Thông tin thị trường giá cả số 46/2019

09:03 AM 21/11/2019 |   Lượt xem: 4121 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tiêu điểm

Khoai lang miền Tây xuất khẩu chính ngạch

Khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Điều đáng mừng là từ khi được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá khoai lang có chiều hướng ổn định và tăng cao hơn.

Nằm ven sông Hậu với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, hàng chục năm qua, người dân huyện Bình Tân đã chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang khoai lang đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, Bình Tân trở thành vùng chuyên canh khoai lang với diện tích khoảng 13.000 héc-ta, tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn khoai/năm. Hiện nông dân Bình Tân chủ yếu trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ có một số ít trồng các loại khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước. Ước tính mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai lang được thương lái mua để xuất khẩu, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 70 - 80%.

Thời gian qua, đa phần các cơ sở, hợp tác xã xuất khẩu khoai lang tiểu ngạch nên giá khoai tăng giảm thất thường. Thậm chí, nhiều vụ giá khoai giảm sâu khiến bà con thua lỗ. Tuy nhiên, gần đây, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã có những tác động tích cực góp phần đưa giá khoai lang ổn định và tăng khoảng 200.000 - 220.000 đồng/tạ so với cùng kỳ năm ngoái và đang ở mức từ 480.000 - 510.000 đồng/tạ. Với giá này, nếu nông dân không phải thuê đất, sẽ lời từ 5 - 7 triệu đồng/công. Riêng khoai được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP có giá từ 550.000 - 560.000 đồng/tạ, bà con thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết. Từ thực tế đó có thể thấy, sản xuất khoai lang đảm bảo chất lượng sẽ không lo đầu ra.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, gần đây thị trường Trung Quốc nhập hàng khoai lang khá mạnh, giá tăng cao hơn trước nhưng cũng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm. Do vậy, các hợp tác xã cần xây dựng vùng trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã số vùng trồng. Đây là cơ sở cho việc tạo vùng nguyên liệu lớn, khi có đơn hàng có thể xuất khẩu sang Trung Quốc kịp thời. Để hỗ trợ bà con nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng nông dân vào hợp tác xã để sản xuất theo cùng quy trình, tạo ra sản phẩm đồng nhất. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn khoai lang là mô hình kiểu mẫu với diện tích hơn 30 héc-ta của hợp tác xã nông nghiệp Thành Đông. Nơi đây đã ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến sản xuất khoai lang theo quy trình GlobalGAP. Sản phẩm từ mô hình luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5 - 2 lần do giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và có nhiều sản phẩm khoai đạt tiêu chuẩn loại một. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng chuỗi giá trị trên cây khoai lang, chú trọng đến quảng bá thương hiệu sản phẩm, chuẩn bị bao bì, bảo quản sau thu hoạch. Tại xã Thành Trung, mô hình sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây khoai lang cũng được thực hiện trên diện tích 50 héc-ta. Bà con nông dân tham gia mô hình này được dự án hỗ trợ đầu tư 30% vật tư nông nghiệp. Các khoản khác được hỗ trợ 100% gồm: Xây dựng điểm pha thuốc bảo vệ thực vật, mua đồ bảo hộ lao động phun xịt thuốc, tủ thuốc y tế, tập huấn, đào tạo kiểm tra viên nội bộ, phân tích mẫu đất, nước và phí chứng nhận VietGAP. Bà con tham gia mô hình cũng được tập huấn nhận biết danh mục các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật là chất cấm ở thị trường Trung Quốc. Thực hiện ghi chép sổ tay, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định. Mặc quần áo bảo hộ bảo vệ sức khỏe bản thân. Một điểm quan trọng của mô hình là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Thông qua phần mềm, thương lái có thể xem và biết được các giai đoạn sinh trưởng, người trồng, diện tích của cây khoai lang các nơi trên địa bàn. Dự kiến trong năm nay, Thành Trung sẽ thực hiện quản lý dịch hại trên cây khoai lang và thực hiện cấp mã số vùng trồng cho khoảng 200 héc-ta.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Sóc Trăng:

Liên kết sản xuất và tiêu thụ vú sữa tím

Thời gian qua, một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ vú sữa tím đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng
triển khai có hiệu quả.

Chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, ngày 07/11/2019 đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu trái vú sữa tím niên vụ 2019 - 2020 giữa Công ty TNHH XNK Vina T&T (TP. Hồ Chí Minh) và Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trinh Phú có 42 hộ thành viên. Hầu hết diện tích vú sữa của các thành viên HTX đều được canh tác theo hướng an toàn và được cấp mã số vùng trồng. Nhiều diện tích được bao trái, thậm chí được bao lưới cả vườn. Năm 2018, HTX được Công ty TNHH XNK Vina T&T hỗ trợ cấp 02 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích là 32,4 héc-ta và được công ty thu mua lại vú sữa trái để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, tổng cộng 8,5 tấn, giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 18.000 đồng/kg. Ðây là động lực để tạo niềm tin cho bà con xã viên tiếp tục sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năm 2019, HTX tiếp tục được Ban Quản lý dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 02 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích 11,4 héc-ta. HTX vẫn duy trì ký kết hợp đồng với Công ty TNHH XNK Vina T&T để xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng ước đạt 150 tấn, giá 31.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đối với thị trường Hoa Kỳ, để trái vú sữa được chấp nhận thì ngoài các tiêu chuẩn về trọng lượng, quy cách đóng gói, mẫu mã, chất lượng… còn phải bảo đảm tuyệt đối không có đối tượng kiểm dịch thực vật, đặc biệt là ruồi (giòi) đục trái cây và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo bà con HTX tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề bao trái và thời điểm bao trái tốt nhất lúc trái non bằng nắp chai nước suối; cách ly thời gian thu hoạch trái với các loại thuốc sinh học, đảm bảo an toàn tuyệt đối, theo quy trình canh tác phía đối tác quy định.

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Bà con tăng đàn gia cầm bán tết

Trước ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi ở vùng đồi núi bán trung du tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng đàn gia cầm, nhất là gà nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ từ giữa tháng 9 đến nay, tổng đàn gà của tỉnh đã tăng 400.000 con, lên đến 4,2 triệu con. Việc bà con chăn nuôi tăng đàn để bù đắp nguồn cung thịt heo cho thị trường Tết Nguyên đán là phù hợp bởi nhu cầu thịt gia cầm thường tăng mạnh và thời điểm cuối năm. Vì vậy, tăng nguồn cung cấp gia cầm nói chung, gà nói riêng sẽ giúp bù đắp phần nào nguồn thịt heo. Cùng với đó, ngành chăn nuôi đang hướng đến việc tăng đàn gia cầm, giảm đàn heo để bảo đảm các yếu tố về xã hội, môi trường. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần chú ý đến một số vấn đề khi tăng đàn hoặc chuyển đổi từ nuôi heo sang nuôi gia cầm. Cụ thể, khi tăng đàn, bà con cần chú ý đến vấn đề nguồn giống. Cần lựa chọn tại các cơ sở uy tín, có nguồn giống đạt chuẩn để tránh rủi ro trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, với việc mật độ trại/khu vực, mật độ gà/trại nuôi tăng lên sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh ở mức cao. Do đó, các trang trại cần chú ý đến vấn đề bảo đảm an toàn, thường xuyên tiêm vắc xin cho gia cầm, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đối với các hộ mới chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm cần tìm hiểu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi, đặc điểm của chuồng trại, tránh chạy theo phong trào, gây rủi ro lớn cho kinh tế gia đình.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong các tỉnh của miền Nam thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (vùng không cúm gia cầm) tại huyện Côn Đảo, huyện Châu Đức, thị xã Phú Mỹ và 6 xã của huyện Xuyên Mộc. Tại các khu vực này, các trang trại chăn nuôi sẽ được hỗ trợ công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh… Dự kiến, năm 2020, tỉnh sẽ được công nhận vùng an toàn dịch bệnh. Đây là điều kiện để xây dựng vùng chăn nuôi chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Bến Tre:

Nông dân Ba Tri trúng vụ hành tím

Tân Thủy là một trong những xã chuyên trồng rau màu của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với trên 10 héc-ta trồng hành tím. Vụ này hành tím trúng mùa, được giá, bà con phấn khởi. Bình quân mỗi công đất trồng hành thu hoạch được 1,1 tấn, giá bán từ 24.000 – 40.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Với giá này, hầu hết các hộ trồng hành đều có lãi.

Thời gian qua, để hành trồng đạt năng suất cao, Hội Nông dân xã Tân Thủy đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Ngay từ đầu năm, Hội đã phối hợp với UBND xã, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu, đặc biệt là hành tím cho nông dân để áp dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Hội khuyến cáo bà con nên chủ động xuống giống hành sớm, tránh trùng thời điểm sản xuất của các tỉnh khác để bán được giá. Hội cũng đã giới thiệu cơ sở cung cấp giống hành đảm bảo chất lượng cho nông dân, phối hợp với thương lái tiêu thụ sản phẩm, tránh bị ép giá.

Bình Định:

Tôm nuôi nước lợ tăng giá trở lại

Đến thời điểm này, các hộ nuôi tôm nước lợ đã cơ bản thu hoạch xong tôm nuôi vụ 2. Giá tôm hiện đã tăng trở lại ở mức 105.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), tăng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg so với thời điểm 3 tháng trước đây. Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh là 2.198,1 héc-ta, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó diện tích thả nuôi tôm vụ 1 là 1.776,2 héc-ta tôm thẻ chân trắng, tôm sú và diện tích thả nuôi tôm vụ 2 là 421,9 héc-ta tôm thẻ chân trắng. Tổng sản lượng thu hoạch hơn 7.864 tấn; trong đó sản lượng thu hoạch vụ 1 là hơn 4.121 tấn, vụ 2 hơn 3.743 tấn; tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018.

Hậu Giang:

Giá tiêu ở mức thấp

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giá tiêu hạt phơi khô được thương lái thu mua hiện nay chỉ đạt 47.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với vụ tiêu năm trước và giảm khoảng 5 lần khi giá tiêu lên đỉnh điểm vào những năm trước. Nguyên nhân giá tiêu giảm mạnh là do ảnh hưởng từ xuất khẩu, nguồn cung đã vượt cầu.

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 90 héc-ta tiêu được bà con trồng ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A… Phần lớn nông dân hiện nay không bán thẳng sản phẩm cho đại lý thu mua, nhà máy chế biến hoặc doanh nghiệp xuất khẩu mà bán cho thương lái. Đặc biệt, đa số hộ trồng tiêu thường bán sản phẩm sau khi thu hoạch để tái đầu tư sản xuất.

Đồng Tháp:

Giá kiệu tăng

Hiện nay, giá kiệu tươi và kiệu giống trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Thương lái thu mua kiệu tươi tại ruộng với giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg; tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kiệu giống hiện có giá 49.000 - 50.000 đồng/kg; tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá kiệu tăng mạnh là do thời điểm này bà con nông dân chủ yếu tập trung vào sản xuất kiệu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020 nên lượng hàng cung ứng không còn nhiều. Hơn nữa, gần đây, do ảnh hưởng thời tiết nên sâu bệnh tăng khiến kiệu giảm năng suất.

Huyện Tam Nông là vùng sản xuất củ kiệu lớn nhất miền Tây với tổng sản lượng gần 10.000 tấn mỗi năm. Kiệu Tam Nông đã trở thành đặc sản và nghề trồng kiệu góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp và việc làm tại địa phương. Thị trường cung ứng chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Nha Trang…

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Sơn La:

Dự án phát triển hệ thống thị trường gạo đặc sản

“Dự án nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển hệ thống thị trường gạo đặc sản tại tỉnh Sơn La” (WE4EM) là một trong những tiểu dự án thuộc Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và Sơn La” (GREAT) được thực hiện theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Ôxtrâylia và Chính phủ Việt Nam.

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông, lâm nghiệp miền núi (ADC) thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và Doanh nghiệp xã hội Tây Bắc đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ tổ chức Hội thảo khởi động dự án này. Dự án được triển khai tại 3 xã: Chiềng Yên, Song Khủa, Vân Hồ (Vân Hồ). Tổng vốn thực hiện dự án hơn 9 tỷ đồng, tương đương hơn 550.000 AUD, trong đó phần đóng góp của GREAT hơn 6 tỷ đồng và đối ứng của Trung tâm (ADC) và Doanh nghiệp xã hội Tây Bắc hơn 2,5 tỷ đồng, thông qua hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng thương hiệu tiêu thụ sản phẩm gạo đặc sản. Dự án được triển khai từ tháng 8/2019 đến tháng 9/2021 với 350 hộ nông dân, tương ứng với 490 phụ nữ được nâng cao thu nhập thông qua hỗ trợ sản xuất 40 héc-ta lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP và 5 héc-ta đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA (Mỹ) và hỗ trợ phát triển hệ thống thị trường cho gạo đặc sản.

