THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Vùng rau sạch rộn ràng vào vụ tết
Những ngày này, các vựa rau truyền thống ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang tất bật vào vụ rau quan trọng nhất trong năm. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, người trồng rau đang kỳ vọng một vụ tết bội thu.
Vùng rau an toàn bản Phòng có tổng diện tích sản xuất hơn 3,5 héc-ta, trung bình mỗi ngày, các hộ trồng rau ở đây cung ứng khoảng 200 - 400 kg rau an toàn cho thị trường huyện Tương Dương. Cùng với các loại rau củ quả như bắp cải, su hào, dưa chuột… bà con chủ yếu đưa các loại rau như: Cải làn, cải ngọt, xà lách, mùi, hành… vào sản xuất. Ngoài ra, các hộ dân tập trung chuyên canh vào một số cây trồng bản địa khác như cà ngọt, cà chua múi... để đảm bảo đa dạng về sản phẩm. Thời điểm này, nhiều diện tích rau đã cho thu hoạch, dự kiến chỉ khoảng 1 tuần trước tết, sản lượng rau ở đây sẽ tăng gấp 1,5 – 2 lần so với hiện tại.
Rau ở bản Phòng đều được bón bằng phân xanh, phân vi sinh, không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV nên rau đảm bảo an toàn, chất lượng. Để hạn chế các điều kiện môi trường bất lợi và ngăn chặn sâu bệnh và dịch hại tấn công bà con còn đầu tư làm nhà phủ nylon. Hàng ngày có rất nhiều người dân ở các vùng lân cận thường xuyên tìm đến mua rau sạch tại vườn. Bên cạnh đó, thương lái ở các nơi cũng tìm đến tận ruộng để thu mua.
Trước khi triển khai dự án “Ứng dụng KHCN vào sản xuất rau an toàn”, bản Phòng là một vùng đất hoang hóa, bà con chủ yếu chăn thả trâu bò và trồng các loại cây không có giá trị kinh tế. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do tập quán của đồng bào miền núi chủ yếu vào rừng hái măng hái rau, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện trồng rau thành sản phẩm hàng hóa. Vì thế, triển khai dự án, cán bộ nông nghiệp vừa tuyên truyền, vận động vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho các hộ dân từ khâu làm đất, cày ải... cũng như phương pháp trồng và chăm sóc. Để bà con tin tưởng và làm theo, huyện đã đưa 25 hộ dân tham gia dự án xuống tận xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu để tham quan, học tập. Tiếp đó, huyện mở 1 lớp đào tạo nghề cho các hội viên ở bản Phòng, sau khi học nghề xong, các hộ dân này đều có kiến thức và kỹ năng về sản xuất rau an toàn. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng ở các xã như Tam Thái, Yên Hòa, Tam Quang... Huyện Tương Dương cũng đã chủ động về nguồn rau xanh an toàn, không chỉ có vậy mà còn cung cấp cho thị trường miền xuôi.
Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: “Với các loại rau củ quả như bắp cải, su hào, dưa chuột... huyện nào cũng trồng được thì chúng tôi chỉ trồng với diện tích vừa phải để cung ứng trong huyện. Còn chúng tôi chỉ đạo bà con tập trung phát triển các loại cây trồng bản địa như cà ngọt, cà chua múi… để phát triển thành sản phẩm hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu cà chua múi và cà ngọt là 2 sản phẩm OCOP của huyện Tương Dương”.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Dự án JICA, bà con đã thành lập Tổ hợp tác xã sản xuất rau quả sạch bản Phòng, xây dựng thành công thương hiệu “Cà chua múi bản Phòng”, làm cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương.Từ chỗ chỉ có 25 hộ tham gia đến nay đã có 40 hộ tham gia sản xuất tại vùng rau an toàn bản Phòng. Đáng nói, các hộ ban đầu tham gia dự án đều là hộ nghèo, nhưng hiện nay đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ giàu, hộ khá. Chỉ trên diện tích khoảng 350m2/1 hộ nhưng thu nhập sau khi trừ chi phí có thể đạt 50 triệu đồng/năm.
Bình Thuận:
Thấp thỏm thanh long vụ tết
Những ngày này, hàng ngàn héc-ta thanh long ở Bình Thuận đang trong thời kỳ dưỡng trái để kịp phục vụ thị trường tết. Nhà vườn tất bật chăm sóc những vườn thanh long sai trĩu quả nhưng không khí giao dịch, mua bán rất trầm lắng.
