THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Đồng Tháp:
Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng khoai
Triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì… mà còn chú trọng thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Trong đó, việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng khoai được đặc biệt quan tâm.
Thay đổi tư duy sản xuất
Thời gian qua, sản phẩm khoai lang, khoai môn mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp. Theo khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ, khoai lang là cây lương thực đứng thứ 3 sau lúa, bắp. Trong đó, riêng huyện Châu Thành, bà con nông dân tập trung trồng khoai lang với tổng diện tích canh tác hàng năm khoảng 3.000 héc-ta. Với khoai môn, trong vụ hè thu 2019, toàn tỉnh có gần 500 héc-ta diện tích trồng khoai môn, năng suất bình quân 20 - 30 tấn/héc-ta. Đặc biệt, khoai môn ở huyện Lấp Vò được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2019. Tuy nhiên, khi diện tích khoai tăng mạnh, người dân lại đối diện với thực trạng “được mùa mất giá”. Để giải quyết bài toán này, việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng khoai, xây dựng các mô hình sản xuất thông minh, an toàn, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao hơn giá trị cho ngành hàng tiềm năng này là điều cần thiết. Trong khi đó, bà con trồng khoai lang hầu như sản xuất thủ công, không chủ động được đầu ra cho nông sản, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi tư duy sản xuất của bà con, gắn trồng trọt, sản xuất vào chế biến, bảo quản nông sản sạch, nông sản an toàn.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ mặt hàng khoai chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và Campuchia. Trong khi đó, khoai lang, khoai môn vẫn đủ khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Tuy nhiên, để mặt hàng này xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Liên kết trong bảo quản, chế biến
Châu Thành là một trong những huyện đầu tiên đưa khoai lang vào thực hiện tái cơ cấu ngành hàng nông nghiệp. Để nâng cao giá trị ngành hàng này, huyện đã hỗ trợ bà con tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình trồng và chế biến khoai sạch gắn với tiêu thụ. Mặc dù vậy, việc phát triển ngành hàng khoai lang của Châu Thành vẫn còn nhiều khó khăn khi công tác bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn thấp. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, khoai lang, khoai môn có giá trị dinh dưỡng cao, tiềm năng thị trường đối với các sản phẩm chế biến là rất lớn. Do đó, việc áp dụng công nghệ xử lý và bảo quản khoai sạch là cần thiết. Qua đó, giúp bảo quản khoai lâu hơn để chờ vận chuyển đến các thị trường xa. Vì vậy, để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị cho mặt hàng khoai, thời gian tới huyện Châu Thành sẽ tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu chọn giống đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch, xử lý và tồn trữ, chế biến… Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ khoai lang.
Về lâu dài, để phát triển khoai lang theo hướng bền vững, huyện Châu Thành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người trồng khoai. Đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa (TP. Hồ Chí Minh) ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất; tuyển chọn giống khoai lang chất lượng cao, kháng sâu bệnh vào sản xuất. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trồng khoai; phát triển đa dạng các sản phẩm từ khoai lang gắn với Chương trình OCOP của địa phương. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật đến từng vùng trồng khoai để hướng dẫn bà con canh tác khoai sạch, năng suất cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống khoai lang; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm khoai...
Tây Bắc:
Mùa thu hoạch táo mèo
Táo mèo (đông y gọi là quả sơn tra) được trồng ở nhiều tỉnh vùng Tây Bắc như: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La… Vào thời điểm này, các hộ đồng bào nơi đây đang tấp nập thu hoạch quả.
Nổi tiếng nhất, có mùi vị đặc trưng nhất là táo mèo ở Yên Bái, nơi có khí hậu mát mẻ, ở độ cao trên 1.000 mét. Táo mèo đã trở thành một “đặc sản” của vùng sơn cước. Thời điểm này khắp các chợ huyện và nhiều nhất là chợ ga Yên Bái ngập tràn táo mèo. Táo mèo là một loại quả đa năng, vừa là một vị thuốc quý, vừa dùng để giải khát mát và bổ trong mùa hè. Hạt và ruột có nhiều tính năng giảm béo, hạ huyết áp, an thần cân bằng sinh lý và phòng chống các biến chứng do tăng huyết áp gây ra… Chính vì vậy, táo mèo được dùng nhiều trong các vị thuốc bồi bổ tinh thần. Khách du lịch về Yên Bái cũng bị thu hút bởi những bình rượu táo mèo - một loại rượu rất dân dã và độc đáo của vùng sơn cước.
