THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ |
Nghệ An:
Phát triển vùng nguyên liệu lùng
Thời gian qua, cây lùng đã mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho đồng bào 2 huyện Quế Phong và Quỳ Châu (Nghệ An). Đặc biệt, mới đây huyện Quế Phong đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho lùng. Đây là cơ hội để địa phương khôi phục, phát triển bền vững cây lùng nguyên liệu, góp phần cải thiện cuộc sống cho bà con vùng rẻo cao.
Lùng là một trong các lâm sản ngoài gỗ quan trọng nhất, được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván ép, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ như đan lát các sản phẩm dân dụng, làm tăm, đũa... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tại Nghệ An, lùng được dùng làm chân tăm hương để sản xuất trầm hương và là nguyên liệu cho mây tre đan xuất khẩu.
Hướng tới bảo tồn và phát triển cây lùng, phục vụ mục tiêu khai thác, sử dụng mang lại nguồn lợi kinh tế lâu dài cho bà con, huyện Quế Phong đã nỗ lực phối hợp với tổ chức quốc tế GFFA lần đầu tiên cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 837,2 héc-ta lùng tại huyện Quế Phong. Theo đó, diện tích lùng được cấp chứng chỉ rừng bền vững phải được yêu cầu, khai thác bền vững, bảo tồn và chăm sóc. Việc được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững rất có ý nghĩa trong việc phát triển thị trường nguyên liệu lùng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chủ rừng từ nguồn lùng khai thác có giá trị cao hơn, mà chứng chỉ FSC sẽ giúp các sản phẩm từ lùng được nâng cao và tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm chế biến từ lùng. Đặc biệt, người dân đã được tập huấn, hướng dẫn chăm sóc, bảo tồn và khai thác đúng quy trình kỹ thuật nên cây lùng phát triển tốt. Nếu thời tiết thuận lợi, công mỗi ngày đi rừng làm lùng được khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Đây là thu nhập khá cao để đồng bào các xã vùng cao vơi bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống.
Nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển cây lùng của tỉnh, huyện Quế Phong thường xuyên mời các nhà khoa học lâm nghiệp đến địa phương để nghiên cứu, khảo sát thực trạng rừng lùng. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo để tìm các giải pháp đồng bộ, khai thác, bảo vệ và phát triển rừng lùng. Còn huyện Quỳ Châu đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ; tổ chức Oxfam Hồng Kông mở hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, sản xuất lùng bền vững. Đáng chú ý là mô hình trồng và chăm sóc rừng lùng do Trạm Khuyến nông Quỳ Châu thực hiện trình diễn đã thu hút được sự quan tâm của đồng bào. Cùng với việc thực hiện mô hình, Trạm Khuyến nông Quỳ Châu còn tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm hướng dẫn cho dân cách thức trồng và chăm sóc lùng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trạm còn tuyên tuyền cho dân hiểu quy cách khai thác lùng đúng, hiệu quả, kể cả khai thác trong những cánh rừng nguyên sinh. Khi chặt hạ những cây lùng đã đến tuổi phải gọn gàng và phải kéo ra xa bụi lùng, để tránh tình trạng làm gãy đổ cây non; không để mắt, ngọn và lá lùng rụng tấp vào gốc. Đây cũng là biện pháp phòng cháy rừng trong mùa nắng nóng. Qua đó, giúp đồng bào chuyển biến về mặt nhận thức cũng như cách thức áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm bảo tồn và nâng cao chất lượng.
Xác định lùng là cây mũi nhọn chủ lực, huyện Quế Phong và Quỳ Châu tiếp tục phối hợp với các ban ngành để tiến tới được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho diện tích lùng còn lại. Các huyện cũng xác định đây là cơ hội để khôi phục, phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây lùng nguyên liệu. Mặt khác, chính quyền sẽ kết hợp với các chủ hộ rừng liên kết với các đơn vị tiêu thụ nhằm khai thác hợp lý, kết hợp chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho đồng bào vùng rẻo cao của miền Tây xứ Nghệ.
Lào Cai:
Trồng cau giúp tăng thu nhập
Tại tỉnh Lào Cai, cau là cây xanh làm đẹp cảnh quan môi trường cũng là cây trồng giúp người dân ở các địa phương vùng thấp nâng cao thu nhập.
Hơn 2 tháng trở lại đây, khi quả cau vào vụ thu hái, nhiều tiểu thương đã đến các khu dân cư để thu mua quả cau tươi, tập trung nhiều ở các xã, phường ven đô của TP. Lào Cai và một số xã của các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn.