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, từ nhiều tháng nay, tình hình tiêu thụ gặp khó nên giá thanh long luôn ở mức rất thấp, từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Do sản xuất thanh long trái vụ, chi phí chong đèn và phân bón lớn nên với mức giá này, người trồng đang bị lỗ. Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà vườn lo ngại nhất là tình hình tiêu thụ. Đến thời điểm này, thương lái vẫn chưa đặt cọc thu mua như mọi năm khiến người trồng thanh long lo lắng.
Hàng ngàn hộ trồng thanh long ở Bình Thuận đang đặt hết niềm tin vào thị trường tết sắp tới. Trong khi đó, một số thương lái thu mua thanh long cho biết, do tiêu thụ chậm nên hiện hầu hết kho trữ lạnh của các cơ sở thu mua thanh long đã không còn sức chứa. Vì vậy, thương lái không dám đặt vấn đề thu mua thanh long cho đến khi nguồn hàng tồn kho được giải quyết.
Một nghịch lý đang diễn ra tại nơi có diện tích cây thanh long lớn nhất cả nước, đó là, trong khi thị trường tiêu thụ đang gặp rất nhiều khó khăn thì diện tích loại cây này đang không ngừng tăng lên, từ đó tạo nên hệ lụy kép. Năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định quy hoạch diện tích trồng thanh long của tỉnh đến năm 2020 là 28.000 héc-ta, định hướng đến năm 2025 là 30.000 héc-ta. Tuy nhiên, đến nay, diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận đã vượt xa con số định hướng của năm 2025 tới trên 3.700 héc-ta.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, vừa qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thanh long Bình Thuận, đồng thời, sẽ làm việc trực tiếp với các hệ thống tập đoàn, siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành để chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh long cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân địa phương.
Thái Nguyên:
Trồng rau bò khai trên đất cằn
Hiện nay, rau bò khai đã trở thành thực phẩm đặc sản của các địa phương ở miền núi phía Bắc và đang được mở rộng diện tích theo hướng hàng hóa.
Bò khai là loài rau rừng có hương vị đặc trưng và là một vị thuốc rất tốt, dùng để chữa các bệnh viêm thận, gan, lợi tiểu, tiêu viêm, hạ sốt… Hữu xạ tự nhiên hương, rau bò khai đã trở thành đặc sản, được nhiều người lựa chọn làm thức ăn hàng ngày. Nắm bắt được điều đó, giữa năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã triển khai mô hình trồng rau rừng có tên bò khai bằng phương pháp sinh học cho gần 30 hộ dân ở 2 xóm 12 và 13 thuộc xã Cù Vân.
Tham gia mô hình này, người dân được hỗ trợ gần 3 triệu đồng/sào, bao gồm: Giống, giàn che, hệ thống tưới bằng van xoay…, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Có 29 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích 4,5 héc-ta. Khi thực hiện mô hình, cái khó nhất là khâu giống. Thực tế, đồng bào nhiều nơi đã ươm giống cây rau bò khai và bán nhưng giá đầu tư khá cao. Một số hộ dân tham gia đã đề nghị với cơ quan hỗ trợ thực hiện mô hình chủ động nguồn giống bằng cách lên núi, tìm và lấy giống về.
Giống rau bò khai trồng bằng hom được đồng bào ươm bán thì phải mất gần một năm mới cho thu hái. Năng suất những lứa đầu cũng không cao. Rau mô hình vì lấy tại rừng, được bảo quản, chăm sóc tốt nên sau 6 tháng đã được hái lứa đầu. Sau một năm thì rau đã bò kín đất. Hiện giá rau dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Có những thời điểm giá cao, nhất là vào vụ đông hay những dịp gần tết, giá rau bò khai có thể lên tới 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Mô hình trồng rau bò khai đã giúp đồng bào nơi đây có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Quan trọng hơn là mô hình giúp tận dụng và cải tạo được quỹ đất hoang hóa không thể canh tác trước đây, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Hậu Giang:
Giá trứng vịt ở mức thấp
Vào thời điểm này mọi năm, giá trứng gia cầm sẽ tăng nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường tết thì hiện nay giá trứng vịt vẫn chưa có chuyển biến. Hiện giá trứng vịt hiện được bán khoảng 1.700 đồng/trứng. Với mức giá này, người chăn nuôi thua lỗ bởi chi phí thức ăn đang tăng rất cao. Giá trứng trong năm thấp nhất là 1.200 - 1.300 đồng, cao nhất cũng chỉ 1.800 đồng/trứng. Năm nay, giá thức ăn tăng đến lần thứ 3 nhưng giá trứng vịt vẫn giậm chân tại chỗ nên người nuôi khó cầm cự.
Lâm Đồng:
Đơn hàng hoa tết chậm, người trồng lo lắng
Tại Lâm Đồng, nhiều nhà vườn trồng hoa đang lo lắng khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Tân Sửu nhưng phần lớn diện tích trồng hoa vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng như các năm trước. Người trồng hoa đã liên hệ các mối hàng cũ nhưng chưa ai dám chốt cọc vì vẫn lo lắng dịch bệnh. Năm nay, đa số bà con rất lo lắng, sợ mùa dịch không chấm dứt, các nơi khác người dân không đi chợ được thì hoa rất khó tiêu thụ. Khách hiện tại đến bây giờ chưa thấy đặt hàng vì giá cả thị trường họ chưa nắm chắc nên họ chưa dám đặt cọc. Tương tự, tại thành phố Đà Lạt, nhiều nhà vườn chưa chốt giá được với các chủ vựa hoa ở các địa phương. Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt lượng đơn hàng hiện nay chỉ đạt khoảng 35% so với cùng thời điểm các năm trước. Trong khi đó, vụ hoa Tết năm nay toàn tỉnh Lâm Đồng đã giảm khoảng 20% diện tích so với năm trước. Không chỉ các nhà vườn lo lắng mà nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoa ở Lâm Đồng cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Quảng Nam:
Dự báo giá kiệu tết tăng
Thời điểm này, nông dân xã Bình Phục, huyện Thăng Bình đang tất bật với những công đoạn cuối cùng để thu hoạch vụ kiệu tết. Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng các hộ dân trồng kiệu vẫn mong chờ đến ngày bội thu. Vụ kiệu tết tại xã Bình Phục thường bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, nông dân bắt đầu gieo giống và bón phân, chăm sóc tích cực để kiệu phát triển. Đất cát pha tại địa phương chính là ưu thế lớn trong việc trồng loài cây này, giúp củ kiệu trắng, giòn và thơm hơn so với kiệu miền Nam. Theo các hộ dân trồng kiệu ở địa phương, năm nay thời tiết thất thường nên năng suất không cao như mọi năm.
Tại xã Bình Phục, hầu hết người dân đều trồng kiệu. Giá kiệu mỗi năm dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại kiệu lớn hay nhỏ. Theo nông dân, tết năm 2021 này giá kiệu có thể sẽ tăng vì năng suất thu hoạch kiệu thấp, mưa lớn kéo dài khiến kiệu hư hại nhiều.
Hậu Giang:
Giá cá thả nuôi tăng 20%
Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bà con đã thu hoạch xong cá thả nuôi trên ruộng trong mùa nước nổi. Năm nay, năng suất cá giảm khoảng 30% do nước lên đồng chậm, do đó cá giống được thả lên đồng cũng muộn. Tuy nhiên, cá được thương lái thu mua với giá cao hơn năm ngoái khoảng 20% nên bà con vẫn có thu nhập cao. Cụ thể, giá cá chép ở mức từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, cá mè ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg, các loại cá rô phi 20.000 đồng/kg, cá lóc ở mức 60.000 - 90.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên ruộng có thu nhập từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng/héc-ta, sau hơn 3 tháng thả nuôi. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, Phụng Hiệp là vùng đất trũng nên làm lúa thu đông (lúa vụ 3) thường không có lời. Chính vì vậy, những năm qua khi mùa nước nổi tràn đồng nhiều hộ dân đã không sản xuất vụ lúa này mà chuyển sang nuôi cá trên ruộng rất thành công.
Tiền Giang:
Trồng ớt cho hiệu quả kinh tế cao
Nhiều năm qua, mô hình trồng cây ớt thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang cho hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo - vùng chuyên canh cây ớt thương phẩm năm nay trúng mùa, trúng giá đã giúp nhà nông vươn lên làm giàu.
Đây là vùng đất thấp ven sông Tiền, thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây ớt phát triển. Hiện ớt là cây màu chủ lực của địa phương với diện tích đã nhân rộng ra trên 300 héc-ta. Gần đây, giá ớt ổn định ở mức cao nên thu nhập từ mô hình trồng ớt cao hơn lúa hay các loại hoa màu khác gấp nhiều lần. Năm 2020, bình quân mỗi vụ trồng ớt, nông dân thu lãi gần 400 triệu đồng/héc-ta.
Hiện nay, đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận ruộng để thu mua ớt. Tại địa bàn xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo cũng có nhiều cơ sở thu mua, sơ chế ớt để cung ứng cho thị trường các nơi.
Mô hình trồng ớt thương phẩm cho hiệu quả cao, thích hợp với biến đổi khí hậu. Toàn xã hiện có khoảng 1.800 hộ dân, nhờ mô hình trồng ớt mà giảm chỉ còn hơn 1% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người là 60 triệu đồng/năm, xã Bình Ninh đã được công nhận xã nông thôn mới. Đảng ủy - UBND xã vận động người dân duy trì và phát triển diện tích ớt, xem đây là cây hoa màu chủ lực của địa phương.
Cây ớt dưới chân ruộng tại xã Bình Ninh cũng như nhiều địa phương của tỉnh Tiền Giang đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhà nông đổi đời và là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, ở các vùng đất ven biển, cù lao Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang đang nhân rộng diện tích cây màu ngắn ngày này để “né” hạn mặn và cho thu nhập cao.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Ngăn chặn lợn vận chuyển qua biên giới
Các địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam. Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định.
Đó là nội dung công điện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Hiện nay, do sự chênh lệch giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao nên hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước. Để khẩn trương ngăn chặn tình trạng trên, đồng thời, để ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật tại các đường mòn, lối mở,… với các nước. Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán; lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trái phép…
HÀNG VIỆT |
Hàng Việt lên vùng cao Điện Biên
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Sở Công Thương Điện Biên đã phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực, chủ động đưa hàng tiêu dùng sản xuất trong nước về vùng nông thôn, vùng cao các huyện: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ… thông qua các phiên chợ hàng Việt. Các phiên chợ này đã cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới.
Năm 2020 đã tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt
Tại địa bàn các xã vùng cao, biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông còn khó khăn nên việc đưa hàng về phục vụ bà con, tạo dựng thói quen dùng hàng Việt Nam và từng bước xây dựng mạng lưới dịch vụ thương mại rất được chú trọng. Ðây chính là “kênh” đưa hàng Việt về vùng cao hiệu quả, bởi bao đời nay đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã có thói quen họp chợ phiên. Trong khi đó, tập quán của bà con là thích sử dụng nông cụ, hàng tiêu dùng phù hợp với lối canh tác, mức sống và sức mua của gia đình. Tại các địa bàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Ðoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động người dân dùng hàng sản xuất trong nước. Năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông, thu hút hàng nghìn người dân mua sắm. Trong đó, huyện Ðiện Biên Ðông tổ chức 2 phiên, Nậm Pồ 2 phiên, còn lại mỗi huyện 1 phiên. Mỗi phiên chợ có từ 20 - 30 gian hàng với hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia. Hàng hóa được bày bán tại phiên chợ đều có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng. Thông qua mỗi phiên chợ, người dân miền núi, biên giới đã được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhu cầu sử dụng và tiêu dùng.
Hàng Việt chiếm ưu thế
Thời gian gần đây, tại các huyện vùng cao Điện Biên, hàng Việt đang chiếm ưu thế và ngày càng được bà con chọn mua nhiều. Khảo sát tại huyện Ðiện Biên Ðông, các cửa hàng tạp hóa chủ yếu bán các mặt hàng được sản xuất trong nước từ gói mì chính, chai nước mắm đến thùng mì tôm... cũng chủ yếu mang thương hiệu Việt. Hàng năm, huyện phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các đợt đưa hàng về vùng cao phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Theo thống kê của huyện Điện Biên Đông, đến nay toàn huyện có trên 300 hộ kinh doanh, phân bố khá đều ở các xã. Đây chính là kênh đưa hàng Việt về nông thôn vùng sâu, vùng xa hiệu quả nhất.
Tại huyện Mường Nhé, nhiều năm trở lại đây, thương mại dịch vụ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt, sản xuất của bà con. Hầu hết các loại mặt hàng thiết yếu (quần áo, muối, mì chính…) đều được phân phối về tận trung tâm các xã, bản. Thương mại dịch vụ phát triển, các cửa hàng, đại lý lớn xuất hiện, bày bán đầy đủ các mặt hàng đã giúp người dân không còn phải di chuyển quãng đường xa gần 60km về trung tâm huyện lỵ Mường Nhé để chọn mua hàng hóa như trước đây.
Thực tế cho thấy, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Điện Biên không chỉ thể hiện ở những con số về số lượng các phiên chợ hàng Việt, số hàng hóa tiêu thụ mà là sự phủ sóng rộng khắp của những mặt hàng sản xuất trong nước đến tận thôn, bản vùng cao xa xôi, cho dù giao thông vùng cao, biên giới đi lại còn nhiều khó khăn.