Tại Lai Châu, bà con bản Lao Chải 2, xã Khun Há, huyện Tam Đường đang vào vụ thu hoạch chính của táo mèo. Khác với mọi năm, giá táo mèo năm nay giảm khiến bà con lo lắng. Những năm trước, giá táo mèo từ 20.000 – 25.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ bán được với giá từ 6.000 – 8.000 đồng/kg. Bán tại vườn bị tư thương ép giá nên một số hộ đồng bào đã vận chuyển về chợ trung tâm thành phố Lai Châu để bán nhưng giá bán được cũng rất thấp. Một hộ đồng bào cho hay, hiện táo mèo bước vào thu hoạch chính và đã có hiện tượng rụng quả. Chính vì thế, bản đang huy động nhân lực thu hái quả bán lẻ với giá “rẻ như cho” để vớt vát chút vốn.
Có thể thấy, cây táo mèo đã dần khẳng định giá trị kinh tế, góp phần mang lại nguồn thu ổn định cho đồng bào Tây Bắc. Song để phát triển bền vững cây táo mèo cần có những giải pháp mang tính lâu dài. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh; hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng; liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Ea Súp (Đắk Lắk):
Ngô mất mùa, mất giá
Nông dân huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đang vào mùa thu hoạch ngô chính vụ. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất, chất lượng ngô không cao, giá ngô lại liên tục giảm khiến người dân lao đao.
Vụ hè thu năm nay, huyện Ea Súp gieo trồng khoảng 3.760 héc-ta ngô lai. Ngay từ đầu vụ, thời tiết đã không thuận lợi, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích ngô bị ảnh hưởng. Vào thời điểm ngô phơi màu, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn khiến trái không to, hạt ngô không đều. Ở nhiều vườn ngô xuất hiện tình trạng cây ngô thấp, quả nhỏ, hạt ít, thậm chí, nhiều diện tích gần như mất trắng. Đến thời kỳ ngô chuẩn bị thu hoạch lại xuất hiện nhiều trận mưa to khiến ngô bị nấm mốc và mọc mầm khiến năng suất ngô chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với năm trước.
Bên cạnh đó, giá ngô lại giảm liên tục, từ 3.600 đồng/kg ngô tươi xuống 2.800 - 3.000 đồng/kg khiến nông dân đứng ngồi không yên. Theo nhiều người dân, giá ngô thấp như hiện nay là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc giao thương mua bán của người dân gặp khó khăn. Trong khi đó, hệ thống đường giao thông vào một số xã cũng xuống cấp dẫn đến việc các thương lái hạ giá mua để bù vào chi phí thuê xe vận chuyển. Ngoài ra, do vào thời điểm giữa vụ, ngô đang thu hoạch đại trà, nguồn cung cao hơn cầu. Hơn nữa, dịch tả heo Châu Phi khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề kéo theo nhu cầu thu mua ngô làm thức ăn gia súc cũng giảm theo.
Ngô mất mùa lại mất giá nên nhiều gia đình thất thu. Nhiều hộ đồng bào hiện đã thu hoạch xong nhưng vẫn băn khoăn chưa biết nên bán hay để lại bởi giá ngô hiện tại quá thấp, không bù đắp được chi phí. Nếu để ngô lại thì không có vốn đầu tư vì bà con thường làm gối vụ. Ngô lại khó bảo quản do không có máy sấy, trong khi trời mưa nhiều không phơi được. Trên thực tế, nếu theo tính toán của bà con, một hộ gia đình thu hoạch từ 2 héc-ta ngô lai chỉ bán được 15 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu…, gia đình chỉ còn lại 2 triệu đồng trong khi chưa tính công gieo trồng, chăm sóc.
