Thông tin thị trường giá cả số 44/2020

02:45 PM 28/10/2020 |   Lượt xem: 3569 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Ninh Thuận:

Phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi

Để nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, thời gian qua, Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp cùng tham gia gắn với thương hiệu sản phẩm.

Trên thực tế, điều kiện tự nhiên, khí hậu khô nóng đã tạo điều kiện cho Ninh Thuận phát triển nhiều loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò. Để nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm của thị trường. Với thế mạnh là dê, cừu, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung xây dựng chuỗi giá trị dê, cừu thịt. Trong chuỗi giá trị này, thương lái, chủ cơ sở giết mổ sẽ cung cấp dê giống ban đầu cho mỗi hộ từ 15 - 25 con dê, cừu với trọng lượng 10 - 15 kg/con theo giá thị trường. Sau thời gian nuôi, thương lái, chủ cơ sở giết mổ sẽ thu mua lại dê cừu của người chăn nuôi khi xuất bán theo giá thị trường và thanh toán tiền sau khi trừ cả vốn lẫn lãi. Theo hình thức này, người chăn nuôi chỉ phải đầu tư chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y, sau thời gian nuôi 4 - 5 tháng, trọng lượng bình quân 35 kg/con, người nuôi sẽ lãi 0,6 - 1,2 triệu đồng/con. So với cách làm truyền thống, cách làm này hiệu quả hơn, dễ quản lý, thời gian nuôi rút ngắn. Hiện Sở NN-PTNT Ninh Thuận đang triển khai cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm dê, cừu cho cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín và cấp 10.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm dê cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để triển khai sử dụng thí điểm trên địa bàn tỉnh.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo thịt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 39 trang trại chăn nuôi heo thịt gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, Công ty CJ Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận. Tham gia vào chuỗi này, người dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như chuồng trại, điện, nước, công lao động... Công ty CP sẽ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật cho trang trại chăn nuôi heo. Đến giai đoạn heo xuất chuồng, Công ty CP sẽ bao tiêu sản phẩm cho người nuôi. Người nuôi chỉ hưởng công chăm sóc, do vậy, khả năng thua lỗ thấp.

Ngoài ra, Ninh Thuận đã xây dựng được 2 chuỗi giá trị bò. Đây là chuỗi giá trị thế mạnh phù hợp với tập quán canh tác chăn nuôi của bà con, hiệu quả bền vững. Đối với gia cầm, Ninh Thuận cũng đã xây dựng được hàng chục chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập và đảm bảo đầu ra cho người dân.

Thời gian qua, Ninh Thuận đã chú trọng phát triển những loài vật nuôi có tiềm năng, lợi thế hướng tới tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm chăn nuôi đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm thịt cừu, nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận,... Đây là những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi cũng đang gặp không ít khó khăn, do những năm gần đây thời tiết khô hạn kéo dài khiến những đồng cỏ ở địa phương dần trơ trụi và ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi chủ yếu còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi với doanh nghiệp; chưa có hợp đồng với các công ty, nhà cung cấp để tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên người chăn nuôi thường bị ép giá…

Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ. Mục tiêu là phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò. Tạo điều kiện thực hiện liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi giá trị theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, tạo ra mối liên kết hiệu quả và vững chắc. Đồng thời, xây dựng, phát triển thương hiệu để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.

Chương trình Sinh kế Cộng đồng:

Giúp thay đổi cách thức sản xuất của bà con

Sinh kế Cộng đồng là chương trình của Tập đoàn Central Retail với mục đích hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con. Sau 3 năm triển khai tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cách thức sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi theo hướng tích cực.

Vân Hồ là huyện nghèo của tỉnh Sơn La, có đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Thái, Mông) sinh sống. Hầu hết các hộ đồng bào nơi đây đều mưu sinh bằng nghề trồng các loại rau truyền thống, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Đầu ra của sản phẩm không ổn định, thường xuyên bị ép giá do không tiếp cận được thị trường. Cơ hội đến với các hộ đồng bào khi Ban điều hành Chương trình sinh kế cộng đồng đã chọn Vân Hồ làm nơi triển khai dự án từ tháng 6/2018. Từ khi tham gia dự án Sinh kế cộng đồng, các hộ đồng bào đã được hỗ trợ tập huấn về sản phẩm; được tư vấn kiến thức về thị trường, định hướng sản xuất. Bà con cũng được hướng dẫn trồng đa dạng các loại cây, đặc biệt là cây trái vụ cho sản lượng cao, phù hợp với khí hậu của huyện Vân Hồ.

