Thông tin thị trường giá cả số 46/2021

11:26 AM 11/11/2021 |   Lượt xem: 20528 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao

Thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi… liên tục có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá thuốc BVTV tăng vào đúng giai đoạn cao điểm sử dụng thuốc khiến bà con lo lắng.

Giá tăng từ 10 - 30%

Bởi trên thực tế, giá vật tư nông nghiệp tăng sẽ khiến giá thành sản xuất nông nghiệp bị đội lên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp..., giá thuốc BVTV tăng trung bình từ 10 - 30% so với mọi năm. Trong đó, chủ yếu là nhóm thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn và vi khuẩn tăng khoảng 10%; thuốc trừ rầy tăng khoảng 30%. Một số loại thuốc cá biệt tăng đến 50%, điển hình như thuốc trừ cỏ. Nguyên nhân tăng giá đều được lý giải là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các phương tiện vận chuyển khó khăn làm cho chi phí vận chuyển tăng cao. Trong khi đó, để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2021 – 2022, các đại lý ở các địa phương đã nhập hàng trong mùa dịch nên phải bán hết lượng hàng tồn mới nhập hàng mới. Với các địa phương còn sản phẩm tồn trong kho, mức giá chỉ tăng nhẹ từ 5 - 7%.

Trong bối cảnh hiện nay, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh thật sự là một gánh nặng đối với nông dân trồng lúa nói riêng và bà con sản xuất nông nghiệp nói chung.

Thuốc trừ cỏ “cháy hàng”

Hầu hết nông dân đều có nhu cầu sử dụng thuốc BVTV khi vụ đông xuân sắp tới. Cá biệt, một số mặt hàng nhóm thuốc trừ cỏ gốc Glufosinate Amonium tăng đến 50% (tăng khoảng 50.000 đồng/sản phẩm) mà không có hàng để bán. Nguyên nhân do tình hình sản xuất của các công ty tại TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn về nhập nguyên liệu, dẫn đến khan hiếm nguồn hàng. Đại diện Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Delta cho biết: Thông thường vào thời điểm này hàng năm, công ty đã chuẩn bị số lượng lớn thuốc BVTV để cung ứng cho thị trường Ðồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ phục vụ cho vụ đông xuân. Thế nhưng đến thời điểm này, công ty chỉ có thể sản xuất khoảng 60 - 70% sản lượng thuốc BVTV so với mọi năm. Nguyên nhân là trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nguyên liệu nhập từ nước ngoài về gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nguồn hàng trong nước khan hiếm cục bộ nên giá có chiều hướng tăng cao hơn trước đây. Trong đó 2 nhóm thuốc có tỷ lệ tăng giá cao nhất là thuốc trừ cỏ, thuốc diệt ốc… Đây lại là 2 nhóm thuốc BVTV mà nông dân ai cũng phải sử dụng đầu vụ lúa đông xuân.

Để bình ổn giá vật tư nông nghiệp, thời gian tới, ngành nông nghiệp cùng các ngành liên quan cần triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ và tích trữ, góp phần ổn định giá phân bón và thuốc BVTV. Theo tính toán, với chi phí đầu vào như hiện nay, nông dân trồng lúa khó có lợi nhuận. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm hơn, tránh lãng phí và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun). Đồng thời, phải tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón và thuốc BVTV nhằm tiết kiệm giảm chi phí... Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom bao bì thuốc để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Phú Yên:

Tiêu thụ khóm ổn định

Vùng khóm Đồng Dinh rộng gần 600 héc-ta trải dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Khóm Đồng Dinh là khóm sạch trồng theo hướng VietGAP và là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương.

Thời gian qua, khóm Đồng Dinh trái lớn tiêu thụ ổn định, giá tăng nhẹ. Ngoài sức mua của các thương lái, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp khóm Đồng Dinh còn bao tiêu sản phẩm cho người trồng. Hiện nay, thương lái mua khóm Đồng Dinh theo nhiều giá. Trái khóm nặng 1kg trở lên là 90.000 đồng/chục “có đầu” (12 trái); rồi sau đó hạ xuống 60.000 đồng/chục, 50.000 đồng/chục và thấp nhất là 10.000 đồng/chục, đây là khóm đẹt. Trước đây chủ khóm chở khóm về nhà để bán, nhưng gần 10 năm trở lại đây thương lái vào tận rẫy đón đầu tranh nhau mua. Thương lái ai cũng có xe tải nên mua xong là chất lên xe chở đi tiêu thụ.

Trong số gần 600 héc-ta khóm thì HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp khóm Đồng Dinh có vùng nguyên liệu sản xuất 30 héc-ta. HTX không chỉ bao tiêu sản phẩm cho người trồng khóm trong vùng nguyên liệu mà còn mua lại từ thương lái tiêu thụ khóm của nông dân xung quanh. Mỗi ngày, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp khóm Đồng Dinh mua lại 1 tấn khóm từ thương lái chuyên mua khóm ở những hộ trồng khóm thuộc xã Hòa Quang Bắc. Đối với khóm trái lớn thì bán trái (cân ký), còn khóm trái nhỏ thì HTX làm khóm sấy, ép nước khóm...

Những năm qua, khóm Đồng Dinh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và đang đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Huyện Phú Hòa đã lập dự án mở rộng diện tích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để đảm bảo ổn định đầu ra; hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung và tăng thu nhập cho nông dân.

Bình Phước:

Tìm đầu ra cho nhãn tiêu da bò

Nhãn tiêu da bò xã Thanh Lương, TX. Bình Long, tỉnh Bình Phước là một trong những mặt hàng nông sản có thương hiệu nhiều năm nay. Mặc dù năng suất cao nhưng người trồng nhãn lại đang lo lắng vì đầu ra không ổn định.

Năm nay, người trồng nhãn trúng mùa, năng suất cao hơn nhiều nhưng giá bán quá thấp, chỉ bằng 1/4 so với mọi năm. Cụ thể, năm ngoái, giá nhãn tiêu da bò đạt 12.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 20.000 đồng/kg. Năm nay, nhãn đạt năng suất cao hơn nhưng giá chỉ từ 2.500 - 5.000 đồng/kg. Trong khi tiền thuê người thu hái chiếm gần 1/2, chưa kể hao hụt do nhãn chín rụng vì không có nơi tiêu thụ. Do đó, hầu hết các nhà vườn đều thua lỗ. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có thương lái đến thu mua kịp thời nên người trồng nhãn thất thu nặng. Trừ chi phí đầu tư, nhân công, thiệt hại trung bình từ 20 triệu đến hơn 30 triệu đồng/héc-ta.

Nhãn Thanh Lương là một trong những mặt hàng nông sản có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước nhiều năm qua. Hàng năm, nhãn tiêu thụ chủ yếu sang thị trường Campuchia và Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng hóa không thể lưu thông. Vì vậy, nhãn chín rụng nhưng không có thương lái đến thu mua.

Trước những khó khăn đó, thời gian qua, Hợp tác xã nhãn tiêu da bò Thanh Lương đã có những giải pháp chia sẻ với người trồng nhãn như: Liên kết đưa sản phẩm nhãn vào siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh, xây dựng lò sấy. Tuy nhiên giải pháp này chưa “thấm” là bao so với sản lượng hàng ngàn tấn, thu hoạch tập trung theo mùa. Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư để xây dựng lò sấy, kho lưu trữ cũng là một trong những khó khăn của nông dân. Vì vậy, mỗi mùa nhãn người dân đều bị các thương lái ép giá.

Giá bưởi da xanh giảm

Tuần qua, giá bưởi các loại tại một số tỉnh phía Nam giảm so với tháng trước dù các tỉnh thành hầu hết đã mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung tăng vào thời điểm thu hoạch. Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, giá thu mua bưởi da xanh chỉ 22.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg so với tháng trước; bưởi năm roi 15.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Dự báo, thời gian tới, giá bưởi sẽ tiếp tục giảm do nhiều địa phương phía Bắc như: Tuyên Quang, Bắc Giang, Sơn La… vào vụ thu hoạch. Bưởi là loại quả có ưu điểm về bảo quản, để được lâu nên có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên quá trình đàm phán mở cửa thị trường bị chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư.

Đam Rông - Lâm Đồng:

Thương lái thu mua sầu riêng tận vườn

Đam Rông hiện có trên 700 héc-ta sầu riêng chủ yếu trồng xen trên diện tích cà phê, tập trung chủ yếu tại các xã Liêng S’Rônh, Đạ Rsal, Rô Men. Trong đó, có hơn 50 héc-ta đang cho thu hoạch. Giá sầu riêng năm nay được bán ở mức trên 30.000 đồng/kg đối với các giống sầu riêng Thái Lan, Donna và 25.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri6 và sầu riêng hạt. Toàn bộ lượng sầu riêng đến thời điểm thu hoạch đều được các thương lái thu mua tận vườn. Đến thời điểm hiện tại, hơn 500 tấn sầu riêng của bà con đến thời điểm thu hoạch đã được tiêu thụ hết cho các vựa thu mua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo tính toán sơ bộ, lợi nhuận tuy có giảm so với các năm trước nhưng người trồng sầu riêng ở huyện Đam Rông vẫn thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng/héc-ta sau khi trừ hết chi phí phân bón, công chăm sóc... cao hơn từ 3 tới 5 lần so với trồng các loại cây truyền thống như: Lúa, bắp, cà phê và điều.

Nghệ An:

Giá cau tăng mạnh

Đầu mùa cau năm 2021, tầm tháng 7, dân buôn cau trên cây mới chỉ mua 25.000 – 30.000 đồng/kg thậm chí rẻ hơn, đến tháng 8 đã mua lên 50.000 – 55.000 đồng/kg. Từ nửa cuối tháng 9 cho đến cuối tháng 10, giá cau tăng vụt lên 70.000 – 80.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cau cao đem lại thu nhập cho người trồng cau, hoạt động thu mua, buôn bán cau cũng trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn. Nhiều người dân ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp… đổ xô đi buôn cau, hái cau. Không ít người trong họ đã chuyển từ buôn trám, trèo trám sang trèo cau. Dân buôn cau tỏa ra khắp nơi trong tỉnh, thậm chí sang cả Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) để mua cau. Cách thức thu mua là mua “quạ” cả vườn, đặt tiền trước hoặc hái xuống, cân lên, tính tiền.

Đồng Văn - Hà Giang:

Lê tiêu thụ thuận lợi

Phù hợp với thời tiết lạnh, chất đất của vùng cao, lê đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, lê tiêu thụ khá chạy, giá bán ổn định, dao động từ 15.000 – 16.000 đồng/kg  đã giúp nâng cao đời sống, tạo công việc ổn định cho người dân.  Đồng Văn xác định, lê là cây ăn quả chủ lực. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu Lê Đồng Văn luôn được chú trọng, đẩy mạnh thương hiệu cây ăn quả đặc trưng của Cao Nguyên đá Đồng Văn. Qua đó, phát huy hết tiềm lực, đẩy mạnh phát triển du lịch, giúp người dân thực hiện tốt cải tạo vườn, đồi tạp.      

Lạng Sơn:

Mở rộng diện tích trồng lạc

Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã mở rộng diện tích trồng lạc, đưa những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ đó, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc… tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích lạc trên địa bàn tỉnh trong 5 năm trở lại đây đều duy trì trên 2.800 héc-ta. Trong năm 2021, toàn tỉnh trồng 2.847 héc-ta, năng suất đạt 18 tạ/héc-ta (tăng 0,7 tạ so với năm 2020), sản lượng đạt 5.124 tấn. Không chỉ năng suất tăng, giá lạc năm nay cũng tăng, giá lạc vỏ khô đạt 31.000 đồng/kg, lạc nhân đạt 59.000 đồng/kg (cao hơn 4.000 đồng so với năm 2020), lạc tươi đạt 18.000 đồng/kg (cao hơn 3.000 đồng so với năm 2020).

Không chỉ mở rộng diện tích trồng lạc, ứng dụng những giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất quan tâm sản xuất, chế biến dầu ăn thực vật từ hạt lạc. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Hưng chế biến dầu lạc với sản lượng dầu lạc tiêu thụ đạt 10.000 lít/năm; cơ sở chế biến dầu lạc Linh Khôi (huyện Văn Lãng) với sản lượng tiêu thụ 3.000 lít/năm.

Nhằm hỗ trợ người dân mở rộng diện tích và đưa lạc trở thành sản phẩm hàng hóa, thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, đặc biệt là áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thâm canh cây trồng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình trình diễn, thử nghiệm những giống lạc mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bao tiêu, chế biến các sản phẩm từ lạc. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây lạc.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tăng cường kiểm soát tuyến biên giới

Thời gian qua, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp tại khu vực biên giới đường bộ, khu vực cảng biển, sân bay quốc tế của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang...

Ma túy được vận chuyển từ khu vực “Tam Giác Vàng” qua biên giới các tỉnh biên giới phía Bắc để vận chuyển tiếp sang Trung Quốc; hoặc vận chuyển từ khu vực “Tam Giác Vàng” qua biên giới các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để vận chuyển tiếp vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam tiêu thụ. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh diễn ra chủ yếu tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng…

Về phương thức, thủ đoạn, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại các địa bàn tỉnh biên giới giáp ranh, các đối tượng sử dụng xe ô tô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Thời gian vận chuyển thường vào ban đêm. Trước khi vận chuyển, tội phạm buôn lậu sử dụng các đối tượng canh đường, theo dõi lực lượng chức năng. Đặc biệt, khi bị truy đuổi, chúng sẽ vứt bỏ lại phương tiện, tang vật chạy trốn, sau đó kích động người dân đến hiện trường chống người thi hành công vụ, kích động gây áp lực để tẩu tán hàng hóa. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa gây khó khăn trong công tác điều tra.

Vì vậy, một nhiệm vụ trọng tâm quý IV là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là lối mòn, lối mở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng mang vào nội địa tiêu thụ.

HÀNG VIỆT

Măng khô Thanh Lâm:

Hành trình xây dựng OCOP

Tại Hội nghị Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2021 của tỉnh Thanh Hóa, sản phẩm “Măng khô Thanh Lâm” đã được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2021. Để đạt được danh hiệu này là cả một hành trình xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí.

Thanh Hóa là thủ phủ tre luồng cả nước, với khoảng 50% luồng và nứa toàn quốc, có sản phẩm măng khô đặc trưng ở nhiều huyện, trở thành món hàng hóa và quà tặng mang tính địa phương nhưng lại chưa thể trở thành sản phẩm OCOP. Đúng thời điểm này, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân có đề xuất đưa sản phẩm măng khô truyền thống của đồng bào Thái địa phương thành sản phẩm OCOP. Các thành viên đến từ các ngành có liên quan của Hội đồng Đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức cả một cuộc họp riêng để thảo luận về tên gọi, tìm hiểu các điều kiện, quy định trong Luật Lâm nghiệp để tránh vi phạm. Khi biết đây là lâm sản phụ, được phép khai thác với điều kiện gắn với khoanh nuôi bảo vệ nên Văn phòng Nông thôn mới tỉnh đã tìm hiểu, hỗ trợ địa phương và chủ thể sản xuất xây dựng các khâu thủ tục.

Bạt ngàn những khu rừng vầu, rừng nứa dại trên các dãy núi, ngọn đồi của xã vùng sâu Thanh Lâm đã trở thành nơi mưu sinh cho đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Thổ ở Thanh Hóa. Đây là nguồn lâm sản phụ được phép khai thác gắn với khoanh vùng, bảo vệ đã được quy định. Ngoài ra, hàng chục héc-ta rừng luồng, tre, măng bát độ của các hộ gia đình có đất lâm nghiệp cũng được chuyên canh để khai thác măng. Trước khi trở thành sản phẩm OCOP, măng khô Thanh Lâm đã trải qua nhiều khâu khảo sát, hoàn thiện thủ tục, hướng dẫn bổ sung những nội dung, những tiêu chí còn thiếu. Trước đây, sản phẩm măng khô địa phương thường có giá bấp bênh do phụ thuộc vào các thương lái thu mua, thu nhập người dân theo đó cũng không ổn định. Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm được thành lập với mục đích hỗ trợ người dân chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ sấy măng, đóng gói và phát triển quy mô sản xuất. Nghề khai thác, sơ chế măng khô đã trở thành hướng mưu sinh hiệu quả của hàng trăm gia đình trong xã Thanh Lâm.

Từ hoạt động khai thác măng, xuất hiện nhiều hộ gia đình chuyên thu gom măng tươi để thuê người sơ chế. Ngoài ra, xã còn khoảng 200 héc-ta nứa, trở thành nguồn nguyên liệu chế biến bền vững. Hiện nay, toàn xã có khoảng 350 lao động chuyên khai thác hoặc chế biến măng khô cho HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm. Các thành viên HTX đã được tập huấn lập kế hoạch kinh doanh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm...

Theo nhiều người dân địa phương, măng khô ở đây có màu vàng đặc trưng, khai thác và chế biến còn tự nhiên, hoàn toàn không dùng hóa chất độc hại. Nếu để quá 2 năm, khi đun nấu lâu trên bếp vẫn có độ dai chứ không mềm nhũn như măng một số nơi khi để lâu. Gần đây, Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) đã vào xã vùng sâu này khảo sát và hỗ trợ xã 2 lò sấy măng với tổng giá trị gần 100 triệu đồng để phát triển sinh kế cho người dân. HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm được giao sử dụng, hiện đã được chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân. Đây cũng là bước ngoặt để hoạt động chế biến măng khô của xã phát triển mạnh do không còn phụ thuộc vào thời tiết, trời không nắng vẫn có thể làm khô măng. Tháng 4 vừa qua, Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa đã cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và các chỉ tiêu liên quan. Theo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, măng phải được luộc 3 lần mới đem sấy khô để loại bỏ hết những chất không có lợi, đến ngưỡng an toàn. Sản phẩm măng sau khi được sơ chế, phơi khô, được yêu cầu hút chân không, phải được đựng trong bao bì có nhãn mác, nơi sản xuất và các thông tin theo quy chuẩn.

Trên thực tế, có nhiều nông sản, sản vật của các vùng miền có chất lượng tốt nhưng nhiều lần đề xuất vẫn chưa được công nhận là sản phẩm OCOP bởi còn một vài tiêu chí chưa đạt. Hy vọng sau khi đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, măng khô Thanh Lâm sẽ “bay cao bay xa” hơn.