Bình Định:
Sản xuất mè trên đất lúa lãi ròng cao
Thực hiện chuyển đổi trồng cây màu trên đất lúa, vụ Hè Thu năm nay, Viện Khoa học kỹ thuật Duyên hải Nam Trung bộ (thuộc Bộ NN&PTNT) đã thực hiện mô hình sản xuất mè trên diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới tại xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), với quy mô 5 héc-ta để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân địa phương. Kết quả cho thấy, năng suất mè đạt 10,3 tạ/héc-ta; sản phẩm được bán với giá 40.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập 41,2 triệu đồng/héc-ta, lãi ròng gần 18 triệu đồng/héc-ta sau khi trừ chi phí. Mức lãi này cao hơn 13,7 triệu đồng so với sản xuất lúa trên cùng một diện tích. Hiệu quả kinh tế của mô hình là cơ sở để chính quyền và nông dân địa phương lựa chọn, nhân rộng.
Hà Tĩnh:
Ngư dân trúng đậm cá cơm
Tuần qua, ngư dân ở Hà Tĩnh ra khơi trúng đậm cá cơm, mỗi ngày thu về từ 1 - 3 triệu đồng. Đây là loài cá chỉ đánh bắt nhiều vào dịp đầu năm hoặc cuối năm. Tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), người dân ra khơi đánh bắt cá từ lúc tờ mờ sáng, đến trưa thì vào bờ. Theo những ngư dân miền biển Hà Tĩnh, mùa cá cơm thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, thời gian qua từ tháng 8 đến nay, nhiều ngư dân cũng tỏ ra bất ngờ khi cá cơm trúng vụ. Trung bình mỗi ngày, các tàu cá bắt được từ 1 - 3 tạ cá cơm. Hiện nay, giá cá cơm bán khoảng 500.000 đồng/tạ. Chỉ trong một đêm nhiều tàu bè kiếm được từ 1 - 3 triệu đồng từ nguồn lộc biển bất ngờ này. Cá cơm sẽ được tiểu thương mua ngay sau khi lên bờ. Loài cá này chủ yếu được ngư dân phơi làm cá khô. Lo sợ sắp tới thời tiết sẽ có mưa nên khi mặt trời vừa đứng bóng cũng là lúc người dân hối hả rủ nhau giăng lưới để phơi cá.
Hàm Tân (Bình Thuận):
Mất mùa bí đỏ
Những năm qua, bí đỏ được xem là cây trồng ngắn ngày mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Vụ hè - thu năm nay do thời tiết bất lợi nên nhiều diện tích trồng bí đỏ bị thiệt hại nặng nề. Thời điểm này hàng năm, nông dân xã Tân Thắng đã tất bật, hối hả thu hoạch bí đỏ để kịp cho thương lái thu mua, nhưng năm nay lại “nhàn hạ” vì những chân ruộng bí chỉ toàn thân với lá, cả 1 hàng chỉ lác đác từ 1 - 2 trái. Ước tính, bí đỏ bị thiệt hại trên 80% năng suất do ảnh hưởng của thời tiết. Hiện nay, mặc dù giá bí đỏ tăng cao, đạt từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bà con không có bí để bán.
Tiền Giang:
Giá dê tăng
Là địa bàn thường xuyên đối mặt hạn hán và xâm nhập mặn, bà con một số huyện, thị ven biển tỉnh Tiền Giang đã phát triển nghề chăn nuôi dê. Nhờ vậy, nông dân ở những địa bàn khó khăn này có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời, tổ chức sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, giá dê thịt đang ở mức cao, người chăn nuôi dê hưởng lợi lớn. Cụ thể, giá dê thịt dao động trong khoảng từ 120.000 - 135.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, thời gian gần đây, giá dê giống, dê thịt luôn ổn định ở mức khá cao. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ tương đối thuận lợi, người nuôi có lãi khá. Giá dê tăng cao do nhu cầu thị trường lớn và xu hướng tiêu dùng của người dân sử dụng sản phẩm thịt dê nhiều hơn. Dê thịt có giá cũng tạo thêm động lực cho bà con phát triển chăn nuôi dê, xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn phù hợp, bền vững.
Bình Tân (Vĩnh Long):
Nhà vườn phấn khởi vì mận nghịch vụ giá cao
Hiện nay, nhà vườn trồng mận (roi) ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang thu hoạch mùa nghịch. Nhà vườn phấn khởi vì mận được bán với giá cao, gấp nhiều lần so với mùa thuận.
Có thể nói, mận là một trong những loài cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ đối với bà con nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại Vĩnh Long, các nhà vườn ở huyện Bình Tân đã tăng mạnh diện tích loại cây ăn trái này trong thời gian gần đây. Năm nay, mận mùa nghịch được giá. Cụ thể, mận An Phước được thương lái thu mua với giá trên 40.000 đồng/kg và mận Hồng Đào đá trên 20.000 đồng/kg. Tuy năng suất chỉ bằng 1/3 so với mùa thuận nhưng với mức giá như hiện nay, nhà vườn phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.
Hiện đa số nhà vườn trồng mận trên địa bàn huyện Bình Tân đều áp dụng quy trình trùm lưới và bao trái nên trái mận ít bị sâu bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này góp phần giảm chi phí đầu tư cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nên được thị trường ưu chuộng và ngày càng tạo thương hiệu cho mận Bình Tân.
Sắp tới đây, một số địa phương sẽ hình thành tour du lịch khám phá và trải nghiệm về nhà cổ, vườn cây ăn trái, ẩm thực đồng quê và nghỉ dưỡng. Các vườn mận sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch thu hút khách du lịch, tạo cơ hội cho nhiều nhà vườn phát huy tối đa thế mạnh, góp phần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế địa phương.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Nhận biết bột giặt Omo thật - giả
Thời gian qua, tại thị trường một số tỉnh miền núi đã xuất hiện bột giặt Omo giả. Những gói hàng giả này thường được bán xen lẫn với hàng thật khiến lực lượng chức năng khó kiểm tra, kiểm soát.
Chủ một cửa hàng bán hàng xén ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, bán loại bột giặt Omo giả người bán thu lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần bán hàng của công ty. Đơn cử với gói 400g, nếu như bán bột giặt Omo thật chỉ được lãi khoảng 1.400 đồng. Nhưng khi bán bột giặt Omo giả lợi nhuận có thể đạt từ 3.000 - 4.000 đồng. Tuy nhiên, sử dụng bột giặt Omo giả kém chất lượng rất có hại cho sức khỏe. Bột giặt giả dễ gây kích ứng da, nhất là da em bé, có thể gây nên hiện tượng mẩm ngứa. Còn đối với người lớn, tình trạng nấm da, ngứa ngáy khi sử dụng bột giặt giả, kém chất lượng khá phổ biến. Trước tình trạng này, đại diện của Unilever Việt Nam khuyến cáo tới người tiêu dùng những đặc điểm để phân biệt bột giặt Omo thật - giả như sau:
Phân biệt qua dấu hiệu bên ngoài
Trên vỏ bột giặt Omo thật có “dấu chìm” quanh bao bì với dòng chữ: “Unilever Việt Nam – Bảo đảm hàng thật”. Chỉ cần nhìn nghiêng sẽ thấy được “dấu chìm” này. Omo giả không có “dấu chìm”.
Quan sát phần giới thiệu về công ty sản xuất, Omo giả ghi: Sản phẩm của công ty liên doanh Unilever Việt Nam trong khi hàng thật ghi: Sản phẩm của công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Quan sát các họa tiết, nét chữ trên sản phẩm có thể thấy hàng thật được in sắc nét, khác hẳn với sản phẩm nhái. Nhìn kỹ dòng chữ in giá và ngày sản xuất trên bao bì sẽ thấy sản phẩm thật có giá thấp hơn và mực in có màu nâu đậm. Nhìn tổng quan hình bao bì giả có dấu hiệu nàu nát; các đường hàn mép thủ công không phẳng phiu, nhăn nhúm; đường răng cưa thưa và rời rạc.
Về mặt chất lượng
Bột giặt Omo thật có nhiều bọt, có màu trắng ngà, không bị vón cục trong khi hàng giả thường ít bọt, trắng tinh, bị vón cục. Unilever Việt Nam cũng khuyên người tiêu dùng, nhất là bà con ở các tỉnh miền núi nên mua sản phẩm tại các địa chỉ tin cậy, siêu thị, các đại lý chính thức của công ty.
HÀNG VIỆT |
Điện Biên:
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Năm 2020, song song với việc tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương đạt chuẩn OCOP, Điện Biên chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu.
Xúc tiến sản phẩm OCOP trên 2 lĩnh vực
Năm nay, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đang thực hiện công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên 2 vực lĩnh vực: Kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử. Hiện Sở đã xây dựng xong kế hoạch và đề án các chương trình xúc tiến thương mại năm 2020 và đang từng bước triển khai thực hiện. Mặc dù năm nay, hoạt động xúc tiến thương mại bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 song Sở vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Ðối với kênh bán hàng truyền thống, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, dự kiến tỉnh sẽ tham gia 4 hội chợ thương mại lớn về các sản phẩm OCOP tại các tỉnh: Ðà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Phòng và Lào Cai. Tại các hội chợ này, Điện Biên sẽ tham gia 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán 26 sản phẩm OCOP. Tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí gian hàng, trang trí, vận chuyển hàng hóa và công tác phí cho 2 chủ thể của sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức ký kết các chương trình hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP với các địa phương trong cả nước, điển hình là việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong phát triển sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh.
Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, thương mại điện tử, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại Ðiện tử (Bộ Công Thương) tổ chức 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã về lĩnh vực thương mại điện tử. Hiện nay, Sở Công Thương đang thực hiện Ðề án “Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Ðiện Biên xúc tiến bán hàng online bằng phương tiện tiếp thị đa kênh”. Phần mềm tiếp thị đa kênh được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Qua đó, nắm bắt cơ hội kinh doanh, tăng lượng khách hàng tiềm năng cũng như chăm sóc, giữ chân các khách hàng truyền thống. Kênh xúc tiến này được đánh giá là bước đệm quan trọng để các doanh nghiệp khai thác sâu và hiệu quả hơn trên nền tảng thương mại điện tử.
Chú trọng các nông sản địa phương
Điện Biên hiện có 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được Hội đồng xét duyệt tỉnh công nhận (vượt 15 sản phẩm so với kế hoạch); gồm 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong đó, huyện Tủa Chùa dự kiến xây dựng 7 sản phẩm đặc trưng, có lợi thế giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, bao gồm: Chè Tuyết Shan, rượu mông pê, gà đen, dê núi, khoai sọ tím, du lịch hang động Pê Răng Ky, du lịch tham quan và hái chè cây cao Sín Chải. Là huyện vùng cao, Tủa Chùa có nhiều nông sản đặc trưng, sản phẩm có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP đồng thời gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn do hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản của huyện chủ yếu sơ chế, chưa có chế biến theo chiều sâu; nguồn nguyên liệu chưa ổn định, mang tính thời vụ, cung cấp chủ yếu tại địa phương. Ðối với các sản phẩm gắn với du lịch như: 3 hang động đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia; văn hóa chợ phiên, thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông... thì hạ tầng giao thông còn hạn chế, đi lại khó khăn nên khó phát triển.
Tại huyện Mường Ảng, năm 2019 có 3 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh: Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Ðiện Biên; cà phê phin giấy Mon black coffee drip bag và cà phê túi nhúng Smile single bar coffee. Kết quả cả 3 sản phẩm đều được công nhận đạt “3 sao”, là 3 trong số 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2019 của tỉnh. Hiện nay, huyện đang tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Bưởi da xanh, cam Vinh, vịt cổ ngắn... nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình.