THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Liên kết phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa
Liên kết nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu, là động lực để phát triển nền sản xuất hàng hóa. Đây cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp, tập đoàn đang hướng tới nhằm giúp bà con tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Sản xuất, chế biến hoa quả tươi từ các loại cây bản địa
Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ hai trên toàn quốc. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn, 161 mã số vùng trồng 4.300 héc-ta cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc… Nhận thấy nguồn lực đất đai và tiềm năng phát triển diện tích cây ăn quả của Sơn La, năm 2018, Tập đoàn TH đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đặt tại huyện Vân Hồ - huyện 30A, vùng cao, khó khăn của tỉnh Sơn La. Cuối tháng 9 vừa qua, Nhà máy đã đi vào hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện giúp bà con dân tộc nơi đây tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Điểm nhấn mà Tập đoàn TH hướng đến là sự phát triển bền vững, đưa nông dân, trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số vào chuỗi sản xuất khép kín. Từ định hướng liên kết nhà nông thông qua các hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, Tập đoàn TH còn hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, sơ chế, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong mô hình này, hợp tác xã như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm, gắn kết bà con với doanh nghiệp.
Về quy hoạch vùng nguyên liệu, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như: Các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng trồng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc (Hòa Bình); Vân Hội (Trấn Yên, Yên Bái). Dự án cũng đồng hành cùng nông dân đẩy mạnh kết hợp trồng cây ăn quả và dược liệu để phát triển du lịch vùng miền tại địa phương, làm kinh tế dưới tán rừng.
Bao tiêu sản phẩm của vùng nguyên liệu khoai mì
Với mục tiêu tương tự như vậy, năm 2018, Tập đoàn Sao Mai đã chi hơn nửa tỷ đồng để tài trợ vốn, giống, chuyển giao phương thức canh tác cho các hộ dân người Khmer tham gia mô hình trồng giống khoai mì (KM140) khảo nghiệm ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Vụ đầu tiên, cây khoai mì đã cho mùa bội thu với năng suất bình quân 35 tấn/héc-ta, Tập đoàn Sao Mai thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trong khi đó, trước đây, giống mì địa phương năng suất chỉ đạt tối đa 27 tấn/héc-ta, giá không ổn định nên cuộc sống của đồng bào rất bấp bênh.
Kết quả thành công bước đầu là nền tảng quan trọng để niên vụ khoai mì 2019, diện tích được nhân rộng lên 100 héc-ta với sự tham gia của hơn 80 hộ đồng bào. Theo kế hoạch, từ năm 2020 trở đi, diện tích vùng liên kết sẽ liên tục tăng trưởng để đến năm 2022 phấn đấu đạt 5.000 héc-ta ở cả 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Khi ấy sẽ giải quyết việc làm cho thêm khoảng 2.000 lao động và ổn định cuộc sống cho 2.500 hộ gia đình thoát nghèo. Bên cạnh đó, sản lượng khoai mì sẽ đảm bảo cung cấp 100% nguồn nguyên liệu cho Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản của Tập đoàn.
Sự thay đổi rõ nét ở vùng đất khô cằn vùng Bảy Núi là minh chứng sống động khẳng định hiệu quả của mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong mở rộng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập của các hộ đồng bào Khmer tăng qua từng năm.
Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang):
Hình thành vùng chuyên canh thanh long
Thời gian qua, chủ trương chuyển đổi sản xuất từ đất trồng trọt kém hiệu quả sang trồng thanh long chuyên canh tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được người dân địa phương hưởng ứng nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm thanh long có đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm trồng trọt.
Tiền Giang xác định, thanh long là một trong những cây ăn quả đặc sản và thương hiệu “Thanh long Chợ Gạo” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận sở hữu tập thể. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn huyện Chợ Gạo có 15 xã phát triển diện tích thanh long với tổng diện tích 7.400 héc-ta. Các xã có diện tích thanh long trên 500 héc-ta gồm: Quơn Long, Đăng Hưng Phước, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Tân Thuận Bình...
Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo đang thu hoạch những đợt thanh long cuối cùng của mùa ra hoa tự nhiên. Đồng thời, tích cực chăm sóc để chuẩn bị cho vụ thanh long ra hoa trái vụ và được xuất khẩu đi các thị trường châu Á và một số nước châu Âu, châu Mỹ... Để đáp ứng cho việc phát triển thương hiệu, sử dụng có hiệu quả lợi thế so sánh đối với sản phẩm này, huyện tiếp tục triển khai chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Qua đó, góp phần tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định và tạo điều kiện để khai thác tốt thương hiệu hàng hóa đã được công nhận. Bên cạnh đó, huyện có giải pháp xây dựng mã vùng, mã vạch cho các sản phẩm thanh long; xây dựng và thực hiện quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường... Đặc biệt, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhiều nhà nông đã làm giàu từ cây thanh long, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc và địa phương đạt thành quả tốt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hà Tĩnh:
Nhân rộng mô hình trồng dưa vàng
Xã Bắc Sơn (nay thuộc xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) là một xã miền núi có địa hình khá phức tạp. Vì vậy, việc trồngcây gì, nuôi con gì giúp tăng thu nhập cho bà con luôn được địa phương quan tâm.
Vùng đất Hà Tĩnh được mệnh danh là “túi mưa, chảo lửa”, điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt nhưng người dân nơi đây cần cù, sáng tạo đã đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để cung cấp cho thị trường những quả dưa vàng, dưa lưới Bắc Sơn. Điều này đã mở ra một hướng sản xuất mới, khẳng định tính đúng đắn trong phát triển nông nghiệp sạch. Địa phương đã lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa. Thông qua hoạt động của HTX nhằm góp phần xây dựng thương hiệu dưa lưới, đưa dưa vàng Bắc Sơn ngày càng phát triển hơn. Dưa Bắc Sơn có thể trồng nhiều vụ trong năm, vị ngọt thơm, được thị trường ưa chuộng và đặc biệt cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Vì vậy, năm 2020, các hộ dân trong xã Bắc Sơn lại tiếp tục nhân rộng mô hình trồng dưa trong nhà màng với tổng diện gần 2 héc-ta trồng các loại dưa lưới, dưa vàng.
Dưa lưới, dưa vàng khi được trồng trong nhà màng sẽ giúp bảo vệ cây trước tác động của thời tiết, điều kiện ngoại cảnh; loại bỏ được một số loại sâu bệnh hại cây trồng, giúp kiểm soát được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng của chúng trong sản phẩm. Đặc biệt, loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu. Đồng thời, nhờ hệ thống tưới, cung cấp chất dinh dưỡng tự động theo tiến độ sinh trưởng của cây nên kiểm soát hoàn toàn dư lượng phân bón, cây phát triển khỏe, cho năng suất, chất lượng cao. Thời gian cho mỗi vụ dưa từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 3 tháng, nếu xoay vòng tốt, 1 năm người dân có thể trồng 3 vụ dưa. Tổng thu nhập đối với mô hình sản xuất công nghệ cao trong nhà màng đạt 125 triệu đồng/sào/năm (tương đương với 2,5 tỷ đồng/héc-ta/năm).
An Lão (Bình Định):
Giá cau tươi tăng gấp 4 lần
Những ngày này, trên những tuyến đường khắp thôn, xóm của huyện An Lão, tỉnh Bình Định, thương lái tấp nập thu mua cau tươi. Tuy vụ này, cau ra trái chỉ bằng 2/3 so với vụ trước nhưng giá cau ở mức cao từ 20.000 - 24.000 đồng/kg, tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Thậm chí, nhiều thương lái đặt tiền cọc trước cho chủ vườn, đợi khi cau đến độ sẽ mua, có trường hợp đặt mua luôn cả cau non… Tuy vậy, không như mọi năm, người dân năm nay không bán cau non mà canh giữ đến kỳ thu hoạch mới hái bán để được giá hơn. Giá cau tươi khá cao nên ngay từ đầu vụ thương lái đã vào tận vườn nhà để thu mua. Tuy nhiên, do giá cau lên xuống thất thường nên địa phương không khuyến khích bà con trồng mới hay phá bỏ cây cau mà hướng dẫn bà con nên tận dụng các diện tích đất gò đồi, bờ vườn, bờ rào, đất kém hiệu quả để trồng cau, vừa tạo cảnh quan sinh thái làng quê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập. Cau được mùa, kéo theo các lò sấy cau trái ở xã An Hòa, An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho các thương lái. Trung bình mỗi ngày mỗi lò sấy cau tại địa phương thu mua từ 3 - 4 tấn cau tươi/ngày, tạo việc làm cho 20 - 30 lao động nông nhàn tại địa phương.
