Thông tin thị trường giá cả số 36/2021

06:40 AM 04/09/2021 |   Lượt xem: 7156 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Bắc Quang - Hà Giang:

Tìm giải pháp tiêu thụ cam sành

Trung tuần tháng 8/2021, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam sành niên vụ 2021 - 2022. Hội nghị nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong niên vụ tới và giữ vững vị thế, thương hiệu cho sản phẩm cam Bắc Quang.

Nâng cao giá trị sản phẩm cam sành Bắc Quang

Bắc Quang là huyện có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh Hà Giang. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cam sành, thời gian qua, Bắc Quang chú trọng mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng cam theo hướng VietGap. Nhất là năm 2016, cam sành Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, trong đó, huyện Bắc Quang có 21 xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam sành. Đây là động lực để bà con ngày càng nâng cao chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm cam VietGAP.

Để cây cam không phá vỡ quy hoạch và nằm trong định hướng phát triển chung,  huyện Bắc Quang đã ban hành Đề án Quy hoạch cây có múi trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định vùng sản xuất cam tập trung tại 8 xã có nhiều lợi thế về phát triển cây ăn quả có múi của huyện. Đồng thời, tiến hành rà soát quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đối với cây cam sành theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích thâm canh theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, kéo dài chu kỳ kinh tế.

Đi liền với công tác quy hoạch, huyện còn tiến hành tổ chức lại sản xuất cho bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua Hội Trồng cam huyện Bắc Quang và Chi hội Trồng cam tại các xã, thị trấn với trên 3.700 hộ trồng cam tham gia. Từ thực tiễn hoạt động, các hội, chi hội trồng cam từng bước phát huy vai trò trong việc liên kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cam cũng như nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Trước mỗi vụ thu hoạch cam sành, huyện Bắc Quang đều chú trọng đến hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Không những vậy, sản phẩm cam sành VietGAP của huyện còn được dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tìm giải pháp đồng bộ

Thực tế trên cho thấy, để cam sành xứng tầm là cây trồng chủ lực của huyện Bắc Quang nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp rất cần sự chung sức, quyết liệt của các cấp, ngành trong việc tìm giải pháp đồng bộ. Chính vì vậy, ngay trong giai đoạn chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, huyện Bắc Quang đã tiến hành tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam sành niên vụ 2021 - 2022.

Niên vụ cam 2021 - 2022, tổng diện tích cam toàn huyện Bắc Quang là 5.675 héc-ta, năng suất ước đạt 106,2 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt 39.250 tấn. Qua đánh giá, năng suất cam sành niên vụ 2021 - 2022 giảm khoảng 1,2 - 1,5 tấn/héc-ta so với niên vụ 2020 - 2021. Hiện nay, cam sành và một phần cam vàng sớm vụ đã được đưa vào các siêu thị, các hội chợ thương mại và gian hàng trưng bày tại các tỉnh phía Bắc với giá bán bình quân từ 8.000 – 8.500 đồng/kg.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp tiêu thụ cam sành đã được đưa ra như: Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức. Tăng cường kết nối với các chợ đầu mối và các khu trung cư lớn để đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cam sành. Trong đó, hình thức được cho là phù hợp với tình hình hiện nay là tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các ứng dụng điện tử. Tiếp tục hợp đồng kết nối với các siêu thị Vinmart và Vinmart+, Big C, Saigon Coop, Coop.mart, hệ thống cửa hàng hoa quả sạch, các chợ đầu mối và các thương lái... Tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trọng điểm về tiêu thụ sản phẩm cam và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang, tổ chức chương trình nhận diện và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam trong hệ thống siêu thị tại các tỉnh, thành phố lớn. Nắm bắt thông tin về các đầu mối thu mua sản phẩm cam tại địa phương nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho các hộ trồng cam. Với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt ngay từ đầu vụ, hy vọng, cam sành Bắc Quang sẽ tiêu thụ thuận lợi, hanh thông.

Thạnh Hóa - Long An:

Khoai mỡ trúng mùa, được giá

Trong khi nhiều loại nông sản khác bị rớt giá do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nông dân trồng khoai mỡ tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An lại phấn khởi vì “trúng mùa, được giá”.

Khoai mỡ là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Thạnh Hóa. Thời gian qua, huyện tạo đã mọi điều kiện để phát triển và giữ vững ổn định diện tích khoai mỡ. Huyện cũng đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý khoai mỡ Bến Kè, góp phần tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho khoai.

Vụ khoai mỡ năm 2021, thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên khoai mỡ ít bị bệnh, đạt năng suất. Đặc biệt, giá khai mỡ đạt 15.000 - 18.000 đồng/kg, tăng gấp 2 – 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ có nông dân trồng khoai phấn khởi mà người đào khoai thuê cũng vui khi có việc làm, thu nhập bình quân 250.000 đồng/người/ngày.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có Long An. Điều này làm cho việc thu mua khoai mỡ của thương lái gặp khó khăn. Trước tình hình này, huyện Thạnh Hóa đề ra một số giải pháp, góp phần tiêu thụ nông sản và giải quyết bài toán thiếu nhân công thu hoạch khoai mỡ. Huyện yêu cầu UBND xã, thị trấn làm giấy xác nhận cho lao động địa phương khi đi thu hoạch trong địa phương; đồng thời, thông báo đến các chốt trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho xe vận chuyển khoai mỡ của nông dân đi lại dễ dàng. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện, hướng dẫn cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bến Kè đăng ký xe “luồng xanh” để thu mua, vận chuyển nông sản dễ dàng.

Nhìn chung, so với các loại nông sản khác, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vụ này, nông dân trồng khoai mỡ thu lợi nhuận cao.

Đắk Nông:

Được mùa Mắc ca

Hiện nay, người dân trong tỉnh Đắk Nông đang tập trung thu hoạch mắc ca. Năng suất mắc ca đạt khá cao, giá ổn định, các hộ trồng mắc ca có một vụ thu hoạch được mùa.

Cây mắc ca trồng ở Đắk Nông ra hoa 2 vụ, trong đó vụ chính từ tháng 3 - 4, vụ còn lại từ tháng 7 – 8 nên người dân có khoản thu nhập tăng thêm khá cao đối với mô hình xen canh.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, hầu hết các vườn mắc ca đều sai quả. Tại những vườn mắc ca trưởng thành, trung bình cho thu hoạch trên 10 kg/cây. Cá biệt, tại huyện Đắk R’lấp, nhiều nhà vườn trồng mắc ca từ năm 2010, năng suất đạt gần 25 kg/cây. Hiện nay, đa số mắc ca thu hoạch của người dân chủ yếu là trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Bà con thường trồng khoảng 100 cây mắc ca/héc-ta. Với năng suất hiện nay, bà con thu hoạch trên 1,5 tấn hạt/héc-ta.

Mắc ca hiện có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, bà con thu về trên 120 triệu đồng/héc-ta. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, giá mắc ca vẫn duy trì ổn định, có giảm nhưng không đáng kể. Đặc biệt, trồng mắc ca ít công chăm sóc, không lo hạn hán, ít gặp rủi ro. Mắc ca thu về sơ chế là có thể bảo quản tốt trong kho nhiều ngày. Khi có nhu cầu thì mang ra bán, không sợ hư hỏng. Với giá tiêu thụ hạt mắc ca xô khoảng 75.000 đồng/kg, thu nhập từ cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê (100 cây/héc-ta) đạt bình quân từ 70 – 100 triệu đồng/héc-ta.

Hiện nay, nhu cầu mắc ca trên thị trường khá lớn, nhất là các cơ sở thu mua để chế biến các sản phẩm bánh kẹo, dự trữ cho dịp lễ tết cuối năm. Vì vậy, hầu hết các nhà vườn đã nhận được đơn đặt hàng cho đến cuối năm. Theo các nhà vườn, trồng mắc ca hiện cho hiệu quả kinh tế khá cao, chi phí đầu tư thấp. Chỉ cần giá mắc ca đạt trên 80.000 đồng/kg là người trồng có thu nhập ổn định.

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có trên 1.100 héc-ta mắc ca, tập trung chủ yếu ở Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Glong, Đắk Song. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh, cây mắc ca có nhiều loại giống, nhưng có 5 dòng là OC, QN1, 695, 246, H2 là sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Do vậy, khi bà con phát triển cây mắc ca cần chú trọng lựa chọn giống cho phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương.

Mới đây nhất, tỉnh Đắk Nông đã ký kết hợp tác với Hiệp hội mắc ca Việt Nam để phát triển 8.000 héc-ta mắc ca giai đoạn 2021 - 2025.  Đồng thời, hai bên sẽ phối hợp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm mắc ca.

Chợ Gạo - Tiền Giang:

Giá thanh long giảm

Huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh cây thanh long của tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, do vận chuyển hàng hóa bị hạn chế nên việc thu mua thanh long của thương lái có phần chậm hơn và giá thu mua cũng giảm. Hiện thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 4.000 - 7.000 đồng/kg tùy theo loại, giảm 30 - 40% so với thời điểm trước. Riêng các loại trái thanh long chất lượng kém, hình dáng không đẹp, quá thời gian thu hoạch... thương lái không thu mua nên nhà vườn đành phải bỏ cho cá hay gia súc ăn. Hiện nay, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang và huyện Chợ Gạo đang triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, trong đó có trái thanh long, nhằm thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Nghệ An:

Mật ong tiêu thụ chậm

Mặc dù mùa thu hoạch mật ong đã qua nhưng hiện các hộ nuôi ong lấy mật ở huyện Tân Kỳ vẫn còn hàng nghìn lít mật ong chưa tiêu thụ được. So với mọi năm, năm nay, giá mật xuống thấp, 150.000 đồng/chai 750 ml, năm ngoái chai 650ml là 200.000 đồng. Dù giá xuống thấp nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Hiện các hộ nuôi ong rất lo lắng bởi mật ong không bảo quản được lâu. Nếu để lâu sẽ bị chuyển màu và giảm chất lượng nên buộc phải bán hết trong năm, sang năm sau là mùa quay mật mới. Năm nay, một phần do dịch Covid-19, một phần do nắng nóng, người dân hạn chế sử dụng nên không xuất bán được dù giá mật xuống thấp. Người nuôi ong hiện chỉ còn mong chờ thời tiết vào đông, nhu cầu sử dụng mật ong cao, hoặc cận tết sẽ có nhiều nơi đặt làm quà biếu thì sẽ bán hết lượng mật ong đang tồn đọng này.

Đắk Mil - Đắk Nông:

Thiếu nhân công chế biến sầu riêng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở thu mua, chế biến sầu riêng ở Đắk Mil đang thiếu nhân công trầm trọng. Hiện nhiều cơ sở thu mua sầu riêng đã xây dựng kho đông lạnh. Sau khi sơ chế, sầu riêng sẽ được đưa vào kho lạnh để bảo quản. Có kho lạnh, cơ sở chế biến sầu riêng sẽ bảo quản được sản phẩm lâu hơn, tránh trường hợp bị ép giá khi vào chính vụ. Tuy nhiên, hiện các cơ sở không thể thuê được nhân công lao động. Hiện địa phương đang phối hợp cùng các ngành chức năng khắc phục tình trạng này.

An Giang:

Giá phân bón tăng cao

Giá phân bón trên địa bàn tỉnh An Giang hiện đang ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, tháng 8/2021, giá phân urê Phú Mỹ bình quân 11.400 đồng/kg, tăng 67,6% so đầu năm 2021; phân NPK Cò Pháp (20-20-15) giá 15.400 đồng/kg, tăng 20,3%; phân DAP (Trung Quốc) 14.600 đồng/kg, tăng 30,4% so đầu năm. Giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Công Thương An Giang, nguyên nhân giá phân bón tăng chủ yếu do chi phí nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân bón tăng rất cao, như: Lưu huỳnh tăng 170%, axit sunphuric tăng 130 - 140%, amoniac tăng gấp 2 lần… so với thời điểm đầu năm 2021; chi phí dịch vụ logictics, sản xuất “3 tại chỗ” tăng. Trước tình hình này, Sở Công Thương An Giang đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ động đưa phân bón trực tiếp đến nông dân thông qua các hợp tác xã để giảm trung gian. Đồng thời, phối hợp các kênh phân phối có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để phục vụ sản xuất. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cố gắng chuyển đổi sang các loại phân bón khác kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng để giảm chi phí phân bón vô cơ.

Ninh Hải - Ninh Thuận:

Diêm dân lãi khá do giá muối tăng cao

Những ngày qua, bà con diêm dân trên địa bàn huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đều vui mừng bởi giá muối tăng cao. Nhiều hộ dân sau khi xuất bán đã thu lãi trên 10 triệu đồng/héc-ta.

Hiện diêm dân đang tập trung thu hoạch muối với tâm trạng phấn khởi. Từ đầu năm đến nay nhờ thời tiết thuận lợi nên nghề làm muối cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, năm nay giá muối khá cao hơn so với mọi năm và trung bình người dân thu hoạch từ 3 - 4 đợt muối/tháng. Hiện muối nền đất có giá từ 600.000 - 650.000 đồng/tấn, muối trải bạt giá từ 700.000 - 750.000 đồng/tấn. Với giá muối trên, sau khi trừ các loại chi phí, bà con diêm dân có lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng/héc-ta/tháng.

Theo thống kê, huyện Ninh Hải có diện tích sản xuất muối khá lớn, khoảng 1.300 héc-ta. Trong đó, diện tích muối công nghiệp của các doanh nghiệp chiếm khoảng 700 héc-ta, muối thương phẩm của diêm dân các xã: Nhơn Hải, Tri Hải, Phương Hải và thị trấn Khánh Hải với diện tích khoảng 600 héc-ta. Để nâng cao thu nhập, thời gian qua các diêm dân đã tích cực đầu tư chuyển sang hình thức sản xuất muối theo hướng trải bạt. Để tạo thuận lợi cho bà con diêm dân, ngay từ đầu vụ muối, huyện Ninh Hải đã làm việc với các doanh nghiệp thu mua muối để đảm bảo được vấn đề vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất.

Ninh Thuận có thời tiết nắng nóng rất thuận lợi cho sản xuất muối, toàn tỉnh có hơn 2.500 héc-ta muối, chủ yếu tập trung ở các địa phương như: Xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải), xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam).

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Đồng Nai:

Thu giữ Hơn 1 tấn khẩu trang lỗi được tái chế

Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) đã phối hợp với Công an thành phố Biên Hòa phát hiện, kiểm tra và thu giữ hơn 1 tấn khẩu trang y tế lỗi, hư được một chủ cơ sở tại Đồng Nai thu gom lại và đem về giao cho các hộ thuê trọ để tái chế, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 1.000 kg khẩu trang y tế (tương đương 240.000 cái khẩu trang). Trong số này, có 2.300 cái khẩu trang y tế đã thành phẩm. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ hộ tạm trú tại tổ 31, khu phố 7, phường Long Bình, Đồng Nai khai nhận số khẩu trang y tế trên không có hóa đơn chứng từ, là khẩu trang lỗi, hư của các cơ sở sản xuất khẩu trang tại thành phố Hồ Chí Minh được thu mua lại đem về tái chế, sau đó, đưa ra thị trường tiêu thụ. Tiếp tục khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 3,3 ngàn bao bì giấy, bịch nhựa các loại mang nhãn hiệu: Thái Dương; BamBo; Skylight và 6 bao nylon đựng khẩu trang y tế loại 10 cái đã đóng gói sẵn.

Đây là một trong những vụ việc vi phạm về khẩu trang lớn mà Đồng Nai đã phát hiện, xử lý. Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, các loại khẩu trang, vật tư y tế… Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

HÀNG VIỆT

Bình Phước:

Lúa hữu cơ giúp vùng biên Bù Ðốp thoát nghèo

Là huyện biên giới, có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nhưng đến nay, đời sống của đồng bào dân tộc ở Bù Đốp đã có những khởi sắc. Đó là nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, hỗ trợ, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, mô hình trồng lúa ST 24 theo hướng hữu cơ đã giúp bà con không chỉ no cái bụng mà còn có của ăn của để.

Theo thống kê sơ bộ, huyện Bù Đốp có trên 1.800 héc-ta lúa, tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Phước, Phước Thiện, Thanh Hòa... Đa phần nông dân trồng lúa là đồng bào dân tộc thiểu số. Do thiếu nước, hầu hết diện tích lúa tại địa phương chỉ làm được 1 vụ/năm. Nếu tận dụng được toàn bộ diện tích để canh tác 3 vụ/năm thì không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trước tình hình đó, năm 2019, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đã đưa giống lúa ST24 về trồng khảo nghiệm trên diện tích 5 héc-ta. Bằng lối canh tác khoa học, theo hướng hữu cơ, mỗi héc-ta đạt năng suất từ 6 - 7 tấn, lúa được thu mua với giá 9.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với các giống lúa truyền thống. Trong khi đó, chi phí sản xuất chỉ 10 triệu đồng/héc-ta, giảm gần 1/4 lần. Từ hiệu quả vượt trội, năm 2020, hơn 30 hộ đăng ký tham gia, đến nay tổng diện tích đăng ký canh tác đã gần 100 héc-ta. Nhằm giúp bà con ổn định sản xuất, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đã liên kết cùng Công ty Plant Care Việt thu mua toàn bộ sản lượng lúa ST24 của bà con trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ an toàn với giá 9.000 đồng/kg.

Năm 2020 trung tâm đã triển khai cho bà con trồng tại xã Hưng Phước liên kết 4 nhà để sản xuất ra gạo Bù Đốp. Với diện tích lúa lớn, nếu bà con sản xuất đúng quy trình, đúng giống và đặc biệt là áp dụng theo hướng hữu cơ an toàn sẽ tạo ra thương hiệu gạo tiêu thụ ở địa phương. Vì vậy, bà con cần chăm sóc giống lúa này theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Thứ nhất là phải quan sát đối tượng gây hại để có giải pháp phòng trừ sinh học ngay từ khâu làm đất. Thứ hai là quy trình ngâm ủ giống cũng như gieo sạ khác hơn so với các giống lúa khác. Thứ ba phải bảo quản sau thu hoạch một cách tốt nhất để tránh gặp mưa, không phơi được hoặc tạp chất lẫn lộn, làm giảm chất lượng hạt gạo kéo theo giảm giá trị thương phẩm.

Xác định đây là một vùng trọng điểm lương thực, thời gian qua, huyện Bù Đốp đã triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất lúa nước, đưa các giống lúa có năng suất, hiệu quả, năng suất tốt trồng đại trà như giống ST24 và ST25. Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân xây dựng thương hiệu gạo Bù Đốp để phát triển lâu dài.

Thời gian tới, huyện sẽ tạo mọi điều kiện đầu tư hệ thống kênh mương, thủy lợi để giúp người dân nhân rộng mô hình trồng giống lúa ST24 ra toàn huyện. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao mang tên Bù Đốp. Đây cũng là cơ sở để huyện Bù Đốp hướng đến nền nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

ST24 là giống lúa nằm trong thương hiệu gạo chất lượng cao của thế giới. Đặc điểm giống lúa ST24 có khả năng kháng bệnh và thích nghi với mọi chân ruộng, kể cả có phèn. Với năng suất 6 tấn/héc-ta, giống lúa ST24 giúp các hộ nông dân thu nhập trên 50 triệu đồng/héc-ta, tăng gần 20 triệu đồng so với giống lúa thông thườg.