Năm nay, giá quả cau tươi được thu mua tăng cao, gấp nhiều lần so với những năm trước. Cụ thể, thời điểm đầu vụ, tiểu thương thu mua với giá 40.000 đồng/kg, giữa vụ (tháng 9, tháng 10) giá cau nhích lên ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện quả cau tươi đang ở thời điểm cuối vụ, sản lượng ít hơn nên giá quả cau tươi dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Những năm trước, giá cau tươi thường ở mức 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy vào mẫu mã, kích thước quả. Cá biệt, có năm giá cau thấp, chỉ còn vài nghìn đồng/kg.
Theo các tiểu thương, quả cau tươi sau khi được gom mua sẽ giao bán lại cho các cơ sở kinh doanh sơ chế trước khi xuất bán cho thị trường nước ngoài. Được biết, quả cau tươi là nguyên liệu chính để sản xuất kẹo cau – sản phẩm được ưa chuộng tại một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Nguyên nhân chính khiến giá cau tăng cao là do ảnh hưởng của mùa mưa, bão năm 2 năm gần đây khiến nhiều diện tích cau tại các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc bị gãy, đổ dẫn đến năng suất, sản lượng giảm.
Mặc dù trồng cau giúp người dân có thêm thu nhập song địa phương cũng khuyến cáo bà con tránh trồng ồ ạt, thiếu định hướng dẫn đến cung vượt cầu, khó khăn cho khâu tiêu thụ.
Đắk R’lấp - Đắk Nông:
Thiếu nhân công thu hái cà phê
Đắk R’lấp là một trong những địa bàn có diện tích cà phê lớn của tỉnh Đắk Nông. Điều đặc biệt, cà phê ở khu vực này thường chín sớm hơn những vùng khác. Hiện nay, cà phê trên địa bàn đã bắt đầu chín bói, người dân bước vào vụ thu hái. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bà con nông dân ở huyện Đắk R’lấp đang khá lo lắng về việc thiếu nhân công thu hái cà phê.
Toàn huyện Đắk R’lấp có gần 20.000 héc-ta cà phê, phân bổ trên tất cả các xã. Đến thời điểm hiện tại, một số khu vực, cà phê đã chín và người dân bắt đầu thu hoạch. Theo đánh giá của nhiều nông dân, năm nay cà phê được mùa, giá đang ở mức cao hơn nhiều so với năm trước (khoảng 40 triệu đồng/tấn), nên người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, nông dân lại đang lo lắng vì thiếu nhân công thu hoạch. Cà phê có đặc thù là thu hoạch cùng một thời điểm, trên diện rộng nên việc đổi công thu hoạch cho nhau thường rất khó thực hiện.
Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện yêu cầu các xã bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu lao động thu hái cà phê và các nguồn lao động thường đến địa phương làm việc từ những năm trước. Dựa vào tình hình của dịch bệnh Covid-19, huyện xây dựng các phương án tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu nhân công thu hái cà phê. Trong đó, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện khuyến khích người dân phát huy nguồn lao động tại chỗ. Còn dịch bệnh được kiểm soát, huyện sẽ có phương án kết nối, kêu gọi lao động từ tỉnh khác về phục vụ bà con thu hái cà phê. Huyện cũng đang tính tới phương án huy động lực lượng đoàn thành niên giúp dân thu hoạch cà phê.
Long Mỹ - Hậu Giang:
Dưa hấu tăng giá
Tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hiện dưa hấu bán tại ruộng với giá 7.000 - 7.500 đồng/kg tùy chất lượng trái, tăng 4.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Với giá bán như hiện nay, cùng với năng suất vụ này 2,5 tấn/công, trừ hết chi phí người trồng lãi trên 10 triệu đồng/công. Nhiều thương lái thu mua dưa hấu ở huyện Long Mỹ cho biết, dưa hấu chủ yếu tiêu thụ tại các chợ. Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 hiện cuộc sống đã trở lại bình thường mới nên người dân đến các chợ mua dưa hấu là nguyên nhân chính khiến giá tăng.
Cà Mau:
Lá chuối tiêu thụ tốt
U Minh và Trần Văn Thời là 2 địa phương trồng chuối nhiều nhất của tỉnh Cà Mau. Mỗi năm, bà con nông dân thu hoạch, bán ra thị trường hàng trăm tấn trái chuối và bắp chuối. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ thay vì trồng chuối lấy trái thì lại trồng chuối lấy lá, thu lợi nhuận cao gấp nhiều so với lấy trái. Lá chuối thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua, cung cấp cho các cơ sở gói bánh, làm chả ở Cà Mau, Bạc Liêu... Chuối lấy lá có độ dẻo, làm bánh không bị rách nên thương lái rất ưa chuộng. Lá chuối sau khi róc phải xếp từng chồng rồi cột lại, để lá không bị rách. Lá chuối được thương lái thu mua tận vườn với giá 5.000 đồng/kg. Nhiều bà con đã chuyển sang trồng chuyên canh cây chuối lấy lá và đã làm giàu từ mô hình này.
Tiền Giang:
Giá hồng xiêm tăng mạnh
Hồng xiêm (sa pô chê) là 1 trong 11 loại trái cây đặc sản của vùng đất Tiền Giang. Đây là loại cây ăn quả dễ trồng, thích nghi với hạn mặn, cho thu nhập tốt. Đáng mừng là trong những ngày qua, giá trái hồng xiêm đang tăng mạnh, nông dân vùng chuyên canh hết sức phấn khởi bởi có thêm nguồn thu nhập khá để ổn định sản xuất và đời sống. Hiện thương lái thu mua hồng xiêm giá dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với tháng trước. Với giá trên, dự kiến người trồng lãi trên 50%. Thời gian qua, một số địa phương đã thành lập Tổ hợp tác trồng hồng xiêm nhằm tập hợp bà con vùng chuyên canh, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm thâm canh, áp dụng tiêu chí VietGAP để nâng sức cạnh tranh của loại cây trồng đặc sản này.
Đắk Glei - Kon Tum:
Giá hồng đẳng sâm xuống thấp
Bà con trên địa bàn các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum đang lo lắng vì giá hồng đẳng sâm xuống thấp chưa từng có. Hiện giá hồng đẳng sâm được các thương lái thu mua với giá cao nhất là 80.000 đồng/kg và thấp nhất là 20.000 đồng/kg tùy loại củ to, nhỏ. Trong khi đó, những năm trước, hồng đẳng sâm được người dân bán với giá dao động từ 100.000 – 300.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đường đi lại khó khăn nên sản phẩm không xuất bán được. Hồng đẳng sâm là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Đắk Glei để giúp người dân nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Lâm Đồng:
Không nên mở rộng diện tích hồ tiêu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cây hồ tiêu phát triển trên diện rộng từ 5 năm trở lại đây theo hình thức trồng thuần và trồng xen canh trên diện tích cà phê, điều và các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, hiện Lâm Đồng không khuyến khích người dân mở rộng diện tích.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 2.050 héc-ta hồ tiêu tập trung nhiều nhất ở các huyện: Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đạ Huoai… So với cùng kỳ năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đến nay giảm hơn 10 héc-ta. Mặc dù trồng xen canh với cây cà phê đã tăng thêm thu nhập hàng năm từ 30 - 40% nhưng cây hồ tiêu không được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng khuyến khích đầu tư mở rộng diện tích với lý do thị trường tiêu thụ tiềm ẩn nguy cơ thiếu ổn định.
Giải pháp căn cơ và lâu dài để phát triển cây hồ tiêu bền vững hiện nay được các địa phương chú trọng thực hiện đó là ổn định diện tích trồng tiêu, không phát triển ồ ạt, chú trọng chất lượng hơn số lượng, trồng tập trung, không phân tán manh mún. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Bởi trên thực tế, toàn bộ sản phẩm hồ tiêu thu hoạch từ trước đến nay chỉ tiêu thụ ngoài hợp đồng thông qua các điểm thu mua nhỏ lẻ, các cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng đại lý tại địa phương. Trên địa bàn Lâm Đồng hiện chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ theo hợp đồng trong nước và xuất khẩu. Bởi vậy, trước khi tính đến mở rộng diện tích cây hồ tiêu thì giải pháp xuyên suốt đối với từng hộ sản xuất phải chủ động ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh theo hướng sinh học hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ theo từng thời điểm biến động của thị trường nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng được mùa, mất giá.
CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Nhiều mặt hàng nhập lậu là vật tư y tế
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặc dù các đơn vị chức năng siết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu nhưng hoạt động sản xuất, buôn bán các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc có chiều hướng gia tăng. Các mặt hàng nhập lậu, làm giả, nhái chủ yếu là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như: Khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng… Cùng với đó là các mặt hàng: Thuốc lá điếu, nguyên liệu thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, nguyên liệu thuốc đông y, dược liệu, than, xăng dầu; sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm; ma túy và các sản phẩm từ ma túy…
Từ nay đến cuối năm, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; đặc biệt là liên quan đến đời sống và sức khỏe người dân như vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; sản phẩm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của người dân. Các lực lượng chức năng cần xây dựng kế hoạch chuyên đề liên quan đến các nhóm mặt hàng đang tăng giá như: Xăng dầu, khoáng sản, nguyên, vật liệu phục vụ cho quá trình tái khởi động nền kinh tế; các mặt hàng phổ biến như mía đường, thuốc lá giả... Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề gian lận trên môi trường không gian mạng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...
HÀNG VIỆT |
Sơn La:
Phát triển thương hiệu khoai sọ Thuận Châu
Trung tuần tháng 10/2021, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ Khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ Thuận Châu. Đây là một trong những đặc sản của vùng nông thôn Tây Bắc và mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.
Bà con tham gia vào chuỗi liên kết
Theo thống kê, toàn huyện Thuận Châu hiện có khoảng 181 héc-ta khoai sọ, sản lượng ước 1.800 tấn, trồng tập trung ở các xã: Chiềng Ly, Chiềng Bôm, Nậm Lầu. Khoai sọ Thuận Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa vào danh sách các loại nguồn gen quý của Việt Nam cần được giữ gìn và phát triển. Hiện nay đã có hợp tác xã (HTX) Hưng Thịnh được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Khoai sọ Thuận Châu”. Năm 2020, huyện Thuận Châu đã triển khai 80 héc-ta khoai sọ nằm trong chuỗi liên kết phát triển sản xuất sản phẩm tại các xã Nậm Lầu, Chiềng Ly, Chiềng Bôm. Đối với diện tích này, đơn vị chủ trì dự án đã triển khai thực hiện cung ứng các loại vật tư đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm đầu ra cho các hộ tham gia liên kết sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách trồng, thu hoạch và bảo quản khoai, bảo đảm sản phẩm sạch và an toàn. Theo đánh giá, khi tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm, kỹ thuật thâm canh của người nông dân được nâng lên, được quản lý về dịch hại, về sản lượng và hệ thống theo chuỗi của dự án. Đặc biệt, nhằm liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, khoai sọ Thuận Châu đã được bán tại các siêu thị lớn trong cả nước. HTX cũng đã liên kết với hơn 500 hộ trồng khoai và xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ khoai sọ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và thời gian bảo quản khoai sọ. Mới đây, sản phẩm khoai sọ của HTX Hưng Thịnh đã được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La năm 2021.
Phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa
Trong thời gian tới, HTX Hưng Thịnh tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con nhân dân tham gia chuỗi liên kết nhằm tăng diện tích trồng và phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Qua đó hướng tới thị trường tiêu thụ rộng hơn, đưa sản phẩm khoai sọ Thuận Châu có vị trí vững chắc trên thị trường.
Đưa khoai sọ trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, người dân sản xuất khoai sọ theo chuỗi để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng khoai sọ, Thuận Châu cũng đang tìm hướng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, xây dựng kịch bản tiêu thụ sản phẩm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Ngay từ đầu năm, huyện Thuận Châu đã xây dựng phương án tiêu thụ nông sản cho các hộ dân, trong đó có diện tích khoai sọ. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thương lái không lên thu mua, địa phương đã hướng dẫn các hộ dân xây dựng các trang điện tử để bán hàng online, thông qua các kênh thông tin quảng bá của các sở ban ngành đến với các tỉnh bạn để làm quà. Dự kiến trong năm nay, sản phẩm khoai sọ của Thuận Châu đạt khoảng 1.800 tấn và thu hoạch dải vụ từ cuối tháng 9 đến hết tết dương lịch. Địa phương sẽ tạo điều kiện để bà con tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức: Giới thiệu, quảng bá qua các hội chợ nông nghiệp của huyện, của tỉnh; tăng cường quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm… Tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách trồng, thu hoạch và bảo quản khoai, bảo đảm sản phẩm sạch và an toàn. Vận động, tuyên truyền bà con tăng diện tích trồng khoai sọ và phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với định hướng phát triển khoai sọ thành sản phẩm thế mạnh của địa phương vùng nông thôn Tây Bắc, những năm qua, huyện Thuận Châu đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng diện tích trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, mở thêm nhiều điểm bán hàng nông sản, đặc sản địa phương. Tại đây, những củ khoai to, đẹp được dán mã truy xuất nguồn gốc, đóng trong từng thùng, rọ với trọng lượng từ 5 - 10 kg sẽ là những lựa chọn cho khách hàng mua về thưởng thức hoặc làm quà.