Nhân dịp này, Trung tâm (ADC) và Doanh nghiệp xã hội Tây Bắc, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, Hợp tác xã gạo Song Khủa cũng đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống thị trường gạo đặc sản.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

An Giang:

Kiểm soát vận chuyển lợn ở khu vực biên giới

Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua khu vực biên giới, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Đồng thời, vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn nhập khẩu trái phép ra, vào địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, những tháng cuối năm, nhất là dịp lễ, tết ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường biện pháp vệ sinh, sát trùng phương tiện vận chuyển theo quy định qua lại tại các cửa khẩu biên giới. Tăng cường phối hợp cơ quan chức năng xử lý trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Long An:

Không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu thuốc lá

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Long An cho biết, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối phức tạp. Trong đó, vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại qua địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Các đối tượng buôn lậu dọc theo tuyến quốc lộ 62, quốc lộ N2, có địa bàn giáp ranh với nước bạn Campuchia là nhiều nhất. Ngoài việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng còn rất manh động, sẵn sàng chống cự khi bị phát hiện, bắt giữ, gây nguy hiểm cho các lực lượng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông.

Theo thống kê của lực lượng chức năng tỉnh Long An, trong 8 tháng đầu năm, Long An đã phát hiện, thu giữ gần 1,2 triệu gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Để khắc phục tình trạng này, từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng tỉnh Long An sẽ tăng cường rà soát tình hình buôn lậu, xác định rõ luồng tuyến, địa bàn, đối tượng để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn hoạt động buôn lậu qua biên giới, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu thuốc lá.

HÀNG VIỆT

Lào Cai:

Hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đợt 1

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt 27 sản phẩm thuộc 2 nhóm ngành là thực phẩm và đồ uống đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên.

27 sản phẩm được Hỗ trợ

Để khuyến khích các địa phương phát triển OCOP, Lào Cai đã bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2019 cho các huyện, thành phố nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lần 1 năm 2019.  Theo đó, có 27 sản phẩm của 7 huyện, thành phố: Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên và Thành phố Lào Cai đạt chứng nhận OCOP được hỗ trợ phát triển sản phẩm với kinh phí 480 triệu đồng từ ngân sách tỉnh. Đây là những sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Lào Cai được hỗ trợ phát triển sản phẩm theo Nghị quyết số 12 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chính sách hỗ trợ cụ thể như sau: Đối với sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm 3 sao, 30 triệu đồng/sản phẩm 4 sao, 45 triệu đồng/sản phẩm 5 sao. Đối với sản phẩm đạt chứng nhận cấp Quốc gia từ 3 - 5 sao sẽ hỗ trợ 80 triệu đồng/sản phẩm.

Trong đợt 1, Bắc Hà có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh gồm: Rượu ngô đặc sản Bản Phố đạt tiêu chuẩn 4 sao, được hỗ trợ 30 triệu đồng; sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền đạt tiêu chuẩn 5 sao, được hỗ trợ 45 triệu đồng. Qua đó giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền các xã trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản phẩm OCOP, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống bà con.

Tập trung phát triển 6 nhóm ngành hàng

Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, Lào Cai tập trung phát triển 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng tham gia vào 9 nhóm dự án.  Các dự án bao gồm: Nâng cấp/mở rộng/phát triển sản xuất các sản phẩm đã có và phát triển sản phẩm mới, xây dựng 8 trung tâm, 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, khai thác thế mạnh ngành nghề nông thôn gắn với du lịch. Đặc biệt là dự án “Dự án trục du lịch văn hóa thảo dược Hoàng Liên Sơn gắn với OCOP” (thành phố Lào Cai, Tả Phìn, thị trấn Sa Pa, Bản Khoang, Mường Vi, Y Tý, A Mú Sung, thành phố Lào Cai) và “Dự án trục du lịch gắn với OCOP: Thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Si Ma Cai - Mường Khương”.

Trong tổng số 113 sản phẩm nông nghiệp thuộc 6 nhóm ngành hàng trên, khi tham gia OCOP, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020, Lào Cai sẽ nâng cấp, phát triển 60 sản phẩm thế mạnh của các địa phương. Ngoài ra, có 7 huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá với 57 sản phẩm cấp huyện. Trong đó, Bảo Yên 11 sản phẩm, Bát Xát 2 sản phẩm, Bảo Thắng 18 sản phẩm, Mường Khương 8 sản phẩm, Bắc Hà 3 sản phẩm; thành phố Lào Cai 4 sản phẩm, Sa Pa 11 sản phẩm. Huyện Văn Bàn và Si Ma Cai chưa có sản phẩm tham gia đánh giá.

Lào Cai sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa đối với 60 sản phẩm, phát triển mới 30 sản phẩm, củng cố 30 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh của địa phương, phát triển 15 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và kinh phí hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, cá nhân phát triển sản xuất như xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến…