THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Tây Nguyên: Tái canh cà phê bền vững
Thời gian qua, tái canh cà phê bền vững đã trở thành phong trào tại Tây Nguyên. Diện tích tái canh tăng mạnh, năng suất cà phê vượt trội. Đạt được kết quả này một phần nhờ sự hỗ trợ của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Kon Tum là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương tái canh cây cà phê. Từ năm 2014, Kon Tum đã xây dựng nhiều đề án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong tái canh cà phê bền vững. Tuy nhiên, thời gian đầu các doanh nghiệp và người dân trồng cà phê còn khá dè dặt khi tham gia. Phải đến năm 2016, khi dự án VnSAT được triển khai tại Tây Nguyên, phong trào tái canh cây cà phê mới thực sự mạnh mẽ. Hiện nay, dự án VnSAT Kon Tum đã thực hiện được hơn 300 héc-ta, tập trung chủ yếu ở Đắk Hà, Kon Plông, Đắk Glei. Mục tiêu của VnSAT Kon Tum khi kết thúc dự án sẽ đạt 500 héc-ta tái canh cà phê bền vững. Để hỗ trợ tập huấn, VnSAT Kon Tum đã ký hợp đồng trách nhiệm với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum xây dựng nhiều mô hình trình diễn tái canh để các hộ dân có thể học hỏi. Đối với các hộ dân thực hiện mô hình tái canh cà phê được dự án hỗ trợ 100% chi phí cây giống, chỉ đạo kỹ thuật, chi phí quản lý mô hình và 50% chi phí phân bón, thuốc BVTV.
Tại Đắk Lắk, cho đến thời điểm này, VnSAT đã đào tạo, tập huấn cho 531 lớp tái canh bền vững với khoảng 19.000 lượt người tham gia trên diện tích 20.000 héc-ta cây cà phê. Hiện có 52 tổ chức nông dân thuộc vùng dự án được VnSAT hỗ trợ. Trong năm 2020, VnSAT Đắk Lắk dự kiến sẽ tập huấn cho 150 lớp và đã triển khai được 50 lớp. Sau khi được đào tạo, VnSAT Đắk Lắk sẽ cấp chứng chỉ để cho người dân có cơ sở vay vốn của dự án tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, xây dựng mô hình tái canh bền vững để bà con nông dân có thể học hỏi. Đến nay, đã có gần 4.000 héc-ta cà phê tái canh do VnSAT đào tạo, trong đó 50% người dân được hỗ trợ vay vốn về tái canh, còn lại người dân tự bỏ kinh phí để thực hiện tái canh. Với quy trình tái canh mới được dự án VnSAT hỗ trợ, chỉ sau 2 năm tái canh, người trồng cà phê đã có thể thu bói và sau 3 năm thì bước vào vụ thu chính. Có thể nói đây là kết quả thiết thực nhất, bằng chứng thuyết phục nhất để bà con đẩy mạnh nhân rộng mô hình tái canh cà phê bền vững trong thời gian tới.
Trong khi đó, VnSAT Gia Lai đã đặt ra những mục tiêu chính trong tái canh cà phê bền vững. Cụ thể, trong vùng sản xuất cà phê, số người hưởng lợi từ dự án VnSAT ngày càng tăng lên, đạt khoảng 4.000 người. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn, người dân sẽ được nâng cao trình độ về sản xuất cà phê bền vững. Chuyển dần từ sản xuất tự phát sang mô hình liên kết sản xuất trong các tổ chức nông dân, HTX. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ cách quản lý chất lượng nông sản để đưa sản phẩm ra thị trường và bảo đảm đầu ra ổn định. Từ những hiệu quả mà VnSAT mang lại cho người trồng cà phê, ngành nông nghiệp một số địa phương mong dự án tiếp tục triển khai, mở rộng đối tượng tham gia.
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng thế giới tài trợ chính với tổng số vốn tương đương khoảng 301 triệu USD thực hiện từ năm 2015 - 2020. Định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Lâm Đồng: Ðưa mắc ca trở thành cây trồng thế mạnh
Cây mắc ca phù hợp phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng bởi nó không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ chăm sóc, phù hợp với trình độ canh tác của bà con.
2 năm trở lại đây, Đam Rông đã phát triển mắc ca và coi mắc ca như một cây công nghiệp lâu năm được trồng quy mô lớn. Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, diện tích mắc ca trên địa bàn toàn huyện khoảng 600 héc-ta, riêng khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng chiếm 550 héc-ta, trong đó có khoảng 30 héc-ta đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 45 tấn. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ở tiểu vùng Phi Liêng, Đạ K’Nàng, ngoài diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì còn phát triển thêm mắc ca trồng thuần hoặc trồng xen với diện tích khoảng 1.000 héc-ta. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Đam Rông đã trồng mới hơn 110 héc-ta. Từ nay đến hết năm 2020, Trung tâm sẽ tiến hành hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật cho người dân với khoảng 50 héc-ta. Loại cây lâm nghiệp này hiện nay được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vào giai đoạn kinh doanh từ năm thứ 7 có thể cho giá trị khoảng 250 - 300 triệu đồng/héc-ta. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 cơ sở thu mua và chế biến hạt mắc ca nhưng mới chỉ dừng lại ở sản phẩm sấy khô đóng gói.
Trong thời gian tới, sản lượng mắc ca tại khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, đẩy mạnh đưa cây mắc ca vào trồng xen cà phê sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc tìm thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, từ đó thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Trong tương lai, phải gắn phát triển nông nghiệp với chế biến các mặt hàng nông sản, mở rộng liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị nông sản, xây dựng vùng sản xuất tập trung, tiến đến xây dựng được thương hiệu cho cây mắc ca.
Thuận Châu - Sơn La: Dưa đặc sản bán chạy
Hơn 1 tháng qua, đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã vào vụ thu hoạch dưa trên nương. Dưa năm nay bán chạy, thương lái vào tận nương thu mua nên bà con phấn khởi.
Những ngày này, hai bên tỉnh lộ 108 và tuyến đường vào chợ trung tâm xã, bà con bày bán khá nhiều dưa. Đây là giống dưa đặc sản mà đồng bào dân tộc Mông trồng từ bao đời nay. Dưa có đặc điểm cùi dày, đặc ruột, ăn giòn, ngọt mát, đậm đà, quả to hơn nhiều lần so với quả dưa chuột. Giống dưa này được bà con duy trì, trồng xen canh với cây lúa nương. Hằng năm, vào tháng 3, tháng 4, sau khi phát cỏ, làm đất xong, khi có mưa là người dân trộn hạt dưa với hạt thóc giống để gieo trồng. Đến tháng 7, dưa bắt đầu cho thu hoạch và kéo dài đến tháng 9. Quả dưa to, đều, đẹp, ăn giòn, ngọt mát. Đặc biệt, loại dưa này không phun chất bảo quản hay thuốc trừ cỏ nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm nay, xã Co Mạ gieo hơn 700 héc-ta lúa trên nương, trong đó, có hơn 10 héc-ta trồng xen canh với cây dưa, tập trung chủ yếu ở các bản: Co Mạ, Láo Hả, Sình Thàng, Hua Lương, Pha Khuông, Cửa Rừng... Bình quân mỗi vụ dưa, toàn xã thu hơn 50 tấn quả với giá bán từ 8.000 – 12.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu đáng kể của người dân vùng cao nơi đây.
Trước nhu cầu của thị trường, đồng bào dân tộc Mông ở xã Co Mạ nói riêng và các xã vùng cao huyện Thuận Châu nói chung đã và đang mở rộng diện tích trồng dưa. Ngoài trồng xen canh với cây lúa nương, một số hộ dân đã trồng chuyên canh để dễ chăm sóc, thuận lợi khi thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập.
Đồng Tháp: Trồng sắn nghịch mùa thua lỗ
Vụ này, một số nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chủ động trồng sắn nghịch mùa để bán giá cao do sản lượng cung ít. Tuy nhiên, ngay đến thời điểm thu hoạch lại chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá sắn chỉ ở mức thấp khoảng 3.000 đồng/kg loại 1, đối với sắn củ nhỏ, không đẹp giá chỉ khoảng 2.000 đồng/kg và rất khó bán. Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất sắn vụ nghịch giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 3 tấn/công, giảm hơn phân nửa so với trước đây. Với giá bán 3.000 đồng/kg, trừ chi phí canh tác và thuê nhân công, người trồng sắn thua lỗ nặng.
Phụng Hiệp (Hậu Giang): Nấm rơm được bao tiêu đầu ra
Toàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 15 héc-ta đất trồng nấm rơm thường xuyên được các cơ sở thu mua ký kết bao tiêu đầu ra. Nhiều hộ trồng nấm đã vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nghề trồng nấm rơm ổn định hơn do được liên kết bao tiêu nấm rơm từ các cơ sở thu mua. Đến vụ nấm rơm, các cơ sở cung ứng meo, thậm chí cho mượn vốn sản xuất, sau đó thu mua nấm rơm thành phẩm với giá cố định. Vì vậy, người trồng nấm không còn sợ giá nấm rơm bấp bênh. Hiện nấm rơm được trồng phổ biến và quanh năm. Sau 15 ngày xuống meo sẽ cho thu hoạch nấm rơm. Trung bình 1 chai meo cho năng suất từ 1,5 - 1,7kg nấm rơm. Hiện giá nấm rơm được thương lái bao tiêu với giá 45.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, 1 chai meo cho lợi nhuận gần 40.000 đồng.
Đồng bằng sông Cửu Long: Giá mít Thái tăng
Trong khi nhiều loại trái cây ở mức thấp thì giá mít Thái tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng thêm ít nhất 10.000 - 12.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng và hiện ở mức khá cao. Tại các tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, mít Thái loại 1 (trái tròn đẹp, trong lượng từ 9 kg/trái trở lên) được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua mít ở mức 34.000 - 36.000 đồng/kg; mít loại 2 (từ 7 đến dưới 9 kg/trái) có giá 18.000 - 20.000 đồng/kg. Giá mít Thái tăng cao do nguồn cung hạn chế trong bối cảnh tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để phục vụ xuất khẩu, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc. Giá mít tăng nhưng nông dân kém vui vì thời điểm này phần lớn các vườn mít của nông dân tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đều cho trái khá ít hoặc mít chưa tới lứa cắt bán. Dự báo, giá mít Thái có nhiều khả năng còn tăng và tiếp tục duy trì ở mức cao do mít bước vào nghịch mùa thu hoạch.
Quảng Ngãi: Cau tươi tăng Giá mạnh
Mặc dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ nông dân ở huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã có thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ cau tăng giá. Hiện nay, cau tươi tại các nhà vườn vẫn được thương lái lùng mua để bán sang Trung Quốc với giá khá cao. Hiện giá cau tươi dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với vụ cau năm ngoái. Không như những năm trước đây, năm nay, nhiều thương lái đến tận các nhà vườn mua cau, thậm chí là đặt cọc tiền trước và chờ cau đến thời điểm thu hoạch sẽ tới mua. Thương lái sau khi mua cau ở vườn của người dân sẽ nhập bán lại cho các chủ lò sấy trong vùng để sấy khô rồi bán cho các đơn vị trung gian xuất qua thị trường Trung Quốc. Mùa cau thường thu hoạch nhiều đợt kéo dài trong vòng 3 đến 5 tháng. Cau tăng giá nên hàng ngàn hộ trồng cau ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vui mừng.
Nam Đông (Thừa Thiên Huế): Dứa kaien cho hiệu quả kinh tế cao
Là một trong nhiều loại cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, dứa Kaien đặc biệt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện miền núi Nam Đông.
Dứa thu hoạch trong thời điểm này được thương lái thu mua cao hơn so với trước và sau Tết Nguyên đán. Trước đó, dứa chỉ có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/quả, nay đã tăng lên 60.000 - 70.000 đồng/quả. Với giá thu mua như hiện nay, bà con nông dân phấn khởi vì có lãi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông, hiện nay toàn huyện Nam Đông có 16 héc-ta diện tích dứa kaien nằm trong dự án của huyện hỗ trợ người dân phát triển thâm canh. Mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 70% tiền giống và 50% tiền phân bón. Đồng thời được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nam Đông hướng dẫn kỹ thuật trồng nhằm đảm bảo cây dứa phát triển tốt, cho năng suất cao.
Ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông – cho biết: Theo đề án về mô hình cây trồng đặc sản của huyện gồm có cam, dứa và chuối. Hiện ba dự án này đang triển khai với tiến độ rất tốt, đặc biệt là dứa và chuối. Trong thời gian tới, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã có tiềm năng diện tích đất, chủ động được nguồn giống để trồng dứa. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo người dân tiếp tục làm đất để trồng dứa theo khung lịch thời vụ nhằm đạt kế hoạch đề ra. Hiện nay, dứa kaien được đông đảo người dân và khách du lịch ưa chuộng nên luôn trong tình trạng thu hoạch đến đâu, bán đến đấy. Về lâu dài, nếu diện tích dứa trên địa bàn ngày càng mở rộng, huyện mong muốn tìm kiếm được doanh nghiệp đủ khả năng để thu mua sơ chế và bảo quản để dễ dàng tiếp cận với khách hàng ở các tỉnh khác.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Tăng cường kiểm soát thị trường phân bón
Nhằm chấn chỉnh tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, thời gian qua, các lực lượng chức năng một số tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, tiến hành tiêu hủy một số sản phẩm phân bón giả, không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tại tỉnh Kiên Giang, ngày 20/8/2020, Cục QLTT Kiên Giang đã tiêu hủy 3,2 tấn phân bón giả. Đây là số phân bón được phát hiện khi Đoàn kiểm tra lấy mẫu từ 2 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hiệp. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu lô phân bón nhãn hiệu MOP Kalisilic 62 do Công ty TNHH MTV Quế Lâm Long An sản xuất đang bán tại cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Thạnh Đông và mẫu lô phân bón trung lượng Lân Đen do Công ty TNHH SX TM Phân bón Cửu Long sản xuất bán tại thị trấn Tân Hiệp. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm số phân bón nói trên, lực lượng chức năng xác định đây là hàng giả, không có giá trị sử dụng, công dụng. Từ đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm là 3,2 tấn phân bón giả.
Tại tỉnh Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị xử lý Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết kế Garden Home (có địa chỉ tại số 67/2B, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) về hành vi sản xuất phân bón giả. Theo kết quả lấy mẫu thanh tra định kỳ chuyên ngành về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh tại Cơ sở Thành Công và cơ sở Hưng Thu đã phát hiện 2 cơ sở này bán nhiều loại mặt hàng không đạt chuẩn. Cụ thể, phân bón lá NPK sinh học Garden NutriF, phân vi lượng Garden Bo Kem (2,5-1,7), phân bón lá Garden HT-09 do Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết kế Garden Home sản xuất có hàm lượng các chất công bố thấp hơn 70% so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cùng đó, mẫu phân bón lá NPK sinh học Garden NutriF, phân vi lượng Garden Bo Kem (2,5-1,7), phân bón lá Garden HT-09… đều không đạt chỉ tiêu so với hàm lượng công bố. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính và tiêu hủy 30 chai (500ml/chai) phân bón lá Garden HT-09 và 60 gói (loại 1kg/gói) phân vi lượng Garden Bo Kem (2,5-1,7) do Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết kế Garden Home sản xuất.
HÀNG VIỆT |
Quảng Nam: Xây dựng mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc
Quảng Nam là tỉnh có số lượng sản phẩm được công nhận hạng sao OCOP đứng đầu khu vực miền Trung và được xếp thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh). Năm nay, tỉnh phấn đấu có ít nhất 80% số sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó, nhiều sản phẩm là đặc sản của vùng dân tộc thiểu số.
Điểm nhấn đặc biệt
Chương trình OCOP ở Quảng Nam đã và đang khẳng định được thương hiệu, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tập trung, bền vững và gia tăng giá trị sản phẩm, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch… Một trong những điểm nhấn đặc biệt trong quá trình triển khai OCOP của Quảng Nam là xây dựng một số mô hình OCOP tại các vùng miền núi, vùng khó khăn và vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con.
Từ năm 2019 - 2020, với vai trò là tỉnh điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn, tỉnh Quảng Nam quyết tâm xây dựng một số mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là: Mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với chế biến từ củ đẳng sâm huyện Tây Giang; mô hình liên kết chuỗi sản xuất, gắn với chế biến từ cây quế huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My; mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm thổ cẩm xã TaBhing, huyện Nam Giang; mô hình làng du lịch cộng đồng (làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước); mô hình Trung tâm OCOP cấp vùng tại thành phố Hội An và một số gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn lớn trên địa bàn Hội An… Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm đặc sản, mang tính đặc trưng của vùng miền như: Sâm Ngọc Linh, quế Trà My cùng nhiều loại dược liệu quý hiếm khác.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn có vai trò quyết định
Đề án OCOP Quảng Nam đã khẳng định, du lịch nông nghiệp, nông thôn có vai trò dẫn dắt và quyết định đến sự phát triển của các nhóm sản phẩm còn lại. Theo đó, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm cần được phát huy như: Làng rau Trà Quế, làng rau Thanh Đông, làng gốm Thanh Hà, làng chài, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (TP. Hội An), làng bích họa (Tam Thanh)… Phát triển du lịch tại các huyện miền núi của tỉnh với các điểm đến như quần thể rừng Pơ mu, làng du lịch Pơning (huyện Tây Giang); làng du lịch Bhohoong (huyện Đông Giang); làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (huyện Nam Giang)... Xây dựng, hình thành trục văn hóa – nông dược (nông nghiệp và dược liệu) xuất phát từ các làng nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp từ Hội An đi đến các điểm du lịch sinh thái biển. Đặc biệt, chú trọng phát triển các làng du lịch truyền thống đồng bào dân tộc M’Nông, Ca Dong, Xê Đăng…
Chương trình của giai đoạn tiếp theo đặc biệt chú trọng đến phát triển các nhóm sản phẩm OCOP chủ lực theo từng vùng. Ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương và lao động tại chỗ, chú trọng quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất, truy xuất được nguồn gốc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng một số trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển, nâng cấp các điểm bán hàng OCOP. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP... Tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Đặc biệt, chú trọng gắn Chương trình OCOP với chương trình khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế đẩy mạnh sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị…
Theo kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 140 sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Nếu 80% trong số này đạt hạng 3 sao trở lên, thì trong vòng 3 năm (2018 - 2020), tỉnh Quảng Nam có trên 200 sản phẩm OCOP, đạt mục tiêu Đề án OCOP đã đề ra.