Giá lợn hơi 3 miền đều giảm
Hiện nay, giá lợn hơi ở cả 3 miền đều giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tuần trước, về mức 72.000 - 80.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất cả nước, dao động từ 72.000 - 75.000 đồng/kg. Tại các miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi ở khoảng 75.000 - 79.000 đồng/kg. Tại khu vực phía Nam như các tỉnh Đồng Nai, Long An... lợn hơi được thu mua ở mức 80.000 đồng/kg. Giá lợn hơi giảm kéo theo giá bán thịt thành phẩm tại các chợ cũng hạ theo. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, với đà giảm như vậy, dự kiến ngay trong quý IV này, giá lợn hơi sẽ giảm về mức kỳ vọng là 70.000 đồng/kg, vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi lợn trong nước và vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm cũng như lợi ích của người chăn nuôi. Như vậy, cùng với sản lượng thịt lợn nhập khẩu tăng cao, khả năng sẽ không còn sự thiếu hụt nguồn cung trong những tháng cuối năm.
Lâm Đồng:
Vú sữa Hoàng Kim giá ổn định
Bên cạnh những trái vú sữa Lò rèn, vú sữa Vĩnh Kim đã được người tiêu dùng biết đến, thời gian gần đây, nông dân Lâm Đồng đã trồng thêm giống vú sữa mới có nguồn gốc ngoại nhập với màu vàng tươi gọi là vú sữa Hoàng Kim. Với giá bán hiện tại dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/kg, vú sữa Hoàng Kim đã giúp bà con nơi đây có nguồn thu nhập ổn định. Đặc biệt, loại cây này rất phù hợp với đất Bảo Lâm, Bảo Lộc, cây lớn nhanh, trái ngọt và lên màu vàng rất đẹp. Trước những ưu điểm này, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm vú sữa Hoàng Kim tại 3 huyện phía Nam Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Bước đầu cho thấy cây phát triển tốt, thích ứng với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của địa phương. Nếu thành công, vú sữa Hoàng Kim có thể là cây trồng hiệu quả với thời gian cho trái ngắn, năng suất cao và được thị trường ưa chuộng.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL):
Giá lúa tăng trở lại
Giá nhiều loại lúa tại vùng ÐBSCL tăng trở lại từ 50 - 100 đồng/kg so với cách nay 2 tuần và đang ở mức khá cao. Diễn biến này khiến bà con nông dân rất phấn khởi trước vụ lúa thu đông 2020. Tuần đầu tháng 10/2020, giá lúa thơm Jasmine 85 và Ðài Thơm 8 tại: Hậu Giang, An Giang, Tp. Cần Thơ… bán ngay tại ruộng cho thương lái ở mức 6.100 - 6.300 đồng/kg (trước đó giá 6.000 - 6.250 đồng/kg). Các loại lúa tươi hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 9577, OM 9582… hiện có giá từ 5.600 - 6.000 đồng/kg; lúa tươi IR 50404 có giá khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg. Giá lúa ở mức cao do đầu ra xuất khẩu gạo tiếp tục có nhiều thuận lợi. Ðặc biệt, gần đây gạo đã mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính giúp mang lại giá trị cao, nhất là thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, nguồn cung lúa gạo hàng hóa tại TP. Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL giảm so với trước do nông dân đã thu hoạch và tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa vụ thu đông 2020. Theo nông dân sản xuất lúa vụ thu đông 2020, nhờ lúa đạt năng suất và bán được giá cao, vụ này nông dân có thể đạt mức lợi nhuận 1,5 - 2,5 triệu đồng/công lúa.
Phiên chợ thương mại biên giới huyện Ðiện Biên
Điện Biên là huyện miền núi, biên giới tỉnh Điện Biên. Huyện có đường biên giới giáp Lào, có cửa khẩu Quốc tế Tây trang, cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc và một số đường tiểu ngạch sang Lào. Vì vậy, hoạt động xúc tiến thương mại biên giới luôn được địa phương quan tâm phát triển.
Tuần cuối tháng 9/2020, Sở Công thương tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND huyện Điện Biên tổ chức phiên chợ thương mại biên giới huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên năm 2020. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao, biên giới thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia 2020 trên địa bàn tỉnh và cũng là năm thứ 2 phiên chợ được tổ chức tại huyện Điện Biên với sự tham gia của trên 30 gian hàng, cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Với nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, phong phú về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phiên chợ đã thu hút được đông đảo đồng bào dân tộc các xã vùng cao huyện Điện Biên đến tham quan, mua sắm. Đây cũng cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thiết lập, duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm đến khu vực nông thôn, biên giới; tạo cơ hội để doanh nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời thiết lập, ký kết các hợp đồng phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Được xem là hoạt động kinh tế, xã hội có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại khu vực miền núi, biên giới, Sở Công thương Điện Biên khẳng định, phiên chợ còn là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc tổ chức phiên chợ nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, nhất là thị trường vùng sâu, vùng xa khó khăn. Đây cũng là chương trình xúc tiến thương mại nhằm khôi phục phát triển thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng. Thời gian tới Sở Công thương Điện Biên sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức các phiên chợ hàng Việt.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Buôn bán 1 bao thuốc lá nhập lậu bị phạt tới 3 triệu đồng
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận 1 bao thuốc lá nhập lậu có thể bị phạt tiền tới 3 triệu đồng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong Hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, từ ngày 15/10/2020, người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền tới 3 triệu đồng. Như vậy, dù chỉ buôn bán 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, người bán đã có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng. Việc tái phạm các hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng hình thức phạt tiền với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, thay cho hình thức cảnh cáo được quy định trước đây, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác chống thuốc lá điếu nhập lậu. Đồng thời, cảnh báo các cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng không tiếp tay cho thuốc lá điếu nhập lậu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thuốc lá nhập lậu vẫn là một trong những mặt hàng trọng điểm kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh biên giới Tây Nam. Chỉ riêng trong 8 tháng năm 2020, lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ hơn 8.300 vụ, tịch thu hơn 8 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại. Đặc biệt, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh biên giới liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu số lượng lớn. Chi cục quản lý thị trường một số tỉnh giáp biên cũng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đội quản lý thị trường trinh sát, nắm tình hình, quản lý địa bàn, nắm rõ đối tượng, mặt hàng, phương thức, thủ đoạn hoạt động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, hải quan và chính quyền địa phương ngăn chặn các vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu một cách triệt để nhất.
HÀNG VIỆT |
Hạt dổi - gia vị của núi rừng Tây Bắc
Mỗi năm cứ vào khoảng thời gian từ tháng 10 - 11 dương lịch hàng năm là mùa của những hạt dổi rừng chín. Khi ấy, bà con đồng bào dân tộc vùng núi Tây Bắc lại vào rừng nhặt hạt dổi về ăn hoặc bán.
Hạt dổi thường được sử dụng như một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Khi mua loại hạt này về, khách hàng sành ăn có thể dùng làm gia vị cho các món ăn hàng ngày thêm dậy mùi. Người miền núi thường cho hạt dổi vào tiết canh, chấm gà vịt luộc, nấu phở,... Chỉ cần cho thêm vài hạt dổi vào thì mùi vị đặc biệt thơm ngon. Hạt dổi nhỏ, màu nâu sậm và có hương vị rất thơm. Trong đó, hạt dổi nếp là loại thơm ngon nhất được bán từ 200.000 - 300.000 đồng/lạng. Một loại hạt dổi khác là loại hạt dổi to hay còn gọi là hạt dổi tẻ. Chúng có kích cỡ to hơn, có màu đen nhưng không thơm bằng hạt dổi nhỏ. Khi ngửi kỹ, loại hạt dổi tẻ này có mùi hắc khá khó chịu. Đây là loại hạt được bán với số lượng nhiều và giá thành rẻ hơn nhiều. Giá chỉ từ 150.000 - 180.000 đồng/lạng.
Thông thường, vào thời điểm chính chính vụ, hạt dổi nếp được bán với giá 200.000 đồng/lạng. Sau tháng 11, hết vụ thu hoạch, giá thường tăng lên đến 300.000 đồng/lạng. Dù giá thành hạt dổi rừng đắt nhưng nhiều khách sành ăn đặc sản của núi rừng vẫn đặt 1 - 2 lạng về ăn cả năm.
Để thu hoạch được những hạt dổi rừng quý hiếm, bà con vùng cao thường phải vào rừng tìm đến những cây có tuổi đời đến vài chục năm để nhặt hạt rụng xuống. Cứ 3kg hạt dổi tươi phơi được 1kg hạt dổi khô. Hạt dổi rừng tươi khi phơi khô đã tự có mùi thơm đặc trưng nhưng chỉ khi nào dùng nướng trên than củi hồng và đảo nhanh tay, hạt dổi rừng sẽ nở căng ra và mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Sau khi nướng thơm lên đem giã nhỏ trộn với muối trắng và vắt thêm ít nước chanh vào làm gia vị để chấm ăn cùng thịt lợn nướng, thịt luộc, thịt trâu sấy, lạp xưởng hoặc làm gia vị tẩm ướp các món ăn… Ngoài làm gia vị cho các món chấm hay món tẩm ướp, hạt dổi rừng cũng được dùng để ngâm với ớt, măng hay các loại củ muối, chỉ cần cho vài hạt vào trong các lọ dưa muối cũng làm cho các lọ dưa muối ngon và thơm hơn nhiều.
Na Mai Sơn - đặc sản mũi nhọn
Na Thái hay còn gọi là na hoàng hậu là đặc sản mũi nhọn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây là kết quả của quá trình tìm tòi, nghiên cứu và thực hành sản xuất nông nghiệp của những người nông dân Mai Sơn.
Giống na này có xuất xứ từ Thái Lan, được người dân huyện Mai Sơn mua về ghép với cây na bản địa. Sau 3 năm nghiên cứu thực hành, giống na hoàng hậu đã phát triển tốt tại Mai Sơn với ưu điểm quả to, ít hạt, thơm ngon. Na hoàng hậu phát triển tốt, có khả năng kháng bệnh, chịu úng, chịu hạn cao, phù hợp với nhiều loại đất và khí hậu. Thời gian chín của na hoàng hậu kéo dài và bảo quản được lâu, mẫu mã đẹp, giá bán cao gấp 2 - 3 lần na thường. Vụ mùa năm nay, na hoàng hậu đã có mặt tại một số tỉnh thành, cung cấp tới một số siêu thị lớn trong cả nước với giá bán buôn từ 70.000 – 100.000 đồng/kg (tùy loại to hay nhỏ).
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ giống na hoàng hậu, nhiều hộ dân tại Mai Sơn đã chuyển đổi cây trồng khác sang trồng na hoàng hậu. Hiện Mai Sơn có hàng trăm héc-ta trồng na hoàng hậu, trong đó có hàng chục héc-ta được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Trong thời gian tới, Mai Sơn tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây na hoàng hậu trong vùng quy hoạch, để có thêm nhiều sản phẩm thực hiện đúng quy trình sản xuất VietGap, có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đặc biệt, vừa qua, sản phẩm na hoàng hậu đã có mặt tại Hội chợ quảng bá tiêu thụ nông sản đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP tại Hà Nội. Điều này một lần nữa khẳng định được thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của na hoàng hậu Mai Sơn.
(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)