Thông tin thị trường giá cả số 43/2020

03:57 PM 21/10/2020 |   Lượt xem: 3910 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Nông dân miền Trung điêu đứng vì mưa bão

Mưa bão khiến nhiều vùng trồng rau màu, đặc sản ở miền Trung như: Chuối ngự Quãng Ngãi, làng rau Trà Quế... hư hỏng nặng. Nhiều diện tích gần như mất trắng khiến hàng trăm hộ gia đình thất thu.

Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đổ bộ, cơn bão số 6 đã khiến 2.000 gốc chuối ngự ở Xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi bị gãy đổ, hàng trăm hộ nông dân thiệt hại lớn. Hơn 25 héc-ta chuối được trồng để phục vụ Tết Nguyên đán ở vùng trồng chuối lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi đang phát triển tốt đã bị gãy đổ. Nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng đã bị mất trắng sau trận bão. Từ lâu, cây chuối ngự đã trở thành thu nhập chính của hơn 200 hộ trồng chuối ở Hành Tín Đông. Thế nhưng, bão số 6 đã gây thiệt hại hơn 2/3 diện tích với thiệt hại đáng kể khiến các hộ trồng chuối rơi vào cảnh điêu đứng. Trên thực tế, gần chục năm nay, nhiều gia đình ở Hành Tín Đông phất lên nhờ trồng chuối. Ngày rằm và mồng một hàng tháng, mỗi buồng chuối bán được 80.000 - 100.000 đồng. Còn dịp Tết thì lên tới 180.000 - 200.000 đồng/buồng. Nhưng giờ sau trận bão số 6, cả làng đều thất thu. Hiện nay, hơn 200 hộ trồng chuối đang đứng ngồi không yên vì thiệt hại ước tính ban đầu đã lên đến hơn 300 triệu đồng.

Tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, mưa lớn khiến hàng chục héc-ta rau nơi đây bị hư hỏng hoàn toàn, phần lớn là rau chuẩn bị thu hoạch như: Rau thơm, mồng tơi, rau muống, cải đỏ… Thôn Trà Quế có 190 gia đình trồng rau sạch với hơn 20 loại rau các loại và các loại rau thơm để cung ứng cho thị trường. Trung bình mỗi ngày, làng rau xuất ra thị trường gần 2 tấn rau. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ này nên vựa rau lớn nơi đây hư hại gần như hoàn toàn, thiệt hại rất lớn.

Không riêng gì người dân trồng rau ở Quảng Nam, tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn cũng khiến một số xã ngập nặng, rau màu gần như mất trắng. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Phú Vang, đến sáng 10/10, do mực nước triều dâng cao, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên toàn bộ diện tích hồ nuôi trồng thủy sản cao triều hạ triều đều bị ngập hoàn toàn trong nước, với diện tích 1.365 héc-ta. Diện tích rau màu bị hỏng do mưa lớn và ngập là 57,2 héc-ta tập trung tại các xã Phú Mậu, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Phú Dương. Trong đó, xã Phú Mậu là “vựa” rau màu và hoa của Phú Vang bị thiệt hại nặng nhất. Vùng rau Quảng Điền cũng bị thiệt hại nặng do ngập úng. Toàn xã Quảng Thành có 32 héc-ta rau các loại của hơn 750 hộ dân tham gia trồng với thu nhập bình quân 400 triệu đồng/héc-ta. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay, gặp mưa lớn kéo dài, nước đổ về trắng đồng đã khiến nhiều diện tích rau bị dập nát, trong đó có các loại có giá trị kinh tế cao như ngò thơm, cần tây. Mặc dù nhiều năm nay, hệ thống thủy lợi và vùng quy hoạch rau an toàn đã được triển khai đồng bộ, mặt ruộng khá cao nhưng do mưa lũ lớn nên vẫn bị thiệt hại.

Tại Quảng Bình, theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ đã khiến gần 1.000 héc-ta nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó nặng nhất là các huyện: Tuyên Hóa, Ba Đồn, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy… Khoảng 10 ngàn con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị nước cuốn trôi.

Hiện nay, các địa phương ở miền Trung vẫn tiếp tục thống kê thiệt hại và đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân sau bão lũ.

Hậu Giang:

Xây dựng nhiều vùng nông sản chuyên canh

Là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, thời gian qua, Hậu Giang đã xây dựng được các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn như: Vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn trái, vùng mía, vùng nuôi thủy sản...

Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng cánh đồng lớn. Đồng thời, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Sử dụng các giống lúa tốt, vừa có chất lượng gạo ngon, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu của từng mùa vụ trên từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tăng cường việc cơ giới hóa trong sản xuất. Theo đó, sẽ ổn định diện tích 77.200 héc-ta đất lúa, với diện tích gieo trồng 190.200 héc-ta; năng suất bình quân cả năm 6,35 tấn/héc-ta; đảm bảo sản lượng đạt 1,2 triệu tấn/năm. Đặc biệt là mở rộng vùng lúa chất lượng cao 35.000 héc-ta theo tiêu chí cánh đồng lớn tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ. Trong đó có từ 10.000 héc-ta sản xuất, chế biến chuyên theo đơn đặt hàng của thị trường đặc thù cao cấp…

Bên cạnh đó, Hậu Giang đã thực hiện liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm tạo mối quan hệ phối hợp giữa doanh nghiệp với người nông dân qua hình thức liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn với diện tích hàng năm khoảng 10.000 héc-ta, có khoảng 10 công ty, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Đến nay, có 3 doanh nghiệp được phê duyệt dự án cánh đồng lớn, mở rộng vùng lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn.

Bình Phước:

Nhãn Thanh Lương vào mùa

Thanh Lương là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Bình Phước đang bước vào vụ thu hoạch chính. Bà con phấn khởi vì năm nay nhãn được mùa, được giá, đặc biệt đang trong thời gian khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Hiện nay, nhãn được thương lái thu mua với giá 15.000 – 17.000 đồng/kg, thậm chí hàng đẹp giá lên đến 20.000 đồng/kg. Vì vậy, nông dân rất phấn khởi vì nhãn được mùa lại được giá bởi theo tính toán của người dân, giá nhãn trung bình trên 12.000 đồng/kg, bà con đã có lãi. So với mùa vụ năm trước, giá nhãn năm nay trung bình cao hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá lên đến 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, vào ngày rằm, ngày đầu tháng vừa qua có vườn chỉ chín 80% nhưng bà con vẫn phải hái vì khan hiếm hàng.

Thanh Lương có gần 1.000 héc-ta cây ăn trái, trong đó nhãn tiêu da bò 450 héc-ta với 170 hộ nông dân trồng. Nhãn tiêu da bò là một trong những thương hiệu trái cây có tiếng của Bình Phước. Cuối năm 2019, nhãn tiêu da bò Thanh Lương được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ hội và động lực để nông dân Thanh Lương yên tâm sản xuất và phát triển loại cây ăn trái này. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc và Campuchia. Mặc dù trong thời điểm dịch Covid-19 nhưng do nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, vì vậy nhãn Thanh Lương luôn được các thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, nhãn Thanh Lương đang bước vào chính vụ, các thương lái hằng ngày tấp nập đến thu mua để xuất khẩu. Mọi năm, các thương lái thu mua quen chỉ cần gọi điện dặn ngày đến hái là được nhưng năm nay nhiều thương lái đến nhà vườn đặt cọc tiền trước để đảm bảo nguồn hàng.

Kon Tum:

Tiêu rừng bán chạy

Không giống với hạt tiêu thông thường, tiêu rừng có vị thơm nhẹ nhàng không xộc lên mũi, cay nhẹ chứ không cay như hồ tiêu. Loại tiêu này mọc hoang rất nhiều ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt nhiều ở khu vực Măng Đen, huyện Kon Plong, Kon Tum - nơi khí hậu quanh năm mát mẻ. Trước đây, tiêu rừng hái về thường được người dân trong bản dùng để ướp gia vị nhưng nay chúng được người dân thành phố “săn” mua nên giá tăng cao. Giá tiêu rừng bán trên thị trường huyện Măng Đen hiện lên tới 300.000 - 320.000 đồng/kg. Hàng thu được đến đâu là được thương lái và người dân trong tỉnh mua hết đến đó. Các dân buôn ở TP. HCM, Hà Nội muốn có hàng phải đặt trước với giá cao hơn giá bán sỉ tại tỉnh.

Hậu Giang:

Bông súng giảm giá mạnh

Thời gian gần đây, giá bông súng được thương lái đến thu mua tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã giảm chỉ còn một nửa so với trước đây. Người dân trồng bông súng tại thị trấn Búng Tàu cho biết giá thu mua hiện nay chỉ còn 2.200 đồng/kg so với trước đây là hơn 4.000 đồng/kg. Các thương lái nhỏ lẻ cho rằng nguyên nhân là do tình hình tiêu thụ chậm ở các thị trường lớn, các chuyến đi hàng xa hạn chế hơn trước nên chủ yếu bông súng bán ra tại địa phương hoặc khu vực lân cận. Giá cả thu mua ở các nơi này thường không cao như các thành phố lớn. Nhiều người còn lo ngại khi đến mùa nước nổi các loại nông sản tự nhiên có nhiều trên thị trường và khả năng sẽ đẩy giá mặt hàng bông súng xuống thấp hơn.

Bình Phước:

Cao su giống giá ổn định

Vụ cao su năm nay, giá cao su giống trên địa bàn xã Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước ổn định, thị trường đầu ra hút hàng. Hơn 100 hộ nông dân chuyên làm stump cao su giống vui mừng vì có lãi cao. Thông thường những năm trước, khi bước vào mùa mưa mới có người mua nhưng năm nay, trước mùa mưa đã có nhiều người đến mua stump cao su giống về trồng. Hiện 1 cây giống cao su trần có giá từ 5.000 - 6.000 đồng, còn cây giống cao su đặt trong bầu có 1 - 2 tầng lá giá từ 14.000 - 15.000 đồng/bầu.  Làm cao su giống là nghề truyền thống của nông dân ở xã Minh Long. Tuy giá thị trường đầu ra các năm có dao động nhưng nhiều hộ nông dân vẫn bám trụ với nghề này. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con cần phải tính toán kỹ về diện tích canh tác, cũng như khi đầu tư cần có ký kết hợp đồng đầu ra để ổn định kinh tế, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Đông Nam Bộ:

Giá gà giảm mạnh

Theo các chủ trang trại tại Bình Dương, với giá gà trắng hiện tại ở mức 18.000 đồng/kg thì người nuôi đang thua lỗ nặng. Nhiều hộ lỗ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong 3 tháng qua. Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, người nuôi gà tại Đông Nam Bộ đang gặp khó. Những trang trại nuôi chăm sóc kỹ có giá thành 25.000 đồng/kg thì đang lỗ khoảng 7.000 đồng/kg. Còn hộ nuôi ở mức giá thành 22.000 đồng/kg đang lỗ khoảng 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá gà giảm mạnh do cung vượt cầu. Trước đó, người nuôi được kêu gọi tăng đàn để kích cầu tiêu dùng, thay thế thịt heo nên số lượng nuôi tăng cao. Trong khi đó, nhà quản lý vẫn cho nhập thêm gà từ các quốc gia khác với giá rẻ chỉ 15.000 - 17.000 đồng/kg khiến gà trong nước khó cạnh tranh. Ngoài ra, Covid-19 cũng khiến sức tiêu thụ giảm.

Mỹ Tú (Sóc Trăng):

Chuyển đổi mô hình trồng mía sang cây khổ qua

Tại huyện Mỹ Tú, một số khu vực trồng mía không hiệu quả đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện thí điểm một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Một trong những mô hình đang cho thấy tín hiệu khả quan là trồng khổ qua trên nền đất mía.

Mỹ Tú cũng từng được xem là vùng mía nguyên liệu lớn của tỉnh Sóc Trăng với diện tích chuyên mía trên 1.500 héc-ta. Cây mía cũng là đối tượng được người dân nơi đây ưu tiên lựa chọn để phát triển kinh tế bên cạnh cây lúa, cây tràm. Từ sau năm 2010, giá mía giảm dần, giá đường không hồi phục, nông dân trồng mía đã chuyển dần sang trồng cây ăn trái, trồng lúa, tràm Úc, hoặc trồng các loại rau màu khác. Đầu năm 2020, cây khổ qua được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai trồng thí điểm trên nền đất mía. Trong đó, Chi cục hỗ trợ 50% giống, 50% phân, vật tư nông nghiệp. Từ hiệu quả của mô hình thí điểm, cây khổ qua bắt đầu được nhiều nông dân trong vùng trồng nhân rộng trên đất mía, đất bờ bao, nhiều hộ còn thực hiện trồng theo hướng sạch, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học trong suốt quá trình chăm sóc. Đây là xu thế sản xuất rất tiến bộ, bởi nông sản làm ra đảm bảo chất lượng, an toàn thì người trồng sẽ không còn lo chuyện đầu ra và giá trị sẽ tăng lên, đất đai cũng chậm bạt màu so với dùng phân hóa học.

Hiện nay, diện tích trồng mía tại Mỹ Tú giảm chỉ còn 500 héc-ta, trong số 400 héc-ta đất mía được chuyển đổi sang trồng rau màu thì đã có hơn 30% diện tích là trồng khổ qua. Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện, Mỹ Tú sẽ nhân rộng mô hình trồng khổ qua ở các xã Hưng Phú, Mỹ Phước và Mỹ Tú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vùng trồng mía ổn định lại sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tiếp tay cho buôn lậu là phạm pháp

Trên biên giới Tây Nam, tình trạng cư dân sống gần khu vực đường biên giới tham gia vào hoạt động đai vác hàng lậu thuê diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Tiếp tay cho hoạt động buôn lậu là hành vi phạm pháp, vì thế bà con cần cảnh giác để tránh xa.

Tại khu vực biên giới Tây Nam thuộc tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang… mùa này hoạt động buôn lậu hàng hóa từ Campuchia qua Việt Nam diễn ra khá phức tạp, trong đó có khá nhiều cư dân sinh sống gần đường biên giới tham gia. Cư dân biên giới tham gia buôn lậu chủ yếu là người làm thuê cho các chủ đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Hàng lậu đai vác, thồ bằng xe gắn máy, chở bằng xuồng qua biên giới nhiều nhất là thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, sữa và cả ma túy.

Tỉnh Tây Ninh có 140 km đường biên giới giáp với Campuchia. Hiện tại có hàng nghìn hộ dân đang sinh sống tại 20 xã dọc biên giới và có nhiều bản làng của người đồng bào dân tộc thiểu số. Cư dân ở đây đa số làm nông nghiệp nhưng có nhiều người hiện đang tham gia vận chuyển hàng lậu thuê qua biên giới. Cụ thể, trong tháng 9 năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 71 vụ vi phạm với 41 người tham gia. Hàng hóa vi phạm trị giá khoảng 76 triệu đồng, trong đó mặt hàng thuốc lá nhập lậu hơn 42.000 bao.  Các cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án với 2 người về tội tàng trữ hàng cấm. Tại khu vực cửa khẩu Xa Mát, Kà Tum, Phước Tân, Mộc Bài, hoạt động buôn lậu diễn ra thường xuyên với tính chất nhỏ lẻ, hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng do các cư dân chẻ nhỏ từ Campuchia vận chuyển vào Việt Nam qua hai bên cánh gà cửa khẩu và các đường mòn qua biên giới.

Tại khu vực tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang mùa này mưa gió nhiều và nước các sông rạch lên cao, cư dân biên giới tham gia đai vác hàng lậu thuê gia tăng. Tại Kiên Giang hiện có nhiều cư dân biên giới làm thuê cho các chủ đường dây buôn lậu hàng hóa và thường hoạt động vào ban đêm. Trong thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo đến từng hộ dân ở khu vực biên giới không tham gia buôn lậu, người dân tiếp tay vận chuyển hàng lậu là vi phạm pháp luật nhưng nhiều người vẫn còn tham gia.

HÀNG VIỆT

Hồng Vành khuyên - đặc sản núi rừng

Vùng đất biên giới huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng và Tày. Thời gian qua, mô hình trồng hồng Vành khuyên tại đây phát triển không chỉ mang lại thu nhập cao cho đồng bào mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Điều đáng nói, những hộ trồng hồng Vành khuyên giỏi đều là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Bà con đã giúp nhau tăng gia sản xuất, mở ra hướng thoát nghèo, cùng làm giàu.

Hồng Vành khuyên là cây trồng bản địa được người dân trên địa bàn huyện Văn Lãng trồng từ lâu đời. Những năm gần đây, hồng trở thành cây trồng chủ lực của huyện, tập trung ở 17 xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất là ở các xã: Tân Mỹ 356 héc-ta; Hoàng Việt 132 héc-ta; Hoàng Văn Thụ 66,7 héc-ta… Năm 2020, toàn huyện Văn Lãng có 892,5 héc-ta hồng, tăng hơn 40 héc-ta so với năm 2019. Cây hồng sống trên đồi núi dốc, mùa đông rụng lá, mùa xuân đâm chồi nảy lộc, người trồng chỉ phải dọn cỏ gốc. Từ tháng Bảy đến đầu tháng Chín Âm lịch hằng năm, khi những quả hồng bắt đầu ngả vàng cũng là lúc người dân huyện Văn Lãng bước vào mùa thu hoạch. Người dân thu hái từ lúc 5 giờ sáng để quả đạt độ tươi, ngọt. Người thu hái sử dụng sào tre có buộc túi vải để tiện hái quả trên cao, rồi xếp vào các giỏ tre, gánh quả xuống núi.

Đây cũng là thời điểm các thương lái từ Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh... tìm về đến tận thôn bản để đặt hàng thu gom. Những quả hồng sẽ được lái buôn chọn lọc, phân loại để định giá và ngâm nước trong 3 - 4 ngày để loại bỏ nhựa chát. Giá hồng Vành khuyên năm nay dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/kg tùy loại to hay nhỏ, đẹp, xấu, thấp hơn 8.000 -  đến 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Tuy nhiên, với năng suất tăng cao, người trồng hồng Vành khuyên vẫn có thu nhập cao hơn năm trước. Theo người dân địa phương, hồng Vành khuyên có phần đài hoa hằn trên núm quả, tạo nên vành rộng nên mới có tên gọi vành khuyên. Hồng Vành khuyên quả to tròn, không hạt, ăn giòn, ngọt khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ. Quả hồng Vành khuyên đạt chất lượng là vỏ phải bóng, màu xanh ngả vàng, vị ngọt không sắc. Khi bổ ngang trái hồng sẽ thấy hình giống như cánh hoa, không hạt, óng ánh, giòn và ngọt.

Năm 2016 Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh “Văn Lãng” cho sản phẩm quả hồng Vành khuyên. Từ tháng 5/2018, hồng Vành khuyên đã được chứng nhận là Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam.

Để việc sản xuất hồng Vành khuyên ổn định, đạt năng suất, sản lượng cao, Văn Lãng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Năm 2019, diện tích hồng VietGAP của huyện là 214 héc-ta thì đến năm 2020 được nâng lên 340,72 héc-ta. Đặc biệt, năm 2020, huyện đã triển khai hướng dẫn người dân sản xuất hồng theo hướng hữu cơ trên diện tích 30 héc-ta tại thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ với 33 hộ tham gia. Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và mở rộng thị trường tiêu thụ cho hồng Vành khuyên.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)