TIÊU ĐIỂM |
Bộ Công Thương:
Đưa nông sản Hòa Bình vào hệ thống phân phối
Ngày 14/11/2019, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông, thuỷ sản an toàn, chất lượng tỉnh Hoà Bình năm 2019 đã khai mạc tại Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội). Tuần lễ do Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hoà Bình chủ trì, Sở Công Thương và Tập đoàn Central Retail Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Hưởng ứng các hoạt động kết nối, bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số kết hợp với triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, Bộ Công Thương cùng các đơn vị có liên quan thực hiện các chương trình có điểm nhấn về yếu tố an toàn thực phẩm và đặc sản vùng miền. Chương trình đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến với các hệ thống phân phối hiện đại, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản Việt. Trong đó, tiêu biểu là các hoạt động kết nối tiêu thụ đặc sản an toàn do Bộ Công Thương khởi xướng phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam – chuỗi siêu thị BigC và GO ! từ năm 2018 như: “Tuần lễ cá sông Đà của tỉnh Hòa Bình và Sơn La”; “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La”; “Tuần lễ vải thiều Bắc Giang”; “Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc”… đã tiêu thụ được hơn 20.000 tấn hàng hoá, đồng hành với 139 hợp tác xã trên cả nước và tạo công ăn việc làm cho khoảng 6.000 nông dân Việt.
Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông, thuỷ sản an toàn, chất lượng tỉnh Hoà Bình năm 2019 là hoạt động ý nghĩa nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm cây ăn quả có múi và nông, thuỷ sản an toàn, chất lượng của tỉnh Hoà Bình, giúp người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP…
Tuần lễ đã thu hút số lượng lớn doanh nghiệp từ địa phương với hơn 18 doanh nghiệp, hợp tác xã trưng bày 22 gian hàng giới thiệu các mặt hàng chất lượng nhất và thực hiện chính sách giảm giá khá “sâu” như: Cam Cao Phong (còn 19.900 đồng/kg), bưởi đỏ, bưởi da xanh Tân Lạc (còn 33.000 đồng/kg), quýt Hoà Bình (còn 30.000 đồng/kg)… Ngoài ra, một số mặt hàng lần đầu tiên được giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô như rau, củ, quả Lương Sơn, Yên Thuỷ, các loại trà túi lọc (Sachi, trà cà gai leo, giảo cổ lam…).
Trong khuôn khổ Tuần lễ và tiếp tục thực hiện các nội dung tại Biên bản ghi nhớ hợp tác số 28062019/TT/MOIT-CG ngày 28/6/2019 giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Central Retal Việt Nam, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký hợp đồng nguyên tắc thu mua sản phẩm nông sản đối với một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hoà Bình với tỷ lệ chiết khấu 0%. Đây là việc làm có ý nghĩa và rất đáng biểu dương nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tiếp cận với thực phẩm sạch. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm sát sao của Bộ Công Thương trong việc tìm đầu ra cho nông sản Việt trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành đang quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp chất lượng cao để người dân được hưởng những thành quả về an toàn thực phẩm.
CƠ HỘI GIAO THƯƠNG |
Hòa Bình:
Ớt rừng bán chạy
Thời gian gần đây, bà con người dân tộc Mường ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã mở rộng diện tích trồng ớt rừng do sản phẩm được tiêu thụ tốt, giá cao.
Cây ớt rừng quả nhỏ, độ cay dịu, giòn và thơm được bà con người dân tộc Mường trồng kín vườn nhà. Đây là loại ớt có hương vị đặc biệt, cay vừa phải nên từ lâu đã được bà con người Mường coi là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Trồng ớt rừng ngày càng khẳng định được giá trị kinh tế do giá bán cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Bà con cho biết, giống ớt này là do chim ăn ở trên rừng rồi hạt rơi ra, mọc thành cây con. Khi quả chín, bà con lấy ớt về ăn. Thấy ngon nên bà con lấy về trồng trong vườn nhà, nhưng cũng chỉ trồng vài cây để làm gia vị phục vụ nhu cầu của gia đình. Mấy năm gần đây, nhu cầu mua ớt rừng tăng đột biến, nhiều bà con ở xóm Băn, xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn đã cùng nhau liên kết trồng ớt để làm hàng hóa. Từ đó, Tổ Hợp tác trồng ớt rừng Phú Lương được thành lập với 15 thành viên tham gia trong dự án xây dựng thương hiệu ớt rừng Phú Lương. Các thành viên trong nhóm đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Quy mô sản xuất ban đầu là 3.000 m2 ở xóm Băn và xóm Thếnh, xã Phú Lương, với sản lượng đạt gần 700 kg. Hiện giá bán ớt tươi khoảng 120.000 đồng/kg. Với giá này, nếu so với các cây trồng khác như mía, ngô, trồng ớt rừng cho thu nhập cao gấp 5 lần.
Với đặc trưng về độ nồng, cay, thơm, ngon, ớt rừng Phú Lương đang là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, bà con còn chế biến thành muối ớt. Ớt sau khi thu hoạch được bà con sơ chế, nhặt sạch, ngâm muối, cứ 10kg ớt cho 1kg muối và 1 quả chanh trộn đều lên để chế biến thành muối ớt. So với ớt tươi, muối ớt dễ tiêu thụ, bảo quản được lâu hơn và có thể vận chuyển đi xa.
Nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm ớt rừng Phú Lương, thời gian gần đây, Tổ hợp tác đã tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại. Thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng mô hình này ra các xã khác nếu như đầu ra của cây ớt được đảm bảo.
Quảng Trị:
Giá lợn hơi tăng cao
Tại các tỉnh miền Trung, giá lợn hơi tuần qua tăng nhẹ và tiếp tục vượt mức 70.000 đồng/kg. Trong đó, Quảng Trị là 1 trong 4 địa phương luôn duy trì mức giá tương đối cao so với mặt bằng chung.
Hiện giá lợn hơi tại tỉnh Quảng Trị đã tăng đến mốc 70.000 – 72.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2019. Giá thịt lợn hơi tăng mạnh là lý do khiến giá lợn thành phẩm tăng. Đây có thể coi là mức giá mà người chăn nuôi đang mong đợi. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi vẫn không thể hưởng lợi do lượng lợn chuẩn bị xuất chuồng không còn nhiều hoặc trước đó đã “treo chuồng” nên nay không có lợn để bán. Nguyên nhân khi dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện, giá lợn xuống thấp và luôn biến động thất thường nên nhiều hộ chăn nuôi đã giảm đàn. Đến khi giá bắt đầu tăng lên, cũng không mấy ai dám mạnh dạn tái đàn do lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại. Không chỉ người chăn nuôi, người tiêu dùng mà ngay cả thương lái cũng gặp khó. Từ chỗ không dám mua vào vì giá thấp, khó xuất bán đi nơi khác, hiện nay nhiều thương lái phải đi khắp nơi để tìm mua lợn. Chưa kể, vì giá lợn tăng quá nhanh nên không ít hộ chăn nuôi có ý định găm hàng chờ giá lên thêm mới xuất bán.
Để góp phần ổn định giá lợn thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người chăn nuôi tái đàn cần chú ý đến chất lượng con giống để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, nên chọn mua con giống ở những trại giống uy tín. Theo đó, con giống sau khi mua về bà con phải nuôi cách ly 15 ngày để theo dõi thể trạng, nếu khỏe mạnh mới cho nhập đàn; đồng thời phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định để phòng dịch bệnh.
MUA GÌ - BÁN GÌ? |
Lạng Sơn:
Nấm sò được giá
Những năm gần đây, một số hộ đồng bào xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã phát triển mô hình trồng nấm sò, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vụ nấm được trồng từ đầu tháng 8 Dương lịch đến hết tháng 3 Dương lịch năm sau. Nguồn nguyên liệu để trồng nấm chủ yếu là bông phế thải của các nhà máy dệt. Ngoài ra, các hộ dân còn tận dụng được sản phẩm phụ của nhà nông như rơm, rạ để trồng nấm sò. Hiện nay, tiêu thụ nấm sò thương phẩm khá ổn định với giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá. Ngoài nguồn thu từ nấm thương phẩm, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, các hộ dân còn có thêm nguồn thu từ việc bán các bịch phôi nấm với giá 12.000 – 15.000 đồng/bịch.
Theo các hộ dân trồng nấm, nghề làm nấm so với các nghề khác có ưu điểm là vốn bỏ ra không quá cao, nấm làm ra đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nấm làm ra sạch, không có chất kích thích hay thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Tây Nguyên:
Giá cà phê vẫn ở mức thấp
Đầu tháng 11/2019, nhiều diện tích cà phê niên vụ 2019 - 2020 ở các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào vụ thu hoạch. Mặc dù năng suất, sản lượng vụ cà phê năm nay tăng so với năm trước nhưng giá cà phê những ngày đầu vụ vẫn còn ở mức thấp. Dự báo, thị trường cà phê trong nước giảm mạnh cùng xu hướng thị trường thế giới. Giá cà phê giảm do nguồn cung cà phê toàn cầu hiện đã dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại lan rộng. Giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này ở khu vực Tây Nguyên - nơi chiếm tới 95% diện tích cà phê cả nước, mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo. Bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, rồi thu hái, phơi, sấy…
Hậu Giang:
Điều chỉnh giá thu mua mía lên 730 đồng/kg
Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa có thông báo đến các xã, thị trấn, các hộ trồng mía, các chủ hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu về việc điều chỉnh giá thu mua mía vụ 2019 - 2020. Cụ thể, giá thu mua mía chuẩn 10 CCS tại ruộng là 730 đồng/kg, tăng 30 đồng/kg so với đầu vụ ép. Mức tăng hoặc giảm mỗi 0,1 CCS là 7 đồng/kg. Giá thu mua mía mới điều chỉnh được áp dụng từ ngày 15/11/2019 cho đến khi có thông báo khác thay thế. Ngoài ra, khi thị trường đường có chiều hướng tích cực, công ty sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía thêm cho nông dân.
Đặc biệt, mới đây Bộ Công Thương có Thông tư quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN theo quy định của pháp luật hiện hành. Số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công Thương công bố theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng vào các nước WTO. Thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đường có xuất xứ từ các nước ASEAN thực hiện theo quy định của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Lâm Đồng:
Nhộn nhịp mùa hồng D’Ran
Những ngày này, bà con nông dân Thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính cây hồng vuông đồng. Được mệnh danh là thủ phủ hồng của huyện Đơn Dương, mỗi cây hồng vuông ở D’Ran có năng suất 100 – 150 kg/vụ. Vụ này, bà con phấn khởi bởi giá hồng vuông đồng đang ở mức cao. Giá hồng vuông đồng được thương lái thu mua hiện đang ở mức 20.000 – 25.000 đồng/kg. Với mỗi héc-ta chuyên canh hồng vuông, nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng/vụ.
Hồng sau khi được thu hái sẽ có thương lái vào tận vườn thu mua. Sau đó tập kết về các vựa để sơ chế, phân loại, đóng thùng xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhà nào không có nhân công thu hái có thể khoán luôn cả vườn cho thương lái.
Huyện Đơn Dương đang trồng khoảng 1.000 héc-ta cây hồng các loại gồm cả trồng xen và chuyên canh.
CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG |
Hoằng Hóa (Thanh Hóa):
Liên kết trồng cà rốt xuất khẩu
Xác định liên kết sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng giúp bà con ven biển ổn định đầu ra cho nông sản, thời gian gần đây, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.
Điển hình là mô hình liên kết với doanh nghiệp để trồng cà rốt xuất khẩu. Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 - 30% so với sản xuất thông thường và góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Vụ đông xuân 2018 - 2019, Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam đã thuê 52 héc-ta đất canh tác của trên 1.000 hộ dân tại 3 xã Hoằng Đạo, Hoằng Lưu và Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, để trồng cà rốt xuất khẩu. Đây vốn là những diện tích sản xuất cây truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí một số diện tích còn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Huyện Hoằng Hóa đã phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể các xã tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, cho doanh nghiệp thuê lại trong 10 năm, với giá 1,7 triệu đồng/sào/năm. Từ năm thứ 6 trở đi, giá thuê đất sẽ tăng thêm 25%. Hiện lứa cà rốt đầu tiên đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 3 tấn củ/sào.
Cà rốt sau khi thu hoạch được Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam sơ chế, đóng gói tại nhà máy đặt trên địa bàn xã Hoàng Lưu để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia. Mô hình sản xuất cà rốt theo chuỗi đã tạo việc làm cho 165 lao động tại vùng nguyên liệu và nhà máy với thu nhập bình quân từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Thành công của mô hình đã tạo tiền đề cho xã Hoằng Lưu tiếp tục xây dựng các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, các hình thức liên kết sản xuất hiệu quả.
CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI |
Bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu đồng
Tại một số cửa hàng tạp hóa ở vùng cao, chợ quê, bà con thường bày bán các loại thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm, đồ ăn liền… mà không biết có thể bị phạt tiền.
Vấn đề này mới được quy định trong Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2019. Theo đó, Điều 39 vi phạm quy định về điều kiện mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau: Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm; điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn; không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…
Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm, cửa hàng vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 1 - 3 tháng.
HÀNG VIỆT |
Đưa tinh dầu sả bay xa
So với các loại cây trồng truyền thống khác ở huyện Mường La (tỉnh Sơn La), cây sả Java tốn ít công chăm sóc và phù hợp với vùng đất đồi, đất cằn. Tinh dầu sả Java cũng là sản phẩm được sản xuất theo chương trình “Mỗi làng, xã một sản phẩm” (OCOP).
Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng
Sả Java là loại cây ưa nắng nóng, rất phù hợp với đất dốc, đất khô cằn của huyện Mường La. Nhận thấy những đặc điểm đó, 2 - 3 năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng sả Java để lấy tinh dầu. Đây là mô hình sản xuất khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Do phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nên cây sả Java trồng trên địa bàn xã Pi Toong phát triển tốt và đang được nhân rộng, làm nguyên liệu cung cấp cho Hợp tác xã sản xuất, chiết xuất tinh dầu, dược liệu và nông lâm nghiệp Mường La (HTX Mường La). Các hộ đồng bào dân tộc tham gia trồng sả đã có thu nhập ổn định và cao hơn trồng ngô. Anh Lò Văn Thành, bản Chò, xã Pi Toong, huyện Mường La cho biết: “Năm ngoái, gia đình tôi trồng ngô chỉ thu được 7 - 8 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển sang trồng sả, bình quân mỗi năm chúng tôi thu được 10 - 12 triệu đồng. Hơn nữa, trồng sả mang tính lâu dài hơn vì 3 - 4 năm mới phải trồng lại”.
Tìm đường xuất khẩu
Nhận thấy triển vọng từ trồng sả, tháng 8/2018, HTX Mường La đã vận động bà con tham gia HTX, chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sả Java. Với những thành viên chưa có vốn, HTX hỗ trợ 30 - 50% số tiền mua cây giống. HTX cũng tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sả cho các hộ tham gia mô hình, ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho các hộ dân theo giá thị trường và cam kết tối thiểu không dưới 1 triệu đồng/tấn. Nhờ sự liên kết này, HTX có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động sản xuất tinh dầu, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vừa ổn định thu nhập của các thành viên.
Để sản xuất tinh dầu, HTX đã chủ động tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, xây lò chiết xuất tinh dầu, tìm kiếm thị trường và tiến tới đa dạng sản phẩm, xây dựng thương hiệu “Sả Java Mường La” trên thị trường. Đến nay, sản phẩm tinh dầu của HTX chủ yếu là tinh dầu dạng lọ có vòi xịt và lọ nắp đậy dùng cho đèn xông tinh dầu, giá bán dao động 150.000 – 250.000 đồng/chai tùy loại.
Hiện sản phẩm tinh dầu sả Java của Mường La đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và hướng đến xuất khẩu. Hợp tác xã cũng đã đăng ký và hướng dẫn các hộ đồng bào trồng cây sả Java theo chương trình OCOP. Thời gian tới, việc mở rộng vùng trồng sả và hướng đến các sản phẩm từ cây sả đang là chủ trương của huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Từ cây sả, Mường La sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm đặc trưng khác trở thành sản phẩm OCOP.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết, các sản phẩm OCOP phải là những sản phẩm mang đặc trưng của mỗi làng xã, mỗi địa phương. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Mường La dự tính có ít nhất 2 - 3 sản phẩm mỗi năm để các nông hộ, nhóm hộ và HTX đăng ký theo hình thức đặc sản đối với địa phương và tinh dầu sả Java là sản phẩm điển hình.
Trồng sả và chiết xuất tinh dầu trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của HTX Mường La còn gặp không ít khó khăn. Đó là vùng trồng nguyên liệu đa số là đồi núi, khó đưa máy móc thiết bị vào sản xuất; người dân chủ yếu thu hoạch theo cách thức thủ công… Chính vì vậy, trước mắt, HTX mong muốn được hỗ trợ để mở rộng diện tích nhà xưởng và khu điều hành, đầu tư thêm trang thiết bị chiết xuất tinh dầu để đáp ứng hoạt động khi diện tích vùng nguyên liệu mở rộng.