa phương. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 412 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 160 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các chủ thể tham gia OCOP.
Riêng năm 2021 có 76 sản phẩm tham gia OCOP, trong đó có những sản vật đặc trưng của Khánh Hòa như: Trầm hương, yến sào, tôm hùm. 76 sản phẩm tham gia OCOP năm nay có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các nhóm ngành chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương. Các sản phẩm này được tập trung chuẩn hóa quy trình sản xuất, gắn các giá trị truyền thống, đặc sắc của vùng miền làm sao vừa đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, vừa củng cố, phát huy giá trị truyền thống trong mỗi sản phẩm. Bên cạnh những nông sản đang từng bước khẳng định chất lượng như: Xoài, bưởi, sầu riêng, dừa xiêm, nấm, tỏi, ớt, chuối, dưa lưới, gạo…, năm nay, những người làm nghề ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh đang tập trung hoàn thiện sản phẩm vòng trang sức trầm và nhang trầm hương đặc trưng để tham gia chương trình. Tại TP. Cam Ranh, những ngư dân chuyên nuôi tôm hùm ở xã Cam Lập với con tôm hùm Bình Ba nức tiếng trong và ngoài nước sẽ được chuẩn hóa, hoàn thiện để trở thành một sản phẩm OCOP. Tại TP. Nha Trang, những tổ yến nguyên vẹn được làm sạch, sấy khô và các sản phẩm tinh chế từ tổ yến cũng góp mặt trong chương trình OCOP.