Sau 3 năm triển khai dự án, tới nay, khoảng 70% nông sản của các hộ đồng bào được Central Retail tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị Big C, GO… Thu nhập của bà con khi tham gia dự án đã tăng 200% nhờ giá trị sản xuất tăng gấp đôi. Từ chỗ trước đây, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ đạt 25 - 30 triệu đồng/héc-ta thì nay thu nhập của bà con đã tăng lên 50 - 60 triệu đồng/héc-ta nhờ sản xuất thêm rau trái vụ. Đặc biệt, tư duy sản xuất của bà con đã thay đổi theo hướng tích cực: Sản xuất theo nhu cầu thị trường; canh tác tập trung; có sự hợp tác giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã với nhau và với doanh nghiệp. Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, bà con đã biết cách xây dựng bao bì, nhãn hiệu logo “Rau an toàn Vân Hồ”. Đặc biệt là hình thành phương thức đóng gói hàng chuyên nghiệp cũng như ứng dụng kỹ thuật trồng cây theo phương pháp rau an toàn và VietGAP.

Thành công của dự án Sinh kế cộng đồng tại Vân Hồ cho thấy, khi người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường có thể tránh rơi vào cảnh được mùa rớt giá.

Đắk Lắk:

Ðồng bào Ê Ðê tái canh cà phê

VnSAT là dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo, cà phê ở 2 vùng sản xuất hàng hóa lớn của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào Ê Đê trong tái canh cà phê bền vững.

Trong năm 2020, VnSAT Đắk Lắk dự kiến sẽ tập huấn cho 150 lớp và đã triển khai được 50 lớp. Sau khi được đào tạo, VnSAT Đắk Lắk sẽ cấp chứng chỉ để cho người dân có cơ sở vay vốn của dự án tại các ngân hàng thương mại. Đến nay, đã có gần 4.000 héc-ta cà phê tái canh do VnSSAT đào tạo, trong đó 50% người dân được hỗ trợ vay vốn về tái canh. Trong đó, đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Sut S’luốt là thành viên liên kết của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Hiê, huyện Cư Mgar). Mô hình tái canh của đồng bào nơi đây được xem là kiểu mẫu trong tái canh cà phê để các thành viên khác trong HTX noi theo. Các vườn cà phê được chọn làm mô hình tái canh cà phê bền vững sẽ được hỗ trợ 100% chi phí cây giống, công chỉ đạo kỹ thuật, chi phí quản lý mô hình và 50% chi phí phân bón, vôi, thuốc BVTV... Ngay từ đầu, dự án VnSAT đã có những hỗ trợ kịp thời từ tập huấn về kiến thức trong tái canh cà phê cho đến việc thực hành thực tế. Đến nay, cơ bản người dân trong buôn Sút H’luốt đã biết chọn giống, cải tạo đất, bón phân, tỉa cành... Đặc biệt, với các hộ đồng bào thiểu số Ê Đê, trước đây bà con chưa biết nhiều kỹ thuật, chỉ dựa vào đất đai, thời tiết để trồng cây. Còn bây giờ thì khác, người này truyền đạt miệng cho người kia về ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng cà phê bền vững.

Thời gian tới, dự án VnSAT sẽ tăng cường tập huấn cho các hộ đồng bào Ê Đê nhằm trang bị kiến thức tối thiểu để phá bỏ vườn cây già cỗi, thực hiện tái canh bền vững.

Bạch Thông (Bắc Kạn):

Giá hồi tương đối ổn định

Huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) có khoảng 400 héc-ta hồi, trồng tập trung tại 2 xã vùng cao là Sỹ Bình và Vũ Muộn. Đây là nhóm cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Qua mấy chục năm, cây hồi sinh trưởng, phát triển tốt, cho khai thác liên tục, trở thành cây dược liệu lâu năm đem lại nguồn lợi khá cho bà con. Đặc biệt, những năm gần đây, giá hồi tương đối ổn định nên bà con yên tâm trồng trọt. Sản phẩm khai thác đến đâu thương lái thu mua tới đó, người dân không phải vận chuyển đi xa. Theo tính toán, bình quân mỗi héc-ta hồi có thể thu về 80 - 100 triệu đồng, đầu ra chủ yếu tiêu thụ cho các thương lái ở tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, vài năm trở lại đây giá hồi tương đối cao, bình quân 15.000 - 20.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm giá tăng lên tới 30.000 đồng/kg tươi.

Cam Ranh (Khánh Hòa):

Dự báo giá táo sẽ tăng

Người trồng táo an toàn tại xã Cam Thành Nam, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang hy vọng vào vụ táo cuối năm giá sẽ tăng. Năm nay, tuy nắng hạn kéo dài nhưng do chủ động được nguồn nước tưới từ giếng khoan nên sản lượng giảm không đáng kể. Vụ vừa rồi, tuy sản lượng táo có giảm so với năm ngoái nhưng giá bán tăng 20% nên các hộ trồng táo vẫn có lãi cao. Hiện nay, nhà vườn nhập táo cho các siêu thị giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 250 triệu đồng/héc-ta/vụ. Trồng táo an toàn trong nhà lưới mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như: Giảm chi phí đầu tư; giá bán tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với táo trồng không bọc lưới, giảm tỷ lệ ruồi vàng đục quả và thuốc bảo vệ thực vật hơn 90%. Quả táo thu hoạch rất đẹp và an toàn cho người sử dụng.

Hậu Giang:

Lúa thất mùa vì mưa dầm

Nhiều ngày qua, tại Hậu Giang có mưa liên tục, kết hợp với triều cường dâng cao khiến nhiều cánh đồng lúa đang trong thời kỳ thu hoạch bị ngập úng. Nhiều cánh đồng lúa thu đông ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, TP. Vị Thanh… bị đổ ngã và ngập sâu do ảnh hưởng mưa dầm. Khoảng 1 tháng trước, thương lái đã đặt cọc mua 6.000 - 6.500 đồng/kg, tính ra có lãi khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/công. Không ngờ khi lúa sắp tới kỳ thu hoạch thì mưa trút xuống liên tục làm ngập tới cổ bông khiến lúa bị hư thối, lên mộng… Hiện hầu hết các thương lái đều từ chối thu mua do chất lượng lúa không đảm bảo. Bà con cũng không thể thuê người cắt lúa vì nhân công khan hiếm. Vụ thu đông này, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống 43.076 héc-ta lúa, đã thu hoạch được 21.600 héc-ta; số còn lại đang trong giai đoạn chín, trổ bông, làm đòng... Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.913 héc-ta lúa giai đoạn trổ, chín, sắp thu hoạch bị đổ ngã (tỷ lệ 10% - 70%, cục bộ có nơi 100%).

Tuần lễ cam Cao Phong năm 2020

Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc - Tuần lễ cam Cao Phong năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 06 - 11/11 tại Trung tâm văn hóa huyện Cao Phong (Hòa Bình). Hội chợ là dịp để quảng bá, thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp các tỉnh ở miền núi phía Bắc nói chung, cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình nói riêng. Qua đây, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng cho các địa phương. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất, thương mại khu vực phía Bắc được mua bán, trao đổi, giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản trong cả nước... Niên vụ 2019 - 2020, huyện Cao Phong có 3.016 héc-ta cây ăn quả có múi, sản lượng trên 40.000 tấn. Trong đó, có hơn 1.018 héc-ta cam được cấp chứng nhận VietGAP.

Lai Châu:

Mở rộng diện tích cây dược liệu

Với trên 2/3 diện tích tự nhiên là rừng, đất lâm nghiệp, thảm thực vật phong phú, Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai rộng, có tiềm năng phát triển cây dược liệu quý hiếm.

Đặc biệt, tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, Lai Châu đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về bảo tồn, đầu tư phát triển cây dược liệu. Đồng thời, tập trung hướng dẫn các vùng sản xuất áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Các địa phương cũng lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, sự nghiệp khoa học… để giúp bà con phát triển cây dược liệu, mang lại thu nhập cao.

UBND tỉnh Lai Châu cũng đã phê duyệt đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với các loại sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa và lan kim tuyến, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh hỗ trợ một lần 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc bảo tồn một số cây dược liệu quý. Ðồng thời, thu hút các doanh nghiệp, người dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tại một số huyện như Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Tam Đường, bà con đã chủ động trồng dược liệu và mở rộng diện tích, quy mô sản xuất. Nhiều hộ đồng bào đã chuyên tâm đầu tư và phát triển kinh tế hộ gia đình từ cây dược liệu.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Liên tiếp kiểm tra, bắt giữ phân bón giả

Thời gian qua, các lực lượng chức năng liên tiếp kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường phối hợp, chủ động phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả.

Điển hình là ngày 20/10, Đội QLTT số 1 – Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp với Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) xóa sổ thành công xưởng sản xuất phân bón giả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Xưởng sản xuất trên thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Theo kết quả kiểm tra của Trung tâm phân tích và thử nghiệm 2 – Vinacontrol và Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng: 61,5 tấn phân bón các loại như phân trung lượng XNK 111 HLS Supe Lan Canxi; phân trung lượng XNK 111 HLS Super Lan canxi; phân hữu cơ vi sinh… đều không đạt chỉ tiêu chất lượng, là hàng giả, không có giá trị sử dụng. Hiện Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đang hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để chuyển sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đối với các hành vi: Sản xuất phân bón không có giấy phép sản xuất, sản xuất phân bón không có quyết định lưu hành phân bón tại Việt Nam và sản xuất phân bón giả.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất phân bón Hùng Quang (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) do có nhiều sai phạm trong sản xuất phân bón. Cụ thể, công ty này sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng với số lượng là 6,5 tấn phân HQ ISO 06. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất phân bón Hùng Quang không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa phân bón lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sản xuất 8 tấn phân hữu cơ vi sinh HQ06 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

HÀNG VIỆT

Bạc Liêu:

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã và đang giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu, nâng tầm giá trị nông sản và tăng thu nhập cho bà con nông dân các địa phương trong tỉnh.

Thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển

Xác định vị trí và vai trò trọng tâm của chương trình, Bạc Liêu đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Tính đến nay, Bạc Liêu đã có hơn 50 sản phẩm của 23 chủ thể được trao giấy chứng nhận OCOP. Trong đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm đạt 4 sao sẽ được Hội đồng OCOP tỉnh chọn gửi về Trung ương để tiếp tục đánh giá, phân hạng, để được công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Các sản phẩm này đã góp phần đa đạng hóa sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ của Bạc Liêu.

Trong hơn 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ nông nghiệp. Thông qua chế biến, các sản phẩm nông nghiệp đã được tăng thêm về giá trị, tạo ra tính cạnh tranh và hướng đến xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Chẳng hạn như ở huyện Phước Long, sau khi đóng gói và được công nhận sản phẩm OCOP, cây rau cần nước của Hợp tác xã 8/3 Vĩnh Thanh đã được đưa vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hay ở huyện Vĩnh Lợi, cơ sở sản xuất Xuân Thảo đã đưa con cá đồng trở thành đặc sản phục vụ khách du lịch thông qua chế biến thành công các loại khô cá lóc và mắm đồng. Nhiều sản phẩm địa phương đã khẳng định được nét đặc trưng của mình thông qua chế biến như: Chả cá thát lát rút xương của huyện Hồng Dân, ruốc sấy của huyện Đông Hải, tôm sạch được chế biến từ tôm nuôi trên đất lúa của huyện Phước Long… Có thể nói Chương trình OCOP đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.

Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường, Bạc Liêu còn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm…; hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh. Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của Bạc Liêu đã đưa vào hệ thống Siêu thị Co.opmart, Bách hóa xanh như: Muối Bạc Liêu, bánh tráng sữa, rau cần nước… Những sản phẩm chế biến: Chả cá thu tươi, chả tôm thiên nhiên, chả tôm cuộn, chả tôm cuộn khoai môn, chả tôm khoai tím, cá khoai khô, khô cá kèo... đã được cấp “giấy thông hành” vào thẳng siêu thị. 

Một số sản phẩm đã và đang xây dựng OCOP đạt 3 sao, 4 sao được tỉnh khuyến khích đưa vào các siêu thị, hệ thống Bách hóa xanh. Ngoài ra, một số địa phương còn chủ động làm việc với các siêu thị nhằm đưa sản phẩm nông sản tiềm năng (xây dựng sản phẩm OCOP) vào các hệ thống siêu thị. Điển hình như huyện Vĩnh Lợi, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, huyện tạo mọi điều kiện cho chủ thể tham gia tập huấn, giới thiệu về sản phẩm; gắn với hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh và đăng ký tham gia chương trình. Đến nay, huyện có 9 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao. Huyện cũng tư vấn cho chủ thể một số nội dung để hoàn chỉnh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP như đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì sản phẩm đúng theo quy định…